Wednesday 19 September 2012

Ngôi Nhà Tôi Chào Đời (Bút ký)


 

Ngôi Nhà Tôi Chào Đời

________________________________________

Ảnh minh họa

 Một trong những bài tập đọc Pháp Văn đầu tiên tôi học năm đệ thất là bài Ma Maison Natale của văn sĩ Pháp Alfonse Daudet(1840-1897), người  thường được so sánh như là một Charles Dickens(1812-1870) của Anh Quốc. Tựa của bài văn dẫn trí óc nghĩ đến một ngôi nhà ấm cúng đầy ắp nỗi sung sướng hạnh phúc, tình thương yêu của mẹ cha qua tia nhìn trìu mến và vòng tay êm ái ôm đứa con mới chào đời ở miền Nam nước Pháp. Thầy Ðồng Văn Nam dạy Pháp văn của tôi đã cố ý hỏi cả lớp rằng Ma Maison Natale nên dịch ra chữ Việt là gì; nhiều đứa học trò nhanh nhẩu dịch bạch tuột là Nhà Tôi Sanh; thầy bảo nghe không ổn, phải dịch là Ngôi Nhà Tôi Chào Đời.

 Gần đây tôi được đọc truyện ngắn Quê Hương Qua Chậu Bonsai của nhà văn Nhật Bản Tetsuo Miura (với tác phẩm Shame in the Blood, ông đã  đoạt Giải Văn Chương Akutagawa của Nhật, tương tự  như  Giải Pulitzer của Mỹ). Chuyện kể một thiếu niên bỏ  làng quê ra đi để lên thủ đô Đông Kinh tìm việc làm và có ý định sẽ không bao giờ trở lại ngôi nhà chào đời nữa vì bố mất sớm và mẹ lấy người khác. Anh muốn chối bỏ quá khứ. Cho đến khi anh bắt gặp một chậu bonsai có phong cảnh giống như khóm rừng sồi ở làng anh, và nó đã khơi dậy trong lòng anh một nỗi nhớ nhung quê nhà tha thiết. Nhìn nó, anh hồi tưởng biết bao nhiêu là kỷ niệm của tuổi thơ êm đềm:

 Anh tưởng tượng những khóm rêu kia là lượt cỏ mượt trên ngọn đồi xanh; còn anh, Aida, là một cậu bé đang nằm trên thảm cỏ êm ái ấy. Hai mắt nhắm nghiền, đầu gối trên hai cánh tay và anh chỉ còn lớn bằng nửa bao diêm. Còn cánh rừng sồi thì lớn mãi lên, mỗi lúc một cao thêm, rồi như sắp nuốt chững cả anh nữa. Bên tai anh vang vọng tiếng gió lao xao trên những ngọn cây cao, tiếng suối róc rách, tiếng chim ríu rít. Từ xa vọng lại tiếng máy đập lúa khua dòn, tiếng chuông đền ngân nga. Anh từ từ mở mắt và nhìn lên. Trên nền trời xanh trong trẻo, những cành sồi đã trút lá đan quyện vào nhau như những mắt lưới. Anh ngồi dậy và lần theo cái lối mòn lẩn khuất dẫn vào rừng.

 Tôi đã từng có một ngôi nhà chào đời. Tôi nhớ đến quê tôi, không phải qua chậu bonsai hay bức tranh sơn mài treo nơi phòng khách. Tôi nhớ quê, nhớ ngôi nhà tôi chào đời nhất khi ngồi trước lò sưởi trong mùa đông và nghe mùi khói của gỗ thông tỏa len vào hốc mũi. Không viết về nơi chôn nhao cắt rốn của mình, tôi thấy như là còn thiếu một món nợ. Vì thế, tôi phải viết.

 Mẹ tôi về nhà chồng năm 18 tuổi, tức năm 1925. Nhà chồng không xa mấy, chỉ độ mười cây số. Mặc dù đám cưới của cha mẹ tôi không được ghi lại qua bất cứ một tấm ảnh nào để làm kỷ niệm, nhưng không sao, tôi có thể dùng trí tưởng tượng của mình. Tôi thấy cô dâu có dáng dấp khỏe mạnh, dáng điệu tự nhiên, tóc bới gọn gàng, khuôn mặt sáng sủa không cần một chút son phấn nào cũng vẫn đẹp thanh thoát trong chiếc áo dài màu xanh đọt chuối, chân đi guốc quai da. Chú rể cao gầy nho nhã, gương mặt tươi tắn, vận âu phục quần tây dài rộng xếp bốn pơ-li, áo sơ-mi trắng dài tay gài nút măng-sết mạ vàng, thắt cà-vạt dài quá rún, tóc chải bảy ba có xức bri-dăng-tin láng bóng, chân đi giày da. Họ đàng trai đi rước dâu bằng bốn chiếc xe thổ mộ, xe hoa chắc chỉ có cắm hai bó bông vạn thọ hai bên . Hình ảnh đó làm cho lòng tôi cảm thấy rộn ràng. Ông nội và ông ngoại tôi dĩ nhiên là bận áo dài khăn đống, mang giày hàm ếch không có đế. Ông nội tôi cao lớn, mặt chữ điền, mày rậm, cằm vuông, tánh tình nghiêm nghị. Ông ngoại tôi thấp hơn, người có da có thịt, bụng tròn vo, miệng hay cười có đồng tiền, giọng nói eo éo, tánh tình vui vẻ.

 Cha tôi ở xã Bình Phan, làng Bình Phục Nhứt. Mẹ tôi ơ xã Bình Hạnh, làng Long Bình Điền. Cả hai làng đều thuộc quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho, sau đổi tên là tỉnh Định Tường, hiện nay là tỉnh Tiền Giang. Hai làng này cách ngăn nhau bởi con kinh đào Chợ Gạo; muốn đi qua lại phải dùng đò hoặc xà-lan kéo giây cáp. Xà-lan có thể chứa bốn chiếc xe đò hoặc xe hàng, không có mui, kéo đi bằng tay bởi hai người phu dùng khúc cây có khoét hổng ở giữa móc vô giây cáp. Khi nào có đoàn ghe chành đến gần bến đò và kéo còi inh ỏi thì xà-lan phải tắp vô bờ, giây cáp được thả chùn xuống lòng sông cho đoàn ghe đi qua.

 Mỗi lần nhắc tới bến đò Chợ Gạo trong tâm trí tôi lại hiện ra những hình ảnh kỷ niệm êm đềm. Những đoàn ghe thuyền chơ khẳm hàng hóa xuôi ngược, những chiếc FOM, LCVP thuộc Giang Đoàn 21 Xung phong xông xáo như kình ngư lướt sóng, những đám thợ gánh rau cải từ trong rẫy ra bến đò để rưa trước khi chất lên xe hàng, những hàng quán tụ tập hai đầu, khách đi đường dừng chân chờ qua phà tấp vô ăn uống nghỉ ngơi. Những đoàn xe nhà binh chơ lính đi hành quân cũng dừng lại chờ qua phà, chỉ có những chiếc thiết vận xa M.113 cua đồng ngang nhiên lội qua sông trông thật là hùng dũng trước những đôi mắt thán phục của bọn trẻ con. Sự có mặt của chiến tranh vì thường trực quá nên đã trở thành một phần của đời sống hiển nhiên không ai thắc mắc. Sông Chợ Gạo là thủy lộ huyết mạch nối miền Tây với Saigon cho nên phe ta ra sức bảo vệ chặt chẽ, phe địch ra sức phá hoại gây gián đoạn.

 Tôi lại tương tượng ra một hoạt cảnh khác. Sau đám cưới một thời gian, đôi vợ chồng trẻ đưa nhau về thăm quê vợ. Mẹ tôi chắc chắn mừng lắm, về để khoe với bà ngoại tôi rằng người đang mang thai tôi. Tôi làm một bài thơ, mượn lời của Ba tôi nói với Mẹ tôi:

 
Vợ Chồng Quê

 Nè em, chuyến nầy thăm Ba Má,

Thấy em mừng như lá uống sương.

