Sunday 16 September 2012

Bảy Năm Ngứa Ngáy


Bảy Năm Ngứa Ngáy


Phan Hạnh

 
Mùa đông năm đó tôi còn ở cái nhà cũ dùng sưởi điện, nên tối tối tôi ngồi xem ti vi nơi phòng khách mà phải quấn mền. Có hôm tôi bị cảm, bạn tôi đến thăm. "Ðang cảm mà sao không vặn sưởi lên?", bạn hỏi. "Vặn rồi", tôi đáp. 

 
Bạn ngồi nhìn ái ngại, áo ngoài không dám cởi ra. Hơi lạnh và không khí khô mang đến cho tôi một cái thú mà cũng là một nỗi bực mình: ngứa! Tôi bị chứng da khô. Ði bác sĩ, bác sĩ hỏi, "Có tắm thường xuyên không?", tôi xì nẹc trả lời cộc lốc, "Everyday!" Bác sĩ cười nói, "That's why!"

 
À thì ra tôi hiểu lầm; tôi tưởng ông ta nói tôi ở dơ, hóa ra là tôi tắm bằng nước ấm và xát xà phòng mỗi ngày kỹ quá khiến cho da tôi bị khô. Ông cho toa mua kem dưỡng da và dặn tôi thoa thường xuyên mỗi ngày. Tôi cũng ngoan ngoãn qua nhà thuốc bên cạnh phòng mạch để mua kem, về nhà xức được hai ngày rưỡi, hết. Dạ không, hết đây không phải hết ngứa mà là không thèm xức nữa. Ðàn ông con trai mà!

 
Ðông qua, xuân tới, hè về. Tôi ngứa thêm. Ban đầu chỉ vài mụn đỏ nhỏ trên mặt và ngực. Ði bác sĩ, bác sĩ hỏi, "Có tắm thường xuyên không?", tôi dõng dạc đáp "No", bác sĩ nói, "That's why!" Bộ ông bác sĩ này muốn giỡn mặt với tôi hay sao chớ, tôi nghĩ bụng. Dạ không, ổng nói cái ngứa lần nầy của tôi khác với cái ngứa lần trước. Tôi hỏi khác chỗ nào, ổng nói ngứa lần trước do mùa đông mà tắm nhiều khác với lần nầy là mùa hè mà tắm ít. Ông có biết đâu tiền điện trong mùa đông vừa qua tôi còn mắc nợ trả chưa hết. Ông có biết là cái mềm tôi quấn suốt mùa đông dài sáu tháng sau chưa giặt vì sợ tốn điện. Ông có biết chai kem thoa da tôi bán lại cho thằng làm chung trong sở lấy năm đồng ăn một bữa ăn trưa ở McDonalds.

 
Ngứa vừa vừa gãi mới thú, ngứa nhiều quá đâm quạu. Nhứt là mầy cái mụt càng ngày lan ra càng nhiều theo phong trào trăm hoa đua nở. Mấy thằng làm chung sở hỏi "Mầy bị bệnh gì đó? Rash? Eczema? Measle? Scabies? Psoriasis? Shingles? Whatever?" Nó nói nó nghe. Tôi bảo tôi không biết. Nhiều thứ quá làm sao tôi biết chứ. "Có lây hôn?", chúng hỏi. Tôi cáu: "Mầy hỏi thêm một câu nào nữa là tao lây mầy đó!" Nó bỏ đi. Tôi mặc tình gãi ngứa.

 
Bác sĩ bảo tôi bị Psoriasis. Tôi tra tự điển: bịnh vẩy nến. Chưa nghe, chưa biết bao giờ! Nói theo kiểu Quang Minh Hồng Ðào, "Biết chết liền!" Lại thuốc! Lại bỏ tiền ra mua. Chó cắn áo rách, nghèo sẵn rồi nghèo thêm. Phen này tôi xức thuốc một cách ngoan ngoãn theo đúng y như lời toa dặn vì tôi sợ mấy cái mụn đỏ trên mặt, trên cổ, trên tay tôi khó coi quá và… “khó chịu wá” theo cách nói của anh VNKT nghe mắc cười wá và vui hết sức. Chỗ nào có quần áo che lại thì tôi phân biệt đối xử, vui thì xức không vui thì thôi.

 
Hơn hai tháng trời, các vẩy nến mới hoàn toàn biến mất trên thân xác tiêu điều của tôi.

Một mùa đông nữa đến, không quên mang tặng cho tôi một món quà Giáng sinh: ngứa da khô! Tôi chịu đựng thêm một năm như vậy nữa, nghĩa là cũng quấn mền ngồi thù lu thu hai chân lên sofa xem ti vi mỗi tối. Tin vui lạ là tôi chịu đem cái mền đi giặt sau khi đã nghe vợ trì chiết cằn nhằn đầy hai cái lỗ tai. Cho đến khi tôi dọn về nhà mới, một căn nhà nhỏ thuộc loại nhà dãy chung vách hai bên, sưởi gas ấm cúng vô cùng. Tôi mặc áo thun ngồi xem ti vi thoải mái.

 
Thế là tôi ghi thêm vô bản tiểu sử trong phần kinh nghiệm Canada: ngứa ngáy hai năm. Còn kinh nghiệm ngứa ngáy hồi tôi còn ở quê nhà thì sao? Kể thì kể, sợ gì!

Mẹ tôi sinh tôi ra ở một làng quê miền Tiền Giang nhiều sông lạch. Mẹ kể tôi là ổ ghẻ sài, trên mình là ghẻ, trên đầu là sài, hai thứ tôi đều có đủ. Ghẻ đầy mình, sài đầy đầu, tôi phải tắm gội mỗi ngày bằng nước lá ổi nấu sôi. Cũng phải hai năm mới khỏi. Hai cộng hai là bốn.

 
Chưa hết! Còn một chuyện ngứa nữa, tuy khó nói nhưng phải nói. Ngứa vì lác. Cũng may cho tôi, lác nằm ở vị trí chiến lược tận trong mật khu nên ngoài tôi ra, không một ai khác biết bí mật của chàng. Ba năm học đệ lục, đệ ngũ và đệ tứ là ba năm ở tuổi dậy thì đã biết mặc quần xì líp.

 
Thời đó quần xì líp "Made in Vietnam" ly kỳ lắm, rùng rợn lắm, may bằng vải bông, bít một bên hở một bên; bên hở có hai sợi giây cột cũng bằng vải xếp cuộn lại ba bốn lớp. Ôi thôi nào là viền vải cứng cứa hai bên háng, nào là hai sợi giây cột cứa bên eo. Khí hậu thì ẩm thấp và nóng bức, di chuyển từ nhà đến trường thì lấy cuốc bộ làm chuẩn; những "yếu tố" đó vô tình đóng góp cho "hội chứng" lác một "môi trường thuận lợi" để "phát triển" và "bành trướng" "cùng khắp"! (Tôi bắt chước dùng từ ngữ đao to búa lớn, mệt quá!) Khi đi tắm cởi ra thì lúc đó nó mới ngứa mặc sức mà gãi, gãi đến sần đỏ lên. Ban đêm ở nhà miễn cái vụ nai nịt. "Giải phóng"! "Tự do"!

 
 Trong lớp tôi có mấy thằng rất ngổ ngáo và trâng tráo. Biết tính tôi nhút nhát hay mắc cỡ, mấy đứa bạn mắc dịch đó thay phiên nhau bày ra lắm trò nghịch phá và chọc ghẹo tôi. Ðợi lúc có vài tà áo dài nữ sinh xuất hiện gần bên, một thằng la lên:"Ê Hoàng! Chai thuốc xức lác mầy mượn của tao tuần trước sao chưa trả? Bộ mầy bị lác nặng lắm hả? Xức nhiều quá coi chừng rụng hết ráo trọn bộ đó nghen mậy!" Tôi thẹn đỏ mặt. Chúng cười hô hố. Ba năm thời trung học đệ nhứt cấp ngứa ngáy rồi cũng qua. Hai cộng hai cộng ba là bảy, thế là tôi có bảy năm ngứa ngáy: The Seven Year Itch.

 
Dạ thưa, đó là tên của một cuốn phim màu dài 1 giờ 45 phút có Marilyn Monroe đóng vai chính chiếu trình làng từ năm 1955 mà tôi chỉ mới xem mấy năm sau này thôi ở rạp xi nê ma lộp cộp tại nhà ông bạn BBS.

 
Kể từ sau lễ Giáng Sinh đến giờ, trong giới những cặp bạn già quen biết, cặp nào cũng có một người hoặc cả đôi bị cảm, bị trời vật, bị cái lạnh nó hành thân xác tơi bời hoa lá ngất ngư con tàu đi. Thôi thì cũng cố ngồi lại với nhau vừa xem phim xưa vừa cố dằn cơn ngứa cổ họng để khỏi ho. Thuốc trụ sinh Apo-clarithomicilin, thuốc cảm Advil, Tylenol Cold hầu như cũng chẳng ăn thua gì. Cả đám đã bị rồi thì còn sợ gì lây với không lây nữa. Hãy cứ như Marilyn Monroe qua vai "Cô Gái" trong phim kìa! Nàng cứ phây phây vui sống chẳng cần nghi ngại, chẳng cần lo toan, chẳng cần buồn phiền một mải mai nào. Vô tư. Ngây thơ vô số tội.

 
Cuốn phim nầy đã làm cho người đẹp tóc vàng Marilyn Monroe trở thành bất tử với hình ảnh níu váy cho khỏi tốc, trông sexy hết biết. Phim dựa theo một vở kịch từng ăn khách và hốt bạc trên sân khấu kịch nghệ Broadway ở New York, thuộc loại khôi hài, rất dí dỏm và đầy thú vị. Marilyn đóng vai "The Girl", dạ vâng, nhân vật không hề được đặt cho một cái tên làm thuốc, dù là Jane Doe đi chăng nữa. "The Girl", một cô gái 22 tuổi tóc vàng có tính tình rất hồn nhiên, ngây thơ mà lại vừa ngây ngô nhưng lại có một thân hình khêu gợi đầy sức quyến rũ. Cái nầy mới chết cho đấng mày râu, em bé mũm mĩm và nhỏng nhẽo cứ như là một con mèo con.

