Monday 17 September 2012

Lan Man Chuyện Câu Cá (Phiếm luận)


Lan Man Chuyện Câu Cá

 


Phan Hạnh, Toronto.

Ngày 3 tháng Sáu, 2009, nhật báo Toronto Star có đăng một bài viết của phóng viên Raveena Aulakh tường thuật vấn đề dân câu gốc châu Á ở tỉnh bang Ontario đi câu mà cảm thấy bất an vì gặp phải sự kỳ thị của dân câu người bản xứ. Bài viết cho rằng bất chấp Ủy Ban Nhân Quyền Ontario đã tích cực tìm mọi phương thức giải quyết, dân câu gốc châu Á vẫn cảm thấy họ tiếp tục bị quấy nhiễu. Chính bà Ủy Viên Barbara Hall cũng nhìn nhận như thế, “There's a lot that has been done but more work needs to be done” trong buổi lễ công bố bản báo cáo sau cùng tại một buổi dạ vũ ở Markham. Vụ đáng tiếc mới nhất xảy ra cuối tháng Giêng vừa qua và có một số người can dự đã bị bắt về tội thù ghét người khác (hate crimes). Do khuyến cáo của Ủy Ban, cảnh sát đã tăng cường sự tuần tra ở các tụ điểm câu cá đồng bộ với chiến dịch Bạn Ði Câu Ðừng Sợ (Fish Without Fear). Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên cũng tu chỉnh các điều lệ câu cá năm 2009 để bao gồm thông điệp chống kỳ thị chủng tộc. Âu cũng vì sự khác biệt văn hóa và nếp suy nghĩ.

Thật sự vấn đề này đã ngấm ngầm xảy ra từ vài năm nay trong mức độ tương đối không nghiêm trọng lắm. Hơn nữa, các nạn nhân bị sách nhiễu chỉ được gọi chung là người dân châu Á và căn cứ theo tên họ, phần lớn họ là người gốc Trung Hoa chứ không phải chỉ riêng người Việt như một cái tựa mang tính cách giật gân trên báo mạng ở Cali hồi năm ngoái (tin Người Việt Câu Cá Bị Kỳ Thị Tại Canada  nơi địa chỉ trang mạng: http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=62603194dbdc1875abbe67fc102d6200).

Phần đông di dân gốc Á Ðông như Mít ta thường hay đi câu với cả gia đình, một sinh hoạt lành mạnh không có gì đáng phàn nàn. Dân bản xứ quan niệm về câu cá hơi khác chúng ta; cho nên đã từng xảy ra vài sự đụng chạm. Khác biệt văn hóa mà, làm sao tránh khỏi.

Họ câu cá trong im lặng, còn người Á đông thì ... hơi ồn ào, đi câu chỗ công cộng mà cứ tự nhiên như ở nhà, vừa câu vừa mở loa miệng hết volume đấu hót bằng tiếng mẹ đẻ thoải mái. Câu được cá, dù là con cá nhỏ xíu, đàn bà con nít phe Á đông reo lên mừng rỡ chạy tới chạy lui tíu tít và gỡ cá bỏ bào giỏ. “Baby killer!”, một tay câu da trắng liếc qua và bình luận bâng quơ. Một tay khác sẵn trớn xầm xì, “Asian invasion!”, cuộc xâm lấn bởi dân châu Á!. Ðó là từ ngữ dân câu người bản địa gọi thầm để ám chỉ đám dân câu da vàng mũi tẹt, có thể là Tàu, Phi, Nam Dương, Ðại Hàn, Thái Lan, Miến Ðiện, Miên, Lào, hay Mít ta, mỗi khi họ đang câu yên ổn mà bị quấy rầy. Một lời cay độc thốt ra bất chợt trong lúc bực mình, hay phản ứng kỳ thị chủng tộc? Những vụ xung đột nho nhỏ đã xảy ra. Dân câu gốc Á bị xỉ vả bằng lời, bị giật lấy đồ nghề câu, bị ném đá, và bị xô té xuống nước. Chính phủ Ontario đã phải lập ra một ủy ban tra vấn Asian Canadian Angler Inquiry hồi tháng Mười Một năm 2007 để tìm biện pháp giải quyết thỏa đáng. Ủy ban đã ghi nhận 30 vụ khai báo người câu gốc dân châu Á bị sách nhiễu phần lớn xảy ra tại các vùng hồ Simcoe, Peterborough và Rideau Locks (hệ thống các trạm khóa nước để đưa ghe tàu lên xuống trên kinh đào Rideau).

Tháng Năm năm 2008, Ủy Ban đã đưa ra bảng tổng kết 50 điểm nhận xét và khuyến cáo. Và hôm nay, vấn đề coi như đã được chính phủ giải quyết xong mặc dù dư luận người gốc Hoa, qua lời tuyên bố của luật sư Avvy Go, có vẻ vẫn chưa hài lòng.

Dạo nầy, tôi nghỉ hưu nằm nhà, tự do muốn ăn muốn ngủ bao nhiêu thả cửa, nhưng buổi sáng vẫn cứ mở mắt không ra. Cuối tuần có người đi câu rủ rê, tôi nói ừ, đi thì đi theo chơi cho biết thử xem có bị kỳ thị hay không. Chúng tôi đến khúc sông Credit River (chạy dọc theo con đường nhà giàu Mississauga Rd.) ở khoảng Dundas St.W. Người câu ở đây có Tàu, Phi, Việt, da trắng, da đen, da vàng đủ cả. Mạnh ai nấy câu, mọi người đều vui vẻ. Cá salmon, cá lake trout bự tổ chảng. Người muốn thả xuống, người khác đến xin mang về nhà, không sao cả! Ðây là chốn công cộng, chẳng phải xóm nhà của riêng ai mà bảo là “xin đừng làm ồn để cho người cần sự yên tĩnh nghỉ ngơi”.

Thật ra tôi bỏ nghề câu cá từ lâu lắm rồi sau khi tôi đã trót lỡ buông lời thề độc. Bây giờ nghe bạn rủ rê, tôi chỉ muốn đi theo dòm chơi thôi, dĩ nhiên là chỉ dòm cá. Người có tiền hưởng nhàn bằng cách đi du lịch Việt Nam hay nước nầy nước nọ, thăm thú đó đây, ngắm danh lam thắng cảnh có nhiều kỳ hoa dị thảo. Có người mua ống dòm đi vô rừng ngắm chim, mà đối với tôi thì chim nào cũng vậy! Tôi nằm nhà đọc sách lai rai, viết lách cũng lai rai, chờ ngày vô viện dưỡng lão. Tôi đọc nhiều thơ văn của phe ta, mới cũ đủ cả, lâu dần bị tẩu hỏa nhập ma, nhiều khi câu cú cứ tự nhiên tuôn ra như là sấm thơ thần chú, cứ luộm thuộm rối nùi như nhợ câu. Rảnh rang, tôi cũng muốn đi đó đi đây lắm, nhưng cứ ra khỏi nhà là tốn tiền cho nên tôi ở nhà thiền, ý tôi muốn nói là ngủ gà ngủ gật. Tôi không có đủ can đảm và kiên nhẫn như Bồ Đề Đạt Ma ngồi xây mặt vào tường không nói suốt chín năm trên Thiếu Lâm Tự. Tôi ngồi lâu nghe tăng kể thành ra tê cẳng. Tôi chỉ ngồi "thiền" trước màn ảnh máy điện toán vài ba tiếng đồng hồ hoặc cho đến khi nào vợ kêu sai vặt thì được. Vô mạng lưới như vô đám rừng, muốn coi cái gì cũng có nên mê, dễ xuất hồn, nhiều khi vợ gọi ăn cơm mà cũng làm lơ cho nên hay bị lầu bầu là vậy. 

Nghe theo lời khuyên của học giả Nguyễn Hiến Lê, hễ đọc sách là tôi ghi ghi chép chép những chú thích và trích dẫn để dành làm tài liệu và dữ kiện viết bài. Tôi chỉ giỏi tài viết chuyện bá láp tầm phào, tản mạn tùm lum hết, từ trăng trên trời xuống cái chết dưới đất, từ chuyện xưa trong lịch sử đến chuyện khủng hoảng kinh tế hiện tại. Có những chi tiết lịch sử rất thú vị mà hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường tôi chưa biết, chẳng hạn như chuyện ông vua Lê Đại Hành (940-1005) của nước ta thích câu cá hơn là tiếp rước sứ Tàu. Sứ Tàu mang chiếu chỉ sắc phong của vua nhà Tống ban cho, ông viện cớ đau chân vì bị ngã ngựa nên nhận tờ chiếu không được. Vậy mà liền sau đó, ông cởi bỏ hết cân đai áo mão rồi cầm cần câu lội chân đất đi câu cá; mỗi lần giật lên được một con cá là ông reo vui ầm ĩ, rồi vừa uống rượu vừa ca hát líu lo, "chẳng ai hiểu là hát gì" theo như lời sứ Tàu báo cáo lại trong tờ sớ dâng vua nhà Tống. Thế mới biết nhiều vua chúa của ta rất bình dân, vì thực ra họ xuất thân từ hàng dân giả, lúc nước nhà gặp nạn ngoại xâm thì họ tự động chống giặc cứu nước. Và khi cần quên ba cái chuyện lẻ tẻ như tiếp sứ Tàu thì cứ câu cá tỉnh bơ, thật đã vô cùng! 

Vừa câu cá vừa reo vui ầm ĩ, vừa ca hát líu lo vừa uống rượu nữa thì...chỉ có ở Việt Nam. Dân câu ở đây ai cũng muốn được như ông. Nội chỉ việc vừa câu cá vừa cầm lon bia lai rai thì cũng đủ sướng rên mé đìu hiu. Nhưng ở cái xứ Canada đầy dẫy luật lệ gắt gao này, bạn câu đừng bắt chước vua Lê Ðại Hành vừa câu vừa uống rượu nhé! Chuyện đó bị cấm. Cấm uống bia rượu nơi công cộng. Cấm uống bia rượu khi lái ghe tàu.

Một ngày nọ ông Câu Xỉn bơi xuồng đi câu. Ông thấy có một con rắn nước ngậm một con ếch trong miệng đang bơi bên mạn thuyền. Tội nghiệp con ếch, ông với tay gỡ nó ra khỏi miệng rắn và thả cho nó đi. Nhưng rồi ông lại tội nghiệp con rắn vừa bị mất một bữa ăn. Ông chỉ có chai rượu, ngoài ra không có thức ăn gì khác. Thế là ông rót vào miệng con rắn một tợp rượu. Con rắn vui vẻ, con ếch cũng vui vẻ, và ông Câu Xỉn cũng vui lây vì đã làm một chuyện có nghĩa. Tưởng như vậy đã yên, nhưng độ một lúc sau, ông lại thấy con rắn lúc nãy xuất hiện bên mạn thuyền. Lần này, trong miệng nó có hai con ếch!

Tháng Tư là tháng cá vượt vũ môn, cá salmon, trout từ hồ Ontario cuồng chân ngứa cẳng (?) sau mùa đông dài nên nhập bọn cùng lội ngược dòng nước các sông Don, Humber, Credit trong vùng đại đô thị Toronto lên thượng nguồn để truyền giống. Cá cái thì đẻ trứng, thả trứng ra ào ào như B.52 trải thảm. Cá đực thì đi theo để ...đóng góp một chút gì bằng cách xịt tinh trùng lên đám trứng kia, như thể phi cơ trinh sát thả trái khói đánh dấu mục tiêu! Nếu như vậy mà gọi là “having sex” hoặc “mating” thì thật oan cho cá quá! Theo khảo sát khoa học thì cá trống hay cá đực của chín phần mười các giống cá có xương đều không có bộ phận sinh dục, dù là nhỏ xíu bằng hạt đậu! Thơ rằng: “Kiếp sau nếu chẳng được làm người/Cũng xin đừng làm cá người ta cười không có...chim.”

Câu cá ở quê mình ngày xưa được coi là một phương cách kiếm thức ăn hàng ngày cho gia đình hơn là thú tiêu khiển thuần túy. Ta câu được cá thì ta đem về nấu canh chua, kho tộ, chiên giòn dầm nước mắm, xong được một bữa cơm chiều. Muốn cho ra vẻ tiệc tùng thì nướng trui cá lóc làm gỏi cuốn bánh tráng. Không có cái vụ làm sang câu cá lên, cẩn thận gỡ cá khỏi lưỡi câu và từ từ thả cá xuống cho nó trở về với sông nước và đoàn tụ với gia đình... của nó.

Ngày nay ở xứ người, chúng ta đi câu không phải vì mục đích kiếm cá ăn nữa. Chúng ta đi câu để giải trí và vui chơi với gia đình, coi như một chuyến picnic, có cá thì càng tốt, mà không có cá cũng chẳng chết đói, cùng lắm là trên đường lái xe về nhà ghé tạt qua siêu thị mua một mớ cũng xong.

Dân câu người bản xứ đâu có hiểu rằng họ câu cá lên rồi bỏ cá xuống, chừng ra về tay không cũng khoẻ re. Còn phe ta câu được cá thì giữ cá, vì lẽ đó phải có các bà theo để làm cá chứ. Mà các bà theo thì mấy đứa con để ở nhà ai chăn giữ chúng nó đây? Hơn nữa, để ông xã đi câu một mình mất công sinh nghi, tối ngủ không yên, chồng đi câu về, vợ mất công điều tra:

Em hỏi anh đêm nay đi đâu?

Anh nói rằng anh đi giăng câu,

Anh đi giăng câu trên chiếc xuồng câu,

Anh có cây sào anh chống ào ào.

....

Em hỏi anh giăng câu ra sao?

Anh thả mồi anh đem câu giăng,

Anh đem câu giăng con cá nào ăn,

Con cá ham mồi con cá rồi đời.