Như me chấm với nước đường,

Như con cá lóc dưới mương ăn mồi.

Đố em trái me kia mấy mắt?

Chùm me kia xanh ngắt chờ ai?

Răng em mà cắn me nầy,

Cả Ba với Má không rầy cũng la.

Con đường nầy em qua mấy bận?

Cây mắc cỡ còn giận em không?

Guốc vông mang với gót hồng,

Cũng vì cưng vợ nên chồng đạp gai.

Bên bờ mương có cây trái mắm.

Chim chìa vôi ngộ lắm em ơi.

Thòi lòi nhảy lội loi choi,

Phùng mang hát bội em coi mắc cười.

Rau càng cua không chua không ngọt;

Cá bãi trầu phun bọt dưới mương.

Thấy em con nít, anh thương,

Bên chồng quấn quít như tương với cà.

Giây tóc tiên quấn giàn bông giấy;

Đọt xoài non em lấy nấu canh.

Tép bò, cá trắng xào hành.

Khoai lang bí đỏ vài khoanh nấu dừa.

Mấy bữa trước trời mưa mây tía,

Cá trê lên luống mía ăn trùn.

Nước lên lấp xấp vồng gừng.

Em đi cầu ván ngập ngừng quíu chưn.

Nắng tròm trèm ếch thèm bông mướp,

Bầy lòng tong tươm tướp sát bờ.

Cắm câu, quăng vó, đặt lờ,

Anh lo công chuyện, em chờ dọn cơm.

Bông sua đũa trắng phau sân trước,

Sào anh quơ một lượt đầy bao.

Em ngồi giặt áo bờ ao.

Vài con bướm nhỏ lao xao khóm lài.

Tới Tết nầy mình đầy năm cưới,

Em đòi về xóm dưới thăm Ba

Má khen em rất mặn mà,

Ba khen anh tánh thật thà siêng năng.

 

Khi mẹ tôi gần tới ngày ở cử, cha tôi đưa về gởi ở nhà ông bà ngoại tôi. Mẹ tôi muốn được bà ngoại tôi săn sóc trong khi sanh nở. Tôi tò mò nuốn biết nơi chào đời của tôi, dù tôi có từ dưới đất chui lên như một con trùn theo lời mẹ đùa ghẹo. Đó là một cái chòi nền đất vách phên lợp lá rộng khoảng hai chục thước vuông, chỉ được dùng làm nhà bảo sanh riêng cho gia đình. Từ nhiều năm, bao nhiêu đứa bé cất tiếng khóc đầu tiên ở đó. Trong căn chòi đó có kê một cái giường tre, bên dưới có để một cái lò đất sét cho sản phụ hơ lửa. Kê gần giường là cái sạp cao hơn dùng làm bàn để vật dụng và bàn ăn và một cái ghế kê sát vách. Căn chòi không có cửa sổ, chỉ có cửa ra vào cũng bằng phên. Theo nếp sống của ông bà xưa, người mẹ non ngày non tháng cần phải kiêng cử gió, nước và nhiều món thức ăn lỏng mát như canh chua, rau cải chưa nấu chín, trái cây, v.v. Những lúc không dùng đến, cánh cửa được đóng lại và buộc chặt bằng một sợi giây lạt dừa. Đầu năm 1944, tôi lọt lòng, bị bà mụ vườn tát đít mấy cái liền. Mới láo ngáo chui ra là đã bị ăn đòn, thằng nhỏ cân nặng chưa đầy ba kí khóc oe oe, tiếng khóc kỳ diệu làm cho cõi lòng người mẹ trẻ ngập tràn sung sướng yêu thương. 

 

Bây giờ tôi lại mượn lời của người vợ là mẹ tôi để dặn dò với chồng là cha tôi khi tạm sống xa nhau:

 

Người Vợ Quê

 

Chiều vo gạo tám bên sông,

Chim kêu sóng vỗ chạnh lòng sắc son.

Hai quê sao giữ cho tròn,

Về nhà Má đỡ mỏi mòn ngóng trông.

Khuyên anh nên chớ đèo bồng,

Vắng em đừng có phụ lòng người ta.

 

Trong lúc ấy, quê cha đang có loạn lạc khi quân đội Việt Pháp và du kích Việt Minh giao tranh ác liệt. Làng Bình Phục Nhứt chìm trong khói lửa. Gia đình ông bà nội tôi bị giết tập thể tất cả là bảy người, còn lại sáu người sống sót nhờ đã tìm nơi trú ẩn lánh nạn kịp thời. Riêng ông nội tôi ở lại với gia đình thì bị tra tấn bầm dập để khai thác tin tức của Việt Minh, mặc dù ông không biết một chút gì về đám du kích cả. Bảy người chết thảm trong gia đình ông nội là ông bà cố, em bà cố, bà nội và ba người cô. Nhà của ông bà nội bị đốt cháy rụi. Lúc ấy, chú út tôi chỉ mới mấy tháng tuổi mà đã mất mẹ, phải uống nước cháo thay cho sữa mẹ.

 

Hay tin dữ, mẹ tôi dù chưa cứng cáp hoàn toàn sau khi sinh nở đã phải hối hả bồng con thơ quay về lại quê chồng để chịu đại tang. Người thiếu phụ chân quê ấy vừa nuôi con vừa cho em chồng bú thép trong cảnh cơ hàn màn trời chiếu đất. Ông nội tôi chịu đựng cùng cực nỗi đau thương thể xác lẫn tâm hồn, chỉ muốn tự tử. Người thân phải ngăn cản và thường trực để mắt canh chừng ông. Nhưng làm sao giữ mãi được một người đã không thiết sống. Vì vậy chỉ mấy năm sau, ông nội tôi được toại nguyện, đi về bên kia thế giới để gặp lại cha mẹ, vợ con.

 

Sữa Mẹ Và Đứa Con So

 

Mẹ sinh con những ngày bão táp,

Năm bốn tư giặc Pháp đốt làng.

Khóc trong chết chóc điêu tàn.

Cả nhà quê nội tan hoang hết rồi.

Sữa mẹ hai trẻ thơ bú mãi,

Sữa thương yêu, sợ hãi, đớn đau.

Mẹ mười tám, biết làm sao,

Nuôi không tròn vẹn, mẹ nao cõi lòng.

Sữa mẹ pha lẫn mùi tro bụi,

Vị cay cay khói rụi mái tranh.

Bú đi con, mẹ dỗ dành,

Mồ hôi loang sữa, mùi tanh còn nồng.

Sữa mẹ mấy phần trăm chất béo?

Bú ngày đêm cũng héo hon đây.

Tội em mất mẹ non ngày,

Bú đi, dẫu chị có gầy tấm thân.

Mẹ tôi tay bế tay bồng,

Nuôi con, nuôi cả em chồng mồ côi.

 

Tôi và chú tôi cùng lớn lên trong sự đùm bọc thương yêu của mẹ tôi, chẳng khác nào như hai anh em sinh đôi. Nhưng sau nầy lớn lên, chú tôi cũng trở nên lầm lì, ít nói và nghiêm nghị như ông nội tôi. Dường như lúc nào chú cũng mang một nỗi buồn trống vắng hay một mối mặc cảm bơ vơ. Chú hút thuốc, uống rượu, lăn lóc với đời sớm và từng trãi hơn tôi. Chú mất năm 29 tuổi, không vợ, không con, như thể từ lâu lắm đã có ý trốn khỏi chốn trần gian nầy nên không muốn bận bịu thê nhi.

 

Ông bà nội tôi có tất cả chín người con. Cha tôi đầu lòng, chú tôi út chót, ở giữa và còn sống sót là bốn người cô. Gia đình còn lại gồm tám mạng người bồng bế nhau lìa bỏ thôn xóm mang quá nhiều kỷ niệm đau thương để ra quận lỵ mà sống, mong tìm được sự an ninh. Với sự trợ giúp của họ hàng thân tộc, gia đình tôi mướn và ở trọ tại nhà một người quen.