 
Nhưng tại sao lại là Bảy Năm Ngứa Ngáy? Chẳng lẽ Marilyn Monroe đóng vai một người bị bịnh ngoài da còn nặng hơn tôi? Mấy chục năm làm quen với Anh ngữ, tôi thấy chữ "itch" có nghĩa nào khác hơn đâu ngoài "ngứa", "irritation of skin". À thì ra "Itch" ngứa ngáy ở đây là một ẩn dụ để chỉ trạng thái "thèm của lạ" của mấy ông chồng sau khi đã "cơm nhà quà vợ" trong bảy năm liền. Ông bạn BBS của tôi là dân rành sáu câu về phim ảnh bảo "Phải dịch là ngứa nghề!" nhưng tôi không dám dùng chữ đó vì thấy ngượng. Các nhà phân tâm học đã thực hiện một cuộc khảo cứu và đã đưa ra kết luận rằng bảy năm là khoảng thời gian dài trung bình mà các đấng ông chồng có thể giữ sự thủy chung sau khi đã dại dột nói "Yes, I do." . Quá thời hạn đó, các chàng thèm, các chàng ngứa ngáy; ngứa ngáy cái gì chẳng biết. Nếu gọi là ngứa nghề như bạn tôi thì nghề này là nghề gì đây?

 
Câu chuyện xảy ra trong quận hạt Manhattan của thành phố New York về một anh chàng trung niên tên Richard Sherman 39 tuổi do nam tài tử Tom Ewell thủ diễn. Vai nầy đã mang về cho chàng giải Quả Cầu Vàng cho nam tài tử xuất sắc. Anh ta cho vợ là Helen và cậu con trai Ricky đi nghỉ mát vùng biển bang Maine để tránh cái nóng bức của những ngày hè ở thành phố New York cũng giống như thổ dân da đỏ có tục lệ đó hằng 500 năm trước.

 
Richard tiễn vợ con ra nhà ga xe lửa đông người. Chàng hôn từ giã cô vợ Helen, nhắc nàng mười giờ tối hãy gọi điện thoại báo tin đã đến nơi an toàn cho chàng an tâm. Cậu con trong tuổi nghịch ngợm cứ đội cái nón phi hành gia kín mặt khiến cho chàng muốn hôn từ giã cũng không được. Trong lúc vội vã lên tàu, nó bỏ quên lại chiếc mái chèo dài cồng kềnh. Richard hối hả vừa chạy theo vừa gọi ơi ới nhưng ông nhân viên hỏa xa chận chàng lại vì chàng không có vé vì không phải là hành khách.

Richard đành xách mái chèo của con đi về giữa lúc cả một đám những anh chồng vừa tống tiễn vợ con đi rồi và đang hả hê được tự do ngó... gái. Tự xác định mình là một người chồng người cha gương mẫu, chàng tự hứa sẽ không hút thuốc, không uống rượu và sẽ ăn uống cho ra hồn  theo lời dặn dò của vợ và bác sĩ. Anh ta cũng không quên dặn lòng là sẽ sống cho tử tế, không như phần lớn các ông chồng khác lén lút lăng nhăng trong lúc vợ nhà đi vắng. Chàng xách mái chèo trở về sở làm.

 
Richard làm việc cho nhà xuất bản Brady & Co. chuyên phát hành sách loại bìa mỏng, cỡ bỏ túi, giá 25 xu bày bán ở các siêu thị. Anh ta có nhiệm vụ đọc qua rồi đặt tựa sao cho kêu, trình bày cái bìa làm sao cho hấp dẫn với hình minh họa, một công chuyện đòi hỏi nhiều óc tưởng tượng. Gì chớ tưởng tượng thì Richard có thừa. Chẳng hạn như chàng lấy một chuyện cũ có tựa Những Người Con Gái Xinh Xắn rồi đổi ra thành Bí Mật Nữ Sinh Trường Nội Trú và kèm theo một cái hình bìa khêu gợi. Ðịnh lấy một điếu thuốc hút nhưng rồi chàng lại đậy nắp hộp thuốc lại.

 
Tan sở, chàng ra một nhà hàng chay và gọi một cái hamberger đậu nành, french-fries đậu nành, sữa đậu nành và trà quế. Chàng tự nhủ lòng, "Ta phải giữ gìn sức khoẻ, tránh bớt rượu thịt. Ăn chay có lợi cho sức khoẻ". Cái khoản này chắc là chàng đã bị bà vợ tẩy não rồi.

 
Tất cả thực khách khác trong nhà hàng chay nầy đều là người già lọm khọm. Người hầu bàn là một phụ nữ cũng đã sắp về già. Mặc dù không nhận tiền tips nhưng bà ta sẽ dùng món tiền lẻ đó để bỏ vào quỹ của một trại hè khỏa thân, giải thích rằng khỏa thân là một điều tốt giải phóng con người  khỏi mọi nhãn hiệu, bệnh hoạn và chiến tranh. Bà ta lý luận, "Nếu hai đạo quân khỏa thân ra chiến trận thì biết giấu vũ khí ở đâu và còn phân biệt được ai bạn ai thù nữa, tất cả sẽ đều là anh em"; chàng nghĩ lời vàng ngọc của bà ta phán cũng có lý đấy.

 
Xong bữa ăn, với cõi lòng phân vân về những điều vừa nghe, Richard về đến căn chung cư, ngắm nghía tỏ vẻ hài lòng với nơi mình cư ngụ. Bước vào căn apartment tiện nghi ngăn nắp và thầm nhủ, "Không có mùi nấu nướng, không ồn ào, không tiếng vợ léo nhéo hỏi han là hôm nay ở sở làm có gì lạ không, sướng quá!" Chàng mở tủ lạnh lấy một chai nước hơi có vị dâu rồi khui ra uống giải khát, tự hỏi không biết nó tốt hơn rượu bia ở cái chỗ nào.

 
Chàng tưởng tượng cảnh hàng ngày, vợ chỉ hỏi cho có lệ, không buồn để ý đến câu trả lời giễu cợt của Richard, "Chuyện gì xảy ra à? Tôi bắn vô đầu thằng cha chủ, làm tình mãnh liệt với cô thư ký rồi nổi lửa đốt ba trăm ngàn cuốn truyện Những Người Con Gái Xinh Xắn. Ðó, hôm nay ở sở xảy ra những chuyện như vậy đó!" Vợ đi rồi, thật yên tĩnh thoải mái quá.

 
Nhưng khi bước ngang qua phòng khách tính ngồi xuống đọc một bản thảo mà công ty dự định xuất bản, Richard đạp lên một chiếc giầy có bánh xe (roller skates) của thằng con mà chàng nghi là nó đã cố tình để ở đó để bẫy chàng. Chàng té ngửa chổng kềnh.

 
Ngay lúc đó thì có tiếng chuông rè rè do ai đó nhấn nút bấm nơi cửa ra vào tòa chung cư gồm ba căn áp pạc tơ măng, mỗi tầng một căn. Chàng bấm nút mở cửa và nhìn xuống cầu thang. Bóng một thiếu nữ với thân hình có những đường cong khêu gợi mờ mờ hiện ra qua màn cửa. Chàng bấm nút mở cửa. Người vừa bước vào là một cô gái đẹp khêu gợi hết xẩy có mái tóc vàng và đôi mắt mơ huyền; thân hình nàng có những đường cong tuyệt mỹ bó sát trong một chiếc áo đầm trắng. Nàng quên chìa khóa cửa chính nên bấm đại nút chuông để lên căn apartment nàng thuê cho mùa hè này. Nàng ôm trong tay một chiếc quạt điện nhỏ với sợi giây lòng thòng và đầu giây bị kẹt nơi khe cửa nên phải nhờ chàng bấm giùm nút cửa mở một lần nữa. Nàng bước lên các bậc thang trong khi chàng còn cố ngó theo muốn sái cả cổ.

 
Ðêm đầu tiên một mình ở nhà, óc tưởng tượng sống động của chàng làm việc tối đa và chàng lẩm bẩm một mình, "Hay là mình mời nàng uống một ly nước để tỏ tình hàng xóm và làm cho nàng khỏi cảm thấy bị mình lơ là lạnh nhạt? Dù sao tất cả đều là gia đình cả". Nhưng rồi chàng lại quay trở về với công việc đọc tập bản thảo nhàm chán mà chàng mang về từ sở làm. Tập bản thảo đó có tựa đề là "Man and the Unconscious," của tác giả là bác sĩ tâm lý học Ludwig Brubaker. Ngồi nơi một khoảng sân nhỏ ngoài ban công phía sau, Richard đọc cái tựa của Chương 3:"Sự Thôi Thúc Bị Dồn Nén Của Ðàn Ông Trung Niên: Căn Nguyên Và Hậu Quả". 

 
Chàng biết rằng vì chàng đã trải qua bảy năm trong hôn nhân, chàng đang bước vào giai đoạn khi mà những người chồng bắt đầu bị thú ngoại tình cám dỗ. Nhưng chàng vẫn nghĩ mình là trường hợp ngoại lệ, một người chồng chung thủy, bất chấp mọi cám dỗ. Bảy năm qua không một lần lăng nhăng.

 
Tuy nhiên, với óc tưởng tượng đi quá xa, chàng nghĩ đang nói với vợ là có nhiều đàn bà đẹp rất mê chàng, và chàng nói với vợ, "Ðã có nhiều bà nhiều cô từng muốn ngả vào vòng tay anh đó em Helen ạ". Chàng khoa trương với vợ là cô thư ký Morris đã từng ngỏ ý tấn công chàng trong văn phòng làm việc của chàng đấy nhưng chàng thẳng thừng từ chối.

