Sunday 23 September 2012

Ngày lễ Giáng Sinh


Ngày lễ Giáng Sinh

Những hiểu biết gây ngộ nhận

 

Truyền thuyết là những gì mà người đời đặt ra với đặc điểm chung thể hiện các yếu tố kỳ diệu, huyễn tưởng, nhưng lại được cảm nhận là xác thực, diễn ra ở ranh giới giữa thời gian lịch sử và thời gian thần thoại, hoặc diễn ra ở thời gian lịch sử.Truyền thuyết giống với thần thoại ở dấu hiệu về niềm tin và sự hiện diện của yếu tố thần kỳ.

Tôn giáo và tín ngưỡng thường đi đôi với truyền thuyết. Hồi giáo tin đấng thượng đế có một đại danh không ai được biết. Đó là tên gọi duy nhất không được viết ra trong số 40 ngàn cái tên gọi khác nhau của thượng đế. Cũng theo truyền thuyết đạo Hồi, giáo chủ Mahommed thuở ấu thơ là một cậu bé chăn cừu được các thánh thần hiện ra lấy trái tim của ông đem tẩy rửa trên tuyết và thánh hóa ông, rửa hết tội lỗi trong người ông. Do đó đời sống của ông trở nên lạ thường.

Trong Phật giáo, truyền thuyết cho rằng khi đức Phật Thích Ca vừa mới chào đời, trời đất rung động, ngài bước đi bảy bước và nói, “Trên trời dưới đất chỉ có mình ta.”

Câu chuyện Chúa Giêsu Giáng sinh

Còn về Cơ đốc giáo, người ta thường kể câu chuyện Giáng Sinh như thế nầy:

Đó là khoảng 2010 năm trước đây, vào tối 25 tháng 12, mấy người chăn cừu hộ tống đức mẹ Mary cưỡi trên lưng một con lừa vào thành Bethlehem một cách khẩn cấp để đập bầu sinh con. Mặc dù đó là trường hợp khẩn cấp, tất cả các quán trọ đều từ chối nhận bà. Vì vậy, Mẹ Mary đã sinh ra Chúa Giêsu trong một chuồng gia súc chỉ có lót rơm. Thế rồi các thiên thần xuất hiện cất tiếng ca vang. Sau đó, tất cả mọi người hợp cùng ba vì vua vừa cưỡi lạc đà đến nơi để ngưỡng kính chúa hài đồng.

Theo lệnh vua Herốt, tất cả dân Do Thái phải về nguyên quán để ghi danh vào sổ trong việc điều tra dân số. Trong lúc nầy Mary đang mang thai và gần ngày sanh nở. Bà phải làm một cuộc hành trình dài 70 dặm từ Nazareth về kinh đô. Khi đến thành Bethlehem thì không còn nhà quán để trọ nên Giô-sép và Mary đành phải ở tạm nơi chuồng chiên nghèo hèn.

Khi Chúa Giêsu ra đời, thiên sứ đến báo tin cho những kẻ chăn chiên ngoài đồng đến thờ lạy ngài. Và cũng có ba nhà thông thái từ phương Đông theo ánh sao rơi mà đến dâng lễ vật và chiêm ngưỡng con trời vừa giáng thế. Theo thánh kinh thì trước khi đến gặp chúa Giêsu, các nhà thông thái đã báo cho vua Herốt điềm lạ về ngôi sao xuất hiện vì có một vị vua mới ra đời để cai trị thiên hạ. Vì vậy vua Herốt bảo các nhà thông thái nếu tìm được vị vua mới sinh ra thì nên quay về báo cho ông ta biết để ông cũng đến thờ lạy chúa. Nhưng trong thâm tâm vua Herốt muốn tìm cách giết Chúa Giêsu vì sợ mất ngôi. Sau khi gặp được Chúa hài đồng, ba nhà thông thái không quay lại gặp nhà vua nữa; họ theo đường khác mà về nguyên quán.

