Wednesday 19 September 2012

Ngày Từ Phụ nghĩ về cha (Bút ký)


Ngày Từ Phụ nghĩ về cha
 

Mỗi năm cứ gần đến ngày Chủ Nhật thứ ba của Tháng Sáu, khi các hiệu buôn quảng cáo những món quà tặng thích hợp mua cho cha, tôi bắt nghĩ đến Ba tôi. Có người gọi Father’s Day là Ngày Lễ Của Cha, Ngày Từ Phụ, Ngày Phụ Thân hay Ngày Cha Hiền, v.v. Thôi thì chữ nghĩa tên gọi thế nào cũng được, kể cả Ngày Của Bố, Ngày Của Tía cũng không sao, ăn thua là ở tấm lòng của người con đối với cha.

Suốt gần hai mươi năm cuối đời, Ba tôi sống trong thiếu thốn ở quê nhà, đau yếu và nhớ thương con. Tôi xa quê hương từ ngày quốc nạn và Ba tôi mong được gặp lại con ít ra một lần. Vậy mà không, tôi đã đi, đi mãi không về.

Không được thấy nhau, hai cha con chỉ liên lạc qua thư từ, đôi khi có kèm theo một vài bài thơ. Đối với Ba tôi, dường như nỗi nhớ thương của tình cha con dễ bộc lộ hơn bằng vần điệu. Một cách gián tiếp, ông dùng thơ để gởi gấm nỗi lòng theo cách đàn ông. Hai cha con chẳng còn trẻ gì, mở miệng nói “Ba nhớ con” hay “Con nhớ ba” coi bộ cũng ngượng.

Có lần trong một bức thư viết cho tôi, ông chép lại bài thơ Thề Non Nước của thi sĩ Tản Đà. “Nước non nặng một lời thề, Nước đi đi mãi, không về cùng non.” Đọc bài thơ mà hầu như tôi đã thuộc lòng, tôi hiểu ngay ông đang muợn bài thơ để nói khéo cùng thằng con. Ông là non nhớ nước xa nguồn, tôi là nước không về cùng non.  “Nhớ lời nguyện nước thề non, Nước đi chưa lại, non còn đứng không. Non cao những ngóng cùng trông, Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.” Chắc trong những ngày đau bịnh, ba tôi đã từng rưng lệ vì nhớ thương con. Tôi hiểu tính Ba tôi đa cảm vì chính tôi cũng thừa kế sự di truyền đó.

Lần khác, ông viết và gởi cho tôi bài thơ Cách Biệt:

Vì đâu bão nổi khiến hoa bay

Lòng kẻ thi nhân thấy đắng cay

Nhớ con ngày ấy còn thưa thốt

Thương cháu hôm nào đứng khoanh tay

Cha thì đau nhức khi mưa gió

Mẹ cũng hao gầy trông áng mây

Hoàn cảnh gây chi tình cách biệt

Đôi đàng vời vợi nhớ thương thay!

 

Bày tỏ niềm nhớ thương con cháu, ngóng trông, buồn, ông ngưng ở đó. Ông không bao giờ nói ra ý muốn tôi về thăm một cách trực tiếp. Thật ra trong đời Ba tôi chưa hề áp đặt bắt tôi phải làm một điều gì theo ý ông. Ông luôn tôn trọng mọi chọn lựa của tôi. Mơ hồ trong tâm tưởng, tôi nghe tiếng của ông: “Con không muốn về thì thôi, Ba không ép.”

 

Buồn lo và bịnh tật làm cho sức khoẻ của Ba tôi suy sụp nhiều. Từ một vóc dáng cao lớn phương phi trước ngày quốc nạn, Ba tôi trông gầy ốm hốc hác qua một bức hình mới chụp. Sau đó, trong một bức thư viết cho tôi, ông gởi kèm bài thơ Ly Tan mà ông vừa sáng tác:

Thề Non Nước bài thơ bất hủ

Ngưỡng phục thay thi phú Tản Đà

Thơ làm chạnh nghĩ phận ta

Sao nghe thấm thía thiết tha cõi lòng.

