Saturday 15 September 2012

Chuyến Bay Cao

Chuyến Bay Cao

Ảnh minh họa




Trong lịch sử Không Quân các quốc gia nói tiếng Anh, một bài thơ đã trở nên rất nổi tiếng mà hầu như sĩ quan phi công nào cũng biết đến vì bài thơ đó được sáng tác bởi một phi công người Mỹ có tâm hồn thi sĩ nhưng chết rất trẻ trong Thế Chiến Thứ Hai.
 
Vào những ngày tuyệt vọng của “Trận Chiến Anh Quốc”, tên gọi của chiến dịch oanh tạc Anh Quốc bởi Không Quân Đức Quốc Xã xảy ra liên tục trong mùa thu và mùa đông năm 1940, hàng trăm thanh niên Hoa Kỳ đã vượt biên giới đi sang Canada để tình nguyện đầu quân phục vụ Không Lực Canada vì lúc bấy giờ Hoa Kỳ vẫn chưa nhảy vào cuộc Đệ Nhị Thế Chiến. Vẫn biết làm như vậy là vi phạm các quy định của pháp luật, nhưng với sự chấp thuận ngầm của Chính phủ Hoa Kỳ vốn vẫn còn đang chính thức ở vị thế trung lập, họ tình nguyện bỏ áo thư sinh và khoác chiến y lên đường chiến đấu chống lại sự tàn bạo của Đức Quốc Xã. Một trong những thanh niên người Mỹ đó là John Gillespie Magee Jr. Xếp bút nghiên, chàng muốn dấn thân vào cuộc chiến để theo đuổi mộng ước được trở thành một phi công lướt gió tung mây.
Khoảng đời niên thiếu
 
John Gillespie Magee Jr. chào đời tại Thượng Hải, Trung Hoa, cha người Mỹ và mẹ người Anh cùng sang Trung Hoa làm việc như những người truyền giáo Anh giáo. Cha của chàng, ông John Magee bố, xuất thân từ một gia đình khá giàu có và thế lực ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania. Pittsburgh, Thành phố Thép với vô số cây cầu thép, cho đến ngày nay vẫn còn có Bệnh Viện Magee và Tòa Nhà Magee mang tên gia đình vọng tộc này. Magee bố không màng đến gia đình quyền thế đã chọn lựa trở thành một mục sư và được gửi đi Trung Hoa với sứ mạng truyền giáo và đã gặp người vợ của mình là Faith Emmeline Backhouse. Faith đến từ Helmingham, Suffolk, Anh Quốc, và là một thành viên của Hội Truyền Giáo Giáo Hội. John và Faith kết hôn năm 1921; John Junior là con trai đầu lòng sinh năm 1922, theo sau là David, Christopher và Hugh.
 
John bắt đầu đi học tại trường Mỹ ở Nam Kinh từ năm1929 cho đến năm1931. Trong cùng năm đó, John theo mẹ di chuyển về Anh quốc; John tiếp tục đi học, ban đầu tại trường dự bị trung học St Clare gần Walmer, Kent (1931-1935), tiếp sau đó học Trường Trung Học Rugby (1935-1939). Trong thời gian này, Magee phát triển năng khiếu làm thơ, và năm 1938 đã giành được giải thưởng thơ của trường. John xúc động sâu sắc mỗi lần nghe điệu kèn trỗi lên để tưởng niệm những cựu học sinh của trường đã bỏ mình trong Đệ Nhất Thế Chiến. Nằm trong danh sách những anh hùng tử sĩ cựu học sinh trường Rugby này là tên của nhà thơ chiến tranh nổi tiếng Rupert Brooke (1887-1915). Magee rất ngưỡng mộ Rupert Brooke, là người cũng đã giành giải thưởng thơ của trường 34 năm trước Magee. Bài thơ trúng giải của John đề cập đến tang lễ của Brooke được cử hành vào lúc 11 giờ đêm trong một vườn cây ô liu trên hòn đảo Skyros ở Hy Lạp.
 
