Sunday 23 September 2012

Nhà Ngoại Cảm (Tạp luận)


 

Nhà Ngoại Cảm

 

Lần đầu tiên nghe nói đến nhóm chữ nhà ngoại cảm, thú thật là tôi chỉ đoán hiểu lơ mơ ý nghĩa của nó. Tôi hỏi các con tôi, tất cả đều ngoài ba mươi tuổi cả rồi, thử xem trình độ hiểu biết tiếng mẹ đẻ của chúng tới đâu, thì một đứa dám trả lời rằng  đó có nghĩa là người đi ra ngoài mà mặc không đủ ấm nên trúng gió và bị cảm; đứa kia còn hùng dũng nói rằng nhà bên ngoại bị cảm còn nhà bên nội thì không. Vâng, cha con gì cũng dốt hết, dốt thật sự vì không đọc báo ở quê nhà thường xuyên.

Nhưng dốt không có gì đáng xấu hổ cả; tôi muốn tìm một cái cột để dựa và nghe nhưng rất tiếc căn nhà tôi ở không có một cây cột nào làm thuốc, tai tôi lại điếc có lựa chọn, không muốn nghe những đều không đáng nghe. Tôi đi kiếm tài liệu mà đọc. Không biết thì tìm hiểu cho biết, thế thôi. Chừng đọc tài liệu rồi, hóa ra chúng tôi sai nặng. Dạ thưa, ngoại cảm là giao cảm với cõi ngoài của thế giới này, là nói chuyện với ma, với hồn người chết đấy ạ (Xin lỗi, tôi bị mắc cái tật hay nói chuyện một mình, nhiều khi vợ hỏi “Anh nói gì?”, tôi giật mình đáp, “À không, anh không có nói gì hết.” Vợ ban cho tôi một cái nhìn là lạ). Vậy mà sách Luận Ngữ của Trung Hoa bảo là tuổi năm mươi thì biết mệnh trời, tuổi sáu mươi thì nghe gì cũng hợp với cái lỗ tai hết, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận. Tôi đã quá cái tuổi đó rồi mà vẫn còn khờ dại, một sự dại khờ không tuổi tác, càng già càng khờ thêm.

Hôm đi dự lễ chào cờ ở Tòa Thị Chính Toronto năm nay, tôi gặp một anh bạn. Nếu bảo là bạn cũng không đúng lắm, vì năm khi mười họa tôi mới gặp anh ta một lần. Phải gọi đó là một người quen, lâu lâu tình cờ gặp mặt nhau ở một địa điểm công cộng, hai cái mặt mẹt mỗi lần thấy nhau dường như có xấu thêm một chút, tuy làm biếng đi chùa thắp nhang niệm Phật mà không hiểu sao mặt mày cũng bị dính tàn nhang, làm người là lại có da của con đồi mồi. "Trời ơi! Tôi kiếm anh gần chết!", lần nào anh bạn trật búa cũng hăng hái bắt tay tôi mừng rỡ và nói như thế. Anh hỏi han huyên thuyên ba điều bốn chuyện, kể lể anh bận rộn đi đây đi đó như thế nào chừng năm phút, xong! Anh biến! Cái vòng lẩn quẩn đó sẽ được tái diễn một cách trang trọng và hăng say lần tới khi anh gặp tôi!

Ðiều mà tôi lấy làm thắc mắc là...tại sao lúc nào anh cũng nói anh kiếm tôi gần chết trong khi anh đã có số điện thoại của tôi, địa chỉ email của tôi, và nhà tôi chỉ cách nhà anh chỉ có mấy cây số trong thành phố này?

Tôi lo lắm. Anh nói anh kiếm tôi gần chết nhưng tôi không biết là anh muốn nói ai gần chết. Anh hay tôi? Có lẽ cả hai, vì chúng tôi cũng già cả rồi, số tuổi còn lại có thể đếm trên các đầu ngón tay, nếu may ra thì thêm vài đầu ngón chân nữa. Biết mình gần chết, tôi muốn biết xem khi chết rồi nó ra làm sao để mà chuẩn bị tinh thần. Tôi bèn đi hỏi người đã có kinh nghiệm chết. Dạ vâng, tôi đi hỏi những người đã chết rồi. Tôi muốn làm người/nhà/thằng cha/ông già ngoại cảm.

Chuyện nầy không khó lắm đâu. Nhiều người đã làm rồi. Như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trong nước danh tiếng nổi như cồn Rồng, cồn Phụng chỗ ông Ðạo Dừa từng ngồi tu giữa giòng Tiền Giang đục ngầu phù sa của quê tôi ở Mỹ Tho trong thập niên 60. Phan Thị Bích Hằng đã trở thành một hiện tượng gây nhiều tranh cãi rộng rãi trên các diễn đàn truyền thông. Người tin thì xác quyết cho rằng nhà ngoại cảm này có khả năng siêu nhiên có thể tiếp xúc với hồn ma, phần lớn là trong công việc tìm ra địa điểm vùi dập xương cốt người chết. Thành tích của Bích Hằng trong mười bảy năm hành nghề là đã tìm được trên tám ngàn hài cốt "liệt sĩ" và hơn một ngàn hài cốt khác của bà con "bị thất lạc mộ phần".

Con người cộng sản vốn từng được biết là vô thần ngày nay bỗng dừng lại trên con đường duy vật, tay chống cằm trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi thực hiện một động tác cơ bản thao diễn, giậm chân tại chỗ rồi quay 180 độ (“Ðàng sau...Quay!” như tiếng hô lớn của trưởng toán quốc quân kỳ Lê Minh Tuấn trong buổi lễ chào cờ); hiện tượng người người thi đua tiếp xúc với người cõi âm rầm rộ phát triển trên cả nước, kể cả các ngài đảng viên cấp lớn, các ngài trong giới trí thức khoa bảng, các ngài nghiên cứu khoa học. Kỹ nghệ làm nhang và đồ vàng bạc tăng vọt; tiền giả hình ông Hồ được mang ra đốt tưng bừng và gây thêm ô nhiễm nặng nề cho bầu khí quyển, nhiều người ra đường là bịt mặt dễ gây ngộ nhận lắm, tưởng người quen mà không phải.

Bích Hằng cho biết có lần đã phải bật khóc khi trông thấy hàng trăm hương linh trong đó có cả cụ già, trẻ em, phụ nữ, người cụt cả chân tay, đui mù, tàn tật dắt dìu nhau đi từng đoàn như "kìa trong bóng chiều...một đoàn quân (ma) thấp thoáng..." Họ là ai? Phải chăng là nạn nhân của Cộng quân pháo kích bừa bãi vào đoàn dân chạy loạn trên Quốc lộ 1 để tạo thành một đại lộ kinh hoàng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn, có người hỏi những hương linh mà Bích Hằng đã từng gặp (trên 8.000 hương linh) là ai, và đương sự có bao giờ thấy địa ngục của người cõi âm chưa, Bích Hằng đáp rằng cô chưa thấy địa ngục của người cõi âm bao giờ, nhưng đã thấy rất nhiều các hương linh đau khổ vì nói không được do họ luôn bị canh giữ. Cô kể một trường hợp điển hình trong một chuyến đi tìm mộ liệt sĩ, “...Khi đi ngang qua làng Thành Mỹ, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, tôi trông thấy một hương hồn thanh niên đầu cạo trọc, anh ấy muốn nhắn gởi tôi điều gì nhưng không nói được, bởi sau lưng anh có 2 bóng đen luôn ngăn cản không cho anh nói. Bên cạnh mộ anh thanh niên này, còn có mộ của một cụ già bê bết máu, cụ khóc và nhờ tôi nhắn với người thân hãy làm nhiều điều phước thiện mà cầu xin cho con trai, nó đang bị quỷ sứ canh giữ khổ sở lắm, hỏi ra mới biết cậu con trai đã giết cha và sau đó bị tử hình, hai cha con chôn chung một chỗ.”

