Sunday 16 September 2012

Ai Hiền Thê, Ai Ác Phụ


Ai Hiền Thê, Ai Ác Phụ

________________________________________

Phan Hạnh

 Đến giờ cơm, tôi còn đang mải mê lạc lối trong mấy trang nhà hấp dẫn thì bỗng nghe tiếng réo gọi,"Anh có mau xuống ăn cơm không thì bảo?" Tôi vội tắt máy chạy xuống nhìn vợ cười giảng huề. Vợ tôi hứ cho một tiếng. Tiếng hứ của hạnh phúc. Nàng vẫn còn hiện diện trong nhà, lo chu toàn đủ mọi công chuyện nội trợ, từ giặt giũ quần áo, quét dọn, nấu ăn, dọn cơm, nàng có gắt giọng một tí gọi tôi dùng bữa cũng chẳng sao.

 Tôi đâu dám làm khó đòi được như anh chàng Lương Hồng bên Tàu ngày xưa, một danh sĩ hiền tài nghèo, bắt vợ là nàng Mạnh Quang, một tiểu thư tươi đẹp, phải dâng cơm ngang mày. Trên đời có thể có nhiều người chồng quá đòi hỏi như anh chàng Lương Hồng, nhưng chỉ có một người vợ chiều chuộng như nàng Mạnh Quang mà thôi. Ai đời nhà nghèo may mắn cưới được vợ giàu, thấy vợ ăn mặc xiêm y rực rỡ, trang điểm lộng lẫy sang trọng quá trong đêm tân hôn, anh chàng Lương Hồng mặc cảm tự ái không chịu động phòng, phạt vợ bằng cách suốt bảy ngày không đụng đến tấm thân ngà ngọc của nàng. Nàng Mạnh Quang vẫn nhẫn nại chịu đựng, dịu dàng xin chồng cho biết lý do. Chàng bèn nói thật là chàng chỉ yêu thích vợ ăn mặc và cư xử với chồng theo kiểu nhà quê mà thôi, nghĩa là phải mặc quần may bằng vải thô, phải cài tóc bằng gai (gai cây bưởi chắc?), phải dâng cơm cho chồng. Mạnh Quang nghe chồng nói vậy bèn đem dẹp hết quần áo đắt tiền, nước hoa, son phấn và chỉ khoác vào một bộ...bà ba. Đến bữa ăn, Mạnh Quang bới cơm ra và nâng chén cơm ngang mày để mời chồng. Quả nhiên Lương Hồng hài lòng hết sức, đêm đó mới chịu động... cả nhà!

 May là anh chàng Lương Hồng đó không phải đi lính như tôi. Hồi cưới vợ, tôi chỉ được cấp có bảy ngày phép, nào dám thắc mắc, cô dâu mới muốn mặc áo gì cũng được, không mặc càng tốt. Hai điển tích Cử Án Tề Mi (bưng mâm ngang mày) và Bố Kinh tức Bố Quần Kinh Thoa (quần vải trâm gai) ngày nay chỉ để nghe chơi mà tiếc giùm cho anh chàng Lương Hồng đã phí đi bảy ngày đêm ngà ngọc.

 Có một người vợ như nàng Mạnh Quang còn hơn là trúng số độc đắc Super Loto, còn sướng hơn tiên. Anh chàng Lương Hồng quả đã tu từ nhiều kiếp trước. Sống trong thế kỷ hăm mốt, nhất là lại sống trong cái xã hội có nền văn hóa Bắc Mỹ vốn quan niệm bình đẳng hôn nhân "chồng cày, vợ sắm, lơ mơ ra tòa", được vợ dọn cơm sẵn kêu ăn là tốt phước lắm rồi, tôi nào dám đòi hỏi gì hơn. Lương Hồng mà sống trong thời buổi này và đòi hỏi kiểu đó thì chỉ có nước bị vợ bỏ ngay chứ không có lôi thôi gì cả. Ngày nay chỉ có mấy ông chồng Taliban đày đọa vợ như nô lệ mà thôi.

 Tôi có đọc một bài phiếm có tựa đề Ba Đồng Một Mớ Đàn Ông của một tác giả giấu tên. Bài phiếm này kể chuyện một bà cụ Việt Nam được thằng con bảo lãnh qua sống chung với vợ chồng nó nơi một thành phố lớn ơ Bắc Mỹ. Bị sững sốt khi thấy thằng con trai cưng của bà vừa bận rộn công việc sở vừa làm đủ mọi chuyện nhà trong khi con dâu của bà tà tà chuyện học, chuyện trao đổi điện thư, chuyện đi mua sắm; bà không khỏi than rằng bộ đàn ông con trai Việt Nam qua Mỹ "ăn cháo lú" hết rồi chăng. Bà thấy con mất thớ nên xót ruột lắm; bà nghĩ rằng thà ở Việt Nam cho khuất mắt, chớ mỗi ngày thấy cái cảnh này bà chịu không được, e tức mà chết. Bà thố lộ tâm sự đó ra với một thằng bạn thân của con trai bà cũng sống trong thành phố đó. Anh này muốn mời bà về nhà để cho bà thấy anh ta... cũng vậy. Tất cả ông chồng Việt Nam ở Bắc Mỹ đều vậy. Tác giả giấu tên là phải rồi; nếu không, rủi bà vợ ông ta đọc được, bà lôi ông ra văn phòng luật sư thì phiền lắm. Thế bạn có như vậy không, hay là bài phiếm chỉ thậm xưng và cường điệu một chút cho tếu vậy thôi.

 Các bà lại nghĩ khác, hoàn toàn khác. Bạn cứ đọc các mục gỡ rối tơ lòng, bạn gái tâm sự, trên các tờ báo mà xem: toàn là các bà viết tố khổ các ông bê bối. Câu chuyện nào cũng thương tâm hết, nào là đầu tắt mặt tối làm lụng vất vả nuôi cả gia đình, chồng keo kiết bất công, chồng ích kỷ trong việc chăn gối, chồng đòi hỏi quá đáng, vân vân. Phải trái về ai? Ta hãy thử đi tìm một lẻ công bằng.

 Công bằng mà nói, người phụ nữ Việt Nam rất thương chồng, chiều chồng, chịu đựng, nhẫn nhục, tận tụy hy sinh cho chồng và trung kiên, chung thủy với chồng. Họ là những người vợ tốt nhất... nước Việt Nam! Nhưng kể từ khi lưu lạc xứ người, sống gần "mực" Bắc Mỹ, dĩ nhiên họ bị "đen" chút ít thôi. Xã hội và văn hóa Âu Tây đem lại cho người phụ nữ một tinh thần tự lập, một quan niệm mới về sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, một sự giải phóng cho quyền tự do cá nhân. Nhưng đồng thời môi trường sống mới cũng tạo cho vai trò và trách nhiệm của người vợ trở nên nặng nề hơn. Họ phải tự quyết định lấy cuộc đời của chính mình. Bạn thử đọc các truyện ngắn của nữ tác giả Hoàng Minh Thúy thì biết. Người vợ Việt Nam sống trong một xã hội mới, môi trường mới giờ đây hoàn toàn không chấp nhận quan niệm trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng nữa. Trong truyện Bão Nổi, nhân vật nữ chính Khánh Vân khi biết chồng có bồ bịch, thay vì chịu đựng và nhẫn nhục như một người vợ Việt Nam tiêu biểu để cảm hóa và giữ chồng, nàng đã để cho lòng tự ái và kiêu ngạo lấn áp, đi tìm vui riêng, đưa đến sự đổ vỡ hôn nhân và hạnh phúc gia đình:

 "Ngày xưa trong gia đình, thuở tôi còn bé, mỗi khi thấy ba mẹ cãi nhau là chúng tôi âu lo. Chúng tôi mong muốn hai người sẽ làm huề trở lại để tôi khỏi thấy đôi mắt buồn bã của mẹ hoặc sự lặng thinh nặng nề của cha. Vài ba hôm sau, khi đi học về, thấy trên mặt ba có nụ cười, đôi mắt mẹ tươi sáng là lòng tôi mở hội. Nỗi lo sợ lớn nhất trong tôi là phải sống trong một gia đình mất cha hoặc thiếu mẹ. May quá, niềm ước mơ của tôi đã tròn. Nhưng hôm nay, vì nguyên cớ nào đã khiến tôi có một quyết định chặt đứt cuộc hôn nhân của chính mình?"
....

"Gia đình tôi mỗi ngày thêm tẻ lạnh. Tôi và Phương công khai đi ăn chơi riêng rẻ không kể miệng tiếng bạn bè. Nếu có lần tình cờ gặp nhau trên phố, tôi thường bắt gặp những tia nhìn soi mói của họ gửi cho tôi. Thêm một lần nữa, tôi nhận thấy sự bất công của xã hội dành cho người đàn bà. Tôi đã đánh mất cái nết của một người đàn bà đông phương. Đó là sự nhẫn nhục và chịu đựng. Đó là sự hy sinh và tha thứ. Tôi có thể hy sinh cho chồng tôi mọi thứ nhưng vì tôi không chấp nhận được sự ngoại tình của chàng mà đã tính sai lạc hết một nước cờ. Nước cờ đó đã đưa đến sự lỡ làng của ngày hôm nay."

 Nhiều truyện ngắn khác của tác giả đều có nội dung hôn nhân đổ vỡ, vợ chồng đường ai nấy đi. Một người chồng gốc cựu quân nhân, có vợ con hiện định cư ở Mỹ, vượt biển, đến trại tỵ nạn, nộp đơn với phái đoàn Mỹ và chờ vợ bảo lãnh đoàn tụ. Một thời gian sau, phái đoàn Mỹ trả lời vợ con anh đã bán nhà dọn đi tiểu bang khác và từ chối bảo lãnh anh. Trước sự thật phũ phàng, người chồng đau khổ uống rượu cồn pha nước ngọt coca-cola để rồi chết.

 Một trường hợp khác, người chồng mãn hạn tù trở về, hay tin vợ con đã vượt biên, đã lấy chồng khác và đang sống trong ấm êm hạnh phúc ở Mỹ; chàng biên thư chúc mừng cho vợ con đang có một đời sống đầy đủ với tương lai bảo đảm, rồi sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh và số phận hẩm hiu của mình. Chỉ vì một cuộc đổi đời. Còn đâu một thời vàng son của người chồng ngày xưa.

