Wednesday 19 September 2012

Mẹ mất (Tạp ghi)


Mẹ mất

Tang lễ của bà Đặng Thị Kim Liên (Ảnh : @danlambao) Ảnh minh họa

Bao năm rồi, tôi không phải là tôi
Thân bất động vì tình thương gia quyến
Ôi, những buổi hoàng hôn xao xuyến
Bóng mẹ già cầu nguyện đau thương
Bóng người cha thui thủi bên đường
Lê thân ốm trên phố phường u ám
Nghĩ như vậy lòng tôi ảm đạm
Nhục nhằn ư, còn biết nói sao?
Mắt tôi khô mà ruột tím gan bào
Bao uất hận dâng trào trong lặng lẽ!
Đời nặng trôi như một đêm dài
Mắt không nhắm và đầu đau nhức nhối!
(Tôi Sống Mãi – Nguyễn Chí Thiện, 1961)
Đó là nỗi khổ sở của ngục sĩ  Nguyễn Chí Thiện, đứa con sống cách xa cha mẹ mà không thể giúp ích gì được cho cha mẹ trong cảnh cơ cực lầm than. Ông đang ở tù triền miên, ông không giúp ích được gì cho cha mẹ; ông làm thơ cho vơi bớt nỗi buồn. Điều đó còn có thể hiểu được, còn có thể châm chước và tha thứ.

Còn tôi, tôi sống trong tự do, dư thừa tự do nữa là đàng khác, tôi có đủ điều kiện để về thăm cha mẹ ở quê nhà nhưng tôi đã không làm điều đó. Dẫu tôi có vặn vẹo ba tấc lưỡi muốn viện lý lẽ bào chữa thế nào đi chăng nữa, dưới mắt cậu tôi, và có thể của nhiều người thân sơ khác, tôi vẫn là một thằng con bất hiếu. Đau lắm chứ. Nhưng cãi thế nào được. Chẳng lẽ nỗi chán ghét Cộng Sản to lớn hơn chữ hiếu.

Theo lời Phật dạy, tội lỗi lớn nhất của đời người là tội bất hiếu. Vâng, tôi là đứa con bất hiếu. Mẹ tôi vừa mất ở quê nhà.
Hai phần ba cuộc đời tôi phải sống xa mẹ, tổng cộng khoảng 45 năm. Mẹ tôi về nhà chồng năm 17 tuổi, năm sau đó sinh ra đứa con đầu lòng là tôi. Tôi được mẹ ấp ủ trong vòng tay bốn năm đầu đời. Đến khi mẹ sinh đứa con thứ nhì, tôi phải nhường chỗ nằm bên nách mẹ cho đứa em và tụt xuống ôm bắp chân chắc nịch của mẹ mà ngủ. Buổi chiều mẹ dắt tôi ra sàn nước sau nhà để tắm mương khi nước lớn. Mẹ ngồi trên sàn nước nắm cườm tay gầy guộc của tôi và nhúng tôi xuống mương cho tôi đập chân tập bơi. Làm sao tôi có thể quên kỷ niệm ấu thơ đó.
Đến khi cha rời làng quê lên Saigon tìm kế sinh nhai, mẹ cầm tay tôi bên ngọn đèn dầu để biên thư thăm cha. Mỗi buổi sáng sớm mẹ phải đi hái nấm rơm trong vườn nhà để rồi đón xe thổ mộ mang lên chợ bán.
Sau khi cha đón mẹ con tôi lên Saigon, mẹ tôi ngồi bán nấm rơm ở chợ Thái Bình. Những năm sau đó nữa, mẹ phụ cô tôi bán quán cơm tấm trước Trường Trung Học Hưng Đạo trên đường Cống Quỳnh.
Mười bốn năm trước, cha tôi mất, công việc biên thư cho con từ đó mẹ phải làm. Những dòng chữ nguệch ngoạc với lỗi chính tả chất chứa bao tình cảm mộc mạc chân thành của mẹ. Chỉ nghĩ tới đó thôi cũng đủ làm cho tôi rưng rưng nước mắt.
Hơn 35 năm xa quê, tôi chỉ gặp mẹ có một lần cách nay bảy năm. Nơi mẹ con tôi gặp gỡ lại là một điểm hẹn thứ ba; đó là St. Louis, Missouri. Chỉ sau hai ngày gặp mẹ, tôi bị sưng phổi phải vào nhà thương. Dường như trước sự hiện diện của mẹ, tự nhiên tôi biến thành đứa con bé bỏng yếu đuối để rồi mẹ già phải vào thăm, cầm tay, sờ trán, vuốt tóc an ủi tôi.
Ngược lại, những năm tháng cuối đời của mẹ vào ra nhà thương bao nhiêu lần, có lần nào tôi thăm viếng an ủi mẹ đâu. Tôi đau lòng lắm.