 
Cảnh trong phim cho thấy cô thư ký Morris tỏ tình với chàng rằng nàng đã thầm yêu trộm nhớ chàng từ lâu và nàng chỉ là người đàn bà thường tình bằng da bằng thịt luôn khát khao được yêu. Cô Morris tấn công chàng ngay trên bàn giấy; chàng cự tuyệt và tát nàng mấy cái và xô nàng ra; áo chemise của chàng rách toạc phía sau lưng. Vợ chàng cười không tin, bảo rằng áo rách là do máy giặt. Chàng khoác lác thêm với vợ, "Thật anh cũng không hiểu tại sao anh hấp dẫn các bà các cô đến thế nữa. Cứ mỗi lần anh bước vào đám đông là họ chú ý đến anh tức khắc và quây lấy anh. Dường như từ con người anh toát ra một hấp lực phi thường nào đó em ạ".

 
Richard tưởng tượng ra trong trí một bối cảnh khác trong đó chàng bị cô y tá Finch trẻ đẹp dụ dỗ. Chàng thấy mình nằm trên giường bệnh trong nhà thương, nàng y tá khát tình bước vào phòng, leo lên giường, đắp thân hình nóng bỏng lên người chàng và đòi chàng yêu. Chàng tát cho cô ta mấy cái nên thân và bấm nút báo động khẩn cấp cầu cứu và một đám nhân viên nhà thương ào vào lôi cô y tá ra.

 
Vợ chàng không chịu tin tí nào những câu chuyện mà nàng cho là hoang đường đó. Nàng nói, "Thôi đi ông ơi! Ông đọc nhiều tiểu thuyết và xem nhiều phim quá rồi đấy!" Chàng còn tưởng tượng cô bạn gái thân nhất của vợ chàng tên Elaine quyến dụ chàng trên bờ biển vắng trong một đêm trăng có tiếng sóng xô bờ rì rào nhưng chàng vùng thoát và thất thểu bỏ đi. Ðúng là chàng xem nhiều phim quá rồi bị nó vận vào người chàng, vì cảnh thơ mộng đó thật sự đã xảy ra trong phim "Từ Ðây Ðến Mãi Thiên Thu" (From Here To Eternity) trình chiếu hai năm trước. Helen vợ chàng lại có dịp mỉa mai, "Dạo gần đây coi bộ anh đã bắt đầu tưởng tượng trong màn ảnh đại vĩ tuyến với âm thanh nổi bốn chiều rồi đó".

 
Thế rồi chàng tự nghĩ vợ chàng và cánh phụ nữ nói chung thường là mau già hơn. Vợ chàng 31 tuổi rồi. "Chẳng bao lâu nữa, một ngày kia nàng sẽ soi gương và thấy rằng nhan sắc của nàng đã tàn phai và nàng sẽ lo lắng. Còn ta thì, lại lý luận chủ quan, thấy rằng từ năm 28 tuổi tới bây giờ (39 tuổi) nào có thấy thay đổi gì đâu. Ðó không phải là lỗi của ta; và đó là một sự thật sinh học đơn giản. Ðàn bà già mau hơn đàn ông. Biết đâu tới sáu mươi tuổi mình cũng chẳng khác hơn bây giờ là mấy nhờ cái nét mặt trẻ con trời cho của mình. Chừng đó, biết đâu có người nhìn vào sẽ tưởng nàng là mẹ mình đấy! Dám lắm à!"

 
Richard còn đang mơ màng nghĩ ngợi mông lung thì cú gọi điện thoại của Helen vợ chàng lôi chàng về với thực tại. Helen nói cho chàng biết là nàng có gặp Tom McKenzie, bạn trai thời trung học của nàng, trên xe hỏa. Anh ta cũng đang có mặt ở khu nghỉ mát đó. Nghe vợ kể như vậy, chàng ghen nên bảo vợ là chàng không muốn anh chàng Tom vui chơi bơi thuyền với Rick, con chàng. Chàng nghi rằng vợ gọi điện thoại sớm chắc là để kiểm soát chàng đây. Chàng nói với vợ là chàng không sao cả và đang ngồi ngoài ban công đọc sách.

 
Khi chàng vừa đứng dậy và rời khỏi ghế ngồi, bỗng đâu có một chậu cây cà chua từ lầu trên rơi xuống trúng ngay chiếc ghế ấy. Chàng sưng sỉa với nét mặt giận vừa bắt đầu la ó thì nhìn lên chàng thấy người đẹp tóc vàng lúc nãy từ ban công lầu trên nghiêng người ra tươi cười . Chàng thay đổi thái độ ngay tức khắc, đổi giận làm vui, thấy đây là cơ hội tốt cho chàng bèn cất tiếng mời người đẹp xuống nhà chàng... uống nước. Nàng ngây thơ vô số tội bảo, "Chờ em vào bếp mặc đồ đã!"

 
"Mình có nghe lầm không?", chàng tự hỏi. Sao lại vào bếp mặc đồ? Như đoán biết thắc mắc của chàng, người đẹp tiết lộ cho chàng một bí mật. Nàng nói, "Phải. Lúc trời nóng như thế này, anh biết em làm sao không? Em bỏ quần lót của em trong hộc đựng nước đá cục trong tủ lạnh đó!"

 
Trời đất quỷ thần ơi! Một ý kiến hết xẩy! Một lần nữa phải ngẩng đầu nhìn lên khiến chàng muốn trặc cả cổ.

 
Trong khi chờ đợi nàng xuống, chàng có thì giờ duyệt qua các điều quyết tâm đức hạnh của chàng bị đem ra thử thách, và dường như cơn ngứa có mòi thắng thế. Ðể tránh sự cám dỗ, chàng lấy hộp thuốc lá đem bỏ vào ngăn tủ rồi khóa lại, xong ném chìa khóa lên kệ sách, nhưng rồi lại đổi ý, lấy thuốc hút, rót cho mình một ly rượu và làm vài hớp, thu vén qua loa, vặn đèn cho bớt độ sáng, sắp xếp mấy cái gối dựa trên sofa để chuẩn bị cho khung cảnh có vẻ ngăn nắp và trữ tình.

 
Nhưng với sự dằn vật phấn đấu giữa đức hạnh và tội lỗi luôn dằn co trong tâm tưởng, chàng chợt nghĩ lại về hành động đang làm, chàng tự khẳng định mình mà một người chồng hạnh phúc, "Mình đang làm gì thế này? Thật kỳ cục hết sức! Ðêm đầu tiên Helen đi vắng mà mình đã rước gái về? Nhưng hãy bình tĩnh lại nào. Mời một người láng giềng mới dọn đến vào nhà uống ly nước tuyệt đối không có gì sai quấy cả. Hoàn toàn không! Mong là vợ sẽ không nghĩ quấy cho mình, thế thôi."

 
Sau khi đã bật đèn sáng trở lại, Richard vẽ vời trong ý nghĩ việc gì sẽ xảy ra với người đẹp tóc vàng. Chàng mở máy cho hát một dĩa nhạc hòa tấu cổ điển êm dịu. Chàng mường tượng ra người đẹp sẽ xuất hiện trong chiếc áo dạ hội màu đen và hoàng kim không giây, găng tay đen, điệu nghệ cầm một điếu thuốc lá gắn trên cán dài. Chàng tưởng tượng mình sẽ ngồi bên cây đàn dương cầm trong bộ dạ phục đỏ sang trọng, tóc phai màu hai bên thái dương, đèn nến lung linh trên dương cầm. Chàng sẽ điệu bộ cất giọng trịnh trọng chào nàng. Nàng sẽ cảm động và bị lôi cuốn theo tiếng đàn dương cầm mê hoặc của Sergei Rachmaninoff. Nàng oằn oại thốt lên, "Ôi bất công quá! Mỗi lần em nghe tiếng đàn ấy, em như bị tan rã ra từng mảnh. Nó dằn đặt em, quay em xoay mòng. Nó xoáy tận hồn em và làm thân em trở nên bủn rủn. Em không còn biết em đang ở đâu, em là ai và em đang làm gì. Cứ trỗi nhạc nữa đi anh. Ðừng ngưng! Xin anh đừng ngưng."

 
Rồi bằng những ý tưởng hoang đường của nam tính muốn chinh phục, chàng sẽ ngưng tiếng nhạc, và với cử chỉ ngọt ngào nồng nàn chàng sẽ dìu nàng vào vòng tay, hôn lên môi nàng, ôm lấy nàng trên băng ghế của cây đàn dương cầm...

 
Chuông cửa reo. Chàng giật mình tỉnh giấc mơ hoang đường. Nhưng rồi chàng thay đổi thái độ khi mở cửa chỉ thấy ông Kruhulik là người quét dọn của building. Ông ta mặc áo thun, trông nhếch nhác. Ông đến để thu nhận mấy tấm thảm lót phòng ngủ để mang đi giặt theo lời dặn của Helen, vợ chàng. Bảo ông Kruhulik lần sau hãy trở lại lấy, chàng được ông ta cho biết là bắt đầu từ ngày hôm sau ông ta cũng sẽ đưa vợ và bốn  đứa con đi nghỉ  hè; ông ta cũng sẽ "độc thân" trong mùa hè này và ông ta sẽ du dương với một cô bồ nào đó.

 
Nhưng chàng không hài lòng về sự mong đợi tự do có vẻ như bất chánh đó. Chàng bực mình nói một mình, "Ông ta có bốn mặt con rồi, thật là xấu hổ! Mùa hè năm nay dường như thiên hạ trong thành phố này ra làm sao ấy!" Chàng vào tủ lạnh lấy sô nước đá.

 
Chuông cửa lại reo. Chàng hấp tấp chạy ra, lại vấp vô chiếc giầy roller skate của thằng con chàng một lần nữa, làm cả chàng và cái sô nước đá bổ nhào, mấy cục nước đá văng ra sàn nhà, chàng phải gom nhặt lại một mớ và hất bừa mấy cục khác vào gầm ghế cho nó tiện việc sổ sách, cái tính ẩu như phần lớn cánh đàn ông.