"Sonnet to Rupert Brooke"
 
"We laid him in a cool and shadowed grove
One evening in the dreamy scent of thyme
Where leaves were green, and whispered high above —
A grave as humble as it was sublime;
There, dreaming in the fading deeps of light —
The hands that thrilled to touch a woman's hair;
Brown eyes, that loved the Day, and looked on Night,
A soul that found at last its answered Prayer...
There daylight, as a dust, slips through the trees.
And drifting, gilds the fern around his grave —
Where even now, perhaps, the evening breeze
Steals shyly past the tomb of him who gave
New sight to blinded eyes; who sometimes wept —
A short time dearly loved; and after, — slept."

 
Đoản ca cho Rupert Brooke
 
Chúng ta đặt thân xác ông trong cánh rừng bóng mát
Vào một đêm thơm thoáng cỏ xạ hương
Vòm lá cây xanh thì thầm xào xạc
Ngôi mộ uy nghi tuy đượm nét khiêm nhường.
Nơi ấy ông mơ ánh đêm phai nhạt
Đôi tay vui khi chạm tóc người thương
Ngắm tối yêu ngày mắt nâu thanh thoát
Lời nguyện cầu cũng đã đến thiên đường.
Cát bụi ngày luồn qua hàng cây
Lát vàng lá cọ ở quanh đây
Gió chiều như thể còn bẽn lẽn
Mơn trớn nâng niu chiếc mộ nầy.
Một người vắn số đà yên ngủ
Một thời thắm thiết với yêu thương.

 
Trong những năm học tại Rugby, Magee đã gặp và đem lòng yêu Elinor, con gái của Hiệu trưởng Hugh Lyon. Elinor Lyon là nguồn cảm hứng cho John sáng tác nhiều bài thơ. Mặc dù mối tình của chàng không nhận được sự đáp ứng, John vẫn duy trì tình bạn tốt đẹp với Elinor và gia đình nàng cho đến khi qua đời.
 
Magee và gia đình của chàng đến thăm Hoa Kỳ vào năm 1939. Tuy nhiên, do sự bùng nổ của chiến tranh, chàng không thể quay trở lại nước Anh để hoàn tất năm cuối bậc trung học. Thay vào đó, chàng sống với gia đình người cô ở Pittsburgh và theo học tại trường phổ thông Avon Old Farms ở Avon, Connecticut. Tháng Bảy năm 1940, John nhận được một học bổng của Đại học Yale, nơi cha chàng hiện đang giữ chức tuyên úy cho trường. Nhưng John đã từ khước học bổng và không ghi danh theo học ở Yale. Chàng chọn lựa quyết định tình nguyện gia nhập Không quân Hoàng gia Canada vào tháng Mười năm đó.
 
Đời phi công ngắn ngủi
 
Ngay sau khi đầu quân, John lần lượt được huấn luyện bay qua các căn cứ của Không Lực Hoàng Gia Canada trong tỉnh bang Ontario là Trại Downsview (Toronto), Trại Trenton (Trenton), Trại St Catharines (St Catharines) và Trại Uplands (Ottawa). John đậu cuộc trắc nghiệm bay trong tháng 6 năm 1941và nhận được bằng chứng nhận cũng như huy hiệu phi công.
 
Một thời gian ngắn sau khi được trao đôi cánh và được mang cấp bậc thiếu úy, Magee đã được gửi sang chiến trường Anh Quốc. Chàng được điều động về Đơn Vị Huấn Luyện Hành Quân 53 (OTU, viết tắt của Operational Training Unit) đồn trú trong Căn Cứ Không Lực Hoàng Gia Anh Llandow thuộc xứ Wales để huấn luyện bay loại phi cơ khu trục Supermarine Spitfire. Chính trong thời gian phục vụ đơn vị OTU 53 này, Magee đã sáng tác bài thơ Chuyến Bay Cao nổi tiếng mãi mãi về sau của chàng.
 