Cô bảo cô chưa thấy địa ngục bao giờ, nhưng lại có “thấy rất nhiều hương linh đau khổ, nói không được vì luôn bị canh giữ”, bởi “có 2 bóng đen ngăn cản không cho anh nói” và “nó đang bị quỷ sứ canh giữ khổ sở lắm”. Những chi tiết cô tả đó, cô bảo không phải là địa ngục, thế thì chắc là cõi trần gian của Việt Nam cộng sản xã hội chủ nghĩa với người dân bị công an bịt miệng (như hình ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an bịt miệng trước tòa) và những nhân vật đối kháng bị “quỷ sứ” công an theo dõi ngày đêm (như trường hợp những người hiện đang tranh đấu cho dân chủ trong nước).

Trong một bài viết với tựa đề Chuyện Việt Nam: Giấc Mơ Ngoại Cảm (Việt Báo Thứ Tư, 5/9/2007, 12:02:00 AM), tác giả Phan bày tỏ sự hoài nghi rằng tại sao hiện tượng ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chỉ xảy ra và linh nghiệm ở miền Bắc. Phan viết:“Nam Mô A Di Đà Phật. Miền Nam của con chưa sứt mẻ tâm linh! Từ cái nhìn khách quan từ hải ngoại nhìn về quê cũ. Tôi theo dõi những bài viết của thầy Đoàn Dự viết về nhà ngoại cảm Phan thị bích Hằng. Nếu bảo là mỉa mai thì tôi đã gọi là "Bà thầy chó cắn". Vì cô ấy bị chó dại cắn mà không chết, sau đó mới có khả năng siêu phàm. Tôi không có ý chống đối, đả kích gì về cá nhân và biệt tài của cô Bích Hằng. Thậm chí tôi còn có lời chúc mừng cô ấy đã thoát chết trong một lần thập tử nhất sinh. Nói tóm tắt về việc này cho bạn đọc rõ: Cô Bích Hằng cùng người bạn học bị chó cắn. Sau đó, bạn cô chết thì mọi người mới biết con chó cắn họ bị bệnh dại (chó điên). Cô Bích Hằng cũng bắt đầu triệu chứng của người bị chó dại cắn, nhưng phước cả đức dầy, may mắn qua được. Từ đó cô có khả năng thấy và tiếp xúc được với những người đã khuất. Vận dụng khả năng siêu phàm đó, cô Bích Hằng giúp cho nhiều người khác đi tìm mồ mả những người thân đã chết trong chiến tranh. Cụ thể là cô giúp giáo sư Trần Phương (tên thật là: Vũ văn Dung, 81 tuổi, tiến sĩ kinh tế, nguyên Phó thủ tướng tại Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại Học Kinh Tế và Công Nghệ Hà Nội) đi tìm hài cốt người em gái của ông tên Vũ thị Kính (bí danh trong kháng chiến chống Pháp là Trần thị Khang, mất trong chiến tranh đã hơn 50 năm.) Cuộc tìm kiếm đã đạt được kết qủa mỹ mãn và không thiếu ly kỳ.”

Một người khác sống trong nước giải thích, “Bạn hãy hình dung thế này: một nhà ngoại cảm chuyên về lên đồng, thường xuyên tiếp xúc với thế giới cõi âm, một hôm bỗng nhiên bị vong hồn Bác Hồ về nhập, và Bác Hồ sẽ nói:“Bác Hồ thành tâm sám hối cùng các cháu vì Bác đã đưa Chủ Nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam, làm giết chóc quá nhiều, và đã gây quá nhiều tội lỗi tàn khốc...” Đó là một trong những lý  do có thể hiểu được vì sao nhà nước CSVN đang chính thức hỗ trợ cho một số nhà ngoại cảm và các hoạt động tiếp xúc cõi âm, mà tuyệt nhiên tất cả các nhà ngoại cảm đều là dân miền Bắc mấy đời cán bộ. Người ta không thấy có nhà ngoại cảm nào là dân Nam Bộ, dù là Miền Tây với Núi Cấm linh thiêng vẫn nổi tiếng về các sinh hoạt lên đồng, xiên lình, ma nhập, trừ tà, Thần Quyền... Thậm chí tới như Tòa Thánh Tây Ninh, nơi nổi tiếng về hoạt động cầu cơ thần bị vẫn bị nhà nước CSVN gạt ra ngoài các sinh hoạt ngoaị cảm đang hiện hành. Thậm chí tới một số chùa người Hoa ở Chợ Lớn nổi tiếng về ngoại cảm vẫn không được Hà Nội tham khảo, có phải vì lý lịch ba đời chưa thông...”

Phải chăng nhà cầm quyền Việt Cộng mặt ngoài thì nói xóa bỏ hận thù nhưng bên trong vẫn còn nặng đầu óc chia rẽ, nhìn người dân cũ của VNCH bằng con mắt nghi kỵ, dị ứng, vẫn xem họ là cựu thù. Hiện tượng ngoại cảm trong nước là một chiêu thức Việt Cộng cho dựng lên nhằm mục đích tuyên truyền tô vẽ cho cái mà họ gọi là cuộc chiến thần thánh đánh đuổi đế quốc xâm lược và thống nhất đất nước, mọi liệt sĩ của họ đều từng chiến đấu dũng cảm, đều là anh hùng cả. Khi thấy người Mỹ dốc sức tìm quân nhân mất tích của họ, nhà cầm quyền Việt Cộng bắt buộc phải có hành động tương tự với tử sĩ của họ. Một chiến dịch tìm hài cốt liệt sĩ được phát động, khắp các địa phương mọc lên các nghĩa trang liệt sĩ trang nghiêm, nhưng mộ phần và nghĩa trang của tử sĩ QLVNCH thì bị ngược đãi. Mối hận thù vẫn còn đó, người chết vẫn bị phân biệt đối xử, hình ảnh của họ vẫn còn tiếp tục bị Việt Cộng cố tình bôi nhọ. Cuộc chiến đấu bảo vệ chính nghĩa tự do của họ bị nguyền rủa, sự hy sinh của họ bị cho là vô nghĩa, và hình ảnh của họ vẫn bị trùm lên mọi tính chất xấu xa như hèn nhát, dã man, hiếu sát.

Trên một trang “blog” trong nước đăng bài có tựa Chuyện chưa kể về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, thấy có đoạn như sau, “Cuộc đi tìm kiếm mộ ở Vĩnh Thạnh, Bình Định cũng là một kỷ niệm hết sức đáng nhớ của Bích Hằng. Khi đào mộ anh bộ đội thì thấy cái biển tên ở trước ngực ghi là Trung tá Nguyễn Hữu Túy tức là lính Sài Gòn. Mọi người đều giật mình, nhưng lại nghĩ, hay là anh bộ đội lấy áo lính Sài Gòn mặc cải trang, rồi bị bắn chết. Thế nhưng, lúc đó chị nghe thấy "tiếng gọi" phát ra từ bụi cây: "Không phải, tôi nằm bên này cơ!". Lúc đó có một anh cùng trong đoàn đi đào mộ, là xã đội trưởng ào đến căm phẫn hét lên: "Cái thằng này ác ôn lắm, chính nó đã giết bố tôi đây".Anh kể rằng, hồi gần 10 tuổi, anh tận mắt chứng kiến bọn lính Sài Gòn đóng đinh bố anh vào cây dừa và chính tên Túy đã dùng lưỡi lê rạch từ ngực bố anh xuống rồi moi gan bố anh ra ngoài. Khi đó, bố anh là cán bộ của ban tuyên huấn xã, tích cực tuyên truyền cách mạng.