 
Người đẹp tóc vàng hiện ra ở cửa, mặc quần màu hồng bó sát và áo cũng cùng màu. Cô nàng khen nhà chàng ngăn nắp lịch sự, hỏi chàng ở đây có một mình sao. Chàng nói là chàng ở một mình. Với chiếc giày roller skate vẫn còn cầm trên tay, chàng lúng túng giải thích rằng đó là giày đi skate của chàng; loại giày này có thể điều chỉnh được và chàng rất thích đi roller skate. Chàng hỏi nàng muốn uống một tí rượu không, trên tay cầm sô nước đá. Tôi không khỏi thầm nghĩ cha nội này cũng như đa số đàn ông, không biết giữ gìn vệ sinh tí nào, bốc cái này qua cái nọ mà không hề chịu rửa tay.

 
Nàng bảo, "Em uống nước như cá" (Cá uống nước? Chưa nghe bao giờ!). Nàng không biết martini là món rượu mạnh pha bằng gin và vermouth, và đòi chàng pha cho nàng một ly lớn. Chàng không tin ở tai mình nhưng cũng riu ríu vâng lời nàng.

 
Rồi nàng nhìn quanh và reo lên khi thấy căn áp pạc tơ măng của chàng có cầu thang lên lầu. Nàng hỏi cầu thang dẫn lên đâu vậy; chàng nói nó không dẫn lên đâu cả. Nàng cho rằng kiểu kiến trúc như vậy là sang lắm. Chàng nói căn nhà này trước kia là một duplex, là hai căn có chung một cửa ra vào, nhưng chủ đã ngăn đôi và đóng tấm ván bít lối lên lầu.

 
Nàng hớp một ngụm martini, nhăn mặt nhưng khen ngon và hỏi xin đường. Chàng nói chưa nghe ai nói uống martini bỏ đường bao giờ. Nàng nói có chứ. Chàng hỏi, “Ở đâu?” Nàng đáp ở quê nàng: Denver, Colorado.

 
Rồi nàng reo lên mừng rỡ khi thấy nhà chàng có máy lạnh. Nàng xin chàng mở máy lạnh lên. Chàng khoe bất cứ phòng nào trong nhà chàng cũng có gắn máy lạnh và hỏi nàng rằng trên apartment của nàng không có máy lạnh sao; nàng nói không. Nàng kể là căn apartment nàng thuê lại của cặp vợ chồng già Kaufman trên lầu không có máy lạnh. Nàng đứng trước máy lạnh trong nhà chàng, cởi bỏ dây thắt lưng, vén vạt áo lên để cho luồng hơi lạnh lùa vào người nàng vừa thản nhiên kể lại những gì xảy ra ngày hôm trước trong căn apartment nóng nực của nàng:

 
“Ở trên ấy thật là nóng kinh khủng... Ồ, còn ở đây khoái quá. Em là người không chịu được nóng. Ðây là mùa hè đầu tiên em sống ở New York. Thật nóng muốn chết! Anh biết hôm qua em thử làm gì không? Em thử nằm ngủ trong bồn tắm. Em xả nước lạnh đầy bồn rồi vào đó nằm ngập đến cổ. Nhưng cái vòi nước rỉ nhỏ giọt long tong lách tách làm cho em không thể ngủ được. Thế anh có biết em làm sao không? Em thọc ngón chân cái của em vào trong cái vòi nước...Không ngờ ngón chân của em kẹt dính trong đó không thể lấy ra được. May quá, trong phòng tắm gần cạnh em có cái điện thoại, thế là em gọi ông thợ ống nước...Ông ta tử tế lắm, mặc dù là ngày chủ nhật nhưng nghe em giải thích tình hình mắc kẹt của em, ông ấy thu xếp đến ngay... Nhưng thật là bối rối cho em...Em xấu hổ gần chết, vì... vì...trước một người hoàn toàn xa lạ mà... mà móng chân em chưa sơn bóng gì cả!

 
Hú hồn! Trời ơi, chàng lại tưởng cái gì. Nàng nói chuyện có duyên quá chừng. Chàng cười thích thú về câu chuyện ngộ nghĩnh đó.

 
Nàng hỏi chàng có thuốc lá không. Chàng bảo có và phải bắt ghế leo lên kệ sách để lấy chìa khóa. Nàng hỏi bộ chàng sợ trộm hay sao, chàng bảo giấu nó cho khuất mắt để khỏi thấy và khỏi hút.

 
Người đẹp tóc vàng, vốn có nhiều của cải thể xác hơn là trí óc thông minh, kể thêm rằng nàng từng sống trong một câu lạc bộ và tiết lộ lý do tại sao nàng bị đuổi:

 
“Em ghét chỗ nội trú đó lắm. Ở đấy họ bắt em nếu có đi chơi đêm thì phải trở về trước một giờ sáng bằng không họ khóa tất cả cửa vào. Bây giờ thì em có thể đi chơi ngoài suốt cả đêm nếu em muốn. Thật ra em mừng quá chừng khi họ đá đít em đi, ý em muốn nói cụ thể là họ đòi hỏi em phải rời nơi đó...Rõ là kỳ cục. Có người muốn chụp hình em rồi đăng lên bìa tạp chí nhiếp ảnh U.S. Camera, thế là họ bực mình...Chỉ là hình nghệ thuật thôi chứ có gì đâu...chụp cạnh vài thân gỗ mục trên bờ biển. Ảnh nhận được ban khen về khía cạnh chất liệu cấu tạo vì nếu anh nhìn sẽ thấy có ba chất liệu là thân gỗ mục, bãi cát và em. Họ trả em hai mươi lăm đô một giờ mà một buổi chụp cứ kéo dài giờ này qua giờ khác, chắc anh ngạc nhiên vì nó có vẻ khó tin phải không?”

 
Hết làm người mẫu, bây giờ nàng bước sang lãnh vực đóng phim quảng cáo cho hiệu kem đánh răng Dazzledent chiếu trên tivi hai tuần một lần. Nàng nói:

 
“Em phụ trách phần quảng cáo...Thú thật, phần đó vui lắm. Trước tiên họ thoa lên răng em một ít phẩm màu xam xám cốt cho thấy răng trông như thế nào khi dùng với loại kem đánh răng thường. Xong họ chùi lớp phẩm màu đi để cho thấy sự khác biệt khi dùng kem Dazzledent. Em chỉ ngồi như thế này này (nàng ra bộ), chỉ trong khoảng 14 giây, đủ thì giờ để nói một câu "Tôi ăn bữa trưa có hành; tôi ăn bữa tối có tỏi. Nhưng chàng không hề biết, vì tôi hôn chàng ngọt ngào với kem đánh răng Dazzledent."

 
Rồi nàng vô tư viễn mơ về sự nổi danh một sớm một chiều trên tivi của nàng:

 
“Anh biết không, mỗi lần em nhe răng ra trên tivi, em xuất hiện trước nhiều khán giả còn hơn Sarah Bernhardt (nữ kịch sĩ nổi tiếng nhất của Pháp) xuất hiện cả đời trên sân khấu. Anh nghĩ xem em nói như vậy có đúng không?”

 
Trước đó mấy hôm nàng ăn mừng sinh nhật thứ 22 của nàng. Nàng làm sang mua một chai sâm banh định để uống trong bồn tắm. Nhưng vì không có đồ mở (nàng không biết là mở champagne không cần đồ mở) nút chai nên nàng bỏ nó vô tủ lạnh chung với mấy cái quần lót và một bịch khoai tây xắt lát chiên giòn. Nàng hỏi chàng biết mở không, chàng nói biết. Nàng bèn chạy vội lên lầu để mang chai rược xuống để cụng ly với chàng.

 
Trong lúc nàng đi khỏi, chàng mở tạp chí U.S. Camera xem ảnh người mẫu của nàng một cách lén lút như sợ ai bắt gặp. Chàng nốc thêm vài hớp rượu rồi đi đến kệ lấy xuống hai cái ly champagne và đặt sẵn trên bàn thấp trong phòng khách.

 
Ðiện thoại lại reo. Vợ gọi phone về nghe giọng của chàng vui hẳn ra nên sinh nghi; chàng nói không có gì cả, mọi chuyện đều bình thường. Chàng hỏi vợ gọi có chuyện gì; nàng nói về cái mái chèo của thằng Rick, con trai chàng. Chàng hứa sẽ gửi đi ngay sáng hôm sau. Vợ chàng nghi chàng uống rượu. Chàng chối, nói mình đang đọc sách về đề tài gỗ mục hay lắm. (Lại xạo).

 
Chuông cửa reo, chàng biết là người đẹp đã trở xuống nên chàng bịa chuyện với vợ là nước trong bồn tắm đã đầy, chàng phải đi tắm và cúp phone. 

 
Khi người đẹp trở lại với chai sâm banh, nàng đã thay đổi xiêm y bằng chiếc áo đầm trắng quyến rũ có quay tréo còn thả lỏng. Nàng giải thích, "Em nghĩ uống sâm banh mà mặc quần bó kiểu dân đấu bò thì coi không hợp nên em mới thay áo khác. Em vội quá nên chưa gài giây kịp. Anh giúp em cài giây phía sau lưng em được không?… Potato chips đây, champagne đây, anh nghĩ xem anh có thể mở nút chai được không?”

 
Nàng đi lấy hai cái ly, chàng lo khui chai sâm banh. Nút chai bung ra, bọt rượu trào và phun vọt ra sàn, chàng phải dùng ngón tay trỏ bịt miệng chai lại và bị kẹt. Nàng đề nghị chàng kêu thợ ống nước (?). Khi nàng ôm giữ cái chai để phụ chàng gỡ ngón tay ra, nàng trông thấy chiếc nhẫn cưới mới biết là chàng đã có vợ. "Anh có vợ rồi?", nàng tròn mắt kêu lên. Chàng quanh co, "Có vợ nhưng đang ly thân" Ly thân là sao? Là nàng đang đi nghỉ hè. Có con chưa? Có, một đứa con trai bé bé thôi!

