Sunday 16 September 2012


Cuộc hành quân giết Osama bin Laden mang tên Geronimo, tại sao?


Các nhà quân sự thường đặt cho mỗi cuộc hành quân hay một chiến dịch một cái tên. Chúng ta đã thường nghe nhắc đến tên cuộc hành quân (Operation) Babylift di tản trẻ Việt Nam mồ côi bằng đường hàng không và  Frequent Wind di tản công dân Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam bằng trực thăng trong những ngày giờ hấp hối của VNCH trước khi Saigon rơi vào tay quân CSBV cuối tháng Tư 1975. Chúng ta cũng nghe biết đến Bão Sa Mạc (Desert Storm) trong cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh (Gulf War) năm 1991 và Chồn Sa Mạc (Desert Fox) khi liên quân Anh Mỹ ném bom Iraq năm 1998.

 
Vào những tháng cuối năm 1947, một cuộc hành quân mang tên Léa của quân đội Pháp (phía Việt Minh gọi là Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông) do tướng Jean-Etienne Valluy chỉ huy với một đơn vị nhảy dù xuống Bắc Kạn và suýt nữa đã bắt được Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp nhưng đã thất bại. Cuộc hành quân mang tên Anthropoid của Anh quốc nhắm mục đích ám sát trùm mật vụ Đức Quốc Xã Reinhard Heydrich trên đường phố thủ đô Prague của Tiệp Khắc gặp may mắn hơn và đã đạt được kết quả mong muốn ngày 27 tháng Năm 1942 giết chết xếp của Gestapo. Nhưng phải công nhận cơ quan Mossad của Do Thái mới đáng gọi là bậc thầy rất chuyên môn và tài tình qua các cuộc hành quân ám sát và tiêu diệt những tay đầu não khủng bố Palestine với hàng mấy chục cú hành quân ngoạn mục và hầu hết đều thành công.


Trở lại điểm chính, chúng ta thấy các danh hiệu mã hóa được dùng đặt tên cho các cuộc hành quân hay chiến dịch như Babylift, Frequent Wind, Desert Storm hay Desert Fox nghe ra còn dễ hiểu, thế còn Geronimo là gì, tại sao không là một danh từ chung như mọi khi, chẳng hạn như Snakehead, Thunderbold, Pettithief hay một cái tên nào khác. Có những báo cáo trái ngược nhau trong các cơ quan truyền thông liên quan đến danh hiệu mã hóa chính thức của sứ mạng triệt hạ trùm khủng bố Osama bin Laden. Khởi thủy và chính thức, cuộc hành quân này được biết đến qua tên gọi Operation Geronimo, nhưng cũng có lúc được né tránh gọi là Neptune’s Spear (Giáo Đinh Ba của Hải Vương Tinh); Jackpot (Lô Độc Đắc, Túi Vàng).


Ai là người trách nhiệm đặt tên Geronimo cho cuộc hành quân vẫn còn là một điều bí mật chưa hề tiết lộ. Các suy đoán cho rằng có thể do Tổng Giám Đốc CIA Leon Panetta hoặc Phó đô đốc William McRaven, tư lệnh bộ Chỉ Huy Chiến Dịch Phối Hợp Đặc Biệt. Quyết định chọn tên của cuộc hành quân vô cùng quan trọng thường được suy tính và cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng. Theo nhà ngôn ngữ học Geoffrey Nunberg của Trung Tâm Nghiên Cứu Xerox Palo Alto và Trường Đại Học Stanford University, tác giả của quyển sách The Way We Talk Now, việc chọn tên cho các cuộc hành quân trong thời Thế Chiến Thứ Hai không gặp phải vấn đề gì. Thủ tướng Anh tự quyền chọn đặt tên Overlord cho cuộc đổ bộ của lực lượng đồng minh lên bờ biển vùng Normandy nước Pháp mà chẳng ai phản đối mặc dù thiếu tính chất thông tin. Nhưng đó chính là ưu điểm để cho phe địch không thể suy đoán được sứ mạng của cuộc hành quân. Nếu sự giải thích này là đúng thì quả thật cho dù các tay quân sư chiến lược gộc của tổ chức al-Quaeda có nghe đến cuộc hành quân tên “Geronimo” cũng chịu thua không biết mục đích của nó là gì. Theo Geoffrey Nunberg, mãi đến cuối thập niên 1980, chính quyền Mỹ mới cẩn trọng hơn trong việc chọn tên các cuộc hành quân sao cho vừa thật có ý nghĩa vừa không bị mọi phía soi mói, nhất là giới truyền thông và đối phương.