Anh căm phẫn, định lấy hòn đá ghè vào đống xương cốt. Chị Hằng hết mực ngăn can: "Người ta bây giờ cũng chỉ còn là nắm xương tàn. Anh có làm vậy bố anh cũng không sống lại được. Tốt nhất là cứ bốc hài cốt người ta lên, chôn cất cẩn thận, rồi người ta phù hộ cho, sau đó đi tìm tiếp mộ anh bộ đội giải phóng".Thế nhưng, anh ta kiên quyết: "Ai làm việc đó thì làm, tôi nhất định không làm". Người dân ở đó cũng đều chứng kiến cảnh bọn lính Sài Gòn giết hại, moi gan bố anh xã đội cùng 6 người khác nên rất căm phẫn, nhất định không chôn hài cốt người lính này, mặc cho Hằng khuyên nhủ thế nào.Cuối cùng chị phải bỏ tiền, ra Quy Nhơn mua chiếc tiểu, bỏ hài cốt vào rồi mai táng. Tuy nhiên, khi Hằng đặt bát hương, thắp hương thì mọi người trong làng lại xô ra không cho chị thắp. Gia đình người lính kia đều ở bên Mỹ cả nên không biết nhắn nhủ ra sao.

Khi đó, anh bộ đội hiện lên "dặn" Hằng nói với mọi người thế này: "Nếu mọi người không thắp hương cho anh ta thì anh bộ đội sẽ không cho tìm hài cốt của anh đâu. Thắp cho anh ấy nén nhang thì anh ấy sẽ chỉ chính xác chỗ anh bộ đội nằm".Nghe Bích Hằng nói vậy, người dân trong vùng mới cho cô thắp nhang. Người lính Sài Gòn này đã "dắt" Hằng đến bên bụi cây rất lớn và chỉ chính xác chỗ anh bộ đội nằm và khi đào thì thấy ngay hài cốt. Hằng bảo với dân làng: "Vậy là anh ta đã lấy công chuộc tội rồi, mọi người không nên căm thù nữa nhé!".Anh bộ đội "kể" với Bích Hằng, hồi đó, anh là lính đặc công, bị Túy bắt được, nhưng khi hắn đang áp giải thì anh đã sử dụng võ thuật đá văng khẩu súng, rồi cướp lưỡi lê của nó giết nó luôn. Tuy nhiên, vừa giết được nó thì anh lại bị trúng đạn bởi một tên đi phía sau.”

Chúng ta không còn lạ gì bản chất bịa đặt nói láo một cách trắng trợn và trơ trẽn của Việt Cộng, đọc đoạn kể trên cũng thấy khá khôi hài. Giữa ban ngày mà nhà ngoại cảm nghe được tiếng hồn ma gọi nói "Không phải, tôi nằm bên này cơ!".

Còn một bịa đặt khác khôi hài hơn thế nữa. Một đàng, anh xã đội trưởng trong toán đi bốc mộ cho biết cha anh ta (mà hài cốt đang được tìm bốc) ngày trước là cán bộ của ban tuyên huấn. Anh xã đội trưởng này căm phẫn hét tướng lên rằng "Cái thằng này ác ôn lắm, chính nó đã giết bố tôi đây" và kể (hay phịa)  rằng, hồi gần 10 tuổi, anh tận mắt chứng kiến “bọn lính Sài Gòn đóng đinh bố anh vào cây dừa và chính tên Túy đã dùng lưỡi lê rạch từ ngực bố anh xuống rồi moi gan bố anh ra ngoài.” Thế nhưng đàng khác, hồn ma (bố của anh xã đội trưởng)  thì lại kể với nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng rằng hắn là lính đặc công, bị một trung tá “ngụy” Nguyễn Hữu Túy nào đó bắt sống. Vẫn theo lời hồn ma kể thì khi đang bị trung tá Túy áp giải, anh ta đã sử dụng võ thuật đá văng khẩu súng, rồi cướp lưỡi lê của nó giết nó luôn. Tuy nhiên, vừa giết được nó thì anh lại bị trúng đạn bởi một tên đi phía sau.”

Thế là thế nào? Một đàng “con” bảo chứng kiến tận mắt cảnh cha mình bị trung tá Túy mổ bụng moi gan chết, một đàng hồn ma “cha” thì bảo hắn giết trung tá Túy bằng chính lưỡi lê của Túy. Sau đó, hắn mới bị trúng đạn bởi một người khác mà chết. Chưa hết, chuyện xác trung tá Túy vẫn bị bỏ lại vùi dập ở đấy thì quả là một chuyện đại khôi hài!

Về khả năng siêu nhiên đặc biệt của một số người được khoác cho danh hiệu là “nhà ngoại cảm” như trường hợp của Bích Hằng, đó không phải tài phép gì mà chính là giác quan thứ sáu của họ được kích thích bởi một tai biến lớn (như trường hợp của Phan Thị Bích Hằng bị chó dại cắn tưởng chết nhưng chưa chết) và phát hiện ra. Giác quan, năng lực bí ẩn của bộ não con người đã được các nhà khoa học chứng minh là có thật qua nhiều sự kiện lạ lùng trên thế giới nhưng họ chưa tìm ra được cơ chế hoạt động cũng như lực nào thúc đẩy giác quan ấy.

Hiện tượng ngoại cảm rầm rộ ở Việt Nam khiến tôi nghĩ đến ông Harry Houdini (1874–1926, tục danh Ehrich Weiss) mà hồi còn nhỏ xem phim, tôi hồi hộp muốn đứng tim và phục ông sát đất. Ông là ảo thuật gia nổi tiếng vào bậc nhất thế giới với những màn trình diễn tháo thân cực kỳ kinh ngạc tưởng chừng như cần phải có khả năng siêu nhiên mới thực hiện được. Thế mà ông không tin vào thế giới tâm linh và không tin là con người có khả năng siêu nhiên. Ông dám thách thức tất cả ông đồng bà bóng nào.

Trong thập niên 1920, sau khi người mẹ tên Cecilia vô cùng yêu quí của ông qua đời, ông dành nhiều năng lực làm việc để vạch trần trò lường gạt của giới tự nhận là thầy phù thủy, pháp sư, cô cậu đồng bóng. Vì chính ông là bậc sư tổ trong nghệ thuật mà mắt thiên hạ, từng được huấn luyện tuyệt luân và kinh nghiệm cùng mình, cùng với thành tích kỷ lục khắp năm châu, cho nên ông dễ dàng lột mặt nạ những tay phù thủy khác. Những tay phù thủy này gạt và qua mặt được ngay cả các nhà khoa học và các thức giả thâm hậu, nhưng họ không thể qua mặt được Houdini. Cao nhân tất hữu cao nhân trị mà!

Ông là một thành viên của Ủy Ban Khoa Học Hoa Kỳ, một tổ chức đã treo giải thưởng lớn cho ông đồng bà cốt nào chứng minh được rằng họ có quyền lực siêu nhiên. Chính nhờ sự đóng góp và sự hoài nghi của Houdini và bốn thành viên khác của Ủy Ban, giải thưởng này không hề được ai nhận lãnh cả. Người đăng đàng thử thách trước tiên là nhà ngoại cảm George Valentine ở Wilkes Barre, bang Pennsylvania. Với danh tiếng là người diệt trừ ma (ghostbuster), Houdini giả dạng và tham dự vào cuộc lên đồng với sự tham dự và chứng kiến của một ký giả và một viên cảnh sát. Houdini còn vạch mặt một tay đồng bóng khét tiếng khác là mụ Mina Crandon với biệt danh Margery ở Boston. Houdini ghi rõ ra mọi chi tiết của cuộc vạch trần này qua quyển sách A Magician Among the Spirits, Một Nhà Ảo Thuật Giữa Các Hồn Ma.