 
Nhưng chẳng sao, đối với nàng chyuện đó là chuyện nhỏ. Nàng lý luận: "Em nghĩ anh có vợ rồi lại là điều hay". Nàng lấy sức giật mạnh nên mất đà ngã trên nền thảm. Chàng cũng ngồi xuống một bên và hỏi lại rằng có chắc là nàng không ngại khi biết chàng đã có vợ rồi hay không. Nàng nói không và lý luận:

 
"Em không đời nào nửa đêm mà nằm trên sàn nhà uống rượu với một anh chàng nếu anh ta chưa vợ. Với người có vợ rồi dĩ nhiên là đơn giản hơn nhiều. Em muốn nói là anh không thể làm điều gì quá đáng với em. Em nói cái này có thể anh không tin chứ thật ra rất nhiều người nói họ yêu em rồi trong đầu họ nảy ra ý nghĩ lạ lùng là muốn cưới em. Lần nào em cũng không hiểu tại sao họ lại làm như vậy. Em chỉ biết duy nhất một điều là em không bao giờ muốn lấy chồng. Hay chưa muốn lấy chồng thì đúng hơn. Ðối với em, lấy chồng còn hơn là bị sống trong nội trú. Nếu vậy thì em lại phải về nhà trước một giờ sáng mỗi đêm hay sao. Ðấy, anh thấy không, chơi thân với người có vợ rồi lợi ở chỗ đó. Vì dù cho có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa anh ta cũng không thể đòi cưới em vì anh ta đã có vợ rồi, đúng không?”

 
Chàng nói dù bất cứ lý do nào, chàng cũng không hỏi nàng làm vợ đâu, nàng khỏi lo.

 
Khi chàng đề nghị hát một đĩa nhạc của Rachmaninoff, nàng thú nhận là nàng chẳng biết một tí gì về nhạc cả. Chàng trấn an, "Không sao. Cứ lắng nghe rồi hẳn biết."

 
Nàng lắng tai nghe một lúc rồi nói, "Nhạc cổ điển phải không anh? Em biết được là vì nó không có lời ca!" Chàng bảo nàng đừng nói gì hết, hãy thư giãn, hãy thừ người ra. Nàng ngã người ra, chống hai tay trên sàn nhà, "Như thế này phải không anh?" Chàng nói, "Phải. Hãy để cho tiếng nhạc nó quét em đi".

 
Khi chàng khẽ cúi xuống định hôn nàng thì nàng bật ngồi thẳng lên đánh trống lãng, "Anh biết không, em rất mê giọng ca của Eddy Fisher." Vừa nói nàng vừa vói tay bóc "potato chips".

 
Richard nhắc khéo nàng về ý tưởng đen tối đang vơ vẩn trong đầu chàng, "Rất gần đây, thiên hạ ai cũng mê nghe nhạc Rachmaninoff này. Nó làm cho họ điên cuồng ngây dại nổi gai ốc khắp cả người."

 
Nàng không để ý đến lời chàng; nàng đang cầm một miếng chip nhúng vào ly sâm banh của chàng rồi chợt nhận xét, "Này! Anh có bao giờ thử nhúng chip vô champagne chưa? Lạ lắm anh ạ! Ðây này, anh thấy có lạ không?"

 
Khi chàng nhận ra là nhạc Rachmaninoff chẳng có hiệu quả gì đối với nàng, nàng mới trấn an:

 
“Anh đừng lo. Em thấy như thế này là tuyệt lắm rồi: Một người đàn ông đã có vợ, nhà có máy lạnh, champagne và chip khoai tây. Party như thế này là tuyệt!”

 
Bỗng nàng reo lên khi chợt nhận thấy trên kệ sách có tạp chí U.S. Camera. Nàng chạy đến lấy quyển tạp chí cỡ lớn bìa cứng đó rồi mở ra cho chàng xem hình nàng, "Hình em đó. Trên bờ biển". Chàng thắc mắc hỏi khi nàng chụp hình ngoài bờ biển, khách dạo có bu lại xem không và làm sao ngăn họ. Nàng nói hình chụp vào buổi sáng sớm khi mọi người chưa ngủ dậy.

 
Chàng đề nghị uống thêm nữa; nàng chịu liền. Nàng hỏi chàng có biết đánh đàn dương cầm không. Chàng nói có đàn lúc còn nhỏ nhưng bây giờ thì không và chỉ còn nhớ chút ít. Nàng yêu cầu chàng đánh đàn thử, chàng miễn cưỡng vâng lời.

 
Thế rồi chàng đến ngồi vào đàn dương cầm và dùng hai ngón tay trỏ chọt trên phím đàn chơi một điệu nhạc đơn giản trẻ con thường được gọi là Ðôi Ðũa (Chopsticks, vì chơi bằng hai ngón tay). Nàng thích lắm và nói nàng cũng biết nên đến ngồi một bên, vừa chọt chọt vừa ngân nga "băm băm băm" theo chàng một cách thích thú như trẻ con. Khoái chí về màn "song diễn" này, nàng nói, "Em không biết nhạc Rachmaninoff của anh ác liệt như thế nào chứ em thì em khoái điệu Chopsticks này lắm!"

 
Nghe vậy, chàng tiếp tục đánh nữa. Nàng cười khoái chí và nói "Nó làm cho em nổi da gà rồi đấy." Rồi nàng say sưa đàn trong khi chàng chồm người qua định hôn nàng. Nàng vô tư bảo chàng đừng stop, nhưng chàng đã ngưng không đàn nữa. Nàng hỏi "Sao lại ngừng?" Chàng nói vì chàng sẽ ôm nàng vào lòng và sẽ hôn nàng thật nhanh và thật mạnh. Nói là làm, bất chấp sự phản đối của nàng. Cả hai người ngã nhào xuống sàn nhà. Chàng lồm cồm trên thân người nàng. Chợt nghĩ lại lời mình vừa nói, chàng van nài nói lời xin lỗi.

 
Nàng: “Chuyện gì thế? Em hoàn toàn không hiểu.”

 
Chàng: “Anh cũng không biết nữa. Có điều anh vô cùng hối hận. Anh xin lỗi em. Trong đời anh chưa bao giờ xảy ra tình cảnh như thế này.”

 
Nàng: “Thật không? Xảy ra với em là thường!”

 
Chàng: “Bậy quá! Tối hôm nay anh cư xử không còn là anh nữa. Có lẽ em nên về đi thì tốt hơn.”

 
Nàng: “Tại sao? Anh thật khùng quá!”

 
Chàng: “Anh năn nỉ em về đi. Nè, xách theo bịch chips này.”

 
Nàng: “Ðược. Nếu anh muốn em về thì em về vậy. Good night.”

 
Chàng: “Good night.”

 
Ra đến cửa, nàng còn ngoảnh lại nói, "Em nghĩ anh là một người tốt", gương mặt vẫn vui cười hồn nhiên như không có chuyện gì xảy ra.

 
Nàng đi rồi, chàng đứng giữa phòngvới nét mặt buồn rầu, tự kết án và nguyền rủa mình, "Không! Mình không tốt. Mình điên thì có. Phải, mình điên rồi. Helen mới đi vắng có một hôm mà mình đã nổi điên. Hút thuốc, uống rượu, dẫn gái về nhà, lại còn đánh đàn bài Chopsticks nữa chứ! Mình sẽ không sống nổi qua hết mùa hè này".

 
Chàng đi vào phòng ngủ bật đèn và ngắm mình trong gương thầm nói, "Xem cái mặt kìa! Mắt đỏ nổi gân máu, man dại, bệ rạc, ma quỷ! Rồi một ngày kia soi gương mình sẽ thấy mình là một hình ảnh xấu xa vì đã đánh mất linh hồn (như nhân vật Dorian Gray trong truyện "Picture of Dorian Gray" của nhà văn Oscar Wilde). Chàng hốt hoảng phóng mình lên giường úp mặt xuống gối, trên người vẫn còn nguyên quần áo giầy vớ.

 
Vì hoang mang, giận mình và nghĩ rằng mình sắp rơi vào tình trạng tinh thần đổ vỡ, nên đến sở làm việc ngày hôm sau, Richard xin phép "boss" cho chàng lấy hai tuần phép để cùng vợ con nghỉ hè. Nhưng ông Brady, xếp của chàng, chẳng mấy thông cảm, thẳng thừng từ chối, viện lý do là mùa xuất bản bận rộn. Ông nói vợ con đi vắng ông càng khoái vì được hút xì gà, chơi bài với nhóm bạn cả đêm rồi đến thẳng sở làm sáng ngày hôm sau. Ông rủ chàng nếu thích thì theo ông. Ông đề nghị đem truyện Dorian Gray của Oscar Wilde in lại bán 25 xu sẽ hốt bạc.

 
Richard tưởng tượng đúng là mình đã biến thành Dorian Gray: một thanh niên nông nổi, tội lỗi, háo sắc, biển lận, bề ngoài mắt sáng lành mạnh, nhưng bề trong, hỡi ôi, khô mục như thân gỗ rỗng, mối mọt đục khoét gặm nhấm linh hồn. Richard bỏ về phòng mình và lôi ra đọc bản thảo quyển "Con Người Và Tiềm Thức" (Man and the Unconscious), của tác giả là bác sĩ tâm lý học Ludwig Brubaker.

 
Richard thấy Chương Sáu nói về hiện tượng các ông chồng có khuynh hướng ngoại tình sau bảy năm trong hôn nhân. Theo kết quả của một cuộc khảo cứu 18 ngàn trường hợp đàn ông có bảy năm hôn nhân thì 84,6% ngoại tình. Con số này tăng thành 91,8 % trong những tháng hè. Richard vừa đọc vừa gãi vai. Ðọc đến đấy, Richard căng thẳng nên ra bàn thư ký chộp một điếu thuốc hút. Vừa hút thuốc chàng vừa đọc tiếp những trường hợp bằng chứng xảy ra bên nước Ðức từ năm 1912.