Mẹ Già Nằm Nhà Thương

Chiều bịnh viện mang cháo vào nuôi mẹ
Ðến bên giường ngắm kỹ dáng thân yêu
Rón rén nghiêng tai nghe tiếng thở đều
Biết rằng mẹ vẫn sống thêm ngày nữa.
Ðứng một bên con xin hầu quạt
Hình bóng mẹ già không bao giờ phai nhạt
Tóc mẹ phất phơ bay
Mắt con buồn vị cay.
Nghĩ tới một ngày rồi sẽ chia tay.
Hơi thở mẹ như mây chiều rất nhẹ
Trôi về miền quá khứ rối như tơ
Tóc trắng chập chờn giữa tỉnh và mơ
Thều thào mẹ hỏi, “Ðứa nào đó?”
“Dạ, con đây.”
“Con là đứa con nào?
Phải thằng hai lâu lắm chẳng chịu về?
Hay thằng ba nghèo quá ở dưới quê?
Hay con tư cưng của má nhớ ghê?”
Cô út ngậm ngùi cầm tay mẹ:
“Chị con chết lâu rồi má quên sao?”
“Nó mới kêu má đây mà chết hồi nào
Mới kêu đó rồi biến đi đâu mất!”
Mây tâm trí bồng bềnh hư rồi thật
Những mảnh rời trộn lại chẳng bao nhiêu
Hiện rồi tan yếu ớt buổi trời chiều
Ngả màu tím buồn tênh và hiu hắt.
Dĩ vãng mây trôi quê xưa tồn tại
Bao chuyện cũ mẹ ngập ngừng kể lại
“Má nằm ở đây là ở đâu?”
“Dạ, ở đây là nhà thương đó má.”
“Không phải đâu!”, mẹ nằn nì cãi
“Má còn ở dưới quê ngoại Mỹ Tho!
Tàu cau sân trước mới rụng kìa
Ðể má lượm làm quạt mo
Quạt cho bốn đứa con ngủ mát.”
Mẹ quạt cho con
Con quạt cho mẹ
Trí nhớ mẹ hao mòn
Con thở dài nhè nhẹ
Khăn tay lau nước mắt ai
Mẹ rưng hai giọt con dài vắn rơi...
 
Tôi ray rứt làm ra bài thơ đó, tưởng tượng như mình đang đứng bên giường bịnh của mẹ trong nhà thương nhưng phần chính là họ thương tiền. Nói chuyện qua điện thoại với đứa em, tôi nghe nó kể: xe cứu thương không chịu tới vì người bịnh có bảo hiểm, mà muốn đòi được tiền bảo hiểm thì phải qua thủ tục giấy tờ lâu lắc. Đưa người bịnh không có bảo hiểm lấy tiền mặt liền tại chỗ chắc ăn hơn. Nghe vậy thì biết vậy chớ không phải bêu xấu nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Em tôi còn kể người bịnh muốn nằm nhà thương phải đóng tiền trước, không đóng tiền thì khỏi nằm. Bác sĩ và y tá có oai quyền lắm, muốn nói nặng nói nhẹ gì với bịnh nhân cũng được. Nếu hỏi, xin bác sĩ cho biết tôi bị bịnh gì vậy, người bịnh được bác sĩ trả lời là... không biết. Huề vốn. Bắt thang lên hỏi ông trời, hỏi ông bác sĩ trả lời được không. Thì được chớ sao lại không, biếu xén chút đỉnh là ông nói liền. May quá tôi đang ở
Canada. Chỉ tội nghiệp cho thân nhân ở quê nhà.