Theo Houdini chứng minh, một nhiếp ảnh gia có thể ngụy tạo ra những tấm ảnh không thật cho thấy sự xuất hiện của hồn ma và ứng xử của người chết. Chính vì điều này đã làm thương tổn và làm tan vỡ tình bạn thiết thân của Houdini với Sir Arthur Conan Doyle, cha đẻ của nhân vật trinh thám Sherlock Holmes. Conan Doyle, một người có niềm tin sắt đá về địa hạt tâm linh trong những năm cuối đời, đã một mực đả phá và chối bỏ các điểm vạch trần chứng minh của Houdini. Conan Doyle còn đi xa hơn, cho rằng chính Houdini là một nhà siêu ngoại cảm có năng lực bán siêu nhiên mãnh liệt và đã dùng năng lực đó ngăn trở hoặc hóa giải mọi nỗ lực của các nhà ngoại cảm khác mà ông đã vạch trần. Conan Doyle trình bày ý tưởng này qua quyển sách ông viết có tựa đề The Edge of The Unknown, Bờ Huyền Bí, ấn hành năm 1931, sau khi Houdini đã chết. Sự nghịch ý nhau về vấn đề này đã khiến cho hai người trở thành thù địch trước công chúng. Nhà văn Gabriel Brownstein đã dựa vào chuyện thật này để viết ra quyển tiểu thuyết có tựa đề là The Man from Beyond, Người Từ Cõi Khác, ấn hành năm 2005.

Năm 2006, quyển sách The Secret Life of Houdini, Cuộc Ðời Bí Mật của Houdini, viết bởi Kalush và Sloman có ghi lại sự can dự của Conan Doyle với đám của Margery (Mina Crandon) và có trình ra những bức thư riêng cho thấy Conan Doyle và người chồng của Mina. Cả hai đều quả quyết tin rằng chính các hồn người chết trả thù và đã giết chết Houdini vì Houdini đã che giấu sự thật (về sự hiện hữu của các hồn ma).

Sau khi chồng chết, quả phụ Bess Houdini có tìm cách gọi hồn chồng nhiều lần. Nhưng, bất chấp nhiều thêu dệt và đồn đãi có tính cách giật gân gây chú ý để mưu lợi cho nghề nghiệp, sau cùng Bess cũng thú nhận là không hề có chuyện bà đã giao cảm được với hồn của chồng bà. Ðó quả là một cú đá trực tiếp phá lưới mang thắng lợi về cho phe của những người không tin có ma.

Riêng tôi chẳng thuộc phe nào, vì lẽ vấn đề này tôi mù tịt. Hồi nhỏ còn ở dưới quê, tôi bị nhát đều chi, sợ điếng hồn, sợ quíu hai chân lại(vì cố nín tè), nhưng quả thật tôi chưa thấy ma lần nào; mà theo như lẽ thường, hễ không thấy thì không tin.

Thế rồi sau khi đã viết xong bài tản mạn Nỗi Chết Không Rời, mấy lần tôi nằm chiêm bao thấy ma là những người thân trong gia đình đã chết. Tôi nghĩ quẩn hay là đây là điềm gỡ; tôi đâm lo sợ. Mẹ tôi đã già yếu lắm ở quê nhà, sống nay chết mai, không biết sẽ ra đi ngày nào. Phần tôi cũng không thể nói chắc được, bây giờ mạnh phây phây ra đó thì hay vậy chứ thiếu gì người tối đi ngủ sáng ra không dậy nữa. Tình cờ hôm Thứ Sáu vừa qua, tại Lan Cốc High Park của bạn tôi, trong chương trình xem phim cuối tuần, bạn tôi cho xem phim Somewhere In Time (do các tài tử chính Christopher Reeve, Jane Saymour và Christopher Plummer thủ diễn) là một cuốn phim loại giả tưởng kể chuyện một nhà soạn kịch đi ngược giòng thời gian tìm về quá khứ xa xưa. Tôi bèn nảy ra ý định thử làm một thí nghiệm: đi hỏi người chết, may thì nghe người chết trả lời chơi cho biết, không may thì thôi. Tôi nghe nói trên Internet có từ điển "How to", liền thử gõ "How to Communicate With the Dead" thì quả thật có một bài hướng dẫn cách đi nói chuyện với ma do chủ bút Kathleen Milazzo bày vẽ.

Theo tác giả, việc muốn học nói chuyện với người chết đòi hỏi thật nhiều kiên nhẫn, thực hành và một ít may mắn. Qua nhiều thế kỷ, con người luôn tìm cách giao lưu với người chết với một số mục đích khác nhau. Phần lớn những lý do này là trước đây họ chưa có dịp nói câu giã từ hoặc bày tỏ sự thương yêu với người chết lúc chưa chết. Một lý do quan trọng khác là họ muốn biết tại sao người chết lại chết và người chết đã chết như thế nào. Lý do này đặc biệt đúng hết sức cho những vụ sát nhân hoặc những cái chết bất đắc kỳ tử mang nhiều bí ẩn. Cho dù sự muốn nói chuyện với người chết bắt nguồn từ bất cứ lý do nào, điều tối cần thiết là bạn phải có thực tâm, phải có một tấm lòng thành và một niềm tin vững mạnh. Nếu bạn chỉ muốn thử vì tò mò thì không được đâu. "Xin đừng đùa giỡn, mọi thư từ liên lạc sẽ được hồi âm, dù đến muộn".

Muốn "cầu cơ", bạn cần làm theo như sau:

- Cầm lấy một vật gì đó thuộc về người chết mà bạn muốn "hỏi chuyện", chẳng hạn như cái áo, cái khăn, cái nón, cái đồng hồ đeo tay, lá thư của người chết đó viết cho bạn, v.v.

- Ngồi ở một nơi nào trong nhà mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, yên tĩnh nhất và không bị ai quấy rầy. Ôm vật của người chết đó trong tay, áp lên ngực, để lên đầu, tùy theo mức độ yêu thương hay kính trọng của bạn đối với người chết đó và tùy cách nào mà bạn cảm thấy dễ tập trung trí óc.

- Nghĩ đến người đó, tưởng như đang có người đó hiển hiện ở trước mặt bạn, cố hình dung ra gương mặt họ lúc sống như thế nào, cách họ nói cười, dáng điệu họ đi đứng, mùi nước hoa họ thường dùng hay mùi đặc biệt gì khác. Ôn lại tất cả những gì của người đó mà bạn còn giữ trong ký ức.

- Nhắm mắt lại. cố xem bạn có thấy có cảm giác gì như là người đó đang ở bên bạn hay không. Cứ xem như người đó đang hiện diện bên cạnh bạn và thử xem bạn có cảm giác gì không.

- Bắt đầu chào hỏi bằng cách gọi tên người khuất mặt đó như là họ thật sự đang có ở trước mặt bạn. Nói cho người ấy biết là bạn muốn nói chuyện với ông ấy, bà ấy, cô ấy, em ấy tùy theo mối liên hệ giữa bạn với người ấy mà xưng hô. Hỏi họ xem họ có thể cho bạn biết là họ đang nói chuyện với bạn không.

- Cố gắng tiếp tục giữ sự tập trung và lắng nghe xem trong phòng có luồng hơi hay luồng gió nhẹ hay sự chuyển động của không khí hoặc có thấy vật gì chuyển động hoặc cảm giác có vật gì đụng chạm vào người bạn hay không. Nếu có thì đó là dấu hiệu cho thấy họ đang cố tìm cách nói chuyện với bạn đấy.

- Cứ thản nhiên nói, đặt câu hỏi, nêu thắc mắc nhưng đừng trông mong là bạn sẽ nghe tiếng họ trả lời. May ra bạn sẽ cảm thấy như họ có đáp ứng lời cầu cơ của bạn qua một hình ảnh mơ hồ nào đó của họ.

- Khi bạn đã cảm thấy mệt hoặc đã lâu mà không có hiệu quả, bạn nên xin chào tạm biệt với họ và cho họ biết là bạn muốn gặp lại họ vào một dịp khác.

Thì ra người Âu Mỹ coi bộ cũng tin có ma và sợ ma cũng không thua gì Mít tôi. Trong số những phim Mỹ tôi đã xem có một vài phim liên quan tới thế giới bên kia và đời sống khác sau khi chết.