 Đã đến lúc người chồng cũng phải thích nghi với hoàn cảnh mới mà thôi, nếu ông ta muốn tránh đổ vỡ. Chồng chúa vợ tôi đã trở thành một thứ "ranh ngôn" nên vứt vào sọt rác. Truyện ngắn Tùy Khúc của nữ tác giả Điệp Mỹ Linh đã nói lên trọn vẹn và đầy đủ bức thông điệp cho tất cả những gia đình người Việt tạo lập đời sống mới trên đất Mỹ. Đó là họ phải nhập giang tùy khúc. Người chồng tên Long muốn duy trì quyền chồng chúa vợ tôi trong gia đình nên ngăn cấm vợ lấy bằng lái xe và đi làm, và ngăn cấm con trong việc chọn người yêu. Hai đứa con dĩ nhiên không thể chấp nhận tình trạng người cha độc đoán nên bỏ đi. Người vợ tên Hiếu, hấp thụ ý tưởng mới qua các buổi học Anh ngữ và sinh hoạt ở nhà thờ, đã cương quyết đặt vấn đề với chồng. Khi chồng không chịu nhượng bộ và sửa đổi, Hiếu cứng rắn bỏ đi. Ta hãy đọc một đoạn tả tâm trạng chán nản của người chồng:

 "Mắt thao láo nhìn trần nhà, một tay gác lên trán suy gẫm về cuộc đời, Long đầy oán hận trong lòng vì cho rằng cuộc đời đã tướt đoạt của chàng tất cả. Long có thể chấp nhận mọi mất mát, ngay cả chính mạng sống của chàng; nhưng để cho người vợ vuột khỏi tay mình là một điều sỉ nhục ghê gớm nhất. Long chịu không nổi. Đến lúc này Long mới hiểu được tâm trạng của những người đàn ông trong các gia đình đổ vỡ, trước khi họ có những hành động điên cuồng".
"Long lòn tay dưới nệm, lấy khẩu súng lục ra săm soi. Như muốn thêm can đảm, Long ra bàn ăn lấy chai rượu dốc ngược vào miệng "tu" hết phần còn lại. Long trở vào giường nằm, tay phải cầm báng súng gác hờ lên ngực, tay trái gác lên trán, nghĩ đến các con, cha mẹ, em út. Tuy Long cố không nghĩ đến Hiếu, nhưng hình bóng Hiếu lại khi ẩn khi hiện trong chuỗi dài suy tưởng. Khi hình ảnh Hiếu hiện lên rõ nét nhất, trong đầu Long vang lên tiếng hét:"Tao hận mày, con đàn bà bất nhân!" Tiếng Hiếu cũng vang lên đầy giận dữ:"Tôi cũng hận anh biết trời biển nào chứa cho hết! Vậy mà tôi cũng vẫn sống nuôi con chớ tôi đâu có hèn, muốn tự tư như anh!" Tiếng "hèn" Hiếu thốt ra làm anh bừng tỉnh".

 Trực diện với thực tế bị bỏ rơi, Long nhận ra rằng không thể sống thiếu vợ con, phải đành nuốt tự ái, chấp nhận các điều kiện do vợ đưa ra.

 Mấy ông chồng Việt Nam ngày xưa khôn lắm, lúc nào cũng đem sách vở thánh hiền của Khổng Nho ra làm khuôn vàng thước ngọc để tuyên truyền, nhồi sọ và răn đe vợ, khiến cho các bà răm rắp nghe theo, ra cái điều nếu làm khác đi sẽ bị xóm làng xã hội cười chê. Tam tòng tứ đức chỉ áp dụng cho mấy bà. Mấy ông bận lo chuyện lớn. Trung hiếu lễ nghĩa trí tín với quân sư phụ mẫu. Vì thế người phụ nữ Việt Nam và Á Đông nói chung rất mực làm tròn bổn phận người vợ trong gia đình.

 Chuyện về những người vợ thủy chung chờ chồng đi tù cộng sản rất nhiều. Những tấm gương sáng đó của tâm thức phụ nữ Việt Nam lấp lánh như một bầu trời đầy sao bàng bạc trong sáng tác văn chương hải ngoại. Truyện ngắn Con Tàu Chỉ Có Một Người của tác giả Phan Xuân Sanh kể một trường hợp tiêu biểu.

 Hữu, một cựu sĩ quan của QLVNCH đi tù cộng sản ngoài Bắc, mất liên lạc với vợ nhà và xem như vợ đã bỏ. Sau đó một thời gian bỗng nhiên Hữu nhận được quà kèm thư của Lê thị Hồng, có chồng trùng tên họ và đơn vị với Hữu nhưng đã mất tích hoặc chết. Hữu viết thư cho Hồng, nhưng không thể nói sự thật mà phải đóng kịch vợ chồng và yêu cầu Hồng đừng gởi quà nữa, vì thư từ tù luôn luôn bị Việt cộng kiểm duyệt gắt gao. Khi bị công an kêu lên làm việc, Hữu tưởng đâu câu chuyện đã bại lộ, nhưng không phải. Hữu lại được quà và thăm nuôi. Sau đây là đoạn tả lúc hai người lạ giáp mặt nhau:

 "Người cán bộ phụ trách dẫn anh ra khu trại thăm nuôi. Từ xa anh nhìn thấy người đàn bà đang ngồi nơi bàn chờ đợi. Tự nhiên anh hồi hộp. Tự nhiên chân anh bước cảm thấy nặng nề. Rồi anh cũng bước tới chỗ chị ngồi. Tim anh muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Anh e thẹn như con gái. Thấy xấu hổ và hối hận. Chị Hồng nhìn anh rồi bật khóc. Chị khóc nức nở. Mặt cúi xuống bàn. Tiếng khóc ấm ức như đang gặp sự bất trắc. Anh ngồi vào vị trí đối diện. Nước mắt anh cũng chảy dài. Anh không nói được với chị câu gì. Những gì anh đã chuẩn bị bay đi đâu cả. Người cán bộ ngồi ở đầu bàn kiểm soát thấy hai người cứ khóc mãi. Có lẽ anh ta nghĩ rằng vì vợ chồng lâu ngày xa nhau, thương nhớ chồng chất lâu ngày, để họ khóc cho đã nư. Anh ta cũng chẳng cần để ý tới họ. Anh ta vừa đứng dậy đi ra cửa sổ khạc nhổ, anh chụp ngay cơ hội nói với chị: "Xin lỗi...xin lỗi chị".
Chị ngẩn mặt lên đưa ngón tay giữa miệng, ngụ ý cho anh biết đừng nói gì thêm. Anh thở dài. Tiếng thở của anh nghe rất não nuột. Nhưng trong tiếng thở ấy, như hàm chứa tất cả những gì anh đã chuẩn bị nói ra với chị. Chị lau nước mắt nhìn anh, rồi ấp úng hỏi anh những câu về sức khỏe, những lời khuyên cố gắng học tập tốt để về với gia đình, cho vừa lòng cán bộ kiểm soát. Chị cũng bịa ra những chuyện là con cái vẫn đi học bình thường, cha mẹ khỏe mạnh, tất cả gia đình, dòng họ, ai cũng trông anh mau về sớm. Anh chỉ gật đầu mà không thốt được lời nào. Chị khóc chiếm hầu hết thời gian thăm nuôi. Hơn ai hết, anh hiểu tiếng khóc của chị. Mọi hy vọng gặp lại chồng xem như hoàn toàn không còn nữa. Chị khóc cho số phận hẩm hiu của mình, thương cho phần số ngắn ngủi của chồng".

 Sau chuyến thăm nuôi với mỗi mục đích duy nhất là xác quyết một lần cuối người đó chắc chắn không phải là chồng mình, người vợ thủy chung đáp chuyến tàu Hà Nội - Saigon xuôi Nam để về nhà trong tuyệt vọng. Người tù đêm ấy quá cảm thương cho hoàn cảnh của ân nhân nên không ngủ được:
 "Đêm nay anh nằm đây, nghĩ lại cái cảnh chị lầm lũi bước lên tàu trở về Sài Gòn. Con tàu chạy vùn vụt trong đêm tối. Chỉ còn một mình chị thức, nhìn ra bên ngoài với sự trống vắng. Chị ôm một nỗi buồn sâu lắng. Đất nước đang trải qua một cơn sốt kinh khủng, đày đọa biết bao người lâm vào cảnh khốn cùng. Chị nghĩ sao về anh? Chị có còn giữ liên lạc với anh không?... Dù sau nầy thế nào, dù có giữ liên lạc hay cắt đứt, ơn nầy với anh suốt đời không quên được. Anh hứa với lòng mình, sau khi được trở về, anh sẽ tìm thăm chị. Sẽ nói với chị thật nhiều, cám ơn chị thật nhiều. Thay cho lần gặp gỡ trong trại không nói được.

 Anh thấy trên con tàu trở về kia, chỉ có mỗi một mình chị. Còn tất cả đều nhạt nhòa. Một mình chị thôi, chứa trên đó nỗi đoạn trường, bất hạnh của một đời người. Nhưng thật vô cùng quý báu của một tấm lòng. Tội nghiệp chị, con tàu đang chở chị lao vào màn đêm, xé tan bóng tối và lạnh lẽo".

 Câu chuyện thật cảm động. Người vợ có chồng mất tích đó mãi nuôi hi vọng là chồng mình vẫn còn sống. Ngay khi cả có những dữ kiện đáng ngờ vực xảy đến, như tuồng chữ khác chẳng hạn, người vợ chung thủy đó vẫn thu xếp một chuyến đi đầy gian truân trắc trở chỉ để gặp tận mặt con người có thể là chồng mình đó. Để làm gì? Để xác quyết một lần rằng chồng mình đã mất thật rồi. Nàng muốn trực diện sự thật vì không có gì quí hơn sự thật.

 Hoàn cảnh của những người vợ có chồng đi tù cộng sản là một hoàn cảnh bi thảm nhất. Họ hứng chịu bao nhiêu thứ áp lực tâm hồn và thể chất đến từ mọi phía. Họ như bị ném vào hố thẳm của tuyệt vọng, nhưng họ không ngừng cố gắng chống đỡ để ngoi lên. Họ chỉ khác với chồng là họ bị giam hãm trong một nhà tù vô hình có đầy cám dỗ tội lỗi thử thách lương tri họ. Họ phải phấn đấu bản thân dữ dội để giữ vững giá trị đạo đức mà họ tự định mức cho chính mình hơn là do luân lý đòi hỏi. Trước sự kiện các gia đình "ngụy quân ngụy quyền" bị cô lập kinh tế, các người vợ quân nhân công chức chế độ cũ bị công an, cán bộ chế độ mới dùng ảnh hưởng quyền lực để theo đuổi và chiếm đoạt thân xác, nhiều người quả quyết rằng đó là một thứ đòn độc và hèn nhằm triệt hạ vốn liếng còn lại cuối cùng của người ngả ngựa và tiêu diệt luôn chỗ bám víu cho lẻ sống tình cảm của người tù.