 

Sau đó chẳng bao lâu, vào một đêm khuya cha tôi bị Việt Minh bắt theo họ vào bưng biền kháng chiến với nhiệm vụ của một y tá cứu thương, mãi đến cả năm sau mới thoát được trở về nhà. Nhưng rồi đến lượt quân đội Việt Pháp bắt cha tôi về tội hoạt động cho Việt Minh. Tôi còn nhớ buổi trưa hôm ấy, gia đình đang ngồi dưới đất ăn cơm. Nhà dưới quê ban ngày luôn luôn để cửa mơ. Cha tôi ơ trần ngồi xếp bằng trước mâm cơm vì trời nóng nực. Toán lính bước vô. Chúng tôi ngơ ngác sợ hãi. Người trưởng toán bảo có lịnh của quận bắt cha tôi lên quận. Cha tôi xin vào nhà trong để lấy áo mặc, họ cũng không cho, còn bắt cha tôi phải quì gối chờ mẹ tôi lấy áo. Xong họ dẫn cha tôi đi. Tôi không nhớ mẹ con tôi có ai khóc hay không; tôi chỉ biết là tôi rất sợ hãi.

 

Trong khoảng thời gian mấy tháng cha tôi bị giam cầm, có những lần lính Việt Pháp dẫn toán tù đi ngang qua nhà tôi để vào xóm trong làm tạp dịch phát quang đốn lau sậy. Tôi nhìn thấy cha tôi trong đám tù thiểu não đó nhưng chẳng dám chạy lại gần. Tôi, chú tôi, em trai tôi chỉ đứng bám vào vách bổ kho dõi mắt nhìn qua kẽ ván. Trí óc non nớt của trẻ thơ cũng thoáng hiện một nỗi lo sợ cho mạng sống của cha tôi dưới mũi súng đen ngòm. Bây giờ hồi tương lại, tôi thấy thương mẹ tôi trong hoàn cảnh khó khăn đó vô cùng. Thế rồi cha tôi được trả tự do nhờ sự cảm thông và rộng lượng của viên quan hai người Pháp trưởng đồn qua những lần tiếp xúc và trò chuyện trực tiếp với cha tôi. Về nhà, cha tôi kể rằng trong thời gian ông nằm trong ngục thất, cứ vài bữa lại có một vị tuyên úy người Pháp vào làm lễ rửa tội cho một tù nhân nào đó thì ngày hôm sau, tù nhân đó bị bịt mắt đem đi xử bắn. Gặp vị tuyên úy người Pháp nầy vài lần, cha tôi tạo cơ hội làm quen, xin ông cứu giúp và can thiệp. Do đó, cha tôi được trả tự do.

 

Cha Bị Bắt

 

Bữa cơm trưa cha trần trùn trục,

Thân gầy trơ xương ngực vì đau,

Nuốt chưa trôi chén canh rau,

Lính Tây ập đến bắt mau đi liền.

Con sợ quá sững nhìn kinh hãi.

Mẹ ôm con, ngó mãi theo cha.

Cha hoạn nạn,  mẹ xót xa.

Mới vui đoàn tụ lại đà chia ly.

Đoàn tù qua nhà, tay bị trói.

Thấy cha gầy, mẹ nhói buồng tim.

Ngó theo, con đứng im lìm.

Dường như cha cố ngoái tìm nhìn con.

Hay người ta đem cha đi giết?

Mẹ thật thà, hiểu biết đâu xa.

Số cha may mắn được tha,

Qua làn nước mắt, cả nhà mừng vui.

 

Không thể sống mãi trong cảnh một cổ hai tròng, trên đe dưới búa nơi vùng xôi đậu, cha tôi dắt theo người em gái kế bỏ lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Thế là một lần nữa, gia đình tôi phải chứng kiến cảnh chia ly. Cha tôi được giới thiệu và được nhận vào làm việc cho Nhà đèn Chợ Quán với chân thư ký; còn cô tôi thì tìm được một chỗ ngồi bán trong chợ Thái Bình. Nhờ bản tánh lanh lợi và ăn nói có duyên, cô lọt vào mắt xanh của một thầy cảnh sát; hai người nên duyên vợ chồng.

 

Cha Rời Quê

 

Một sáng cha rời quê ra đi,

Tìm đời sống mới chốn kinh kỳ.

Mẹ với hai con còn nhỏ dại,

Lệ sầu nhỏ giọt buổi phân ly.

 Cơm sáng đơn sơ mẹ dọn ra,

 Cá kho tiêu ớt chấm dưa cà.

 Bữa ăn buồn bã chung lần cuối.

 Ắn thêm chén nữa, kẻo đường xa.

Còi chuyến xe đò sớm cất vang.

Bùi ngùi cha xách túi hành trang.

Hai con ngái ngủ còn ngơ ngác.

Mẹ nhắn:"Anh đi được bình an!"

 Lăn bánh chạy rồi khói xe bay,

 Văng vẳng hồn cha tiếng khóc ai.

 Hình ảnh vợ con vừa xa đó,

 Ẫn hiện chập chờn trong mắt cay.

 

Kể từ khi về lại nhà chồng sau khi sinh ra tôi, mẹ tôi cơ cực gian nan, đầu tắt mặt tối làm lụng vất vả. Năm 1947, một lần nữa mẹ tôi về quê ngoại để sinh thêm một đứa con trai, tức em tôi. Lúc bấy giờ, ông nội tôi khoảng tuổi 50, nhưng ông không còn ý chí tâm huyết đâu mà nghĩ đến chuyện làm việc nữa. Buồn cảnh gia đình ly tán và thân phận hẩm hiu sinh bất phùng thời, ông tìm quên trong men rượu cay và ít khi có mặt ở nhà. Mẹ tôi trở thành trụ cột của gia đình, tần tảo nuôi cha chồng, em chồng và con thơ.

Tôi trải qua bốn năm tuổi ngọc đầu đời trong bối cảnh đó. Có thể nó bi thương đối với ông nội tôi và cũng có thể đối với cha tôi như ông đã thố lộ qua hai tập thơ của ông sau này, nhưng đối với mẹ tôi, lạ thay, người thản nhiên coi đó là một trong những kỷ niệm êm đềm của cuộc đời bà. Sau này khi tôi đã lớn hơn và đã biết nhận xét nghĩ suy, bà đã kể lại một cách trìu mến thiết tha cho tôi nghe mà không một chút thở than. Tôi biết đó là vì lòng thương yêu bao la của người mẹ đã làm cho bà quên hết những cơ cực của riêng mình và chỉ thấy cái trong sáng hồn nhiên vô tư của đứa con. Mẹ tôi vốn học không nhiều nhưng thuộc mẫu người phụ nữ đảm đang chịu đựng và bằng lòng với số phận, không mặc cảm, không than van, nhân từ hiền đức. Năm nay, năm 2009, mẹ tôi đã 84 tuổi. Những năm trước, khi nhà chưa có điện thoại, mẹ tôi vẫn còn thỉnh thoảng viết thư cho tôi.

 

Thư  Mẹ

 

Thư mẹ viết rung rung nét chữ,

Nhoẹt nhòe mực nguyên tử không đều.

Trải lên trang giấy thật nhiều,

Đọc lên, thấy cả tình yêu mẹ hiền.

Thư mẹ viết lỗi sai chính tả,

Con đọc lên êm ả ca dao

Mẹ sai vài lỗi chẳng sao,

Đọc thư mẹ, con nghẹn ngào mến thương.

Thư mẹ viết dùng nhiều chữ nhớ,

Nhớ bao nhiêu cái nhớ về con.

Tuổi già trí nhớ héo hon,

Mẹ sợ không nhắc, biết còn nhớ không.

Thư mẹ viết đầy hai trang giấy,

Tốn bao nhiêu giờ đấy, mẹ ơi.

