Wednesday 19 September 2012

Một Thời Đi Chợ (Tạp luận)


Một Thời Đi Chợ


 

Phố Tàu Toronto
 


Chúng tôi đến thành phố Toronto này kể từ sau Ngày Ðứt Phim Tháng Tư Ðen Năm Bảy Lăm, dọn nhà năm bảy lượt, xúc tuyết xuội cả tay ẹo cả lưng mỗi một mùa đông đến, rượt xe bus và lấy hàng ngàn vé chuyển tuyến TTC, bấm thẻ ghi giờ làm việc cỡ mười lăm ngàn lần, chửi thầm thằng cha con mẹ xếp trong hãng xưởng nghe đã cái lỗ tai mình, và lội bộ phố Tàu Spadina-Dundas đi chợ mấy trăm cái cuối tuần.


Ðàn ông Mít chúng ta suy tính và phản ứng nhanh hơn các bà, lái xe giỏi hơn các bà, có ý niệm về phương hướng bén nhạy hơn các bà, có nhiều sức mạnh thể chất hơn các bà; bởi vậy, khi đã có xe hơi, đàn ông Mít càng phải lãnh bổn phận đi chợ cho vợ mới đúng điệu chồng gương mẫu.

 

Người ta hay bảo “trâu chậm uống nước đục”, trâu mà uống nước đục hay nước bùn lâu ngày trâu cũng khen ngon; nhiều ông chồng đi chợ lâu ngày đâm ghiền, mỗi ngày Thứ Năm chờ xấp flyers quảng cáo thảy trước cửa nhà để lật qua một lượt tìm món "sale" trong tuần. Hỏi chồng chợ gì, ở đâu bán món gì rẻ, chồng rành sáu câu. Hỏi vợ, vợ nói "Hổng biết!" 

 

Chợ Tàu

 

Xem nào, hồi mới đến Toronto năm 1975, Mít tôi lội ra phố Tàu kiếm mua mì gói và thức ăn khô thì phải vào tiệm Nhật vì lúc đó làm gì có các chợ bán thực phẩm Á Đông như Tân Á, Tân Hưng, Bến Thành, Long Phát, Long Hoa, Long Huy, Kiến Hưng, Ðại Giang, hay T&T ở khắp Toronto như bây giờ đâu. Ngày đó có hai tiệm Nhật ở Phố Tàu Spadina-Dundas. Một trên đường Dundas St. (góc Đông Bắc) và một trên đường Spadina Ave. (góc Đông Nam).

 

Chợ Tàu ngày nay dù sao cũng vẫn còn chình ình đó để cho bạn và tôi thỉnh thoảng lái xe xuống dưới đó cho thợ mới từ Hoa Lục sang xén bớt mớ tóc muối tiêu, ghé làm một tô mì vịt tiềm hay một tô hủ tiếu Nam Vang, thăm lại một tiệm tạp hóa Nhật cũ vẫn còn bám trụ trên đường Queen St., mua một mớ trái cây nhiệt đới mang về làm quà cho vợ.

 

Lâu lâu có một tin xấu làm hại phố Tàu mà cũng là phố Việt, một thứ Sài Gòn nho nhỏ của dân Mít ta. Người ta nói phố Tàu có SARS, dịch cúm gà, cúm chim gì đó khiến cho một số người mạng thỏ đế đi phố Tàu phải mang khẩu trang! Rồi có người nào đó chụp được hình chuột hoặc gián bò trong khung tủ kính của một tiệm bán thịt heo quay gà quay vịt quay xá xíu khiến cho khách-không-phải-là-người-Á-Ðông ghê sợ không dám tới. Các cửa hàng buôn bán ế ẩm, phải hạ giá bán rẻ; Mít ta khoái quá nhào vô mua sắm, vừa bớt chen lấn vừa tiết kiệm được năm ba đồng đổ xăng và trả tiền gửi xe.

 

Nếu ta bắt đầu đi trên đường Spadina Ave. từ đường College St. trở xuống theo hướng Bắc Nam, ta sẽ gặp nhà hàng Saigon Palace số 454 Spadina Ave., Nhà Hàng Anh Đào số 383 Spadina Ave., Phở Hưng số 350, Cơm Tấm Đào Viên số 332, Siêu Thị Hua Sheng số 293-299, Siêu thị Ding Fung số 324, Phở 88 số 270 cạnh Dragon City (tên Hán Việt là Long Thành, phát âm theo tiếng Quảng Đông là Lùng Xìng), Phở Xe Lửa số 254-256, tiệm ăn Asian Majesty Chinese Restaurant‎  số 307 Spadina Ave. gần góc đường D'Arcy St. trang hoàng nhã nhặn, sạch sẽ, cuối tuần mở cửa rất khuya, Lee Garden Restaurant‎ ở số 331 Spadina Ave. gần góc đường Balwin St. thường rất đông khách, muốn ăn đồ biển ngon thì phải chịu khó xếp hàng chờ, muốn ăn điểm tâm (tỉm xấm) thì hãy đến Nhà Hàng Bốn Sư Tử Bright Pearl Seafood‎ ở số 346 Spadina Avenue, lầu hai và lầu ba của nó rộng lớn chứa được mấy trăm người, phe Mít ta ai ai cũng biết nhà hàng này vì tiệc tùng hội đoàn như tiệc cưới, tiệc tất niên, tiệc tân niên, tiệc gây quỹ, v.v. thường hay được tổ chức ở đây.