Em hỏi anh giăng câu vui hông?

Anh nói rằng anh vui sao không,

Anh vui sao không như cá về sông

Như sáo xổ lồng  như sáo xổ lồng.

(Giăng Câu, Tô Thanh Tùng)

Bản nhạc này có lời lẽ mộc mạc dễ thương đã trở thành phổ thông vì nó nói lên đúng tâm trạng của mấy anh chồng trẻ ham mê câu cá đôi khi còn hơn vợ. Ban đêm ban hôm mà không chịu ở nhà đắp mền làm bằng da người thơm tho và ngủ cho sướng thân lại nghe theo lời rủ rê của mấy thằng bạn câu mắc dịch lội mưa lội gió chống ghe đi câu cá tanh rình.

Nhưng bạn có mê câu cũng chỉ mê vừa vừa có giới hạn thôi chứ mê quá thì bị lãnh hậu quả không tốt đó nhen.

 Một anh chàng mê câu cá nọ cứ cuối tuần là lái xe đi câu, bất kể thời tiết tốt xấu ra sao. Khuya nọ anh dậy lái xe đi, không ngờ tới chỗ mướn thuyền câu, trời mưa bão nên chủ thuyền tuân theo qui luật, không chịu cho mướn thuyền. Anh chồng mê câu thất vọng trở về nhà nhè nhẹ thay quần áo trong bóng tối rồi leo lên giường nằm bên vợ. Thấy vợ hơi cục cựa, anh chồng phân trần,”Không ngờ trời xấu quá em à.” Vợ còn tơ lơ mơ, tưởng thằng kép mới đi washroom xong trở vô, nên lè nhè đáp,”Vậy mà thằng chồng mắc dịch của em vẫn cứ đi câu, thế có ngu không!”

Ðó là chuyện mê cá hơn vợ. Nhưng cũng có những anh chồng dối vợ viện lý do đi câu cá (không chân) để đi câu cá (chân dài).

Chiều Thứ Sáu, một anh chồng từ sở làm gọi điện thoại về cho vợ,”Em à, ông chủ vừa rủ anh đi câu xa, sẵn bàn chuyện làm ăn của sở luôn, nhất là chuyện tăng lương của anh. Vậy em lấy sẵn đồ đạc cho anh để nửa tiếng nữa anh tạt qua nhà lấy rồi phải đi ngay. Em nhớ lấy cho anh bộ pajamas bằng lụa xanh nữa nhé.”Cô vợ nghe lời dặn của chồng có vẻ kỳ kỳ/tanh tanh/khó ngửi/đáng nghi ngờ (tiếng Mỹ nó gọi là “fishy”), nhưng vẫn làm đúng theo lời dặn. Chiều Chủ Nhật, anh chồng về nhà. Vợ hỏi có câu được nhiều cá không? Chồng đáp,”Ồ, anh câu được nhiều lắm. Cá vừa to vừa dài, xếp của anh cũng phải nể tài câu cá của anh. À, nhưng sao em không lấy theo bộ pajamas cho anh?” Vợ đáp,”Em có lấy theo cho anh đó chứ! Em bỏ nó trong thùng đồ câu mà!” Hóa ra “thằng chả” có đi câu thiệt đâu mà mở hộp đồ nghề ra. Bể mánh!

Bên xứ sở của Hiệp Sĩ Mù Nghe Gió Kiếm, có một ông chẳng mê câu cá mà cũng chẳng mê câu bồ; ông ta chỉ mê câu mỗi một món: quần lót phụ nữ. Chắc ông ta lại là một nhà sưu tầm hay là một nhà nghiên cứu đang miệt mài dốc công cho một dự án sưu khảo nào đó. Theo tin báo Mainichi Shimbun ngày 01 tháng Mười, 2008, ông Akira Hino, 51 tuổi, đã dùng cần câu cá dài ba thước đứng trên ban công lầu hai của biu đinh mà câu quần lót phụ nữ được phơi ngoài trời của hàng xóm. Ông Hino bị cảnh sát bắt quả tang mấy ngày trước đó khi ông ta đang câu con thứ ba của “chủng loại cá bằng vải mỏng có hình tam giác”. Khi cảnh sát khám nhà ông Hino, họ đã khám phá ra một đống tang vật là quần lót phụ nữ. Ðể lập biên bản, họ cẩn thận đếm được tổng cộng hơn năm trăm cái. Cũng cần nói thêm, đây chỉ là tang vật bị tịch thu tại chỗ, còn số lượng đã được tẩu tán là bao nhiêu thì có trời mà biết! Biết đâu ông đã lựa những cái còn mới, những cái không có dấu vết của lưỡi câu làm rách, những cái hàng hiệu Victoria’s Secret, những cái vừa đúng kích thước, đúng cỡ của một ai đó mà ông muốn tặng. Hay có khi ông đem bỏ mối cho chợ trời. Bị chất vấn, “ngư phủ” độc đáo này khai rằng ông ta đã bắt đầu câu xì líp kể từ năm ông 18 tuổi. Như vậy là trong vòng ba mươi ba năm, ông câu được ít nhất là năm trăm (không biết gọi nó là cái hay con đây). May quá loại cá này để lâu không ươn thúi, nếu không ông phải làm mắm hay nước mắm.

Có một anh chàng “blogger” tên Charlie Storrar ở Ðài Bắc đã phịa ra một cuộc phỏng vấn dí dỏm và thú vị dành cho ông Akiro Hino này. Nếu bạn tò mò muốn biết thêm chi tiết, bạn hãy vào liên kết:

http://charlogy.blogspot.com/2009/01/akira-hino-portrait-of-underwear-angler.html

Còn có thứ câu gì khác nữa không hè? Câu công danh theo kiểu ông Lã Vọng bên bờ sông Vị chăng? Nhưng đó là chuyện Phong Thần, là truyền thuyết, dám mấy ngài sếnh sáng con trời bịa ra lắm à. Chuyện ngày xửa ngày xưa bên Tàu ấy kể rằng vào cuối đời nhà Thương, có một ông già sáu bó tên là Khương Tử Nha hàng ngày ngồi câu cá bên bờ sông Vị, nhưng có điều lạ là ông dùng cái lưỡi câu thẳng tuồn tuột cho nên ông chẳng hề câu được con cá nào. Người ta thấy lạ, tưởng ông bị mát giây hay đã từng té giếng, nhưng ông cứ mặc kệ những lời thị phi, cứ lo chuyện câu không cần cá của mình. Mind your own business, O.K.? Bấy giờ có một bậc sĩ phu tên là Cơ Xương đang nuôi chí lật đổ nhà Thương nên chu du khắp nơi để tìm kiếm người hiền tài có cùng chí hướng. Một hôm Cơ Xương lên núi Bàn Khê thấy Khương Tử Nha ngồi câu cá kiểu đó. Thấy lạ, Cơ Xương mới hỏi: "Này lão ông, lão ông câu cá bằng lưỡi câu thẳng như vậy thì làm sao có cá?". Khương Tử Nha mới trả lời: "Lưỡi câu bình thường chỉ câu được cá, lưỡi câu này mới câu được minh chủ." Ông này ngon thiệt, dám nói là mình “câu” được người xứng đáng để mình theo phò trợ. Cũngsách nói, một người tiều phu hỏi ông sao câu được cá với lưỡi câu thẳng, ông đáp ông đâu có câu cá; ông câu Công danh sự nghiệp mà! Quả thật sau đó, Khương Tử Nha đã đem tài sức thống lãnh ba quân giúp Cơ Xương diệt được Trụ Vương (nhà Thương) và  lên ngôi vua xưng là Chu Văn Vương.

Trở lại với chuyện câu cá thiệt, quê mình có sông ngòi chằng chịt, ruộng đồng bát ngát, cá nổi như bánh canh, ai câu cũng có cá, dễ ợt, người mù vẫn câu được.

Trong truyện ngắn Người Mù Giăng Câu, cố văn sĩ lão thành Sơn Nam tả cảnh Rừng U Minh nhiều cá nghe bắt ham:

“Ở Rộc Lá này, cá tôm quá nhiều so với mấy nơi khác trong ấp. Từ tháng mười đến tháng giêng, cá lội từng bầy trở về sông Cái, suốt ngày suốt đêm không ngừng. Ban ngày, cá đi đớp bọt, trắng bờ rạch. Ban đêm thức giấc vào bất cứ lúc nào, ta cũng nghe cá lóc táp mồi, cá trê chép miệng kế bên nhà. Nguồn lợi to tát vô cùng!”

Về kinh nghiệm hiểu biết về cá, ông tả:

“Vào đầu mùa, cá thường ăn mồi khi nước lớn. Giữa mùa, cá ăn lúc chạng vạng, lúc trăng sửa soạn mọc. Hừng sáng, chừng đâm mây ngang, cá trở lại ăn một lần chót. Khó nhứt là chọn nơi để giăng câu. Cá sợ ngọn nước ngoài biển chảy tràn vào sông. Gặp nước mặn, cá hết nhớt ngoài da, con mắt xốn xang, nhưng nơi nước quá ngọt lại ít có cá vì cá chưa đi tới. Cá tập trung nơi lằn ranh nước lờ lợ và nước ngọt. Tại lằn ranh đó, nên biết chọn từng điểm nhỏ. Rạch nào lắm ghe xuồng qua lại, cá ăn ở sát bờ. Rạch nào im lặng, cá lội ngay giữa dòng. Trước khi giăng cá trê, phải quậy cho nước đục. Mỗi chỗ cá chỉ ăn một lần. Vì nó đi lưu động, mình nên khéo dời chỗ... Gió bấc thổi ròng rã, cá lần lần về sông Cái. Nếu bỗng nhiên trời trở mực, chuyển mưa, cá lui trở lại rừng và không ăn mồi. Những ngày ấy, đi giăng câu cũng hoài công.”

Giải thích sự kiện người mù vẫn câu hay như người không mù, Sơn Nam cho rằng đi giăng câu thường vào ban đêm trời tối, cá lại ở dưới nước, thế thì sáng mắt hay mù cũng không khác gì nhau.

Câu cá ở quê ta thật đơn giản chứ không nhiêu khê như ở Bắc Mỹ với quá nhiều qui luật rườm rà và gắt gao. Nội cái việc đọc qua hết những qui luật này cũng đã đủ làm cho người muốn câu cá hoa hai con mắt, lùng bùng hai cái lỗ tai mà chưa bảo đảm hiểu hết và nhớ hết. Ác một cái nữa là những qui luật này lại thay đổi hằng năm cho thích ứng với tình hình mới và mỗi vùng mỗi khác.

Cá được chia làm hai loại: loại thường và loại quí. Loại thường như Perch, Crappie, Sunfish, Whitefish, Catfish, Sucker, Carp (kiễu như cá sặc, rô, trê, chép của ta) thì được câu quanh năm nhưng có giới hạn số lượng tối đa mỗi ngày. Loại cá quí là loại cá dân câu thể thao ưa thích (game fish) như Bass, Pickerel, Northern Pike, Lake Trout, Muskellunge thì chỉ được phép câu theo mùa. Mùa lạnh từ tháng Giêng tới tháng Ba. Mùa câu chính ở Ontario thường mở vào cuối tháng Tư hoặc đầu tháng Năm cho tới tháng Chín hoặc tháng Mười tùy theo vùng và tùy theo loại cá. Số lượng giới hạn tối đa cho cá quí  mỗi ngày rất ít, nhưng cũng còn tùy là loại nào và phải đạt đủ kích thước tối thiểu.

Ðọc qui luật câu cá xong rồi mà vẫn còn giữ ý định muốn đi câu, bạn phải đi mua cái giấy phép câu cá. (Ngoại trừ trường hợp bạn đi câu ở các trại nuôi cá tư nhân hay trong gian hàng triển lãm). Giấy phép câu có hiệu lực trong một ngày là $11.00, một năm là $24.25, ba năm là $81.75. Người già trên 65 tuổi và thiếu niên dưới 18 tuổi thì miễn phí. Dân cư ở tỉnh bang khác hoặc nước khác tới Ontario câu sẽ phải trả lệ phí cao hơn.

Nếu câu cá mà vi phạm qui luật, người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến $25,000. Ta chớ có dại dột mà vi phạm. Mùa đông vừa qua, một ông người Cà gốc Hoa đi câu trên hồ Simcoe bị cảnh sát của Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên bắt và lập biên bản giải tòa vì ông người Cà gốc Hoa này câu 67 con cá perch trong khi giới hạn tối đa là 50 con/một ngày thôi. Tòa phạt ông ta $1,000.00.

Câu cá ở Bắc Mỹ được xem là một môn thể thao lành mạnh nghiêm chỉnh. Các hội những người câu cá luôn luôn khuyên hội viên nên thả cá trở xuống ao hồ, nên đối xử tử tế với cá và tôn trọng môi sinh.

Nên dùng loại lưỡi câu không có răng cưa để vừa tránh gây nhiều nguy hại cho cá vừa có cơ hội thi thố tài năng khéo léo của mình. Với lưỡi câu không răng cưa, việc gỡ cá sẽ dễ dàng hơn và cá có nhiều cơ may sống còn hơn khi được thả.

Nên dùng đồ câu không có chất chì để tránh sự nhiễm độc cho các loài điểu cầm săn cá dưới nước như vịt, ngỗng, thiên nga và rộc, loại vịt lặn (loon). Nếu có vứt các thứ đồ nghề có chất chì thì cũng nên vứt vào thùng rác trên bờ chứ đừng vứt xuống nước.

Ðừng giật cá quá mạnh khiến cá có thể bị toạc miệng, giở cần lên chẳng thấy cá đâu mà chỉ có mỗi cái môi cá.

