Sunday 16 September 2012

Từ Concord đến Khe Sanh


Từ Concord đến Khe Sanh


Lúc 12 giờ trưa ngày 20 tháng Giêng năm 2009, trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống, Barack Obama đã nhắc tới tên bốn địa danh chiến trường đó ở đoạn văn "For us, they fought and died, in places like Concord and Gettysburg; Normandy and Khe Sanh." (Vì chúng ta, họ đã chiến đấu và hi sinh, ở những nơi như Concord và Gettysburg; Normandy và Khe Sanh).

 Concord, Gettysburg, Normandy và Khe Sanh: bốn địa danh mà tổng thống tân nhiệm Barack Obama nhắc tới trong bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức, đối với chúng ta có quen và có lạ. Hai cột mốc thời gian sau cùng của bốn thời điểm 1775, 1863, 1944 và 1968 cũng quen quen. Một số chúng ta chào đời khi Thế Chiến Thứ Hai đi vào kết thúc, trưởng thành và kinh qua năm tháng Mậu Thân dầu sôi lửa bỏng để rồi đóng vai chứng nhân biến cố 30 tháng Tư 1975 đầu uất hận.

 Bốn địa danh được nhắc tên để ngợi ca những truyền thống cao đẹp của Hoa Kỳ: đứng lên chống lại chủ nghĩa thực dân bóc lột để dành độc lập ở Concord; tranh đấu giải phóng nô lệ và thống nhất đất nước ở Gettysburg dù phải trả giá quá cao về sinh mạng của một quốc gia còn non trẻ; vươn tay đóng góp và cứu vớt cộng đồng thế giới khỏi ách thống trị của chủ nghĩa Phát-xít ở Normandy; và sau cùng là tranh đấu bảo vệ thành trì của thế giới tự do ở Khe Sanh trước hiểm họa bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

Bốn địa danh được ông Obama nhắc đến đó chắc hẳn phải có mang một ý nghĩa trọng đại đóng góp cho tính chất vĩ đại của đất nước Hoa Kỳ. Cho dù ý kiến xưng tụng bốn địa danh trên đây có thể không do chính ông đầu tiên nghĩ ra mà là do sự đề nghị đóng góp của bốn chuyên viên giúp ông viết ra bài diễn văn hùng hồn đầy ý tưởng mạnh mẽ này, nhưng sự chọn lựa khéo léo đó đã nói lên trọn vẹn bốn chính nghĩa mà người Mỹ từng theo đuổi, chiến đấu và hi sinh mới có được.

Ðặc biệt, lần đầu tiên địa danh Khe Sanh trong cuộc chiến Việt Nam được một vị tổng thống Mỹ trang trọng nhắc đến trong bài diễn văn nhậm chức như là một lời vinh danh cho 58,000 binh sĩ Mỹ tử trận trong một cuộc chiến từng bị công luận lên án là phi nghĩa. Có khi đó cũng là một lời gián tiếp tri ân gửi đến những cựu chiến binh như ông John McCain chẳng hạn. Chỉ cần một lần nhắc đến hai tiếng Khe Sanh bên cạnh ba địa danh kia, ông Barack Obama đã mặc nhiên xếp ngang hàng cuộc chiến đấu của người Mỹ trên chiến trường Việt Nam cũng xứng đáng được ca ngợi như cuộc chiến đấu giành độc lập khỏi ách thuộc địa ở Concord, cuộc chiến đấu giải phóng nô lệ và thống nhất đất nước ở Gettysburg, và cuộc chiến đấu giải phóng Âu châu khỏi thảm họa phát xít ở Normandy.

Sự nêu tên bốn địa danh này thuần túy được sắp xếp theo thứ tự thời gian; tầm quan trọng của bốn chính nghĩa do các trận đánh đó biểu tượng đều như nhau, bất chấp sự khác biệt về các yếu tố như tính chất qui mô dàn thế trận, thành phần quân số tham dự, mức độ tổn thất, thời lượng trận đánh kéo dài bao lâu. Ðối với người dân thuộc những quốc gia ngoài nước Mỹ, Concord nghe xa lạ; địa danh Normandy nghe quen thuộc hơn. Riêng đối người Việt chúng ta, hai tiếng Khe Sanh nghe rất gần gũi, vừa hào hùng vừa bi thương vì sự kiện gần như đồng loạt của trận chiến Khe Sanh khốc liệt và cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân đầy thảm kịch. Concord đối với người Anh có thể gợi đến một quá khứ mơ hồ không đáng nhớ và nên quên. Và Gettysburg chính là vết sẹo u buồn trên thịt da đất nước Hoa Kỳ; nó mãi mãi được người Mỹ nghĩ đến với một nỗi ngậm ngùi tự hỏi vì sao lịch sử có khi quá bạo tàn.

Chúng ta thử nhắc sơ lại các trận đánh này để thử cùng mang tâm cảm với một người bình thường vừa được bầu làm tổng thống, một người đã từng bị cho là yêu nước chưa đủ.

1. Trận đánh Concord, Pennsylvania, 1775: Chiến đấu dành độc lập khỏi ách thuộc địa.

Ðịa danh Concord (ngoại ô thành phố Boston, bang Massachusetts) được dùng làm biểu tượng cho Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng Hoa Kỳ (1775-1783) hay còn được gọi là Cuộc Chiến Tranh Hoa Kỳ Dành Ðộc Lập. Trước đó, Massachusetts là một trong 13 thuộc địa của đế quốc Anh ở châu Mỹ. Boston là cảnh trí then chốt của phần lớn hoạt động cách mạng dẫn đến Ðạo Luật Chính Phủ Massachusetts do đế quốc Anh ban hành để củng cố quyền lực đối với thuộc địa Mỹ. Ðạo luật này gặp phải sự chống đối mạnh mẽ và quyết liệt của người dân thuộc địa khiến cho viên Toàn Quyền Thomas Gage cùng 4,000 binh sĩ Hoàng Gia Anh hầu như thường trực trong tình trạng bất an và phải thu mình trong thành phố Boston trong khi các vùng ngoại ô nằm trong tay của phe dân cách mạng.

Trận chiến ở Lexington và Concord là trận xung đột khởi đầu trong Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng Giành Ðộc Lập của Hoa Kỳ. Ngày 19 Tháng Tư, 1775, một lực lượng chính quy Hoàng gia Anh (phe thực dân) gồm khoảng 700 binh sĩ rầm rập xuất quân từ thành phố Boston tiến về mục tiêu Concord để mở một cuộc hành quân lục soát nơi chôn giấu vũ khí của "quân phiến loạn" (phe dân quân kháng chiến Mỹ) theo như tin tình báo cung cấp. Trên đường đi ngang qua thị trấn Lexington lúc trời tờ mờ sáng, đoàn quân Anh thấy một đám đông dân quân tụ tập. Có ai đó trong đám đông nổ súng, thế là đoàn quân Anh xông vào đám đông bằng súng gắn lưỡi lê. Kết quả làm cho tám dân quân cách mạng chết và một binh sĩ Anh bị thương. Sau này, với mục đích tuyên truyền nhằm đánh động tinh thần ái quốc, sự kiện đó được phe cách mạng Hoa Kỳ quảng bá như là một thí dụ điển hình của sự tàn bạo và xâm lược của quân Anh và gọi đó là cuộc tàn sát đẫm máu. Ðoàn quân Anh tiếp tục lên đường (sĩ quan cưỡi ngựa, lính lội bộ) đến mục tiêu hành quân Concord.