 

Nước thoát mạch xuôi dòng đi mãi

Có bao giờ trở lại tìm nguồn

Từng cơn mây phủ mưa tuôn

Càng reo vang dội qua bao suối ngàn.

 

Từng cuộn sóng ly tan thê thiết

Xuyên rạch ngòi chảy xiết ra sông

Hướng về biển cả mênh mông

Vui đùa dưới ánh trăng hồng bao la.

 

Vùng vẫy lúc phong ba dậy sóng

Lung linh khi soi bóng trăng vàng

Tháng ngày trong tiếng reo vang

Thủy triều lên xuống quên trang sử đời.

 

Nguồn mạch vẫn đầy vơi nhớ nước

Dầu khô cằn theo bước thời gian

Tiếng reo từ nẻo xa ngàn

Chiều nghiêng lồng cảnh hôn hoàng thê lương.

 

Ngày vắng bóng canh trường phẳng lặng

Còn đâu đây văng vẳng tiếng reo

Quanh co uốn khúc lưng đèo

Gởi từng giọt nhớ trôi theo dòng đời.

 

Nghe tiếng sóng trùng khơi vang dội

Khơi mạch sầu vạn nỗi buồn dâng

Xa nguồn nước cuốn bụi trần

Để lòng mạch cũ bâng khuâng đêm trường.

 

Chung trời đất đôi đường xa cách

Ngày sang đêm nguồn mạch âm u

Lá rơi từng đợt sương mù

Bốn mùa Xuân Hạ qua Thu Đông tàn.

 

Lặng trầm tiếng thở than mong ước

Chốn trùng dương dòng nước tung hoành

Làn hơi quyện đến quê lành

Là nguồn an ủi bao quanh mạch nguồn.

 

Chờ đợi lúc mưa buồn gió thoảng

Hứng giọt sương từ khoảng trời xa

Thời gian nguồn mạch hóa già

Khô cằn đối bóng trăng tà tịch liêu.

 

Tình Cánh Biệt rồi đến Ly Tan, hai bài thơ, Ba tôi muốn nhắn nhủ điều gì tôi đã rõ. Ngày ly biệt không thể tránh được nữa rồi. Ôi thôi, tôi đọc mà nghẹn ngào cố ngăn nước mắt, trái tim cứ như bị bóp chặt lại, ngực nghe nặng như bị sức mạnh vô hình đè lên. Nhìn những dòng chữ viết nắn nót thật đẹp của người cha, tôi hình dung bên cạnh cửa sổ phòng khách căn C11 Cư Xá Vĩnh Hội chật hẹp oi bức, ba tôi ngồi khòm lưng cúi xuống gò gẫm viết thư một cách chậm rãi mấy trang giấy mà không một lỗi hay bôi xóa. Tôi tự hỏi ông phải mất thời gian bao lâu mới làm xong bài thơ đó. Ông phải bôi xóa sửa đi sửa lại bao nhiêu lần cho đến khi ưng ý.

Tôi liên tưởng nhớ lại cảnh tôi ngồi viết bức thư đầu đời cho Ba lúc tôi còn là đứa bé 6 tuổi ở vườn quê Chợ Gạo. Tôi ngồi dưới đất kê tay lên cái rương cây thay cho bàn viết trong khi Má tôi ngồi một bên mớm ý cho tôi. Ngày đó, với tấm lòng thơ ngây trong trắng, tôi viết “con thương Ba, con nhớ Ba” một cách dễ dàng. Ngày nay, tôi muốn nói như vậy lắm mà sao khó viết ra trên giấy. Do những va chạm của cuộc đời, tình cảm yêu thương còn đọng lại dưới đáy tim giờ đây được bộc lộ không phải bằng lời mà bằng những giọt nước mắt âm thầm lặng lẽ.

Ba tôi mất năm 1993 ở tuổi 71 vì các biến chứng của bịnh cao huyết áp và tim mạch. Một vài năm nữa tôi cũng đến tuổi đó. Ngày gặp lại cha mẹ bên kia thế giới chắc cũng không xa…

Phan Hạnh.

No comments:

Post a Comment