Khi gỡ cá, đừng vì sợ nước nhớt của cá mà túm cá bằng khăn lông hoặc găng tay nỉ vì nếu bạn làm như thế thì cá sẽ bị mất chất nhớt bảo vệ cơ thể của nó. Cũng tránh đừng móc ngón tay vào mang cá hoặc bóp cá quá chặt. Và nhớ phải gỡ nhanh và thả cá xuống nước nhanh.

Cá trên cạn lâu sẽ ngộp thở. Cá vùng vẫy nhiều sẽ bị thương tích. Nếu cá nuốt lưỡi câu quá sâu khó lấy ra thì bạn hãy cắt giây câu và thả cá ngay. Ðừng vì tiếc một lưỡi câu mà làm cá chết. Nếu vì cớ gì mà cá đã bị chảy máu và bị thương, tốt hơn bạn nên giữ lại mang về nhà chứ đừng vứt lại xuống nước.

Nên nhớ: Ðừng làm những điều (tổn hại) gì cho cá nếu mình không muốn người khác làm những điều (tổn hại) đó với mình. (Quốc văn giáo khoa thư chắc) Cưng cá quá như vầy thôi thà bắt chước Khương Tử Nha câu cá mà không móc lưỡi câu cho rồi!

Tỉnh bang Ontario có tổng cộng 250,000 ao hồ và hàng ngàn sông suối. Trong số này có 2,000 hồ có cá trout, 3,500 hồ có cá walleye và 400 hồ có cá muskellunge. Dù cá nhiều, nhưng số lượt câu cá cũng nhiều. Mỗi năm có khoảng 1.4 triệu người câu ở Ontario, chi tiêu $2.3 tỉ cho các phí tổn liên quan tới việc câu cá.

Môn thể thao này coi bộ cũng hơi tốn bộn tiền đó vì nếu chia số tiền đó ra thì bổ đồng mỗi người câu tốn hơn $1,500.00. Nhưng đã là dân câu thứ thiệt thì họ không ngại tốn tiền trang bị đồ nghề ngon lành nhứt từ đầu đến chân. Trên đầu có cái nón hiệu Tilley Endurables dắt thêm dăm ba cái lưỡi câu và một cọng lông gà rừng hay lông chim gì cũng được, áo chemise carreaux, áo khỉ khaki túi trong túi ngoài, quần có quay chéo qua vai, giày bằng cao su ống cao để lội nước. Hộp đồ nghề nhiều ngăn đựng mồi giả, lưỡi câu đủ cỡ đủ loại, giây cước, chì, kềm mỏ dài, dao, cân, thước đo cá, phao, v.v. Ngoài ra còn có ghế xếp, giỏ đựng cá, giỏ đựng mồi sống, v.v. Tôi đã từng thấy có những con cá mà thằng cha câu người Ðiên (Ca na điên) dùng để làm mồi còn bự hơn là con cá sunfish (giống cá rô) tôi mới vừa câu được kéo lên. Tôi nghĩ hay là cha nội nầy mua mồi bự để phòng hờ trường hợp câu không được cá quí nào thì đem cá mồi về cho vợ kho tiêu ăn cũng đỡ. Có lý lắm à.

Anh Tèo nọ vác cần đi câu cả buổi, xui quá câu chẳng được con cá nào. Sợ vợ chê, anh ta ghé qua người bán cá quen trong chợ để mua một ít cá trê mang về. Anh nói,”Chị Tư ơi! Lấy cho tôi hai con cá trê nầy đi.” Chị Tư bán cá làm như không nghe, tỉnh bơ bắt hai con lươn lớn bỏ lên cân. Anh ta phản đối,”Tôi nói cá trê mà sao chị cân lươn?” Chị Tư bán cá lanh lẻo nói,”Anh đi câu chẳng có con cá nào nên muốn mua vài con đem về khoe với chị phải không? Hồi nảy chị Tèo có ghé đây dặn tôi là nếu anh có hỏi mua cá thì bán lươn vì chị muốn đổi món ăn chiều nay đó mà!”

Dường như chỉ có cánh đàn ông là thích đi câu cá. Có người mang cả gia đình đi câu, nhưng chỉ thấy người chồng và con trai câu; còn người vợ ngồi chầu rìa có bổn phận tiếp tế cà phê, bánh mì ổ cho chồng. Có một lần tôi đi câu chung với gia đình một người bạn. Tôi giả vờ hỏi đùa đứa con gái 10 tuổi của anh bạn,”Sao cháu không câu?” Cháu ngây thơ đáp,”Cháu không có cần câu.” Anh bạn tôi tiếp,”Má mầy cũng hỏng có cần câu luôn!” Rồi anh quay sang tôi nói nhỏ,”Phái nữ thì làm sao có cần câu được!”

Một cặp vợ chồng trẻ nọ đi nghỉ hè ở một cottage ven hồ. Người chồng mê câu cá, sáng sớm đã lấy xuồng bơi xa xa khỏi bờ để thả câu. Người vợ thì thích đọc tiểu thuyết. Một hôm người chồng trở vô nhà ăn trưa rồi đánh một giấc. Không muốn quấy rầy chồng, người vợ nảy ra ý định thử chèo xuồng một mình chơi. Chèo ra xa bờ một chút, người vợ ngừng chèo rồi giở sách ra đọc. Tình cờ có một cảnh sát bảo tồn động vật hoang dã chạy xuồng đến gần hỏi:

”Bà đang làm gì ở đây?” Người phụ nữ chưng hửng trước câu hỏi hơi thừa này nhưng vẫn bình thản đáp:

”Tôi đang đọc sách.” Viên cảnh sát nói:

”Ðây là một khu vực cấm câu.”

“Nhưng tôi đâu có câu cá; tôi đọc sách mà.”

 “Nhưng trên xuồng bà có đầy đủ dụng cụ chứng tỏ là bà có ý định câu cá ở đây. Bà không đi tôi sẽ biên giấy phạt.”

"Nếu ông biên giấy phạt, tôi sẽ thưa ông về tội xách nhiễu tình dục tôi.”

“Nhưng tôi đã đụng tới thân thể bà đâu?”

“Chưa đụng nhưng ông đã có đầy đủ dụng cụ để làm chuyện đó!”

Bài học luân lý: Ðàn bà đọc sách nhiều khôn lanh lắm!

Nếu nói là phụ nữ không câu cá vì không có cần câu thì sai; họ chỉ việc vào tiệm Canadian Tire hoặc Wal-Mart mua cần câu thiếu giống gì!

Một cô nọ muốn đi câu cá chơi nên vô Canadian Tire kiếm cần câu. Ngặt một nỗi là cô ta không rành về cần câu và chì, chài gì cả vì chưa hề được chỉ dẫn. May quá có một người khiếm thị mang kính đen đứng bán hàng câu cá. Ông này từng là một hướng dẫn viên câu cá chuyên nghiệp lâu năm nhưng chẳng may bị mù mắt trong một tai nạn máy bay. Cô gái (không biết người bán hàng mù mắt) lên tiếng hỏi:

“Ông có thể giúp tôi lượng giá bộ đồ câu này được không?” Ông ta đáp:

“Tôi tuy mù nhưng có thể xác định được bộ đồ câu thuộc loại tốt hay không. Cô chỉ cần bỏ nó rơi mạnh lên mặt quầy này đây.” Cô gái làm theo. Ông bán hàng mù nói:

“Ðây là cần câu Zebco trục quay 202, giây câu loại 10 cân (lbs.). Bộ này vừa sức trung bình cho một người mới tập sự câu. Giá của nó là $20.00.” Cô gái ngạc nhiên hết sức và mừng rỡ đáp:

“Vậy tôi lấy cái nầy.” Nói xong, chợt cô không kềm giữ được hơi trong bụng nên làm một tiếng “bộp” không lớn lắm; cô hi vọng là ông bán hàng không nghe thấy. Ông mù bán hàng không nói gì, lo bấm máy tính tiền, xong bảo:

“Tất cả là 26 đô.”

Cô gái phản đối, “Nhưng lúc nãy ông mới nói là 20 đô mà?”

“Cần câu 20 đô, còi kêu vịt trời 4 đô, mồi giả mùi cá trê chết 2 đô, tổng cộng 26 đô.”

Chuyện cười chỉ kể tới đó. Kết cuộc ra sao, tôi không biết.

Dân đi câu về thường hay phóng đại thành tích. Cá mang về chình ình ra đó thì không thể bắt người ta ngó qua kính lúp, đành phóng đại mấy con cá sẩy, giống như là các anh tán đào có thói quen tăng chức tước và bằng cấp. Con cá dài tám inch thì nói mười mấy inch, con bằng cổ tay thì nói bằng bắp chuối, con kéo phăng phăng thì bảo kéo muốn gãy cần câu luôn! Mà sẩy cá thì nuối tiếc phải biết; nó cứ tiếc hùi hụi, mỗi lần nghĩ tới là lòng dạ lại xốn xang như chấu cắn!

Hai cha con đi câu về; thằng con mười tuổi vào nhà mếu máo khóc với mẹ. “Sao thế?”, mẹ hỏi; thằng nhóc đáp,”Ba câu được một con cá lớn lắm. Ba hì hục phấn đấu với nó một lúc lâu nhưng khi lôi được nó sát tới bờ rồi thì con cá vùng một cái mạnh rồi sẩy mất.” Người mẹ nghe vậy an ủi,”Thôi con đừng tiếc con cá mà buồn khóc làm gì. Cứ vui cười lên chứ.” Thằng con càng khóc to lên,”Thì tại con cười đó cho nên Ba mới xáng cho con một bạt tai. Hu hu...”

Ðấy, đi câu cả buổi cả ngày về chẳng có con nào mà còn có chuyện chẳng vui nữa. Nếu ở cái xứ nầy mà bạn tính đi câu cho có lời thì thà bạn làm ơn giùm tôi ra chợ Tàu mua cá tươi về ăn cho chắc ăn vì đi câu ở đây quả là tốn kém dễ sợ. Cứ cộng chung tất cả phí tổn chi tiêu cho một chuyến đi câu sẽ biết ngay. Giá xăng mắc, “càng đi xa ta càng tốn hao”. Ði câu mà không cẩn thận có khi bị cá lôi mất cần câu luôn, mất cả chì lẫn chài. Hay gặp hôm thời tiết xấu, đi không về không là cái chắc, hoặc nếu có cá cũng chẳng bõ công.

Hai người bạn nọ lái xe cả trăm cây số đi câu vào một ngày cuối tuần; tổng cộng tiền xăng nhớt, tiền mua mồi, mướn ghe cũng gần một trăm đô mà hai người chỉ câu được có mỗi một con cá bass nặng chừng 4 pounds. Anh A tính nhẫm,”Coi như mình mua con cá này với giá 25 đồng một pound.” Anh B, chắc dốt toán nhứt lớp giống tôi, đáp,”May quá mình không câu con nặng hơn!”

Các cha nội bạn câu với nhau họp nhau lại tán dóc trong bàn tiệc và thử tìm những sự khác biệt giữa đi câu cá và “have sex”. Bảng liệt kê như sau:

-         Cần câu không cần phải cứng ngắc.

-         Vừa ngủ gục vừa câu cũng được.

-         Câu cả ngày cả đêm vẫn được.

-         Cá đẹp, cá quí bạn câu được mang về khoe bà xã thoải mái.

-         Ðọc tạp chí chuyên mục về câu cá thoải mái, không cần phải lén lút.

-         Câu cá giữa thanh thiên bạch nhật, có đông người cùng câu một lúc cũng không sao.

-         Cá nào cũng câu được, không phân biệt tuổi tác, phái tính, chủng loại, miễn là đúng mùa cho phép câu.

-         Mỗi lần câu là mỗi con cá khác nhau.

-         Không sợ cá truyền bệnh nguy hại.

-         Có khi một lần kéo cần lên được hai, ba con.

-         Cá không bao giờ đánh nhau.

-         Cá cũng không bao giờ càm ràm, không bao giờ thắc mắc sao nhanh thế.

-         Mười Ðiều Răn chẳng đá động gì tới chuyện câu cá.

-         Nếu có người lén chụp hình bạn với cá bạn câu được, bạn khỏi phải lo ảnh bị tung lên Internet để tống tiền hay tống tình.

-         Không ai bảo là nếu bạn câu cá một mình, bạn sẽ bị mù mắt.

-         Câu cá không cần uống Viagra.

Thư của một dân câu gửi cho Abby để vấn kế:

  “Abby thân mến,

Có thể nói, tôi là một người được trời ưu đãi có đầy đủ mọi thứ đáng ao ước trên đời: vợ đẹp con khôn, gia đình hạnh phúc, học hành tử tế, công ăn việc làm vừa ý với lợi tức cao và hưu bổng hậu hĩ khiến cho tôi có thể thoải mái theo đuổi thú đam mê câu cá như hiện nay.

Tôi có riêng một chiếc tàu câu nho nhỏ và muốn cùng vợ chia sẻ thú giải trí tao nhã này nhưng vợ tôi lại không thể nào thích đi câu. Thế rồi một ngày trong tiệm bán đồ nghề câu cá, tôi quen với Sam. Qua vài lần nói chuyện hạp tính ý nhau, chúng tôi trở thành đôi bạn câu không rời nhau.

Vợ tôi thì vẫn nhất định không chịu đi câu chung với tôi và còn tỏ ý không bằng lòng việc càng ngày tôi càng đi câu nhiều hơn. Hai tuần trước đây, tôi với Sam có được một chuyến đi câu đầy lý thú. Tôi câu được một con cá bass lớn. Mấy phút sau tới lượt Sam câu được một con y hệt, như thể hai con đó thuộc cùng một lứa. Thế là tôi bảo Sam cầm hai con cá trên hai tay để cho tôi chụp một tấm ảnh để làm kỷ niệm. Tôi mang ảnh về khoe vợ tôi với ý nghĩ cho nàng thấy là đi câu rất lý thú, hy vọng nàng lần sau sẽ cùng đi. Không ngờ vợ tôi nổi giận bắt tôi phải bán tàu và cấm tôi không được đi câu nữa. Tôi nghĩ nàng không còn muốn tôi được vui hưởng những ngày nghỉ hưu câu cá như điều tôi hằng mong ước. Tôi phải làm sao đây? Nghe lời nàng bán tàu nghỉ câu luôn hay là cãi lời vợ để tiếp tục theo đuổi niềm vui của riêng tôi?