Chè và Bánh Mì Cali ở số ‎318 Spadina Avenue, nhà hàng Kom Jug Yuen (Cẩm Cúc Viên) ở số 371 Spadina Ave. Tạp Phong ở số 360, Nhà Hàng Kim Á, số 6 St. Andrew, cạnh đó ngay góc đường là Phở Hưng, Phở Pasteur ở số 525 Dundas St. West, Bánh Mì Ba Lẹ ở số 538 Dundas St. West, Phở Xe Lửa ở số 254, Bún Saigon ở số 252 Spadina Ave. Riêng địa chỉ 250-252 Spadina Ave. gợi nhớ rất nhiều những năm cuối của thập niên 1970 khi Niệm Phật Đường Chân Như còn ở trên lầu ba của địa chỉ này. Những ngày đó chúng tôi thường đến đấy vào dịp cuối tuần để sinh hoạt. Các cụ Nguyễn Đức Thái, Ngô Trọng Cảo, Cung Cảnh Phúc, Bùi Văn Bảo, Trần Ngọc Tỷ, v.v. là những khuôn mặt lão trượng thiết tha với việc duy trì những ngày lễ dân tộc mà chúng tôi từng gặp ở đấy, tất cả không còn nữa.

 

Siêu thị Asian Farm số 241, Siêu thị Hua Sheng số 239 Spadina Ave., bày hàng choáng cả lối đi, Chinatown Centre số 222 Spadina Ave. có khách sạn Super 8 ngay các tầng lầu trên rất tiện lợi cho khách phương xa muốn đến Toronto chơi trong dịp hè để ăn trái cây nhiệt đới cho đã thèm.

 

Ngày nay chúng tôi đã bớt đi xuống Phố Tàu vì ngại nỗi thân già tay xách nách mang nặng lội về tới chỗ đậu xe cũng muốn rụng hai cánh tay. Nỗi sợ thứ hai là lạng quạng dám bị đám đông chen lấn làm nhẹp ruột. Và nỗi sợ thứ ba là lớ ngớ dám bị kẻ đạo chích thấy mình già ăn hiếp móc túi chơi lấy mất bóp báo hại phải đi khai báo và làm lại giấy tờ, mệt lắm.

 

Ngày xưa còn hay ghé vào tiệm mì King Noodle House trên đường Spadina Ave. để làm một tô mì vịt quay; hoặc tạt qua tiệm Hong Fatt BBQ trên đường Dundas St. để mua một vài cân thịt heo sữa quay rất ngon về nhà đánh chén; bây giờ nhắc tới mà chảy nước bọt, nhưng thân già phải lo kiêng cữ thức ăn mỡ màng, thật tiếc thay những ngày vàng son ăn ngon thả cửa!

 

Bây giờ hầu hết các chợ Canada đã khôn ra nên cũng có bày bán một số thực phẩm Á Đông để phục vụ khách hàng da vàng mũi tẹt. Hơn nữa, chợ Tàu hay chợ Việt hầu như cũng có mặt rải rác mọi nơi, đâu đâu cũng có; chúng ta không cần phải đi chợ xa nữa.

 

Chợ Ba Tầng Honest Ed's

 

Còn cái chợ tạp hóa Honest Ed's mà phe Mít nhà ta thường gọi là Chợ Ba Tầng (cộng thêm tầng hầm nữa là bốn), ở góc đường Bloor-Bathurst cũng vẫn còn đó, mặc dù ông chủ tiệm Ed Mirvish thành thật không còn sống trên cõi đời này nữa. Người dân Toronto còn nhớ hàng năm vào ngày lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh, ông đứng ở cửa chánh của  tiệm để tận tay phân phát biếu không gà tây cho thiên hạ. Kể từ năm 1988 trở về sau, ông cũng tổ chức mỗi năm tiệc sinh nhật và mời công chúng cùng đến dự chung vui với ông. Có năm con số người tham dự lên đến 60,000 người. Dĩ nhiên, mọi chi phí tốn kém đều do ông bỏ tiền túi ra đài thọ. Vào dịp sinh nhật thứ 92 ngày 24/7/2006 của ông, tiệm Honest Ed's bán nhiều món hàng với giá chỉ có 92 xu. Ông gắn bó với cửa tiệm mang tên ông suốt gần sáu mươi năm cuộc đời, cuối cùng mới ra đi ngày 11 tháng Bảy năm 2007.