Sao mẹ không chịu nghỉ ngơi,

Cảm thương cho mẹ bồi hồi lòng con.

 

Có những buổi xế trưa, khi chợ quận đã tan và đã được dọn dẹp sạch sẽ, cô tám Hường bế em tôi và dắt chú út tôi cùng tôi ra chơi ở ngoài nhà lồng chợ. Cô đặt em tôi nằm trên thớt thịt bằng gỗ đã rửa sạch và mát mẻ, bảo tôi đứng trông chừng em một lúc để cho cô đi chơi nhảy cò cò trên nền xi-măng với mấy đứa bạn cỡ sáu, bảy tuổi như cô. Một hôm chúng tôi đang chơi đùa trong chợ thì có một tốp xe nhà binh chở quân lính Pháp đi hành quân dừng lại bên chợ. Chúng tôi tò mò đứng bên đường nhìn họ nói chuyện với nhau xí xô xí xào. Một vài người lính trong bọn họ chìa bánh bisquit ra và vẫy tay bảo chúng tôi đến gần. Thấy bánh, đám trẻ tức khắc nhào đến xòe những bàn tay nhỏ xíu xinh xắn ra. Những người lính Pháp này trong giây phút thanh bình đó có thể cũng chỉ là những người cha thường tình đang cảm thấy nhớ con thơ cách xa ngàn dặm nơi quê nhà. Ngoài bánh bisquit, họ còn cho bọn con nít chúng tôi pâté foie, nho khô và bánh mì kho nữa.

 

         Dĩ nhiên chúng tôi ăn món nào cũng ngon cả vì thực ra hàng ngày đâu có món quà vặt nào khác hơn là bánh rế của chú Sồi, người chủ nhà người Việt gốc Hoa mà cũng là chủ lò bánh rế trong quận. Người ta gọi nó là bánh rế vì hình dáng của nó trông giống như là một cái rế dùng để bắt nồi cơm đang nóng. Bánh làm bằng bột mì trộn hột gà do khuôn nặn ra sợi dài có gai được khoanh lại những vòng tròn chồng tréo nhau thành một bánh và được chiên trong vạc dầu dừa lúc nào cũng sôi sùng sục. Chúng tôi được gặm những cái bánh bị bể hoặc bị chiên quá lưa vớt ra không kịp bị sẫm màu.

Cắn bánh rế lâu ngày làm cho cái răng cửa của tôi lung lay như sào chống dưới mương cho người ta vịn khi qua cầu tre lắc lẻo. Cái răng gập ghềnh làm cho tôi rất khó chịu khiến cho tôi ngứa tay nắm nó bẻ qua bẻ lại. Nhưng nó vẫn không gẫy. Cả nhà tôi ai cũng nhát gan, trừ chú Sồi. Chú bảo tôi ngửa mặt nhìn lên cột nhà và đếm thầm những đuôi điếu thuốc vấn còn lại mà ông nội tôi dán lên đó. Chúng trông giống như là những con dơi muỗi đậu trên thân cây dừa. Trong lúc thằng nhỏ đang đếm, chú Sồi quấn một đoạn chỉ vào cái răng sữa từ lúc nào và giật mạnh. Cái răng đã rơi ra ngoài. Tôi đưa lưỡi rà vào chỗ trống, nghe vị mặn của chỗ thịt rỉ máu. Mẹ tôi lượm cái răng, úm ba hồn bảy vía, rồi liệng nó lên trên nóc nhà, chẳng hiểu để làm gì.

 

Chiều đến khi nước bắt đầu lớn trên con rạch sau nhà cũng là lúc mẹ tôi đi làm rẫy về. Mẹ mang về nào rau, nào cải, nào nấm rơm. Đôi khi có thịt cá nữa. Cô sáu phụ mẹ tôi nấu nướng một lúc, bữa ăn chiều rồi cũng xong. Mẹ tôi dắt hai chú cháu tôi ra sàn nước tắm. Chú tôi biết lội sớm vì gan lì và khỏe mạnh dễ nuôi. Còn tôi mảnh khảnh yếu xìu, ngả lên té xuống liền liền khiến cho hai đầu gối không bao giờ liền thẹo. Đã vậy, tôi lại thêm cái bịnh sài đầu, mẹ tôi phải thỉnh thoảng nấu nước lá ổi tắm gội cho tôi. Tôi đòi mẹ để cho tôi lội xuống rạch trong khi mẹ ngồi trên sàn nước lúc nào cũng nắm chặt tay tôi. Tôi lấy hơi nín thở và cố ngụp đầu dưới nước lặn thật lâu khiến cho mẹ tôi phải lo lắng vội kéo tôi lên, tôi lấy làm khoái chí cười nắc nẻ.

 

Trên bờ, cô tám còn tẩn mẩn tần mần đứng dựa gốc cây sua đũa mải mê hát nghêu ngao, không hay biết là có cả bầy sâu rọm đeo lên lưng áo.  Đến khi thấy một con đã bò lên tay, cô mới hoảng kinh hồn vía hét lên và nhảy ùm xuống nước! Số phận đẩy đưa, sau nầy cô cũng lên Saigon ở chung với cô ba , cô bảy. Cô đi làm công trong một câu lạc bộ của Mỹ, may lọt vào mắt xanh như ve chai của một ông kỹ sư làm cho hãng sữa Foremost, được cưới về làm vợ, hưởng cuộc sống đầy đủ yên vui hạnh phúc.

 

      Ông nội tôi như một cái bóng lặng lẽ. Cái bóng ấy càng trở nên to lớn hơn khi nó in lên vách lúc đêm về. Sự có mặt của một đứa cháu nội đích tôn và đứa con trai út không giúp ông quên được nỗi buồn mất vợ, mất con, mất cha, mất mẹ, cửa nát nhà tan, gia đình ly tán. Chú cháu tôi bị rầy la nhiều hơn là được vỗ về trìu mến. Ban ngày ông thường hay vắng mặt, nếu không ngả nghiêng bên chén rượu cay ngoài quán chợ thì cũng lè nhè giữa đình đám nhà nọ nhà kia. Một lần ông đi nhậu say về khuya té ngoài bờ ruộng rồi nằm ở đó ngủ luôn một giấc cho tới sáng mới lò mò về nhà, may không bị trúng sương trúng gió gì, hoặc bị rắn hổ mây cắn chết như có người trong xóm đã từng bị. Những lúc ở nhà, ông hay ngồi bó gối trên bộ ngựa thừ người ngó mông lung ra ngoài ngõ, trên môi lúc nào cũng gắn chặt một điếu thuốc vấn. Ông rất ít nói và nhất là không hề vui chơi với con cháu. Đến hồi cha tôi và cô ba tôi làm việc có tiền trên Saigon thì ông nằm liên miên trong nhà thương vì đau bịnh dai dẳng.  Đám tang ông được cha tôi tổ chức rình rang, như thể để đền bù lại quãng đời thống khổ đã qua của người cha bất hạnh.

 

 Ông Tôi 

 

Ông tôi sống một đời vô vị,

Đau thương và khổ lụy dập vùi.

Nghĩ đến ông, tôi ngậm ngùi.

Số phần lận đận kiếp người không may.

Chứng kiến cảnh vợ con bị giết,

Tim gan ông rên siết khổ đau.

Giặc tra tấn, ông kêu gào,

Cưa nhà cháy rụi nghẹn ngào khóc than.

Đại tai họa gia đình tan nát,

Ông như điên, ruột thắt từng ngày.

Giải sầu bằng những cơn say,

Ông muốn bỏ mặc, chết ngay cho rồi.

Mấy năm sống cuối đời đau ốm,

Rồi tử thần một sớm đón ông.

Bấy lâu cái chết chờ trông,

Bây giờ mãn nguyện thỏa lòng ra đi.