 
Ðồng hồ chỉ ba giờ chiều. Bác sĩ Ludwig Brubaker bước vào vừa chậm mồ hôi trên cổ vì trời nóng nực. Ông ào vào phòng việc Richard mù mịt khói thuốc, thấy chàng đang ngồi ngửa mặt nghĩ ngợi; cái gạt tàn thuốc trên bàn đã đầy ắp. Ông ghé qua nhà xuất bản để xem việc xuất bản quyển sách của ông đã đi đến đâu rồi. Richard đưa cho ông xem một tờ bích chương quảng cáo cuốn sách "Con Người Và Tiềm Thức" của ông sắp xuất bản. Ông sửng sốt thấy cái tựa bị đổi lại là "Tình Dục và Bạo Hành" (Of Sex And Violence) với hình minh họa cho thấy cảnh một kẻ hung ác đang nhào tới tấn công một cô gái áo đỏ tại một góc đường phố. Bác sĩ Brubaker phản đối kịch liệt vì nó không phản ảnh đúng sự thật nhân vật dẫn chứng trong sách ông. Richard giải thích đó là bí quyết lôi cuốn sự chú ý của độc giả. Nhân dịp, Richard hỏi ý kiến bác sĩ Brubaker về trường hợp của chàng. Bác sĩ để ý thấy ngón tay cái bàn tay trái của Richard giật giật liên hồi. Ông nói đó là dấu hiệu của tình trạng tâm lý bất thường.

 
Richard: “Xin lỗi, bác sĩ tính tiền xem mạch có đắt không?”

 
Dr. Brubaker: “Rất đắt!”

 
Richard: “Nhưng bác sĩ cũng có tính rẻ cho trường hợp đặc biệt chứ?”

 
Dr. Brubaker: “Không bao giờ!”

 
Richard: “Tại sao vậy? Tôi tưởng thỉnh thoảng cũng có một vụ ông rất thích chứ?”

 
Dr Brubaker: “Với giá phí 50 đô một giờ thì vụ nào tôi cũng thích hết!”

 
Sau đó, Richard trình bày cho bác sĩ là chàng đã hành động dại dột suýt đưa đến tội tấn công tình dục một thiếu nữ trên băng ghế dương cầm vốn đã lung lay sẵn rồi. Bác sĩ Brubaker bắt chàng nằm xuống chiếc ghế dài trong phòng việc và bắt đầu cuộc phỏng vấn để chẩn bệnh. Richard nói chàng đang có vấn đề nghiêm trọng và chàng nghi đó là hội chứng Bảy Năm Ngứa Ngáy. Bác sĩ khuyên, "Nếu cái gì mà ngứa, thưa ông, thì phản ứng tự nhiên là muốn gãi." Nghe Richard nói cuộc tấn công (hoặc mưu toan) bất thành xảy ra trên băng ghế dương cầm, bác sĩ ngạc nhiên lắm, nói rằng đối tượng tấn công phải quyến rũ lắm.

 
Richard đứng dậy lấy quyển U.S. Camera mở ra đưa cho bác sĩ xem hình nàng mặc đồ tắm hai mảnh nằm sấp trên bãi cát. Bác sĩ khen chàng biết chọn đối tượng khéo léo và có gu thưởng thức. Bác sĩ khuyên lần sau nếu chàng có tấn công thì nên lựa chỗ nào rộng rãi và chắc chắn hơn. Chàng hỏi bác sĩ cách giải quyết vì chàng rất yêu vợ, không muốn cuộc hôn nhân đổ vỡ. Bác sĩ bảo đã hết giờ khám bệnh và bỏ đi.

Richard lo lắng khôn nguôi, đốt thuốc hút tiếp. Chàng bày tỏ nỗi lo ngại là "Cô Gái" sẽ kháo ầm lên là chàng xách nhiễu tình dục nàng.

 
Chàng mường tượng ra là nàng sẽ kể câu chuyện đó ra như thế nào. Trước hết chàng nghĩ tới cảnh nàng bị kẹt ngón chân cái trong vòi nước trong bồn tắm và nàng kể với gã thợ ống nước như sau: 

 
“Hắn dụ tôi xuống căn apartment của hắn. Hắn bắt tôi ngồi lên băng ghế đàn dương cầm. Hắn bắt tôi hát theo điệu nhạc Chopsticks. Rồi thình lình hắn quay sang tôi. Mắt hắn phồng lên. Mồm hắn nhỏ giãi hai bên mép. Giống như Con Quái Vật Trong Vũng Ðen.” (The Creature from the Black Lagoon tên một cuốn phim kinh dị giả tưởng).

 
Bị dằn vặt bởi óc tưởng tượng, chàng thấy gã thợ ống nước đang ngồi trong tiệm ăn (mà chàng thường đến) kể lại chuyện đó cho tất cả mọi người trong tiệm (gồm có bà hầu bàn quyên tiền cho hội khỏa thân) biết về hành vi dê xồm của chàng (có một ông thực khách hói tóc vừa nghe vừa cầm nhai một cọng celery bự tổ chảng).

 
Chàng tưởng tượng thấy mình xem chương trình quảng cáo kem đánh răng hiệu Dazzledent đang thảo luận và phô bày vụ ngoại tình của chàng: “...Và chúng tôi muốn thông báo một tin quan trọng cùng quí vị khán giả phái nữ ở New York là ở tầng dưới trong chung cư tôi có một tên quỉ dâm dục đã có vợ và rất nguy hiểm, gớm ghiếc, và vô cùng tàn ác. Tên của hắn là Richard Sherman, đánh vần là S-h-e-r-m-a-n. Trong lúc vợ con hắn nghỉ hè ở bang Maine, tên quái vật này đang gây kinh hoàng cho phụ nữ New York...”

 
Chàng nôn nóng tưởng tượng vợ con chàng cũng có xem chương trình quảng cáo đó trên tivi ở Maine và khám phá ra hành vi của chàng, "Nàng biết hết cả!" Nhưng rồi chàng lý luận vớt vát, "May ra ở Maine không có truyền hình!" Chàng tự hỏi tại sao phải tự hành hạ mình. Chàng sẽ gọi điện thoại cho vợ; nghe giọng điệu trả lời của nàng, chàng sẽ biết ngay là nàng đã rõ mọi chuyện hay chưa.

 
Nghĩ là làm, chàng gọi điện thoại cho vợ, gặp người giữ trẻ; bà ấy cho chàng biết là vợ chàng đang ở miền quê đi chơi bằng xe ngựa kéo chở rơm với người bạn trai cũ Tom McKenzie và có để lại cho chàng một lời nhắn. Chàng hỏi nhắn gì? Bà ta đáp nhắn gởi mái chèo của thằng con.

 
Hú vía! Cảm thấy nhẹ người, chàng biết là vợ chàng chưa hay biết gì cả về chuyện bậy bạ của chàng! Chàng cười khoái trá vì vừa trút xong một mối lo.

 
Ðã 6 giờ chiều. Cô thư ký muốn ra về nên vào hỏi nếu chàng không cần gì. Chàng hân hoan nói: "Thế là hết một ngày suông sẻ êm đẹp. Bây giờ mình hãy về nhà vui thú với những cái đơn giản của cuộc đời. Những điều tốt đẹp, những điều có thật, tiếng cười của trẻ con, tiếng chuông giáo đường văng vẳng, một đàn chim én đang bay về tổ...Ðời có thể đẹp lắm nếu chúng ta biết hưởng, cô Morris ạ".

 
Ði bộ về, chàng huýt sáo theo một khúc nhạc nền trỗi lên, đôi chân nhảy bước tung tăn, vui như chưa vui bao giờ, tự hứa sẽ trải qua một buổi cuối ngày trong yên tĩnh và không phiền toái. Nhưng chưa gì chàng đã bị người đẹp đang đứng bên cửa sổ trên lầu sấy tóc vẫy chào. Chàng làm tỉnh nói goodbye chứ không muốn cà kê như hôm trước khiến cho nàng cũng phải nhìn theo phân vân. "Ồ không! Ðêm nay thì không! Cái may không tới hai lần", chàng tự nhủ. Chàng đi tắm.

 
Trong lúc đang tắm vòi hoa sen, chàng ngẫm nghĩ và tự hỏi tại sao Helen vợ chàng lại đi chơi ở vùng quê với anh chàng Tom bằng xe rơm. Chàng mường tượng Helen, vợ chàng, đang hưởng ứng sự tán tỉnh của anh chàng nhà văn Tom McKenzie, người bạn trai cũ. Hai người nằm bên nhau trên xe rơm với không một ai khác chung quanh, kể cả người đánh xe cũng không, đến cả bốn con ngựa kéo xe cũng đã bị che mắt. Dù vậy, Helen nói nàng vẫn sợ. Sợ gì? Sợ là nàng không cưỡng lại được sự quyến rũ của Tom, anh chàng văn sĩ giỏi lời đường mật.

 
Chàng tức giận nghĩ rằng có thể họ đang có tình ý với nhau, "Ðược rồi! Muốn vậy thì cho vậy!" Chàng chạy ra tìm số điện thoại của ông bà Kaufman (nhà trên lầu, nơi "Cô Gái" đang thuê trọ). Chàng rủ nàng đi xi nê trong rạp có điều hòa không khí. Sau đó trên đường về, họ trao đổi các nhận xét về cuốn phim The Creature From The Black Lagoon vừa xem:  

 
Nàng: “Anh không thích phim đó sao? Em thích lắm. Nhưng em thấy tội nghiệp con quái vật quá.”

 
Chàng: “Tội nghiệp? Bộ em muốn cô gái cưới con quái vật à?”

 
Nàng: “Nó trông dễ sợ thật đấy, nhưng không phải là xấu hoàn toàn. Em nghĩ nó cần một chút tình thương, một cảm giác được yêu thương, được cần và được muốn.”

 
Chàng: “Nhận xét đó của em hay lắm đấy.”