 

Edwin “Honest Ed” Mirvish, (24/7/1914 – 11/7/2007) chào đời ở Colonial Beach, bang Virginia Hoa Kỳ, là con của một gia đình di dân người Do Thái. Sau đó gia đình cha mẹ ông dời cư đến Washington D.C. và mở một tiệm tạp hóa. Nhưng tiệm này khánh tận năm 1923 và gia đình cha mẹ ông một lần nữa di chuyển đến Toronto mở một tiệm tạp hóa trên đường Dundas St. buôn bán ở tầng trệt và cư ngụ ở tầng lầu. Năm Ed Mirvish 15 tuổi, cha ông mất, ông phải nghỉ học để ở nhà thay cha làm cột trụ của gia đình, trông coi việc bán buôn nơi cửa tiệm nuôi mẹ và hai em. Nghiệp vụ tạp hóa không khá, Ed hùn hạp với một người bạn thuở ấu thơ là Yale Simpson chuyển qua tiệm giặt ủi lấy tên "Simpson's". Mãi về sau này khi Yale Simpson đã trở nên giàu có và đã mở một cửa hàng bách hóa bề thế cùng tên "Simpson's" nằm trên đường Queen St. góc đường Yonge St. ngay "downtown", người bạn nối khố của Ed đòi Ed phải đổi tên tiệm giặt ủi, không được dùng tên "Simpson's" nữa.

 

Tiệm giặt ủi làm ăn cũng không khá, Ed dẹp tiệm và đi làm quản lý phân khu thực phẩm tươi (trái cây và rau cải) và người mua hàng cho nhà doanh nghiệp tạp hóa Leon Weinstein. Cuộc sống tài chính ổn định, Ed có tiền mua nhà sắm xe và cưới vợ năm 1941. Năm 1945, đứa con trai duy nhất của họ là David Mirvish chào đời. Trong thời gian xảy ra Thế Chiến Thứ Hai, vợ chồng Ed có mở tiệm bán áo dài tức là trang phục phụ nữ Âu Tây chứ không phải áo dài Việt Nam.

 

Đến năm 1948, Ed mở tiệm bách hóa Honest Ed's; tiệm này tức khắc mang lại thành công và không ngừng phát triển, dần dần mua lại tất cả các cửa hàng lân cận. Ngày nay, cơ sở Honest Ed's chiếm trọn một khu phố mang tên Làng Mirvish (Mirvish Village) trên đường Markham St. bắt đầu từ đường Bloor St. chạy xuống hướng Nam với nhiều nhà xưa cổ xây cất theo kiễu thời đại Victorian và trở thành một trong những địa điểm cột móc tiêu biểu của thành phố Toronto. Làng Mirvish là nơi qui tụ các cửa hàng trưng bày tranh họa, tác phẩm điêu khắc, cùng nhiều ngành mỹ thuật khác; vì lý do Anne (vợ của Ed) nguyên là một nhà điêu khắc và David (con trai của Ed) là nhà sưu tầm nghệ thuật.


Ed Mirvish là người có linh tính và biết đầu tư. Do tiền kiếm được từ tiệm bách hóa Honest Ed's, ông tậu mua địa ốc cũ với giá rẻ, sửa sang lại và kinh doanh ngành nhà hàng, nhà hát kịch nghệ. Rạp hát Royal Alexandra Theatre và một lô các nhà hàng Ed's Warehouse, Ed's Seafood, Ed's Folly, Ed's Chinese, Ed's Italian Restaurant và Old Ed's, trên đường King St. đều do ông khởi xướng khai thác lúc ban đầu.

 

Ngày 26 tháng Năm, năm 1993, cha con Mirvish khánh thành rạp Princess of Wales Theatre, một nhà hát lớn mới được cho ra đời trong vòng ba mươi năm trở lại đây tại Bắc Mỹ và hoàn toàn do tư nhân tài trợ. Rạp này tại địa chỉ 300 King St. West có 2,000 chỗ ngồi, khai trương với vỡ nhạc kịch Miss Saigon rất thành công về mặt tài chánh và được trình diễn suốt nhiều tháng trời. Sau Miss Saigon, rạp này cho diễn các vỡ kịch khác như Beauty and the Beast, The Lion King, Mama Mia, Les Miserables, Hairspray, Chicago, Oliver!, Cabaret, The Phantom of the Opera và The Sound of Music.


Để tưởng niệm một người có tên tuổi gắn liền với thành phố, Tòa Đô Chính Toronto chính thức gọi ngày 12 tháng Tám (năm 2007), là “Ed Mirvish Day”.