 

Rượu Cay Nào Giải Được Sầu

 

Mắt nhìn ly rượu trong

Ta thấy đời vẩn đục

Rượu xủi tăm sùng sục

Sao ta chẳng ấm lòng

Thấy gì qua rượu trong

Thấy thương yêu ngày cũ

Còn lại là buồn rũ

Uống đi những long đong

Giặc say máu giết dân

Ta say ta chết dần

Giặc đốt nhà ra than

Ta đốt cả ruột gan

Men cay tưởng giải được sầu

Uống say chỉ thấy đượm màu đau thương.

 

Năm sau đó là năm đánh dấu thêm một sự phân tán lớn nữa trong gia đình. Cô tôi ăn nên làm ra, đã về quê đón cha và ba đứa em lên Saigon chung sống; chỉ có một cô ở lại quận để đi về nhà chồng. Còn phần cha tôi, trong một thời gian đầu, ông đã bị mê hoặc bởi ánh sáng Sài Gòn hoa lệ và một tình yêu mới với một cô gái thị thành và ông đã để cho mẹ tôi phải bơ vơ. Mẹ tôi đành phải dắt hai con về lại quê ngoại ở Long Bình Điền xin cha mẹ ruột cho tá túc. Tôi giã từ Bình Phan, giã từ Bình Phục Nhứt một lần và mãi mãi. Sau đó có nhiều lần tôi trở về thăm cô sáu tôi, nhưng không bao giờ tôi ở lại đêm ở đó cả.   Đời mẹ con tôi bước qua một ngả rẽ mới. Ấy là năm 1948, một năm tạm coi là hòa bình với tình hình chiến tranh đột nhiên lắng đọng. Tấn về nội, thoái về ngoại, sau năm năm làm dâu nơi nhà chồng, mẹ tôi với mớ tuổi 23 giờ đây dắt bồng hai con dại trở về quê ngoại tôi trong nước mắt. Đây là nước mắt mừng vui của trùng phùng tao ngộ, sum họp đoàn viên khi đứa con được trơ về với đại gia-đình, được ngả vào vòng tay thương yêu của mẹ cha và sự đùm bọc của anh em ruột thịt.

 

Nhà ông bà ngoại tôi khá lớn, gồm ba gian dọc, ba gian ngang nối nhau theo hình chữ “L” cùng hai chái nằm trên một thưa đất rộng có vườn trước vườn sau trồng cây ăn trái. Sân giữa lót gạch tàu có đặt những cái lu lớn để chứa nước mưa hứng thẳng từ trên máng xối chảy xuống. Nhà vừa là tiệm bán chạp phô, vừa là nơi cư ngụ cho ông bà ngoại, gia đình cậu Ba, dì Bảy và cậu Tám. Ông bà ngoại tôi có bảy người con. Người con đầu lòng mất sớm, còn lại cậu ba giờ đây coi như là con cả trong gia đình, kế đến là mẹ tôi thứ tư, dì năm vừa đi lấy chồng, cậu sáu, dì bảy và cậu tám còn ở nhà với cha mẹ. Lúc mẹ con tôi trở về, cậu mợ ba mới có hai người con. Ông ngoại tôi cưng  nhất đứa cháu đích tôn lanh lợi hoạt bát, một đứa cháu ngoan ngoãn biết vâng lời ông bà. Còn tôi thì nhút nhát, lừng khừng ít nói, có lẽ vì thằng nhỏ mang mặc cảm vắng cha, yếu thế, ăn nhờ ở đậu.

 

 Nhà Quê Ngoại

 

Ông Ngoại ngủ trưa, đong đưa cái võng.

Bà ngoại nhai trầu, ngồi ngóng qua mương.

Mợ ra rẫy hái dưa hường,

Xắt ra mấy miếng chấm đường ngoại ăn.

 Gió ào ào mấy tàu cau rụng.

 Con mèo mun ăn vụn niêu cơm.

 Ra vườn, mợ kiếm nấm rơm,

 Ngang cây bông sứ nghe thơm quá chừng!

Bà ngoại già nhưng mà tỏ mắt,

Áo quần con, ngoại cắt, ngoại may.

Còng lưng ngồi suốt cả ngày,

Cậu đi lột bưởi gọt xoài ngoại ăn.

 Mợ têm trầu, miếng nào cũng khéo.

 Miếng cau ngon, có héo cũng ngon.

 Cậu cười thấy mợ còn son,

 Vậy mà đã bốn đứa con, cậu mừng.

Ngoại không giàu nhưng đông con cháu.

Thấy gia đình thuận thảo, ngoại vui.

 

Rẩy vườn, hoa trái tốt tươi.

Cửa nhà ngăn nắp, cơ ngơi vững vàng.

 Cậu mợ ba lo nhà hương hỏa,

 Cúng gia tiên, mồ mả ông bà.

 Mợ nuôi một ít heo gà.

 Cậu lo trồng trọt vài ba liếp vườn.

Những tháng hè, tôi về với ngoại,

Để rồi tôi trở lại đô thành.

Ngày vui qua vút quá nhanh.

Một vùng ký ức còn xanh trọn đời.

 

Ông ngoại tôi rất giỏi toán, lo mọi việc giấy tờ cho tiệm tạp hóa với cái bàn toán của người Tàu. Mấy ngón tay để móng dài của ông cử động thoan thoắt trên bàn toán rồi ông ghi ghi chép chép vào sổ sách kế toán. Ông có một thân hình tròn trịa, đầu búi tó củ hành, mấy năm sau này ông mới cắt ngắn đi. Vào những ngày nóng bức, ông hay cởi trần phơi ra cái bụng phệ và hai cái vú bự sự. Ông nịt quanh bụng một cái đai centuron bằng da màu đen có nhiều ngăn đựng tiền bạc và các món vật dụng linh tinh khác như đồng hồ quả lắc, chìa khóa tủ, v.v.

 

Tôi không hiểu ông học toán ơ đâu, có điều ông dạy các cháu nội ngoại trong nhà học cữu chương và nhiều bài toán kỳ lạ mà mãi cho đến ngày nay, tôi vẫn chưa biết giải thích tại sao.

 

Anh họ tôi và tôi là hai chú tiểu đồng của ông ngoại tôi để cho ông sai vặt. Hai công tác thường xuyên nhất là đưa võng buổi trưa và đấm lưng, bóp bắp chân buổi tối. Tôi đưa võng nhẹ quá, ông không chịu. Tôi đưa mạnh vù vù, ông sợ đứt võng. Tôi bóp chân, bắp chuối chân ông bự quá tay tôi bóp không xuể. Tôi thích nhất là đứng lên cái lưng bằng phẳng như tấm thớt của ông để bước qua bước lại. Ông coi bộ thấy đã và chịu lắm, nằm nín thinh. Một lần tôi làm bể cái tách trà của ông. Tôi sợ lắm, bèn gom mấy mảnh vỡ thảy vào giữa bụi tre bên kia mương. Vậy mà ông tìm vẫn ra. Tôi phục tài thám tử của ông quá, gọi ông là Bỉnh Kế Tùng, tên của nhân vật chính trong các truyện trinh thám của Phạm Cao Củng. Anh họ tôi nói ông tôi còn hơn Bỉnh Kế Tùng, phải gọi ông là thám tử Sherlock Holmes của tác giả Arthur Conan Doyle.

 

Ông ngoại tôi có tánh lạ. Trái cây cúng trên bàn thờ gia tiên toàn là thứ chọn lọc thiệt ngon. Vậy mà ông ít khi nào cho hạ xuống để ăn lúc chúng hãy còn ngon. Ông để thật lâu cho đến khi nào da mấy trái xoài nhăn nheo như da bà cố tôi, trái đu đủ nổi mề đay như một con chố đốm, mấy trái quít móp méo như xác ướp Ai cập, ông mới cho phép con cháu đem ra làm thịt. Bao lần tôi thèm ăn trái mãng cầu dai, mỗi ngày đều thăm chừng vói tay bóp thử xem đã mềm chưa. Thấy nó mềm, tôi thông tin cho ông hay, ông bảo, “Chưa chín rục”. Ngày xưa còn nhỏ ham ăn, tôi đâu có hiểu là người già răng cỏ lắc lẻo gập ghềnh như cầu tre cầu khỉ, nên họ chỉ thích ăn thức ăn thật mềm.

