Saturday 15 September 2012

Xin đừng đứng bên mồ tôi nhỏ lệ

Xin đừng đứng bên mồ tôi nhỏ lệ

Phan Hạnh


1. Từ một cái chết ở Bạc Liêu


 Cái chết do tự thiêu ngày 30-7-2012 của bà Đặng thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần đang bị CSVN giam cầm, đã gây xúc động và tiếng vang lớn trong cộng đồng người Việt hải ngoại và quốc tế. Nó đã khiến cho nhiều người dù trước đây ít quan tâm đến diễn biến thời cuộc trên đất nước Việt Nam cũng chạnh lòng. Đến khi xem đoạn video quay cảnh Bùi Minh Hằng, người biểu tình bất khuất chống Tàu Cộng, đứng trước quan tài bà Kim Liêng nghẹn ngào rưng rưng xin được thay mặt người bạn cùng chí hướng Tạ Phong Tần để tang cho mẹ, nhiều người thực sự cảm động.


 Tha nhân động lòng trắc ẩn nghĩ đến người mẹ hiền Đặng thị Kim Liêng chịu lây khổ ải với con, bị công an CSVN liên tục khủng bố tinh thần, mặc dù con bà là chị Tạ Phong Tần không muốn việc làm của mình ảnh hưởng đến gia đình. Nhưng CSVN không những đàn áp người phụ nữ kiên cường ấy mà còn tìm đủ mọi cách gây tai họa cho gia đình chị. Họ nhắm đối tượng và tạo áp lực mạnh nhất vào người mẹ, vì đó chính là nguồn yêu thương cao cả nhất của mọi đứa con. Bà mẹ chọn lấy cái chết phải chăng để phản đối nhà cầm quyền CSVN đã bức hại gia đình bà và đứa con của bà. Bà muốn bày tỏ nỗi đớn đau của người mẹ thương xót con đang chịu cảnh đọa đày. Hay phải chăng bà muốn cho con khỏi còn bận tâm để tập trung nghị lực vào công cuộc đấu tranh, chẳng khác nào Nguyễn Phi Khanh khi xưa tại ải Nam Quan đã khuyên con là Nguyễn Trãi hãy thôi khóc than mà quay về Thăng Long nuôi chí báo thù.


 Sau cuộc gặp gỡ nói chuyện 30 phút với thân chủ tại trại giam, luật sư Nguyễn Quốc Đạt cho biết Tạ Phong Tần vẫn bình tĩnh sau khi hay tin mẹ tự thiêu vì cô đã đoán trước được sự việc xảy ra nên không sửng sốt gào thét như tin đồn. Luật sư Đạt nói thân chủ của ông vững vàng chuẩn bị tinh thần lẫn thể chất cho phiên xử sắp tới chứ không buồn rầu than khóc. Nào ai biết được đôi khi sự đau đớn tình cảm dằn nén không bật ra tiếng khóc ban ngày chỉ bộc lộ trong bóng đêm lẻ loi bằng những dòng lệ nóng âm thầm tuôn chảy.


 Người mẹ Đặng thị Kim Liêng tự thiêu chết trước đồn công an, đúng ra theo lẽ tự nhiên, người con Tạ Phong Tần khi hay tin sẽ đau lòng lắm. Tiếng khóc không bật thét vỡ òa; nước mắt không trào dâng tuôn chảy từ mạch lệ, phải chăng nỗi hờn đau chất ngất đã vượt lên trên mọi cảm xúc bình thường của người con vì đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp mà vướng vòng tù tội. Điều này không khỏi khiến tôi nghĩ đến bài thơ Do not stand by my grave and weep.


2. Bài thơ mất 66 năm sau mới tìm ra đúng tác giả


 Mary Frye cảm tác viết ra bài thơ duy nhất trong đời sau khi nghe cô bạn di dân người Đức gốc Do Thái ở trọ nhà bà đau buồn kể chuyện mẹ cô mất ở quê nhà nhưng không thể về thọ tang. Mary Frye không phải là thi sĩ chuyên nghiệp theo nghĩa thông thường mà chỉ là một phụ nữ nội trợ và làm nghề cắm hoa an phận với cuộc đời bình dị. Đó là một trong những lý do bài thơ Do not stand by my grave and weep phổ biến trong nhiều thập niên nhưng tác giả chẳng biết là ai.