 

Hồi mới chân ướt chân ráo đến Toronto, Mít tôi cũng hay đến Chợ Ba Tầng mua sắm. Vui ghê. Phe ta rất thích vì cái vẻ bình dân gần gũi của nó. Diện tích bốn tầng của nó tổng cộng 160,000 sq.ft. thế mà vẫn chật vì khắp nơi đều ngập tràn hàng hoá và hàng hàng lớp lớp người đi mua sắm. Mỗi buổi sáng chưa đến giờ mở cửa mà dân nghèo đã sắp hàng rồng rắn trước địa chỉ số 581 Bloor St. West để chờ xô cửa ào vào chộp mua trước theo kiễu lẹ tay thì còn chậm tay thì hết vì số lượng hàng đại hạ giá có giới hạn. Cá hộp tuna 170 ml. 10 xu, bánh mì xắt lát "sandwich" 10 xu một ổ, bịch đường cát trắng Redpath 2 kg. 25 xu, rẻ quá trời. Vậy mới gọi là "door crasher". Cửa sắt thật chắc chắn như cửa nhà thờ mới chịu nổi. 

 

Ðó là một thắng cảnh tiêu biểu của thành phố Toronto đấy. Nếu bạn có dịp đi ngang qua cái địa chỉ 581 đường Bloor góc Bathurst đó thì 23,000 bóng đèn nhấp nháy chạy viền bảng hiệu cửa tiệm ngày cũng như đêm sẽ đập vào mắt bạn khiến cho bạn chú ý nhìn châm bẩm. Và hình ảnh đó cũng giống như rạp Radio City ở thành phố New York không dễ gì xóa bỏ khỏi trí nhớ bạn. Ngoài ra tiệm còn có những câu quảng cáo mộc mạc đọc lên nghe rất dí dỏm vừa buồn cười vừa dễ thương hết sức như "Our Building is a dump! Our Service is rotten! Our Fixtures are orange crates! But!!! Our Prices are the lowest in town! Serve yourself and save a lot of money!" "Honest Ed is for the birds … cheap, cheap, cheap." "Don't just stand there...Buy something!" "Welcome, don't faint at our low prices, there's no place to lie down." và còn nhiều câu hay lạ khác nữa cứ lâu lâu được thay đổi bên trong các cửa kính bày hàng ở mặt tiền đường Bloor.

 

Honest Ed's của Toronto được ví như các cửa hàng danh tiếng Macy's của New York, Harrods của London và Marshall Fields của Chicago vậy.

 

Chợ Ðầu Bò 

 

Nhưng Chợ Ðầu Bò mới là nơi tôi tiếc nhớ nhiều nhất. Bạn còn nhớ Chợ Ðầu Bò không, cái tên mà bạn và tôi và tất cả người Việt chúng ta từng thân mật gọi thế cho cái tên chính thức Knob Hill Farms của nó. Rất tiếc nó đã vĩnh viễn dẹp tiệm; ông chủ Steve Stavro cũng buồn tình lìa cõi thế. Chúng ta gọi Chợ Ðầu Bò vì một lý do giản dị là huy hiệu của nó có hình dáng một cái đầu bò. Nếu có ai trong chúng ta có đầu óc thích phiên dịch thì sẽ gọi nó bằng một cái tên dài dòng là Những Nông Trại Ngọn Ðồi Hình Quả Nắm. Nghe kỳ thấy mồ.

 

Tôi nhớ trong nhiều năm, Chợ Ðầu Bò là nơi tôi đến hầu như mỗi cuối tuần để mua sắm. Tôi thích vì lý do giá rẻ, nhiều mặt hàng, rộng rãi mênh mông, khách hàng tự do lựa, thử. Tôi đã từng thấy có những khách hàng vào đó bóc bánh ngọt, hạt điều, lạc rang ăn; xong tráng miệng bằng trái cây như nho, quít; xong giải khát bằng một lon coca-cola. Nhân viên phục vụ chắc có thấy trẻ con, hay người lớn mà còn trẻ con, ăn vụng, nhưng họ không nói gì, chắc sợ làm mất lòng khách hàng. Hay cũng vì vậy mà Chợ đóng cửa dẹp tiệm chăng. Vẫn biết thịnh suy là chuyện thường tình nhưng tôi thắc mắc không hiểu vì sao một cơ sở kinh doanh đồ sộ như hệ thống Chợ Ðầu Bò mà phải lâm vào cảnh đóng cửa.

 

Hệ thống Chợ Ðầu Bò có tới mười chợ: chín chợ nằm trong vùng đại đô thị Toronto và một chợ khổng lồ ở Cambridge cách Torontop khoảng 90 cây số. Chợ Ðầu Bò Landsdowne-Dundas nằm trong khu đông dân phe ta nên đi chợ đó dễ gặp mặt đồng hương nhưng kiếm chỗ đậu xe rất trần ai. Hai Chợ Ðầu Bò, một cái nằm trên đường Weston và một cái nằm trên đường Cherry, rộng lớn hơn nhiều, đậu xe thoải mái. Chợ Ðầu Bò Cambridge rộng tới 340,000 sq.ft., gấp đôi tiệm bách hóa Honest Ed's, và là chợ bán thức ăn rộng lớn nhất trên thế giới.