 

Bà ngoại tôi cao lớn hơn chồng, da mặt trắng mịn, nhai trầu đỏ môi, lúc nào cũng mặc áo dài the. Bà là người đưa tôi đi học lần đầu tiên nơi nhà một ông giáo già trong làng. Lớp học tại gia nầy được gọi là lớp đồng ấu, giống như là nhà trẻ vì bọn học trò con nít bốn, năm tuổi chưa đủ tuổi để vào trường tiểu học công lập. Có đứa còn ị trong quần ngượng quá cứ ngồi ì tại chỗ khiến thầy giáo ra lệnh bắt khiêng ra ngoài sau nhà xối nước tắm giặt làm cho cu cậu xấu hổ la khóc tưng bừng! Lớp học chỉ có vài cái băng ghế dài và thấp làm bàn. Bọn học trò ngồi bẹp dưới đất, vừa đau đít vừa mỏi chân nên cứ phải luôn luôn nhấp nhỏm chỉ mong được ra chơi để nhổ cỏ cú và nhặt lá bàng cho thầy. Vào lớp thì thầy dạy đọc các mẫu tự, đại khái như “o tròn như quả trứng gà, ô thì đội nón, ơ thì mang râu” và bắt học trò học thuộc lòng. Miệng thì ê a i tờ nhưng mắt thì cứ díp lại và đầu thì gục lên gục xuống.

 

Bà ngoại tôi khi còn trẻ chắc phải đẹp lắm. Dáng bà cao sang, tánh tình bình dị và mềm mại, ăn nói dịu dàng, một phong thái có sức thu hút cảm tình của người khác. Nghĩ đến bà, tôi liên tương đến hình ảnh của một loài hoa mộc mạc. Tôi chợt nghĩ đến cây bông công chúa trồng trước sân nhà ông thầy. Một cái tên gọi khác nghe sang cả hơn của loại bông nầy là hoa ngọc lan. Bông công chúa hay hoa ngọc lan đối với tôi đều nghe hay và đáng yêu cả. Tôi đi học mà không mang theo bất cứ tập vỡ gì và chưa hề viết một chữ. Mặc kệ, tôi đi học chỉ để lượm những cánh bông công chúa đã vàng rụng xuống trước sân nhà ông thầy. Cây bông công chúa rất cao, cành xòe xuống đầy bông trắng bum búp tỏa mùi thơm ngào ngạt.  Đôi khi tôi lượm được một hai cái bông còn tươi chỉ vừa mới đổi sang mầu ngà ngà. Tôi bọc các bông lượm được vào một cái khăn tay đem về nhà, cất mấy cái bông vô rương quần áo, cái khăn không vẫn thơm êm ái nhẹ nhàng. Hơn sáu mươi năm qua rồi, mùi thơm dịu êm đó vẫn còn thoang thoảng trong trí nhớ tôi hòa lẫn với bóng hình bà ngoại. Đới sống của tôi bây giờ cũng bình dị như mùi hương dịu dàng của một cánh hoa ngọc lan nhặt từ dưới đất. Tôi muốn sống như ngoaị tôi vậy.

 

Nhặt bông công chúa độ vài tháng là tôi đổi trường lớp. Gọi trường lớp cho oai vậy thôi chứ đây chính là một cái đình cũ trong làng đã từ lâu thiếu sự tu bổ nên trống trước hở sau. Nhưng đình có nền cao, có tiền sảnh sáng trưng thoáng mát, dù sao vẫn oai hơn ngôi nhà mái lá. Và đây là bài thơ về lớp học ở đình:

 

 Lớp Học Ở Ðình

 

Thuở nhỏ tôi đi học ở đình

Trướng treo cột gụ, tượng oai linh

Mái cao thoáng mát nơi tiền sảnh

Đám trẻ ê a quốc ngữ kinh.

 Thầy giáo văn nhân áo rộng thình

 Vui nghèo dạy học chán phồn vinh

 Sống đời đạm bạc thôn làng mến

 Thời gian đếm nhịp tiếng chày kình.

Đình làng Xuân Thạnh thuở xa xưa

Tôi nhớ tôi ngồi học buổi trưa

Nắng soi lỗ chỗ trên nền mát

Gió gọi lao xao mấy rặng dừa.

 Tôi nhớ thầy tôi có cổ cò

 Thân gầy mình hạc cứ ngồi ho

 Thấy tôi cầm viết bằng tay trái

 Thầy vung thước khẻ, tay tôi co!

Sân trước đình xưa, cỏ mọc đầy

Có con rắn lục vắt trên cây

Tôi phang mảnh ngói vào con rắn

Bị méc, tôi ăn mấy thước dầy.

 Trên mái đình cao có cắc kè

 Tiếng kêu của nó, tôi chán nghe

 Dăm ba đá sỏi, tôi rình chọi

 Thầy phạt tôi quỳ giữa trưa hè.

Ngôi đình tôi học chẳng thọ lâu

Thầy tôi gặp nạn chết bêu đầu

Chiến tranh tàn nhẫn vô tình quá

Tuổi học trò, tôi đã biết sầu.

 Viết cầm tay mặt đến hôm nay

 Thước mun tôi nhớ, mắt tôi cay

 Cắc kè, rắn lục, trong tiềm thức

 Đình cũ trường xưa sẽ chẳng phai.

 

Thấy tôi không chăm học bằng anh họ tôi, bà ngoại tôi chỉ mấy đứa trẻ chăn trâu và bảo rằng: "Con mà không gắng học thì sau nầy cũng bị đi chăn trâu như vậy đó!" Tôi nghĩ trong bụng, "Mấy đứa đi chăn trân sướng thấy mồ! Khỏi học cực mà chỉ chơi không!" Mà đúng là tôi ham chơi thật. Không như anh họ tôi hiền ngoan thích quanh quẩn bên ông nội huyên thuyên thắc mắc hỏi han, tôi khoái theo nghe cậu sáu tôi và một người cậu họ nữa hợp tấu chơi đàn guitar, banjo, mandoline trong các buổi văn nghệ bỏ túi trong xóm. Tôi ngồi chầu rìa theo dõi và thán phục tài nghệ của các cậu, rụt rè chỉ dám cầm hai cái muỗng tay tập đánh nhịp hoặc táy máy khều ngón tay lên giây đàn phát ra âm thanh êm tai.

 

Tôi cũng thích phiêu du đi theo làm đệ tử cho cậu tám bắn chim, câu cá hoặc trèo cây hái trái. Mấy mục giải trí hấp dẫn nầy không bao giờ thiếu vì vườn nhà ngoại tôi có rất nhiều chim cá và trái cây. Hai cậu cháu tôi thích tự làm món chim rô ti. Tôi phụ cậu trong công tác nhổ lông chim, chụm củi và quạt bếp lửa. Làm quen với cà ràng, ông táo lâu ngày, tôi có kinh nghiệm và trở thành một thứ “water boy” chuyên trị việc nấu nước châm trà, nhất là trong những dịp cúng giỗ, lễ lạc. Tôi thích ngắm ngọn lửa chụm củi dừa. Mỗi lần tôi quạt mạnh, những đốm lửa li ti bắn tung lên nhảy múa gây tiếng kêu lách tách như một màn kết thúc cuộc trình diễn bắn pháo bông. Bếp lửa quê nhà có sức mê hoặc thôi miên tôi. Tôi có thể ngồi bên bếp lửa giờ này qua giờ khác. Tôi bị thôi thúc như cái bào thai muốn trở về chốn nguyên thủy ấm áp trong lòng mẹ. Tôi trải qua những đêm thức khuya đầu tiên trong đời bên bếp lửa. Sự linh động và biến đổi không ngừng của ngọn lửa ẻo lả uốn éo ôm quanh cái ấm nước có mãnh lực truyền vào tâm hồn tôi một nỗi êm ả dịu dàng giống như cái cảm giác tôi ôm bắp chân của mẹ tôi trong giấc ngủ say sưa.