Như phim What Dreams May Come do tài tử Robin Williams (nổi danh qua phim Good Morning Vietnam) thủ vai chính và trình chiếu năm 1998 chẳng hạn. Chuyện phim kể về một gia đình đầm ấm hạnh phúc của một cặp vợ chồng với hai đứa con, một trai một gái. Thế rồi hai đứa con chết trong một tai nạn xe hơi. Người vợ trở nên bị khủng hoảng tinh thần và toan tự tử, phải vào bệnh viện tâm thần một thời gian; cuộc hôn nhân tưởng đâu đổ vỡ nhưng dần dần người vợ hồi phục. Chưa kịp mừng thì người chồng cũng bị tai nạn xe cộ rồi chết và được lên thiên đàng. Sau đó người vợ uống thuốc độc tự tử chết nên vì thế bị xuống địa ngục (can tội ác dù là với chính bản thân). Lúc bấy giờ hai đứa con của họ đã đầu thai thành người khác ra sức giúp cho người chồng xuống địa ngục cứu vợ và mẹ và gia đình sum họp. Nhưng người chồng chọn lựa giải pháp hai người tái đầu thai để sống lại cuộc đời bên nhau như xưa.

Một phim nữa là Ghost trình chiếu năm 1990 với một lô tài tử tên tuổi là Patrick Swayze (đóng trong phim Green Dragon, Rồng Xanh với Ðơn Dương, 2001), Demi Moore, Tony Goldwyn và Whoopi Goldberg. Sam Wheat (Patrick Swayze) và Molly Jensen (Demi Moore) là một cặp tình nhân chung sống với nhau nhưng anh chàng Sam bị dị ứng với ba tiếng "anh yêu em", trong khi cô bạn gái Molly thì thèm nghe ba tiếng đó. Một đêm nọ hai người đi xem hát về nhà thì Sam bị tên trộm Willy Lopez (Rick Aviles) bắn chết. Nhưng hồn Sam chưa siêu thoát nên vẫn thấy được cô bạn gái Molly đang ôm thây mình khóc, mới biết mình là ma đang sống giữa hai thế giới âm dương. Luồng sáng trên trời chiếu xuống định bắt hồn Sam đi nhưng anh ta bỏ chạy. Sam theo tên trộm Willy về nhà hắn mới khám phá ra là người bạn làm chung sở của chàng là Carl Bruner (Tony Goldwyn) thuê Willy trộm nhà Sam để tìm mật mã máy điện toán trong sở làm ngân hàng của hai người. Trước đó Sam thay đổi mật mã của chàng để phong toả các trương mục ma là chỗ giấu 4 triệu đô tiền ăn cắp của Carl. Mặc dù biết Molly đang gặp hiểm nguy nhưng vì chỉ là một hồn ma cho nên Sam khó có cách gì đối thoại bèn tìm tới bà cốt Oda Mae Brown (Whoopi Goldberg) nhờ giúp đỡ. Sam được một hồn ma khác dạy cách làm cho đồ đạc di chuyển để "nói chuyện" với người sống. Molly báo với cảnh sát là nàng được hồn ma Sam cho biết về tên trộm giết người Willy và tay chủ mưu Carl nhưng cảnh sát không tin. Hồn ma Sam hợp tác với bà cốt và Molly đem 4 triệu đô của Carl cho hết cho hội từ thiện. Carl biết là mình bị hồn ma Sam phá phách, hăm giết Molly nếu Sam không trả tiền lại cho hắn. Cuộc săn đuổi giữa hai phe thiện ác diễn ra. Tên trộm Willy bị xe cán chết; Carl cũng đền tội với cái chết do tai nạn tự mình gây ra và phải xuống địa ngục. Còn Sam thì được lên thiên đàng sau khi đã từ giã người yêu Molly bằng ba tiếng "I love you".

Một phim ma nữa nhé? Ðó là phim kinh dị The Sixth Sense năm 1999 với Bruce Willis (anh hùng trong bộ phim Die Hard) và Haley Joel Osment. Phim này cũng có vài điểm giống như phim Ghost. Bruce Willis trong vai bác sĩ tâm bệnh học thiếu nhi Malcolm Crowe cùng vợ là Anne Crowe (Olivia Williams) trở về nhà sau một dạ tiệc vinh danh ông thì bị một bệnh nhân cũ của ông là Vincent Gray (Donnie Wahlberg) buộc tội đã bị ông chẩn sai bệnh. Gray bắn Dr. Crowe vào bụng, xong quay súng tự sát. Mùa thu sau đó Dr. Crowe chữa một bệnh nhân là cậu bé 9 tuổi Cole Sear (Haley Joel Osment). Cũng tương tự như trường hợp của Vincent, cậu ta kể cho bác sĩ biết cậu ta có khả năng thấy và nói chuyện được với người chết. Thoạt đầu bác sĩ Crowe cũng ngờ vực là cậu bé này cũng mắc bệnh hoang tưởng. Nhưng ông không muốn chữa trị lầm lẫn một lần nữa nên vô cùng lo ngại và ngờ vực tài chữa trị của mình. Ông dốc toàn lực và để hết tâm trí vào công việc và trở nên lơ là với vợ. Tin Cole có khả năng đặt biệt thật, bác sĩ Crowe nhờ Cole giúp một số hồn ma để giải quyết một số công việc còn dở dang nơi trần thế. Cảm thấy công việc làm của mình có hiệu quả tốt, bác sĩ Crowe lấy lại được niềm tự tin và phấn khởi; ông trở về nhà thấy vợ đang nằm ngủ, trong tay cầm chiếc nhẫn của ông. Cuốn phim có một kết cuộc bất ngờ là bác sĩ Crowe đã chết từ lúc bị bắn vào bụng trong cảnh đầu của cuốn phim và hồn ma của ông trở lại trần thế để chữa lại một lỗi lầm nghề nghiệp. Lý do thứ hai nữa là ông muốn xác định tình yêu với vợ; và bấy giờ hồn ông có thể thảnh thơi ra đi.

Một tác giả khác tên Lori Lothian cũng chỉ dẫn cho thiên hạ cách truyền thông với người chết. Theo bà này thì nói chuyện với người chết cũng giống như nói chuyện điện thoại đường dài với một người ở nước khác rất xa xôi. Cách thứ nhất là tự mình gọi không qua tổng đài. Cách nầy rẻ nhưng kém hiệu quả. Nếu có nhiều nhiễu sóng thì tín hiệu sẽ yếu kém, có khi nghe được, có khi không. Mấy năm trước khi còn dùng thẻ gọi qua trung gian, tôi bị trường hợp nầy hoài, lại còn bị ăn gian thời lượng điện đàm.

Cách thứ hai là nhờ tổng đài, tức là nhờ ông đồng bà cốt. Cách nầy tốn tiền hơn, nhưng coi chừng tiền mất tật mang. Sự đáp ứng của người chết nếu có cũng tùy thuộc nhiều vào mối liên hệ giữa hai người trước đây có tốt đẹp hay không. Nếu tôi bị cha tôi phiền giận lúc ông còn sống thì bây giờ tôi có muốn gọi hồn ông để xin lỗi thì khó mà có kết quả vì mãi mãi ông vẫn còn phiền giận tôi. Giận cho tới chết, chết rồi vẫn còn giận. Nếu tôi thường có ác mộng trong giấc ngủ thì đó có thể là vì lương tâm tôi không an ổn bình yên do bị cắn rứt bởi mặc cảm tội lỗi đã đối xử chưa tròn đạo làm con với cha tôi. Trái lại, nếu em gái tôi là đứa con được cha tôi thương yêu nhất thì em ấy chắc chắn sẽ có những giấc mộng êm đềm hoặc sẽ có cơ may dễ "gặp" cha tôi hơn nếu cô ấy cầu cơ gọi hồn cha tôi về. Ðiều cần nhất là sự thành khẩn, cái mà tôi không có, vì tôi là người theo trường phái đi Nga (đa nghi). Chân lý là nếu không chú ý lắng nghe thì sẽ không nghe. Vì đã chết, nhân điện của người chết rất yếu (hết pin) làn sóng điện của họ phát ra rất mong manh;