Vấn đề là, câu chuyện đó hầu như hoàn toàn sai. Những sự kiện xung quanh sự ra đời của chúa cứ được kể đi kể lại nhiều lần bằng nhiều cách, trong kịch, thơ, sách và phim ảnh đó khiến cho hầu hết mọi người có một cái nhìn bị bóp méo về các sự kiện thật. Biên chỉ chính xác đúng nhất được tìm thấy trong Kinh Thánh, ngôn từ của Thiên Chúa.

Có phải chúa Giêsu ra đời vào năm thứ nhất dương lịch?

Không. Không ai biết đích xác năm sinh của chúa Giêsu, chỉ phỏng đoán là trong vòng 7 năm trở lại trước dương lịch.

Có phải 25 tháng 12 là sinh nhật của chúa Giêsu?

Không. Cũng không ai biết đích xác sinh nhật của chúa Giêsu, chỉ phỏng đoán là một ngày từ mùa Xuân đến mùa Thu, có phần chắc là vào cuối tháng Chín trong mùa Thu. Nếu bảo chúa Giêsu được thụ thai vào ngày 25 tháng 12 thì hợp lý hơn (John 1:14).

Có phải lễ Giáng Sinh bắt đầu từ năm thứ nhất dương lịch?

Không. Đến năm 440 ngưòi ta mới chọn ngày nầy làm sinh nhật của chúa vì đó là ngày lễ hội lớn đã được mọi người biết đến từ trước để mừng thần mặt trời trở về sau Đông Chí (đông chí là ngày trong một năm khi ban ngày ngắn nhất và ban đêm dài nhất).

Palestine (nơi chúa sinh ra) vào cuối tháng 12 trời rất lạnh. Không thể có những người chăn cừu ngoài đồng cỏ lúc đó. Mùa chăn cừu diễn ra hàng năm từ tháng 3 đến tháng 10 và chúa thực sự sinh ra phải trong thời gian đó.

Có phải Mary cưỡi lừa đến Bethlehem?

Có lẽ, nhưng cũng có thể bằng cách khác. Kinh Thánh không nói bà đã đến Bethlehem bằng cách nào mà chỉ nói bà cùng đi với Joseph.

Mary hạ sinh chúa ngay trong đêm đến Bethlehem?

Kinh Thánh cũng không nói như vậy. Đoàn người có thể đã đến cả tuần trước đó. Đơn giản Kinh Thánh chỉ nói, "Trong khi họ ở đó (Bethlehem) mấy ngày qua mà bà vẫn chưa sinh" (n Luke 02:06). Vào đến thị trấn nhiều ngày trước khi sinh nở nghe có lý hơn.

Joseph hay Mary có nói chuyện với chủ quán trọ nào không?

Có thể, nhưng không có bằng chứng nào để khiến cho người ta phải tin như vậy. Mặc dù vai trò chủ quán trọ hiển hiện trong đa số các tuồng tích kịch diễn về Giáng Sinh nhưng Kinh Thánh cũng không có nhắc đến chi tiết đó. Hơn nữa, sự kiện sẽ hợp lý hơn nếu Joseph và Mary tạm trú ở nhà của một thân nhân nào đó thay vì ở trong chuồng ngựa đàng sau một khách sạn thời đó.

Chúa chào đời trong một chuồng gia súc? Một nhà kho? Một hang đá?

Kinh Thánh cũng không nói nốt mà chỉ nói trong một máng cỏ. Sách chỉ nói là người ta đặt chúa hài đồng trong một máng cỏ vì không có đủ chỗ cho ngài trong cái phòng dành cho khách. Theo như sự nhận định của các chuyên gia khảo cổ thánh kinh, có phần chắc chúa Giêsu chào đời tại nhà của một thân nhân, trong căn nhỏ dành cho khách tách riêng với nhà gia chủ. Chữ kataluma trong kinh thánh viết bằng cổ ngữ Hy Lạp có nghĩa là căn nhà khách, nhà nghỉ hay quán trọ.

Khi vừa chào đời, chúa hài đồng có khóc không?

Theo như những bài ca vinh danh chúa thì chúa không khóc, nhưng việc này không thấy kinh thánh đề cập đến.

Thiên thần có xuất hiện và có ca vang không?

Có thể, nhưng kinh thánh không xác quyết điều đó.