Khi đoàn quân hỗn hợp vừa bộ binh vừa thủy quân lục chiến Anh dưới quyền chỉ huy của trung tá Francis Smith đến thị trấn Concord lúc 9 giờ sáng, họ không có vẻ hăng hái lắm vì phải thức cả đêm trước để được vận chuyển bằng phà rồi lên bờ lội bộ hằng chục cây số. Trái lại, phe dân quân kháng chiến nhờ tổ chức được một hệ thống tình báo và chuyển tín hiệu nhanh bằng những kỵ mã giỏi cùng các phương tiện cổ truyền khác, nên họ biết trước và đã kịp thời chuẩn bị đối phó, một mặt đem phân tán quân dụng và giấu ở các nơi khác, một mặt tập trung binh từ các thị trấn lân cận. Phe kháng chiến gồm dân quân (militia) và các đơn vị xung kích lưu động (minuteman). Quân Anh chia ra nhiều toán bố trí các điểm chiến lược và một toán vào thị trấn lục soát. Thoạt đầu phe kháng chiến chỉ có khoảng bốn trăm quân do đại tá James Barrett chỉ huy so với bảy trăm bên phe thực dân Anh nên chưa ra tay vội và chờ xem xét tình hình. Ðại tá Barrett đem quân lên chiếm đóng một ngọn đồi ngoài rìa Bắc của Concord để dễ quan sát sự chuyển quân của phe thực dân trong thị trấn. Sự dàn xếp này chứng tỏ rất khôn khéo và mang lại hiệu quả tốt vì sau đó, nhiều đơn vị xung kích lưu động kháng chiến quân khác từ các thị trấn phía Tây đến tăng viện.

Khi vừa đến Concord, trung tá Francis Smith chia đoàn quân ra làm nhiều toán đóng cầu Nam, cầu Bắc, đường di chuyển, và vài toán khác đi lục soát tìm kho vũ khí ở các địa điểm tình nghi. Toán giữ cầu Bắc chỉ độ khoảng dưới 100 binh sĩ do đại úy Walter Laurie chỉ huy. Cầu Bắc chỉ cách vị trí của 400 quân kháng chiến độ 300 thước. Ðại úy Laurie quan ngại nên sai một người đưa tin đi gặp trung tá Smith để xin tăng viện.

Mặc dù phần lớn quân dụng của phe kháng chiến đã được tẩu tán đến nơi an toàn hơn, toán quân Anh lục soát và tìm thấy ba khẩu đại bác loại lớn dùng đạn cỡ 24 cân Anh có tầm bắn xa chôn giấu tại một quán rượu trong thị trấn. Họ cũng tìm thấy một số súng ống đạn dược, quân dụng và thực phẩm. Tất cả đều bị quân Anh tìm cách phá hủy, đốt hoặc ném xuống ao.

Ðại tá Barrett cho quân Mỹ xuống đồi và tiến gần đến cầu Bắc hơn. Dưới quyền ông lúc bấy giờ có ít nhất là 400 tay súng thuộc năm đại đội xung kích và năm đại đội dân quân (quân số một đại đội vào thời đó ít hơn bây giờ) trong khi quân Anh đóng giữ cầu Bắc chỉ có ba đại đội dưới sự chỉ huy của đại úy Walter Laurie vốn không phải là một sĩ quan có tài. Quân Mỹ nạp đạn sẵn sàng dàn hàng dọc theo đạo lộ tiến gần xuống cầu Bắc (vì hai bên đường ngập ướt do nước sông Concord dâng cao vào đầu mùa Xuân) và được lệnh không được bắn trước. Phe Anh bắt đầu từ từ rút qua cầu; có người gỡ ván lót cầu nhằm gây khó khăn cho quân Mỹ đang theo sau nên bị thiếu tá Buttrick phe Mỹ la ó phản đối.

Không được tăng viện, Ðại úy Laurie ra lệnh cho binh sĩ Anh dưới quyền dàn đội hình quả trám, đỉnh đi trước, nghinh chiến. Ðây là một quyết định sai lầm không thích hợp với trận địa trống trải. Trung úy Sutherland trong toán quân bọc hậu nhận thấy điều đó nên ra lệnh bảo vệ cạnh sườn nhưng vì ông là một sĩ quan thuộc một đơn vị khác, chỉ có ba binh sĩ vâng lệnh; phần còn lại ngơ ngác không biết nghe theo lệnh ai.

Một phát súng nổ vang lên. Có thể đó chỉ là phát súng chỉ thiên cảnh cáo do một binh sĩ Anh mệt mỏi bắn bừa. Hai binh sĩ Anh khác tức khắc bắn theo, và toán nhỏ đi trước cũng bắn theo vì nhầm tưởng lệnh khai hỏa đã được ban ra. Ðại úy Laurie hét to lệnh ngưng bắn. Nhưng hai quân nhân Mỹ thuộc đơn vị xung kích đi đầu là Ðại úy Isaac Davis và binh nhì Abner Hosmer trúng đạn ngã gục và tử thương cùng với bốn người khác bị thương. Thiếu tá Buttrick của quân Mỹ ra lệnh,"Anh em! Bắn!" Lúc bấy giờ, khoảng cách giữa hai phe chỉ là con sông Concord và cây cầu Bắc 46 thước. Bốn trong số tám sĩ quan và hạ sĩ quan Anh trúng đạn bị thương trên cầu (ngày xưa cấp chỉ huy luôn dẫn đầu khi đụng trận). Quân Anh do thiếu kinh nghiệm trận mạc, thấy quân Mỹ đông quá nên hoảng sợ bỏ chạy, mặc cho những người bị thương còn nằm lại trên cầu. Một trong những thương binh Anh này bị binh sĩ Mỹ say men chiến thắng (hay say máu căm hờn) dùng rìu nhỏ "lột da đầu".

Thế là trận đánh đầu tiên của Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ đã mở màn. Quân cách mạng Mỹ cũng không khỏi lấy làm kinh ngạc trước chiến thắng dễ dàng. Ðại tá Barrett mang các đơn vị dân quân trở lại đồi; còn Thiếu tá Buttrick dẫn các đơn vị xung kích vượt cầu tới một vị trí phòng thủ là một ngọn đồi có bức tường đá che chắn.

Trung tá Smith từ vị trí trong thị trấn nhận được tin nhắn xin tăng viện của đại úy Laurie đồng thời cũng nghe tiếng súng giao tranh nên đích thân dẫn hai đại đội nặng (grenadiers) đến cầu Bắc. Trên đường ông thấy đám lính bộ binh của đại úy Laurie lếch thếch chạy về. Ðến khi thấy các đơn vị xung kích của Mỹ bên sau bức tường đá, ông bảo hai đại đội của ông dừng lại rồi cùng với các sĩ quan phụ tá tiến gần hơn để quan sát, rất dễ làm mục tiêu bắn sẽ. Toán quân Anh đi lục soát nông trại của Barrett cách đó vài cây số làm xong nhiệm vụ cũng trở về. Trung tá Smith gom quân lại, chấm dứt cuộc hành quân trong tổn thất và triệt thoái về Boston.

Trên đường rút lui, sau đó đoàn quân của ông còn bị chận đánh nhiều bận nữa. Và như nước vỡ bờ, nức lòng với chiến thắng ban đầu, quân cách mạng từ nhiều nơi kéo về Boston ngày càng đông, có tài liệu nói con số lên đến 15,000 người và được đặt dưới quyền chỉ huy của tướng George Washington (1732-1799) (sau đó trở thành tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ), bắt đầu vây hãm Boston. Ngày 17 tháng Ba 1776, quân Anh trú phòng bỏ chạy bằng đường biển qua Halifax, Nova Scotia, thuộc địa Canada luôn trung thành với mẫu quốc Anh. Ngày 4 tháng Bảy 1776, Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập ra đời khai sinh quốc gia Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Trận đánh ở Concord tuy ngắn ngủi nhưng là sự đánh dấu quan trọng nên được người Mỹ hãnh diện tưởng nhớ như là một huyền thoại của lòng ái quốc kiêu hùng. Tháng Tư 1975, tổng thống Gerald Ford đã đến thành phố Concord bang Massachusetts để làm lễ tưởng niệm hai trăm năm cột mốc lịch sử này.