Mong đợi Abby cho tôi một lời khuyên thành thực.

Một người thích câu đau khổ.

Tái bút: Tôi xin gởi kèm tấm ảnh Sam đang khoe hai con cá bass mà chúng tôi câu được.”

Thư trả lời của Abby

“Ông câu đau khổ thân mến,

Ông còn chần chừ gì nữa chứ, bảo vợ ông: một là theo ông đi câu, hai là ông cứ tiếp tục đi câu với Sam!

Abby.”

Cũng chỉ là chuyện bịa thôi, chứ Abby nào lại xúi dại độc giả như thế.

Câu cá cũng có nhiều hạng và nhiều loại, nhiều kiểu. Ðối với giới thượng lưu trí thức lịch lãm, câu cá là một nghệ thuật thuần túy, một môn thể thao đòi hỏi tài nghệ. Họ dùng sự đi câu cá để tĩnh dưỡng tinh thần, để gần gũi với thiên nhiên, để có dịp ngược dòng lịch sử sống lại như tiền nhân hay cha ông.

Ở Bắc Mỹ, câu cá được coi như là một truyền thống. Dân câu hạng sang này chỉ thích câu kiểu cổ xưa “fly fishing” (câu nhấp hay câu rê), đứng dưới nước, dùng cần dài, lưỡi câu thay vì móc mồi thì được trang trí màu mè bằng các loại sợi vải hay lông mao, lông vũ cho giống theo hình thù các côn trùng như cào cào, châu chấu, ong, ruồi, v.v. Họ chỉ thích câu cá ở những dòng nước, khúc sông, suối nhỏ tương đối hoang vắng. Phải chăng dân câu loại này muốn khoác cho mình một phong thái lãng mạn cho giống như một Ernest Hemingway (1899-1961) hay những nhân vật bàng bạc trong các tác phẩm của ông, nhất là trong quyển The Sun Also Rises (Mặt Trời Vẫn Mọc) trong đó nhân vật chính Jake Barnes cùng với Bill Gorton, một cựu chiến hữu từng tham dự chung trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha, đi câu cá  nơi vùng đồi núi Navarre Ðông Bắc Tây Ban Nha.

Herbert Hoover (1874-1964), vị tổng thống thứ 31 của Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1929-1933) nói,”Fishing is much more than fish. It is the great occasion when we may return to the fine simplicity of our forefathers.” (Câu cá không nhất thiết vì cá mà còn nhiều hơn thế. Ðó là cơ hội tốt để chúng ta có thể trở về với cách sống đơn giản thuần khiết của cha ông.) Nhà văn Mỹ John Ernst Steinbeck, Jr. (1902-1968, tác giả của The Grapes of WrathOf Mice and Men, người từng đoạt giải Pulitzer Prize và Nobel Văn Học) từng nói mọi người Mỹ đều là những người có bản tính thích câu cá từ lúc mới sinh ra đời. Nếu ai đó bảo rằng họ không thích câu cá thì điều đó cũng như thể là họ chối bỏ tình mẹ thương con hoặc chán ghét ánh trăng. Cựu tổng thống Jimmy Carter thì nói những biến động công luận lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông cũng không đáng nhớ hay quan trọng bằng những kỷ niệm ông đi câu cá với thân phụ ông.

Những người cha thường hay dắt con trai đi câu, vừa kết chặt tình cha con thắm thiết vừa truyền đạt kinh nghiệm câu cá cho con.

Sáng chủ nhật, Tommy đến nhà thờ đi học lớp giáo lý hơi trễ, mặt đượm nét u sầu. Thầy hỏi,”Chuyện gì vậy con?” Tommy đáp,”Sáng nay con muốn theo cha con đi câu, nhưng cha con bảo con phải đi học.” Thầy nói, “Ồ con biết vâng lời cha con như vậy thì tốt quá. Nhưng cha con có giải thích cho con biết lý do tại sao không?” Tommy đáp, “Dạ có. Cha con nói cha con chỉ đủ mồi cho một người câu thôi.”

Tôi cũng đã từng một lần buồn như Tommy. Ngày đó cha tôi bảo tôi,”Con phụ lau dọn xe đi rồi ngày mai Ba cho con đi theo đi câu. Tôi mừng rỡ lau rửa chiếc xe Fiat của cha tôi cho bóng. Sáng hôm sau tôi hăm hở dậy sớm chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến đi câu xa. Ðám bạn câu của Ba tôi đến dư ra một người, xe không đủ chỗ chở hết. Cha kéo tôi ra nói nhỏ,”Thôi con chịu khó ở nhà bữa nay nha con. Bữa khác Ba chở đi.” Bữa khác ấy không xảy ra. Sau đó tôi không còn có dịp nào đi câu chung với cha tôi nữa.

Cha con đi câu cá chung, đôi khi câu được cá hay không còn là chuyện hên xui chứ chưa hẳn hoàn toàn do kinh nghiệm. Con có “lỡ” câu được nhiều cá hơn cha thì hãy coi đó là “phước” trong gia đình chứ người cha đừng vì tự ái vặt mà kiếm chuyện rầy rà thằng nhỏ tội nghiệp. Quãng đời trẻ thơ của tôi trãi qua không có cha tôi bên cạnh; đến tuổi vị thành niên thì tôi lại thích đi câu với bạn cùng trang lứa vui hơn, được tự do giở nhiều trò vui phụ trội khác như tắm sông, bẻ mía, hái bần. Nhưng cha tôi có công tìm đốn những cây trúc vàng làm cần câu và mua cho tôi lưỡi câu của Pháp bọc giấy pelure đựng trong những chiếc hộp bằng giấy bồi xinh xinh.

Quê ta may mắn có loài cây tre trúc mọc khắp nơi; mà cần câu bằng cây trúc là loại cần câu lý tưởng với độ bền và độ dẻo có sức đàn hồi rất thích hợp cho việc câu cá. Cần câu và mồi câu coi như có sẵn không cần phải mua; tiền mua nhợ câu và lưỡi câu không đắt, trẻ con nhà nghèo ở quê ta vẫn có tiền sắm để có đủ đồ nghề đi câu với chúng bạn.

Việc bắt cá để làm thực phẩm ăn có từ thời con người ăn lông ở lỗ, ban đầu có thể dùng tay không bắt cá như gấu. Tiến hóa dần dần, con người dùng gậy đập cá, dùng cây gỗ vót nhọn, dùng chĩa ba đâm cá, sau đó mới chế ra lưỡi câu bằng gỗ. Theo tài liệu của Wikipedia thì cuối thế kỷ thứ hai ở La Mã, học giả Claudius Aelianus (175-235) có mô tả việc làm mồi giả của người Macedonian trong bộ sách khảo cứu sinh vật học gồm 17 quyển De Natura Animalium (Ðặc tính của sinh vật). Người Trung Hoa biết chế ra ống nhợ câu cá từ thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Tuy nhiên việc dùng ống nhợ câu chỉ xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm văn học Trung Hoa vào thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên. Một bức tranh cổ vẽ năm 1195 cho thấy hình ảnh một ông câu ngồi trên ghe quăng giây câu cá. Người Nhật và người Anh cũng biết dùng sợi vải lụa màu để quấn lưỡi câu và làm thành mồi giả từ thế kỷ thứ mười lăm, mười sáu. Tại Hoa Kỳ, thú câu cá cổ truyền dùng cần câu bằng tre và mồi tự tạo được xem là một môn thể thao thanh lịch quí phái. Chính nơi xứ sở này, môn thể thao câu cá đã được kỹ nghệ hóa và trở thành phổ biến đại chúng, một phần nhờ các tác phẩm văn chương, như truyện A River Runs Through It của Norman Maclean phát hành tháng Năm 1976 và được Robert Redford quay thành phim năm 1992 với Prad Pitt đóng vai chính. Ngoài ra, các “show” truyền hình cũng triệt để khai thác phát hình nhiều chương trình về câu cá.

Việc dùng chỉ và vải lụa cùng các thứ đồ tế nhuyễn lỉnh kỉnh linh tinh khác để trang hoàng cho lưỡi câu trông giống như một con mồi ngon lành bắt mắt là một thứ đam mê cho dân câu tài tử. Nhiều người thích tự tay mình và bỏ ra nhiều giờ để làm “fly”. Nhiều “fly” làm khéo quá, nghệ thuật quá đến nỗi người sáng tạo ra nó tiếc, không dám đem dùng mà chỉ để trưng bày triển lãm. Dùng “fly” để câu cá (fly fishing) là một hình thức câu sang cả; người câu loại này thường thường không giữ cá mà câu lên rồi thả (catch and release). Họ tự coi mình là dân chơi thứ thiệt, tự gọi mình là “angler” để phân biệt với người sống bằng nghề đánh cá hoặc người đi câu chỉ nhằm mục đích kiếm cá về ăn “fisherman”. Danh từ “angle” (hay được viết là “angel” theo cổ ngữ Anh, nhưng chẳng có dính líu gì với thiên thần cả) một cách đơn giản có nghĩa là lưỡi câu, vay mượn từ chữ “ank” của Ấn Âu ngữ có nghĩa nguyên thủy là bẻ cong, từ đó sinh ra các chữ “ankle” (gót chân) và “anchor” (mỏ neo). Danh từ “angle” trong câu cá cũng chẳng có liên hệ gì với “angle” là góc cạnh (từ gốc La Tinh ngữ angulum). Ngày nay, danh từ angle (lưỡi câu) hầu như không còn được dùng nữa và đã được thay bằng chữ “hook”. Ðộng từ “to angle” có nghĩa là câu bằng lưỡi câu vẫn còn, do đó, “angler” là người câu bằng cách dùng nhợ câu và lưỡi câu. Ðịnh nghĩa này đã được dùng từ thế kỷ thứ 15. Trong Anh ngữ, hai động từ “to angle” và “to fish” cũng được dùng theo nghĩa bóng là “kín đáo làm một việc gì đó để đoạt lợi” giống như chữ “câu” trong Việt ngữ.

Có người thắc mắc rằng tại sao người câu cá, bắt cá, đánh cá, lưới cá không gọi là fisher mà lại là fisherman, và nếu người câu là phái nữ thì có gọi là fisherwoman không. Fisher đã bị người ta xí phần làm tên gia đình/họ (family name/surname) cho nên người đánh cá trở thành fisherman để có sự phân biệt rõ ràng. Còn phụ nữ đi câu thì cứ gọi họ là female fisherman hoặc fisherwoman hoặc female angler.

Đi câu dĩ nhiên là thú vị. Hồi còn tuổi thiếu niên chưa bị con ma tình yêu lôi cuốn, tôi rất khoái đi câu. Tôi câu mương, câu ao và câu ruộng. Sau nầy ở ngoài quê hương tôi có dịp câu sông, câu hồ, câu biển. 

Tôi bắt đầu đi câu từ năm bảy, tám tuổi, quanh quẩn ở mấy cái mương trong khu vườn nhà ông bà ngoại. Khi thủy triều lên, cá từ sông theo nước lớn vào mương để kiếm mồi ăn, cá lòng tong, cá chốt, cá trèn, cá ngác, cá trê, cá bống mú, nhiều nhứt là cá bống dừa, chắc vì chúng thích ở trong các bẹ lá dừa nước. 

Đồ nghề thật đơn giản, chỉ là một cái cần câu trúc dài khoảng hai thước, giây câu là một khúc chỉ may áo cũng dài khoảng một thước rưỡi, mồi là mấy con trùn đất sẵn có đầy vườn, lấy cuốc bổ vài cái xuống đất là có. Khi chưa có lưỡi câu, tôi dùng cọng lá dừa để luồn sợi chỉ qua thân con trùn, xong cột lại thành một cục tròn. Vậy mà tôi cũng câu được khối cá óc mít, cá lòng tong, cá bống dừa.

Khi lớn lên thêm vài tuổi nữa, tôi trở thành con người ác độc hơn: tôi xài lưỡi câu, là “hook”, nhưng “hooker” lại không có nghĩa là người xài lưỡi câu như tôi nghĩ! Tôi phải chạy theo đà văn minh của dân miệt vườn, nếu không, những con cá lóc, cá rô, cá trê vàng mập mạp sẽ tiếp tục đi vào mâm cơm của người khác. Phen nầy tôi đã dùng giây cước, tức giây câu bằng ny lông, lưỡi câu ba cỡ lớn nhỏ khác nhau đựng vô một hộp thiếc nguyên là hộp kẹo bạc hà. Vấn đề mồi cũng trở thành nhiêu khê hơn, vì còn tùy loại cá muốn câu. 

Hôm nào chủ ý câu cá trê, tôi phải dùng mồi trùn vì cá trê mê trùn như tiên ông ghiền thuốc phiện. Trùn dễ kiếm, dễ bắt, cứ giở đống củi lên là có lủ khủ đựng vô một cái lon sữa bò. Cá trê sống từng bầy, ở hang. Hiếm thấy cá trê vàng ở mương, chỉ thấy nhiều cá trê lét, da màu xam xám hoặc đen mun. Chúng là loại sống dưới đáy sâu đầy sình, lỡ bị dính lưỡi câu là ghì riết chui vào hang và nuốt mồi chớ không táp, cho nên móc lấy lưỡi câu ra rất nhọc công và vất vả. 