 Tại hải ngoại, đã có những buổi lễ được tổ chức trang trọng vinh danh người vợ tù trên mặt nổi, những bài viết nhằm ca ngợi gián tiếp sự trung kiên một lòng giúp chồng vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nhưng đáng kể hơn hết là lòng biết ơn và cảm phục của chính người chồng may mắn trở về còn có người vợ hiền mở rộng vòng tay chào đón.

 Dĩ nhiên, người vợ các nước khác cũng thương yêu chồng, cũng chung thủy, cũng có đầy đủ những đức tính tốt. Nhưng dù sao, người vợ Việt Nam khốn khó vẫn đáng ca ngợi hơn vì nỗi bất hạnh, gian khổ và cơ cực họ phải chịu đựng. Có những gánh nặng tưởng chừng như không thể gánh vác nổi nhưng đôi vai nhỏ bé của người vợ Việt Nam vẫn kiên trì gánh vác một mình, lẻ loi, trong thiếu thốn đủ mọi phương tiện vật chất, không có sự giúp đỡ nào của chính quyền, xã hội, cơ quan từ thiện, và cả thân nhân. Sức chịu đựng của họ quả là phi thường.

 "Chân chất hùng liệt của người mình (nói riêng) như của người Đông phương nói chung, là sự cắn răng chịu đựng của người đàn bà, chịu đựng muôn nghìn cay đắng, thiếu thốn, vất vả, bực giọc, điều tiếng, hết năm nầy qua năm khác suốt cuộc đời, để góa chồng thì ở vậy nuôi con cho nó lớn, lấy vợ cho nó, nó lăn cổ ra chết sớm, lại nuôi con nó và vợ nó, rồi lại lo cưới vợ cho cháu, để cháu lại lăn cổ ra chết, thì lại nuôi chắt, chờ đến ngày nó lớn, lại lấy vợ cho nó để giữ lấy hương khói cho giòng họ.

 Chính đấy, với lề lối hi sinh chịu đựng như thế của biết bao nhiêu người khác nữa có thực trong xã hội, mới đúng là những tấm gương hùng liệt, trầm trầm mà man mác, không phải cái hi sinh như bốc đồng trong một lúc, một loại người sống quen ích kỷ và ngoại hiện".
Tính chất hùng liệt của người phụ nữ Việt Nam thể hiện qua lịch sư Trưng Nữ Vương, Triệu Nữ Vương, và nhiều tấm gương tiết liệt khác. Họ trả thù cho chồng, chết theo chồng, kêu oan bênh vực cho chồng, thủ tiết thờ chồng và một lòng một dạ chờ chồng khi sống xa nhau". (Văn Học Sử Thời Kháng Pháp - Lê Văn Siêu)

 Hẳn chúng ta ai cũng biết câu chuyện thương tâm của Thiếu phụ Nam Xương. Nỗi oan khuất của thiếu phụ Nam Xương đã làm cho bao nhiêu trái tim đa cảm của người đời phải nhỏ lệ tiếc thương, là nguồn cảm hứng vô tận của bao nhiêu bài thơ, bài nhạc và được trích dẫn không biết bao nhiêu ngàn lần. Người đời trách anh chồng có đầu óc nông nổi hẹp hòi đã gây ra cái chết oan ức cho người vợ trung trinh và cướp đi một người mẹ mẫu mực của đứa con. Sự ghen tuông mù quáng đã che khuất mất sự nhận thức và óc suy luận bình tĩnh. Anh buộc tội oan cho vợ. Anh không tin lời trình bày giải thích của vợ. Giữa vợ chồng sự khinh bỉ là đau đớn nhất. Lòng ăn năn hối hận khiến cho người chồng sống hết cuộc đời còn lại trong đau buồn nuối tiếc. Anh đã tự tay đánh mất hạnh phúc gia đình của chính mình. Anh sợ một màu đêm. Anh sợ nhìn thấy chính bóng mình in trên vách. Anh đã ghen với một cái bóng.

 Đời Trần, năm Quang Thái thứ mười (1397), cống sinh Bình Khương được Hồ Quý Ly sai làm đốc công xây thành Tây Đô ở xã An Tôn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thấy dân công làm việc quá khổ nhọc, Bình Khương kêu ca khiếu nại nên bị Hồ Quý Ly bắt giết và lấp xác chung với đất đá dùng để xây tường thành. Người vợ của ông vì quá thương chồng nên hàng ngày ra chân thành, hai tay vịn vào chỗ vách thành mới lấp xác chồng mà đập đầu vào đấy và khóc thương thảm thiết cho đến chết. Sau nầy vách thành đó còn dấu hai bàn tay và đầu đập vào ràng ràng; người đời có câu thành ngữ "xương người móng đá" để chỉ sự tích đó.

 Bà Nguyễn thị Kim, vợ của vua Lê Chiêu Thống cũng chết theo chồng. Năm 1788, vua Quang Trung Nguyễn Huệ đem binh ra Bắc đánh tan quân Thanh, Tôn Sĩ Nghị chạy về Tàu; vua Lê Chiêu Thống cùng gia quyến phải chạy theo và bị thất lạc. Vua Lê chạy thoát qua Yên Kinh; vương phi Nguyễn thị Kim sức yếu theo không kịp, phải lẩn trốn trong vùng Bắc Ninh. Mãi đến năm 1793, khi Lê Chiêu Thống chết nơi xứ người, bà Nguyễn thị Kim lo việc cải táng và rước hài cốt chồng về nước. Sau đó xong xuôi, bà uống thuốc độc tự tử. Vua Gia Long cho lập bia mộ bà đề câu Khâm Tứ An Trinh Tuẫn Nghĩa Nguyễn Thị Kim.

 Ông Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), một vị khoa bảng và thi văn nhân của miền Nam (sinh ở Cần Thơ), làm tri huyện trong tỉnh Trà Vinh, vì đệ trình thỉnh nguyện thư lên cấp trên xin bãi thuế thủy lợi cho dân để tránh một cuộc tranh chấp có thể gây rối loạn xung đột giữa người Minh Hương và người Thổ (Cao Miên). Quan tỉnh trưởng giận, bắt giam ông và gởi tờ sớ về kinh xin cách chức ông. Bà vợ đích thân tới dinh tỉnh trưởng van xin không được, liền tìm đường đi ra kinh đô Huế dâng sớ kêu oan cho chồng. Triều đình tra xét thấy ông Bùi Hữu Nghĩa vô tội nên tha nhưng ông phải đổi đi trấn nhậm tỉnh An Giang. Bà vợ ông phải ở lại quê nhà chăm sóc việc ruộng nương, không bao lâu thì qua đời vì bạo bệnh. Đến chừng ông Bùi Hữu Nghĩa hay tin và thu xếp về được đến nhà thì mồ vợ đã xanh cỏ. Thương tiếc người vợ đảm đang, ông mới viết đôi liễn để thờ vợ như sau:

 Ngã chi bần, khanh độc năng trợ; ngã chi oan, khanh độc năng minh; kiều quận cộng xưng khanh thị phụ.

 Khanh chi bịnh, ngã bất đắc dưỡng; khanh chi tư, ngã bất đắc táng; giang san ưng tiếu ngã chi phu.

 Sương Nguyệt Anh (1864-1921) được người đời sau nhắc nhở vì tên tuổi của người cha, vì địa vị của bà trong giới làm báo ở miền Nam, nhưng nguyên nhân chính vẫn là tấm lòng trung trinh thủ tiết thờ chồng. Tên thật của bà là Nguyễn thị Khuê, hiệu Nguyệt Anh, quê tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa), là người con thứ năm của nhà ái quốc Nguyễn Đình Chiểu, học với cha từ thuở bé, giỏi văn thơ. Năm 24 tuổi, có chồng là phó tổng Nguyễn Công Tính, sinh được một gái thì chồng qua đời. Vốn là một bậc nữ lưu gia thế, bà được nhiều người tiếp cận cầu thân. Để xua đuổi bướm ong ve vảng, và vì đã quyết tâm không lấy chồng khác nên bà thêm chữ Sương trước hiệu Nguyệt Anh. Con gái bà lấy chồng, sinh một gái. Khi con bà chết, bà nuôi nấng và dạy dỗ cháu ngoại, sau đó lên Saigon làm chủ bút tờ báo Nữ Giới Chung, là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam.

 Chúng ta không ai có thể quên khúc thi ca Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm, một tuyệt tác văn chương với những câu thơ trong đoạn Buổi Tiễn Đưa:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.
Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
 Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng, ý thiếp, ai sầu hơn ai.

 Những người vợ nào có chồng lính thường phải sống xa chồng, đọc bài thơ này cảm thấy thấm thía lắm. Một nỗi buồn man mác bâng khuâng trong Giấc Ngủ Cô Đơn nửa đêm nhớ anh, buồn nghe mưa khóc bên mành. Mưa ngoài trời hay mưa trong lòng người cô phụ. Ôi Lạnh lùng thay giấc cô miên/Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u và Thâm khuê vắng ngắt như tờ/Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo như thơ Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều.

 Chúng ta thường nghe nhắc đến Thái Hậu Dương Vân Nga (năm sinh không rõ, mất năm 1000) qua tuồng ca kịch cải lương cùng tên. Trường hợp bà hoàng hậu này mãi mãi vẫn còn là một nghi án lịch sử. Bà đã phá lệ tiết hạnh và tái giá khiến cho nhiều người không biết phải luận công và tội như thế nào. Có phải bà là một dâm, ác phụ, hay bà là một anh thư sẵn sàng hi sinh tai tiếng cá nhân để cứu nước khỏi họa ngoại xâm, thật khó mà biết được. Bà là vợ của hai ông vua nổi tiếng của lịch sử Việt Nam là Ðinh Bộ Lĩnh (924-979) và Lê Ðại Hành (941-1005). Có giả thuyết cho rằng lúc còn là vợ vua Ðinh Bộ Lĩnh, bà ngoại tình với Lê Hoàn (tức vua Lê Ðại Hành về sau) nên làm ngơ để Lê Hoàn giết chồng bà và một người con của bà.