Năm 1836, thi sĩ Ralph Waldo Emerson (May 25, 1803 – April 27, 1882), một con dân địa phương, sáng tác bài thơ Concord Hymn mà bốn câu đầu được khắc trên bệ tượng đài tưởng niệm ở Concord.

Concord Hymn

By the rude bridge that arched the flood,
Their flag to April’s breeze unfurled,
Here once the embattled farmers stood,
And fired the shot heard round the world.

The foe long since in silence slept;
Alike the conqueror silent sleeps;
And Time the ruined bridge has swept
Down the dim stream that seaward creeps.

On this green bank, by this soft stream,
We set today a votive stone;
That memory may their deeds redeem,
When, like our sires, our sons are gone.

Spirit, that made those heroes dare,
To die, and leave their children free,
Bid Time and nature gently spare
The shaft we raise to them and thee.

Bài Ngợi Ca Concord

Bên cầu thô sơ bắt qua dòng nước
Gió Tháng Tư không đủ phất cờ bay
Dân làng ta từng chiến đấu nơi đây
Bắn phát súng vang rền quanh thế giới.

Kẻ thù đã từ lâu yên lặng ngủ
Giống như người thắng trận cũng nằm yên
Qua thời gian cầu gãy đã cuốn trôi
Xuống suối mờ trườn mình ra biển cả.

Cạnh dòng suối êm bên xanh bờ cỏ
Nay chúng ta đặt viên đá cúng dâng
Kỷ niệm đó đáp đền công trận họ
Nối cha ông hậu sinh ta góp phần.

Những anh hùng với tinh thần bất khuất
Dám hi sinh cho con cháu tự do
Xin thời gian tạo hóa dịu dàng cho
Ðài ta dựng vì người luôn đứng vững.

Ngoài ra còn có quyển tiểu thuyết lồng bối cảnh lịch sử trận Concord có tựa đề là April Morning (lại Tháng Tư) của Howard Fast (một hình thức tương tự như Gone With The Wind của Margaret Mitchell) được giảng dạy trong chương trình giáo dục bậc trung học của Hoa Kỳ. April Morning cũng được quay thành phim năm 1987 chiếu cho TiVi do các tài tử chính là Chad Lowe và Tommy Lee Jones thủ diễn.

Cầu Bắc Concord và khoảng tám cây số vùng lân cận ngày nay trở thành một phần được bảo tồn của Minuteman National Historical Park (Công Viên Lịch Sử Quốc Gia Xung Kích Quân) cách thành phố Boston khoảng 30km.

2. Trận đánh Gettysburg, Pennsylvania, 1863: Chiến đấu giải phóng nô lệ và thống nhất đất nước.

Trong tất cả các trận đánh quân đội Mỹ tham dự trong lịch sử, kể cả hai cuộc thế chiến, trận Gettysburg được coi là thảm khốc nhất, kinh hoàng nhất và gây nhiều tổn thất nhân mạng nhất. Ðau đớn hơn nữa, đó lại là trận chiến cốt nhục tương tàn giữa hai phe Liên Bang (Union, Bắc quân) và Hợp Bang (Confederate, Nam quân) trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865).

Trong cuộc vận động bầu cử tổng thống năm 1860, đảng Cộng Hòa của Abraham Lincoln hô hào chống lại sự bành trướng của nô lệ tại các tiểu bang mới trẻ ở miền Nam. Sự đắc cử của ông đã khiến cho bảy tiểu bang chủ trương duy trì nô lệ miền Nam tuyên bố ly khai khỏi chính quyền Liên Bang và được đặt dưới sự lãnh đạo của Jefferson Davis, vị tổng thống duy nhất, đầu tiên và cũng là cuối cùng của miền Nam ly khai. Hành động này bị chính quyền Liên Bang ở Hoa Thịnh Ðốn coi là một cuộc phản loạn.

Xung đột thù nghịch bắt đầu diễn ra vào ngày 12 Tháng Tư năm 1861 khi Nam quân tấn công một căn cứ quân sự là binh thành Sumter ở tiểu bang South Carolina. Tổng thống Lincoln phản ứng bằng cách kêu gọi mỗi tiểu bang phải đóng góp cho Quân đội Liên Bang một lực lượng tình nguyện. Sự đòi hỏi này khiến cho thêm bốn tiểu bang miền Nam nữa bất mãn và ly khai ra khỏi Liên Bang. Như vậy, phe Liên Bang (Bắc) có 23 tiểu bang; phe Hợp Bang (Nam) có 11 tiểu bang. Ngoài ra còn có 5 tiểu bang Delaware, Kentucky, Maryland, Missouri, và West Virginia, tuy xử dụng nô lệ và thuộc về miền Nam, nhưng vì giới cầm quyền chia rẽ nên được xem là vùng trái độn xôi đậu ở giữa bị lôi kéo bởi cả hai phe. Tương tự như trường hợp cuộc chiến Việt Nam, có những gia đình, anh em cùng chung huyết thống nhưng đầu quân hai phe khác nhau để rồi giết nhau ngoài chiến trận.

Hai phe thành lập những đạo quân riêng. Phe Liên Bang của Bắc quân dành được quyền kiểm soát vùng trái độn và thiết lập sự phong tỏa đường biển để cắt đứt tiếp vận của phe Nam.

Nam quân của Hợp Bang dưới quyền tư lệnh là tướng Robert E. Lee thắng thế trong những trận tấn công ban đầu trên các chiến trường miền Ðông, nhưng năm 1863 công cuộc Bắc tiến của ông bị chận đứng trong trận Gettysburg. Kể từ đó, chiều hướng thắng thế đã thay đổi; mộng ước tách ra để trở thành một quốc gia miền Nam độc lập đã cuốn theo chiều gió giống như cảnh thành trì Atlanta, bang Georgia bị Bắc quân của tướng Liên Bang William Sherman tàn phá mà tác phẩm tiểu thuyết tiêu biểu Gone With The Wind của Margaret Mitchell đã mô tả. Số phận miền Nam đành khép lại qua sự kiện tướng Robert E. Lee chính thức ký lệnh đầu hàng ngày Chín tháng Tư, 1865.

Cuộc Nội Chiến Mỹ trong bốn năm đã khiến cho 620,000 binh sĩ tử thương cùng số tổn thất không rõ của thường dân. Riêng trận đánh Gettysburg chỉ trong ba ngày đã làm chết 51,000 binh sĩ, một con số kỷ lục xấp xỉ với mức tổn thất 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ trong hơn mười năm tham chiến ở Việt Nam

 
  Trận đánh Gettysburg từ ngày 1 đến ngày 3 Tháng Bảy, 1863, xảy ra tại một thị trấn nhỏ và vùng đồng trống chung quanh Gettysburg, bang Pennsylvania, cách thủ đô Hoa Thịnh Ðốn khoảng 75 dặm Anh về hướng Bắc. Ngay trước đó, chiến thắng vẻ vang mang tính chất táo bạo một chọi hai ở Chancellorville, bang Virginia, của đạo quân Hợp Bang ngày 6 tháng Năm, 1863 được xem là trận đánh toàn hảo của tướng Robert E. Lee vốn sinh quán ở miền Nam (bang Virginia) và từng là thủ khoa của trường sĩ quan danh tiếng West Point. Hai năm trưc đó, ông đã từ khước chức vụ tư lệnh Liên Bang do chính tổng thống Abraham Linlcon muốn giao phó cho ông chỉ vì ông muốn chiến đấu cho lý tưởng miền Nam.