Đặt cho cuộc hành quân này cái tên Geronimo thì rất xứng hợp và danh chánh ngôn thuận, nhưng dùng từ mã Geronimo để ám chỉ mục tiêu của cuộc hành quân là Osama bin Laden sau khi hắn ta đã bị bắt sống hoặc đã bị giết chết mới là điều gây nên tranh luận và phản đối. Giáo đinh ba của Hải Vương Tinh là hình vẽ trên huy hiệu của lực lượng tác chiến đặc nhiệm của Hải quân Hoa Kỳ, với ba ngạnh của chiếc đinh ba tượng trưng cho năng lực hoạt động của SEAL (viết tắt của ba chữ Sea, Air và Land = trên không, dưới biển và trên mặt đất) Ban tham mưu Hoa Kỳ tại Ngũ Giác Đài chọn tên Neptune’s Spear cho cuộc hành quân nhưng rồi lại sợ tên này gợi lên tưởng đến toán đặc nhiệm Biệt Hải SEAL và mục đích của nó có thể bị suy đoán. Jackpot gợi ý đến sự trúng mánh hốt bạc: trúng lô độc đắc, hốt hũ vàng. Mà chính phủ Mỹ từng treo giải thưởng năm chục triệu đô xanh cho mạng sống Osama bin Laden, nếu dùng chữ Jackpot đặt tên cho cuộc hành quân này e sẽ bị đoán ra mất.


Các nhà chiến lược bèn nghĩ đến lời kêu gọi của George W Bush. Khi còn là tổng thống và tổng tư lệnh quân lực Mỹ, ông thường nhắc tới nhóm chữ “dead or alive” mỗi khi nhắc tới Osama bin Laden, diễn nôm là “bắt sống hắn được thì tốt, bằng không giết hắn chết cũng tốt thôi”. Mà nhóm chữ “dead or alive” có từ thời khai hoang miền viễn Tây, từng được dùng để in trên bích chương truy nã hay bố cáo treo giải thưởng cho những ai bắt sống hay giết chết Geronimo, một tay du kích da đỏ vô cùng lì lợm và nguy hiểm trong con mắt nhìn của người Mỹ trắng lúc bấy giờ.


Một sự tương đồng khác là yếu tố địa thế. Vùng Tora Bora ở A Phú Hãn với nhiều hang động kín đáo khuất lấp tầm phát hiện của vệ tinh và radar là nơi Osama bin Laden ẩn trú trong nhiều năm mà ngay cả bom tinh khôn của khoa học gia Dương Nguyệt Ánh góp phần chế tạo cũng không len lỏi vào được. Cách Tora Bora xa hàng ngàn dặm và cách gần hai thế kỷ trước là vùng núi non trùng điệp Sierra Madre, nơi người chiến binh thổ dân da đỏ Geronimo đã tài tình đánh xong rồi biến mất trong nhiều năm trời gây khốn đốn cho những toán kỵ binh Mỹ.