Sau khi tốt nghiệp ở OUT 53, Magee được bổ nhiệm về Phi Đội Chiến Đấu 412 của Không Lực Hoàng Gia Canada vừa được thành lập tại Căn Cứ Digby, Anh Quốc ngày 30 tháng sáu năm 1941. Phương châm của phi đội này là “Promptus ad vindictam” bằng La tinh ngữ có nghĩa là "Nhanh chóng báo thù". Magee đã hội đủ điều kiện và khả năng để bay chiến đấu cơ nhẹ một chỗ ngồi Spitfire.
Sau khi hoàn thành công tác bay chiến đấu trên vùng trời nước Pháp và bảo vệ không phận nước Anh chống lại phi cơ Đức, Magee chính thức trở thành sĩ quan phi công dù không qua một lễ tốt nghiệp chính thức nào. Ngày 3 Tháng Chín, 1941, Magee thực hiện chuyến bay thử nghiệm ở độ cao 33,000 feet với chiếc Spitfire V. kiểu mới cải tiến. Trong lúc thực hiện những vòng xoay bay lên để đạt dần đến độ cao mong muốn, vượt trên những tầng mây xa cách thế gian, Magee bỗng bị choáng ngợp với ý tưởng như mình đang "chạm mặt với Thượng Đế” và có nguồn cảm hứng sáng tác một bài thơ.
 
Ngay sau khi hoàn tất phi vụ thử nghiệm đó và đáp xuống mặt đất an toàn, Magee viết một bức thư gửi cho cha mẹ, trong đó chàng kể: "Con kèm theo bức thư này một bài thơ mà con đã bắt đầu sáng tác trong lúc con vượt không gian leo dần lên cao độ 33,000 feet và con đã làm xong bài thơ ngay sau khi con hạ cánh." Trên mặt sau của lá thư, Magee nguệch ngoạc chép lại bài thơ của mình với tựa đề “Chuyến Bay Cao” (High Flight).
 
Cái chết
 
Chỉ ba tháng sau, vào ngày 11 Tháng Mười Hai năm 1941 (và chỉ ba ngày sau khi Hoa Kỳ tuyên bố nhảy vào vòng chiến), thiếu úy phi công John Gillespie Magee Jr, đã sớm từ giã cõi đời trong một tai nạn phi hành. Chiếc Spitfire VZ-H số AD-291của chàng lái đụng phải một phi cơ Oxford loại huấn luyện từ phi trường Cranwell và do một người tên Ernest Aubrey lái. Sự va chạm giữa không trung xảy ra trên ngôi làng Roxholm nằm giữa hai căn cứ không quân RAF Cranwell và RAF Digby thuộc quận hạt Lincolnshire ở độ cao khoảng 1,400 feet vào lúc 11:30. Lúc đó John đang từ trong những đám mây bay xuống.
 
Theo bản tường trình của cuộc điều tra tai nạn, một nông dân khai rằng ông đã nhìn thấy phi công chiếc Spitfire như đang tìm cách xô mở nắp buồng lái. Ông cho biết cuối cùng người phi công cũng đã mở được nắp và đứng lên như để nhảy ra khỏi máy bay. Tuy nhiên, lúc ấy phi cơ đã quá gần với mặt đất; nếu như John mở được chiếc dù để nhảy cũng vô ích. Chàng phi công quá trẻ qua đời chưa đến tuổi hai mươi.
 
Lá thư của nhà chức trách báo tin chính thức cho cha mẹ John có đoạn như sau: "Tang lễ con trai ông bà đã được tổ chức trang nghiêm đúng theo lễ nghi quân cách tại nghĩa trang Scopwick gần phi trường Digby vào lúc 2:30 PM ngày Thứ bảy, 13 Tháng Mười Hai, năm 1941 dưới sự điều hành của vị tuyên úy Canada tại căn cứ là Trung Úy S.K. Belton. Quan tài của thiếu úy Magee được khiêng bởi các chiến hữu phi công trong phi đội của anh ấy.”
 
Magee được chôn cất tại Nghĩa Trang Thánh Giá (Holy Cross Cemetery), trong ngôi làng quê Scopwick trong vùng Lincolnshire, Anh Quốc cách thủ đô London hơn 180km. Trên bia mộ của John Magee có khắc chạm hai câu thơ đầu và cuối của bài thơ High Flight là:
 
"Oh! I have slipped the surly bonds of Earth –
Put out my hand and touched the Face of God."
(Ồ! Tôi đã trượt khỏi những buộc ràng cáu kỉnh của chốn trần gian
để đưa tay ra sờ dung nhan Thiên Chúa).