 
Trong một hình ảnh bất tử, do nóng bức, nàng tìm sự dịu mát bằng cách đứng dang rộng hai chân trên một nắp thoát hơi của đường xe điện ngầm. Nàng mỉm cười khi xe điện dưới hầm vụt chạy qua làm vạt váy nàng bị luồng gió thổi tốc lên, "Ồ...Anh có cảm thấy luồng gió mát thổi lên không? Ðã quá, phải không anh?" 

 
Nàng cố giữ cho váy khỏi bị hất tung lên nhưng vô hiệu. Chàng đứng bên nàng, mồm há hốc, nhận xét vu vơ, "Cũng mát cổ chân chứ nhỉ?"

 
Khoảng một lát sau, một đoàn tàu điện ngầm lại chạy qua; nàng thích thú reo rú lên như trẻ con khi luồng gió tốc váy nàng một lần nữa. Nàng nói, "Lần này còn mát hơn lần trước nữa! Chắc là đoàn tàu hỏa tốc quá. Anh có ước ao là anh được mặc váy như em không? Thấy anh phải mặc quần ống chật bó, em tội cho anh quá" (Câu này bị Hội Ðồng Kiểm Duyệt Phim Ảnh "tự ý" đục bỏ).

 
Nàng báo cho chàng biết là nàng có buổi quay quảng cáo kem đánh răng Dazzledent ngày hôm sau. Tự tin tài khôn ngoan của mình, chàng dễ dàng dụ dỗ nàng để được nàng hôn bằng cách nói rằng chàng không tin người nào dùng kem đó sẽ có một hơi thở thơm tho hoàn hảo:

 
Chàng: “Câu em nói trong quảng cáo là sao? Là dù em có ăn hành ăn tỏi nhưng sau đó em dùng kem Dazzledent thì người nào hôn em cũng không nhận ra mùi hành tỏi hở? Chưa chắc.”

 
Nàng: “Thật mà. Ðể em chứng minh cho anh tin. (Nàng hôn chàng.) Thế nào? Anh tin rồi chứ?”

 
Chàng: “Bây giờ thì anh tin là quảng cáo không hẳn toàn là láo cả.”

 
Nàng: “Thấy chưa... Em đã nói mà…”

 
Chàng: “Nhưng mà trước khi anh đổi qua xài hiệu kem khác hiệu kem mà anh đã quen dùng, anh muốn em hôn anh một lần nữa cho chắc ăn.” (Nàng để yên cho chàng hôn lại).

 
Về tới nhà, nàng than đêm qua phòng ngủ của nàng nóng 95 độ F. Chàng mời nàng vào căn apartment của chàng nghỉ mát trước khi trở về căn nhà nóng như là nhà tắm hơi của nàng. Nàng kéo một chiếc ghế nệm đến gần máy lạnh, hất chân cho giày rơi ra rồi gác lên một chiếc bàn nhỏ "hóng mát". Chàng đi pha nước và ngõ ý muốn nói chuyện về đề tài phân tâm học vốn đòi hỏi nhiều trí thông minh vì đó là sở thích của chàng muốn khám phá cõi tâm thức của con người. Chàng cho rằng những gì xảy ra trong hai ngày qua là do con người tạo ra từ tiềm thức. Chàng lý luận nàng làm đổ chậu cây xuống đầu chàng là vì nàng muốn giết chàng. Tại sao muốn giết? Tại vì nàng yêu chàng.

 
Nàng thì còn mãi lo nghĩ đến chuyện thực tế là làm sao để đem trả và đòi tiền lại cái quạt máy vô tích sự nàng mua hôm trước và tìm cách nào khác để cho mát, hoặc thêm tiền để lấy cái lớn hơn hay là bỏ cái nhỏ vào hộp chứa đá trong tủ lạnh, cái hóa đơn mua quạt không biết còn hay mất, v.v.. Tính mãi, sau cùng nàng quyết định xin chàng cho nàng ngủ nhờ. Chàng thì đem học thuyết của Freud ra thảo luận:

 
Chàng: “Không có gì phải xấu hổ cả. Em nên biết rằng bên dưới cái lớp sơn bóng mỏng dính của nền văn minh nhân loại này, tất cả chúng ta đều là những con người man sơ mắc lưới một cách vô vọng. Chúng ta ngồi trên chiếc cộ lướt tuyết băng băng tuột dốc. Chúng ta không thể ngừng, không thể bẻ lái. Chúng có muốn chạy thoát cũng không được vì quá trễ. Chúng ta còn biết phải xử sự làm sao nữa cơ chứ?”

 
Nàng: “Em nghĩ kỹ rồi. Em sẽ...”

 
Chàng: “Sao em?...”

 
Nàng: “Em muốn ở lại đây với anh đêm nay.”

 
Chàng: “Mmmm...”

 
Nàng: “Em muốn ngủ ở đây.”

 
Chàng: “Em chắc không?”

 
Nàng: “Chắc, nếu anh không phiền?”

 
Chàng: “Không phải là vấn đề phiền hay không phiền, cưng ạ. Vấn đề là chúng ta không muốn nhắm mắt làm càn một việc gì mà không suy nghĩ cho cẩn thận. Em à, khi anh nói rằng chúng ta đều là những con người man sơ, à...ừ... như thế này thì hơi quá man sơ đấy. Nếu em ở đây một hai tiếng đồng hồ thì tại sao...”

 
Nàng: “Xin anh đừng bắt em phải về căn hộ nóng như lửa của em trên tầng lầu trên. Ba đêm liền rồi em có ngủ được đâu...”

 
Thì ra những gì chàng viễn mơ trước đây, chàng những tưởng đã trở thành hiện thực; nhưng thực ra đó chỉ là một sự nài nỉ của một cô gái vô cùng ngây thơ vô tội chỉ muốn được ngủ một giấc ngủ ngon trong gian phòng có máy lạnh. Nàng sờ sờ ra đấy như một miếng mồi ngon thật, nhưng coi bộ khó mà đụng tới. Chàng ngỏ ý nhường phòng ngủ của chàng cho nàng và tình nguyện ngủ ở sa lông, nhưng nàng nói, "Ngủ đâu và ngủ thế nào cũng được anh ạ. Vì chúng mình đâu phải là người man sơ; chúng mình là người văn minh kia mà!"

 
Nàng hứa sẽ ra khỏi nhà chàng trước tám giờ sáng. Chàng nói như vậy không được, người ta thấy thì chết. Nàng nói nếu vậy thì nàng len lén lên lầu nàng lúc sáu giờ vậy. Lén lút? Sáu giờ sáng? Chàng nói như vậy cũng không được, có người thấy còn chết nữa. Nàng nói nhưng họ có làm gì quấy đâu. Chàng nói nhưng xã hội bên ngoài họ đâu có nghĩ giản dị như thế. Còn nào là luật pháp, lề thói xã hội.

 
Nỗi ám ảnh lo sợ của Richard Sherman về việc bị bắt quả tang trong lúc có người đẹp trong nhà càng trở nên tăng cao khi lão Kruhulik nhấn chuông cửa và đòi lấy thảm đi giặt, mặc dù ông ta vừa đi du hí với bồ về, trên người còm mặc diện đẹp. Richard chận ông ta nơi cửa không cho vào. Chợt ông ta liếc thấy chân của "Cô Gái" thò ra để khều đôi giày nên ông ta nói xin lỗi đã phá đám. Chàng hỏi đám gì? Ông ta muốn ám chỉ cái gì? Quay mặt lại, chàng mới biết là ông ta đã biết có "Cô Gái" đang ở trong nhà chàng.

 
Là đàn ông với nhau, ông thông cảm, định rút lui để cho chàng làm ăn. Chàng chộp ông ta lại để giải thích tình cảnh này. Thấy nàng đứng lên chào, ông không khỏi thốt lên trầm trồ khen nàng đẹp như một búp bê bằng người thật. Richard giải thích lý do sự có mặt của nàng là vì chậu cây và nhờ ông ta giúp nàng một tay mang nó lên lầu. Chàng nói “Xin lỗi”, nàng nói nàng thông cảm và chào từ giã đi lên lầu, không quên gởi lại cho chàng một cái hôn gió.

 
Họ đi rồi, chàng tự trấn an, "Mọi việc vẫn bình thường. Phải, vẫn bình thường." Chàng định đi ngủ, nhưng còn sớm. Làm gì đây? Phải rồi! Viết cho Helen một lá thư, một lá thư dài. Chợt nhớ ra chiếc mái chèo. Phải rồi! Lo gói mái chèo để sáng mai gởi đi. Nhưng làm sao gói đây? Bằng giấy, cột giây? Hay bằng băng cứu thương? À! Bằng báo cũ! Chàng mừng rỡ tìm ra giải pháp. Nhạc nền êm dịu trỗi lên; nắp đậy trần trên cuối cầu thang từ từ mở...Nàng xinh xắn trong áo ngủ trắng từ đó khom người bước xuống, trên tay vẫn còm cái búa, tay kia là cái ly nhựa màu vàng đựng bàn chải đánh răng và túp kem. Chàng quay mặt lại, nhìn lên, trân trối. Nàng cười nheo mắt với chàng và nói, "Em chỉ cần khựi mấy cây đinh là xong. Hay đấy. Em sẽ theo cách này bò xuống đây mỗi đêm cho đến hết hè." Chàng hết ý kiến, không nói một lời. Màn ảnh tối lại.

 
Qua một cảnh khác, chiếc mái chèo đã gói đặt nằm trên bàn. Camera "zoom" gần lại, xê lên một tí nữa, cho thấy chàng đang nằm ngủ trên sofa, ngón tay cái giật giật trong vô thức. Mở mắt nhổm dậy, nhìn lên nắp trần mở trống, chàng rón rén hé cửa phòng ngủ nhìn vào. nàng đang nằm ngủ say sưa. Chàng thầm thì, "Dậy đi em. Anh cần vào nhà tắm để tắm và sửa soạn đi làm". Nàng không cục cựa. Chàng đành nhè nhẹ khép cửa lại, rón rén đi ra mở hé cửa cái để lấy báo và bình sữa. Vào bếp nướng hai lát bánh mì chuẩn bị cho bữa ăn sáng, chàng lại tuởng tượng nghĩ nàng tiêu xài như thế thì chắc phải có cách nào làm tiền thêm ngoài tiền lương đi làm kiếm được. Chàng vừa vắt cam vừa nói, " Nếu con gái mà bất nhân thì có thiếu gì cách để moi tiền đàn ông đã có vợ. Cứ bẫy anh ta vào một thế kẹt, vắt máu anh ta đến trắng bệt và khô quắt. Cái đó gọi là bắt bí tống tiền!