Cá trê có râu mép giống mèo nên bị gọi là cá mèo trong Anh ngữ, có ngạnh cứng và bén nhọn hai bên mang vừa dùng như hai cái nạng chống đi (nên cũng được gọi là walking fish) vừa là một thứ vũ khí lợi hại đáng gờm. Thò tay bắt nó không khéo nó vung gươm đâm cho một nhát. Vết thương do ngạnh cá trê đâm có thể làm độc sưng nhức nhối đau đớn vô cùng. Nếu mỗi lần bị cá trê đâm hoặc chém mà được gắn một chiến thương bội tinh thì e rằng ngực áo của tôi cũng không có đủ chỗ để mang huy chương cho hết. Chiến thương bội tinh trong Anh ngữ là Purple Heart, trái tim màu tím bầm, bị thương, dù là do cá trê chém, đúng là bầm gan tím ruột! Đầu cá trê có sọ rất cứng như áo giáp cho nên muốn làm thịt cá trê, người ta phải đập đầu nó bằng cán dao, nếu không muốn bị nó chém trong lúc làm cá. Cá trê mắt nhỏ cho nên phải lệ thuộc vào các giác quan khác là nếm, ngửi, và nghe. Râu và da cá trê có nhiều đầu giây thần kinh vị giác. Nhiều loại cá trê thụ động ban ngày, ban đêm mới xông xáo kiếm ăn. Chúng thích sống trong hang hốc, bộng cây, bờ lõm và những chỗ ẩn nấp khác dưới nước. Thiếu điều kiện nầy để xây tổ ấm gia đình, mức sinh sản của chúng sẽ giảm đi rất nhiều. Vợ chồng trê thay phiên nhau ấm trứng cho đến khi trứng nở. 

Ở Bắc Mỹ có loại channel catfish thường sống ở cửa sông mà ta gọi là cá bông lau. Cá bông lau to nặng hơn cá trê, bụng trắng, nhiều mỡ, thịt mềm. Mấy lần đi câu ở Beaverton vùng hồ Simcoe, tôi có câu được một con. Người dân địa phương chê cá bông lau là loại tạp thực ăn cả rác rến, nên họ không thích. Phe ta thì lại thích cá nào có mỡ nấu canh chua mới béo mới ngon. 

Gần đây, những nhà nuôi cá bông lau Hoa Kỳ kêu rêu quá xá vì cá bông lau nhập cảng từ Việt Nam vào thị trường Mỹ với giá rẻ mạt, các farm nuôi cá địa phương của Mỹ cạnh tranh không lại. Mức xuất cảng cá bông lau của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã gia tăng gấp ba mươi lần trong ba năm vừa qua và hiện giờ chiếm vào khoảng một phần tư thị trường tiêu thụ. Để đả kích, các nhà nông trại nuôi cá của Hoa Kỳ hô hoán lên rằng cá bông lau của Việt Nam được nuôi bằng thực phẩm xấu bị nhiễm độc không qua sự chế tài và kiểm soát tiêu chuẩn của giới thẩm quyền chuyên môn, không chịu những cuộc kiểm tra chất lượng nghiêm nhặt giống như cá bông lau nuôi ở Mississippi, Alabama, Arkansas và những tiểu bang khác ở miền nam Hoa Kỳ. 

Để bảo vệ những nhà nuôi cá bông lau Mỹ, Quốc Hội mới đây đã thông qua đạo luật nói rằng chỉ có giống catfish họ Ictalariidae - loại được nuôi ở các ao hồ Hoa Kỳ - mới có thể được gọi một cách đúng đắn là "catfish." Loại cá Việt Nam được chở tới các thị trường Hoa Kỳ là thuộc họ Pangasiidae. 

Vì sớ thịt cá trê dẻ chắc, mùi vị thơm ngon cho nên cá trê đã được thương mại và thị trường hóa. Ở Hoa Kỳ có nhiều nông trại chăn nuôi cá trê trong các tiểu bang miền Nam. Ngoài các loại cá trê thông thường ở Hoa kỳ và ở Việt Nam, những nơi khác trên thế giới có vài loại cá trê rất đặc biệt. Chẳng hạn như loại cá trê ký sinh nhỏ xíu ơ Nam Mỹ gọi là candiru, tên khoa học là Vandellis cirrhosa, nghe nói có thể chui vào niếu đạo của con người khi họ lội xuống nước. Còn ở Phi Châu có một loại cá trê thân mình có điện, tên khoa học là Malapterurus electricus có thể phát ra một luồng điện đến 350 volts đủ để giật bắn người. Với cá trê thuộc chủng loại Clarius babrachus ở Á Châu, cơ thể nó có một bộ phận giống như lá phổi để thở khí trời, giúp cho chúng có thể sống trên cạn và "đi" di cư từ vùng có nước nầy sang vùng có nước khác. Ban đầu chúng được đưa vào nước Mỹ như một món sưu tầm lạ nuôi chơi, nhưng lần hồi chúng sinh sôi nẩy nở và lấn át luôn nhiều giống cá "dân địa phương" để trở thành giống đa số ở vùng Nam tiểu bang Florida. Loại cá trê wels ở Âu Châu, tên khoa học Silurus glanis là một trong những loại cá nước ngọt lớn nhứt. Con lớn nhứt có thể dài đến bốn thước rưỡi và nặng đến ba trăm kí lô gram. Dân câu phe ta mà câu được một con chắc là phải hú cả xóm tới chia thịt quá! 

Cá trê nướng chấm mắm gừng 
Em ăn cẩn thận coi chừng mắc xương.

Tình chưa! Một người chồng nông dân tay lấm chân bùn, vợ mới sanh con so còn nằm ở cử; chàng nướng cá trê giầm với nước mắm gừng, luộc thêm một mớ đọt rau lang cho vợ ăn, âu yếm dặn vợ ăn cẩn thận coi chừng mắc xương. Thử tưởng tượng trong một mái nhà tranh vách đất có đôi vợ chồng trẻ ngồi ăn bữa cơm chiều; tuy bữa cơm đạm bạc nhưng đầy đủ ý nghĩa. Gừng cay ấm giàu dược chất tốt giúp cho sản phụ mau cứng cáp; đọt rau lang sinh nhiều sữa cho con bú. Chồng chăm lo cho vợ. Một hạnh phúc mộc mạc và bình dị biết bao! 

Cá trê là món ăn bình dân quen thuộc trên khắp thế giới và cá trê hiện diện khắp nơi trên quả địa cầu vì giống cá nầy có bản năng sinh tồn rất mạnh có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh môi trường khí hậu. Chúng thuộc khoảng ba mươi nhóm "họ" và hai ngàn chủng loại khác nhau và hầu hết sống ở vùng nước ngọt. Bán đại lục Nam Mỹ là nơi có nhiều chủng loại cá trê khác nhau sinh sống nhất. 

Hang ổ cá trê không khó tìm, thường là những bờ có bóng mát và cây cỏ rậm rạp. Nơi nào có chúng đang hoạt động là nơi đó bùn dậy lên làm cho nước đục ngầu. Những con nào đang lội lững lờ quanh đó ngửi thấy mùi hơi  bùn dậy lên cũng nhào lại để kiếm chác theo diện ăn theo. Vì thế, dân rành câu cá trê thường thọc chân xuống bùn quậy mấy cái rồi mới thả mồi. 

Có một lần tình cờ tôi khám phá ra một hang ổ cá trê. Lúc đó nước ròng, mực nước thấp chưa đầy hai tấc. Tôi vô vườn hái mận. Một chùm mận ngon rớt xuống nước sát bờ mương phía bên kia. Tôi tiếc nên nhìn theo và định nhảy xuống vớt. Tôi chợt thấy một cái hang gần bên chùm mận và có một con cá trê khá bự đang lấp ló nơi miệng hang. Tôi nhảy xuống chỗ đó, con cá trê đã thụt vô hang, nhưng tôi bỗng nghe có tiếng quậy rầm rầm từ trong đó phát ra. Tôi đoán rằng như vậy có nghĩa là trong hang đó có nhiều cá lắm. Chiều hôm đó khi nước lớn, tôi xách cần ra chỗ đó câu. Quả nhiên tôi câu được liên tiếp sáu, bảy con cá trê cùng lứa trong bằng cườm tay. Tôi mừng lắm, nghĩ rằng phen nầy mình trúng mối. 

Mấy lần câu sau ở nơi đó, tôi vẫn được nhiều cá hoài. Tôi bèn khoe kể lại với các cậu và ông ngoại tôi. Một cậu nhảy qua bờ bên kia quan sát. Bờ đó là bờ của một con đê rộng khoảng hai thước ngăn ranh giới ruộng lúa của ông Hai Muôn hàng xóm với vườn đất của ngoại tôi. Trên mặt con đê có cây cỏ mọc um tùm, chính giữa mặt đê ngay trên cái hang có lỗ trũng xuống. Cậu tôi bẻ một nhánh cây thọc xuống lỗ trũng đó thì đụng nước sình, có nghĩa là cái hang đó có bộng sâu từ mương vô tới giữa đê. Các cậu bàn nhau và đồng ý cho rằng hang nầy có lẽ là lâu năm lắm rồi và cá rất nhiều. Họ quyết định đào hang để tóm trọn ổ cá trê. Nói là làm. Họ lấy đất sét bít chặt tất cả các miệng hang chánh, phụ ở gần đó cả hai bên ruộng và mương. Họ đào ngay lỗ hổng trên mặt đê. Đê cao chỉ độ một thước, đất không khô, chỗ đó lại hỗng, cho nên họ đào chừng nửa tiếng đồng hồ là đụng nước. Các cậu nghe tiếng cá quậy đùng đùng. Mọi người vô cùng hứng khởi, nhứt là tôi. Sau đó các cậu dùng đất sình trộn rơm đắp bờ chung quanh miệng hang chính, tát hết nước ra rồi khai mở miệng hang, lùa cá ra ngoài và nắm đầu từng con bỏ vô thùng thiếc. Tóm trọn ổ đó được hơn một trăm con mà chỉ có hai con cá trê vàng, còn bao nhiêu là trê lét. Ông ngoại tôi thấy nhiều cá quá đâm nghi ngờ phán một câu làm tôi hết hồn:" Hay là hang đó là một cái hòm mục đó!" Nghe ông ngoại nói vậy, tôi cũng ớn, nhưng những món ăn bằng cá trê mà mẹ tôi nấu ngon quá làm sao tôi bỏ qua cho được. 

Trước hết là món cá trê kho tộ. Cá khứa từng khoanh dầy độ một lóng tay kho sệt với nước màu cho đến khi quánh lại, rắc tiêu cho thiệt cay, mấy khứa cá săn quíu thịt dẻ khắc ăn với cơm nấu hơi nhão nhão thì hết xẩy. Xong rồi còn món cá trê nấu khoai mỡ nữa. Khoai màu tím nạo lền lền, cá trê khứa đôi nấu chín, múc ra tô lớn, rắc ngò xanh với ớt khoanh đỏ vô, nếu có trứng cá vàng nổi lên nữa là nhứt hạng. Nhưng vẫn còn thiếu món cá rô chiên giầm nước mắm gừng tỏi ớt chanh đường. Vậy tôi phải câu cá rô nữa chớ! 

Câu cá rô chỉ hơi vất vả ở giai đoạn tìm mồi. Mồi trứng kiến, cá rô khoái hơn hết thảy. Ồ kiến vàng trong vườn thiếu gì, hầu như bất cứ cây nào cũng có. Cây nào càng sai quả càng có nhiều ổ kiến. Muốn lấy trứng kiến vàng, tôi phải dùng một cái lồng cán dài có lót lưới vải mùng. Tôi thọc cái lồng vào ổ kiến lắc lư phá cho cái ổ vỡ ra, kiến con và trứng rơi vào lưới vải mùng, còn kiến vàng túa chạy tán loạn rơi lên người tôi thi nhau cắn cong cả đít...nó và cả đít tôi nữa vì đau. Mặc kệ kiến cắn! Con gái nhéo còn đau hơn. Tôi lo lấy mồi cho nhiều để còn ra ruộng câu vì chỉ ở ruộng và các ao vũng gần bên mới có nhiều cá rô. 

Khi lúa trổ đòng đòng, nước ruộng trong leo lẻo, cá rô lội từng đàn trông thấy mà ham. Chúng lội nhởn nhơ len lách giữa các bụi lúa. Chúng thích quây quần chỗ góc ruộng trống trãi và vũng trũng gần ven bờ. Tôi chọn các thửa ruộng sát đường nhựa để có một chỗ ngồi khô ráo. Cá rô rất dạn dĩ, chúng không ngại lội gần chỗ tôi ngồi. Chưa câu mà đã thấy một đàn lội nhởn nhơ dưới nước đi tìm mồi, tôi hí hửng mừng thầm trong bụng. Dùng mồi kiến rất hao, vì kiến non và trứng kiến chỉ nhỏ bằng con dòi. Tôi phải dùng mấy đầu ngón tay bóc một nhúm kiến non trắng nõn và mềm xèo đắp chung quanh lưỡi câu rồi lấy một sợi tóc dài có một đầu đã cột dính vào lưỡi câu quấn cục mồi đó chặt lại. Trước khi thả cục mồi xuống, tôi rải một ít cám xuống nước để như cho đàn cá bu lại. Mồi vừa thả xuống, cá tranh nhau đớp; bỏ xuống giựt lên chỉ trong một hai giây đồng hồ. 

Đi câu ở Ontario, tôi gặp một loại cá sunfish khá giống như cá rô ở quê nhà nhưng mình sunfish dẹp hơn, hai bên thân có sọc đậm đen hơn và bụng màu cam cam. 