 Số phận làm vợ của Ngọc Hân Công Chúa thật là hẩm hiu. Ai ngờ làm vợ của một vị vua trong sáu năm, số ngày sống kề cận chồng không có bao nhiêu thì thành góa phụ ở tuổi hai mươi hai. Nguyễn Huệ (1752 - 1792) năm 1786 đánh ra Bắc lần thứ nhứt dưới chiêu bài diệt Trịnh phò Lê. Nhờ có sự trợ lực của Nguyễn Hữu Chỉnh, nguyên là một tướng cũ của vua Lê bỏ theo Tây Sơn, Nguyễn Huệ toàn thắng. Trịnh Khải tự tử. Vua Cảnh Hưng Lê Hiển Tông (1716-1786) muốn được lòng Nguyễn Huệ, phải gả đứa con gái thứ 21 của vua là công chúa Ngọc Hân mới 16 tuổi cho Nguyễn Huệ lúc bấy giờ đã 34 tuổi. Vua Lê Hiển Tông năm đó đã 70 tuổi, bệnh yếu, nên sau đám cưới của con gái vài ngày thì chết. Cháu nội của Lê Hiển Tông là Duy Kỳ lên ngôi, lấy niên hiệu là Lê Chiêu Thống. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, Quang Trung Đại Đế đột ngột băng hà trong tột đỉnh của danh vọng năm 1792; người góa phụ trẻ Ngọc Hân để lại cho đời khúc ca Ai Tư Vãn đầy bi thương và nước mắt:

Cuộc tụ, tán, bi, hoan, kíp bấy,
Kể sum vầy đã mấy năm nay.
Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu.
Trằn trọc luống đêm thâu, ngày, tối,
Biết cậy ai giập nỗi bi thương.
Trông mong luống những mơ màng,
Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say.
Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,
Ngờ hương trời bảng lảng còn đâu.
Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi quạnh quẽ, trước lầu nhện giăng.
Khi bóng trăng, lá in lấp lánh,
Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi.
Vội vàng dạo bước tới nơi,
Thương ôi vắng vẻ, giữa trời tuyết sa.
Tương phong thể xót xa đòi đoạn,
Mặt rồng sao cách gián lâu nay.
Có ai chốn ấy về đây,
Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành.
Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,
Nghĩ đòi phen, nồng nã đòi phen.
Kiếp này chưa trọn chữ duyên,
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương.

 Tôi tội nghiệp và thương cảm cho bà lắm. Bà chết vì bị Nguyễn Ánh Gia Long thù chồng bà mà hành hình bà luôn bằng cách cho voi giẫm. Giá như bà là người Anh, người Pháp thì người ta đã tạc tượng bà đặt ở hoa viên trong lâu đài, vì bà tài hoa và đức hạnh hơn công nương Diana của Anh, hoàng hậu Joséphine của Pháp nhiều. Vậy mà khi công nương Diana chết vì tai nạn xe hơi thảm khốc sau một đêm ăn chơi với bồ bịch mới, có những người Việt Nam cũng rơi lệ. Chưa chắc họ biết đến bà là ai. Làm dân của một quốc gia nhỏ bé chịu thiệt thòi như thế đó bà ạ.

 Gần với thời đại chúng ta hơn có Nam Phương Hoàng Hậu (1914-1963), vợ của ông vua cuối cùng của Việt Nam là quốc trưởng Bảo Ðại. Bà đi vào lịch sử trong sự cảm mến kính phục của thần dân qua tài sắc và đức hạnh của một người vợ hiền nhẫn nhục biết giữ danh dự cho chồng mặc dù ông không bỏ được thú trăng hoa bay bướm. Tuy hấp thụ Tây học nhưng bà biết giữ gìn giá trị cao đẹp của người phụ nữ đông phương. Thật đáng tiếc, bà bị sưng cuống phổi cấp tính và đột ngột qua đời ở tuổi 49 trong cô đơn trên đất Pháp khi chồng còn đang mải mê du lịch với người tình Mộng Ðiệp ở một chốn xa xôi; đám tang vợ cũng không về dự. 

 Dưới các triều đại quân chủ phong kiến, vai trò làm cung phi cho vua chúa, vợ lẻ cho quan dân của người phụ nữ càng đáng tội nghiệp hơn. Khi chồng còn sống, số phận của họ đã không lấy gì làm sáng sủa, trừ một vài trường hợp may mắn được chồng thương yêu đãi ngộ xứng đáng như Dương Quí Phi của Đường Minh Hoàng, như Điêu Thuyền của Đổng Trác, như Tây Thi của Ngô Phù Sai, như Bao Tự của U Vương. Họ sống như một món sở hữu của chồng, hoàn toàn trông nhờ vào ơn huệ của chồng, may nhờ rủi chịu và không có quyền tự quyết định cho số phận của mình, như trường hợp Chiêu Quân.

 Hán Nguyên Đế là một ông vua Tàu có nhiều vợ còn hơn là vua Minh Mạng của nước ta. Vua Minh Mạng có bốn mươi ba bà vợ, một số lượng còn đếm xuể. Ta thử đặt một giả thuyết nhà vua có uống một thứ thuốc thần, coi như tiền thân của thuốc Viagra (mà bạn lâu lâu lén dùng), và đêm nào cũng giao hoan với một bà; nếu chia đồng đều cho ba trăm sáu mươi lăm ngày, mỗi năm, mỗi bà cũng gần gũi với chồng được tối đa là tám lần! Các bà đẻ cho vua một trăm bốn mươi hai người con. Cung phụng dịch vụ cho cả hoàng cung là bao nhiêu cung nữ nữa. Có năm, cả nước bị thiên tai hoành hành; nghe lời quân sư cho rằng tại "ở đây âm khí nặng nề", vua bèn ra lệnh "layoff" bớt hàng trăm cô, làm các cô mừng quá vì được về quê đi lấy chồng!

 Còn ông vua Hán Nguyên Đế của Tàu có nhiều vợ đếm không xuể. Có nhiều cung phi, từ lúc được tuyển vào cung cho đến lúc vua xí lắc léo vì hết xíu quách cũng chưa hề được cận kề thánh thể một lần nào. Mỗi khi có cung phi mới tuyển, vua xem họa hình trước, thấy hình vẽ cô nào bắt mắt mới cho vời người thật. Ai dè tên nội thần phụ trách việc vẽ hình là Mao Diên Thọ là tên ăn hối lộ; nàng cung phi Chiêu Quân đẹp như tiên lại vừa có tài đàn ca giỏi nhưng ghét chuyện đút lót nên không hề được vua đoái hoài. Hoàng hậu thắc mắc, bèn hỏi vua sao một người tài sắc như nàng Chiêu Quân mà vua bỏ qua thật là rất uổng và dắt nàng Chiêu Quân đến cho vua nhìn tận mặt. Vua mới thấy quả thật Chiêu Quân đẹp quá chừng, không như hình vẽ. Vua truyền lịnh bắt tên họa sĩ láo lếu chém đầu và khiển trách Mao Diên Thọ nặng nề. Chiêu Quân trở thành ái phi cưng nhất của vua. Rợ Hồ Hung Nô tràn xuống, Hán Vương cự không lại, phải đem dâng cống Chiêu Quân cho giặc Hồ để cứu nước. Chiêu Quân cương quyết không để cho chúa Hung Nô làm hoen ố tấm thân và nhảy xuống sông tự vận. Thi sĩ Trung Hoa Đoàn Nguyên Tuấn làm bài thơ Thanh Thảo Mộ để khóc Chiêu Quân như sau:

 Hán đại giai nhân hà xứ mộ
Hồ sa táp diện mãn thiên hôn
Hoàng tuyền bất tẩy đan thanh hận
Lục thảo không lưu thế lệ ngân
Hoàn bội qui thanh hư dạ nguyệt
Tỳ bà sầu khúc nhiễu sơn thôn
Hồng nhan mệnh dữ xuân hoa bạc
Trù trướng phong tiền điếu cổ hồn.

 Ông Khương Hữu Dụng dịch là:
Đâu mộ giai nhân đời Hán trước
Cát Hồ rát mặt tối tăm trời
Suối vàng khôn rửa hờn tranh vẽ
Cỏ biếc còn in ngấn lệ rơi
Vòng ngọc đêm trăng về quạnh quẽ
Tiếng tỳ xóm núi oán chơi vơi
Má hồng phận tựa hoa xuân mỏng
Trước gió hồn xưa viếng ngậm ngùi.

 Mấy bà vợ ngày xưa bị ăn hiếp quá, bạn thấy chưa? Ngày nay, nếu bạn có bị ăn hiếp lại một chút xíu cũng đâu có thấm thía gì, hãy ráng chịu cho nó quen đi bạn.

 Trung Hoa còn có sự tích nàng Vạn Quốc Trinh là tấm gương tiêu biểu cho sự trung trinh tiết liệt của người vợ. Nàng bị chính chồng mình trêu hoa ghẹo nguyệt vì tương lầm ra người khác. Nàng mới lấy chồng mấy ngày thì chồng là Thu Hồ Tủ có lịnh đi trấn nhậm xa nhà. Mấy năm sau, Thu Hồ Tủ được thăng chức và nghỉ phép về thăm nhà, dọc đường thấy có một thiếu nữ đang hái dâu rất đẹp. Chàng ta buông lời chọc ghẹo, người đẹp khinh bỉ mắng cho một hồi rồi tức giận bỏ dở công việc hái dâu và chạy về nhà. Một lúc sau, Thu Hồ Tủ cũng về đến nhà. Vợ chồng nhận ra nhau trong sự ngỡ ngàng: Vạn Quốc Trinh thấy chồng mình chính là ông quan đi đường có máu dê ngoài ruộng dâu. Nàng bèn giảng luân lý một hồi, cho rằng người chồng như vậy là không xứng đáng, làm cho nàng cảm thấy nhục nhã lắm. Rồi nàng nhảy xuống giếng tự tử.

Người vợ ngày nay chắn chắn sẽ không hành xử như vậy; nàng chỉ việc ra điều kiện bắt anh chồng hứa (thề độc càng tốt) phải từ bỏ thói băm lăm; nếu anh ta tái phạm, nàng sẽ mời anh chồng có máu dê cụ đó ra khỏi nhà một cách dứt khoát trong khi chờ thủ tục ly dị.

 Khổ nỗi, người vợ ngày xưa không có quyền bỏ chồng, dù chồng có thế nào đi chăng nữa, dù chồng có đi biệt tăm mấy chục năm trời. Vợ Bá Lý Hề lặn lội đi tìm chồng suốt bốn mươi năm mới gặp. Năm ba mươi tuổi, Bá Lý Hề chia tay vợ nhà để lên đường đi tìm công danh sự nghiệp, bôn ba hết nước nầy đến nước khác, gian truân khổ ải, có lúc phải đi chăn trâu mướn cho người. Đến khi kiếm được chút ít địa vị thì lại bị họa mất nước, phải theo vua đi đày qua xứ khác. Vợ chồng tìm nhau bao phen thất lạc. Sau bốn mươi năm, chồng đạt được công danh vinh hiển. Suốt thời gian đó, vợ tần tảo dọ ngóng tin chồng và bỏ công đi tìm, luôn luôn tin tưởng ở một ngày sum họp. Bốn mươi năm dài đằng đẳng cướp mất tuổi xuân của người vợ thủy chung, đến khi tìm được chồng thì ngại ngùng không dám nhìn vì địa vị cách biệt. Chồng đã là một ông quan thừa tướng đội mũ cánh chuồn, kẻ hầu người hạ, trong khi vợ chỉ là một người lam lũ, may mướn kiếm ăn. Gặp lại nhau khi tóc bạc da mồi, mắt mờ tai điếc, gối mỏi chân rung, thật xót xa cho bốn mươi năm của cuộc đời một người làm vợ xa chồng.