Thừa thắng xông lên, vị tư lệnh Hợp Bang của miền Nam phấn khởi mở chiến dịch Pettysburg thọc sâu vào lòng địch về hướng Tây Bắc với chủ đích là sẽ đánh lên tận Harrisburg hoặc xa hơn nữa là Philadelphia nhằm tạo tiếng vang và thế mạnh, áp lực phe chính trị chủ hòa của Liên Bang phải chấp nhận giải pháp ngưng bắn.

Ngày Một tháng Bảy, 1863, hai phe đụng độ. Hai quân đoàn của tướng Lee từ hướng Bắc và Tây Bắc tấn công một sư đoàn kỵ binh của Liên Bang đang lập tuyến phòng thủ trên một dãi gò đất không cao lắm. Hai quân đoàn Liên Bang nữa của trung tướng George G. Meade đến tăng viện nhưng đã bị đẩy lui. Qua ngày thứ hai, tướng Lee ra lệnh đánh mạnh vào hai cạnh sườn quân Bắc. Hai bên quần thảo tại sáu địa điểm khác nhau, giao chiến mãnh liệt. Tuy phải gánh chịu tổn thất khá nặng, quân Liên Bang cố thủ và giữ vững phòng tuyến. Ðến ngày thứ ba, trung tướng George Pickett vâng lệnh đại tướng Lee dẫn chín lữ đoàn bộ binh gồm 12,500 quân Nam liều lĩnh băng qua một khoảng trống dài cả một cây số đồng loạt xung phong, thọc mũi dùi tấn công vào ngay giữa tuyến phòng thủ

 
của Bắc quân. Nhưng tướng Meade đã đoán đúng được ý định này nên đã tập trung hỏa lực pháo binh bắn xối xả vào biển người quân Nam. Ðoàn quân Nam dù với tinh thần chiến đấu hăng say hơn nhưng trang bị yếu kém hơn gần như hoàn toàn bị tiêu diệt. Tướng Lee đau đớn lui binh về Virginia. Kể từ thời điểm đó trở đi, quân Nam bị dồn vào thế bị động phòng thủ cho đến khi tàn cuộc chiến.

Một cựu chiến binh tham dự trận đánh này là Will Henry Thompson sau đó có làm một bài thơ dài 75 câu mô tả lại, trong đó có hai đoạn đầu và đoạn kết thúc như sau:

The High Tide at Gettysburg

A cloud possessed the hollow field,
The gathering battle's smoky shield;
Athwart the gloom the lightning flashed,
And through the cloud some horsemen dashed,
And from the heights the thunder pealed.

Then at the brief command of Lee,
Moved out that matchless infantry,
With Pickett leading grandly down,
To rush against the roaring crown
Of those dread heights of destiny.
...
Fold up the banners! Smelt the guns!
Love rules. Her gentler purpose runs.
A Mighty mother turns in tears
The pages of her battle years,
Lamenting all her fallen sons!

Gettysburg Ngọn Triều Dâng

Mây giăng phủ cánh đồng trống trải
Khói súng mờ trận địa dầy thêm
Trên tầng không sấm nổ rền vang
Chớp loè sáng xuyên soi sầu thảm
Ðoàn kỵ binh in bóng trong mây.

Rồi do lệnh truyền của tướng Lee
Ðoàn bộ binh hùng dũng tiến đi
Pickett dẫn đầu hiên ngang lăn xả
Gấp rút tiến lên reo ầm ĩ
Ðồi định mệnh đượm vẻ rợn rùng.


Hãy xếp lại cờ! Súng đem nấu chảy!
Tình thương ngự trị. Mục đích dịu êm mẹ truyền lưu
Trong nước mắt, mẹ lật những trang tháng năm chiến trận
Thở than cho những đứa con đã nằm xuống thiên thu!

3. Trận đánh Normandy, Pháp, 1944: Chiến đấu giải phóng Âu châu khỏi thảm họa Phát-xít.

Thế chiến thứ hai khởi diễn kể từ ngày 1 tháng 9, 1939 khi quân đội hùng mạnh của Hitler tràn qua xâm chiếm nước láng giềng Ba Lan. Từ đó, gót giày viễn chinh Ðức quốc xã tiếp tục giẫm lên hầu hết khắp vùng lãnh thổ Âu châu. Tuy nhiên gần bốn năm trước, tháng Tám năm 1935, Hoa Kỳ đã ban hành Ðạo Luật Trung Lập (Neutrality Act) và chọn thái độ đứng ngoài mọi cuộc tranh chấp. Ðến khi bị Nhật bất ngờ tấn công ở Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12, 1941, Hoa Kỳ bắt buộc phải nhảy vào nhập cuộc sát cánh cùng phe đồng minh phản công. Và cuộc đổ bộ lên bờ biển vùng Normandy ngày 6 tháng 6, 1944 đánh dấu cuộc quật khởi của phe Ðồng Minh dẫn đến sự phe trục Phát-xít Ðức-Ý-Nhật bị tiêu diệt hoàn toàn.

Cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy được xem là một kế hoạch hành quân qui mô và vĩ đại nhất trong quân sử. Lực lượng đồng minh gồm tổng số 156,000 quân thuộc bốn quốc gia Mỹ, Anh, Canada và Pháp, xuất phát từ Anh quốc vượt eo biển Manche bằng một lực lượng phối hợp không quân và hải quân khổng lồ chưa từng có gồm 7,000 tàu thuyền và hàng chục ngàn phi cơ đủ loại. Nằm phục trên bờ sẵn sàng nghinh chiến là đạo quân Ðức 380,000 người do tướng Erwin Rommel chỉ huy.

Lực lượng tham dự của Mỹ là Lộ Quân Ðệ Nhất dưới quyền chỉ huy tối cao của tướng Dwight D. Eisenhower gồm tổng cộng khoảng 73,000 quân thuộc các đơn vị sau:

- Quân Ðoàn 5 gồm Sư Ðoàn 1 Bộ Binh và Sư Ðoàn 29 Bộ Binh: 34,250 người đổ bộ lên bãi Omaha Beach,

- Tiểu Ðoàn 2 và Tiểu Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân đổ bộ lên Pointe du Hoc,

- Quân Ðoàn 7 gồm Sư Ðoàn 4 Bộ Binh, Trung Ðoàn Tác Chiến Ðặc Biệt 359 của Sư Ðoàn 90 Bộ Binh: 23,250 người đổ bộ lên bãi Utah Beach và La Madeleine,

- Sư Ðoàn 101 Không Kỵ nhảy dù xuống quanh Vierville để hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Utah Beach,

- Sư Ðoàn 82 Không Kỵ nhảy dù xuống quanh Sainte-Mère-Église.

Lộ Quân Ðệ Nhị với quân số 83, 115 người gồm các lực lượng Anh, Canada và Pháp gồm Sư Ðoàn 6 Không Vận 7,900 người, Lữ Ðoàn 1 Ðặc Biệt, Quân Ðoàn 1, Sư Ðoàn 3 Bộ Binh, Lữ Ðoàn 27 Thiết Vận, Sư Đoàn 3 Bộ Binh Canada, Lữ Ðoàn 2 Thiết Vận Canada, Tiểu Ðoàn 41, 46, 47 và 48 Biệt Ðộng Quân, Sư Ðoàn 50 Bộ Binh và Lữ Ðoàn 8 Thiết Vận, Sư Ðoàn 79 Thiết Vận.