 
Sự nổi tiếng của bài thơ
 
Chuyến Bay Cao trở thành một trong những bài thơ nổi tiếng nhất thế giới và là một thứ thần chú được giới phi công, phi hành gia và cả các chính trị gia ưa thích hâm mộ. Tổng thống Ronald Reagan từng trích dẫn một đoạn của bài thơ này trong bài diễn văn của ông đọc trước quốc dân sau tai nạn kinh hoàng khi tàu con thoi Challenger phát nổ ngay sau khi rời giàn phóng ngày 28 tháng Giêng năm 1986. Ông nói: “We will never forget them this morning as they prepared for their journey and waved goodbye and slipped the surly bonds of earth to touch the face of God”.
Vào ngày 1 tháng Hai năm 2003, khi phi thuyền con thoi Columbia phát nổ tan tành trên bầu trời Texas sau khi hoàn tất sứ mạng trở về bầu khí quyển quả đất, những vần thơ của Magee một lần nữa được đọc lên để tưởng niệm bảy phi hành gia mãi mãi rời xa trần thế xôn xao để vói tay chạm mặt Thượng Đế.
 
Bài thơ này cũng được các Trường Sĩ Quan Không Quân Hoa Kỳ, Không Quân Anh và Không Quân Canada dùng như một công cụ tuyển mộ và huấn luyện học tập. Sinh viên sĩ quan Không Quân Anh và Canada bị bắt buộc phải học và đọc thuộc lòng bài thơ này. Trọn bài thơ với 14 câu theo thể loại sonnet (đoản ca) được khắc chạm trên bảng đồng dựng ở Phi Trường Long Beach Daugherty Field, California.
 
Sau cái chết của Magee, một trong những tổn thất nhân mạng đầu tiên của Hoa Kỳ trong Thế Chiến Thứ Hai, một sự kiện đặc biệt đã xảy ra và đã góp công làm cho bài thơ Chuyến Bay Cao trở nên nổi tiếng. Hai tháng sau khi Magee mất, Archibald McLeish, quản thủ Thư Viện Quốc Hội, cho trưng bày bài thơ Chuyến Bay Cao của Magee trong một cuộc triển lãm mang tên Đức Tin và Tự Do (Faith and Freedom) với những bài thơ được cho là hay nhất với sự tham dự đông đảo của giới truyền thông. Bài thơ ấy nhận được sự chú ý, khen ngợi, ca tụng và quảng bá rộng rãi bởi công chúng Mỹ.
 
Trọn vẹn nguyên bài thơ hoặc những câu rời được dùng trích dẫn một cách rộng rãi khắp mọi nơi mọi giới truyền hình, phim ảnh, báo chí, nghệ thuật, trong các buổi sinh hoạt thơ văn, các hồi ký, diễn văn và điếu văn.
 
Cho đến ngày nay, bản thảo di cảo bài thơ ấy vẫn còn được lưu giữ tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Bài thơ trên cùng các di tích và tài liệu về trung úy phi công John Magee thì được trưng bày thường trực tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Không Lực Hoa Kỳ ở Dayton, Ohio, Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Canada ở thủ đô Ottawa, Viện Bảo Tàng Không Quân Quốc Gia ở Trenton, Ontario. 
 
Nhiều bia mộ tử sĩ thuộc quân chủng Không Quân trong Nghĩa Trang Quốc Gia Hoa Kỳ Arlington cũng có trích dẫn một vài câu thơ trong bài High Flight. Hầu như học sinh trung học lớp 12 nào cũng biết đến bài thơ nổi tiếng được đưa vào sách giáo khoa này. Tại Canada kể từ năm 1950, bài thơ này cũng đã được đưa vào chương trình giáo dục lớp 8 và mọi học sinh lớp này bị bắt buộc phải thuộc lòng.


Oh! I have slipped the surly bonds of Earth
And danced the skies on laughter-silvered wings;
Sunward I’ve climbed, and joined the tumbling mirth
of sun-split clouds, — and done a hundred things
You have not dreamed of — wheeled and soared and swung
High in the sunlit silence. Hov’ring there,
I’ve chased the shouting wind along, and flung
My eager craft through footless halls of air....