 Vịnh Bá Lý Hề

 Chàng ra đi năm ba mươi tuổi,
Thiếp ở nhà lủi thủi nuôi con.
Xa chàng, một dạ sắc son,
Bốn mươi năm chẵn mỏi mòn chờ trông.
Tình vợ chồng mấy năm hương lửa,
Vắng chàng thiếp tựa cửa héo hon.
Xa chồng tuổi thiếp còn son,
Đợi ngày sum họp mỏi mòn canh thâu.
Hay tin chàng đó đây trôi nổi,
Đường công danh trắc trở gian lao.
Tìm nhau, lạc mất tâm hao,
Chàng ra ngõ bắc thiếp vào cửa nam.
Ngu, Tề, Chất, Châu đà mấy bận,
Lưu lạc qua đất Tấn xa xôi.
Tần vương qua Sở triệu hồi,
Cho làm thừa tướng tuổi đời bảy mươi.
Nghe tin chàng đã là thừa tướng,
Thiếp sống nghề may mướn độ thân.
Thợ may dinh tướng đang cần,
Thiếp vào xin việc tiện gần chồng xưa.
Nhân trong phủ bày ra yến tiệc,
Thiếp bạo gan tìm dịp gặp chàng.
Xin theo ban nhạc hầu đàn,
Vợ chồng tạn mặt ngỡ ngàng chiêm bao.

 (Trúc Điền)

 Người vợ Việt Nam ta thường được ví với hình ảnh con cò lặn lội bờ sông, để chỉ đặc tính chịu đựng gian khổ tảo tần lo cho chồng con no ấm. Quan niệm xưa xếp các nấc thang của xã hội qua các giai cấp sĩ, nông, công, thương, binh. Nhưng có biết bao ông nho sĩ thất thời lỡ vận đã trở thành cái gánh nặng cho vợ nhà, khiến họ phải nai lưng ra làm lụng kiếm sống vất vả lầm than như những con cò lặn lội bờ sông, để nuôi ông chồng giàu chữ nghĩa nhưng chẳng làm gì ra tiền, như ông Tú Xương chẳng hạn. Ông tội nghiệp vợ, ông thương vợ khổ cực vì ông, nhưng ông không bỏ được tính tà tà văn nghệ văn gừng khơi khơi không mang lại được bất cứ món lợi tức nào cho gia đình. Ông làm bài thơ Thương Vợ:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

 Theo như bài thơ trên, bà Tú Xương quả là một người vợ đảm đang. Thử tưởng tượng bà không có hưởng trợ cấp xã hội, không có food bank, food stamps gì cả, chỉ buôn bán lai rai ở mom sông thôi mà nuôi nổi năm con với một chồng thì hay thật. Chắc chắn bà phải vất vả lắm (lặn lội, eo xèo) ngày ngày gồng gánh đi đầu trên xóm dưới cày một ngày mười tiếng là ít. Vậy mà bà vẫn cam phận, coi đó là duyên nợ, là số trời đã định, chỉ biết cắn răng chịu đựng thôi chứ không đòi ly thân, ly dị gì cả. Hai câu chửi đổng cuối chắc không phải do bà thốt lên mà là do ông cảm thấy xấu hổ tự mắng mình đấy thôi. Còn ông Tú Xương nhà ta thấy vợ nhà vất vả, ông tội nghiệp, ông làm một bài thơ chơi chơi vậy thôi chứ chẳng thấy ông giúp bà chuyện gì khác cả. Làm thơ đối với ông nào có khó gì, vì đó là nghề của chàng mà. Ông làm cả trăm bài còn được. Bà cực, ông cứ để cho bà cực. Còn ông tuy nghèo mà vẫn không bỏ được thói phong lưu, ông vẫn đi hát cô đầu, ông đánh tổ tôm, ông thù tạc bạn bè, ông lè phè làm thơ. Bà Tú Xương quả đáng thương hại thật.

 Nhưng trên cõi đời trần tục này, nếu đã có thông lệ thì cũng có ngoại lệ. Trường hợp những người vợ sa ngã, bội phản, bỏ chồng để mưu cầu hạnh phúc cá nhân xảy ra thường xuyên hơn, vì nhân sinh quan biến đổi, vì sự pha trộn và va chạm của các nền văn hóa khác nhau, vì ảnh hưởng của phong trào giải phóng phụ nữ do xã hội tây phương đề xướng. Người phụ nữ Việt Nam ngày càng mở mang kiến thức, bị cuốn hút vào mê lộ hỗn mang giữa cũ và mới, giữa đông và tây. Vai trò người vợ không còn bị giới hạn thu hẹp trong những công việc nhà giữa bốn bức tường của gia đình riêng. Họ đã bước ra ngoài xã hội, cũng trở thành một đơn vị sản xuất kinh tế, cũng đảm nhận trách vụ tương đương như chồng, cũng có địa vị ngang hàng với phái nam. Họ trở thành tự lập, họ không còn tùy thuộc vào người chồng trên nhiều phương diện, họ tự quyết định và lựa chọn trong hôn nhân và tình yêu.

 Chúng ta nếu ai không từng đọc thì cũng từng nghe nói đến chuyện Phong Thần và biết đến nhân vật Ðắc Kỷ. Đát Kỷ (thường được gọi là Đắc Kỷ), là một cung phi được sủng ái của Trụ Vương. Ông vua này nổi tiếng là một ông vua dâm đãng. Ông mê Đát Kỷ đến nỗi quên hết việc nước, bỏ bê quần thần lơ láo, không thèm họp hành triều đình gì hết. Ðắc Kỷ thì dâm và ác khỏi chê, bày lắm trò giết hại trung thần như cho làm bào lạc (cột đồng rỗng ruột nung nóng) để nướng thịt thú rừng và nướng sống cả người nữa (như trường hợp ông quan Mai Bá). Có lần Đát Kỷ bất hòa với thân thuộc của vua là Tỷ Can, bắt ông này phải moi tim ra cho bà xem có phải là tim của ông có chín lỗ như lời người ta đồn hay không. Đát Kỷ bị dân gian nghi vấn là hồ ly hóa thành nên người đời gọi bà là yêu cơ, vì được biết lông chân của bà rất rậm (giống mấy bà người Ý).

 Trụ vương và  Ðắc Kỷ, Chu vương và Bao Tự, Kiệt vương và Muội Hỷ, Ðường Minh Hoàng và Dương Quí Phi, còn nhiều nữa.

 Ngày xưa, hôn nhân là một ràng buộc trọn đời của người vợ với người chồng. Người chồng có thể bỏ vợ, nhưng không ngược lại. Vì thế, người vợ chỉ có thể đi lấy chồng khác sau khi mãn tang chồng. Một trường hợp đặc biệt: vợ ông Trang Tử.

 Trang Tử (Zhuang Zi) là một người đã tu luyện lâu năm và làm được phép tiên, có vợ, chắc phải trẻ hơn ông nhiều. Một hôm đi dạo chơi thăm dân cho biết sự tình, giữa đàng ông gặp một tang phụ ngồi quạt mồ chồng. Ông hỏi sao phải quạt; bà có chồng chết bảo rằng quạt cho mau khô để đi lấy chồng khác theo đúng với "thủ tục nhà nước đã qui định". Ông về kể chuyện lại cho vợ nghe, và hỏi vợ,"Nếu em ở vào trường hợp đó, em có làm như vậy không?", vợ đáp "Sức mấy! Hạng người đàn bà đó chắc trên đời chỉ có một!" Ông nghĩ thầm trong bụng,"Để rồi xem!"

 Một thời gian ngắn sau đó, ông trở bệnh, ngày một nặng thêm. Ông trối trăn,"Chắc là số mạng ta đã đến. Vậy sau khi ta chết đi, em hãy quàn linh cữu ta trong nhà đúng một trăm ngày rồi hãy chôn". Nói xong ông đi chuyến tàu suốt. Vợ thương tiếc than khóc, cúng kiến đúng lễ mỗi ngày như thường lệ. Bỗng một hôm có một nho sinh đến từ một nơi chốn xa xôi, xưng là một người học trò cũ của Trang Tử đến xin viếng lạy thầy. Nho sinh ngỏ ý xin ở lại cúng lạy thầy mấy hôm rồi sẽ đi. Anh chàng học trò này đã đẹp trai mà lại còn ăn nói có duyên quá, vợ Trang Tử quyến luyến. Đến khi anh chàng tán tỉnh lả lơi, người vợ trẻ chết chồng ngã lòng ưng thuận. Lửa gần rơm bốc cháy vô phương dập tắt. Nạn nhân quên gọi 911.

 Cái ông Trang Tử nầy thử lòng vợ đến đây tưởng cũng đã đủ bằng chứng. Nhưng không, ông còn oái oăm hơn, chắc vì đã đọc quá nhiều truyện kinh dị. Ông làm cuộc trắc nghiệm phần hai.

 Trong lúc người vợ trẻ của Trang Tử mê đắm trong thỏa mãn, người tình "Long Hoan" (Don Juan) của nàng bỗng dưng bị đau bụng mãn tính nhào ra rên la đau đớn như là bị sạn thận không bằng. Anh ta bịa,
 "Bịnh nầy là bịnh kinh niên, chỉ có sọ người mới chết mài nhuyễn ra uống mới khỏi thôi! Juan đi mà Juan quên không có đem hờ thuốc theo. Tình ta đến đây là hết. Trong mấy tiếng đồng hồ nữa mà không có thuốc thì Juan chết. Thôi vĩnh biệt...chị!"

 Vợ Trang Tử nghĩ chỉ còn có vài bữa nữa là hết kỳ hạn một trăm ngày, mình sẽ được lấy chồng khác, để anh Long Hoan chết thì phí cả cuộc đời mình. Hay là... Nàng đã có cách giải quyết. Nàng ra nhà kho xách cái búa tạ vô định đập vỡ hòm Trang Tử để lấy sọ và mài cho tình nhân uống. Tình yêu có mãnh lực giúp cho nàng đập vỡ nắp hòm. Nhưng ông Trang Tử cắc cớ lù lù ngồi dậy bước ra cười ha hả chế nhạo một cách đắc thắng. Nàng sợ hãi ngó quanh; anh chàng Long Hoan đã biến đi đâu mất! Xấu hổ quá, nàng cắn lưỡi tự tử. Trang Tư bỏ xác nàng vô hòm rồi ngâm nga ca rằng:

 Nên than ôi thế sự!
Đường hoa đơm lại rã.
Vợ chết ắt ta chôn,
Ta chết vợ cải giá.
Ví bằng ta chết trước,
Một tràng cười ha hả.
Ruộng phải người khác cày,
Ngựa mắc tay kẻ lạ.
Vợ để lại người xài,
Con bị người rủa thỏa.
Nghĩ lại chạnh tấm lòng,
Nhìn nhau không lã chã.
Đời cười ta chẳng bi thương,
Ta cũng cười đời luống đoạn trường.
Cuộc đời khóc mà vãn hồi được,
Ta cũng ngàn thu khóc muôn hàng.