Có ba vì vua cưỡi lạc đà đến viếng mừng chúa sinh ra không?

Không. Thật ra họ không phải là vua mà là trưởng lão, hiền tài, thông thái, tùy theo cách gọi do chữ “magi”. Con số đích xác không hẳn là ba người mà chỉ biết từ hai người trở lên vì chữ “magi” dùng trong kinh thánh chỉ số nhiều. Kinh thánh chỉ nhắc là có ba món quà. Gốc gác những vị này từ nước nào đến cũng không được biết.

Có phải họ đến lúc chúa vừa chào đời và vẫn còn nằm trong máng cỏ?

 

Không. Tin tức thời đó truyền đi không nhanh và sự di chuyển cũng không nhanh như vậy. Lúc họ đến viếng ra mắt chúa Giêsu xảy ra có thể là hai năm sau tức là khi chúa đã được hai tuổi, đã biết đứng và biết nói và được trình diện tại Đền ở Jerusalem (Luke 2:22-39) và (Matthew 2:16).

Lý do ngày 25 tháng 12 được chọn

Vì Giáo Hội Công giáo La Mã chọn ngày nầy và vì La Mã đã thống trị hầu hết thế giới Kitô giáo qua nhiều thế kỷ cho nên nó đã trở thành ngày truyền thống của đạo này.

Ý nghĩa quan trọng ban đầu của ngày 25 Tháng Mười Hai được dành cho Ngày hội hàng năm mừng sự  trở lại của Mặt Trời sau Đông Chí, tức ngày 21 tháng 12, ngày ngắn nhất trong năm và một ngày quan trọng trong lịch. Ngày 25 tháng 12 là ngày đầu tiên mà cổ nhân thời đó để ý trông thấy rõ ràng thời lượng ban ngày bắt đầu dài ra với mặt trời chiếu rọi quả đất lâu hơn, đánh dấu sự trở lại của mặt trời.

Vì không ai biết đích xác ngày sinh của Chúa, Giáo Hội Công Giáo La Mã có toàn quyền định đoạt việc chọn ngày này. Giáo hội muốn thay thế ngày lễ hội ngoại đạo với một ngày nghỉ lễ mang tính chất tôn giáo. Theo tâm lý, lấy đi một ngày lễ truyền thống nhưng không linh thiêng để thay thế nó bằng một ngày lễ tôn giáo có ý nghĩa tốt hơn là một chuyện khá dễ dàng mà khỏi lo gặp sự phản đối. Thật là một công đôi việc, một giải pháp tuyệt diệu.

Kết luận

Những người theo đạo Thiên Chúa tổ chức lễ Giáng Sinh và dựng những hoạt cảnh hàng năm để nhắc lại sự tích ngày Chúa Giêsu ra đời. Người ta tổ chức sinh nhật Chúa Giêsu vào ngày 25 tháng 12 là theo truyền thống mà giáo hội Thiên Chúa giáo đặt ra nhằm xoá mờ đi sự mê thờ thần Mặt Trời của người La Mã. Vì thế từ đó đến nay, ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là ngày sinh của thần Mặt Trời. Với người Thiên Chúa Giáo điều nầy xác đáng vì Chúa Giêsu là ánh sáng và là sự cứu rỗi của nhân loại. Nếu đọc qua năm sách phúc âm trong Tân Ước (Mathiơ, Mác, Luca, Giăng, và Công vụ các sứ đồ), thì ta có thể phỏng đoán là Chúa Giêsu sinh ra không phải vào mùa Đông. Điều nầy không quan trọng trong niềm tin cơ đốc. Khác với các nhà khoa học là mọi sự phải có bằng chứng biện minh. Với người Thiên Chúa Giáo, đức tin và giáo hội là câu trả lời cho mọi thắc mắc. Đã hơn hai thiên niên kỷ trôi qua, người ta vẫn tin rằng sự việc Chúa ra đời là một phép lạ có một không hai trong lịch sử nhân loại. Và ngày Chúa Giáng sinh vẫn là ngày lễ quan trọng nhất của hơn một phần ba dân số trên thế giới.
Phan Hạnh.

No comments:

Post a Comment