Dẫu biết...
 
Dẫu biết rằng chuyện ấy sớm muộn gì cũng đến
Dẫu biết rằng có lo sợ và cầu mong
Vẫn không tránh khỏi đau lòng
Khi hay tin mẹ mất.
Tim nghe như nghẹn ngất
Luồng cảm giác chạy khắp toàn thân
Mẹ sống dẫu xa nhưng vẫn là gần
Mẹ mất đi rồi gặp nhau thành tuyệt tận.
Mẹ mất khiến lòng tôi ân hận
Cứ hẹn hoài hẹn mãi đã bao năm
Vẫn không hề một buổi về thăm
Đường tuy dài nhưng nhớ thương lại ngắn. 
Đời tôi còn lại kể từ nay
Ngồi bên cửa sổ đếm tháng ngày
Lá xanh rồi sẽ vàng rơi rụng
Đời người vùn vụt thoáng mây bay.
Đã mấy ngày qua vẫn ngẩn ngơ
Nhớ về kỷ niệm những ngày thơ
Miền quê Chợ Gạo nghèo cơ cực
Chập chờn ẩn hiện trong mộng mơ.
Làng mẹ bên này sông
Quê cha bên kia sông
Con đò rước dâu đưa mẹ theo chồng
Nước mắt mẹ tan cùng con sóng.
Làm vợ mười bảy còn lóng ngóng
Làm mẹ mười tám có lo không
Sinh con giữa buổi tràn khói lửa
Mẹ lo sợ quá ở trong lòng.
Giặc Pháp đốt làng bắn giết đây
Bảy người nhà nội chết phơi thây
Tang nặng trên đầu nàng dâu trẻ
Tay bế con thơ một bóng gầy.
Bốn năm tôi cuộn trong lòng mẹ
Hưởng trọn nâng niu của mẫu thân
Đến khi mẹ đẻ thêm em bé
Con phải nhường em ngủ dưới chân
Ôm chân mẹ ngủ giấc say
Mẹ không nở cựa con hay giật mình.
 
Sao khi nào cõi lòng đầy ấp những đau buồn, người ta dễ làm thơ hơn là khi vui sướng. Có phải vì vậy mà người ta gọi là thú đau thương, vì đau thương cũng có cái thú. Không có tôi. Tôi sợ đau thương. Tôi không chịu được đau thương. Đau thương làm cho tôi bủn rủn chân tay, người yếu xìu như sợi bún, tim đậm loạn xà ngầu. Đi bác sĩ, tôi mới biết  chứng bịnh nầy là cardiac arrhythmia. Sau scan siêu âm và đo tâm động đồ, tôi còn bị bắt mang một cái máy thăm dò và thu ghi nhịp tim của tôi trong mười hai ngày.
 
Thời gian mẹ tôi gần mất, mức độ lần gọi điện thoại về Saigon thường xuyên hơn. Biết buổi sáng mẹ tôi vừa thức dậy chưa được tỉnh táo, tôi thường hay gọi (vợ tôi gọi thì đúng hơn, tôi chỉ bắt máy gắn song song và hỏi han mấy câu lấy lệ vì tôi dở, không lanh lợi, không biết phải nói những gì) vào buổi sáng ở Toronto cho nhằm vào buổi chiều ở Saigon. Lúc ấy, mẹ tôi tương đối khỏe khoắn hơn, giọng nói đỡ mệt nhọc hơn. Người già yếu bịnh hoạn thì bao giờ cũng chán đời và dễ gắt gỏng. Mẹ tôi cũng không khỏi lâm vào tình trạng đó. Bà hay nói chỉ muốn chết đâu chết phứt cho rồi.
 