Qua bài viết tựa đề Con Người và Cái Chết của Tướng Lê Văn Hưng nơi địa chỉ nhật ký mạng http://thienbang3.blogspot.ca/2011/09/con-nguoi-va-cai-chet-cua-tuong-le-van.html, blogger Thien Bang có đề cập đến quyển sách Last Man Out – A Personal Account of the Vietnam War của tác giả James E Parker Jr, một nhân viên CIA rời khỏi Việt Nam cuối cùng vào ngày 1 tháng 5, 1975. Theo blogger Thien Bang, James E Parker Jr dành nhiều chương trong quyển sách này viết về các vị tướng tá tuẫn tiết của QLVNCH với sự ca ngợi và niềm kính phục sâu xa, nhất là tướng Lê Văn Hưng.


 Thien Bang viết: “Sau phần Lời Bạt, và xếp cuối trang sách “Last Man Out” James E. Parker Jr. đã chọn bài thơ của một chiến binh Mỹ ẩn danh (Làm tại Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, khoảng năm 1969). Từ và ý bài thơ hoa mỹ, lãng mạn và phảng phất siêu thoát, nhưng dứt bằng một câu thơ đầy hào khí tang bồng hồ thỉ như khí tiết của những chiến sĩ, hiệp khách Đông Phương:

Do not stand by my grave and weep:
I am not there. I do not sleep…
I am a thousand winds that blow
I am the diamond’s glint on snow
I am the sunlight on ripened grain
I am the gentle autumn’s rain
When you awake in the morning’s hush
I am the swift uplifting rush
Of quiet birds in circle flight
Do not stand by my grave and cry:
I am not there. I did not die.


Tạm dịch nghĩa:

Đừng đứng bên mộ anh và nhỏ lệ:
Anh không ở trong mộ này. Anh không ngủ đâu em.
Anh là ngàn ngọn gió thổi khắp phương trời
Anh là kim cương lấp lánh trên tuyết lạnh
Anh là ánh nắng nhuộm vàng hạt lúa chín
Anh là giọt mưa của trời thu êm ả
Khi em thức giấc lúc ban mai thinh lặng
Anh là lực xua đàn chim vụt bay cao
Những cánh chim lặng lẽ lượn những đường vòng
Đừng đứng bên mộ anh và khóc lóc:
Anh không ở trong mộ này. Anh không chết đâu em.


 Bài thơ không tựa và tác giả ẩn danh trên, tác giả James E. Parker Jr. xếp liền ngay sau phần mô tả cái chết của Tướng Hưng để xem như vòng hoa tang cho một ông tướng cốt cách hào hoa.”


 Thật ra, theo bách khoa từ điển mở Wikipedia, Do not stand by my grave and weep là một bài thơ độc nhất nhưng rất nổi tiếng do phụ nữ người Mỹ tên Mary Elizabeth Frye sáng tác vào năm 1932 trong một bối cảnh khác.


 Trong Anh ngữ, các đại danh từ “I” và “You” có thể diễn đạt trong bất cứ mối liên hệ nào cũng được. Khi dịch ra Việt ngữ, hai đại danh từ đó thay đổi tùy từng mối liên hệ ngôi thứ vai vế và kể cả tình huống nữa.


Do đó, bản dịch Việt ngữ trên đây xứng hợp trong liên hệ chồng vợ, như lời nhắn nhủ của tử sĩ dành cho quả phụ trong hai câu cuối: “Đừng đứng bên mộ anh và khóc lóc/Anh không ở trong mộ này. Anh không chết đâu em.”


Nhưng Mary Elizabeth Frye đã viết lên bài thơ trong một bối cảnh khác và mối liên hệ khác. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần trở lui về quá khứ của 80 năm trước.


3. Nguyên nhân và nguồn cảm hứng


 Mary Elizabeth Clark chào đời tại thành phố Dayton tiểu bang Ohio vào ngày 13 tháng 11, 1905 và mất ngày 15 Tháng Chín năm 2004. Mồ côi từ lúc mới lên 3 tuổi, Mary kết hôn với Claud Frye năm 1927 và trở thành bà nội trợ Mary Frye sống ở thành phố Baltimore. Chính nơi đây, Mary đã viết lên bài thơ độc nhất vào năm 1932. Vào thời điểm đó, vợ chồng Frye có cho một cô gái di dân người Đức gốc Do Thái tên Margaret Schwarzkopf trú ngụ. Margaret Schwarzkopf lo lắng về tình trạng đang đau bệnh của người mẹ ruột của mình vẫn còn ở Đức. Sự gia tăng của phong trào bài xích người Do Thái ở nước Đức đã khiến cho Margaret khó có thể trở về quê thăm mẹ. Khi mẹ qua đời bên kia bờ Đại Tây Dương, Margaret đau khổ nói với Mary Frye rằng cô đã không có cơ hội để đứng trước ngôi mộ của mẹ và được khóc. Mary Frye làm bài thơ trong một khoảng khắc thương cảm hoàn cảnh của người khác vì bản thân mình cũng mất mẹ và thiếu vắng tình thương của mẹ từ khi ba tuổi.


 Nơi bàn ăn nhà bếp, trong ngập tràn cảm xúc bất chợt, Mary đã viết lên những dòng thơ trên một bao giấy dầu màu nâu đựng thức ăn mua ở chợ. Sau này bà kể ý nghĩ về sự tử sinh tự nhiên nảy ra trong đầu óc và tuôn chảy qua ngòi bút bằng dòng thơ. Mary Frye đã tự đặt mình vào vai trò của một người mẹ qua đời khuyên đứa con gái đừng bi lụy khóc than:

Con đừng đứng bên mồ Me thổn thức
Vì Me không yên ngủ ở nơi đây
Me là ngàn gió thổi giữa rừng cây
Là hạt tuyết tựa kim cương lấp lánh.
Me là nắng nhuộm vàng bông lúa chín
Là cơn mưa dìu dịu những ngày thu
Khi con thức dậy buổi sáng nhẹ ru
Me chính là sự vút lên bỗng chốc
Của đàn chim lặng lẽ lượn thành vòng
Con đừng đứng bên mồ Me thổn thức
Me không ở đây. Me đã chết đâu.
(Phan Hạnh tạm dịch)


 Sau đó Mary Frye đã đưa bài thơ mà bà đã ngẫu hứng cảm tác cho một số người thân trong gia đình và bạn bè xem. Dù bài thơ không bao giờ được công bố để bảo vệ bản quyền bằng một văn kiện chính thức nhưng nó vẫn tồn tại qua thời gian và đã được xác nhận bằng cáo phó của bà đăng trên báo Times và điếu văn của người thân đọc trong tang lễ khi bà mất.


 Báo Times đã xác nhận Mary Frye là tác giả không thể tranh cãi của bài thơ nổi tiếng này, một bài thơ đã được ưa chuộng xướng đọc tại tang lễ và những dịp thích hợp khác trên toàn thế giới trong suốt tám mươi năm qua. Kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến những người mê đọc sách năm 1996 bầu chọn nó là bài thơ được yêu thích nhất của Anh quốc.


 Nhiều người ở vương quốc Anh bắt đầu nghe biết đến bài thơ kể từ khi cha của một người lính Anh bị tử thương do một vụ nổ bom ở Bắc Ái Nhĩ Lan đã nhờ đài phát thanh BBC đọc lên vào năm 1995 để tưởng nhớ con trai của ông. Điều này đã gợi trí tò mò của nữ phóng viên báo chí Abigail Van Buren. Nữ ký giả này đã bỏ ra mấy năm mở cuộc điều tra truy tìm tác giả và sau cùng tìm ra đầy đủ bằng chứng xác nhận năm 1998. Bản chính gốc của bài thơ đã được báo The Times ấn hành và được đọc trong tang lễ của tác giả ngày 5 tháng 11 năm 2004.


 Trước khi được chính thức xác nhận của Mary E. Fry và qua nhiều thời kỳ khác nhau, bài thơ này đã được cho là của JT Wiggins, một di dân người Anh ở Mỹ hoặc của Marianne Reinhardt, một chiến binh Mỹ ẩn danh nào đó nơi vùng cao nguyên Việt Nam, và gần đây là Stephen Cummins, một người lính Anh thiệt mạng ở Bắc Ireland đã để lại một bản sao cho người thân của mình. Nhiều người khác cho đó là một lời cầu nguyện trong lễ chôn cất của người da đỏ Navajo ở miền Tây Nam Hoa Kỳ.


4. Sự lan truyền và ảnh hưởng của bài thơ


Tương tự như trường hợp bài thơ High Flight của John Gillespie Magee Jr (qua bài viết Chuyến Bay Cao của Phan Hạnh), bài thơ Do Not Stand at My Grave and Weep của Mary Elizabeth Frye trở nên rất nổi tiếng và được trích dẫn một cách rộng rãi. Người ta xướng đọc bài thơ tại các buổi lễ tưởng niệm truy điệu cho tử sĩ. Năm 1966, Wilbur Skeels đã phổ nhạc, dùng nguyên hai câu đầu và nguyên phần cuối của bài thơ và chỉ thay đổi phần giữa. Bản nhạc được cầu chứng bản quyền; bài thơ nguyên thủy thì không.


 Năm 2002, ban nhạc Crumble Lane biến bài thơ thành một nhạc khúc tên là Tom Medlin trong đĩa album Operation Overlord.


 Năm 2003, nhạc sĩ Lizzie West cũng mô phỏng theo bài thơ Do Not Stand at My Grave and Weep và viết ra nhạc phẩm Prayer. Qua năm sau, giám đốc âm nhạc của ban đồng ca Libera là Robert Prizeman cũng phổ nhạc bài thơ và giữ nguyên tựa Do Not Stand at My Grave and Weep.


 Năm 2001, tiểu thuyết gia kiêm nhà soạn nhạc người Nhật Arai Mitsuru đã dịch bài thơ này sang tiếng Nhật và phổ thành ca khúc Sen No Kaze Ni Natte. Khởi đầu Arai chỉ làm ra 30 dĩa đơn để tặng cho bạn bè thân quen. Hai năm sau, bài hát tiếng Nhật này được đăng trên báo Asahi và bắt đầu gây được tiếng vang. Năm 2005, bài hát này được biểu diễn trong buổi hòa nhạc từ thiện kỷ niệm mười năm trận động đất thế kỷ ở Hanshin – Osaka. Qua năm sau nữa, ca sĩ giọng kim Akikawa Masafumi hát bài hát này và gây được sự chú ý đặc biệt trên toàn nước Nhật. Ngày 22/1/2007, bài hát này đứng đầu trong bảng xếp hạng đĩa đơn hay nhất trong lịch sử nhạc cổ điển ở Nhật. Ngay khi giành được vị trí đầu bảng, tuần đầu tiên đã bán được 29,094 đĩa, tuần thứ hai 89,994 đĩa và tuần tiếp theo 101,532 đĩa.


Akikawa Masafumi cũng đã sang Việt Nam tham dự Đại Nhạc Hội Hữu Nghị Nhật Việt và trình bày nhạc phẩm này vào ngày 24/5/2008 tại Trung tâm hội nghị quốc gia NCC Hà Nội và ngày hôm sau tại Nhà hát Hòa Bình Sài Gòn. Thế là bài thơ Đừng đứng bên mồ tôi nhỏ lệ của Mary Frye trở thành ngàn cơn gió trong bao nhiêu người thuộc giới thưởng ngoạn trẻ Việt Nam.


 Năm 2008, nhà soạn nhạc Đại Hàn Kim Hyo Keun cũng dịch bài thơ ấy và phổ thành nhạc khúc Ngàn Gió.


 Năm 2011, cặp ca sĩ Harry Manx và Kevin Breit lấy bài thơ làm lời cho một nhạc khúc mang cùng tên xuất hiện trong đĩa nhạc "Strictly Whatever" của họ.

Năm nay (2012), đạo diễn Carl Davis thực hiện một phim ngắn tựa A Thousand Winds và dùng một phần bài thơ này như lời đối thoại được ngắt thành nhiều đoạn.


 Bài thơ được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới như Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Hòa Lan, Pháp, Đức, Do Thái, Nga, Tây Ban Nha, Na Uy, Thụy Điển…


5. Những bài thơ có nội dung tương tự


 Như đã đề cập ở đoạn trên, bài thơ Do Not Stand at My Grave and Weep được ưa chuộng và đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, xướng đọc trong các tang lễ, truy điệu, phổ nhạc, phóng tác thành truyện ngắn, trích dẫn trong văn chương, phim ảnh và kịch nghệ.


 rên nước Nhật, bài thơ Do Not Stand at My Grave and Weep trở thành bài nhạc Sen No Kaze Ni Natte có nghĩa là “Trở thành ngàn cơn gió”:


 Đừng khóc trước mộ tôi
Tôi không có ở đấy, cũng không ngủ ở đấy
Trong hàng ngàn cơn gió
Tôi đã biến thành hàng ngàn cơn gió
Trên bầu trời cao kia
ôi đang thổi
 
Trở thành ánh sáng của mùa thu chiếu trên cánh đồng
Mùa đông như kim cương trở thành bông tuyết trắng
Buổi sáng trở thành chim đánh thức em dậy
Buổi tối trở thành sao bảo vệ em
Đừng khóc trước mộ tôi
Tôi không có ở đấy đâu, tôi không chết
Trong hàng ngàn cơn gió
Tôi đã biến thành hàng ngàn cơn gió
Trên bầu trời cao kia
Tôi đang thổi
Trong hàng ngàn cơn gió
Tôi đã biến thành hàng ngàn cơn gió
Trên bầu trời cao kia
Tôi đang thổi
Trên bầu trời cao kia
Tôi đang thổi


 Một phiên bản Thụy Điển khi dịch ngược trở lại Anh ngữ có những câu như sau:


 Do not weep at my grave - I am not there
I am in the sun's reflection in the sea
I am in the wind's play above the grain fields
I am in the autumn's gentle rain
I am in the Milky Way's string of stars
And when on an early morning you are awaked by bird's song
It is my voice that you are hearing
So do not weep at my grave
I am not dead. I only left.


 Đừng đứng trước mộ tôi lau lệ
Tôi nào có nằm dưới đây đâu
Tôi là tia nắng chiếu trên biển sâu
Tôi là ngọn gió đùa trên đồng lúa
Tôi là mưa nhẹ giữa trời thu úa
Tôi là chùm sao trên dãy Ngân hà
Sớm bạn thức dậy bởi tiếng chim ca
Đó là giọng tôi bạn nghe đó ạ
Vậy trước mộ tôi bạn đừng khóc nhé
Tôi nào chết đâu, tôi chỉ rời xa.
(Phan Hạnh tạm dịch)


 Bài thơ Khi Tôi Chết của Bút Xuân Trần Đình Ngọc gồm hai phân khúc có ý nghĩa tương tự với “Đừng đứng bên mồ tôi nhỏ lệ”:
...............
Khi tôi chết, nếu thấy mây cợt gió
Ðó hồn tôi thinh lặng ở trên cao
Vẫn theo dấu bước chân người yêu nhỏ
Nhớ thương tôi đôi ngấn lệ dạt dào.


Khi tôi chết, nếu thấy trời nổi gió
Là hồn tôi sinh động ở muôn phương
Một bông hồng vừa nở bừng trước ngõ
Tôi dâng đời, dâng tất cả Yêu thương!


 Lời kết


 Có người cho rằng chết giống như cởi bỏ chiếc áo cũ để mặc vào chiếc áo mới đẹp đẽ hơn. Người chết là người ngủ một giấc ngủ không bao giờ thức dậy nữa (an giấc ngàn thu). Vì vậy con người không nên bi lụy khóc than khi người thân qua đời. Nhưng trên thực tế, không ai không cảm thấy nỗi đau mất mát to lớn choáng ngợp khi phải vĩnh viễn chia lìa người mình thương mến. Nỗi đau bao giờ mới nguôi ngoai khó mà xác định. Phản ứng và sự biểu lộ cảm xúc trước cái chết cũng mỗi người mỗi khác và còn tùy thuộc vào phong tục xã hội. Có người gào khóc vật vã, có người chỉ thầm rơi lệ.


 Sinh ly tử biệt là định luật thường tình bất biến của cuộc đời nên con người đành chấp nhận. Đến một lúc nào đó, những người chúng ta yêu thương đều sẽ mất đi theo thời gian. Chấp nhận sự mất mát là liều thuốc tinh thần giúp chữa lành những nỗi đau và đem lại cho chúng ta sự bình an.


 Tóm lại, tình trạng vĩnh viễn chia lìa với người thân yêu có thể đem lại một nỗi đau sâu thẳm, nhưng chúng ta nên biết chấp nhận, không nên chìm đắm trong sầu bi khổ lụy vô ích. Blogger Tạ Phong Tần không gào khóc khi hay tin mẹ mất vì con đường đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do trước mặt còn nhiều gian nan. Linh hồn người mẹ linh thiêng là làn gió thoảng, là tia nắng ban mai, là tiếng mưa rơi lộp độp trên mái trại tù, là ánh trăng sao mong manh chiếu qua song sắt buồng giam… Văng vẳng trong tâm thức đứa con như có tiếng thì thầm của mẹ: “Con đừng đứng bên mồ Me thổn thức… Vì Me không yên ngủ ở nơi đây.” Trong đêm lẻ loi, trên má người cô thế có hai dòng lệ lăn dài…


 Phan Hạnh.


 Nguồn tham khảo:
http://www.youtube.com/watch?v=3HuRt4vloEA
http://en.wikipedia.org/wiki/Do_not_stand_at_my_grave_and_weep
http://dotchuoinon.com/2009/04/06/d%E1%BB%ABng-d%E1%BB%A9ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%99-toi-va-than-khoc/
http://www.tienlagi.com/dien_dan/archive/index.php/t-2088.html?s=e0ef79f8a1a31fcf8b2a886e2e690f57

No comments:

Post a Comment