 Sau đó có người hỏi sao vợ chết mà ngồi đó cười ca, Trang Tử nói rằng đời người là vô thường do các yếu tố của tạo vật kết thành, khi chết là trở về với nguyên thể cũ theo lẽ thường hằng, thì có gì mà phải khóc? Ông ví vợ với đám ruộng (Ruộng phải người khác cày), với con ngựa (ngựa mắc tay kẻ lạ). Hèn chi tôi thường nghe người ta vừa nói câu "nhà ta, ta ở; ruộng ta, ta cày" vừa cười tủm tỉm.

 Đã là tiên, chắc ông không thiết tha mấy đến việc ái ân với vợ. Do đó, có thể nàng dễ khát tình. Ông làm trắc nghiệm kiểu nầy thật là quá quắt. Ông mới là người không chịu hiểu lẽ thường tình của cuộc đời, đòi hỏi khắt khe với người phụ nữ. Ông hỏi khó vợ ông một câu rồi lại còn dùng phép tiên để gài cho vợ ông sa vào cạm bẫy của sự cám dỗ tình dục. Ông đòi hỏi người phàm tục cũng hành xử vượt lên trên mọi ham muốn xác thịt như ông (là tiên) thì khó thật.

 Tôi chỉ trách ông Trang Tử chứ không trách vợ ông. Tôi mà làm bồi thẩm thì tôi sẽ bỏ phiếu vô tội. Bà ta đâu có giết người, cũng đâu có ngoại tình, vì ông đã chết rồi kia mà. Bà ta chỉ có mỗi cái tội đập phá đồ đạc (cái hòm) mà thôi. Vợ của Võ Đại mới đáng tội ngoại tình và giết chồng. Chị ta ngoại tình với Tây Môn Khánh, lại còn muốn dụ dỗ cả em chồng là Võ Tòng, bị Võ Tòng "sát tẩu" là đáng lắm.

Dù sao, những chuyện" Ðắc Kỷ ho gà", "Trang Tử thử vợ" và "Võ Tòng sát tẩu" đều là chuyện thần kỳ ngoại sử. Chính sử Trung Hoa cũng không thiếu những bà dâm, ác phụ.

Võ Mị Nương tức Võ Tắc Thiên (625-705). Bà được đưa vào hậu cung vua Thái Tông nhà Đường vào khoảng năm 638 lúc mới 13 tuổi. Năm 649, Đường Thái Tông chết, và theo thông luật, cung phi Võ Mị Nương bị bắt buộc phải vào chùa tu. Chưa đầy hai năm sau, bà lại được vua Cao Tông, con của Thái Tông, đưa trở lại hoàng cung bởi vì ông đã sửng sốt trước sắc đẹp của bà khi ông vào chùa đi cúng tế cho cha. Lúc bấy giờ vua Cao Tông đã có bà  lớn là Vương hoàng hậu và một bà bé vua rất sủng ái là phi tần họ Tiêu; giờ rước cô bồ cũ của cha về cho chính thức làm Chiêu Nghi, là cấp bậc thiếp thượng hạng. Việc vị hoàng đế lấy một trong những người thiếp của cha mình, và lại từng là một sư nữ như các nhà sử học truyền thống tin tưởng là một cú sốc đối với những nhà đạo đức Khổng giáo.

 Võ Tắc Thiên nhanh chóng bộc lộ tài năng của mình trong việc vận động và lập mưu mẹo. Đầu tiên bà tống Tiêu phi cho khỏi bị kỳ đà cản mũi; mục tiêu kế tiếp chính là Vương hoàng hậu. Năm 654, con gái của Võ Tắc Thiên bị giết; Vương Hoàng hậu bị nghi ngờ là thủ phạm vì ghen tuông. Loại xong hai địch thủ, Võ Tắc Thiên được hoàng đế phong làm Thần Phi và cuối cùng, tháng Mười Một năm 655, làm hoàng hậu. Dùng quyền lực mới, bà trừng trị Vương hậu cùng Tiêu phi một cách tàn bạo là đập nát chân tay họ và sau đó tống vào những thùng rượu to để họ còn sống khổ cực thêm ít ngày nữa. Sức khoẻ Cao Tông suy yếu dần nên từ tháng 11, 660, bà bắt đầu cai trị bằng cách ngồi giật giây từ phía sau. Thậm chí sau này bà còn có được quyền lực tuyệt đối khi hành quyết Thượng Quan Nghi và Lý Trung vào năm 665, và từ đó bà ngồi sau vị hoàng đế lúc ấy đã câm lặng để coi chầu (có lẽ bà ngồi sau một bức màn phía sau ngai vàng) và đưa ra các quyết định. Bà cai trị dưới tên chồng và sau khi ông chết thì dưới tên của hai ông vua con bà là Hoàng đế Trung Tông và Hoàng đế Duệ Tông.

Sánh với Võ Tắc Thiên thì chỉ có Thái hậu Từ Hi (1835–1908) là ngang cơ. Xuất thân từ bộ tộc Mãn Châu Yenonala (Diệc Hách Na Lạp thị), mới đầu bà chỉ là một cung tần, nhưng nhờ hát hay, khéo nịnh nên được Hàm Phong yêu, được phong đến chức Lan Quý Nhân. Năm 1856, bà sinh một trai, về sau là Hoàng đế Đồng Trị (trị vì 1861-1875), từ đó càng được sủng ái. Nhờ trí thông minh, lại có cá tính mạnh mẽ, bà dần can thiệp vào chuyện triều chính, từ đó sinh ra hách dịch, độc tài. Sau khi Hoàng đế Hàm Phong qua đời, Hoàng hậu Từ An và Lan Quý Nhân được triều đình tôn xưng là Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu, và quyết định để cho hai bà làm "thùy liêm thính chính" (rủ mành mành mà nghe việc nước), nghĩa là cùng Phụ chính cho Hoàng đế Đồng Trị còn nhỏ tuổi. Hai đại thần Cung Thân Vương và Văn Tường đều là người có năng lực, giúp ý kiến hai bà. Thái hậu Từ An ít học nhưng đôn hậu, có phẩm cách. Từ Hi học khá hơn, đọc viết được chữ Hán, thông minh, lanh lợi, rất có bản lĩnh, nhưng cũng có nhiều tật: ham quyền thế, dâm dật, xa xỉ, muốn đạt mục đích đến cùng. Bà cũng có tính tình bất thường, lúc thì hiền, rộng lượng, lúc thì tàn nhẫn vô cùng. Do đó dần dần Từ Hi lấn Từ An, quyết định mọi việc. Năm 1872, Đồng Trị 18 tuổi, hai Thái hậu dự định cưới vợ cho Đồng Trị rồi sẽ thôi thính chính nữa. Từ An là vợ chính thức của Hàm Phong, vốn không có con, nhưng theo phong tục Trung Hoa, Đồng Trị vẫn đối đãi với bà như là mẹ cả. Đồng Trị lại không ưa mẹ đẻ mà quý Thái hậu Từ An. Do đó mà Từ Hi ghét cả Đồng Trị lẫn Từ An. Tính cách bà lại ham quyền lực, vì vậy tự ý quyết định mọi việc, lũng đọan cả triều đình khiến cho ông vua con Đồng Trị đâm ra chán nản, ăn chơi quá độ mà chết.

 Do Đồng Trị không có con, Từ Hi đưa một đứa cháu kêu bằng thím mới bốn tuổi lên ngôi, lấy hiệu là Quang Tự. Thái hậu Từ An đã chết một cách bí ẩn, có lẽ bị Từ Hi đầu độc. Quang Tự còn nhỏ tuổi bị Từ Hi quản thúc chặt chẽ quá, hóa ra khiếp nhược. Không một người nào được phép lại gần vua, ngoại trừ Từ Hi. Quang Tự răm rắp nghe theo lệnh của bà, mỗi ngày phải vào vấn an bà một lần, mà vấn an thì phải quỳ, cho phép đứng dậy mới đứng. Sau đó, Quang Tự cũng bị Từ Hi trừ khử về tội âm mưu đảo chánh chống lại bà.

Bên trời Âu, lịch sử từ thời cổ đại có rất nhiều tấm gương dâm ác phụ không thua gì Ðắc Kỷ, Võ Tắc Thiên và Từ Hi Thái Hậu của Trung Hoa, có khi còn hơn nữa.

 Một trong những ác phụ lẫy lừng là bà vợ ba Valeria Messalina, vị nữ hoàng uy lực bậc nhất của đế quốc La Mã đờng thời cũng nổi tiếng về tính lăng nhăng ái tình, người đã từng âm mưu giết chồng là hoàng đế Claudius nhưng bại lộ và bị xử tử hồi đầu kỷ nguyên dương lịch. Ỷ được chồng sủng ái, Messalina củng cố quyền lực cốt mong sao cho con trai mình là Britanicus lên nối ngôi khi nào ông chồng già Claudius băng hà. Tương tự như Ðắc Kỷ giết hại hoàng hậu và các công thần là Mai Bá, Tỉ Can, Bà Messalina thẳng tay triệt hạ những thế lực nào ngăn cản tham vọng của bà., gồm cả một lô họ hàng bên chồng, trong đó có Nero, nhưng may mắn Nero thoát và sau đó lên ngôi. Ðặc biệt có một huyền thoại cho rằng Messalina rất dâm ô, thích tổ chức các dạ tiệc có làm tình thâu đêm suốt sáng với nhiều người. Có lần bà ta thách một cô điếm "thi đua" làm tình trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ liền, ai làm tình với nhiều người nhất thì thắng. Kết quả bà ta thắng với kỷ lục là đã tiếp 25 chàng đực rựa, toàn là những chính khách có máu mặt trong triều đình. Hết ý kiến cái bà này!