Cái tên Geronimo mãi nhắc nhớ người thủ lãnh Mỹ châu da đỏ của bộ lạc Apache Chiricahua, người nổi tiếng đã chống lại chính quyền Mễ lẫn Mỹ và đã tài tình lẫn trốn để khỏi bị bắt hoặc bị giết và đã trở thành huyền thoại được nhiều người Mỹ ngưỡng mộ. Toán biệt kích SEAL hành quân có trang bị tối tân với camera gắn trên nón sắt và máy liên lạc truyền tin gắn bên tai. Tín hiệu truyền lên trạm vệ tinh xong từ đó truyền về trung tâm hành quân ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Sau khi Osama bin Laden đã bị loại ra khỏi vòng chiến, một thành viên trong Toán Sáu của SEAL tham dự cuộc hành quân trên đã báo cáo qua máy truyền tin về bộ chỉ huy như sau: “Geronimo EKIA!”  EKIA là viết tắt của bốn chữ Enemy Killed In Action. Do đó, “Geronimo EKIA” có nghĩa là “kẻ thù Osama bin Laden đã bị giết lúc giao tranh”.


"Geronimo, EKIA." Kẻ thù Geronimo bị thanh toán tại trận rồi! Đáng nói là chỗ nầy. Câu nói ám hiệu loan tin mừng đó bắt nghĩ đến một sự so sánh. Một là “thằng đi tới đi lui”, có chắp tay sau đít không thì không biết vì bờ tường cao quá. Hai là “thằng ngáp” là cái tên cha sinh mẹ đẻ của Geronimo. Cho dù vì bất cứ lý do nào người ta đặt ra tên mã đó, kể từ nay mãi mãi tên của một nhân vật tù trưởng thổ dân Mỹ can trường được kính trọng trong lịch sử bị đồng hóa với một tay đầu não trùm khủng bố của thế giới. Dân tộc bản địa từ trên khắp Hoa Kỳ, bao gồm cả hậu duệ của Geronimo và cư dân khu tự trị Onondaga gần Syracuse cực lực phản đối sự dính líu nhập nhằng này. "Hãy nghĩ xem sự phản đối còn kịch liệt đến đâu nữa nếu họ lôi tên những anh hùng của những bộ tộc khác", một thông báo của Hội đồng các tù trưởng Onondaga viết. Trải qua vài thế kỷ, thổ dân bản địa của Hoa Kỳ thường được mô tả là man rợ và khủng bố. Đúng, Geronimo là một chiến binh hung dữ và tàn nhẫn, nhưng ông đã chiến đấu để bảo vệ quê hương của mình chống lại Mexico và Hoa Kỳ muốn thuộc địa hóa hoặc tiêu diệt dân tộc họ.


Một số người Mỹ gốc da đỏ đã lên tiếng phản đối việc sử dụng tên Geronimo trong bối cảnh này vì nó vô tình đồng nghĩa với việc cho rằng thổ dân da đỏ là kẻ thù của Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo của một số bộ lạc thổ dân da đỏ người Mỹ đã khẩn cầu Tổng thống Obama thay đổi hồi tố tên mã quân sự mà lực lượng SEAL đã dùng cho cuộc hành quân giết chết Osama bin Laden. Một ủy ban đặc biệt của Thượng nghị viện Hoa Kỳ cũng đang nhóm họp để bàn thảo về vấn đề này.


Có thể nói rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết một cách xác đáng lý do tại sao các chiến lược gia dân sự và quân sự Mỹ, những người hoạch định kế hoạch cho cuộc hành quân, đã chọn tên mã "Geronimo" cho sứ mạng tối mật tấn công nơi trú ẩn của Osama bin Laden để bắt sống hoặc giết chết tay trùm khủng bố này. Cần lưu ý là kế hoạch tìm kẻ chủ mưu vụ tấn công 9/11 đã bắt đầu ngay kể từ gần mười năm trước ngay sau khi hai tòa cao ốc Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới bị phi cơ lao vào làm sụp đổ.


Phải chăng vì kẻ đáng bị truy tầm quan trọng bậc nhất thế giới này cũng đã tài tình luôn thoát khỏi mạng lưới vây bũa và khó bắt giống như nhân vật thổ dân da đỏ Geronimo trong thời kỳ Hoa Kỳ chinh phục miền Tây để mở mang bờ cõi không? Vị lãnh tụ bộ lạc Apache trong thế kỷ 19 được cho là có khả năng tàng hình vì có thể đi bộ mà không để lại dấu chân khi ông du hành qua các hang động và lối mòn ngoắc nghéo của dãy núi Sierra Madre. Tương tự như vậy, dấu tích của Osama bin Laden cũng bốc hơi vào thinh không năm 2002 chung quanh các hang động của vùng Tora Bora ở A Phú Hãn suốt một thời gian tám năm dài trước khi xuất hiện trở lại.