Cuộc đổ bộ đã được điều nghiên và chuẩn bị trước hàng nhiều tháng trời. Ngày 6 tháng 6, 1944 là ngày được chọn ra tay hành động. Ngay từ giờ khởi đầu ngày, trong màn đêm, các sư đoàn không vận được thả xuống hai bên cạnh sườn của giải bãi đổ bộ dài 50 cây số. Mục tiêu hành quân của ba sư đoàn không vận này là chiếm giữ các vị trí trọng yếu, quấy rối và cắt đứt đường tiếp vận của địch.

Bốn trăm chiếc vận tải cơ C-47 ồ ạt đồng loạt thả quân. Hai sư đoàn dù 82 và 101 của Mỹ gồm 13,000 quân được thả xuống cạnh sườn phía Tây; nhưng vì trời tối, gần phân nửa khi xuống đến trận địa bị thất lạc đơn vị, đành phải chiến đấu từng toán đơn vị nhỏ chỉ huy bởi hạ sĩ quan hoặc sĩ quan cấp thấp thuộc nhiều đơn vị khác nhau. Cuộc thả dù hoàn tất trong vòng ba giờ đồng hồ cùng nhiều vũ khí nặng. Sau 24 giờ đầu tiên, số binh sĩ liên lạc và kiểm soát được là 2,500 người thuộc Sư Ðoàn 101 và 2,000 người thuộc Sư Ðoàn 82. Tuy nhiên, sự kiện này có lợi điểm là đã làm cho địch quân hoang mang và cũng phải phân tán ra để kháng cự. Nhiều nhóm binh sĩ dù Mỹ này phải tự túc chiến đấu đơn lẻ qua nhiều ngày sau phòng tuyến địch.

Ba giờ sáng ngày trọng đại ấy (thường được gọi là D Day), không quân dội bom ồ ạt vào các khu vực phòng thủ dọc theo bờ biển của quân Ðức. Vài giờ sau đó, các tàu chiến cũng đồng loạt khai hỏa. Ðến 07:30 sáng, toán quân đổ bộ đầu tiên đến được bờ là các thiết giáp và bộ binh thuộc Lữ Ðoàn 8 của Anh Quốc với tổn thất nhẹ.

Lực lượng đổ bộ Canada tiến lên bờ bãi Juno (Juno Beach) chẳng may nhằm ngay ổ kháng cự và vị trí đặt vũ khí nặng của quân phòng thủ Ðức nên phải gánh chịu năm mươi phần trăm tổn thất nhân mạng trong đợt đổ bộ đầu tiên. Mặc dù gặp nhiều chướng ngại nhưng lực lượng Canada đã hoàn tất sứ mạng, chiếm được mục tiêu hành quân nằm cách bờ 15 cây số. Cuối ngày "D Day", 15,000 quân Canada đáp bãi thành công. Sư Ðoàn 3 Bộ Binh của Canada đã xâm nhập sâu nhất vào lãnh thổ nước Pháp, trước hơn mọi đơn vị của các nước đồng minh khác.

Tại Omaha Beach, Sư Ðoàn 1 và Sư Ðoàn 29 Bộ Binh Hoa Kỳ đương đầu với Sư Ðoàn Bộ Binh 352 kỳ cựu và thiện chiến của Ðức mà tin tức tình báo của Mỹ sơ sót không hay biết nó đã thay thế cho Sư Ðoàn 716 tương đối yếu kém hơn hồi tháng Ba. Obama lại là bãi biển được quân trú phòng Ðức xây dựng và bố trí kiên cố nhất. Các đợt oanh kích của không quân và hải quân trước giờ đổ bộ chứng tỏ không hiệu quả cho lắm. Vì thế, sự tiến công của lực lượng Hoa Kỳ bị đình trệ và thiệt hại nặng. Mười sáu chiến xa đáp bãi Omaha bị trúng đạn súng cối và đại bác, chỉ có hai chiếc sống sót còn khiển dụng.

Hồ sơ đúc kết sau trận đánh tiết lộ cho thấy trong vòng mười phút đầu tiên lên bờ, đại đội đi đầu hầu như bị tiêu diệt; sĩ quan, hạ sĩ quan đã tử trận hoặc bị thương gần hết; số binh sĩ còn lại phải tự chiến đấu mà không có cấp chỉ huy. Chướng ngại vật trên bãi dày đặc; chỉ có một số được phá dọn, tạo ra tình trạng bị dồn đống cho các toán đổ bộ kế tiếp. Có lúc tướng chỉ huy cuộc đổ bộ lên bãi Omaha là Omar Bradley tưởng đâu đã phải quyết định hủy bỏ. Nhưng may mắn có một số toán quân nhỏ leo qua được chướng ngại vật và vượt khỏi tuyến phòng thủ. Các toán quân đổ bộ theo lối đã mở xâm nhập theo. Ðến cuối ngày, họ cũng thiết lập được hai vị trí bàn đạp. Chỉ trong mấy giờ đầu tiên của cuộc đổ bộ, lực lượng Mỹ nhận lãnh mức tổn thất gần 5,000 vừa tử trận vừa bị thương. Phía Ðức có 1,200. Ðến ngày thứ ba (D+2), các mục tiêu hành quân của cánh quân Mỹ nhận vùng trách nhiệm Omaha Beach mới được hoàn tất.

Cánh quân đổ bộ lên Pointe du Hoc còn vất vả hơn. Tiểu Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân Hoa Kỳ phải dùng thang và giây thừng để vượt qua vách chướng ngại cao 30 thước, chiếm được các pháo đài phòng thủ, phải chiến đấu trong hai ngày liên tiếp để giữ vững vị trí. Ðổi lại, họ gánh chịu mức tổn thất sáu chục phần trăm quân số.

Cuộc đổ bộ lên bãi Utah (Utah Beach) sát rìa phía Tây diễn ra êm xuôi nhất và chịu mức tổn thất nhẹ nhất là 197 người trên tổng số 23,000 quân tham dự. Sư Ðoàn 4 Bộ Binh lên bờ sai vị trí vì tàu đổ bộ bị dòng nước mạnh đưa đi lệnh hướng; nhờ đó không gặp nhiều sức kháng cự của quân Ðức. Cánh quân này dễ dàng tiến sâu vào đất liền đã được Sư Ðoàn 101 Không Kỵ nhảy dù xuống chiếm trước đó và bắt tay với đơn vị này vào xế chiều trong ngày. Thật là một sự may mắn bất ngờ, tưởng hư thành nên.

Thiếu tướng tư lệnh phó Sư Ðoàn là Theodore Roosevelt Jr (con trai trưởng của tổng thống Roosevelt) là người có mặt trong toán quân đổ bộ đợt đầu tiên. Biết quân mình đổ bộ nhầm vị trí cách cả một cây số rưỡi, ông bình tĩnh như không phán một câu để đời: "We will start the war from right here." (Chúng ta sẽ bắt đầu cuộc chiến ngay tại đây). Một tháng sau đó, ông qua đời vì bệnh tim trên đất Pháp. Mộ ông nằm cạnh mộ người em là trung úy Quentin Roosevelt (chết trong trận Ðệ Nhất Thế Chiến) trong nghĩa trang Mỹ ở Normandy. Chúng ta xem phim The Longest Day (1962) sẽ bắt gặp hình bóng ông qua vai diễn của tài tử điện ảnh Henry Fonda.

Ngày nay, các bãi biển vùng Normandy của nước Pháp vẫn còn dùng các danh hiệu cũ của cuộc đổ bộ lịch sử. Các nghĩa trang mênh mông chôn tử sĩ của cả hai phe tham chiến được gìn giữ trang nghiêm cùng với nhiều đài tưởng niệm, viện bảo tàng và bảng lưu niệm ghi lại dữ kiện các trận đánh.