Hồn ma thường khó tính hơn lúc còn sống, hay bắt bẻ đòi hỏi dữ lắm, lại nói giọng thều thào rất yếu. Bạn muốn được họ trả lời thì bạn phải chiều chuộng o bế họ mới được. Có hồn ma rất nhỏng nhẽo yêu sách đủ điều; bạn mà không kiên nhẫn o bế vuốt ve tự ái của họ thì đừng có hòng nghe được tiếng của họ trả lời. Chính vì thế người mình mới có câu “chiều nó như là chiều vong”. Dạ, vong đây là vong hồn. Tôi là đứa tánh tình dùi đục nên không đủ kiên nhẫn chiều lâu, thử vài lần mà chẳng ăn thua gì cả. Về phần họ, họ cũng muốn tiếp xúc với chúng ta. Họ tìm đủ mọi cách để gây chú ý. Thông thường nhất là báo mộng. Họ cũng khiến cho những sự kiện trùng hợp khác thường bất chợt xảy ra bắt chúng ta liên tưởng đến họ. Cái này nhà tâm lý học Carl Jung gọi là synchronism hoặc synchronicity (tính đồng bộ). Nếu có đọc bài viết Linh Hồn Việt Cộng đăng trên Thời Báo tháng Bảy vừa qua, bạn sẽ thấy Homer Steedly hai lần kinh nghiệm hiện tượng này trong chuyến đi VN tìm mộ tử sĩ Việt Cộng Hoàng Ngọc Ðảm. Một lần đoàn xe ngẫu nhiên dừng lại làm lễ cúng vong Ðảm trên đèo Mang Yang đúng gần nơi Homer bắn chết Ðảm; và một lần Homer nhìn thấy trên bàn trong nhà một người bạn Việt Nam có để bức tượng đồ chơi người lính quì ngắm bắn súng trường tương tự cái tượng ông nhặt được trên cánh đồng trong một lần dẫn chó đi dạo chơi ở quê nhà North Carolina.

Cái khó khăn nhất trong việc tiếp xúc với người chết là làm thế nào để tìm cho được nhà ngoại cảm có thực tài. Phần lớn ông đồng bà cốt đều có khả năng xoàng xoàng hoặc chỉ đoán mò hoặc ba phải. Người có khả năng thực sự rất hiếm. Ngoài ra còn tùy duyên may, vô duyên đối diện bất tương phùng.

Tiếc tiền và ngờ vực khả năng của các nhà ngoại cảm, tôi chọn cách tự làm lấy.

Tôi làm thử hai lần rồi nhưng chẳng có kết quả gì ngoài cái cảm giác sờ sợ và mệt. Tôi muốn hỏi chuyện cha tôi. Tôi lục tủ lấy ra một đống thư từ và những bài thơ chép tay của ông. Tôi đi ngủ sớm để giữa khuya thức dậy "cầu cơ", may ra có thêm sự linh thiêng. Tôi cũng nhắm mắt ôm xấp thư vào lòng, cũng khấn lâm râm, cũng thầm thì gọi "Ba ơi, Ba ở đâu, Ba hãy về đây với con cho con hỏi thăm đôi điều..." Rồi tôi để ý xem có điều gì lạ xảy ra không. Tôi chờ đợi. Nhưng tôi bị phân tâm bởi nhiều thứ tiếng động. Có thể là tiếng còi xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cảnh sát, tiếng xe hàng dài thoòng chở gà sống tiếp tế cho lò thịt Maple Leaf, tiếng vợ tôi giật nước bồn cầu đi tiểu nửa đêm, tiếng bụng tôi kêu ột ột vì tôi ăn nhiều canh chua trong bữa cơm chiều. Cha tôi nản quá không về. Tôi đi nằm cố ngủ lại nhưng mắt cứ mở thao láo.

 

Trong bài viết Việt Cộng Duy Tâm hay Mê Tín, tác giả Trương Minh Hòa giải thích lý do tại sao ở trong nước Việt Nam có hiện tượng ngoại cảm ồ ạt rằng “Hiện tượng một số nhà ngoại cảm xuất hiện tại Việt Nam, có khả năng tác động tích cực vào đời sống tâm linh của một số cán bộ Cộng Sản có nhiều năm đảng tịch, được tổ chức qua những cuộc hội thảo gần như công khai do cán bộ thực hiện và chủ trì với sự hiện diện của cá nhà ngoại cảm, có thu âm và dĩa SD để làm tài liệu phổ biến, gây ồn ào dư luận từ trong ra ngoài nước, được báo chí, truyền thanh từ hai phía loan tải, đang là câu hỏi của nhiều người đặt nghi vấn về sự tồn tại của chủ nghĩa vô thần trong hàng ngũ đảng, hay là một mưu đồ chính trị nữa?”...

Người Cộng Sản cảm thấy không còn chỗ dựa tâm linh vững chắc như thành đồng vách sắt và lâu dài, nên họ quay sang tìm kiếm nguồn tâm linh khác là mê tín để thay thế, giống như kẻ chết đuối vớ phải bất cứ vật gì để thoát hiểm, kể cả phao mục. ...

 Đó là tâm trạng của những kẻ từng gây bao tội ác, lúc tuổi về chiều thì bắt đầu lo sợ, vì cái thiên đàng Cộng Sản chỉ là cái bánh vẽ ở trần gian, không đảm bảo linh hồn về đâu sau khi giã từ gác trọ; ngay cả Hồ Chí Minh, trong giây phút cuối cùng của một bạo chúa cũng ước mơ gặp sư phụ Marx, Lenin ở nơi nào đó; chắc là thiên đàng Cộng Sản, chớ ở hai nơi Niết Bàn và Nước Chúa, không có CHẾ ĐỘ để chứa kẻ ác nầy có nơi định cư.”

Nhiều người trong nước có tri thức trong sáng đã cảm thấy bất bình trước hiện tượng ngoại cảm tràn lan nên có viết thư ngõ gửi đến các cấp lãnh đạo Việt Cộng để bày tỏ sự quan tâm của họ và kêu gọi nhà cầm quyền nên có biện pháp kiểm soát hoặc chấn chỉnh. Một trong những người này là Lê Bá Dương đã vạch trần và chứng minh cho thấy đó là những trò bịp lừa dối được coi là liều lĩnh của các nhà ngoại cảm. Qua điều tra, nhà chức trách đã bắt giữ và truy tố một số nhà ngoại cảm dỏm về tội lường gạt.

Ngoài ra hiện tượng bốc mộ trộm khá phổ biến. Nhiều trường hợp, gia đình tử sĩ không cần mất công kiểm chứng xem hài cốt mà họ bốc dời có đích thực đúng là của người nhà của mình không; họ chỉ muốn có bất cứ hài cốt nào đó, của ai đó để mang về cải táng cho an ổn lương tâm. Các nghĩa trang tử sĩ vô danh bị đánh cắp hài cốt nhiều lần khiến cho nhà chức trách địa phương phải cử dân quân tự vệ canh gác. “Thế mà vẫn bị mất. Ðau lòng biết bao!”, Lê Bá Dương viết, “Vẫn biết, chiến tranh tuy đã lùi xa gần 35 năm,  nhưng nỗi đau mất mát từ cuộc chiến vẫn còn quá lớn cho mỗi con người, mỗi gia đình. Hơn ai hết chúng tôi là những CCB vừa thoát ra khỏi cuộc chiến, chúng tôi đau với với nỗi đau của từng GĐLS, đau với nỗi đau của từng đồng đội đã hy sinh mà đến nay chưa thể xác định chính xác được nơi an nghỉ.”