 

Hệ thống Chợ Ðầu Bò tồn tại được 50 năm, từ năm thành lập 1951 đến năm tiêu vong 2001. Cha của ông Steve Stavro điều hành tiệm thịt Louis Meat Market ở Toronto từ thập niên 1930 đến thập niên 1950. Năm 1954, ông con Steve Stavro ra riêng mở tiệm dưới tên Knob Hill Farms. Chỉ trong vòng 6 năm, ông mở  thêm tám địa điểm nữa, tất cả là chín chợ.

Năm 1963, Stavro thay đổi phương sách làm ăn, mở một siêu chợ (gọi là trạm thực phẩm, food terminal) rộng sáu ngàn thước vuông góc đường Highway 7 và Woodbine Avenue. ở Markham ven Bắc Toronto. Qua năm 1971, Chợ Đầu Bò bành trướng ra vùng ngoại vi TorontoPickering. Năm 1975, Chợ Đầu Bò Landsowne Avenue và Dundas Street West mở cửa sẵn sàng cho phe ta bắt đầu lục đục từ Việt Nam qua đi chợ. Năm 1977, Chợ Đầu Bò mở thêm địa điểm trên đường Cherry St. giữa Gardiner Expressway với bờ hồ. Năm 1978, Chợ Đầu Bò ở đường Dixie Rd.Queen Elizabeth Way khai trương để phục vụ khách hàng vùng Mississauga. Cứ theo cái đà chợ mới mở phải rộng lớn hơn chợ đã mở, năm 1983, Chợ Đầu Bò ở Oshawa khổng lồ với 21,000 mét vuông gồm có nhà thuốc tây, lò nướng bánh mì ngay tại tiệm, phòng mạch nha sĩ, tiệm cho thuê video, tiệm bán thiệp, v.v. Năm 1985, Chợ Đầu Bò rộng 30,200 mét vuông ở địa điểm đường Weston Rd. và xa lộ 401 khánh thành, rất tiện lợi cho người Việt mình vốn cư ngụ tập trung nhiều về mạn phía Tây của thành phố Toronto. Công ty Chợ Đầu Bò cũng dự định mở một trạm thực phẩm ở vùng Scarborough năm 1987 nhưng không  được chính quyền cho phép.

Năm 1988, Hội Đồng Liên Hệ Lao Động Ontario xử công ty phạm sai trái vì đã đuổi việc mười bốn nhân viên của Chợ Đầu Bò Oshawa hai năm trước đó vì họ họp bàn với nhau để gia nhập nghiệp đoàn. Năm 1991, chợ ở Cambridge rộng 31,500 mét vuông mở cửa. Một địa điểm nữa nhỏ hơn ở góc đường Carlaw Ave. và Gerrard St. trong khu vực Riverdale được đưa vào hoạt động năm 1992. Năm sau nữa, Chợ bán sĩ nằm trên đường Eglinton Ave. góc Warden Ave. ở Scarborough mở cửa; các chủ tiệm buôn bán cò con (variety stores), đa số là di dân gốc Á, tới đây bổ hàng hàng ngày rất tiện lợi. Nhớ lại thuở đó, mỗi ngày dân đi chợ mở nhựt trình ra xem hai trang quảng cáo của Chợ Đầu Bò in màu đen và xanh. Ai thường bắt đài radio thì cũng nghe câu quảng cáo "You know you get your value when you shop, at Knob Hill Farms... The Food Terminal."

Chợ Đầu Bò trên đường Weston đứng đầu bảng là chợ rộng lớn nhất của đại đô thị Toronto trong suốt 15 năm. Bên ngoài chợ có thác nước nhân tạo làm cảnh cùng với các bích họa diễn đạt nhiều sự kiện liên quan đến thực phẩm trong lịch sử cổ kim và một số phong cảnh tiêu biểu của tỉnh bang Ontario.

Qua năm 2000, công ty Chợ Đầu Bò bỗng dưng tuột dốc, cứ như là không hạp với thiên niên kỷ mới. Khoảng tám trăm nhân viên làm việc tại mười chợ sững sốt nghe tin ông chủ Stavro tuyên bố đóng cửa dẹp tiệm. Tháng Hai năm 2001, chợ Weston huy hoàng lộng lẫy rất gần gũi với nhiều người Việt chúng ta cũng đành khép lại một trang sử và chấm dứt số kiếp mười lăm năm ngắn ngủi. Các công ty khác như Angelo's, Loblaw, Home Depot, Sam's Club, Wal-Mart, T&T, Tường Phát v.v. nhào vô làm thịt chia năm xẻ bảy xóa tan vết tích Chợ Đầu Bò.

Ngày 24 tháng Tư năm 2006, ông chủ Steve Atanas Stavro của công ty Chợ Đầu Bò bị nghẽn tim mà chết, thọ 78 tuổi. Là một cậu bé di dân gốc người Macedonian (miền Bắc Hy Lạp) đặt chân đến Toronto lúc bảy tuổi, ông Stavro cũng giống như ông Ed Mirvish đã trở thành những công dân nổi tiếng và được tuyên dương của Canada do sự làm việc tận tụy, tài năng kinh doanh trong nhiều lãnh vực và nhất là sự góp phần đóng góp cho sự phồn thịnh của quê hương thứ hai này.