 

Có những đêm khuya khi cả nhà đang an giấc thì ngoài đường có tiếng chân người rầm rập, rồi tiếng gõ mõ dừa lốc cốc, tiếng hô “Đả đảo Bảo Đại! Ủng hộ Hồ Chí Minh!” Sau đó, có tiếng súng từ đồn bót bắn ra vang xa xa. Tất cả đàn bà trẻ con trong nhà chui xuống hầm. Đàn ông nằm sát người xuống nền nhà chờ bất trắc. Hầm được đào ngay dưới gầm giường. Muốn chui xuống hầm, người đang ngủ trên giường cuốn chiếu lại, giở một tấm vạt giường và lật úp chồng lên tấm còn lại, mở nắp hầm rồi chui xuống. Mặc dù nghe tiếng súng thì sợ, nhưng bọn trẻ chúng tôi thích chui xuống hầm, xem đó như là một thứ trò chơi. Có khi ngồi dưới hầm lâu, tôi ngủ quên. Bị kêu dậy lên giường ngủ “cho đàng hoàng” theo lời người lớn bảo, tôi tiếc cảm giác được an toàn ngồi trong chiếc hầm chật hẹp.

 

Ngoài đường cái, hai bên tỉnh lộ Mỹ Tho - Gò Công có trồng me che mát cho mặt đường tráng nhựa. Chính những cây me ven lộ này mà ông bà ngoại tôi một phen mang họa bị đốt nhà và bị tiêu tán một phần tài sản, phải cất nhà khác trong khu vườn cách xa mặt lộ mấy trăm thước. Mấy ông du kích Việt Minh trong làng ban đêm lén cưa một cây me trước nhà ngoại chận lưu thông, mặc cho ngoại van lạy năn nỉ. Ngày sau quân Việt Pháp đi mở đường bắt gia đình ngoại phải di tản và đốt hết những ngôi nhà cất gần lộ. Do đó, nhà mới của ngoại nằm giữa, từ nay có vườn trước, vườn sau.

 

Vườn trước nhà ngoại trồng nhiều mận, mít, ổi, xoài, khế, cam, quít, bưởi, mãng cầu xiêm, vú sữa, sa-bô-chê và vài loại cây khác nữa. Vườn sau trồng dừa. Sân trước sân sau có trồng cau, trầu, chanh, khế, lựu, thanh long, gừng, sả, ớt và rau đủ loại. Dưới mương thì thả chà nuôi cá, tôm. Bắn chim, câu cá, leo cây, tắm sông, tôi tha hồ rong chơi cuối trời quên lãng.

 

Cậu tôi dạy tôi bơi bằng cách ban đầu cho tôi ôm một cái phao bằng bẹ lá dừa khô dùng chân đập nước; kế đến vịn tay cậu và bơi bằng một tay; sau cùng buông tôi ra cho tôi bơi một mình. Dĩ nhiên là sau những buổi tập bơi đó, tôi không cần phải ăn cơm nhiều vì đã uống nước sông no óc ách. Cậu tôi còn bày thêm cái trò chơi chọi sình (mà bạn gọi là ném bùn). Các chính khách Ấu Tây lâu lâu chỉ bị ném bánh bánh kem vào mặt, lỡ lọt vào miệng và nuốt cũng ngon. Tôi chơi chọi sình dơ nên bị ăn sình đều đều. Sình vào miệng, vào mũi, tôi không ngại. Sình vào tai mấy ngày sau vẫn còn lùng bùng; sình vào mắt làm mắt đỏ nổi đầy gân máu như mắt quỉ Dracula.

 

Chưa hết, thầy trò tôi còn chơi một màn “stunt” độc địa: phá ổ ong vò vẽ. Ổ ong vò vẻ trên cây sa-kê bự tổ chảng ở cuối vườn sau, sát ranh với vườn nhà khác. Cậu bảo, “Ổ nầy chắc là có ong non nhiều lắm, chiên bánh xèo cả nhà ăn không hết!” Xong cậu kêu tôi núp dưới một tàu chuối thấp, trong khi cậu lượm đất sét chọi ổ ong. Ban đầu ổ ong chỉ bị lủng mấy lỗ, ong bay ra chưa nhiều và chúng cũng chỉ bay quanh quẩn ổ. Đến chừng ổ ong bị vỡ một mảng lớn rơi xuống đất, ong mới bay loạn xạ, chích cho tôi mấy mũi đau thấu óc. Hình ảnh mấy cái bánh xèo béo ngậy và thơm lừng biến đâu mất, tôi ôm đầu chạy giữa lúc đoàn phi cơ F-18 Hornets tí hon đuổi theo bén gót. Tôi về trùm mền đi ngủ sớm, bỏ bữa ăn chiều.

 

Cậu tám tôi không chết vì bị ong chích nhưng sau đó chết vì biến chứng của bịnh tim mãn tính khi chưa đầy hai mươi tuổi. Người nhà bịt tang cho tôi và sắp xếp cho tôi đi ngay kế chiếc quan tài của cậu. Tôi mất cậu như mất một bậc huynh trưởng, người đã hướng dẫn tôi, chỉ dạy tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm sống ở thôn làng như là một công tử miệt vườn.

 

Dì năm tôi lấy chồng, năm sau sinh nở đứa con đầu lòng bị trục trặc, chết oan uổng cùng với cái bào thai. Dượng năm tôi đáng kính phục thay; người vẫn tiếp tục duy trì mối liên lạc hiếu thảo với gia đình bên vợ chẳng khác nào như khi vợ còn sống. Dượng là một tay nghề trồng dưa hấu và cà chua nổi tiếng thành công trong vùng nhờ đầu óc thích tìm tòi học hỏi và biết áp dụng phương thức canh tác theo khoa học.

 

Cậu sáu tôi lớn hơn tôi đúng một con giáp, lên Saigon học nghề nhiếp ảnh, về mở hiệu ảnh Anh Đào trên đường Thủ Khoa Huân của tỉnh lỵ châu thành Mỹ Tho, sống một cuộc đời công tử hào phóng và chết trong một tai nạn lưu thông lúc chưa đầy sáu mươi tuổi. Cậu là người tài trợ công trình tân trang ngôi nhà tôi chào đời, mở rộng con đường cho xe hơi có thể chạy vào tận trước nhà, trùng tu nghĩa trang riêng của dòng họ.

 

Cậu ba tôi tên là Nhàn, nhưng cái tên đó lại mâu thuẫn trái ngược với con người hết sức cần cù và vất vả của cậu. Không cần cù vất vả cũng không xong, vì cậu có đến những mười ba người con. Sau khi cưới vợ, cậu ba đã chọn tên trước để đặt cho con. Cậu chọn nguyên một câu dài mười bốn chữ là Trung Hiếu Lưỡng Toàn, Quốc Gia Hưng Thịnh, Thái Bình An Cư Lạc Nghiệp. Tội nghiệp cho mợ ba tôi; mợ sanh con không kịp, chưa đạt được chỉ tiêu mà cậu tôi đã đề ra, mới sanh đến đứa thứ mười ba tên Lạc thì... tắt kinh. Tất cả mười ba người con của cậu mợ đều khỏe mạnh khôn lớn trưởng thành. Lạ một điều là, dù cậu mợ suốt đời làm việc tận tụy vất vả, sức khỏe của hai người vẫn bình thường ở tuổi quá tám mươi, hiện tại vẫn sống nơi ngôi nhà tôi chào đời.