Ðứng trước hiện trạng này, một blogger với ký danh Người Quan Sát đã nhận định như sau,”Cái mà báo chí Việt Nam đang tung hô là " hiện tượng tâm linh" khoa học chưa giải thích được chẳng qua chỉ là tệ nạn mê tín dị đoan, trước đây chính quyền Cộng Sản ráo riết truy quét. Bản chất vấn đề là một, chỉ có điều trong chính trị khi nó có lợi thì người ta tung hô, cổ suý nó, khi không có lợi thì bị coi là kẻ thù cần loại bỏ! Chính quyền Cộng Sản đang dùng lá bài " ngoại cảm" đi tìm mộ liệt sỹ nhằm gắn chặt tâm lý nhân dân vào những năm tháng chiến tranh, một khái niệm trái ngược với "diễn biến hoà bình".

Nếu đọc những bài viết về hiện tượng tìm mộ thông qua " ngoại cảm", để ý chúng ta sẽ thấy " các vong hồn liệt sĩ" được dịp kể lể về tội ác của địch, bị tra tấn tàn ác, bị rút móng tay, bẻ xương sườn, quẳng xác trôi sông v.v...Đúng sai chưa biết , nhưng đó là một kiểu tuyên truyền có dụng ý! Có lẽ ông Tố Hữu chết rồi, nên chính quyền Cộng Sản phải dùng đến các ông đồng, bà cốt hay sao? Và liệu có cần đưa những nhà " ngoại cảm" này đi học tiếng Anh để họ dễ tìm kiếm thêm hài cốt lính Mỹ còn nằm lại đâu đó ở Việt Nam?”

Phong trào nhà ngoại cảm rầm rộ mọc lên như nấm mối sau cơn mưa ở Việt Nam cũng đã làm cho các hãng thông tấn ngoại quốc chú ý. Ðài BBC làm một phóng sự “Psychic Vietnam” phát hình tháng 5/2006, cho thấy trường hợp nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy với thành tích tìm được 500 mộ tử sĩ. Một số ký giả đi tìm hiểu sự thật, như phóng viên Frank Zeller của hãng thông tấn AFP. Ông này chắc cũng chỉ vì tò mò thôi, đến dự một buổi gọi hồn với chừng năm sáu người tham gia và nhân vật chính là bà Hoàng Thị Thiêm, năm nay 41 tuổi. Bà này xưng là biết dùng nhân điện từ hai tay để mời linh hồn những người chết nhập vào thân thể người đang sống. Thông thường đàn ông ít tin dị đoan và đồng bóng hơn phụ nữ. Nhưng thực tế tại Việt Nam hiện nay là có nhiều người, bất kể là đàn ông hay đàn bà, dân chúng hay cán bộ, bộ đội, công an cũng đều rất tin chuyện ngoại cảm, cứ như là một hiện tượng người người thi đua nhà nhà thi đua. Đặc biệt, theo nhà báo Zeller, hiện tượng đi tìm xác thân nhân chết trong cuộc chiến Việt Nam qua gọi hồi khá là phổ biến. Phóng viên nhà báo Frank Zeller ngạc nhiên một đất nước theo chế độ cộng sản vô thần như Việt Nam mà chuyện ngoại cảm khá phổ biến. Ông càng ngạc nhiên hơn khi nhận ra rằng nhà nước Việt Nam còn thiết lập một cơ quan chuyên nghiên cứu về các hiện tượng siêu nhiên từ năm 1997. Giám đốc Trung tâm thuộc Hội khoa học thông tin ứng dụng là ông Vũ Thế Khanh cho hay: “Đây là những người có khả năng thần giao cách cảm. Một số nghe được tiếng nói từ cõi khác, một số ngửi được mùi người chết.” Ông Khanh nói: “Có người sinh ra đã có khả năng thần bí, có người lại có sau khi gặp một tai nạn gây chấn động tâm lý mạnh.”

Tai nạn thì trong đời tôi không thiếu, nào là té xe ngựa lọi tay móp sọ khi còn đi học dưới quê, bị chó cắn khi chọc gái nhà giàu ở Saigon, bị ăn mảnh lựu đạn sau vành tai khi đi lính, bị trợt té trên mặt đường đông đá khi đi cày trên xứ người, cú nào cú nấy có thể mất mạng như chơi, vậy mà cả đống tai nạn vô tích sự ấy chẳng mang lại cho tôi một tí ti khả năng ngoại cảm nào. Ðúng là số con rệp, chẳng bù với Phan Thị Bích Hằng nhờ bị chó dại cắn một lần mà nên danh phận với đời. Nhưng sao bà Hằng này chỉ chuyên trị tìm hài cốt liệt sĩ Việt Cộng, mà toàn là những vụ nổi tiếng có liên quan đến các cán bộ cao cấp nhà nước.

Nhưng không phải vụ tiếp xúc với cõi âm nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp. Có rất nhiều trường hợp lừa bịp kiếm tiền bị phanh phui, nhà ngoại cảm dỏm bị bắt và truy tố như trường hợp nhà ngoại cảm Ðặng Xuân Ba dùng xương thú thay cho xương người.

Thiếu tướng nhà văn Nguyễn Chu Phác, phụ trách bộ môn Cận tâm lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, viết, “Phàm ở đời, việc gì cũng vậy khi đã trở thành nhu cầu cấp thiết của con người thì lập tức có ngưòi lợi dụng nó như một thứ hàng hoá để kinh doanh, hoặc là hoang tưởng hoặc là cố tình lừa dối để lấy hàng triệu, hàng chục triệu của người cả tin. Tôi có may mắn đưoc đi khảo sát nhiều nơi, nhiều người thì thấy người có khả năng đặc biệt thực sự rất ít. Và kể cả người được coi là có khả năng đặc biệt thực sự cũng không phải là lúc nào cũng đúng hoặc không phải lúc nào cũng đúng 100%. Thật là vô lý, làm viết bao nhiêu điều ác, vu oan, giá hoạ cho người khác, lấy của nhà nước hàng tỷ đồng chỉ cần cúng lễ tốn vài triệu mà giải hạn được ư? Khẳng định rằng không có thánh thần nào như vậy cả …”

 

Theo sử gia Trần Gia Phụng qua bài viết Suy Nghĩ Về Truyền Thuyết Hùng Vương đăng nơi trang nhà Người Việt Boston 27/3/2009 thì người Việt Nam chúng ta tin ở thần quyền, ở con người có linh hồn và đời sống sau sự chết, ở bùa phép nên mới có tập tục thờ cúng tổ tiên, thờ cúng cả quyền lực thiên nhiên, đăng đàn cúng tế cầu mưa, làm lễ lạy tạ đất trời. Ông viết:

“Như thế, thời điểm xuất hiện truyền thuyết Hùng Vương (thế kỷ 15) là thời điểm mà người Việt còn rất tin tưởng vào thần linh và những mãnh lực siêu nhiên, nên chuyện thần thoại huyền nhiệm dễ làm cho người ta tin tưởng và cảm phục hơn cả sự thực.

“Nói chung, ngày nay chúng ta gọi những hiện tượng nầy là mê tín dị đoan. Đặc biệt, cho đến ngày nay (2009), nhiều người vẫn còn tin vào những chuyện bị xếp vào loại mê tín dị đoan, như bói toán, “ngoại cảm” (hiện rất phổ thông ở trong nước), và vẫn thích nghe cũng như cả tin vào những chuyện truyền khẩu thần kỳ bên lề hơn là sự thật. Như thế, trong các thế kỷ trước, những chuyện thần thoại, truyền thuyết, chắc chắn tác động rất lớn đến tâm lý quần chúng, và có khi còn tác động mạnh hơn cả sự thật lịch sử.



“Đồng thời, dù theo khoa học thực nghiệm, có một thực tế không thể phủ nhận rằng, nhờ vào niềm tin tâm linh, dù là mê tín dị đoan (như cầu khẩn, uống nước phép…), con người nhiều khi vượt thoát được bệnh tật hay những hoàn cảnh khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được.

“Vì vậy, truyền thuyết Hùng Vương, dầu có tính cách thần thoại, từ khi chính thức mở đầu quốc thống trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, xuất hiện vào thế kỷ 15, chắc chắn đã tác động mạnh trên tâm lý quần chúng, trở thành niềm tin và niềm tự hào dân tộc về quốc thống thiêng liêng của tổ quốc kính yêu”.