Up, up the long, delirious, burning blue
I’ve topped the wind-swept heights with easy grace.
Where never lark, or even eagle flew —
And, while with silent lifting mind I have trod
The high untrespassed sanctity of space,
- Put out my hand, and touched the face of God.


Chuyến Bay Cao
 
Ồ! Tôi đã vượt lên thật cao,
Xa tất buộc ràng trần thế xôn xao,
Tôi cùng khiêu vũ với trời xanh,
Bằng đôi cánh bạc long lanh.
Tôi leo về hướng mặt trời,
Nhào lộn nô đùa thảnh thơi,
Chen tầng mây xiên nắng,
Làm trăm chuyện loắng thoắng,
Chưa hề tôi mơ tưởng trước đây,
Gầm rú đong đưa lả lướt trời mây,
Tít trên thinh không êm lặng,
Nơi cõi không gian ngập nắng vĩnh hằng…
Lên cao, lên cao nữa đi
Màu xanh nung đốt mê ly.
Uyển chuyển dặt dìu không khó,
Tôi đạt đến đỉnh cao lộng gió,
Nơi chưa từng có một cánh chim trời nào
Ngay cả đại bàng cũng khát khao.
Và với thần trí im ắng lâng lâng,
Tôi bước đi từng bước đến gần,
Cõi không gian thiêng liêng đến thế,
Tôi chìa tay mình sờ mặt Thượng Đế.
 
Các giả thuyết về cái chết
 
Sáu mươi lăm năm sau kể từ khi nhà thơ phi công trẻ John Magee Jr. qua đời, một số các nhà nghiên cứu cố tìm hiểu nguyên nhân tai nạn và họ đưa ra một số giả thuyết. 
 
Đói dưỡng khí
 
Dựa vào một số từ ngữ mà tác giả dùng trong bài thơ “Chuyến Bay Cao”, giới nghiên cứu cho rằng ở độ cao hơn30,000 bộ Anh, nhà thơ phi công Magee có thể đã bị đói dưỡng khí nên thần trí bị lâm vào trạng thái ngây dại, lơ lửng mê say. Magee đã từng viết trong sổ phi hành của mình về các triệu chứng của trạng thái đói oxy (hypoxia – oxygen starvation) trước khi trở xuống một cách an toàn độ cao dưới 10,000 bộ Anh, độ cao mà không khí được dễ thở hơn.
Tình trạng thiếu dưỡng khí có thể tạo ra cảm giác hứng khởi và thường làm cho người chủ thể trở nên cười nói một cách tự nhiên, huyên thuyên, hay lẫn lộn và thay đổi cảm nhận về màu sắc tương tự như một người say thuốc hay say rượu. Điều đó dễ làm cho phi công mất sáng suốt, mất tự chủ và dễ dẫn đến tai nạn gây tử vong.
Giả thuyết này thích hợp với suy luận khoa học và đáng tin hơn cả. Chính người em út của John Magee là Hugh Magee, trong một cuộc phỏng vấn của chương trình Inside Out của đài BBC năm 2007, cũng tuyên bố: "Tôi chưa nghe nói đến giả thuyết này trước đây nhưng tôi thực sự nghĩ rằng quí vị đang truy tầm đúng hướng để tìm ra một sự giải thích hợp lý nào đó. Các nhà thơ thường dùng rượu hay ma túy để nhìn thế giới theo những cách khác nhau và điều này có lý lắm."
 
Để trắc nghiệm và chứng minh cho giả thuyết này, ban điều hành chương trình truyền hình Inside Out nhờ cựu phi công lái loại phi cơ Harrier Red Arrows là Dave Slow thực hiện một chuyến bay mô phỏng ở độ cao 25,000 bộ Anh mà không mang ống dưỡng khí trong buồng thực tập huấn luyện phi áp suất (hypobaric) tại căn cứ Henlow của Không Lực Hoàng Gia Anh Quốc ở Bedfordshire.
 