Chợ Loblaw, Chợ No Frills

 

Đại công ty Loblaw (Loblaw Companies Ltd.) là hệ thống chợ bán lẻ lớn nhất của Canada với hơn 1,690 siêu thị mang một số tên thương hiệu khác nhau như Loblaws,  Atlantic SaveEasy, Extra Foods, Fortinos, No Frills, Provigo, Your Independent Grocer, and Zehrs Markets, và một số tên khác. Loblaw có hơn 8,000 món sản phẩm của riêng nó thường đặt dưới nhãn hiệu President's Choice. Ngoài ra, Loblaw cũng là nhà phân phối thực phẩm bán sỉ lớn nhất của Canada do gia đình George Weston làm chủ khoảng 63%. Thương vụ của công ty trong năm 2007 lên đến hơn 29 tỷ CAN$. Công ty có hơn 130,000 nhân viên toàn thời và bán thời. Chợ Ðầu Bò địch không lại cũng phải.

 

Hơn nữa, Loblaw là một tên tuổi lâu đời có mặt trên thị trường thực phẩm kể từ một thế kỷ nay do ông Theodore Pringle Loblaw (1872 – 1933) sáng lập. Tiệm tạp hóa ông Loblaw đầu tiên khai trương trên đường College năm 1900. Nhưng đến tiệm thứ hai ở địa chỉ số 511 đường Yonge Street mới mang bảng hiệu Loblaws.  Chỉ trong vòng mười năm tức vào năm 1910, công ty chợ thực phẩm Loblaws (Loblaws Groceteria Company Limited) đã phát triển thành một mạng lưới siêu thị gồm 158 tiệm khắp tỉnh bang Ontario.

 

Năm 1947, công ty của gia đình ông George Weston (George Weston Ltd.) mua một phần hùn quan trọng và nắm quyền kiểm soát công ty Loblaw, biến nó trở thành hệ thống siêu thị lớn nhất Canada và đứng hàng thứ ba trên toàn Bắc Mỹ. Cái tên Weston đi liền với kỹ nghệ làm bánh mì ở Canada ai ai cũng biết. Trãi qua ba đời, từ đời ông nội George thành lập thương hiệu lò bánh mì Weston năm 1882 qua ông con W. Garfield Weston (1898-1978) và hiện giờ là ông cháu Galen Weston tiếp tục nối nghề tổ tiếp tục phát triển doanh nghiệp thành một đại tổ hợp khổng lồ bao trùm khắp Bắc Mỹ. Sau khi mua lại Loblaw năm 1947, gần đây Weston mua thêm công ty sữa Neilson Dairy và công ty bánh Gadoua Bakeries. Nói tóm lại, thức ăn mà người dân Canada tiêu thụ hàng ngày thế nào cũng có một món nào đó là của công ty Weston. Cầu trường cũ của môn thể thao "hockey" Maple Leaf Gardens trên đường College đang được phá bỏ để xây cất lại và sẽ trở thành một đại siêu thị Loblaw.

 

Chợ Dominion, A&P, Food Basics, Metro

 

Hệ thống chợ Dominion được thành lập từ năm 1919 và sau đó được công ty Argus Corporation của ông Conrad Black mua lại. Sau đó nữa, các chợ Dominion trong vùng đại thủ phủ Toronto được bán lại cho The Great Atlantic and Pacific Tea Company (A&P), để rồi gần đây một lần nữa đổi chủ và trở thành chợ Metro.

 

Cuối năm 2008, đùng một cái, cư dân Toronto sáng ngủ dậy thấy tất cả siêu thị Dominion trong thủ phủ đều đã trở thành chợ Metro. Hệ thống chợ Metro trước đó chỉ hoạt động trong tỉnh bang Quebec và vùng Ottawa, mua lại toàn bộ hệ thống chợ A&P ở Canada năm 2005. Tháng Tám năm 2008, Metro tuyên bố sẽ bỏ ra hai trăm triệu CAN$ để biến đổi tất cả chợ A&P và Dominion ở Canada mới tậu thành chợ mang bảng hiệu Metro, bắt đầu trước tiên là các chợ ở Toronto. Nhưng thương hiệu các chợ Food Basics mà công ty Metro mua lại của công ty A&P vẫn còn để nguyên như cũ để cạnh tranh với thương hiệu chợ No Frills của công ty Loblaw.

 

Chợ Metro gần nhà tôi mở cửa 24/24 và lại có trang bị hệ thống tính tiền tự động; khách hàng làm thế công việc cho nhân viên đứng quầy tính tiền của siêu thị, cứ tự mình cân, "scan" món hàng, trả tiền cho máy, tự bỏ hàng vừa mua vô bao rồi xách về. Home Depot cũng có kiểu tự "check-out" này.