Chúng tôi xin chọn bài thơ In Normandy When Breezes Blow của thi sĩ người Mỹ gốc Pháp Jean-Henri Sadot (đã được dùng làm lời cho một bản nhạc) để trang điểm cho đề mục Trận Ðánh Normandy:


In Normandy when breezes blow
O’er the white crosses side by side
They seem to bring to ev’ry row
A soft whisper from the seaside…
“Sleep on and rest you weary soldiers
For peace has come to these hard-won hedgerows.
Warfare’s over but through the years
We’ll stand here to salute you as the salt sea breezes blow”

In Normandy when breezes blow
From the blue sea to the highland
The trees yet echo the fierce battle below
A sound that soars above these sacred dunes of sand…
“To Freedom’s light you paved the way
Through bomb’s and gun’s heavy thunder
You bravely gave your lives away
Beneath the dear Star Spangled Banner”

In springtime when the breezes blow
O’er Normandy’s old battleground
Apple blossoms from flow’ry boughs
Let their frail petals fall on this hallowed ground
They gently grace these graves below…
As Freedom rings from shore to shore
Our thoughts are mixed with hope and sorrow
As we honor those we lost to win the war.


Normandy Khi Gió Nhẹ Thoảng Qua


Normandy gió thoảng mơn man
Trên thánh giá trắng hàng qua hàng
Dường như gió biển thì thầm nhủ
Tử sĩ ơi! Ngủ giấc bình an.

 Chinh chiến qua rồi bao tháng năm
Chúng tôi đứng đây chào các anh
Hơi biển mặn về qua tường dậu
Normandy gió thoảng hanh hanh.

 Từ biển xanh lên tận miền cao
Cây vang tiếng dội trận lao xao
Âm ba gào thét thiêng gò cát
Tường lũy từng ngăn bọc chiến hào.

Ðuốc tự do anh soi đường đi
Xuyên qua sấm sét súng bom rền
Can trường dâng hiến dù sinh mạng
Cho cờ tổ quốc quê hương anh.

Normandy vùng chiến trường xưa
Xuân về hoa táo nở bay bay
Mong manh cánh rụng trên nền đất
Ðất linh thiêng gìn giữ bao ngày.

 Mộ phần có cánh hoa điểm trang
Nơi nơi tự do đã reo vang
Tiếc thương hòa quyện cùng hy vọng
Tôn thờ người chết cho vinh quang.

 
4. Trận đánh Khe Sanh, Việt Nam, 1968: Chiến đấu chống lại chủ nghĩa Cộng Sản và bảo vệ chính nghĩa tự do. 

 Trong thời gian hơn mười năm quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam, họ đã can dự vào hàng trăm trận đánh, nhưng trận Khe Sanh vẫn là trận đánh dai dẳng nhất, chết chóc nhất và gây nhiều tranh cãi nhất mãi cho đến ngày nay. Ðúng bốn mươi mốt năm sau kể từ ngày trận đánh khai diễn, vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ nhắc nhở đến nó trong bài diễn văn nhậm chức của ông, coi đó như là một biểu tượng tốt đẹp cho truyền thống chiến đấu để bảo vệ chính nghĩa tự do cho nhân loại.

 Không như ba chiến trường ở ba địa danh trước được gìn giữ trang nghiêm và các đài tưởng niệm được trang trọng dựng lên để vinh danh cho những chiến sĩ Mỹ đã chiến đấu và hy sinh, chiến trường Khe Sanh bị chôn vùi trong quên lãng. Người Cộng Sản Việt Nam không thể nào có được tinh thần thượng võ tôn trọng tử sĩ khi chiến cuộc đã tàn. Họ đã làm gì đối với Nghĩa Trang Quân Ðội của QLVNCH ở Biên Hoà hẳn chúng ta đã  biết.

 Một cựu chiến binh Mỹ từng tham dự trận Khe Sanh đã nói,"Trận đánh Khe Sanh vừa là một trận đánh quân sự lẫn chính trị. Chúng ta thắng trên mặt quân sự nhưng chúng ta thua trên mặt chính trị. Mà thua mặt chính trị có nghĩa là chúng ta thua cả cuộc chiến."

 Ðiều này càng đúng hơn khi các du khách Mỹ, phần nhiều là cựu chiến binh, rủ nhau thành từng toán lặn lội trở qua Việt Nam, đáp máy bay đến Huế, thuê xe đi Quảng Trị, đến thị trấn Ðông Hà gió cát, rồi theo con đường số 9 đầy ổ gà giằng xốc, vượt qua 49 cây cầu gập ghềnh, đi ngang qua ngôi thánh đường Cam Lộ đổ nát vẫn như xưa, ngang qua căn cứ hỏa lực Carroll cũ mờ xóa, Cà Lu với dòng sông Dakrong lờ đờ nước chảy... để rồi chạm mặt với sự thật đầy thất vọng.

 Căn cứ Khe Sanh đâu? Không còn gì ngoài dãi phi đạo chạy dài trơ vơ bỏ hoang đã  mấy mươi năm. Một vài người dân thiểu số là  đồng bào Thượng bộ tộc Bru đi lang thang tìm vật liệu phế  thải và vỏ đạn để bán lại cho du khách với giá rẻ mạt. Cảnh vật thật điêu tàn, tiêu điều và hoang sơ. Chỉ có dãy Trường Sơn chập chùng một màu xanh thẫm dưới bầu trời trong là toát lên vẻ đẹp hùng vĩ.

Trên một mô đất cao ở cuối phi đạo cũ, một tượng đài xây bằng xi măng kiến trúc sơ sài trông nhếch nhác do chính quyền địa phương của nhà nước Cộng Sản Việt Nam dựng lên khắc ghi những hàng chữ mang ý nghĩa đầy kênh kiệu, kệch cỡm và cường điệu hầu như hoang tưởng với số lượng thương vong của quân "Mỹ Ngụy" là 112,000 bị giết và bị bắt sống, 197 phi cơ bị bắn hạ, hầu hết chiến cụ bị tịch thu và phá hủy. Bảng khắc cũng ghi Khe Sanh là Ðiện Biên Phủ của Mỹ. Du khách lắc đầu nhìn nhau; một người nói," Ðài của họ dựng lên, họ muốn ghi gì mà chẳng được."

 Trên thực tế, Cộng Sản Bắc Việt mới chính là phe phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về sinh mạng. Lý do là lần đầu tiên trong cuộc chiến, quân CSBV đã tạm gác qua một bên lối đánh du kích vốn là ngón nghề chuyên môn; lần này tướng chỉ huy Võ Nguyên Giáp cho tập trung nhiều sư đoàn với quân số lên đến 20,000 người nhằm bao vây, tấn công và dứt điểm 6,000 quân trú phòng Hoa Kỳ và VNCH.

Nhưng âm mưu của tướng Giáp định tạo ra một Ðiện Biên Phủ thứ nhì đã thất bại vì giữa Khe Sanh và Ðiện Biên Phủ có khá nhiều sự khác biệt. Khe Sanh không phải là một thung lũng mà là một cao nguyên có nhiều đồi lân cận dùng làm căn cứ yểm trợ hỏa lực diện địa. Mặt khác, hỏa lực phi pháo của Hoa Kỳ gần như vô tận. 

Căn Cứ Tác Chiến Khe Sanh (Khe Sanh Combat Base) thoát thân từ một vùng đồn điền trồng cà phê cũ của người Pháp. Năm 1962 Khe Sanh được tạo dựng thành một trại Lực Lượng Ðặc Biệt Mỹ gồm cố vấn người Mỹ và đơn vị người Thượng và người Kinh, mục đích là theo dõi và ngăn chận sự xâm nhập của bộ đội CSBV theo đường mòn Hồ Chí Minh. Năm 1966, Thủy Quân Lục Chiến thiết lập Căn Cứ Tác Chiến Khe Sanh với quân số một tiểu đoàn, dần dần tăng trưởng thành nguyên      trung đoàn 26 do đại tá David E. Lownds làm tư lệnh. Và đó là cái gai nhọn khó chịu mà CSBV cố dồn mọi nỗ lực để nhổ đi nhằm gây tiếng vang và làm áp lực với chính giới và công luận Hoa Kỳ.