Trong lúc trắc nghiệm, phi công Dave Slow phải cố gắng lắm mới đọc đúng lời bài thơ. Đến khi Dave tỏ ra bối rối trước một câu đố phân loại hình đơn giản được thiết kế cho trẻ con hai tuổi thì bác sĩ buộc phải để cho Dave dùng trở lại mặt nạ dưỡng khí. Viên cựu phi công Harrier với kinh nghiệm từng bay chiến đấu ở Trung Đông cho biết rằng giờ thì ông đã nắm phần chắc để tin nhà thơ phi công John Magee có những ý tưởng lạ lùng sáng tác bài thơ High Flight và sau đó chết trong một tai nạn do nguyên nhân đói dưỡng khí. Dave nói: "Đó quả là một giả thuyết khá hấp dẫn về một điều mang ít nhiều bí ẩn từ trước đến nay."
 
Do sự căng thẳng mãnh liệt của kinh nghiệm lần đầu tiên
Trên đây là kiểm chứng hàng không; bây giờ đến giả thuyết đưa ra bởi Lemn Sissay, một nhà thơ tân tiến với tài năng văn chương lừng lẫy người Anh gốc châu Phi và là con trai của một phi công dân sự. Lemn Sissay đã thực hiện một cuộc nghiên cứu và điều tra cặn kẽ về bài thơ High Flight. Ông nói rằng bài thơ này vẫn còn được đánh giá như là một tác phẩm thi ca đích thực vĩ đại, nhưng rõ ràng là do cảm hứng từ một kinh nghiệm căng thẳng mãnh liệt. Và đó chính là chuyến bay đầu tiên của John Magee trên chiếc Spitfire Mark V vốn là loại phi cơ có hiệu ứng mạnh.
 
Lemn Sissay giải thích thêm: "John Magee đã viết lên bài thơ này ở độ tuổi mà hầu hết chúng ta còn mãi lo theo đuổi tán gái và nặn mụn. Phải có một cái gì đó cao cả hơn gây cảm hứng cho một thiếu niên có một cái nhìn sâu sắc mạnh mẽ như vậy."
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế của Không Lực Hoàng Gia Anh Quốc nói bài thơ cũng có thể được lấy cảm hứng từ một phản ứng sinh lý của chuyến bay mà họ gọi là Hiện tượng Đột phá (the Breakthrough Phenomenon). Hiện tượng này chỉ được phát hiện vào những năm của thập niên 1950 và thường được gọi một cách nôm na thân mật là “Bàn Tay Lớn”. Hiện tượng này xảy ra khi ở trên độ cao, người phi công có cảm giác như bị tách rời ra xa khỏi con tàu, thường tưởng tượng mình nhìn xuống chính mình đang ngồi trong buồng lái, với những cảm xúc trái ngược của thôi rồi tận tuyệt hoặc tràn ngập hân hoan.
 
Chuẩn tướng Không quân (Air Commodore) Bill Coker, người đứng đầu của Trung tâm Y học Hàng không Anh Quốc và là một người đam mê thơ ca, nói: "Tôi nghĩ rằng đây vẫn còn là một giả thuyết chưa được kiểm chứng một cách tuyệt đối, mặc dù chúng ta không thể loại trừ tình trạng đói dưỡng khí."
 
Bài thơ cuối cùng
 
"Per Ardua" - Phải chăng là bài thơ cuối cùng của John Magee? Chỉ một ít lâu sau khi thực hiện phi vụ chiến đấu đầu tiên vào ngày 08 Tháng 11, 1941, John Magee gửi gia đình chàng một bài thơ khác nữa. Hay nói cho đúng hơn, là sự khởi đầu của một bài thơ không bao giờ hoàn tất. Mặc dù chưa phải là chắc chắn tuyệt đối nhưng bài thơ này có thể là bài thơ cuối cùng mà Magee đã viết. Per Ardua ad Astra là phương châm của Không quân Hoàng gia Anh và các lực lượng không quân khác của Khối Thịnh Vượng Chung như Úc, Tân Tây Lan và Gia Nã Đại. Phương châm này được dùng kể từ năm 1912 khi Quân chủng Không Quân mới thành lập và có nghĩa là "Phấn đấu để vươn tới sao trời".
"Per Ardua" 
 