Cá rô không mạnh, cũng không có hang ổ, tôi không sợ nó giựt đứt nhợ hoặc biến mất, đôi khi tôi cứ nhẩn nha để cho nó mang lưỡi câu bên mép lội qua lội lại chơi một lúc rồi mới chịu kéo lên bờ giống như một con mèo vờn chuột. Tôi ngồi một chỗ câu cho đến chừng nào tôi cảm thấy trong đám ruộng đó hết cá rô rồi, tôi mới dời qua đám ruộng khác. Khi nào cái đục đã khá đầy cá hoặc mồi hết thì tôi về. 

Trong bữa ăn thường ngày ở nhà quê thường thấy món cá rô chiên giòn giầm nước mắm hoặc chiên với hành ta có bỏ đường gọi là ngào hơi ngọt ngọt. Một món khác nữa là nấu với mắm sặc sống để làm thành món mắm và rau. Chữ “và” được dùng trong câu nầy là một động từ có nghĩa là lùa thức ăn vào miệng chứ không phải là một liên từ.

Cá sặc hay đi chung với cá rô như cá lia thia với cá bãi trầu, như Tấm với Cám. Cá sặc là loại cá không thể câu vì miệng chúng nhỏ xíu, chúng chỉ rỉa mồi chứ không táp hay hả họng cắn cho người ta nhờ. Chúng là nỗi bực mình cho dân câu vì chúng chuyên môn phá mồi chẳng khác nào một tay không biết uống rượu mà lại ngồi trong bàn nhậu có đồ nhắm ngon. Thoạt nhìn khó mà phân biệt giữa cá rô và cá sặc vì chúng bằng cỡ nhau, màu trên sống lưng cũng nâu nhạt giống nhau. Nhưng cá sặc thỉnh thoảng hay nghiêng mình khiến cho người ta có thể nhận đúng ra chúng. Thân hình của chúng dẹp hơn cá rô, hai bên lườn có đốm đen, hai vây dưới mang dài hơn. Cá rô thì có sọc rằn như quân phục của thủy quân lục chiến, kỳ trên lưng rất cứng, vẩy cũng cứng hơn vẩy cá sặc. Ổ đẻ của cá sặc rất dễ biết vì có một đám bọt bằng bàn tay xòe nổi trên mặt nước.

Những năm đầu của thập niên 1950, dân Saigon sống vùng Chợ Quán còn ở nhà sàn trên đầm lầy đầy bèo và lục bình. Gặp mùa nước dâng lên, mực nước cách sàn nhà trong gang tấc, tôi đã từng ngồi trước hàng hiên nhìn xuống nước trong và chăm chú theo dõi một đôi vợ chồng cá sặc bướm nhả bọt làm ổ ngay dưới chân cột. Tôi lấy một cái rổ lớn rình rình vớt một cái thật lẹ dưới đống bọt, xúc luôn hai cô cậu sặc vô rổ. Tôi bỏ chúng vô một cái thau rồi đổ nước đầy cho chúng lội xem chơi đến chán rồi thả. Chúng là loại cá hiền khô quá hóa khù khờ, để đâu nằm yên đó chớ chẳng chịu tìm cách thoát thân. Chúng cũng chẳng có nhiều thịt như cá rô cho nên chỉ để làm mắm. Mắm sặc Châu Đốc làm bằng cá tươi, thịt dẻ khắc, xé ra ăn sống với cơm nguội đủ ngon rồi, đem nấu với thịt ba rọi xắt mỏng và cà tím để ăn với rau ghém bắp chuối hột non lại còn ngon hơn. 

Tôi là một tay cao thủ sát cá đó bạn (ai đi câu mà chẳng nói mình giỏi!). Đã không câu thì thôi, chớ câu là có nhiều cá. Tôi câu được nhiều cá chừng nào, tôi càng mê câu chừng đó. Những loại cá bị tôi câu nhiều nhứt là cá rô, cá trê và cá lóc, sau đó mới tới cá bống, cá óc mít, cá lòng tong và cá thòi lòi. Bống, ốc mít, lòng tong, thòi lòi là mấy loại cá ở mương, rất dễ câu, là trò chơi của con nít, câu không cần lưỡi câu bằng kim loại. Rô, trê và lóc câu được mới thích thú hơn, đòi hỏi tài nghệ cao hơn, nhứt là lóc. Lóc đáng coi là "game fish", là "true fighter", vì lối chọn mồi, rình mồi, quan sát mồi, theo dõi mồi, táp mồi, và lối kháng cự dũng mãnh của nó khi biết mình đã bị dính lưỡi câu. 

Mồi ưa thích nhứt của lóc là nhái hoặc cóc con còn sống. Hồi nhỏ tôi đã từng đi bắt nhái bầu, nhái bù tọt, cóc con để làm mồi câu cá lóc và để bán lại cho mấy ông câu khác. Chiều chạng vạng tối, cóc mẹ cóc con từ các hang dưới gốc chuối hay hốc kẹt quanh nền nhà túa ra để ăn muỗi, mối, kiếng có cánh. Mấy ông câu già ngại bắt cóc vì mắt kém khó thấy đường vào lúc hoàng hôn. Tôi chọn những con vừa cỡ bằng ngón tay cái của người lớn hoặc bằng ngón cẳng cái của tôi, một thằng nhỏ khoảng mười tuổi lúc bấy giờ. Nhái thì khó bắt hơn cóc vì nhái nhanh nhẹn hơn cóc, lại chỉ ở những chỗ gần mé nước, khi nghe thấy động tĩnh là chúng nhảy tỏm xuống nước bùn trốn mất. Do đó, tôi thường đi bắt nhái vào giữa trưa nắng gắt. Trời nắng nước ruộng rất trong, dù nhái có nhảy xuống nước, tôi vẫn có thể xác định vị trí của chúng một cách dễ dàng và thò tay chụp đúng chóc. 

Mỗi lần đi câu cá lóc, tôi xách một cái cần và hai cái đục. Cái nhỏ đựng mồi, cái lớn đựng cá. Đục đan bằng tre, có nắp đậy, có quai xách. Cần câu có hai loại: câu rê và câu nhấp. Cần câu rê nhỏ hơn, ngắn hơn, dùng trong hiện trường mặt thoáng nhỏ hẹp như ao, mương, rạch. Khi câu rê, người câu di chuyển chầm chậm trên bờ vừa rê rê con mồi trên mặt nước. Cần câu nhấp nặng hơn, dài hơn, dùng cho hiện trường mặt thoáng rộng lớn như ruộng lúa hay cánh đồng ngập nước. Cần câu nhấp làm bằng thân cây trúc có sức oằn cong nhiều và dẻo dai, vì nặng và dài hơn cho nên đặc biệt có gắn một cái bá cong cong ở đuôi cần để chống chịu vào một bên hông của người câu. Khi câu nhấp, người câu nắm con mồi móc dính lưỡi câu quăng bổng ra thật xa rồi đứng yên một chỗ và gật gật (nhấp) cần câu theo động tác lên xuống cho con mồi nhẩy nhẩy trên mặt nước như thể một con nhái đang lội. 

Cá lóc là loại cá rất hiếu động, hung hăng và háu ăn. Vì thế chúng ít khi sống theo đàn, chỉ đi kiếm ăn riêng rẻ, mỗi cặp có vùng hoạt động riêng. Vì những con mồi của cá lóc thường thường ở trên mặt nước cho nên cá lóc thường xuyên lội sát mặt nước và nổi đầu lên rất dễ trông thấy. Khi thấy một con nhái, một con cào cào, một con chuồn chuồn hay một con bướm lảng vảng gần mặt nước hoặc đang đậu trên một nhánh lúa, cá lóc rình rình tiến lại gần rồi vụt phóng mình lên táp thật lẹ trong nháy mắt. Do đó nơi nào có cá lóc là người đi câu biết ngay, mù cũng biết mà điếc cũng biết, miễn là đừng cả hai. 

Khi cá lóc thấy con mồi, nó nhào lên táp thật mạnh. Gặp trường hợp cái lưỡi câu bén nhọn dính một bên mép, tức thì nó lôi mồi chạy vùn vụt đủ mọi hướng của ba chiều không gian: trái, phải, trước sau, trên dưới. Trong ruộng lúa, lóc khó mà chạy thoát, vì giây câu vướng lúa, lóc không chạy lẹ hoặc chạy xa được. Lóc không ngần ngại phóng tung mình lên khỏi mặt nước thật cao rồi bỏ bom xuống sâu dưới mặt nước. Lóc biết đổi chiến thuật đột ngột để tìm cách thoát thân kể cả biết dùng răng bén của lóc cắn đứt giây câu để thoát. Vì thế khi biết chắc cá đã dính câu và vướng giây không thể lôi lên bờ, tôi vội vàng lội xuống ruộng tóm cá mang lên cho thật lẹ. Cá lóc mạnh hơn tất cả các loại cá đồng khác. Chúng vùng vẫy ác liệt lắm, lắm khi tôi phải dùng một chân kềm chặt cái đầu của nó trong lúc dùng hai tay gỡ lưỡi câu ra khỏi miệng của nó. Ngay cả khi đã bị bỏ vào trong cái đục rồi và thòng ngâm dưới nước, nó vẫn không ngừng vẫy vùng gây tiếng động lổn xổn. 

Sống ở Saigon hai chục năm, tôi có nhiều dịp xuống các ghe chành, ghe bầu chợ cá từ Biển Hồ ở Nam Vang về đậu dọc theo Bến Chương Dương gần Cầu Ông Lãnh trên con rạch Bến Nghé để cung cấp cá cho các vựa chánh bán sĩ; từ đó họ sẽ phân phối lại cho các bạn hàng buôn bán lẻ. Cá ở Biển Hồ to lớn hơn cá ruộng đồng Tiền Giang quê tôi. Nhiều con cá lóc bự bằng cổ chân người lớn, một bàn tay cầm không giáp vòng. Mỗi ghe cá chứa hàng mấy ngàn con dưới lòng ghe có ba ngăn, bên trên lót ván làm sàn có chừa nắp làm chỗ thòng vợt xuống vớt cá. Con nào con nấy khi được vớt lên đều sứt đầu vỡ trán chứng tỏ chúng không ngừng tung mình tìm cách thoát thân. 

Cá lóc cũng như cá trê có nhiều màu da vẩy đậm lợt khác nhau, từ vàng lợt tới đen mun. Vì lớn con và có nhiều thịt, cá lóc bán mắc hơn cá trê, và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon lành đa dạng hơn, từ món ăn thường ngày trong gia đình như canh, kho, chiên, cho đến món nhậu hay tiệc tùng như nướng, hấp, trộn gỏi, cháo, lẩu, v.v. Ngoài ra còn có các phó sản khô, mắm, và chà bông.

Tuy ở Saigon hai chục năm nhưng tôi chỉ câu sông Saigon năm ba lần, lý do là ngồi câu nơi Bến Bạch Đằng ngay trong thành phố đông người không khoái bằng câu nơi đồng nội vắng vẻ. Tôi chỉ câu được cá đối và cá ngác ở Bến Bạch Đằng, thỉnh thoảng mới dính một con tôm càng trọng trọng. Muốn câu tôm càng, tôi phải lên Cầu Bình Lợi. Tôi có một người anh họ làm lính Cục Quân Nhu coi trạm tiếp liệu xăng ở bờ sông ngay dưới dốc cầu Bình Lợi. Trạm xăng nầy có nhiệm vụ cung cấp xăng cho ghe thuyền tuần giang trên sông Saigon. Tôi vô đó ngồi câu thoải mái, vì đó là khu quân sự, dân thường không được vào. Câu tôm tôi dùng mồi ruột vịt, ruột gà hôi rình. Mấy anh tôm chán bỏ xừ, vì mấy anh cắn mồi một cách nhỏ nhẹ như con gái ăn cơm khi nhà có khách, nhứt là khách con trai. Thấy giây câu động đậy, bạn không được giật mạnh mà phải giở cần câu lên từ từ, nếu không mấy anh tôm nhả mồi vuột mất. Có khi hai trự dính một lượt.

Mấy năm 73,74,75, tôi có ở Mã Lai Á, một xứ có địa thế, khí hậu và sinh thực vật không khác chi mấy với quê nhà, cá cũng có cá trê, cá lóc, cá phi. Hai vùng ngoại ô của thủ phủ Kuala Lumpur là Ampang và Petaling Jaya có nhiều ao hồ nguyên là quặng mỏ thiếc đã khai thác hết rồi, nay là ao nuôi cá của các nông trại trồng trọt và chăn nuôi, phần lớn do người gốc Hoa làm chủ. Trong thời gian ở Kuala Lumpur, hầu như cuối tuần nào tôi cũng đi câu. Để bắt kịp với trào lưu tiến hóa của dân câu, tôi cũng muốn trở thành một tay câu hiện đại. Tôi sắm luôn mấy bộ đồ nghề loại xịn hiệu Mitchell, Daiwa, gồm đủ mọi thứ lỉnh kỉnh như hộp đựng, cần câu, máy phăng giây câu, nhợ, lưỡi câu, chì, phao, kềm, đồ nông miệng cá, mồi giả, vợt, giỏ (xếp lại được), ghế xếp. Đó là chưa kể trang phục đặc biệt giày ống, quần ny lông, nón vải rộng vành, thuốc thoa muỗi, kiếng mát, áo mưa, v.v.