Ác phụ hạng nhì là Lucrezia Borgia (1480-1519) dưới thời Phục Hưng, con của Rodrigo Borgia, người sau này trở thành đức giáo hoàng Alexander Ðệ Lục. Mới 13 tuổi, Borgia đã hai lần được hứa hôn nhưng sau đó, bà được cha xếp đặt cưới một người khác là Giovanni Sforza. Nhưng rồi ông chồng này cáo buộc vợ đã phạm tội loạn luân với cha và với anh ruột. Do một cuộc dàn xếp chính trị, anh chồng này bị khai trừ bằng áp lực phải thú nhận là mình bất lực sinh lý và ký giấy ly dị. Sau đó bà Borgia này ngoại tình với Perotto, có thai và phải sinh con trong vòng bí mật ở một tu viện. Perotto là sứ giả của Giáo Hoàng, cha của bà. Ðây đúng là một nghi án lịch sử vì đứa con đó có thể là của giáo hoàng (cha của bà) hoặc của Cesare (một Hồng Y, anh của bà). Sau đó bà kết hôn với Alfonso of Aragon, người mà sau này bị Cesare sai gia nhân giết chết vì ghen. Sau khi người chồng thứ nhì qua đời, Lucrezia được cha mình là Ðức Giáo Hoàng Alexander VI thu xếp gả cho một người chồng khác là Alfonso d'Este, Công tước Ferrara, sinh hạ được mấy người con. Nhưng cả hai đều lang chạ lung tung. Lucrezia bồ bịch với ít nhất là ba người. Bà mất năm 1519 vì sinh khó đứa con thứ tám. Có nhiều giai thoại được truyền tụng về bà và gia đình dòng họ Borgia của bà với đầy những cáo buộc về sự loạn luân, ám hại bằng thuốc độc, và giết người. Người ta đồn rằng bà mang một chiếc nhẫn rỗng ruột bên trong chứa thuốc độc rất dễ cho vào nước uống của kẻ bà muốn ám hại.

 Anne Boleyn, (1501/1507–1536) là vợ thứ nhì của vua Henry VIII Anh Quốc. Cuộc hôn nhân này và cuộc hành quyết bà Anne Boleyn sau đó biến bà trở thành một hình ảnh nồng cốt trong cuộc biến động chính trị và tôn giáo đưa đến cuộc Cải Cách Anh Quốc. Trong số sáu bà vợ của vua Henry Ðệ Bát, bà là người thuộc giòng dõi quí phái hơn, học thức hơn. Vua Henry mê bà quá đến nỗi đòi thôi bà vợ đương thời là Catherine of Aragon nhưng Ðức Giáo Hoàng Clement VII không chấp thuận, cho nên Anh Quốc mới bắt đầu tách rời khỏi guồng máy Công Giáo La Mã. Anne Boleyn lên ngôi hoàng hậu ngày Một tháng Sáu, 1533. Bà sinh một người con gái sau này trở thành nữ hoàng Elizabeth Ðệ Nhất của Anh Quốc. Anne Boleyn làm hoàng hậu chỉ được hai năm rưỡi thì bị chém đầu về tội ngoại tình, loạn luân và phản quốc năm 1536. Sau khi đăng quang và trở thành Nữ Hoàng, Elizabeth đã tôn vinh mẹ là một vị thánh tử đạo, anh thư của Cuộc Cải Cách Anh Quốc.

 Catherine Howard (1520/1525-1542), là vợ thứ năm của Henry VIII, là một cô gái còn tuổi "teen" đi lấy ông vua 50 tuổi già yếu (thời đó là già lắm rồi), mắc nhiều bệnh như hôi hám, lở loét, béo phì (136 kí lô). Bà dan díu với người tình trẻ Thomas Culpeper là một cận thần thân tín của vua, cũng bị xử tội ngoại tình và bị chém đầu sau khi làm hoàng hậu chưa đầy hai năm.

  Trở lại với người vợ Việt Nam, hiếm thấy có dâm và ác phụ nổi tiếng, nhất là trong lịch sử, ngoại trừ bà Cố Vấn Ngô Ðình Nhu dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa từng được tổng thống John F. Kennedy nhận xét "Bà ta là một con rồng cái" và ông Ngô Ðình Cẩn gọi "Ðó là một con mụ Ðắc Kỷ". Quyển tiểu thuyết Ðệ Nhất Phu Nhân của Hoàng Trọng Miên mô tả nhân vật bà là "người sống cạnh người chồng cố vấn chính trị gần như bất lực và người anh chồng Tổng thống không vợ, không con, có nhiều mặc cảm đối với phụ nữ, Lệ Xuân đã áp đảo được những kẻ cầm đầu chế độ bằng giới tính của mình, đã đồng hóa những dục vọng dồn nén với khát vọng về quyền hành, biến các phiêu lưu tình ái thành những thủ đoạn chính trị, lấy bản thân mình làm một công cụ xây dựng sự nghiệp mưu bá đồ vương cho gia đình chổng và cho riêng mình. Tất cả những tấn tuồng mà cái động lực chủ yếu, tiềm tàng và sôi nổi là sự đam mê quyền lực, đã xô đẩy những con người của nhà họ Ngô tìm đủ mọi cách choài lên qua những kẽ hở lịch sử, và vượt khỏi những lằn ranh đã được chỉ định để kết thúc bằng một tấn bi kịch, sau khi đã gây biết bao tội ác trong cái thời khoảng chín năm trị vì".
Trong đời thường, những trường hợp người vợ phụ bạc chồng phần lớn là do hoàn cảnh đưa đẩy họ đến bước đường cùng. Vì sự an nguy của gia đình, của các con mà người vợ và người mẹ phải buộc lòng phản bội trong hôn nhân.

 Trong tập truyện Tờ Mộng Rách Rồi của tác giả Hồ Đình Nghiêm có một truyện ngắn viết về một người vợ có chồng đi tù cộng sản; ở nhà người vợ lại ngủ với tên thủ trưởng công an khu vực. Người em trai của chồng bắt gặp tại trận, phẫn uất quá, cầm dao giết chết người chị dâu của mình rồi bị bắt cầm tù. Lỗi tại ai? Hoàn cảnh! Đó là câu trả lời của người trong cuộc.

 Tác giả Lâm Chương của truyện ngắn Lỗi Tại Tôi Mọi Đàng cho ta thấy thêm một trường hợp người chồng đi tù về trơ trọi vì vợ đã bỏ đi; chàng gặp một người bạn gái của vợ bị chồng bỏ, tất cả cũng chỉ vì hoàn cảnh:

 Mấy hôm nay, có gánh hát Cải Lương Hồ Quảng ghé xã. Cô Bảy cho tiền bảo tôi đi coi. Tôi đi trong màu trăng. Bầu trời trong vắt, và trăng sáng lắm. Bóng tôi in trải trên đường. Chỉ mình tôi với bóng. Buồn và cô đơn khủng khiếp. Tôi đi đến chỗ có ánh đèn điện sáng choang, người người đông đảo lao xao. Hội trường được che chắn chung quanh làm rạp hát. Phía trước, dựng lều căng bạt, bán cà phê, nước giải khát, bánh kẹo, thuốc lá và thức ăn. Người ta chen chân nhau vào cửa rạp. Tôi không muốn vào. Tôi đi loanh quanh. Lòng tôi nguội lạnh, lẻ loi. Cuối cùng, tôi ngồi dưới một mái lều bán cà phê. Cô bán hàng là người quen, tên Giang. Giang là bạn của vợ tôi. Trước kia, Giang làm ở Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Thời thế thay đổi, Giang đem con về sống ở quê. Chồng vượt biên sang Mỹ, nghe đâu đã có vợ khác rồi. Giang bưng cà phê cho tôi, rồi ngồi ở phía sau chiếc bàn bày hàng.

 Giang hỏi: "Anh về có khoẻ không?"
Tôi nói: "Khoẻ."
Giang lại hỏi: "Có gặp chị Minh không?"
Tôi lắc đầu: "Thuộc về quá khứ rồi. Gặp làm gì nữa."
Giang nói: "Chị Minh cũng vì hoàn cảnh."
Tôi nói: "Một trăm người đàn bà phụ bạc, cũng đổ thừa hoàn cảnh. Chồng em có liên lạc về không?"
Mắt Giang thoáng chút xa xôi buồn bã: "Coi như nước xuôi ra biển, không trở lại nguồn."

Câu chuyện không chấm dứt ở đây. Tác giả khéo léo gói trọn câu chuyện bằng một diễn tiến ngắn gọn lý thú nhưng đủ nói lên một thực trạng rất sống thật tự nhiên:
Tôi ra đứng ngoài sân, nghe tiếng dội nước sau hè. Tôi hình dung ra thân thể nở nang của người đàn bà một con, da thịt trắng ngần loang loáng nước, dưới trăng. Tôi háo hức đợi chờ. Lúc sau, tôi bước vào nhà. Giang mặc áo cánh mỏng, đang lúi húi khơi lại ngọn đèn. Tôi ôm ghì lấy Giang.
Giang nói: "Từ từ, anh..."

 Tôi thổi tắt phụt ngọn đèn, dìu Giang đến chiếc giường, nơi có ánh trăng mờ mờ xuyên qua đầu hồi. Tôi ôm Giang, vuốt ve hôn hít. Giang thở dồn dập. Tôi cũng thở dồn dập. Bao nhiêu rạo rực dục tình dồn nén trong mười năm trời, bỗng tuôn ra tháo đổ khi chưa kịp cổi áo quần. Tôi xấu hổ, cố giấu Giang. Tôi lặng đi một lúc, rồi tiếp tục vuốt ve hôn hít, mong mau chóng hâm nóng lại dục tình. Nhưng bất ngờ Giang sờ tay xuống dưới, đụng phải vật mềm nhũn.
Giang xô tôi ra, và kêu lên: "Em biết tại sao chị Minh bỏ anh rồi."
Tôi hoảng hốt: "Không phải thế đâu."
Giang vùng dậy, thắp đèn: "Em xin lỗi. Anh về đi."
Tôi đi về trong đêm trăng sáng. Trời không sương, mà đôi vai lành lạnh. Khuya vắng đến rợn người. Tôi nghe rõ cả tiếng côn trùng rên rỉ. Buồn và cô đơn khủng khiếp. Tôi tự trách mình. Đời vẫn dành cho tôi nhiều ưu ái. Tại tôi làm hư việc. Lỗi tại tôi mọi đàng. Tôi đi. Bóng tôi in trải trên đường. Chỉ mình tôi với bóng.

 Một người không chịu kiên nhẫn để cho người kia có cơ hội trình bày và giải thích để đi đến chỗ thông cảm. Một người mặc cảm có lỗi và mất cái quí giá là lòng tự tin. Nhân vật chính trong truyện cho rằng "lỗi tại tôi mọi đàng" như một sự chịu đựng tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Anh đã chọn cho mình một thái độ chấp nhận sự việc một cách bình tĩnh, coi đó như là một thường hằng của đời sống. Một thái độ tiêu cực. Sự thật, đó chỉ là một sự kém hiểu biết, hay chỉ là một sự hiểu biết có định kiến, hay chỉ là một sự hiểu lầm. Hoàn cảnh là câu thần chú trấn an để tránh tình trạng bão tố nội tâm.