Nhưng bà lại không bao giờ gắt gỏng hoặc than van oán trách tôi. Trước khi bà bịnh nặng phải vào ra nhà thương nhiều lần, bà có nhỏ nhẹ hỏi lại (vì trước đó bà đã từng hỏi nhiều lần rồi) là chừng nào tôi về thăm. Tôi ừ hử cho qua chuyện chớ tôi biết chắc là tôi không thể. Ngoài lý do oán ghét cộng sản, một lý do nữa khiến cho tôi e ngại là tình trạng sức khỏe của tôi. Tôi rất dễ xúc động, yếu tim, do di truyền bên họ nội: cha tôi, hai người cô tôi, chú tôi đều mất sớm vì bịnh tim hoặc do biến chứng của bịnh tim. Tôi lại có bịnh nhức đầu kinh niên vì căng thẳng. Tôi không chịu được khí hậu ẩm thấp và nóng bức.
 
Những khi nằm bịnh một mình vì cơn nhức đầu ói mửa, thường là ba ngày nằm li bì không ăn không uống, tôi nghĩ tới mẹ tôi. Người lớn hơn tôi mười tám tuổi; tuổi tôi còn bịnh lên bịnh xuống trong đau đớn thì trách sao mẹ tôi không đau yếu trong tuổi già. Nghĩ tuổi mình đã quá tuổi về hưu rồi so sánh với tuổi mẹ, tôi thừa hiểu ngày mẹ mất không còn bao xa nữa. Tôi bắt nghĩ tới câu hát “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi... Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần...” Tôi ưng ý (từ ngữ bây giờ là tâm đắc) câu nầy lắm, nhất là bốn chữ cuối “xa mẹ càng gần”. Hai chữ xa và gần với nghĩa tương phản nhưng được dùng cạnh nhau thật khéo ở đây nói lên được triết lý sắc không của cuộc đời vô thường theo quan niệm của đạo Phật.
 
Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi...
Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần...
Rồi mùa xuân ấy...  tóc trắng Mẹ bay như gió, như mây bay qua đời con...
Như gió, như mây bay qua thời gian... Ôi Mẹ của tôi...
 
Mẹ già như chuối chín cây...
Gió lay Mẹ rụng, con phải mồ côi...
 
Mồ côi tội lắm ai ơi...
Đói cơm khát nước biết người nào lo...
 
Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi...
Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần...
Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin, Tôi vẫn phải tin Mẹ đang còn trẻ...
Mỗi mùa xuân về Mẹ thêm tuổi mới, mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi Mẹ ...
(Mừng Tuổi Mẹ - Trần Long Ẩn)
 
Bài hát Mừng Tuổi Mẹ nầy nổi tiếng như cồn, khắp nơi trong và ngoài nước đâu đâu cũng nghe hát và ai ai cũng hát. Lời lẽ của bài hát chân tình mộc mạc thấm thía vô cùng, vì tác giả sáng tác nó bằng kinh nghiệm sống thực của bản thân sống xa mẹ một phần lớn của cuộc đời và viết ra ngay trước khi mẹ mất. Người hát và người nghe sẵn sàng chấp nhận tính chất so sánh ẩn dụ của “Mẹ già như chuối chín cây... Gió lay Mẹ rụng, con phải mồ côi...” vì ngoài đời thật, chuối chín cây không bao giờ rụng mà chỉ khô héo dính trên cây, nhưng chuối vốn là thứ trái cây ngọt ngào thường được dùng biểu tượng cho tình mẹ.
Mẹ già như chuối ba hương,
Như cơm nếp mật như đường mía lau
Đường mía lau càng lâu càng ngát
Cơm nếp mật ngào ngạt hương say
Ba hương lây lất tháng ngày
Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi.
 
Mẹ thì dễ rụng chớ chuối khó rụng lắm. Nếu có một trái chuối nào hườm hườm sắp chín là chủ vườn xách mác chặt nguyên quày có nhiều nải đem vô treo trên lửng lơ trong nhà bếp để hái ăn dần, trái nào chín bẻ ăn trái đó, chín từ dưới chín lên.
 