Ao hồ công cộng dễ tiếp cận, đỡ phải lặn lội, nhưng ít cá, thích hợp cho dân câu tài tử vừa câu vừa picnic vui chơi cả gia đình. Muốn câu nhiều cá phải đến ao tư nhân, hoang vắng ít người tới vì không có đường rộng cho xe hơi đến gần. Người câu phải đậu xe ở trước nhà chủ nông trại, trả cho họ một món tiền nho nhỏ rồi mới xách đồ nghề cuốc bộ một khoảng vài trăm thước mới tới ao. Câu ở nông trại lớn thú lắm. Tuy xa, nhưng có đến mấy ao, có cả suối cạnh rừng, tha hồ câu, chán ao nầy qua ao khác, chán ao thì câu suối, đâu cũng có cá. Cá phi nuôi trong ao sinh sản rất nhanh nên rất nhiều. Chúng bơi từng đàn cả trăm con, cùng trồi lên mặt nước há miệng hớp không khí rồi cũng đồng loạt hụp xuống bơi đi chỗ khác giống như một toán lực sĩ môn thủy vũ đang tranh tài thế vận hội. Cá phi lớn cỡ bàn tay duỗi, thịt trắng hơn và ít xương hơn cá rô. Chúng thuộc loại cá hiền nên rất dễ câu, trẻ con và phụ nữ câu cũng được. Kinh nghiệm cá nhân cho biết không nên đi câu chung với trẻ con và phụ nữ vì khi được cá, họ hay la oai oái, lăn xăn lít xít làm mất hết cái vẻ ung dung hưởng nhàn của ông câu. Ông câu dại dột dắt bọn họ theo chỉ tổ làm mọi cho họ thôi, nào gỡ cá, nào móc mồi, nào gỡ giây câu mắc kẹt. Chưa hết, coi chừng họ quăng giây sai góc độ, có khi lưỡi câu của họ móc vô cái mép của bạn nữa đó! Vã lại người ta tin dị đoan rằng người đẹp mà đi câu thì cá trốn hết, do đó mới có câu thành ngữ Chim sa cá lặn dịch từ chữ Hán Ngư Trầm Nhạn Lạc.

Lý tưởng hơn cả là đi câu chung với một người bạn có cùng sở thích. Hai người hai chiếc Honda hẹn nhau đi câu thật sớm khi đèn đường phố chưa tắt. Đi khoảng một tiếng đồng hồ thì đến nơi, mặt trời vừa lên sau rặng cây, cỏ còn đẩm ướt sương đêm, mặt nước ao bốc hơi và tỏa một làn khói mỏng là đà, cá quẫy nước hay đớp một con muỗi mòng nào nghe lõm bõm. Đôi bạn hít thở không khí trong lành của buổi tinh sương và cảm nhận sinh khí của đất trời đang thấm nhập vào lòng mình. Họ chọn chỗ đặt ghế ngồi, lắp cần, móc mồi và ném giây. Cục chì chạm nước đánh chủm, chiếc phao nhấp nhô một chút rồi đứng yên. Hai ông câu có thể gác cần lên hộp đồ nghề, nhẩn nha lấy chiếc bình thủy đựng cà phê ra nhấm nháp, lấy thuốc lá ra hít vài hơi và tận hưởng thú vui của ông câu.

Tôi rất ngạc nhiên khi biết là cá lóc cũng ở suối và cũng vượt vũ môn. Thấy vài người gốc Hoa đứng câu ở đó và giựt được cá, tôi cũng xách cần câu đến đó thử vận may. Vừa quăng con mồi ra xa giữa dòng, tôi đã cảm thấy cần câu có sức trì kéo khá mạnh. Tôi thích chí vô cùng, vừa quây thâu giây lại vừa hồi hộp. Một con cá lóc tung lên khỏi mặt nước đưa bụng trắng nõn. Cá chạy xuôi dòng rồi ngược dòng. Tôi nương giây chạy theo hướng cá, lúc thâu, lúc thả, cố giữ cho giây vừa độ căng. Sợ cá chạy vuột, tôi vừa thâu giây vừa đi xuống mé nước. Anh bạn xách vợt cán dài chạy đến phụ vớt cá lên. Con cá lóc bự sự trắng tươi quẫy đã mạnh, trái tim tôi đập còn mạnh hơn vì lần đầu tiên trong đời, tôi câu được con cá lóc ở suối bằng mồi giả!

Tính đàn ông thích chiếm đoạt và thử thách, cho nên câu được cá càng hiếm khó càng sảng khoái và thỏa mãn. Tôi với anh bạn ghiền câu ăn hiếp mãi mấy con trê, con lóc trong ao trong suối đã chán. Chúng tôi đi câu biển. Từ Kuala Lumpur, chúng tôi đi Kelang là hải cảng gần thủ đô nhất. Kelang thật ra là một cửa sông giáp biển. Chúng tôi mướn một chiếc tàu nhỏ trong một buổi sáu tiếng đồng hồ giá hai chục Mỹ kim, coi như mỗi đứa chỉ tốn có mười đồng. Tàu chạy ra không xa bờ lắm, rừng tràm còn nhìn thấy xa xa, dòng nước lúc đục lúc trong, khung cảnh giống như cửa biển Cần Giờ. Cảng Kelang được mấy hòn đảo che khuất, đỡ bị sóng to gió lớn. Mấy hòn đảo đó có lẽ là do đất phù sa tạo thành. Tài công lái tàu chạy ra một đỗi rồi bỏ neo, chúng tôi bắt đầu câu. Nước chảy xiết, chúng tôi phải dùng chì nặng. Lần đầu tiên đi câu biển, chúng tôi rất hứng thú vì mỗi một con cá câu lên là mỗi một con cá khác, đủ hình thù, đủ màu sắc, nhưng con lớn nhất chỉ bằng bàn tay. Đến gần giờ ra về, tôi câu được một con lươn biển khá to. Nó không "đánh nhau" hùng hổ như cá lóc, chẳng chạy xiên xẹo đầu nầy đầu nọ; nó chỉ hết sức ghì lại. Dĩ nhiên, lúc chưa lôi được nó lên tàu, tôi không thể đoán nó là con gì vì tôi chưa có kinh nghiệm đi câu biển. Đến khi thấy nó là con lươn dài ngoằn với cặp mắt trắng nhờ nhờ, tôi ớn, chưa biết tính sao với nó. Anh tài công người Tàu nói lươn biển ăn rất bổ, quí lắm, anh ta sẵn sàng mua. Tôi bèn cho anh ta luôn để tôi khỏi đụng tay tới con quái vật ghê gớm đó.

Người ta thường nói một câu danh ngôn, “Cho người nào một con cá là cho người đó một bữa ăn; dạy người nào câu cá là cho họ có thức ăn cả đời.” Dân câu đực rựa thì lại nói như vầy, “Cho người đàn ông một con cá là vợ ông ta phải mất công nấu một bữa ăn; dạy người đàn ông câu cá là cuối tuần ông ta trốn vợ đi mất biệt!”

Cũng giống như bất cứ người đàn ông nào khác trên đời, tôi thích câu cá nhưng tôi rất ngại làm cá. Câu cá về, tôi lẹ lẹ bàn giao cho đầu bếp trong gia đình tùy nghi xử dụng, tôi không cần biết tới. Những lúc sống xa gia đình, tôi đem cá cho bạn bè hoặc người quen. Tôi chỉ bán cá một lần hồi tôi còn nhỏ ở dưới quê ngoại, nhưng sau đó, tôi hối hận hoài. Một hôm tôi đi câu ngoài ruộng được mấy con cá trê và vài chục cá rô. Trên đường về, tôi bị một bà lão trong làng nài nỉ mua số cá của tôi. Tự thuở giờ, tôi không hề biết giá cả của cá ra sao, cũng chẳng biết giá trị của đồng tiền như thế nào. Ngày đó, tiền giấy với các giá đơn vị xu vẫn còn lưu hành. Bà lão tự động trúc cá từ trong đục của tôi sang cái rỗ của bà rồi móc hai tờ năm mươi xu đưa cho tôi. Người xưa hay nói chữ nho kiến tài ám nhãn, thấy tiền mờ mắt. Tôi mờ mắt thật, và để rồi tôi khóc trong hối hận, nước mắt ròng ròng, khi tôi về đến nhà và mẹ tôi hỏi hôm nay câu có được nhiều cá không. Tôi kể lại cho mẹ tôi số cá tôi bán và số tiền tôi kiếm được. Mẹ tôi mới nói cho tôi biết rằng số cá đó đủ làm món ăn cho một bữa cơm cho cả nhà; còn đồng bạc tôi kiếm được chỉ mua được nửa ổ bánh mì trét tương cho tôi ăn. Thằng bé khù khờ đã bị bà già gạt gẫm. Từ đó trở đi, tôi không bao giờ bán cá nữa, thà là cho không.

Những năm cuối thập niên 1970 ở Toronto, tôi hay đi câu sông. Con sông Grande chảy qua vùng Kitchener, Waterloo, Cambridge vào mùa xuân có nhiều cá bass, cá northern pike và cá chép (carp). Bass và pike là game fish, chiến đấu dữ lắm. Bass giống như cá rô, mình cũng có sọc rằn thủy quân lục chiến, kỳ lưng cũng cứng tua tủa, nhưng lớn hơn cả cá phi, nặng ba, bốn cân Anh. Pike thì mình thon dài, có lốm đốm bông, hàm răng chơm chởm rất bén, con lớn nặng cả chục cân Anh. Hai loại nầy phải câu trong mùa theo luật định và có giới hạn số lượng, ai lạng quạng vi phạm sẽ bị tịch thâu và bị phạt tiền khá nặng. Cá chép câu thả giàn vì không phải là game fish. Chép Canada bự như một con heo mới đẻ, tay câu nào sơ hở để cần câu xuống, khi cá ăn không hay, sẽ bị nó lôi cả cần câu xuống sông đi mất. Câu được nó phải chạy xuống mé nước bế nó lên bằng cả hai tay chớ không có giây, cần, vợt nào chịu nổi sức nặng hai chục pounds của nó.

Kể từ đầu thập niên 80, tôi không còn câu cá nữa, mặc dù ăn cá thì vẫn ăn, có khi còn ăn bạo hơn trước, vì về già tôi cũng bày đặt quan tâm đến chuyện giữ gìn sức khoẻ, tránh bớt ăn thịt và ăn thêm nhiều cá. Bao nhiêu đồ nghề câu, tôi cho bạn bè người quen hết. Những lần đi Florida nghỉ hè thăm bà con, tôi chỉ bắt cua, bắt ốc, mang về rửa sạch thảy vô nồi luộc lên ăn, đơn giản như là đang giỡn. Nếu có ghiền câu cá lắm, tôi cũng chỉ ra các cầu tàu vừa ngó người ta câu cá vừa ngó các cô người cá đã mọc chân đang đứng trên bờ. Không phải chỉ có một mình tôi tò mò chờ xem người ta câu cá. Một bầy bồ nông xám xịt xấu xí cũng chầu chực gần đấy. Chúng rất hỗn hào du côn như những tay anh chị đứng bến, vừa thấy người ta kéo cá lên là bay ào đến giành giựt, đúng y như là một bầy kên kên ở Phi châu thường thấy trong các phim tài liệu của National Geographic. Thật là trái với hình ảnh đẹp đẽ của một con chim thằng chài với bộ lông màu xanh thẫm óng mượt ở quê nhà thường lẻ loi đậu trên nhánh cây bần, cây vẹt, cây mắm ven mương nghiêng nghiêng cái đầu khi săn cá; để rồi khi chọn đúng con mồi vừa ý là chớp nhoáng bay vụt xuống xớt nhẹ một con cá lòng tong vừa trồi lên mặt nước.

Ngày nay, tôi đi câu bằng trí tưởng tượng. Tôi thư thả đọc thơ văn, chiêm nghiệm và sống với tâm cảnh của tác giả, của cổ nhân. Tôi tìm thấy trên địa chỉ trang mạng http://geocities.com/nquangus/truyen/cauca.htm, một ông câu thuộc hạng đam mê và nhà nghề chỉ đề tên tắt là Mệ ở Houston, Texas có viết khá đầy đủ về kinh nghiệm đi câu cá của ông, trong đó ông có kể kinh nghiệm đứng dưới nước biển câu cá ở Galveston rất thú vị đối với cư dân đất liền như người Toronto chúng ta:

“Đi câu, ai lại không lội, lẽ dĩ nhiên, cần gì phải nói. Không, đây là một lối câu rất thú vị, lại bắt được nhiều cá hơn cả. Chẳng vậy mà nhiều tàu câu lái tới nơi, neo lại, mọi người trên tàu đều xuống nước, lội bộ.

Ở đây, vào đầu tháng 10 cho đến Thanksgiving là mùa câu cá Lưỡi Trâu (Flounder), những người đi câu ai cũng nao nức mong đợi mùa câu này. Ngoài các dụng cụ câu thông thường còn phải mang áo lội lên tận nách để chống lạnh. Bãi lội câu là vùng quanh Sea World Park ở Galveston, cuối đường 51. Thông thường hằng ngày người ta câu ở đây khoảng 100 người. Bữa nào đọc báo hay nghe tiên đoán thời tiết, báo cơn lạnh lớn sắp đến, ngày mai "flounder run’, tức là ngày cá chạy, cá từ ngoài sâu chạy vào đẻ trong bờ, sau đó đi xa. Dẫu hôm đó ba giờ chiều, thủy triều mới bắt đầu lên, nhưng 5 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt ở các tiệm bán mồi, mua mồi sẵn, lái xe ra ngồi đợi ở bờ biển bãi lội, nếu chậm sẽ không có mồi và chỗ đậu xe xa, phải cuốc bộ hơn cả dặm, vì hôm đó đi câu rất đông. Khoảng 1 giờ chiều chúng tôi bắt đầu câu, lội cách bờ chừng nửa dặm, có kẻ lội xuôi người lội ngược, nhưng tất cả mọi người cùng đi dần dần vào bờ vì nước bắt đầu dâng lên cao có thể làm ngập áo lội. Cá phân tán khắp bãi lội, không biết đâu mà đoán, có nhiều khi cá nằm ngay dưới chân, đó là những lúc kéo mồi về sát bên mình cá mới cắn câu. Nhiều khi tôi đứng một chỗ, chỉ câu quanh quẩn bên mình được 7, 8 con trong khoảnh khắc. Đến giờ nước lớn, sắp ngập áo phao, mọi người bắt buộc phải lên bờ, đứng sắp hàng ngang cả dặm, không đồng đều, chỗ nhiều người chỗ ít người, đếm ra cả mấy trăm người, trong số này có rất nhiều ông lớn của các hãng xưởng công ty, nhiều nhất là mấy ông lớn ở NASA vì nhiều người biết mặt. Để ý, chỗ nào đông người là chỗ đó có cá, thiên hạ càng bu lại đông hơn, câu dành giựt nhau nên vướng chỉ tùm lum.

