Sunday 16 September 2012

Chầm chậm xuống hang


Chầm chậm xuống hang
 
Không ngờ có lúc trong đời tôi, bốn chữ "Chầm chậm xuống hang" thường nghe đùa qua câu chuyện cô giáo đọc chính tả bài “Con hổ” trong lớp học ngày xưa, bây giờ lại hợp với hoàn ảnh của tôi thế.
 
Nhà ở Bắc Mỹ thường hay có một căn phòng nhỏ ở tầng dưới mà người ta gọi nó là "den", nhưng "den" cũng có nghĩa là hang của các loài thú sống nơi thiên nhiên. Nhà tôi cũng có một cái "den" là nơi tôi đặt máy điện toán để làm việc thì ít mà giải trí thì nhiều. Từ ngữ giải trí là xưa rồi; ngày nay người ta gọi là thư giãn. Giải trí nghe có vẻ lành mạnh quá, trong khi thư giãn mang ý nghĩa xả hơi thật sự.
 
Do hậu quả của một cú té ngã đáng đích, tôi phải đi đứng trong nhà một cách lò dò như một lão già hết xíu quách. Hết hay còn xíu quách nào có nghĩa lý gì đối với tôi vì từ lâu rồi tôi không có đối tượng để chứng minh.
 
Đi nơi bằng phẳng đã phải lò dò rồi, đi lên xuống thang lầu càng gay go hơn, phải đi từng bước hết sức chậm với cả hai tay bám chặt thành vịn cầu thang. Thế là tôi thấy mình đúng là đang "Chầm chậm xuống hang".
 
Muốn ngồi trước máy điện toán để vào mạng đọc điện thư, tán hươu tán vượn với bè bạn, viết lách lăng nhăng, tôi phải bò xuống lầu. Bận xuống đã như thế, bận lên lại càng vất vả hơn, lý do là nếu "thư giãn" nhiều quá cũng mệt.
 
Mà sao dường như mấy ông bạn già của tôi, ông nào cũng thích có một cái hang. Chỉ khi ngồi một mình nơi cái hang của mình, các ông mới cảm thấy thoải mái nhất vì được sống những giây phút cho riêng mình trong hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi sự kềm kẹp, dòm ngó theo dõi của người khác, của địch, hay của bề trên, tùy theo cách gọi của mỗi đương sự.
 
Sau khi bị trượt chân trên nước đóng băng và té dập đầu, sái gân vai, tôi nằm nhà thương cả tháng trời, lắm khi xuống tinh thần quá, tôi nghĩ chắc đời mình đã tàn rồi. Tự dưng đang là một con người lành mạnh hữu ích bỗng trở thành phế tật nằm một đống báo hại vợ con và mọi người chung quanh. Từ hữu dụng trở thành vô dụng; phải mất thời gian dài mới từ từ “nâng cấp” lên mức độ thô dụng, rồi khả dụng, và sau cùng, khi hoàn toàn bình phục mới hữu dụng trở lại. Thật ra mức độ hữu dụng cũng chỉ mang một ý nghĩa tương đối mà thôi, còn tùy khả năng và thiện chí của đương sự; cả hai thứ đó tôi lại không có nhiều.
 
Bây giờ bị thương tật, tôi càng có lý do chính đáng để bào chữa cho sự “chẳng làm gì ích lợi cả” của mình. Mới ngồi gõ bàn phím trả lời một cái điện thư của bạn bè, tôi đã than đau vai phải ngưng và xin hẹn lần khác.

 

Phan Hạnh

No comments:

Post a Comment