CSBV bắt đầu tập trung quân quanh Khe Sanh vào tháng Mười 1967 gồm hai sư đoàn bộ binh, hai trung đoàn pháo binh và một trung đoàn thiết giáp cùng các đơn vị tiếp vận, tổng cộng lên đến hơn 20,000 người. Con đường bộ tiếp tế duy nhất cho căn cứ là đường số 9 từ quốc lộ 1 ở Ðông Hà qua đất Lào nhưng đã hư hỏng do nước lũ cuốn lở nhiều cầu hoặc do địch quân phá hoại. Thế là coi như Khe Sanh bị cô lập; sự tiếp tế chỉ có thể thực hiện bằng trực thăng và phi cơ.

 Ðêm 20 rạng ngày 21 tháng Giêng năm 1968, CSBV mở đầu cuộc tấn công. Kho đạn chính của Căn Cứ trúng đạn pháo kích VC và phát nổ. Quận lỵ hành chánh Hương Hóa tại làng Khe Sanh về hướng Tây của Căn Cứ cũng bị VC tấn công.

 Qua ngày 22/1, trực thăng được gửi đến quận lỵ Hương Hóa, theo lệnh trên, chỉ để bốc người Mỹ. Cố Vấn Mỹ của quận Hương Hóa phản đối, thà di tản bằng đường mòn cùng với toàn thể quân nhân Kinh Thượng về căn cứ an toàn.

 
Qua đêm 23/1, 3 tiểu đoàn Cộng quân lần đầu tiên dùng thiết giáp tấn công tràn ngập một tiểu đoàn Lào trên đường số 9 bên kia biên giới khiến một số quân Lào phải chạy qua trại Lang Vei của LLÐB Mỹ (nằm giữa Căn Cứ Khe Sanh và biên giới Lào Việt) để lánh nạn. Ba tuần lễ sau, chính trại Lang Vei cũng bị Cộng quân tấn công.

Ngày 24/1, Cộng quân lần lượt pháo kích và tấn công các tiền đồn trên đồi 881, 861 và Căn Cứ Chiến Ðấu Khe Sanh. Quân trú phòng lo đào sâu thêm hầm hố để cố thủ, hy vọng chờ đến Tết sẽ có hưu chiến. Nhưng đến chiều ngày 29/1, Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 TQLC Mỹ ban lệnh xuống cho biết lệnh hưu chiến đã bị Cộng quân vi phạm.

 Ngày 27/1, Tiểu Ðoàn 37 Biệt Ðộng Quân của QLVNCH là đợt viện quân cuối cùng được trực thăng vận vào Căn Cứ Chiến Ðấu Khe Sanh thay thế cho một đơn vị TQLC Mỹ đã được điều động đi nơi khác trước đó. Vị trí phòng thủ của Tiểu Ðoàn nằm ở rìa phía Ðông cuối phi đạo của Căn Cứ. Vì hai ngọn đồi cao nhất trong vùng là Ðồi 1015 và Ðồi 950 (tên đồi được đặt theo chiều cao tính bằng mét) đã bị Cộng Quân chiếm giữ (xem bản đồ) nên áp lực địch luôn đè nặng lên vai người chiến sĩ Biệt Ðộng. Ngoài việc bị pháo kích triền miên khiến họ phải luôn luôn sống ngày đêm dưới giao thông hào và công sự phòng thủ đắp bằng bao cát năm lớp dầy, họ còn phải sống chung với chuột.

 Do mọi sinh hoạt thường nhật đều xảy ra ngay dưới hầm, điều kiện ăn uống và vệ sinh rất hạn chế. Chuột mặc tình làm ổ giữa các lớp bao cát, mặc tình bò ra sinh hoạt chung với các anh chiến sĩ. Những khi các anh bận rộn chiến đấu chống trả các đợt tấn công của địch thì đám chuột vẫn bò quanh các anh để kiếm thức ăn.

Thương binh chưa kịp được bốc đi còn khổ sở hơn vì phải lo xua đuổi đàn chuột đói lăm le gậm nhấm vết thương của họ. Hơn hai tháng trời ròng rã, các anh phải chịu đựng bao chết chóc và gian khổ không những gây ra bởi Cộng quân mà còn bởi chuột. Ðôi khi tiếng đạn bom gầm rú còn dễ chịu hơn là tiếng chuột chí chóe sát bên tai trong những lúc chiến trường lắng đọng hiếm hoi các anh cần ngơi nghỉ.

 Nhờ vào 316 máy thăm dò điện tử rải trong vùng trận địa, quân đội Mỹ nhận được tín hiệu cho thấy sự tập trung quân đông đảo quanh Khe Sanh. Các pháo đài bay B-52 xuất phát từ đảo Guam và Thái Lan được lệnh đến trải thảm bom qua một hệ thống phối hợp liên lạc và điều động tinh vi, nhịp nhàng và chính xác để có thể vừa gây sát hại tối đa cho quân địch vừa tránh bắn nhầm quân bạn. Theo sự  tính toán thông thường, trọng lượng một quả bom tính bằng cân Anh (pound) có tương đương với tầm sát hại (khoảng cách đường bán kính) tính bằng mét. Như vậy, để giữ  khoảng cách an toàn cho quân bạn, một quả  bom nặng 500 cân Anh cần phải được thả cách quân bạn ít nhất là 500 thước.

 Ðây được coi là một cuộc phô diễn hỏa lực không tập lớn nhất trong lịch sử chiến tranh. Trung bình mỗi ngày có 60 pháo đài bay B-52, 350 oanh tạc cơ chiến thuật và 30 phi cơ tuần thám quần tụ trên bầu trời Khe Sanh. Tính đến khi trận chiến Khe Sanh chấm dứt, 3 quân chủng Hải, Lục, Không Quân Hoa Kỳ đã thực hiện tổng cộng 22,126 phi xuất, thả 39,179 tấn bom.

 Ngày 1 tháng Hai năm 1968, tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, tướng tổng tham mưu trưởng Earle G. Wheeler còn hỏi tướng tư lệnh chiến trường Việt Nam Westmoreland là nếu tình hình Khe Sanh trở nên tuyệt vọng như vậy thì có nên dùng đến vũ khí nguyên tử chiến thuật hay không (whether tactical nuclear weapons should be used if the situation at Khe Sanh should become that desperate). Tướng Westmoreland trả lời là có lẽ chưa cần.

 Ngày 30 tháng 1 năm 1968, cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân bắt đầu lẻ tẻ, qua hôm sau trở thành toàn diện, ngoại trừ Khe Sanh; điều này khiến cho giới chức quân sự Mỹ thắc mắc về ý đồ của Hà Nội. Mặt trận Khe Sanh bỗng dưng lắng đọng trong vòng một tuần lễ. Rạng sáng ngày 7 tháng Hai, Cộng quân tấn công trại LLÐB Lang Vei bằng 2 tiểu đoàn và 12 thiết giáp PT-76 làm cho quân trú phòng kinh ngạc. Phòng tuyến vỡ ngay trong những phút đầu nhưng LLÐB chống trả mãnh liệt, bắn hạ được 5 xe tăng của địch. Khi được giải cứu vào buổi chiều cùng ngày, phân nửa của tổng số 500 quân nhân LLÐB ở Lang Vei đã thiệt mạng. Trong số 24 cố vấn Hoa Kỳ có 10 tử thương và 11 bị thương.
 