 
Chàng bèn đến nhìn vào phòng ngủ lần nữa. Nàng đã biến đâu mất! Gối chăn đã được xếp lại ngay ngắn. Ủa? Cô ả đâu rồi? Hay là đi theo lão Kruhulik ra ngân hàng vét sạch hộp tiền của mình?

 
Ðến trước cửa phòng tắm, chàng thử gọi vào, "Ấy ơi! Ấy có ở trong đấy không?" Tiếng nàng đáp vọng ra, "Em đây! Ðang tắm! Sắp xong rồi! Em ra ngay!"

 
Chàng cười, thở ra cái phào, cười nữa, một tràng giòn giã, "Hay là mình mang cho nàng một cái khăn tắm mới. Nhưng mà không được! Như vậy lại rắc rối nữa! Ðóng cửa phòng ngủ lại và bước trở ra phòng khách, chàng nói, "Eo ơi, nếu có ai bước vào ngay trong lúc này thì họ sẽ nghĩ sao chứ? Nào là bánh mì vị quế nướng đủ cho hai người ăn; nào là một nàng tóc vàng lạ mặt đang tắm trong nhà... Biết sẽ phải phân trần giải thích làm sao đây chứ? Nói tôi thức cả đêm để gói cái mái chèo à?"

 
Vừa trét mứt dâu lên miếng bánh mì cháy đen, chàng chợt giật mình nghĩ "Helen có thể đang đáp chuyến xe lửa sớm để trở về nhà gấp. Vì sao? Vì có người mách với nàng. Chắc gã Kruhulick. Hắn thấy "Cô Gái" với mình đêm qua. Hắn gọi viễn liên cho vợ mình. Hắn kể hết. Nàng đang trên xe lửa. Xe lửa đến rồi. Nàng đang đi taxi về... Nàng sẽ đến đây trong giây phút nữa thôi"... Chàng run rẩy; miếng bánh mì rơi xuống sàn, chàng vẫn tiếp tục trét mứt lên bàn tay không...

 
Ống kính quay sang cánh cửa cái, một tràng đạn nổ, dấu đạn lỗ chỗ, chiếc ổ khóa rơi xuống, Helen tay cầm súng xông vào ngó quanh, "Có con nào đang trong nhà này?" Chàng trong bộ đồ ngủ đứng chắn nơi cửa phòng ngủ:  ------ Không! không! Chẳng phải thế!

 
- Anh nói láo!

 
- Ai nói cho em biết? Lão Kruhulick?

 
- Ðúng! Tôi thuê ông ta theo dõi anh từ mấy tháng nay! Ông ta là thám tử tư. Tôi sẽ bắn anh chết!

 
Richard vừa mếu máo giải thích đầu đuôi vừa đi dần lên cầu thang. Chàng nói, "Helen, em điên rồi!" Helen nổ súng (đạn ở đâu mà nhiều thế!) và chiến thắng hô lên, "Tôi sẽ được ban tặng huy chương! Hội Những Người Vợ Hoa Kỳ sẽ ban huy chương cho tôi!" (vì đã trừ khử được một ông chồng ngoại tình).

 
Tỉnh cơn mơ hoang loạn, Richard căng thẳng tinh thần nên định nhắc ghế leo lên kệ sách lấy chìa khóa để mở hộp đựng thuốc lá. "Cô Gái" tắm xong bước ra, hỏi chàng đang làm gì thế? Lấy chìa khóa mở hộc tủ lấy thuốc lá. Thuốc lá trơ trơ trên bàn kìa! Anh sao thế? Bị vợ bắn năm phát vô lưng và hai phát vô bụng. Nàng đốt cho chàng điếu thuốc và cắm lên môi chàng.

 
Chàng: “Trí tưởng tượng thật kỳ cục. Anh thấy có người thì chân phẳng, có người thì đầu đầy gầu. Anh thấy... “

 
Người đẹp: “Em nghĩ có óc tưởng tượng cũng thú nhỉ.. .Em chẳng biết tưởng tượng gì cả. Thôi anh. Ðừng nghĩ ngợi nhiều nữa.”

 
Chàng: “Anh thấy vợ anh về bắt gặp anh thì làm bữa ăn sáng trong bếp, em thì trong nhà tắm...Bà ta bắn anh.”

 
Nàng: “Gặp trường hợp em, em cũng bắn nếu bắt gặp chồng em trong bếp làm bữa ăn sáng với một cô gái tóc vàng trong buồng tắm.”

 
Chàng: “Em bắn thật sao?”

 
Nàng đưa tay giả làm súng: “Bang! Bang! Bang! Ngay đầu!” Nàng cười lên ha hả giòn tan trước vẻ sợ sệt của chàng, "Ðùa thôi. Ðừng lo anh à."

 
Chàng: “Em nói đúng. Nếu quả thật vợ anh biết chuyện, cùng lắm là nàng sẽ khóc, hoặc giận ném cái gạt tàn thôi. Nếu nàng thấy em trong phòng tắm, nàng sẽ tưởng em là thợ ống nước!”

 
Nàng: “Một cô thợ ống nước tóc vàng?”

 
Chàng: “Dĩ nhiên. Nàng hoàn toàn tin cậy anh.”

 
Nàng: “Chị yêu anh chứ?”

 
Chàng: “Khỏi nói! Nàng yêu anh và lo lắng cho anh nữa. Nếu thấy anh ho, nàng sẽ khuyên anh đừng hút thuốc.”

 
Nàng: “Chị có ghen không?”

 
Chàng: “Có một người chồng xoàng xĩnh sáng xách ô đi tối xách về như anh thì ghen làm quái gì!”

 
Chàng giải thích là vợ chàng hết lòng tin tuởng chàng như thế nào, không nghi ngờ cả vết son trên cổ áo sau một buổi party Giáng Sinh năm nào, vẫn tin rằng đó là vết nước xốt dâu. Chàng nói phụ nữ chắc ai cũng muốn chồng mình đẹp trai như tài tử Gregory Peck. Nàng an ủi và tìm cách khen ngợi chàng cho chàng lên tinh thần: 

 
"Anh tưởng vậy à? Làm sao anh biết một cô gái đẹp muốn gì? Anh tưởng cô nào cũng ngốc cả. Anh nghĩ một cô gái đi party là kiếm anh nào to con lực lưỡng đi nghênh ngang ra vẻ ta đây ai cũng thèm. Rồi các cô phủ phục dưới chân anh ta. Nhưng còn có một anh khác ngồi trong góc phòng, có thể anh ấy nhút nhát, bối rối và đang đổ mồ hôi chút đỉnh. Ban đầu có thể cô gái không để ý, nhưng rồi nghĩ là anh ta thật là đằm thắm và tử tế. Và anh dịu dàng với cô gái. Vậy mới hứng thú. Nếu em là vợ anh, em sẽ ghen vì anh lắm đấy. Em sẽ ghen ơi là ghen! (Nàng hôn chàng) Em nghĩ anh là người vô cùng đáng yêu."

 
Có tiếng người bấm chuông cửa. Nàng bảo chàng hãy ra mở cửa trong khi nàng vào bếp tiếp tục làm bữa ăn sáng.

 
Ðó là Tom McKenzie được Helen nhờ tạt qua nhà mình để lấy giùm cái mái chèo mà Rick bỏ quên. Richard ghen, cứ nghĩ là Helen đã biết mọi chuyện và sai Tom đến đây để yêu cầu chàng ký giấy tờ ly dị. Mặc cho Tom giải thích, Richard không để cho Tom có cơ hội giải thích. Tom nói là Richard mới sáng đã say; anh ta đến đây chỉ để lấy chiếc dầm bơi thuyền. Richard mỉa mai sự làm dáng diêm dúa của Tom, nói rằng Helen yêu chàng và lo cho chàng vì chàng dịu dàng hiền hậu dễ thương. Nóng giận với cơn ghen, chàng tống cho Tom một đấm vào mặt bổ nhào.

 
Nàng bước ra, thấy Tom nằm một đống, tỉnh bơ hỏi ai vậy. Lão Kruhulick nghe tiếng động cũng bước vào xem có chuyện gì, sẵn dịp Richard nhờ lão lôi giùm Tom ra cửa. Lão Kruhulick vừa làm vừa càu nhàu. Chàng quyết định sẽ tự tay đi giao chiếc mái chèo cho con mình rồi sẽ ở lại đó nghỉ hè với vợ con cho hết hai tuần lễ. Chàng đưa chìa khóa nhà mình cho "Cô Gái", xin lỗi nàng là không kịp ở lại cùng ăn sáng với nàng. Nàng tặng chàng một chiếc hôn giã từ đích đáng và nói, "Em muốn nhắn với vợ anh là ..., nhưng anh nhớ đừng xóa vết son này nhé, nếu chị ấy nghĩ đấy là xốt dâu thì anh hãy nói là trong đầu chị có hạt dâu đấy."

 
Nàng cho rằng hãy gợi cho Helen ghen tuông để biết rằng chồng mình cũng bắt mắt đối với phái nữ lắm.

 
Vì vội vã để bắt kịp chuyến xe lửa sớm, chàng quên cả mang giầy. Nàng ném đôi giầy qua cửa sổ cho chàng rồi vẫy tay từ giã trong khi chàng chạy đi với chiếc mái chèo của cậu con trai Rick trong tay./. 

 

 Phan Hạnh.

 

 

No comments:

Post a Comment