 Kể ra, nhân vật nữ tên Giang hơi nông cạn trong lối suy nghĩ của cô. Cô võ đoán nữa. Nếu không, câu chuyện sẽ kết thúc một cách êm đẹp. Hai người cùng cảnh ngộ, cùng thuyền sẽ kết hợp và sống một cuộc đời hạnh phúc bên nhau. Thay vì, Chồng giận thì vợ làm lành,Khoanh tay khẻ bảo:"Thưa anh giận gì?" như một người vợ ngoan hiền thuở xa xưa lắm, nàng chỉ cần hỏi "Sao vậy anh?" và để cho chàng có cơ hội trần tình, thế là xong.

 Bạn thấy đó, người phụ nữ ngày nay sống không còn khép kín như ngày xưa. Họ đã mạnh dạn đứng lên đòi hỏi quyền làm người bình đẳng. Họ cũng có những nhu cầu và đòi hỏi như người chồng. Có người kềm hãm được, có người không.

 Ta hãy đọc thêm một câu chuyện khác có cùng bối cảnh miền Nam sau 75 cho thấm thía thân phận người tù ngụy trơ về và bị vợ bỏ. Qua truyện ngắn Căn Nhà Không Có Bóng Đàn Bà, tác giả Phan Xuân Sinh ghi nhận lại hoàn cảnh gia đình đổ vỡ vì người vợ không vượt qua được những đòi hỏi cá nhân của một cuộc đời con người phàm tục.

 Chuyện kể một người lính có vợ hai con khi Miền Nam mất. Anh học tập theo diện sĩ quan cải tạo, vợ phải một mình bương chải kiếm sống nuôi con. Rồi một hôm chị bỏ nhà đi không trở lại; phường khóm phải trông coi hai đứa nhỏ. Tìm không được người mẹ bỏ con để đi theo tiếng gọi của đòi hỏi vật chất và xác thịt, nhà chức trách địa phương phải can thiệp cho người chồng đi tù được thả sớm để về nhà nuôi con. Anh về nhà để chứng kiến tận mắt cảnh tượng như sau:

 Về đến Ủy Ban Nhân Dân Phường, anh nhìn thấy hai đứa con đang chơi ngoài sân thật vô tư. Anh lại ôm con khóc nức nở. Mấy người đi ngoài đường nhìn thấy, họ cũng mủi lòng. Anh bồng bế con về nhà cũ. Bước vào buồng ngủ anh nhìn thấy vợ và người đàn ông lạ đang nằm ngủ mê man. Cơn ghen tức nổi lên, anh không còn biết mình là dân cải tạo mới thả ra. Anh bỏ con xuống sàn nhà, nhào lại túm đầu chị đánh đá túi bụi. Người đàn ông thức giấc, ngồi dậy xô anh ngã ra sau. Hàng xóm chạy lại bênh anh, cũng nhào vô đánh chị và người tình của chị, miệng họ la lớn: "Đánh chết gian phu, dâm phụ. Đánh chết thứ bỏ bê con cái theo trai". Sau một hồi ấu đả, mặt mày chị và người tình nhân sưng húp. Công an khu vực chạy lại can thiệp, dẫn tất cả ra Phường.
Công an Phường đã biết chị bỏ con cái đi mấy tháng nay, nên họ cũng bực mình. Người công an khu vực hỏi chị: "Chị về lúc nào? Mấy tháng nay chị đi đâu?"

Chị trả lời: "Mới về khuya nay. Đi ra Hải Phòng buôn bán".
"Chị có biết, chị bỏ bê con cái đói khát không?"

"Biết, mà ở nhà với con lấy gì ăn, cũng chết vậy."
"Nhưng chị phải có trách nhiệm với con cái chứ? Nếu không có chúng tôi, con chị chết lâu rồi."

Chị cúi mặt, trả lời: "Cám ơn các anh."

Người công an, hỏi chị về anh kia. Chị trả lời mà không chút sượng sùng: "Anh đó là bồ của tôi. Ảnh là cán bộ, giúp tôi làm ăn."
"Còn chồng chị đây thì sao?"

"Ồng về rồi thì nuôi con, cả năm nay tôi khổ quá. Tôi giao lại nhà cửa, con cái cho ổng lo. Tôi đi ra không lấy thứ gì hết."
"Thế chị không thương con sao?"

"Dĩ nhiên là có. Nhưng người tình không thể bỏ được."
Thế là bắt đầu từ đó, chị chia tay với anh. Không chút bận bịu, vương vấn gì cả.

 Tình nghĩa vợ chồng ăn ở với nhau có hai đứa con đối với người vợ hư giờ đây là con số không. Sự đày ải khổ cực của đời sống chỉ trong một năm đủ làm cho trái tim người vợ chai đá rồi sao? Chị bỏ chồng, bỏ con, nhưng "người tình không bỏ được". Lương tâm của một con người bán rẻ đến mức đó là cùng. Xã hội đảo lộn, giá trị đạo đức bị đánh đổ theo. Người lính bại trận lãnh thêm một ngọn roi đau xót thấu tận đáy tim. Thế rồi một hôm cha con anh đi chợ và gặp chị, đẹp và giàu hơn xưa; hai bên nhìn nhau trong ngỡ ngàng.

 Người chồng sống cảnh gà trống nuôi con trong túng nghèo, vậy mà vẫn không hề oán hận người vợ hư. Việc tình cờ gặp lại chị chỉ khiến cho anh ý thức rằng sự có mặt của người đàn bà trong gia đình thật là cần thiết, cần thiết như một thứ nhu cầu vật chất mà thôi, cũng giống như vợ anh theo người tình mới là để thỏa mãn đòi hỏi ích kỷ cá nhân vậy.

 Chồng ngày xưa gọi vợ "Mình ơi!" thì chắc chắn sẽ được nghe một tiếng "Dạ ." ngọt sớt nghe lịm cả con tim, sau đó mới hỏi lại một câu vô cùng êm ái "Anh gọi em có việc chi dạy bảo?" Còn bây giờ thì thôi hết biết. Chữ "dạ" đã biến mất trong cái vốn liếng ngữ vựng của nàng. Câu trả lời giờ đây cũng được tiết kiệm tối đa gọn lỏn một tiếng "Gì?" Nàng đã quay hẳn một nửa vòng tròn trong mối tương quan vợ chồng.

 Chồng chung thủy dĩ nhiên cũng có, nhưng hiếm. Như cái ông quan thượng đại phu Yến Anh nào đó làm quan đến ba đời vua ở nước Tề, có tài ăn nói lưu loát, tư tưởng cao siêu, được vua trọng vọng nhưng vợ ông thì già và xấu, vua Cảnh Công thấy vậy tội nghiệp muốn gả công chúa trẻ đẹp cho; Yến Anh một mực chối từ vì nghĩ rằng người vợ già xấu kia dù sao cũng là người đã một đời chia sẻ ngọt bùi đắng cay với mình; vì bận rộn chăm lo cho chồng con quá mà xấu chứ lúc vừa cưới nhau, nàng cũng đẹp lắm đấy chứ.

 Bạn hãy để ý mà xem, mấy ông thi sĩ làm thơ ca tụng người yêu thì nhiều như bụi Saigon, mà làm thơ ca tụng vợ thì hiếm hoi như những ngày nắng ấm ở xứ Canada. Nguyên nhân tại sao thì ai cũng biết. Chưa thuộc về mình thì đêm nhớ ngày mong, ý thơ dào dạt. Làm chủ rồi thì cần chi phải hao hơi tổn sức tán dương cho mệt nữa.

 Mặc dù ông chồng có hai vợ, khi bị cật vấn yêu vợ nào hơn, đều lẻo mép nói: Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả, nhưng ai cũng biết tỏng bụng ông nghĩ gì vì cách đối xử khác biệt của ông đối với hai người vợ đã quá rõ rệt:

 Vợ hai chàng chực chàng hầu,
Vợ cả pha nước têm trầu chàng xơi.

 Và:

 Vợ hai trải chiếu chia bài
Vợ cả tần tảo cả ngày nuôi con.

Đến khi vợ già xấu đi thì chê:
Bấy lâu phong kín nhụy đào

Bây giờ khác thể hàng rào lâu năm.

 Ai lại nỡ nhẫn tâm ví vợ với cái hàng rào bằng gỗ lâu năm mục nát vậy. Bắt chước nhà thơ Nguyên Sa ví nàng như con chó ốm hay con mèo khờ cũng đã quá lắm rồi. Tâm lý mới chuộng cũ vong là lẽ tự nhiên thôi. Người yêu chưa cưới lúc nào cũng có một hấp lực mãnh liệt hơn là người vợ đã cưới rồi. Ta cứ nhìn qua số lượng những bài nhạc, bài thơ ca tụng người yêu với số lượng thơ nhạc ca tụng vợ cũng rõ có sự chênh lệch lớn lao. Người ta chỉ đam mê và ca ngợi cái đang theo đuổi để chiếm đoạt; và người ta nuối tiếc nhớ nhung cái đã vuột khỏi tầm tay, chứ ít khi người ta quí trọng cái đang có. Bà vợ là cái đang có đấy. Các vị làm thơ và làm nhạc khi nào bị vợ trách thì cũng chịu khó nặn ra một bài bốc thơm các bà, nhưng ít khi ăn khách lắm. Tôi cũng đã từng nghe trách như thế. Vì vậy, tôi cũng phải nặn ra vài bài thơ sau đây.

 Bạn Đời Tuổi Hoàng Hôn

 Bên tôi còn có bạn đời
Chia vui sớt khổ da mồi có nhau

Tia nhìn tuy nhuốm hư hao
Đêm nghe tiếng thở lao xao giật mình.

Dìu tôi trên chốn phồn vinh
Em nguồn ánh sáng ba sinh hương nồng.

Vắng em, tôi chắc phiêu bồng,
Cõi tiên cỡi hạc mây hồng đã lâu.

Thời gian thoáng vút bóng câu,
Nắng chiều chụm lại mái đầu phất phơ.

Nếu đời là một cuộc cờ,
Thì mình sắp trọn giấc mơ êm đềm.

Em là gối mộng tay mềm,
Em là chăn ấm những đêm gió về.

Hương nồng tình nghĩa phu thê,
Chung đường một bóng câu thề vẹn trao.

Mai kia nhỡ tắt nắng đào,
Tôi xin đi trước chuyến tàu biệt ly.

 Phan Hạnh.   

 

 

 

1 comment:

  1. Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)

    ReplyDelete