(To those who gave their lives to England during the Battle of Britain and left such a shining example to us who follow, these lines are dedicated.)
"They that have climbed the white mists of the morning;
They that have soared, before the world's awake,
To herald up their foeman to them, scorning
The thin dawn's rest their weary folk might take;
Some that have left other mouths to tell the story
Of high, blue battle, quite young limbs that bled,
How they had thundered up the clouds to glory,
Or fallen to an English field stained red.
Because my faltering feet would fail I find them
Laughing beside me, steadying the hand
That seeks their deadly courage –
Yet behind them
The cold light dies in that once brilliant Land ....
Do these, who help the quickened pulse run slowly,
Whose stern, remembered image cools the brow,
Till the far dawn of Victory, know only
Night's darkness, and Valhalla's silence now?"

"Phấn đấu"
(Những dòng thơ này riêng tặng những người đã hy sinh mạng sống cho nước Anh trong Trận Chiến Anh Quốc, những người đã để lại tấm gương sáng chói cho chúng ta noi theo.)
"Họ đã leo lên màn sương trắng của bình minh;
Họ đã bay vút lên cao, trước khi thế giới giật mình,
Để họ triệu gọi quân thù, khinh khỉnh
Trong buổi hừng đông mới tinh.
Dân chúng nghỉ ngơi vì mệt phai;
Một số đã rời đi rỉ tai
Kể cho nhau nghe những câu chuyện
Của trận chiến trên những tầng mây.
Với những người trẻ đã đổ máu đào,
Đã gầm thét trời cao
Hiên ngang hăng say chiến đấu
Đến vinh quang như thế nào.
Hay họ đã rơi rụng trên cánh đồng nước Anh thắm đỏ.
Vì đôi chân lệch lạc tôi sẽ không tìm thấy họ
Cười bên cạnh tôi, giữ vững bàn tay
Tìm kiếm sự can đảm chết người đó.
Cho dù họ biết ở sau lưng
Ánh sáng lạnh tanh ngả chết nửa chừng
Trên mảnh đất quê hương đã từng
Một lần huy hoàng rực rỡ....
Phải chăng họ những người anh hùng
Giúp mạch tim hối hả chậm chùn
Hình ảnh họ trang nghiêm còn ghi nhớ
Làm mát vầng trán mông lung.
Cho đến buổi hừng đông Chiến Thắng,
Họ chỉ biết bóng tối của màn đêm,
Giờ đây chỉ là sự im vắng
Của Đền Tử Sĩ dịu êm?"

 
Bài thơ High Flight của nhà thơ phi công người Mỹ John Magee cũng giống như trường hợp quyển tiểu thuyết Le Petit Prince của nhà văn phi công người Pháp Antoine de Saint-Exupéry là cả hai đã trở thành những tác phẩm văn chương giá trị bất tử. Qua hai tác phẩm đó, hai tác giả đều được gợi cảm hứng từ kinh nghiệm bay trong không gian và nảy sinh những ý nghĩ khác thường, những sự tưởng tượng vượt ra khỏi cuộc sống nơi trần thế để bước vào một thế giới khác cao cả hơn, tâm linh thuần khiết hơn. Saint-Exupéry thì lạc vào thế giới thần tiên trong khi John Magee thì rời xa những buộc ràng cáu kỉnh của trần thế và đưa ta sờ dung nhan Thiên Chúa.
 
Chuyến Bay Cao là kết quả của khám phá khi tâm linh xuất thần để giao cảm với Đấng Tối Cao bởi một người trẻ xuất thân từ một gia đình đạo hạnh. Chiếc phi cơ là phương tiện giúp cho mối giao cảm đó dễ trở thành hiện thực. 

Nguồn tài liệu tham khảo: http://en.wikipedia.org/wiki/John_Gillespie_Magee,_Jr.
http://www.raf.mod.uk/rafdigby/aboutus/johngillespiemageejr.cfm
http://www.highflightproductions.com/high_flight_productions/JohnMagee.html

No comments:

Post a Comment