Những người câu thường, mỗi mùa câu được trên dưới 100 con, những tay thiện nghệ chỉ câu "mồi giả" được ít nhất là 200 con. Có lẽ vì thế mà nay bị hạn chế về cỡ và số lượng của loại cá này, mỗi người mỗi lần chỉ câu được 10 con và mỗi ngày được mang về tối đa 20 con mà thôi, thay vì không hạn chế như lúc trước. Cỡ cá phải dài hơn 14" .

Tôi câu bằng cách lội này dở lắm vì hay mỏi chân, thỉnh thoảng phải vào bờ nghỉ ngơi, nếu ráng đứng lâu có thể bị vọp bẻ (cramp). Bởi vậy rất ít khi tôi câu đủ số cá mong muốn. Cá flounder to nhất mà tôi câu được chỉ dài cỡ 24". Nhưng con và cháu tôi mới mười tuổi đã từng câu được con to bằng tờ báo, cả bề dài lẩn bề ngang, trên 27". Nếu quí bạn câu không tin, lấy tờ báo ra đo, hoặc có dịp trông thấy hình nó chụp đang ôm con cá. Lúc chín tuổi, cháu nhỏ này câu thi với các bạn đồng đội "Boy Scout", đoạt được ba giải:cá lớn nhất, cá nhỏ nhất và cá nhiều nhất.”

Thi văn liên quan đến thú câu cá không nhiều. Ngay cả trong ca dao cũng hiếm thấy hình ảnh của ông câu, của cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc là các loại cá gắn liền với nếp sống đồng quê. Cá có mặt trong một vài thành ngữ như Cá mè đè cá chép, Cá lớn nuốt cá bé, Cá buôi lội ngược, cá nược lội xuôi, v.v. Người ta nhắc tới ánh trăng vàng, lũy tre xanh, cánh cò trắng, tiếng sáo diều, mục đồng, trâu cày ruộng. Còn mấy con cá thòi lòi, lòng tong, tép bò, cá trắng, ốc bươu bị chê, bị kỳ thị, bị lãng quên một cách tội nghiệp. Tôi tự hứa tôi phải lần lượt đưa chúng vào thơ, dù có bị gán cho là thơ con cóc, con nhái, con tép, con cá cũng mặc. Nhưng trước tiên, ta hãy thử đi tìm các áng thi văn xưa.

Người Trung Hoa xưa xếp bốn loại sinh hoạt đồng áng là ngư, tiều, canh, mục; thơ văn nói về những thú sinh hoạt này hẳn phải nhiều, chỉ tội một nỗi là tôi chẳng biết tìm ở đâu thôi. Nhờ đọc quyển Hương Sắc Trong Vườn Văn của học giả Nguyễn Hiến Lê, tôi chộp được bài thơ sau đây:

Ngư Phủ Từ

Tị thế thùy luân bất ký niên.
Quan cao tranh đắc tự quân nhàn?
Khuynh bạch tửu, đối thanh san.
Tiếu chỉ sài môn đãi nguyệt hoàn.

Lý Tuân

Mỗi lần gặp một bài thơ phiên âm từ gốc chữ Hán, tôi tra tự điển muốn khùng luôn. Nhiều khi một chữ có rất nhiều nghĩa, tôi phải lựa nghĩa nào cho hợp với ý của bài (context). Tra nghĩa từng chữ xong, tôi ráp lại nguyên câu, lại đoán nữa; ráp lại nguyên bài, nhiều khi không hiểu gì cả. Tôi ước phải chi Hán mình rộng thêm một chút!

Ngư phủ = người đánh cá, lưới cá, bắt cá, câu cá; Từ = một thể thơ văn;

Tị = lánh, tránh đi; Thế = đời; Thùy = ném, quăng xuống; Luân = giây câu bằng nhợ. Thùy luân = quăng giây câu để câu cá; Bất = không; Ký = ghi; Niên = năm; Bất ký niên = không ghi năm, không biết mấy năm, hay là không cần nhớ đến thời gian?

Quan = quan chức; Cao = cao; Tranh = tranh giành; Đắc = được; Tự = tự mình; Quân = tiếng xưng hô của vợ chồng với nhau hoặc giữa người ngang hàng nhau, chẳng hạn như "bạn à", "chàng à", "mình à", "anh à", "em à", v.v.; Nhàn = nhàn rỗi;

Khuynh = nghiêng; bạch tửu = rượu trắng; Đối = đối mặt; Thanh san = núi xanh;

Tiếu = cười; Chỉ = ngón tay chỉ; Sài môn = cửa củi, tức cửa nhà nghèo làm bằng cây sơ sài như củi vậy, lỡ kẹt khi thiếu củi tháo cái cửa ra chụm đỡ cũng được; Đãi = tiếp rước; Nguyệt hoàn = vòng trăng, tức trăng tròn.

Xin dịch là: Bài Vịnh Ông Câu

Vui thú ông câu để lánh đời
Công danh chẳng ước, chỉ nhàn thôi
Núi xanh, ta rót mời rượu trắng
Đón trăng, cửa liếp cứ vào chơi. (PH)

Một người lánh đời về sống nơi thôn dã hàng ngày vui thú ngồi câu cá quên thời gian hỏi người bạn:" Anh còn đang mải mê theo đường công danh quan lộ thì làm sao nhàn cho được?". Muốn nhàn thì phải như "ông" đây nầy. Vừa câu cá vừa uống rượu nâng cốc mời núi xanh, rồi chỉ tay về túp lều tranh của mình với cánh cửa liếp sơ sài nói trăng cứ vào chơi tự nhiên! Nghe tạm ổn. Còn hai câu thơ sau đây của tác giả nào, bạn có nhớ không:

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn,
Yên ba thâm xứ hữu ngư chu,

Dịch:

Thế sự thăng trầm anh chớ hỏi,
Khói sông thăm thẳm một thuyền câu.

Hai câu thơ đó không biết của ai, nhưng chắc phải của một tay lánh đời hoặc muốn tạm quên cái sự đời đầy căng thẳng hầu lấy lại sự bình thản cho tâm hồn, cũng giống như mấy xếp lớn của công ty, lâu lâu bỏ sở về sớm chiều Thứ Sáu sau khi đã để lại trên bàn giấy một tấm bảng có mấy chữ Gone Fishing! Xếp công ty lớn cỡ Royal Bank, Nortel, Corel đi câu bằng máy bay riêng, tàu riêng câu cá bự cỡ cá lưỡi kiếm trong Vịnh Mễ Tây Cơ, cá lake trout ngoài hồ Ontario, hay cá salmon trên tận Alaska. Xếp của mấy cửa tiệm nhí Việt Nam trong thành phố nói đi câu thì coi chừng họ chỉ đi câu cá ... ngựa trong trường đua Woodbine! Trong một sở làm, khi xếp lớn đã chuồn sớm để đi câu cá rồi thì mớ nhân viên còn ở lại cũng câu, nhưng mà câu giờ!

Bây giờ mời bạn đọc lại bài Thu Điếu (Mùa Thu Câu Cá) của Nguyễn Khuyến sau đây, có khi là bạn đã thuộc lòng rồi:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Bài thơ đọc lên nghe êm ả quá đi mất, phải không bạn? Thanh âm bình trắc lên xuống nhịp nhàng, ngữ cảnh dùng rất khéo, giàu hình ảnh, màu sắc, đường nét, bố cục vững vàng, dẫn dắt người đọc từ gần ra xa, từ xa đến gần, từ ao thu nước trong có chiếc thuyền nhìn lên có lá vàng bay nơi ngõ trúc vắng và từng mây lơ lửng trên bầu trời xanh ngắt; định bỏ cần câu xuống để rảnh rang hương thú vui thanh nhàn ngắm cảnh thiên nhiên mà không được vì dường như là cá đớp gây tiếng động dưới đám bèo. Tưởng tượng ra mà bắt mê. Nhưng cá mà đớp động dưới chân bèo, sao tôi nghi cá sặc quá.

Ca dao và hát ru, tôi nhớ có mấy câu sau đây:

Cá không ăn muối, cá ươn,
Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư. (Nghe hai câu ca dao nầy tôi cảm thấy hơi quê như thể nó ám chỉ tôi)

Lấy chồng làm lẻ khỏi lo
Cơm nguội đầy rá, cá kho đầy nồi.

Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn; trông sao, sao mờ. (Chắc là người đẹp cho nên cá và trăng cũng phải thẹn mà chuồn êm)

Mùng bốn cá đi ăn thề,
Đến khi cá về, cá vượt vũ môn.

Cá chuồn không cánh mà bay
Cá trê không cẳng mà hay lên bờ. (Tôi bịa)

Má ơi đừng đánh con đau,
Để con bắt ốc hái rau má nhờ. (Má mà đánh con, chắc là má ghẻ)

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về bưng ăn ốc, về đồng ăn cua. (Hoặc Về sông ăn cá, về đồng ăn cua)

Má ơi con vịt chết chìm.
Con thò tay xuống vớt, cá lìm kìm nó cắn con. (Vịt là loài sống ở dưới nước, vậy mà chết chìm, ngộ hé! Lại còn cá lìm kìm cắn nữa! Cái miệng nó tí tẹo  làm sao mà cắn được.)

Chim quyên ăn trái nhãn lồng.
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi. (Hơi tỏi, hơi bia, hơi thuốc lá?)

Năm 1958, Huy Cận làm một bài thơ hay, đáng kể là hay nhất kể từ khi theo cộng sản năm 1945, có giá trị nghệ thuật, trong đó nhắc đến tên của nhiều loại cá biển, nghe vui vui, mặc dù vài ý không ổn:
 

Đoàn Thuyền Đánh Cá

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sáng đã cài then đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hát rằng cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi,
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng,
Đến dệt thuyền ta, đoàn cá ơi.

Thuyền ta lái gió với buồm trăng,
Lướt giữa mây cao với biển bằng.
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Giàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng.
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thơ, sao lùa nước Hạ Long.

Ta hát bài ca gọi cá vào.
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự thuở nào.

Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng.
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vẫy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
Lưới xếp, buồm lên đón nắng hồng.

Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.


Bài thơ đầy ắp hình ảnh, màu sắc, âm điệu đẹp quá, nhưng rất tiếc lại biểu lộ cái ý gian ác. Đã trìu mến gọi cá bằng em (Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe) và ví biển khơi là lòng mẹ (Biển cho ta cá như lòng mẹ) thì nỡ lòng nào giàn thế trận đánh cá như đánh giặc (Giàn đan thế trận lưới vây giăng) rồi dùng lời ca dụ dỗ cá vào chỗ chết (Ta hát bài ca gọi cá vào). Tệ hại hơn nữa, sau khi Mỹ bắt đầu dội bom miền Bắc giữa thập niên 1960, Huy Cận sửa tựa bài thơ trên là Đoàn Thuyền Đánh Cá Và Đánh Mỹ và đổi lời một vài câu cho càng tăng thêm tính chất sắt máu đấu tranh và trâu đánh!

Vì tác giả là đảng viên cộng sản gộc có chân trong chính trị bộ, lại đang nắm chức Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa cho nên bài thơ trên hiên ngang đi vào chương trình học lớp 8 phổ thông của miền Bắc.

Bài viết nầy cũng xin được kết thúc bằng một bài thơ. Đặc biệt, bài thơ nầy sặc mùi tôm cá.

Câu Cá Quê Tôi

Tôi vẫn nhớ những chiều con nước lớn,
Mương sau nhà sàn nước mẹ vo cơm.
Cá lòng tong giành rỉa cám gạo thơm,
Tôi hí hửng thả cần câu mấy chú.

Câu với tôi trở thành niềm vui thú,
Ra ruộng đồng câu cá lóc khỏi chê,
Trở nên tay chuyên trị cá rô mề.
Trong một buổi, cá câu đầy nặng giỏ.

Tháng trước Tết, ngoại sai tôi phát cỏ
Ao vườn nhà, cậu tát, cá nhiều ghê!
Nào cá trèn, sặc bướm, chạch, lươn, trê.
Kèo, chạch, ốc, rắn hàm ri cũng có.

Tép bạc trắng, tôm càng xanh râu ló,
Mương thả chà, tát cạn bắt đem lên.
Tôi lăn xăn bắt cá, mệt cũng quên,
Và năm đó, cả nhà ăn cá đã!

Rắn hàm ri bằm nát xào ớt xả.
Bánh tráng mè nướng xúc, hít hà cay.
Tôm nướng lên ăn bún chép môi hoài.
Ốc nấu bung một nồi, ăn chẳng ngán!

Cá rộng khạp ăn dần luôn cả tháng,
Chạch, kèo đem kho tộ bỏ tiêu xay.
Sặc, lươn, trèn đem nấu mắm ăn ngay,
Trê đem nấu canh khoai môn khoai mỡ.

Giờ nhắc lại sao tôi thèm quá cỡ.
Những món ăn tôm cá của quê nhà.
Món bây giờ không kiếm ở  đâu ra,
Ôi kỷ niệm những ngày thơ câu cá.

Phan Hạnh.

1 comment:

  1. Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)

    ReplyDelete