 

Hệ thống chợ Metro (tên rút gọn của Metro Cash & Carry) là một bộ phận doanh nghiệp của tập đoàn công ty quốc tế Metro AG (thường được gọi là Metro Group) đặt bản doanh ở Düsseldorf  Đức quốc. Metro có chi nhánh hoạt động tại 29 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Metro bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam năm 2002 và hiện nay đã có tám chợ hoạt động trên tổng số 655 chợ Metro. Tính cách phổ thông của thương hiệu Metro của Đức có thể ví như Cosco, Wal-Mart hay Safeway của Mỹ, Carrefour của Pháp, Tesco hay Mark & Spencer của Anh, Spar của Hòa Lan, Jusco của Nhật và Loblaws của Canada.

 

Năm 1964, Siêu Chợ Metro đầu tiên rộng 14,000 m2 chào đời ở thành phố Mülheim trong vùng Ruhr Đức quốc. Trong vòng 30 năm đầu tiên, Metro lan tỏa dần dần khắp nước Đức và đi sang các quốc gia láng giềng khắp châu Âu. Thập niên 1990, Metro xâm nhập thị trường các nước Đông Âu, Bắc Phi, Nga và Trung Cộng. Metro bắt đầu đến với khách hàng Việt Nam năm 2002. Metro Cash & Carry Việt Nam đang tìm cách tiêu chuẩn hóa một số sản phẩm đặc thù của Việt Nam để có thể bày bán trong toàn hệ thống. Một trong các sản phẩm này là bưởi Năm Roi không hột trồng ở Vĩnh Long. Tiêu chuẩn "sạch" mà Metro đưa ra là da bưởi phải trơn láng không tì vết, vị thơm ngon, mức độ thuốc diệt trừ sâu bọ tối thiểu, nguồn nước trong vườn trồng không bị ô nhiễm.

 

Costco

 

Vì không muốn trả phí hội viên năm chục bạc mà ít khi xài do gia đình chỉ có hai vợ chồng già còm cõi (ai muốn gọi chúng tôi là dân tộc ít người cũng được, cứ tự nhiên), nhu cầu ăn uống hàng ngày chẳng có bao nhiêu, nên chúng tôi chưa hề nạp đơn xin thẻ làm hội viên của Costco. Tuy nhiên, chúng tôi thỉnh thoảng cũng có đi Costco mua sắm chút đỉnh theo diện ăn ké, tức là đi theo bạn bè hoặc con cái có thẻ hội viên.

 

Quanh vùng Ðại Thủ Phủ Toronto có tám cửa hàng Costco cho nên dù bạn cư ngụ ở đâu trong thành phố, bạn cũng có thể bắt gặp một cửa hàng Costco không xa lắm: North York, Scarborough, Etobicoke, Mississauga, Brampton, Vaughan, Markham đều có Costco. Chợ Costco có điểm đặc biệt là rất rộng lớn, sáng sủa; bề ngang lối đi giữa các kệ hàng hóa rộng bốn, năm thước; khách hàng tha hồ lội bộ tập thể dục cặp giò. Khu thực phẩm lúc nào cũng có hàng chục nhân viên mang tạp dề, thường thường là các bà cao niên tóc bạc vui tính và trông rất giống nhau, giới thiệu và mời mọc khách dừng lại nếm thử các món thức ăn; khách hàng đi chợ khỏi lo bụng đói.

 

Các gia đình trẻ trung lưu gồm bốn người (vợ, chồng và hai con) hoặc đông hơn đi chợ Costco rất có lợi vì giá cả nơi đây rất phải chăng, nhiều mặt hàng, hầu như đáp ứng đủ mọi nhu cầu mua sắm cần thiết tại một địa điểm duy nhất. Hàng hóa của Costco thường được đóng gói số lượng nhiều (wholesale mà!), khách hàng có muốn mua lẻ tẻ số lượng ít cũng không được. Costco cũng không bày bán một thứ hàng hóa mà mang nhiều thương hiệu khác nhau. Hàng hóa Costco phần nhiều là sản phẩm riêng của Costco dưới nhãn hiệu Kirkland Signature. Trường hợp món hàng nào không tự sản xuất được thì Costco thương lượng đặt mua của nhà thầu cung cấp theo khế ước dài hạn có điều kiện thuận lợi. Do đó, Costco có thể bán với giá phải chăng nhưng bán được số lượng lớn, doanh thu sẽ cao. Một điểm đặc biệt nữa để tiết kiệm là chợ Costco không có bao đựng hàng. Thay vào đó, khách hàng phải tự mang theo giỏ, túi đựng hoặc dùng thùng carton mà đựng hàng mua ra.