Người thưởng ngoạn yêu thích bài hát đó cũng sẵn sàng bỏ qua luôn chi tiết ích kỷ của đứa con. Đứa con sợ mẹ chết không tội nghiệp cho mẹ mà tội nghiệp cho mình phải chịu cảnh mồ côi, biết ai lo cho khi con đói cơm khát nước. Sao không có đứa con nào nghĩ ngược lại là mẹ già tóc trắng như mây mà con không ở gần hầu hạ miếng ăn thức uống. Sao đứa con không nghĩ là mẹ già sống cảnh quạnh hiu sớm chiều tựa cửa trông ngóng bóng con về. Tôi nằm trong số những đứa con ích kỷ đó, để rồi khi mẹ mất rồi mới tỉnh ngộ hối hận phải viết ra vài dòng chữ nầy tôn vinh mẹ cho vơi bớt ăn năn.
 
Tôi đi tìm đọc những bài viết về mẹ của những đứa con bất hiếu sơ sơ hay đại bất hiếu như tôi xem có ai đối xử tệ bạc với mẹ hơn tôi không để tự an ủi. May quá, tôi bắt gặp một tay còn đại bất hiếu hơn tôi. Chắc hắn xấu hổ quê xệ quá nên hắn không dám để tên. Mà sao hầu hết những đứa con bất hiếu đều là con trai. Tôi chưa gặp người con gái nào bất hiếu cả. Về mặt hiếu thảo với cha mẹ, cánh đàn ông thua nặng. Và sau đây là câu chuyện của đứa con đại bất hiếu hơn tôi.
 
Đừng để mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
 
Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.

Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng. Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: - Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!

Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà:
 
- Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!

Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore. Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ coi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore. Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.
Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyện, hét lên:

- Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!

Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời: “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!”, và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con sao?
Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an ninh xã hội đã lo mai táng chu đáo. Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:
 
Con yêu quý,
Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây. Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sỉ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ.
Mẹ yêu con lắm,
Mẹ
.”
 
(Tác giả không tên) (Nguồn: http://forum.ctu.edu.vn/viewtopic.phpp=73410&sid=33c0575c9b30eee4a82db41f87f73b5f)
 
Chuyện trên đây chưa chắc là chuyện thật mà là chuyện tưởng tượng nhưng đọc mà cảm thấy hay là được rồi.
 
Mẹ mất, có người đau khổ dài dài mà không biết cái cảm giác hụt hẫng “như có một lỗ đen bự tổ chảng trong đời” và buồn bã rầu rĩ mệt lừ đừ suốt cả ngày kéo dài tới bao giờ. Người đó viết thư cho ông bà cố vấn gỡ rối tơ lòng rằng, My question is, when does the grief pass? Is it normal to feel this tired after bereavement? I spent months crying and, although outwardly functioning, I feel as if there’s a huge black hole in my life and no joy. I don’t want to be sad — this tired, ill and unhappy — but I don’t know what to do.
 
Tôi may mắn hơn nhiều. Tôi chỉ vài lần rưng rưng ứa nước mắt khi nghĩ tới đám tang của mẹ tôi ở quê nhà mà thiếu mặt đứa con đầu lòng và người anh cả. Tôi cố dằn xúc động nhưng càng cố dằn càng cảm thấy như tim muốn thắt nghẹn. Tôi phải viết là vì vậy. Tôi viết bừa, tôi cứ viết, vì tôi biết nếu tôi viết được thì tôi sẽ vơi bớt nỗi xót xa.
 
Tôi chỉ âu sầu bi lụy có năm bảy bữa. Rồi tôi nghĩ lại, mình làm như vậy thì có ích lợi gì chớ. Mẹ của tôi bên kia thế giới có chắc gì muốn tôi như vậy đâu. Bây giờ, thân xác mẹ tôi từ Saigon đã được đưa về quê ngoại chôn cất. Bây giờ, sau bài viết nầy, chứng loạn nhịp tim của tôi may ra sẽ bớt.
 
Phan Hạnh.



No comments:

Post a Comment