Hoặc có thể vì qua cuộc đột kích trước khi trời sáng tại Abbottabad, Pakistan, cái tên Geronimo đó nói lên được tính chất táo bạo đến nỗi mượn tiếng hô vang của những người lính nhảy dù khi họ tung mình ra khỏi phi cơ để lao vào cõi vô định hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Họ hô to từng mẫu tự  của chữ “G-E-R-O-N-I-M-O” để thay cho tiếng đếm để lấy nghị lực và lòng quả cảm. Điều đó hoàn toàn chấp nhận được. Điều đó làm sống lại truyền thống hào hùng của những người cao bồi tiên phong đi khai phá đất đai miền Viễn Tây luôn gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của thổ dân da đỏ. Lối nghĩ chủ quan một chiều cho rằng cao bồi là phe chính nghĩa và thổ dân da đỏ là kẻ thù cần phải tiêu diệt vẫn còn tồn tại trong đầu óc một phần không nhỏ dân chúng Mỹ cho đến ngày nay. Tất nhiên, những giải thích đơn giản nhất để gọi Geronimo là tên “mọi” da đỏ khủng bố dám cả gan chống những chàng cao bồi đã sâu sắc gắn liền vào tâm lý quốc gia của người Mỹ. Người tốt  luôn là những chàng cao bồi và kẻ xấu luôn là “mọi” thổ dân.


Nhưng sự so sánh và gán ghép tên của vị anh hùng thổ dân da đỏ bộ lạc Chiricahua Apache trong thế kỷ 19 với trùm khủng bố Osama bin Laden là một sự lựa chọn thiếu tế nhị và không khôn khéo; hậu quả của nó đưa đến nhiều tranh cãi và phản đối. Tranh cãi vì chẳng lẽ xem Osama bin Laden như một chiến binh vĩ đại đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Phản đối vì chẳng lẽ xem vị anh hùng dân tộc bản địa Bắc Mỹ như là một tên khủng bố. Đàng nào cũng khó được chấp nhận.


Geronimo sinh ngày 16 tháng Sáu, năm 1829 ở vùng đất nguyên là tiểu bang New Mexico ngày nay. Tên gọi theo thổ âm người da đỏ là Goyahkla do cha mẹ đặt, có nghĩa là “đứa ngáp”, chắc tại vì đứa bé sau khi sinh ra hay ngáp tối ngày. Như chúng ta biết, người da đỏ có thói quen và tập tục đặt tên khá nôm na và tượng hình gắn liền với những quan sát sự vật cụ thể, chẳng hạn như mặt trời chói lọi, mặt trăng sáng, hạt sương, gió lớn, cây có nhựa ngọt, cỏ lau, chim ưng, gấu đen, ngựa hung hăng. Đứa bé da đỏ hay ngáp Goyahkla thuộc bộ lạc Bedonkohe của tộc Apache, chào đời gần địa danh Turkey Creek, một nhánh của sông Gila trên vùng đất lúc bấy giờ vẫn còn thuộc Mễ. Ông nội của Goyahkla là tù trưởng của bộ tộc Bedonkohe Apache luôn muốn bảo vệ đất sống và chống lại kẻ xâm lấn.


Goyahkla được cha mẹ nuôi dạy theo đúng truyền thống của người thổ dân da đỏ Apache. Khi cha mất, Goyahkla được mẹ giao cho người Chihenne vẽ mặt đỏ dạy dỗ. Goyahkla lấy vợ năm 17 tuổi và có 3 người con. Ngày 6 tháng Ba năm 1858, một tiểu đoàn xuất phát từ Sonora gồm bốn trăm lính Mễ dưới quyền chỉ huy của đại tá José María Carrasco tấn công bất ngờ doanh trại của Goyahkla trong lúc Goyahkla và một số trai tráng đang vắng mặt vì bận đi trao đổi buôn bán nơi phố thị. Trong số nạn nhân bị quân Mễ thảm sát có mẹ, vợ và ba đứa con của Goyahkla. Quá đau đớn và căm hận quân Mễ đã giết chết cả gia đình mình, Goyahkla thề nguyền quyết tâm trả thù. Trong một trận đánh, bất chấp những loạt đạn bắn tới tấp của quân Mễ, Goyahkla cầm dao xông lên lao vào kẻ thù. Quân Mễ trong lúc quá kinh hãi đã kêu để cầu cứu tên thánh bổn mạng của họ “Geronimo! Geronimo!” tức Saint Jerome trong Anh ngữ. Người Mỹ từ đó trở đi gọi Goyahkla bằng cái tên mới Geronimo nghe có vẻ anh hùng hơn là tên Thằng Ngáp.


Từ năm 1858 cho đến năm 1886, Geronimo tham gia nhiều cuộc tấn công trả thù những người Mexico và sau đó là chống lại Hoa Kỳ. Ông trở thành nổi tiếng với những kỳ công dũng cảm và táo bạo và được tôn kính như một chiến binh với sức mạnh tinh thần. Năm 1835, chính phủ Mễ treo giải thưởng lên những chiếc đầu của các thủ lãnh da đỏ. Hai năm sau, vị tù trưởng Mangas Coloradas với tên thổ dân là Dasoda-hae (có nghĩa là hai cánh tay áo màu đỏ) trở thành thủ lãnh da đỏ chính mở hàng loạt các cuộc đột kích trả đũa vô cùng tàn bạo chống lại quân Mễ. Hầu như không còn làng mạc nào của Mễ được xem là an toàn nữa. Geronimo từ đó được xem như là biểu tượng của sức đề kháng, là dũng sĩ thời đại chống lại sự bội ước của những người da trắng. Geronimo đã từ chối không chịu khuất phục giam mình trong vùng định cư chỉ định dành riêng cho thổ dân (reservations ở Mỹ và reserves ở Canada) như các thủ lãnh bộ lạc khác.

 
Trong những năm của thập niên 1860, sự tìm thấy vàng ở miền Tây đã khiến chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Mễ Tây Cơ xúc tiến một cách nhanh chóng và mạnh mẽ công cuộc đánh đuổi người da đỏ để chiếm đất của họ. Geronimo trở thành một nhà lãnh đạo chiến tranh vĩ đại, một biểu tượng của sức đề kháng chống lại sự chiếm đóng của người da trắng. Đội quân nhỏ gồm các chiến binh da đỏ gan dạ do ông chỉ huy đã mở các cuộc đột kích táo bạo vào các khu định cư ở Arizona và tấn công các đơn vị quân đội Mỹ. Trong bức ảnh nổi tiếng nhất của ông chụp năm 1887, ông trừng mắt nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh một cách thách thức, tay nắm chặt một khẩu súng trường.  Đó chính là người chiến binh dũng cảm cầm đầu nhóm dũng sĩ da đỏ Apache cuối cùng chiến đấu chống trả những đạo quân Mỹ trắng.


Giới chỉ huy quân sự Hoa Kỳ thời bấy giờ vừa căm ghét Geronimo đã nhiều phen gây tổn thất cho binh sĩ họ nhưng cũng vừa nể sợ. Họ xem Geronimo là một kẻ thù nguy hiểm cần loại bỏ sống hay chết. Có lúc lực lượng hành quân truy lùng Geronimo lên đến năm ngàn quân, tương đương với lực lượng quân Mỹ truy lùng Osama bin Laden ở A Phú Hãn. Trong thời gian hơn một thập niên, Geronimo nhiều lần quay trở lại khu định cư do chính phủ Mỹ chỉ định cho bộ lạc để tuyển mộ thêm kháng chiến quân và rồi dẫn họ biến dạng vào núi rừng Madres Sierra trùng điệp. Bị truy kích, họ thường để lại vết máu. Sau cùng, do sự dẫn đường và chỉ điểm của một thổ dân Apache, quân đội Mỹ đã tìm thấy Geronimo năm 1886. Cuộc chiến tranh da đỏ kết thúc sau nhiều năm chỉ khi Geronimo đã thỏa thuận hòa bình với tướng Nelson Miles chỉ huy quân đội Mỹ, người đã thất bại trong việc triệt hạ Geranimo bằng phương tiện quân sự. Người Mỹ đã dẫn dụ Geranimo ra qui hàng và giam lỏng ông cho đến chết.


Sự kết thúc suy tàn của Geronimo là một điều sỉ nhục của những hứa hẹn không giữ lời, những cam kết không tuân hành. Geronimo không bị ám sát như Osama bin Laden nhưng sau khi ra hàng có điều kiện, ông bị cầm tù và không bao giờ được trở về nguyên quán. Theo kết quả của sự xét lại các văn bản lịch sử từ những năm 1960, thế hệ người Mỹ trẻ, như Tổng thống Obama chẳng hạn, chắc chắn phải nhận thức được rằng hành động cư xử của quân đội Mỹ chống lại người da đỏ như Geronimo trong quá khứ không danh dự gì cho lắm. Geronimo và dân tộc của ông đã bị cưỡng bức phải di cư từ nơi này qua nơi khác nhiều lần, hết Florida đến Alabama và kết thúc ở Oklahoma. Geronimo không bị giết chết trên chiến địa hay trong căn nhà ẩn trú an toàn; ông  chết vì bị sưng phổi sau khi té ngựa trên đường vắng và nằm suốt đêm giữa trời sương lạnh. Trong giờ phút hấp hối trước mặt thân nhân, ông lấy làm hối tiếc đã mắc lừa nghe theo lời chiêu dụ ra hàng với những lời hứa hẹn bị bỏ lơ của chính phủ Mỹ. Sau khi từ trần ngày 17 tháng Hai năm 1909, ông được chôn trong vòng rào của Fort Sill, một căn cứ quân sự Mỹ, vì trên giấy tờ chính thức, ông vẫn còn bị xem là một tù binh của quân đội Mỹ.


Từ những năm của thập niên 1960 trở đi, hình ảnh “bad guy” của thổ dân da đỏ người Mỹ mới được xóa bỏ trong các phim ảnh do Hollywood thực hiện và bắt đầu thể hiện tinh thần chiến đấu can trường của họ. Năm 1993, cuốn phim “Geronimo: An American Legend” với sự có mặt của các diễn viên Gene Hackman, Robert Duvall và Wes Studi (trong vai Geronimo) nói lên sự thành công của một nhóm nhỏ chiến binh da đỏ quyết tâm chống lại sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ.

Người Mỹ ngày nay có cái nhìn tốt đẹp hơn dành cho Geronimo. Tiểu đoàn 501 và Tiểu đoàn 509 của Lữ đoàn Bộ binh Nhảy dù vẫn còn dùng chữ Geronimo làm biệt danh của họ.


Một số nhà phân tích đã bình luận rằng chính quyền Mỹ đã phạm lỗi lầm khi đặt tên cho cuộc hành quân diệt Osama Bin Laden vừa qua. Geronimo nổi tiếng khi tuyên bố ông không phải là một tù trưởng cũng không phải là một nhà lãnh đạo chính trị mà là một nhà lãnh đạo quân sự, một chiến binh. Geronimo đích thân hiên ngang trực diện chiến đấu với đối phương nơi chiến trường. Không thể nói như vậy cho trường hợp của Osama bin Laden là một kẻ gieo rắc khủng bố giết hại cả người dân vô tội với vũ khí hủy diệt mạnh hơn và bừa bãi hơn rất nhiều so với Geronimo. Osama bin Laden hành động như một tay chủ mưu trốn kỹ ở một nơi bí mật an toàn chỉ huy thuộc hạ xông pha vào chỗ hiểm nguy và cái chết. Geronimo chỉ chiến đấu và giết quân lính võ trang đầy đủ hơn trong khi Osama bin Laden dùng phương tiện khủng bố giết hại thường dân vô tội.


Thật đúng khi Geronimo nói rằng ông không phải là một tù trưởng mà là một người chỉ huy quân sự. Thuộc tộc Apache Chiricahua, ông là một trong số ít người có khả năng tâm linh như thần giao cách cảm (telepathy), truyền thần (psychokinesis) và quyền lực đặc biệt. Một trong số đó là khả năng đi mà không để lại dấu chân và khả năng sống sót dù bị trúng đạn bắn bởi súng lục hoặc súng trường. Geronimo bị thương rất nhiều lần bởi các loại súng trên nhưng vẫn sống sót. Những thanh niên da đỏ Apache tự nguyện đi theo ông được chứng kiến tận mắt và đã cung cấp lời khai với các điều tra viên người Mỹ. Họ cho biết rằng đó là lý do chính tại sao rất nhiều người đã theo ông ta. Họ nghĩ rằng Geronimo nhận được sự che chở bảo vệ bởi "Usen" tức vị cao thần Apache. Quyền lực của Geronimo được xem là tuyệt vời như vậy cho nên những chiến binh theo ông muốn được tự tay ông vẽ mặt cho họ  để họ cũng nhận được hiệu quả bảo vệ.

 
Mặc dù với lực lượng chiến binh ít hơn, Geronimo chiến đấu chống lại thắng lợi cả hai quân đội Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ. Trong thời gian suốt gần ba thập niên từ 1858 đến 1886, Geronimo bị thương, bị bắt không biết bao nhiêu lần nhưng lại thoát. Một trong những lần thoát hiểm ngoạn mục như truyền thuyết đã diễn ra ở dãy núi Robledo của phía tây nam New Mexico. Truyền thuyết cho rằng Geronimo và nhóm chiến binh da đỏ theo ông chạy vào một hang động và các binh sĩ Mỹ đã phục chờ bên ngoài miệng hang. Họ chờ hoài chờ mãi mà chẳng hề thấy Geronimo đi ra. Sau đó họ được báo tin rằng Geronimo đang xuất hiện trong một khu vực gần đó. Đạo quân Mỹ lục soát nhưng chẳng thấy hang này có lối vào nào khác. Hang động đó vẫn còn được gọi là hang Geronimo cho đến ngày nay.

 
Trong suốt sự nghiệp của mình như là một cấp chỉ huy các chiến binh, Geronimo nổi tiếng vì đã liên tục và bền bĩ mở ra các cuộc tấn công táo bạo trên một địa bàn hoạt động rộng lớn khắp các tiểu bang Arizona, New Mexico, và miền tây Texas.

Một sự trùng hợp là cũng giống như Osama bin Laden, Geronimo cũng lần lượt có năm vợ là Chee-hash-kish, Nana-tha-thtith, Zi-yeh, She-gha và Ih-tedda. Vài bà vợ gồm có bà sau cùng Ih-tedda cũng bị quân Mỹ bắt. Sau đó ông còn lấy một bà vợ khác là Azul. Khi ra đầu hàng, Geronimo dẫn theo một nhóm nhỏ tổng cộng 36 người gồm đủ mọi thành phần đàn ông, đàn bà và trẻ em. Họ đã ẩn trốn hàng ngàn binh sĩ Mexico và Mỹ trong hơn một năm.


Đầu tháng Chín năm 1886, tướng Nelson A. Miles ban lệnh cho Đại úy Henry Lawton và Trung úy Charles B. Gatewood dẫn một đại đội kỵ binh từ đồn binh Ft. Huachuca đi bắt Geronimo. Nhờ biết nói và hiểu một phần nào thổ âm và phong tục tập quán của người da đỏ Apache, biết tôn trọng truyền thống danh dự của họ, Trung úy Charles B. Gatewood là người có công điều đình và thuyết phục Geronimo chịu buông súng và ra hàng phục. Đại úy Henry Lawton thì có công rượt đuổi đám người của Geronimo liên tục trong mấy ngày liền khiến họ không có một chút thì giờ nào để dừng quân, bị thấm mệt kiệt sức phải đầu hàng tại Skeleton Canyon, Arizona.

 
Khi ra hàng, Geronimo có một khẩu súng trường Winchester mẫu1876 và một khẩu súng lục nòng màu bạc có số danh bộ 109450 hiện được lưu giữ tại Học viện Quân sự West Point. Ngoài ra Geronimo còn một khẩu súng lục nữa với bá súng bằng ngà mang số danh bộ 89524 và một con dao găm Sheffield Bowie rất đẹp. Các món vũ khí này được lưu giữ ở phòng bảo tàng của Fort Sill. Có nhiều tranh luận về những điều kiện khiến cho Geronimo ưng thuận ra hàng. Người thì bảo Geronimo là một kẻ vốn đã bị đặt ngoài vòng pháp luật nên khi ra hàng không điều kiện. Hàng binh chiến tranh Geronimo bị giam giữ tại Fort Pickens, in Pensacola, Florida trong khi gia đình ông ta bị giam riêng ở Fort Marion cho đến tháng Năm năm sau (1887) mới được đoàn tụ và cùng được chuyển đến doanh trại Mount Vernon bang Alabama giam giữ trong bảy năm. Đến năm 1894, họ lại được di chuyển một lần nữa đến căn cứ quân đội Fort Sill, Oklahoma.

 
Trong những năm tháng của tuổi già khi cuộc đời đã về chiều, Geronimo trở thành một người nổi tiếng trước công chúng. Chính phủ Mỹ cho ông xuất hiện trong các cuộc hội hè gồm cả Hội Chợ Thế Giới tổ chức năm 1904 ở St. Louis, Missouri. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ ngăn cấm không cho phép Geronimo được trở về nguyên quán New Mexico. Ông được mời tham dự cưỡi ngựa đi trong đoàn diễn hành trong dịp lễ nhậm chức của tổng thống Theodore Roosevelt năm 1905.


Cũng trong năm đó, Geronimo đồng ý kể lại chuyện đời mình cho S. M. Barrett, Trưởng Sở Giáo Dục ở Lawton, Oklahoma. Barrett phải khẩn cầu đến tổng thống Roosevelt để được phép phát hành quyển sách. Geronimo đến với mỗi buổi phỏng vấn biết trước đích xác những gì cần nói và từ chối sửa đổi lời kể của mình và cũng từ chối luôn không chịu trả lời những câu hỏi vặn vẹo. Barrett phỏng vấn qua sự phiên dịch của Asa Daklugie. Một người khác tên Frederick Turner hiệu đính lại và viết lời giới thiệu cho giới đọc giả không phải là thổ dân da đỏ.


Rồi đây sẽ có sách hoặc phim nói về cuộc đời của Osama bin Laden, “the pacer”, đứa đi qua đi lại, cũng như điều này đã xảy ra đối với Geronimo tức Goyahkla tức “đứa ngáp”. Chính phủ Mỹ tiết kiệm được 50 triệu đô xanh tiền thưởng vì công lao tìm ra và giết chết tay trùm khủng bố là do người nhà cả. Sự trục trặc kỹ thuật làm thiệt hại mất chiếc trực thăng trị giá 60 triệu trong cuộc hành quân Geronimo là chuyện nhỏ. Cứ xem phản ứng reo hò vui mừng của hàng triệu người Mỹ ở Washington, New York, và hầu như mọi nơi khác cũng đủ biết, tất cả chỉ vì cái gã đi qua đi lại đó đã nằm xuống vĩnh viễn.


Phan Hạnh.

No comments:

Post a Comment