Sự tiếp vận lương thực và đạn dược cho Căn Cứ bằng thả dù từ các vận tải cơ C-130 gặp khó khăn vào những ngày thời tiết xấu. Tiếp tế cho các tiền đồn còn khó khăn hơn vì phải được thực hiện bằng trực thăng có oanh tạc cơ dội bom phủ đầu và phải thật nhanh chóng vì rất dễ trúng đạn phòng không của địch.

Ngày 23 tháng 2, Căn Cứ bị Cộng quân pháo kích liên tục trong 8 giờ liền bằng 1,307 quả, phần lớn là đạn đại bác 130 ly và 152 ly đặt bên đất Lào. Cộng quân đào giao thông hào vào cách vòng đai phòng thủ 25 thước. Ngày 25/2, một đại đội tuần tiểu Mỹ rơi vào ổ phục kích của một tiểu đoàn Cộng quân khiến cho 9 binh sĩ TQLC tử trận, 25 bị thương và 19 mất tích và được coi như đã chết.

 Cuối tháng Hai, tin tình báo cho biết một trung đoàn Cộng quân đang chuẩn bị tấn công tiểu đoàn 37 BÐQ/QLVNCH về phía đông của chu vi phòng thủ.

 Ðêm 28/2, pháo binh Căn Cứ có không quân yểm trợ oanh kích vào các khu vực tình nghi. Quả đúng như thế, Cộng quân mở ba đợt tấn công vào tiểu đoàn 37 BÐQ/QLVNCH từ 21:30 đêm cho đến sáng mới chịu rút lui. Trong tháng Ba sau đó, đơn vị duy nhất của QLVNCH tham dự trận Khe Sanh này còn bị Cộng quân tấn công thêm 5 lần nữa nhưng vẫn bị đánh bật ra.

 Giữa tháng Ba, tuy Cộng quân có rút đi bớt mấy trung đoàn, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc bao vây Khe Sanh sắp đến hồi tàn lụi. Ngày 22/3, hàng ngàn đạn pháo kích lại rót vào Căn Cứ khiến cho một lần nữa kho đạn phát nổ.

 Ngày 30/3, Ðại Ðội Bravo TQLC Mỹ (bị Cộng Quân phục kích hồi tháng trước) trở lại địa điểm cũ có giao thông hào của Cộng quân để lục soát và tìm xác bạn nhưng không thấy. Cuộc đụng độ lần này khiến Ðại Ðội B (Bravo) bị 10 chết, 100 bị thương và 2 mất tích. Phe Cộng quân có 115 bị giết. Cuộc hành quân Scotland chấm dứt, nhường chỗ cho cuộc hành quân Pegasus bắt đầu giai đoạn giải toả Ðường Số 9 để vào giải cứu Khe Sanh do Sư Ðoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ của tướng Tolson đảm trách. Quyết định này của đại tướng Westmoreland đã khiến cho trung tướng tư lệnh TQLC Robert E. Cushman Jr không mấy vui vì phải để cho một binh chủng khác đến tiếp cứu.

 Ngày 6/4, Lữ Ðoàn 3 Không Kỵ chạm địch suốt ngày hôm đó. Ngày hôm sau, Lữ Ðoàn 2 chiếm được một đồn lũy cũ của Pháp gần làng Khe Sanh sau ba ngày chạm súng.

 Ðúng 8 giờ sáng ngày 8/4, Tiểu đoàn 2/7 Không Kỵ vào đến Căn Cứ bắt tay với quân phòng thủ TQLC. Ngày 11/4, Ðường Số 9 được giải tỏa.

 Tướng Westmoreland rời nhiệm sở Việt Nam ngày 11/6. Tướng Creighton Abrams đến thay, ra lệnh quân Mỹ rút khỏi Căn Cứ Khe Sanh. Công tác triệt thoái và phá hủy mọi công sự phòng thủ của Căn Cứ hoàn tất ngày 6/7/1968.

 Tổng cộng có 959 binh sĩ Mỹ Việt tử trận, 34 phi cơ bị bắn rơi trong suốt 77 ngày cố thủ để rồi tự ý hủy bỏ, giống hệt như bối cảnh tổng thể là cuộc chiến Việt Nam. Lý do giới chỉ huy quân sự Mỹ đưa ra là một căn cứ cố định không còn cần thiết nữa (a fixed base was no longer necessary) tại một cuộc họp báo ở Saigon. Sớm muộn gì chiến cuộc cũng sẽ chấm dứt, người Mỹ rút quân khỏi Việt Nam; họ không muốn Cộng quân vào Căn Cứ dựng cờ để chụp ảnh cho mục đích rêu rao tuyên truyền cho rằng Khe Sanh chính là một Ðiện Biên Phủ thứ hai.

  Năm 1994, ký giả Malcom W. Browne của the New York Times  đến thăm Căn Cứ Chiến Ðấu Khe Sanh ngày xưa. Ông cho biết dù sự thật có thế nào đi chăng nữa, người CSVN vẫn coi đó là chiến thắng của họ, dù là một chiến thắng phải trả bằng một giá đắt; bằng chứng là chỉ trong tỉnh Quảng Trị thôi đã có 72 nghĩa trang của CSBV, và con số ước tính từ 10,000 đến 15,000 Cộng quân bị loại ra khỏi vòng chiến ở Khe Sanh có khi còn nhẹ.

 Mưu toan cầm chân quân Mỹ ở chiến trường Khe Sanh để đồng loạt dứt điểm miền Nam bằng cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của Cộng quân đã bị bẻ gãy. Tiền đồn của Thế Giới Tự Do đã đứng vững thêm bảy năm nữa để rồi bị bỏ rơi vì cuộc diện chính trị thế giới đã thay đổi. Tuy nhiên, sự chiến đấu can trường và sự hy sinh của quân nhân Việt Mỹ cho lý tưởng tự do trước hiểm họa cộng sản cuối cùng đã được chính thức vinh danh.

  Người viết xin kết thúc bài viết bằng bài thơ cảm tác đặc biệt tưởng nhớ các anh chiến sĩ Tiểu Ðoàn 37 Biệt Ðộng Quân/QLVNCH sau đây.


Bài Thơ Khe Sanh

 
Khe Sanh! Khe Sanh! Trang sử hùng anh
Tựa lưng Trường Sơn rừng núi vây quanh
Tre nứa ngút ngàn trên nền đất đỏ
Biệt Ðộng Quân ta chiến đấu liệt oanh.

 Người bạn Hoa Kỳ Thủy Quân Lục Chiến
Có dịp nằm chung trên cùng trận tuyến
Tiểu Ðoàn 37 Biệt Ðộng can trường
Thà chết một lòng giữ vững quê hương.

Nhiều sư đoàn địch đông như kiến cỏ
Dùng xe tăng áp đảo quân ta
Trọng pháo đạn thù rơi tựa mưa sa
Quảng Trị bên tê bản Lào bên đó.

 Ðịch vây hãm ngày ngày ta tử thủ
Ðẩy lui bao đợt địch xung phong
Phòng tuyến ta giữ vững như không
Khe Sanh không hề là Ðiện Biên Phủ!

Ðồi núi chập chùng sương mù giăng giăng
Trường Sơn rung chuyển ở Khe Sanh
Quảng Trị địa đầu đứt Ðường Số Chín
Thế giới phập phồng dõi mắt trông anh.

 Bảy bảy ngày qua Khe Sanh giải toả
Ngàn ngàn Cộng quân rút chạy bỏ thây
Bên kia đại dương nước Mỹ mừng thay
Trận chiến Khe Sanh vang lừng muôn thuở.

Phan Hạnh NTH.

 

 

No comments:

Post a Comment