 

Mùa tựu trường năm 1950, tôi đủ tuổi vào học lớp năm trường làng, tức lớp một ngày nay. Học trò nam mặc đồng phục áo trắng tay ngắn, quần cụt đen. Học trò nữ quần dài. Tôi có đầy đủ học cụ như cặp đệm đan bằng giây lát xếp đôi lại được, một bình mực tím, một cây bút cán bằng gỗ ngòi kim loại thay được, một cây bút chì, một cục tẩy, giấy thấm, tập vở một trăm trang giấy trắng có kẽ hàng. Tất cả học trò toàn đi chân đất. Trường cách xa nhà cả cây số, lội bộ mỗi ngày lâu dần tôi đâm chán.

 

Một hôm tôi đánh bạo đu xe ngựa. Đu xe ngựa là một trò chơi nguy hiểm. Sau xe ngựa có một tấm bửng, là cái nấc thang để bước lên xe. Chờ cho xe sắp chạy, tôi leo đứng lên tấm bửng và thụp đầu xuống cho người phu xe khỏi thấy. Tôi định bụng chờ đến khi nào xe sắp ngừng, tôi sẽ nhảy xuống, vì tôi đinh ninh sẽ có hành khách nào đó xuống xe khoảng gần lối vào nhà ngoại tôi. Nhưng xui làm sao, không có hành khách nào xuống lối đó cả. Xe ngựa chạy đã qua khỏi lối vào nhà tôi và vẫn tiếp tục phóng bon bon trên đường tráng nhựa. Tôi hoảng quá mà không dám kêu người đánh xe dừng lại. Tôi liều nhảy đại xuống, nhưng vì không biết lựa thế nhảy xuống cho đúng cách, tôi ngả té xuống, đập ngửa đầu xuống mặt lộ nghe một cái bốp nổi đom đóm mắt. Từ đó trở đi và mãi cho đến ngày nay, tôi bị chứng nhức đầu kinh niên, mỗi năm xảy ra mấy lần, lần nào cũng nằm liệt giường không ăn không uống mấy hôm liền, thật là một cực hình khổ sơ vô cùng.

 

Một trong những cơn tấn công đầu tiên của bịnh nhức đầu quái ác đó xảy ra đúng ba ngày Tết. Tôi nằm một mình hiu quạnh trong buồng, không ngồi dậy được mà cũng không ngủ được cho khỏi phải nghe bọn trẻ đồng lứa trong nhà nói cười vui vẻ, mừng tuổi người lớn, được tiền lì xì, đốt pháo inh ỏi và chơi bầu cua cá cọp sôi nổi xôn xao. Đầu tôi nặng như bưng, miệng khô đắng, bụng trống rỗng vì đã ói mửa ra đến mật xanh mật vàng. Những người yêu thương tôi nhất là mẹ tôi, bà ngoại tôi và dì bảy tôi. Mẹ tôi rảnh tay làm việc là vào ngồi bên tôi, hỏi han, an ủi tôi, đặt bàn tay âu yếm lên trán tôi, ban tặng cho tôi một tia nhìn trìu mến yêu thương. Bà ngoại tôi đem cho tôi một cục đường phèn để khi nào tôi cảm thấy lạt miệng thì cắn ngậm một miếng. Khi thấy tôi đã bớt bịnh và biết đói, bà khuấy bột mì tinh cho tôi ăn. Dì bảy tôi thì cho tôi tiền lì xì thật nhiều hơn mấy đứa cháu khác trong nhà, để dành bánh mứt riêng cho tôi.

 

Một tai nạn khác nữa xảy đến với tôi trong những năm sống nơi nhà ngoại. Tôi leo lên một đống củi dừa cao rồi nhảy xuống khi chơi trò đánh kiếm đấu gươm với chúng bạn. Tôi bị lọi xương cánh tay; khuỷu tay sưng vù, đau nhức rất khó chịu. Ông ngoại tôi gọi mời thầy thuốc Bắc đến sửa gân, nhưng qua mấy ngày sau, tay tôi vẫn chưa bớt đau. Bà ngoại tôi phải đưa tôi lên tỉnh lỵ châu thành Mỹ Tho để đi nhà thương băng bột. Và đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi lên tỉnh thành, được đi xe xích lô, được biết nhà thương lớn như thế nào, và được ăn hủ tiếu Mỹ Tho ở tiệm Phánh Ký nổi tiếng nằm ngay dưới dốc Cầu Quây. Sau nầy, cứ mỗi lần có dịp về lại Mỹ Tho thăm bà con, tôi đều ghé vào tiệm Phánh Ký ăn một tô hủ tiếu cho kỳ được, tính ra cũng hai mươi năm làm người khách hàng trung thành cho tiệm đó. Di tích của lần té lọi tay đó là cánh tay mặt cán dá suốt đời.

 

Khi tôi đã biết viết, mẹ tôi bảo tôi viết thư thăm ba. Tôi chẳng biết viết gì; mẹ gà ý gà chữ cho tôi. Mẹ muốn có sự riêng tư và nhất là chỉ rảnh rang buổi tối trước khi đi ngủ, cho nên các buổi viết thư xảy ra dưới ngọn đèn dầu và bàn viết là một cái rương sắt đựng quần áo. Tôi ngồi trên một cái ghế thấp, khòm lưng gò từng chữ: “Long Bình Điền, ngày . tháng . năm .”. Tôi chỉ viết mấy giòng, đại khái như con học giỏi được thầy giáo khen, con nhớ ba lắm, con thương ba nhiều, xong đến phiên mẹ viết.

 

Sau đó vài năm, tôi giã từ ngôi nhà chào đời, cùng mẹ và em lên Saigon đoàn tụ với cha tôi. Tôi chỉ còn về lại trong những tháng hè, thỏa thuê vui đùa với các anh chị họ, với trái cây ngon ngọt, đi ra đồng săn ếch, bắt cua, câu cá, tắm sông, đọc tiểu thuyết, hát ca. May mắn cho tôi có được một làng quê tương đối bình yên để tôi hằng năm có nhiều dịp trở về thăm lại cho đến khi miền Nam sụp đổ.

 

Ngôi nhà tôi chào đời giống như là một nơi qui tụ của các vị thiên thần. Tôi là một cục đất sét được nặn nên người bằng tình thương yêu. Mẹ tôi, ông bà ngoại tôi, các cậu, mợ, dì tôi là những vì tiên nhân hậu ban tặng cho tôi một món quà quí giá nhất trên đời. Đó là tình thương yêu. Sau khi rời khỏi khung trời hoa mộng thần tiên đó để lên thành phố và lao theo sự nhồi xốc của guồng máy cuộc đời cho đến ngày nay, tôi nhìn lại và kinh ngạc thấy rằng không ai trong số những thiên thần đó bị cuốn theo cơn lốc vật chất phồn vinh. Họ vẫn là họ, đầy ắp tấm lòng chân thật và tình thương yêu. Ông ngoại, bà ngoại, dì năm, cậu sáu, cậu tám tôi đã mất. Không, họ chỉ từ trong nhà bước ra nằm yên nghỉ trong mảnh vườn gần gốc những cây bưởi, cây vú sữa, cây mận hồng đào. Cha tôi may mắn được cùng nằm trong mảnh đất bình an và hạnh phúc nơi quê vợ của xã Bình Hạnh, làng Long Bình Điền. Cậu mợ ba, mẹ tôi, dì bảy, ngần ấy vị tiên sót lại của một tầng lớp thế hệ hưng phế, sống sót như những chứng tích tàn phai, như những trang cổ sử . Nếu tôi không khơi bếp lửa thổi bừng lên đốm than hồng, không ngồi xuống chăm chú hồi tưởng các dữ kiện tiềm ẩn trong ký ức, không đọc thư mẹ, không nằm mơ nghe chuyện kể lể qua ngụm nước trà chiêu môi móm mém của các bậc trưởng thượng đó, thì ngôi nhà tôi chào đời một ngày nào cũng sẽ tan biến vào quên lãng của thời gian. Tôi cám ơn họ đã cho tôi một ngôi nhà chào đời.../.

 

 Phan Hạnh, Toronto.

No comments:

Post a Comment