 

Một cửa hàng Costco tiêu biểu thường cung cấp nhiều dịch vụ khác cho khách hàng như in rọi hình, lộng khung hình, tiệm kính, khám mắt, bán bảo hiểm, cho vay tiền, vé máy bay đi du lịch v.v. Ngoài ra Costco còn cho phiếu tiết kiệm giảm giá để dùng cho các dịch vụ khác trong cửa hàng. Ra khỏi quầy tính tiền, khách có thể ghé vài quầy bán thức ăn uống nhanh giá rẻ mua vài món lót dạ ăn tại chỗ hoặc mang về. Nếu không có "food court" hẳn hoi thì ít ra cũng có vài bàn ghế cho khách ngồi nghỉ xả hơi trước khi ra về. Costco bên Mỹ còn có tiệm bán rượu, cây xăng, v.v.

 

Công ty Costco Wholesale Corporation thành lập năm 1983 ở thành phố Seattle, bang Washington Hoa Kỳ. Sau một phần tư thế kỷ, Costco hiện nay trở thành hệ thống câu lạc bộ siêu thị và bách hóa lớn mạnh nhất trên thế giới với tổng số doanh thu năm 2008 là 71 tỷ Mỹ kim (1.7 tỷ trong số này là tiền lãi ròng) và có 142,000 nhân viên.

 

Năm 1993, Costco và Price Club sáp nhập thành PriceCostco để cạnh tranh với đối thủ ngang ngửa là Sam's Club của Sam Walton (1918-1992) cũng là người sáng lập ra hệ thống chợ Wal-Mart. Mặc dầu Sam's Club có nhiều cửa hàng hơn Costco nhưng Costco đạt được mức doanh thu cao hơn. Costco có 57 triệu hội viên và được bầu chọn là công ty làm vừa lòng khách hàng nhất.

 

Kể từ năm 1995, Costco cho ra đời sản phẩm cây nhà lá vườn mang nhãn hiệu Kirkland, là tên của thị trấn Kirkland, bang Washington, nơi Costco đặt bản doanh đầu não từ năm 1987 đến năm 1996. Các sản phẩm mang nhãn hiệu Kirkland được tiếng là có phẩm chất cao. Hiện nay Costco có tổng cộng 550 địa điểm: 403 ở Mỹ, 76 ở Canada, 31 ở Mễ Tây Cơ, 21 ở Anh Quốc, 8 ở Nhật Bản, 6 ở Đại Hàn, 5 ở Đài Loan, 2 ở Úc.

 

Các Chợ Khác

 

Dĩ nhiên còn có nhiều chợ khác ở Toronto mà chúng tôi đã mò tới ít ra một lần cho biết do máu phiêu lưu tò mò vốn sẵn có từ nhỏ trong người. Vào những năm đầu sống ở thành phố này, sẵn đi Phố Tàu, chúng tôi thường lội bộ đi rảo qua các con đường Augusta St. và Balwin St. chật hẹp trong khu Kensington Market mà chúng tôi quen gọi là Chợ Do Thái, mặc dù những người di dân Do Thái từng cắm dùi trong khu nhà nghèo đó trong hai thập niên 1920 và 1930 đã trở nên giàu có và dời cư đến các khu sang trọng như Summerhill, Rosedale, Forest Hill, Lawrence Heights, Bayview Village, Willowdale, Wilson Heights, The Bridle Path, v.v. hết cả rồi. Trâu chậm uống nước đục, người Việt tị nạn phe ta nửa thế kỷ sau mới mò đến nên phải phấn đấu khá vất vả. Thuở đó chúng tôi còn thấy gia cầm sống và có cả thỏ còn được bày bán trong Chợ Do Thái; sau đó thì thành phố ban luật cấm.


Có những chợ chỉ nhóm họp trong hai ngày cuối tuần như chợ St. Lawrence Market (còn được gọi là Farmers Market) góc các đường Jarvis St. và King St. và các chợ trời, còn quen được gọi là Chợ Rận (Flea Market) dịch từ "Marché aux Puces" của Pháp ngữ có từ thời Napoléon Ðệ Tam. Các chợ này dành cho những người bán lẻ làm ăn theo kiểu cò con và nghiệp dư. Chúng tôi thường thả bộ lại Chợ Rận Weston (Toronto Weston Flea Market) địa chỉ số 404 đường Old Weston Rd. nằm chỉ nhích một chút xíu về phía Bắc của đường St. Clair West. Ở đây có khá nhiều sạp chợ của người Việt mình mua bán nữ trang, đồng hồ, quần áo, đồ gia dụng, tiệm làm móng tay, v.v.

 

Các ông chồng Mít ở Toronto nói riêng và ở hải ngoại nói chung sống càng lâu ngày nơi xứ người càng trở nên giỏi giang trong công việc đi chợ và nội trợ, chuyện bếp núc nấu nướng cũng khéo nữa. Họ ngoan ngoãn làm trọn bổn phận trong gia đình, có khi lấy đó làm niềm vui, mở quảng cáo ra đọc thấy chợ nào có món "sale" bất ngờ thì lấy làm hớn hở!

 

Phan Hạnh, Toronto.

 

 

 

No comments:

Post a Comment