Trong Những Ðoản Văn Rời, Lâm Chương viết:

Tôi nói: “Tôi nhạy cảm lắm. Xuống giếng cứ rờn rợn sợ mình bị chết luôn ở dưới.”

“Nếu chết, tao mời thầy pháp trục vớt linh hồn mày lên.”

“Ông tin thế à?”

“Tao không tin, nhưng nhiều người tin. Cũng như người ta tin rằng kẻ chết trong tù, linh hồn không ra khỏi cổng. Vì thế phải làm giấy phóng thích để giải thoát linh hồn. Tao còn nghe một chuyện động trời. Có người đi tham quan nước ngoài về kể, tư bản nó bóc lột đến cả người đã chết.”

“Chết rồi, còn bị bóc lột gì nữa?”

“Ấy vậy mà vẫn nói được. Người ấy bảo, tư bản Mỹ bóc lột khiếp hơn hết. Nó bắt linh hồn người chết đứng giữ cửa. Linh hồn thì vô hình nên không ai nhìn thấy, cứ thấy cánh cửa tự động mở khép khi có người ra vô.”

“Chuyện khôi hài. Ai ngu muội gì mà tin là chuyện thật.”

“Nói mãi, cũng có người tin. Như chuyện Tăng Sâm đời xưa ở bên Tàu đấy. Lần đầu có người đến nói với mẹ Tăng Sâm rằng, Tăng Sâm giết người. Bà không tin. Lần thứ hai, cũng có người nói Tăng Sâm giết người. Bà hồ nghi. Lần thứ ba, lại cũng có người nói, Tăng Sâm giết người. Bà sợ hãi, và bỏ chạy.”

“Tôi chép miệng: “Khổ thật! không biết bao giờ mới thoát được cái họa tuyên truyền ngu dân.”

Vâng, tuyên truyền ngu dân là sách lược của nhà nước Việt Cộng. Một khi các cơ quan ngôn luận nhà nuớc đã đánh bóng và thổi phồng thành tích của nhà ngoại cảm nào rồi thì họ sẽ tiếp tục bao che, làm lơ hoặc có khi còn bào chữa cho những lầm lẫn hoặc tai nạn nghề nghiệp của nhà ngoại cảm đó. Về phía quần chúng, không thiếu những người có đầu óc khoa học thực tiễn đã lên tiếng bằng các buổi tham luận và bài báo vạch trần sự thật hiện tượng ngoại cảm. Phần lớn họ lên tiếng trình bày những chuyện đau lòng của thân nhân gia đình tử sĩ là nạn nhân của các vụ lợi dụng và thương mại hóa việc tìm hài cốt và bốc mộ cùng với cung cách làm việc tắc trách bê bối và phản khoa học của các cơ quan công quyền trong vấn đề này. Một người cay đắng phát biểu, “Họ chẳng tưởng nhớ gì đến các tử sĩ đâu; họ chỉ đang mượn vong linh các tử sĩ để mua bán danh vọng mà thôi. Ðó là một sự thật phũ phàng và có tính qui luật. Hòa bình càng lâu, người ta càng quên đi bài học giữ nước. Ðứng trước nguy cơ về vận mệnh dân tộc bị chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa đe dọa, họ lại lo sùng bái các nhà ngoại cảm qua bức bình phong tâm linh, khoa học nhân văn huyền bí, tô tượng đúc chuông và sống xa hoa phè phỡn. Họ là những hôn quân cực kỳ mê tín!”

À, hay là... các nhà khoa học Việt Cộng thuộc Liên hiệp Khoa học Công Nghệ Tin Học Ứng Dụng, Trung tâm Bảo Trợ Văn Hóa Truyền Thống, Viện Khoa Học Hình Sự, Bộ Công An và Bộ Môn Cận Tâm Lý của Trung tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người đang dốc công sức nghiên cứu bộ môn cận tâm lý và tiềm năng con người hầu mong tìm ra năng lực siêu nhiên để đuổi giặc Tàu Cộng trong trường hợp bị xâm lăng một lần nữa? Biết đâu chừng! Các ông muốn làm như thầy pháp điều khiển âm binh, gọi tái ngũ tất cả hồn ma cán binh Việt Cộng đội mồ sống dậy cầm súng AK-47 xông pha ra chiến trường. Nghe nói có ông giáo sư tiến sĩ nọ còn tự mình mỗi ngày ngồi thiền hằng giờ tập luyện thiên nhãn thông và đã đạt được khả năng khiến một số cây cỏ héo rũ tỉnh lại được! Tưởng gì ghê gớm chứ chuyện này tôi làm cũng được, cứ đi lại tiệm Home Depot mua một lọ thuốc bổ cho cây cối về pha 7 giọt vô một lít, đổ vô bình xịt, xịt mỗi buổi sáng, bảo đảm ba hôm kết quả trông thấy liền.

Một bài viết có tính cách quảng cáo đọc thấy trên liên mạng www. nhantimdongdoi.org như sau: “Các cơ quan này đã tập hợp được đông đảo nhà khoa học tài ba, ham mê khám phá những hiện tượng kỳ lạ, khả năng đặc biệt nhằm khai thác để phục vụ đất nước. Mặc dù đã hoạt động được 15 năm, triển khai cả ngàn đề tài khoa học, song đối với vấn đề ngoại cảm sâu rộng vô biên, đây cũng mới chỉ là bước nghiên cứu đầu tiên, nhằm đánh giá đúng sai, thật giả mà thôi.”

Chèn đéc ơi! Một tập thể đông đảo gồm toàn những nhà khoa học tài ba mà sau 15 năm nghiên cứu về hiện tượng ngoại cảm cũng chỉ đi đến kết luận rằng đây chỉ là bước nghiên cứu đầu tiên nhằm đánh giá đúng sai thật giả mà thôi. Làm việc cái kiểu đó chắc chỉ có ở Việt Nam. Vậy mà đòi làm cọp, làm rồng ở Á Châu, biết đến bao giờ?

Bài viết có đoạn tiếp theo, “Hầu hết các nhà ngoại cảm có khả năng thật sự đã được phát hiện nhờ các cơ quan trên đây, những trường hợp bịp bợm, ảo tưởng (số này đến cả ngàn) cũng bị loại bỏ nhờ các đề tài nghiên cứu rất cụ thể, chi tiết. Kết quả thể hiện khả năng của các nhà ngoại cảm đã được đánh giá bằng những số liệu khoa học chính xác và các nhà khoa học ở các trung tâm này đều khẳng định hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm là có thật.”

Bạn đọc thấy chưa, chính nhờ có bao nhiêu nhà khoa học Việt Cộng tài ba mà quần chúng mới biết là số nhà ngoại cảm bịp bợm lên đến con số cả ngàn người; và nhờ nghiên cứu cụ thể chi tiết mới biết hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm là có thật.

“Trong số cả trăm nhà khoa học miệt mài theo chân các nhà ngoại cảm lên rừng, xuống biển tìm hài cốt liệt sĩ, mới chỉ có vài nhà khoa học lên tiếng đưa ra lời lý giải cho hiện tượng này.”

Ấy chết! Ông hay bà tác giả nào viết bài này dám giỡn mặt với chánh quyền nói lên sự thật tai hại, coi chừng bị mất “job”, mất lương công nhân viên nhà nước. Cái gì mà hằng trăm nhà khoa học đi công tác mà chỉ có vài vị viết bản tường trình . Ðại đa số giữ thái độ im lặng phải chăng vì không đủ khả năng chuyên môn để nhận định vấn đề, hay là không biết phải giải thích như thế nào cho khỏi làm mích lòng ai.

Và đây là câu cuối của bài viết đó: “Bạn đọc nào có nhu cầu tìm mộ xin liên hệ: Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng, số 1, Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. ĐT: 04.5745150 – 04.2164107.”

No thanks! Cho em xin hai chữ bình an!

Phan Hạnh, Toronto.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment