Sunday 16 September 2012

Ba Thành Phố Và Những Vườn Nổi Tiếng


Ba Thành Phố Và Những Vườn Nổi Tiếng

Phan Hạnh

Theo con số thống kê mới nhất, dân số Canada tính đến tháng Tám năm 2009 là 33,763,000 người. Trong số đó có xấp xỉ một nửa phần trăm (.5%) là gốc Mít ta, tức vào khoảng 170 ngàn người, ít xỉn hà; phần lớn lại sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, chân ướt tuyết chân ráo nước phèn, còn bập bẹ tiếng Anh chỉ vừa đủ xài. Chả bù với dân gốc Ý hoặc dân gốc Trung Hoa có cả triệu hơn, bắt đầu tới đây từ thế kỷ thứ 19, phần lớn là “thành phần xuất cảng lao động” khi Canada đang cần người xây cất đường xe lửa xuyên quốc gia sang tận bờ Thái Bình Dương (Canadian Pacific Railway) và nay họ đã trở thành những cộng đồng giàu mạnh có thế lực và ảnh hưởng lớn trong mọi lãnh vực nơi xứ này.

Nhưng dù là trâu chậm uống nước đục, chúng ta vẫn vui vẻ chấp nhận đời sống mới trên đất nước mới tự do đầy đủ quyền làm người. Chúng ta một mặt nhanh chóng thích ứng với môi trường sống mới lạ, vượt qua khó khăn trở ngại ngôn ngữ, siêng năng làm việc và học hành, một mặt lo tạo dựng mái ấm gia đình, gìn giữ bản sắc dân tộc, sống gần gũi và tham gia sinh hoạt với cộng đồng mình. Mới vài chục năm hiện diện nhằm nhò gì, trong tương lai rồi đây chúng ta cũng được người biết mặt kẻ biết tên như các cộng đồng khác vậy.

Càng sống lâu nơi xứ sở Canada này chúng ta càng thấy yêu mến quê hương thứ hai của mình. Chúng ta đã âu yếm gọi ngôi nhà lớn Canada bằng tên Việt là Gia Nã Ðại, Miền Ðất Hạnh Phúc, Xứ Lạnh Tình Nồng. Chúng ta cũng gọi Toronto là Tổ Rồng To, Montréal là Mộng Lệ An, và Vancouver là Vạn Cửu Thành, nghe cũng hay hay.

Ba thành phố vừa kể cũng là ba đại đô thị rộng lớn nhứt về diện tích lẫn đông nhứt về dân số tính theo thống kê năm 2006 và vẫn còn tăng đều mỗi năm. Toronto, Ontario (gồm cả Mississauga) với 5,555,912 cư dân; Montréal, Québec (gồm cả Laval) với 3,635,571 cư dân; và Vancouver, British Columbia (gồm cả Surrey, Burnaby) với 2,116,581 cư dân. Về diện tích, Toronto với 7,125 km2  (2,751 sq mi), (lớn gấp ba lần rưỡi Saigon ngày nay) , Montréal với 4,259 km2  (1,644 sq mi) (hơn gấp đôi Saigon) , và Vancouver với 2,878.52 km2  (1,111.4 sq mi) (rộng gấp 1.4 lần Saigon). [Ghi chú: Diện tích của Saigon ngày nay (thành Hồ) là 2,095 km2  (809.23 sq mi)]. Theo tỉ lệ thuận, người Việt chúng ta cũng cư ngụ theo thứ tự đông nhứt trong ba thành phố đó: khoảng hơn 50,000 ở Toronto, 28,000 ở Montréal, và 22,000 ở Vancouver.

Có nhiều yếu tố làm cho các đại đô thị này thu hút di dân, chẳng hạn như yếu tố đa văn hóa đa chủng tộc, yếu tố kinh tế và an sinh xã hội. Ngoài ra còn có yếu tố khí hậu tương đối dễ chịu, cảnh trí tươi đẹp hiền hòa do con người biết gìn giữ, xây dựng bồi đắp dựa trên cảnh trí sẵn có của thiên nhiên. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta hãy tìm hiểu thêm một phần về đất nước Canada bằng cách thăm viếng qua những vườn nổi tiếng trong hoặc gần ba thành phố có đông cư dân gốc Việt nhứt đó.

Theo tài liệu lượm được trên mạng (nếu không thì kẻ hèn lười biếng này có biết gì đâu mà viết) thì Canada có 7 vườn thảo mộc được liệt kê vô danh sách 142 vườn thảo mộc đẹp nhứt thế giới. [Nước đứng đầu bảng xếp hạng là Vương quốc Anh (28), tiếp theo là Hoa Kỳ (14), Pháp (13), Trung Hoa (12), Nhật Bản (11), Ý-đại-lợi (9), Gia-nã-đại (7), Tây-ban-nha (6) Tân-tây-lan (4), Hòa-lan (3), Bồ-đào-nha (3) Ấn-Ðộ (3), Nam Dương (3), Mã-lai-Á (2), v.v.]

Bảy vườn thảo mộc đẹp của Canada là: Butchart Gardens, Minter Gardens, Sun Yat-Sen Classical Chinese Garden, Nitobe Memorial Garden thuộc tỉnh bang B.C., Queen Victoria Gardens tỉnh bang Manitoba,  Toronto Botanical Garden and Edwards Gardens trong tỉnh bang Ontario, và Montreal Botanic Gardens tỉnh bang Québec. Ðây chỉ là thứ tự bốn tỉnh bang từ Tây sang Ðông chứ không phải là thứ tự từ nhứt tới chót, xin quí độc giả an tâm: ngôi vườn ở địa phương quí độc giả là đẹp nhứt đó, cũng giống như ai cũng thầm thì bên tai vợ yêu của mình rằng “Em là người đàn bà đẹp nhất của lòng anh” vậy.

Về cái bảng xếp hạng của trang mạng www.worldreviewer.com nầy, nếu bạn đọc nào cảm thấy vườn thảo mộc ưa chuộng nhứt của mình bị lọt sổ, bị bỏ sót, bị ăn gian thì tôi rất lấy làm thông cảm, vì chính tôi cũng ấm ức cho rằng chưa chắc nó có sự công bằng hoàn toàn. Với lại xấu đẹp còn tùy người đối diện, không đẹp lắm của họ là đẹp hết xẩy của mình hoặc ngược lại thì sao. Nhưng thôi mùa Xuân sắp tới đây, ta cứ tạm xách máy ảnh đi thăm viếng những vườn thảo mộc gần nhà trước đã; sau đó nếu có điều kiện thì đi viếng các nơi xa nhà khác. Cho dù có đi rồi mấy năm trước thì đi lại vì cảnh trí thay đổi mỗi năm mỗi khác, máy ảnh mới mua năm 2010 vẫn chiến hơn máy ảnh mua từ nhiều năm trước.Và nhớ để dành đủ thì giờ ngắm cảnh và thưởng thức vẻ đẹp của hoa cỏ cây cối của từng khu vườn mình thăm viếng chứ đừng mãi mê lo chụp hình “đối tượng” đấy nha.

THE BUTCHART GARDENS, B.C.

Thành lập năm 1904, rộng 55 mẫu Anh (22 mẫu Tây). Ðịa chỉ: 800 Benvenuto Avenue, Brentwood Bay, Victoria B.C. V8X 3X4.

Butchart là một tập hợp gồm nhiều khu vườn ở Brenwood Bay gần Victoria, B.C. trên đảo Vancouver được nhiều chuyên gia thảo mộc giàu kinh nghiệm đánh giá là đẹp nhất hoặc nhì Canada so với Vườn Thảo Mộc Montréal, đồng thời có tầm vóc quốc tế là một trong những vườn thảo mộc nổi tiếng của thế giới. Hằng năm vườn này tiếp nhận hơn một triệu lượt du khách viếng thăm. Vườn rộng 22 mẫu Tây gồm có Vườn Hoa Hồng, Vườn Nhật Bản, Ao Sao (hay là Tinh Trì theo từ ngữ Hán Việt, nếu bạn thuộc thế hệ Nho thâm và Hán rộng), Vườn Ý,  Hiên Viên và Vườn Ðịa Trung Hải. Hai bên đường Benvenuto Avenue từ West Saanich Road dẫn vào cổng vườn có trồng cây hoa anh đào mang qua từ vườn ươm cây ở Yokohama, Nhật Bản.

Vườn Hồng có lối đi lát đá phiến, có các cổng vòng cung giây hoa hồng leo, có suối con róc rách, có giếng ước viềng rào bằng sắt rèn kiểu Ý. Hoa hồng mỗi loại có bảng ghi tên khoa học, năm nạp danh chính thức và nước xuất xứ. Vườn hồng đạt mức độ sung mãn nhứt trong hai tháng Bảy và Tám. Lối đi uốn cong dưới giàn giây hoa leo dẫn tới thác nước cá tầm. Những tượng cá tầm (sturgeon) được đúc từ vùng Florence bên Ý bởi điêu khắc gia nổi tiếng Sirio Tofanari.

Qua khỏi thác cá tầm là cổng gỗ (Torii) kiểu cổ-sơn-môn của Thiền đạo Nhật với những bậc thềm và dòng suối nhỏ dẫn vào Vườn Nhật. Hoa anh túc giống từ vùng Hy-mã-lạp-sơn màu thiên thanh thường nở vào cuối Xuân và được tìm thấy ở cuối bậc thang. Vị nữ chủ nhân Jennie Butchart là một trong những người đầu tiên ở Bắc Mỹ mang loài hoa hiếm và mỏng manh này về Canada trồng. Khu vườn Nhật ở đây được thiết lập kể từ năm 1906 với sự trợ giúp chuyên môn của nhà kiến trúc cây cảnh người Nhật Isaburo Kishida. Nhìn xuyên qua tàng cây, du khách có thể thấy bến đậu của các thủy phi cơ và ghe thuyền và hòn đảo nhỏ Saanich bên bờ đại dương.

Rời vườn Nhật, ta leo lên một dốc nhỏ để tới Ao Sao (vì có hình ngôi sao), khởi đầu nguyên là nơi nữ chủ nhân Jennie Butchart trưng bày bộ sưu tập nhiều loại vịt giả làm bằng gỗ hay bằng sứ. Giữa các góc sao là những luống hoa nhiều màu sắc, chính giữa có thác nước.

Vườn Ý có hai cổng vào hình vòng cung và bức tượng đồng Thủy Ngân Thần đứng ở giữa. Hồ nước hình chữ thập được bơm nước vào qua thác nước có hình một cô gái cầm một con cá. Nơi đây ngày xưa nguyên là sân  quần vợt tráng xi măng của ông chủ

Richard Butchart. Một lối dài có mái che nguyên xưa kia là chỗ chơi banh cù (bowling), nay trở thành mái che cho bảng Chào Mừng chữ Ý “Benvenuto”, bên đưới bảng là quầy bán kem vào mùa hè.

Hiên Viên (Piazza) là khu quảng trường cho khách thưởng ngoạn ngồi nghỉ chân giải lao có đặt tượng Heo Rừng của nhà điêu khắc Pietro Tacca, đúc năm 1612. Ngay bên phải là Trung Tâm Xác Ðịnh Tên Cây, cạnh đó là nhà hàng ăn. Phía bên trái xa xa hơn có một nhà hàng ăn khác và Nhà Kiếng trưng bày thảo mộc. Cạnh đó còn có quán cà phê, gian hàng bán kỷ vật và hạt giống. Toàn khu này dĩ nhiên cũng được chưng diện bằng những bồn hoa đầy màu sắc ra tận bãi đậu xe.

Vườn Ðịa Trung Hải trưng bày các loại thảo mộc lạ mang về từ nhiều vùng sa mạc khác nhau trên thế giới, chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt khô cằn nóng bức và hiếm nước, nhiều loài hoa xương rồng có màu sắc chói lọi rực rỡ gợi được sự ngạc nhiên trầm trồ của du khách.

Vườn Thảo Mộc Butchart có trên hơn một thế kỷ lịch sử. Năm 1904, đôi vợ chồng Robert Pim Butchart (1856-1943), Jennie Butchart (1866-1950), cư dân Owen Sound, Ontario và là chủ nhân một hãng sản xuất xi-măng đóng bao (Portland cement) di chuyển đến đây lập nghiệp vì vùng này có hầm đá vôi, thành phần chính cho việc chế tạo xi-măng. Hai năm sau, Jennie lập khu vườn Nhật Bản trong khu đất nhà với sự trợ giúp của nhà thiết kế cây cảnh Isaburo Kishida. Năm 1909, khi hầm đá vôi đã khai thác hết rồi, Jennie tiến hành công việc biến nó thành khu vườn lún (Sunken Garden) và hoàn tất vào năm 1921. Họ đặt tên gia trang của họ là Benvenuto, tiếng Ý có nghĩa là Chào Mừng và bắt đầu đón nhận khách viếng thăm. Năm 1926, họ biến sân quần vợt thành Vườn Ý, và năm 1929, biến khu vườn trồng rau của họ thành Vườn Hoa Hồng do kiểu mẫu của nhà thiết kế hoa viên Butler Sturtevant đến từ Seattle, bang Washington, Hoa Kỳ.

Năm 1939, ông bà Butchart tặng trọn khu vườn lại cho cháu ngoại tên là Ian Ross (1918–1997) nhân ngày sinh nhật thứ 21 của cháu. Ross tham gia vào việc duy trì và phát triển khu vườn cho đến khi chết 58 năm sau.

Năm 1953, hằng nhiều cây số đường giây điện chôn ngầm dưới mặt đất để thắp sáng toàn khu vườn lúc ban đêm, đánh dấu 50 năm ngày thành lập. Năm 1994, Butchart Gardens được Phủ Toàn Quyền Canada công nhận và ban tặng huy hiệu danh dự chính thức. Năm 2004, hai trụ đài điêu khắc cao ba mươi bộ Anh theo mô thức truyền thống của người bản xứ Da Ðỏ (totem poles) được dựng lên nhân lễ kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập, và Vườn Butchart được nhìn nhận là một địa điểm di tích lịch sử quốc gia.

Quyền sở hữu của Vườn Butchart vẫn còn thuộc về dòng họ gia tộc Butchart; sở hữu chủ hiện tại vừa là giám đốc điều hành kể từ năm 2001 cho đến nay là Robin-Lee Clarke, cháu chắt của vợ chồng nhà sáng lập Robert và Jennie Butchart.

Trong khi bà Jennie sưu tầm hoa kiểng cây cối thì ông Robert thích chơi chim hơn. Ông sưu tầm các loài chim trên khắp thế giới, nuôi vẹt (kéc) trong nhà, vịt ngoài ao và công trước sân. Ông làm một số chuồng chim tỉ mỉ rất đẹp treo trong vườn và ông còn huấn luyện bồ câu nữa.

Trong khắp khu vườn có nhiều tượng đồng, nhưng nổi tiếng hơn hết là tượng heo rừng mà ông đã mua trong một chuyến đi du lịch vùng Ðịa Trung Hải năm 1973. Tượng đúc ở Florence, là bản sao của tượng chánh gốc làm bằng đá cẩm thạch của danh sư điêu khắc Pietro Tacca. Tên tượng heo rừng nầy được gọi là Tacca để tưởng niệm và vinh danh người sáng tạo ra nó. Mõm bức tượng heo rừng này bóng nhoáng là vì nhiều du khách sờ vuốt để lấy hên.

Gần trước nhà ở của gia chủ có tượng lừa và ngựa tạc bởi Sirio Tofanari. Một tượng thác nước hình ba con cá tầm cũng bởi Tofanari được dựng trong Vườn Nhật. Năm 1993, nữ gia chủ lúc bấy giờ là Ann-Lee Ross cho dựng bức tượng “Circle of Doves” trước giàn hoa thu hải đường (begonia). Hai năm trước đó, bà đã mua bức tượng nầy tặng chồng nhân ngày kỷ niệm 50 năm ông bà thành hôn.

Trong những ngày khu vườn mới lập, vợ chồng gia chủ Robert và Jennie Butchart hằng tuần thường tổ chức hòa nhạc cho gia đình và khách mời thưởng thức, nhưng sau đó số người tham dự ngày càng đông, không mời cũng tới, có lúc lên đến 18,000 người (năm 1915), đặc biệt là ai cũng được mời uống trà, chính nữ chủ nhân cũng phải phụ một tay. Giai thoại kể có một vị khách tưởng nhầm bà chủ Jennie là một gia nhân giúp việc, nhanh nhẩu  móc túi cho bà tiền típ! Bà Jennie nổi tiếng là người hiếu khách và rộng lượng. Năm 1930, bà được phong tặng danh hiệu công dân hạng nhất của thành phố Victoria.

Gần đây hơn, trong hai tháng hè Tháng Bảy và Tháng Tám và trong dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới, chủ vườn cho tổ chức nhiều buổi trình diễn giúp vui hơn, từ nhạc Jazz tới nhạc cổ điển. Ngoài ra còn có ban nhạc cây nhà lá vườn mang tên “The Weeds” (họ cũng có đầu óc tiếu lâm nhỉ) do chính các nhân viên làm việc trong Vườn Butchart thành lập và trình diễn. Nên nhớ, số nhân viên làm vườn có lúc lên đến 240 người, lựa ra năm bảy người có máu văn nghệ kể cũng không khó lắm.

Năm 1977, Christopher (1944 - 2000), con trai gia chủ khởi xướng màn trình diễn đốt pháo bông mỗi tối Thứ Bảy trong những tháng hè. Vào mùa đông, đồ tế nhuyễn trưng bày Giáng Sinh và đèn trang trí thắp sáng cả khu vườn cùng với một sân trượt băng mang tên Waterwheel Square.

Ðể bảo đảm cho khu vườn lúc nào cũng có hoa liên tục trong suốt thời gian từ tháng Ba đến tháng Mười, chủ vườn hằng năm phải dùng hơn một triệu cây hoa thuộc khoảng bảy trăm chủng loại khác nhau.

MINTER GARDENS, B.C.

Minter Gardens nằm về phía Ðông cách trung tâm thành phố Vancouver 90 phút lái xe và sát cạnh quốc lộ 1 Xuyên Canada, vừa rẻ vô Exit # 135 là tới liền. Ðịa chỉ:  52892 Bunker Rd., Rosedale, BC, V0X 1X0. 

Từ nhiều thế kỷ trước, một vụ đất chuồi khổng lồ trên núi đổ xuống tràn lấp vùng đất phì nhiêu phía Ðông thung lũng Fraser. Ðá rơi đẩy về hướng Bắc, băng qua sông Fraser và chấm dứt dòng chảy hướng Tây tại chỗ Vườn Minter ngày nay. Ðịa thế độc đáo này khiến cho vùng đất trở nên không thích hợp cho việc canh tác hoa màu, nhưng những người di dân đầu tiên khám phá rằng nó là nơi lý tưởng cho việc chăn nuôi gia súc. Các loài cổ thụ và thảo mộc bản địa làm gia tăng nét đẹp quyến rũ của vùng. Hằng ngàn hoa dại thuộc các loài như phong lữ (geranium), vũ điểu (columbine), hồng (tuy gọi chung là hồng nhưng không phải chỉ có màu hồng thôi đâu) và huyết lệ tâm (bleeding hearts) chấm phá nét cuối cùng làm cho bức tranh trở nên toàn mỹ.

Chính nơi xinh đẹp này đã khiến cho đôi vợ chồng Brian và Faye Minter mê mẩn khoái mắt khi lần đầu tiên nhìn thấy nó vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1977. Ðịa thế độc đáo lại nằm tựa lên bối cảnh là đỉnh núi Cheam cao bảy ngàn bộ Anh càng thêm diễm lệ. Họ quyết định thực hiện giấc mơ biến nơi đây thành một trong những vườn thảo mộc đẹp nhất thế gian. Ðến năm 1980, giấc mơ của họ đã trở thành hiện thực. Từ đó đến nay, Vườn Minter phát triển và biến đổi không ngừng nghỉ. Hàng trăm ngàn đóa hoa uất kim hương (tulip) nhập cảng từ Hòa Lan được trồng ở đây để chào đón du khách vào mỗi dịp đầu Xuân. Hàng ngàn khóm cây hoa đỗ quyên (rhododendron, azalea) cung cấp màu sắc táo bạo giữa những cây tuyết tùng (cedar) cao lớn và dốc bờ chèn đá thiên nhiên.

Mùa hè, các loại hoa đơn niên (annual) được trồng thật nhiều để trang điểm cho những bụi cây cắt tỉa thành hình thể và phủ đầy những luống hoa thi nhau khoe sắc bên cạnh Vườn Hoa Hồng truyền thống nằm chen lẫn với những suối con róc rách và những thác nước rộn rã. Ngoài ra còn có những khóm rừng thưa êm ả tĩnh lặng trong vườn có tất cả 11 khu chủ đề khác nhau: Fragrance, Rose, Formal, Arbor, Rhododendron, Meadow, Fern, Hillside, Alpine, Stream và Chinese Penjing (Bồn cảnh, tức hòn non bộ).

Minter Gardens rộng 32 mẫu Anh (nhỏ hơn so với Butchart Gardens), cũng có hai nhà hàng, quán bán đồ lưu niệm. Ðặc biệt, vườn có dịch vụ tiếp trợ tổ chức đám cưới, tiệc họp mặt cho gia đình và hội đoàn, cơ sở kinh doanh. Xuyên khắp vườn là những lối đi quanh co vòng vo qua địa thế đồi dốc gây nhiều thích thú bất ngờ và cũng mau mỏi chân cho nên vườn có đặt sẵn nhiều băng ghế.

Brian Minter là một người làm việc không mệt mỏi. Ngoài cương vị chủ nhân điều hành tổng quát doanh nghiệp gia đình với tất cả vợ, hai con gái, con rể đều phân chia phần việc ra làm, Brian còn tham gia chương trình phát thanh, đi diễn thuyết tại các lễ hội, triển lãm và là thành viên trong nhiều hiệp hội. Vì thế, ông ta được ban tặng huy chương cao quý Order of Canada vào năm 1990, Tiến sĩ Danh dự của Trường Ðại Học Fraser năm 2001 cùng nhiều giải thưởng về ngành chuyên môn trồng trọt và thảo mộc.

SUN YAT-SEN CLASSICAL CHINESE GARDEN, B.C.

Vườn Trung Hoa Cổ Ðiển Bác Sĩ Tôn Dật Tiên (tên chính thức dài quá, trong suốt phần còn lại của bài, xin được gọi tắt là Vườn Tôn Dật Tiên) là ngôi vườn sư biểu Trung Hoa đúng kích thước nguyên thủy được xây dựng bên ngoài nước Trung Hoa và tọa lạc trong Phố Tàu Vancouver, số 578 Carrall Street. Vườn Tôn Dật Tiên gồm một công viên không thu tiền vé vào cửa và một vườn có thu phí.

Những vườn cổ điển Trung Hoa luôn luôn tuân theo các nguyên tác triết học của phong thủy và Lão giáo ngõ hầu đạt được sự cân bằng và hài hòa của các đối cực, chẳng hạn như những tảng đá lởm chởm được đặt cạnh bên cây lá thanh tú mảnh mai.

Nước cũng là một yếu tố quan trọng của vườn phương Ðông nói chung và vườn Trung Hoa nói riêng. Ao nước mang lại cho ngôi vườn sự phản chiếu soi gương của cảnh trời và sự tĩnh lặng, kết hợp các yếu tố khác lại với nhau. Cá và rùa được thả nuôi  trong vườn có mục đích biểu tượng cho đời sống. Các vật mang hình tượng của dơi, rồng và phụng tượng trưng cho phúc lộc và thịnh vượng. Các tảng đá lớn được đặt ở các điểm thích hợp trong vườn thay thế cho núi non hoặc che giấu, hoặc để lộ các thành tố khác trong hoa viên.

Tôn Dật Tiên Viên Hội được khai sinh năm 1981 với tính cách là một tổ chức bất vụ lợi không nghĩ đến chuyện lời lỗ mà nhằm mục đích và sứ mạng duy trì nhịp cầu thông cảm và hiểu biết giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa phương Tây, nói trắng ra là lăng-xê văn hóa Trung Hoa, và có mặt như là một thành tố nguyên tính không thể thiếu của cộng đồng địa phương.

Vườn Tôn Dật Tiên nhận được sự tài trợ từ mọi cấp chính quyền Canada, từ sự đóng góp của tư nhân, doanh nghiệp và cả chính quyền Trung Hoa. Vườn được xây trong khoảng thời gian của hai năm 1985-1986, dựa đúng theo nguyên tắc và phương cách mẫu mực hoa viên chính gốc của triều đại nhà Minh. Năm mươi hai người thợ giỏi đến từ Tô Châu, Trung Hoa, cùng làm việc với một số đồng nghiệp người Gia Nã Ðại, đã hoàn tất phong cảnh được coi là tuyệt tác nầy. Những tường thành chạm trỗ phức tạp và những lối đi được tạo dựng bằng sự ráp nối chính xác mà không hề dùng đến keo dán hay một đinh ốc nào. Vườn khánh thành khai mạc vào ngày 24 tháng Tư năm 1986 cùng thời gian xảy ra Cuộc Triển Lãm Expo 86.

Vườn Tôn Dật Tiên đã được vẽ kiểu một cách uyển chuyển để đạt được nét hài hòa với công viên liên cận, tô điểm cho cảnh quan của cả hai nơi đó. Ðối với kiến trúc sư, nhà thảo mộc học, sinh viên khoa sử, khách thưởng ngoạn, Vườn Tôn Dật Tiên tạo cơ hội và cống hiến sự thấu hiểu kỳ quan huyền ảo ngay giữa các bức tường của kho tàng sống động này. Phần công viên ngoài do hai kiến trúc sư Joe Wai và Donald Vaughan vẽ kiểu; vườn trong do kiến trúc sư trưởng Wang Zu-Xin nghĩ ra với sự cộng tác của một công ty kiến trúc vườn cảnh ở Tô Châu bởi lý do điều kiện khí hậu Vancouver  cũng tương tự như khí hậu ở Tô Châu. Thảo mộc ở Tô Châu được lựa chọn theo định kỳ nở hoa, định kỳ thay đổi theo mùa, nhứt là thời kỳ nở hoa thức giấc trong mùa Xuân. Sự lựa chọn thảo mộc cũng còn được dựa trên ý nghĩa văn chương và lịch sử của mỗi loại cây dùng sao cho hài hòa với vườn phương Tây vừa cống hiến màu sắc suốt cả mọi mùa.

Xin nhắc sơ qua về thân thế bác sĩ Tôn Dật Tiên, người được coi như là vị cha đẻ của một nước Trung Hoa tân tiến. Bác sĩ Tôn Dật Tiên đã đóng một vai trò trọng tâm trong lịch sử cận đại Trung Hoa khi ông mang lại tư tưởng dân chủ vào đầu thế kỷ Hai Mươi. Ông đã đến thăm viếng Vancouver ba lần cả thảy để gây quỹ yểm trợ cho cuộc cách mạng Trung Hoa.

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân trong tỉnh Quảng Ðông năm 1866, nhờ được giáo dục ở Hạ-Uy-Di nên ông đã sớm có ý thức và tư tưởng phương Tây. Sau đó, ông đã rời bỏ công việc của một y sĩ để cống hiến đời mình cho lý tưởng dân chủ. Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp đầu tiên của Trung Hoa, ông du hành khắp thế giới để quảng bá phong trào thân dân chủ và gây quỹ vận động.

Bác sĩ Tôn Dật Tiên được ghi nhận công ơn đã cầm đầu cuộc cách mạng năm Ðinh Hợi (năm 1911) đưa đến việc lật đổ triều đại nhà Thanh. Qua năm sau, ông trở thành vị tổng thống đầu tiên của một nước có tên Trung Hoa Cộng Hòa. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông từ chức để tập trung nỗ lực vào việc phát triển kinh tế Trung Hoa. Sau khi mất năm 1925, danh xưng bác sĩ Tôn Dật Tiên đã trở thành một biểu tượng anh hùng của nước Trung Hoa hiện đại và được nhân dân tôn kính gọi là quốc phụ (Guo Fu).

NITOBE MEMORIAL GARDEN, B.C.

Vườn Tưởng Niệm Nitobe của Trường Ðại Học British Columbia (UBC) khánh thành năm 1959, nằm ngay rìa thành phố Vancouver (Vạn Cửu Thành) rộng một mẫu Tây (hectare) hoặc 2.5 mẫu Anh (acre) vốn là tác phẩm của kiến trúc sư Kannosuke Mori, giáo sư trường đại học Chiba, Nhật Bản. Vườn được cấu tạo từ một khu rừng nguyên sơ qua sự đề nghị của chính phủ Nhật Bản. Vườn là một bộ phận thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Và Vườn Thảo Mộc của UBC và nằm ngay đàng sau Trung Tâm châu Á vốn được xây bằng chính những đà sắt gỡ ra từ gian hàng trưng bày của Nhật tại Hội Chợ Triển Lãm Osaka tổ chức vào năm 1970.

Ðây là vườn Nhật Bản chính gốc được xem là đẹp nhất ở Bắc Mỹ và đứng trong bảng xếp hạng 5 vườn Nhật đẹp nhất trên thế giới ngoài nước Nhật, được tạo lập để vinh danh nhà chính trị/nhà ngoại giao/nhà giáo dục/nhà soạn sách là tiến sĩ Inazo Nitobe (1862-1933). Ông mất ở thành phố Victoria, là thành phố kết nghĩa chị em với quê ông là Morioka, là “nhịp cầu băng qua Thái Bình Dương”, theo cách nói gồ ghề có một chút gì cường điệu nghe cho hay vậy mà.

Vườn Tưởng Niệm Nitobe từng là đề tài nghiên cứu kéo dài hơn mười lăm năm bởi một vị giáo sư của trường UBC; vị giáo sư nầy tin rằng sự xây dựng lên ngôi vườn ẩn chứa một số điểm đặc trưng gợi cảm “đầy ấn tượng”, nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ. Các điểm nầy nhắc nhở tới triết lý và huyền thoại Nhật Bản, những cây cầu in bóng chỉ có thể nhìn thấy vào thời điểm nhất định nào đó trong năm mà thôi; và còn sự sắp xếp vị trí của những đèn lồng bằng đá sao cho chúng chỉ phủ ngập ánh sáng vào đúng ngày giờ Nitobe tắt thở. Vị giáo sư này cho rằng mọi thứ trong vườn đều được ông Mori sắp xếp tinh vi theo hướng di chuyển của mặt trời và mặt trăng, huyền bí lắm! Kiến trúc sư Mori trở về Nhật và từ trần đột ngột ba tháng sau khi khu vườn hoàn tất.

Vườn Nitobe gồm có một trà đình gọi là Ichibo-an nằm giữa một vườn ngoài (lộ thiên) có băng ghế và là một trà đình chỉ có tính cách nghi lễ. Vườn có ngôi chùa nhỏ bảy tầng (Thất Tháp Tự), có một số đèn lồng thuộc nhiều loại khác nhau gồm một tuyết cảnh đăng, đèn lồng cây chanh, đèn lồng Kasuga và Ðèn Lồng Nitobe bằng đá khắc hình hoa sen và chú khuyển (Nitobe sinh năm 1862, vốn tuổi Nhâm Tuất) có ghi hàng chữ “Ðể tưởng niệm Inazo Nitobe, sứ giả thiện chí giữa các quốc gia, bằng hữu chi lập”. Năm 1962, mười ngàn con cá vàng được chở bằng máy bay để thả chúng bơi lội trong ao hồ trong vườn. Hai năm sau thêm 100 con cá chép đủ màu sắc nữa, tất cả do Hội Nhật-Canada ở Ðông Kinh mua. Chẳng may phần lớn cá vàng trong vườn bị các loài chim săn mồi như chim ó, chim ưng (loại nầy ở B.C. có nhiều) xơi tái hết; sau nầy chúng được thế bằng cá Koi.

Từng cây cao, bụi rậm, phiến đá trong vườn đều được cân nhắc cẩn thận xếp đặt và duy trì để phản ảnh khái niệm lý tưởng và sự phô bày tượng trưng của thiên nhiên. Các hình thể thác nước, sông suối, rừng, đảo và biển được phối hợp hài hòa, lực âm dương cân đối trong từng yếu tố thiên nhiên. Một số thảo mộc bản địa được lưu giữ và cắt tỉa theo thời trang Nhật Bản thành nét đặc trưng độc đáo. Cây thích, cây phong loại Nhật, cây anh đào và hầu hết các khóm hoa azalea, huệ kiếm (iris) đều được mang từ Nhật sang. Du khách đến đây mùa Xuân để ngắm hoa anh đào, mùa hè ngắm rừng hoa huệ kiếm, và mùa thu ngắm những cây thích cây phong khoác áo choàng sắc màu rực rỡ.

Tháng Bảy 2009 vừa qua, hoàng đế Nhật Bản Akihito, 75 tuổi, và hoàng hậu Michiko, 74 tuổi, đã đến thăm trường UBC và vườn Nitobe. Nửa thế kỷ trước, lúc bấy giờ còn là thái tử, ngài cũng đã đến đây viếng vườn này, chỉ trước ngày khánh thành chính thức có vài tháng. Ngày đó khi dạo qua vườn, ngài buộc miệng tuyên bố, “Tôi đang ở Nhật”, ý nói ngôi vườn trông chẳng khác gì vườn bản quốc.

Xin nhắc đôi dòng tóm lược tiểu sử tiến sĩ Inazo Nitobe. Sinh ra ở Nhật, lần lượt học Trường Cao Ðẳng Canh Nông Sapporo (nay là trường Ðại Học Hokkaido), Trường Ðại Học Hoàng Gia Ðông Kinh, Trường Ðại Học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, Trường Ðại Học Halle, Ðức quốc, có tổng cộng năm bằng tiến sĩ về nhiều ngành học khác nhau. Giáo sư Ðại Học Hoàng Gia Tây Kinh (Kyoto) và Ðông Kinh (Tokyo).

Khi Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) được thành lập năm 1920, ông trở thành Phó Tổng Thư Ký và phải qua làm việc ở Geneva, Thụy Sĩ. Tháng Mười năm 1933, ông đi dự một hội nghị quốc tế ở Banff, Alberta. Trên đường về, bệnh sưng phổi của ông trở nặng; ông được khẩn cấp đưa vào nhà thương Royal Jubilee Hospital ở Victoria và từ trần sau một cuộc giải phẫu, thọ 71 tuổi. Là một người viết không mệt mỏi, ông Inazo Nitobe để lại cho đời vô số tác phẩm nghiên cứu mô phạm lẫn kiến thức tổng quát bằng Nhật, Anh và Ðức ngữ, nổi tiếng nhất là quyển “Bushido: The Soul of Japan” năm 1900 nói về đạo đức theo tinh thần Hiệp sĩ đạo và văn hóa Nhật Bản.

MONTRÉAL BOTANICAL GARDEN (JARDIN BOTANIQUE DE MONTRÉAL)

Với diện tích hơn 75 mẫu Tây (185 mẫu Anh), Vườn Thảo Mộc Montréal rộng lớn đứng chỉ sau Royal Botanical Gardens ở Hamilton, Ontario. Nếu diện tích mặt bằng của nhà bạn là 100 thước vuông thì Vườn Thảo Mộc Montréal có đủ sức chứa khoảng 7,500 căn như vậy.

Vườn được thành lập năm 1931 (vào giữa Cơn Ðại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu) bởi ngài thị trưởng Camillien Houde (1889–1958) giữ chức vụ suốt bốn nhiệm kỳ ở Montréal, nhưng công lao chính là của Frère Marie-Victorin dòng La Salle, vốn là một nhà thảo mộc, đã vận động kiên trì ráo riết; vì lý do đó mà khách viếng thăm sẽ thấy tượng của ông được dựng ở khu Les Jardins d’Accueil gần cổng vào trong vườn nầy. Ta cũng nên nhắc Henry Teuscher, kiến trúc sư vườn cảnh, và Lucien F. Kérouack, kiến trúc sư dinh thự trong công trình để đời nầy.

Vườn gồm có mười nhà kiếng chứa thảo mộc được tìm thấy hầu như khắp ngỏ ngách của thế giới, (có cả hoa lan nữa, 1,500 loại khác nhau lận!) và ba mươi khu vườn tươm tất khang trang ngoài trời mang chủ đề khác nhau. Trong mùa Ðông, vườn ngoài trời có thể bị tuyết phủ, nhưng các nhà kiếng thì mở cửa quanh năm cho du khách vào xem, nhất là cuộc triển lãm thả bướm “Papillons en liberté” (Butterflies Go Free). Khởi sự kể từ năm 1997 tới nay, mỗi năm, từ tháng Hai đến tháng Tư, hàng ngàn bướm nhiệt đới nở từ trứng và sâu (mua ở các trại nuôi bướm) được thả ra tung bay trong nhà kiếng, thật là một cảnh tượng tuyệt diệu hiếm có ở Gia Nã Ðại trong mùa Ðông lạnh lẽo.

Vườn tọa lạc trong công viên Maisonneuve Park ngó qua Vận động trường Thế Vận,  số 4101 đường Sherbrooke St. với góc đường Pie-IX, gần trạm métro Pie-IX. Các địa điểm đáng xem nhất là Vườn Trung Hoa (với các kiến trúc đền chùa độc đáo và triển lãm 900 đèn lồng Thượng Hải tráng lệ tuyệt vời hàng năm), Vườn Thiền Nhật Bản.

Nhà kiếng chính để triển lãm hoa đơn niên (annuals) thay đổi suốt bốn mùa: mùa Xuân với uất kim hương, thủy tiên và lan dạ hương; mùa Hè với thu hải đường, hoa bóng nước, vạn thọ; và mùa Thu có cúc. Nhà kiếng Thảo Mộc Nhiệt Ðới có những cây chuối, ca cao, cà phê, va ni, v.v.

Vườn ngoài trời trồng các giống hoa lưu niên (perennials) thì nhiều khỏi nói, phải gọi là rừng hoa mới đúng. Mẫu đơn, huệ tây, tử đinh hương có hàng trăm loại khác nhau, hoa đỗ quyên cũng vậy. Ao hồ có hoa súng, hoa sen, hoa lục bình đủ cả. Riêng Vườn Hoa Hồng nghe nói có 10,000 đóa hồng, rất tiếc không có ai ở đó mà đếm xem có đúng như vậy không.

Vườn Trung Hoa của Vườn Thảo Mộc Montréal được xây dựng phỏng theo khuôn mẫu truyền thồng căn bản cổ truyền Trung Hoa với nhiều lối đi quanh co, một ngọn núi nhân tạo, một trường đình trưng bày bộ sưu tập bồn tài (bonsai) và hòn non bộ (penjing). Vườn này dĩ nhiên trồng thảo mộc Trung Hoa, và cũng là vườn lớn nhất thế giới ngoài Trung Hoa.

Vườn Nhật trồng thảo mộc Nhật, gồm có một kiến trúc kiểu Nhật trưng bày trà. Trà lễ Nhật được trình diễn vào mùa hè, và nơi đây có lớp hướng dẫn nghệ thuật hưởng thụ nhàn rỗi nầy. Các môn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản khác như kiếm đạo (Iaido) và nghệ thuật cắm hoa (Ikebana, cũng còn gọi là kado=hoa đạo) cũng được tổ chức và diễn ra ở đây. Vườn cũng có một ao thả cá koi (Nhật lý ngư=cá chép Nhật). Hằng năm vào ngày 6 tháng Tám, Vườn Nhật tổ chức lễ tưởng niệm Hiroshima với sự gióng Chuông Hòa Bình mỗi đầu giờ. Chuông được đúc ở Hiroshima.

Vườn Thổ Dân trồng thảo mộc bản địa Canada; dọc các lối đi có các loại cây phong, tùng, bách che bóng mát. Vườn có một số cột trụ totem và trưng bày sản phẩm mỹ thuật thổ dân cũng như trình diễn phương pháp chế tạo ra các sản phẩm đó.

Vườn Alpine có năm bảy lối đi quanh co qua những nhô đá thay mặt cho những vùng thảo nguyên trên núi cao hơn một ngàn thước như Alps, Rocky Mountains, Caucasus, Andes, v.v. Chen lẫn giữa rừng thưa tùng bách lá các loài thảo mộc cao nguyên che phủ mặt đất.

Vườn bóng mát (Le jardin ombragé) trồng các loài cây lá và giây leo, giây bò trên mặt đất chịu bóng mát mọc trong rừng có bóng cây cao che phủ, không biết gọi nó là Rừng Lá Thấp theo tên một bản nhạc hay của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có được không. “Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh..Đời lính quen yêu gian khổ quân hành..” mà người viết vẫn thường nghe khi còn ở lính.

Các khu vườn chủ đề khác gồm có vườn cây có chất độc, vườn cây rau quả, vườn thủy thảo mộc, và vườn bách thảo rộng hơn 180 mẫu Anh với hơn 7,000 chủng loại thảo mộc là nơi lý tưởng cho những ai muốn khảo cứu khoa thảo mộc học. Mùa thu rừng phong ở đây thay áo muôn sắc màu rực rỡ, tha hồ cho những tâm hồn lãng mạn thơ thẩn ngẩn ngơ và ngầm thán phục thiên nhiên. Vườn thảo mộc Montréal còn là môi sinh của một số động vật hoang dã, nhiều nhất là sóc, vịt; ít hơn có rùa và hạc. Cùng với nhà tròn sinh thái (Biodome) và viện khảo sát hành tinh (Planetarium), Vườn Thảo Mộc Montréal là ba nơi quyến rũ du khách nhất của thành phố.

Vườn có bộ sưu tầm nhiều cây bồn tài nhất ngoài nước Nhật, ao cá lý ngư, cầu, thác nước, nhà tĩnh tâm, mẫu xóm định cư thổ dân ngày xưa, chòi trên ngọn cây, xe lửa điện cỡ nhỏ và nhiều thứ đáng xem khác. Vườn có hơn 21 ngàn loại thảo mộc khác nhau, thuộc mọi vùng khí hậu trên thế giới từ băng cực qua sa mạc; từ lay-ơn thược dược tới dược thảo và rau cải.

LES JARDINS DE MÉTIS (REFORD GARDENS)

Ðây là sự phối hợp giữa lịch sử (vườn Elsie Reford có từ năm 1920) và đương đại (Lễ Hội Vườn Quốc Tế trưng bày tân kỳ mỗi mùa Hè kể từ năm 2000), rất lý tưởng cho những khách thăm viếng có đầu óc mạo hiểm và sáng tạo.

Ðược công nhận là một di tích lịch sử quốc gia, vườn này là niềm đam mê của một phụ nữ yêu thích hoa cỏ và vườn tược tên Elsie Reford (1872-1967). Bà thuộc gia đình giàu có. Cậu của bà là George Stephen, từng là chủ tịch Ngân Hàng Montréal và cha đẻ của Công Ty Hỏa Xa Canadian Pacific Railway. Năm 1918, ông cậu giàu có nhưng không có con đã tặng cho cô cháu gái cưng Elsie khu vườn nghỉ mát Estevan Lodge của ông ở Grand Métis nằm ven sông Métis, một phụ lưu của sông Saint Lawrence. Năm 1926, nữ chủ nhân Elsie Reford mua thêm đất đai chung quanh để nới rộng khu vườn, cơi lầu và xây cất thêm nhà ốc cho gia nhân trú ngụ. (Ảnh: Hoa Poppy Xanh mang giống từ Tây Tạng về trồng thành công trong vườn Reford).

Với niềm say mê vô bờ, Elsie Reford không ngừng cải thiện ngôi vườn liên tục trong hơn 30 năm cho đến năm bà 87 tuổi, tám năm trước khi bà mất. Trong một thời gian, Vườn tưởng đâu phải đóng cửa nhưng Hội Bạn Vườn Métis, một tổ chức phi lợi nhuận, đã ra tay bảo tồn và biến nó thành một viện bảo tàng, trung tâm hội thảo, nghỉ hè và thực tập có tính cách văn hóa giáo dục. Kể từ năm 1995, danh tiếng của Vườn lan rộng, lôi cuốn nhiều du khách. Từ đó đến nay, Vườn đoạt được nhiều giải thưởng và được gọi là thiên đường của loài hoa.

Vườn rộng 17 mẫu Tây, chia làm 18 khu vườn theo chủ đề, có khoảng 3,000 chủng loại hoa cỏ nội địa và nước ngoài. Estevan Lodge là một nhà khách trọ có 37 phòng, vừa dùng để triển lãm hình ảnh và trưng bày di tích lịch sử. Lễ Hội Vườn Quốc Tế diễn ra hằng năm tại đây với 15 gian hàng vườn hoa tân kỳ do nhiều nghệ gia, kiến trúc sư và nhà vẽ kiểu vườn cảnh khắp thế giới trổ tài.

Nghe khen vườn nầy đẹp cũng muốn đi nhưng từ Montréal mà lái xe khoảng 200 cây số để tới Reford Gardens thì...hơi ớn cái thân già. Thôi thì biết rồi để dành đó, khi có dịp sẽ đi, dù chưa chắc gì có dịp. Ðịa chỉ: 200 Route 132, Grand-Métis, Québec, khoảng giữa Rimouski và Matane.

ROYAL BOTANICAL GARDENS.

Ðịa chỉ: 680 Plains Rd. W. Hamilton, Ontario.

Vườn Thảo Mộc Hoàng Gia, Hamilton, Ontario, (RBG) lớn nhất Canada với diện tích 980 mẫu Tây (2,422 mẫu Anh). Tuy đặt tổng hành dinh ở Burlington nhưng RBG còn có cơ ngơi lấn qua Hamilton nữa. Ðây là điểm du lịch ưa chuộng nằm giữa khoảng cách Toronto và Thác Niagara. Ðây cũng là nguồn tài nguyên cho việc khảo cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên, giáo dục, thực vật, là nơi qui tụ đông đảo nhất thảo mộc thiên nhiên, là tụ điểm sinh thái thực vật phong phú nhất của toàn Canada, vùng điểu cầm quan trọng, và một phần của khu bảo tồn thế giới.

Hơn 1,100 giống cây cối khác nhau mọc trong phạm vi của Vườn RBG, trong đó có giống cây tên Bashful Bulrush (Trichophorum planifolium) chỉ mọc ở đấy mà thôi. Ngoài ra ở đây còn có giống cây Red Mulberry (Morus rubra) nằm trong danh sách các loài thực vật có nguy cơ bị diệt chủng.

Giống như Vườn Thảo Mộc Montréal, Vườn RBG cũng ra đời trong thời kỳ Ðại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu năm 1930 như là một dự án “vẽ chuyện ra để làm” thay vì thất nghiệp ngồi không. Dự án tân trang vùng đất tiêu điều và chậm phát triển phía Ðông của Hamilton và phía Tây của Burlington. Chẳng hạn như một hầm sỏi không dùng tới được biến thành Vườn Ðá bằng cách mang đá từ dãy núi trẻ Niagara Escarpment về. Dự tính sơ khởi của  RBG là vừa trưng bày vườn tược vừa bảo vệ vùng đầm lầy và vùng rừng thiên nhiên. Do chỉ dụ của Hội Ðồng Hoàng Gia Anh Quốc, Vườn Hamilton được mang tên Vườn Thảo Mộc Hoàng Gia.

Vườn RBG có tổng cộng hơn 20 cây số chiều dài các lối mòn tự nhiên.Chi phí điều hành được chi trả một phần bởi chính quyền tỉnh bang và chính quyền thành phố; phần còn lại tự tạo do tiền thu phí, tiền tư nhân đóng góp mang lại. Một tổ chức tự nguyện tư nhân gồm hơn 300 thành viên đứng ra trợ giúp trông lo cho Vườn. Họ quyên góp tiền bạc và đóng góp công sức để điều hành công việc hàng ngày.

RBG có vườn bách thảo, là trung tâm giáo dục ngoài trời, một hệ thống đường mòn và luống hoa. Khu thiên nhiên được ngăn riêng để gìn giữ và bảo tồn thực vật và thảo mộc hoang dã bản địa. Vùng thiên nhiên rộng hơn hết là vùng đầm lầy có tên Cootes Paradise hay Dundas Marsh, là nơi sinh nở chính của nhiều loại cá địa phương trong hồ Ontario. Ðó cũng là một trong những nơi tốt nhất để ngắm chim muông ở Canada. Nơi đây cũng có các loài chim cu, én, hạc, vịt, ngỗng, cồng cộc, v.v.

Vườn RBG có khu trồng hoa iris lớn lao và khu trồng hoa hồng cũng không kém với hơn 2,500 gốc, có vườn rau thơm và vườn dược thảo. Nhà kiếng có bộ sưu tầm cây xương rồng, hoa củ, và triển lãm hoa lan vào mùa Ðông. Hằng năm Vườn RBG đều có tổ chức các buổi hòa nhạc, trình diễn nghệ thuật, diễn thuyết trước công chúng và các lễ hội theo chủ đề.

Mỗi năm có hơn 18,000 học sinh đến đây thăm viếng Vườn RBG qua các chương trình do nhà trường tổ chức để được nghe giải thích hoặc thuyết trình về nhiều đề tài liên quan đến ngành trồng trọt và thảo mộc.

Du khách tự hỏi đến đây để xem gì vì có quá nhiều thứ để xem. Dạo khu vườn tử đinh hương và ngửi hương thơm thoang thoảng dịu dàng, hay ngắm chim đại hạc xanh xớt cá trên mặt đầm nước Cootes’ Paradise, hay đến đấy vào màu Xuân để xem hàng trăm ngàn đóa hoa uất kim hương khoe sắc trong Vườn Ðá, hay tự hỏi tại sao giữa hai thành phố trung tâm kỹ nghệ lại hiện hữu một cảnh trí thiên nhiên đẹp đẽ như thế nầy.

Có lẽ khách thưởng ngoạn phải đặt mình vào tâm cảnh của một người tên Thomas B. McQuesten (1882-1948) vào thập niên 1920s vì chính ông ta có lẽ cũng có cùng câu hỏi ấy. Ông là một cầu thủ banh bầu dục của đội Hamilton Tigers, một quân nhân, một luật sư, và một chính khách sống ở Hamilton. Vì thuở ấy Hamilton chưa có trường đại học cho nên Thomas phải theo học ở Trường Ðại Học Toronto và lấy bằng cử nhân Ang văn và lịch sử. Ông chơi cho đội Toronto Argonauts, làm chủ bút cho tờ báo sinh viên The Varsity. Tiếp tục theo học ở trường Luật Osgoode Hall, ông lấy bằng hành nghề luật sư năm 1907. Hồi còn tuổi thiếu niên, ông phục vụ bán thời gian cho vệ quân; sau đó phục vụ Pháo Binh Hoàng Gia. Thế Chiến Thứ Nhất xảy ra, ông tình nguyện qua châu Âu nhưng gia đình ngăn cản. Từ năm 1913 đến năm 1920, ông làm hội viên Hội Ðồng Thành Phố Hamilton và chủ tịch Ủy Ban Công Chánh quan tâm đến việc phát triển đất đai. Năm 1930, ông trở thành chủ tịch cấp tỉnh bang của Ðảng Tự Do. Năm 1934, ông đắc cử dân biểu quốc hội tỉnh bang và liên tiếp trong nhiều năm nắm giữ chức bộ trưởng công chánh, hầm mỏ, nội vụ, khởi xướng nhiều dự án mở mang đường sá và cầu cống. Ông có công trong việc thiết lập Vườn Thảo Mộc Hoàng Gia và giữ chức vụ điều hành mãi gần đến khi ông qua đời. Ngày nay có một cây cầu quan trọng trong thành phố Hamilton mang tên ông.

TORONTO MUSIC GARDEN, Queen’s Quay, Toronto.

Vườn Nhạc Toronto tọa lạc ở số 475 đường Queen’s Quay West khoảng giữa đường Bathurst St. và Spadina Ave. Nếu bạn từ Phố Tàu Toronto sau khi đã làm một chầu điểm tâm “tỉm xấm” cuối tuần no bụng, bạn chỉ việc nhảy phóc lên xe streetcar tuyến đường Spadina đi về hướng Nam xuống phía bờ hồ Ontario chưa đầy mười phút là tới nơi. Sướng một cái là Vườn Nhạc Toronto miễn phí, vào cửa tự do, vì có cửa đâu mà vào.

Vườn Nhạc Toronto có kiến trúc tân kỳ độc đáo, thích hợp với nếp sống mới ở giữa lòng đô thị, là nơi dân chúng có thể tạt qua ngồi nghỉ ngơi sau một ngày làm việc lại vừa thưởng thức trình tấu nhạc hoặc diễn ca múa ngoài trời.

Hứng khởi từ yếu tố hình tượng sống động trong độc tấu khúc dành riêng cho trung hồ cầm viết ra bởi Jahann Sebastian Bach, tay danh cầm quốc tế YoYo Ma hợp tác với một số nghệ sĩ thực hiện bộ phim gồm sáu phần và phát hình trong hai năm 1997, 1998. Trong phần đầu có tiêu đề “Vườn Nhạc” của bộ phim nầy, Yo Yo Ma đã hợp tác với kiến trúc sư vườn cảnh Julie Moir Messervy để diễn đạt ý tưởng trong nhạc của Bach sang nhãn cảnh. Hậu quả là sau khi dự án phim hoàn tất, hai người nầy cùng công ty sản xuất phim Rhombus Media Inc. liên lạc với thành phố Boston để thiết kế Vườn Nhạc bằng không gian hiện thực ngoài đời. Và sau khi Vườn Nhạc Boston được chấp thuận, dự án Vườn Nhạc Toronto cũng được nồng nhiệt hưởng ứng.

Julie Messervy cùng với các nhà kiến trúc của thành phố Toronto phát họa vẽ kiểu Vườn Nhạc dựa theo mảnh đất trống có sẵn bên bờ hồ Ontario. Mỗi một thành phần của Vườn Nhạc được sáng tạo cho phù hợp với phong cách của từng tấu đoạn của Bach. Có hai nghệ nhân Toronto góp phần sáng tạo Vườn Nhạc. Tom Tollefson dựng lên tác phẩm kiến trúc Vòm Lều Nhạc (Music Pavilion) bằng thép, và Anne Roberts họa kiểu kiến trúc cột trụ “Maypole”, một hình thức cây nêu có kết hoa và giây băng dài cho người nắm lấy và nhảy múa vòng quanh.

Vườn Nhạc gồm có sáu phần rõ rệt mang tên các đoạn của tấu khúc:

Prelude: Phần nhạc dạo đầu, gồm một lối đi dài quanh co và nhấp nhô viền đá tảng hoa cương với hoa cỏ thấp hai bên lề có hàng cây sếu (hackberry) thẳng đứng cao lêu nghêu được trồng cách khoảng đều đặn tượng trưng cho những nốt nhạc. Phần dạo đầu tạo cảm giác cho khách nhàn du như đang đi dọc theo một dòng suối uốn khúc.

Allemande: Vũ điệu dân gian Nhật Nhĩ Man (Ðức), được diễn đạt bằng một khoảnh rừng cây bạch đàn với lối mòn xoắn vòng lên ngọn đồi có đỉnh đá nhìn ra cảng xuyên qua một hàng cây thông đỏ. Nếu mỏi chân già, khách có thể ngồi nghỉ ở các băng ghế vừa có thì giờ ngắm cảnh và trầm ngâm thế sự.

Courante: Vũ điệu dân gian Ý-Pháp, được diễn đạt bằng một lối đi cuốn vòng qua một cánh đồng cỏ nhô lên đầy hoa dại rực rỡ sắc màu quyến rũ các loài chim và bướm, trên đỉnh có dựng một kiến trúc điêu khắc cây nêu treo tua xoay mòng theo gió, tất cả đều bằng kim loại.

Sarabande: Vũ điệu dân gian Tây Ban Nha, được diễn đạt bằng một vườn cây tùng bách có hình dáng một cánh cung. Ðược gọi là góc thơ, tức nơi ngồi làm thơ của thi sĩ, vườn nầy có một tảng đá rất lớn coi như là một sân khấu để đọc thơ, và có một vũng  nhỏ làm miếng gương nước phản chiếu bầu trời.

Menuet: Vũ điệu theo nghi thức trang trọng Pháp, được diễn đạt bằng một vườn hoa trồng đúng kiểu mẫu kỷ hà học; trong vườn có một vòm lều bằng thép được dựng và dùng làm nơi ngồi trình diễn cho một ban nhạc nhẹ hay một nhóm múa nhỏ.

Gigue: Vũ điệu dân gian Anh, được diễn đạt bằng những bậc thềm cỏ cao; đứng từ đó, du khách có thể nhìn rõ ra bờ hồ. Những bậc thềm nầy tạo thành một khán đài hình vòng cung nhìn vào một sân khấu bằng đá có rặng liễu xõa cành lá, là nơi dành cho các cuộc trình diễn tự do. Những khóm hoa và bụi cây như vòng tay ôm bên ngoài khán đài.

Nếu bạn là người thích nghe hòa nhạc thì hãy đến đây vào những tối Thứ Năm lúc 7 giờ hoặc chiều Chủ Nhật lúc 4 giờ mỗi tuần, nếu điều kiện thời tiết cho phép. Mỗi buổi trình diễn kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Vì số băng ngồi có giới hạn nên bạn phải đến sớm hoặc mang theo ghế xếp. Các bà nhớ chịu khó đừng che dù vì có thể làm án tầm mắt nhìn của người ở phía sau.

TORONTO BOTANICAL GARDEN

Ðịa chỉ: số 775 & 777 Lawrence Avenue East góc Leslie Street. Vào cửa miễn phí.

Vườn Thảo Mộc Toronto và Vườn Edwards gộp chung rộng 14 mẫu Tây (35 mẫu Anh) gồm có 12 khu vườn chủ đề, là nơi cho cư dân Toronto và du khách dạo chơi ngắm hoa kiểng đồng thời học hỏi cách thức trồng trọt để áp dụng cho vườn nhà. Vườn Thảo Mộc Toronto là một tổ chức điều hành bởi hội tư nhân có mục đích thông tin và giáo dục về ngành trồng trọt; trong khi Edwards Gardens thuộc chính quyền hội đồng thành phố Toronto có mục đích cung cấp nơi nhàn du cho công chúng. Vườn Edwards nguyên là một vườn nhà của tư nhân có dòng suối chảy qua thung lũng nhiều tảng đá, có các cầu gỗ cong cong bắt qua, có nhiều lối đi quanh co qua nhiều tầng cao thấp khác nhau. Các loài hoa chính trồng trong vườn gồm có đỗ quyên, hồng và uất kim hương. Vườn có một thư viện khá lớn lưu giữ sách về ngành trồng trọt.

Vườn có tổ chức những chuyến hướng dẫn dài 90 phút theo nhóm cho du khách, nói về các chủ đề trồng hoa kiểng, môi sinh, lịch sử hoặc về đề tài do nhóm yêu cầu. Nhóm phải có ít nhất là năm người, mỗi người CAN$5.00. Cần đặt chỗ trước ít nhất là một tuần lễ; số Ðiện thoại liên lạc: 416-397-1366.

Tua lịch sử: Dạo qua vườn Edwards để tìm hiểu về lịch sử của Vườn. Hơn 150 năm trước, đây là nơi cư trú, nhà máy cưa và dệt len của William Milne bên dòng suối Wilket Creek, là một lưu vực của sông Don River, Nhánh Tây. Quyền sở hữu cơ ngơi nầy qua tay nhiều người cho đến năm 1944 thì thuộc về Rupert E. Edwards; chủ nhân biến miếng đất rộng 27 mẫu Anh nầy thành nơi nghỉ hè cho gia đình. Mười một năm sau, miếng đất nầy được thành phố Toronto mua lại để làm nơi cho công chúng chung hưởng.

Tua môi sinh: Du khách sẽ được giải thích phương cách làm thế nào đất đai sông ngòi được bảo vệ để giữ gìn và bảo đảm nguồn nước sạch và hình thể đất không bị hao mòn hư hại. Các điểm dừng chân để nghe thuyết trình gồm có thung lũng, dòng suối, vườn bách thảo và vùng tái tạo sông ngòi. Tua nầy thích hợp cho các cơ quan tư nhân, học đường hoặc người cao niên.Ngoài ra còn có tua dành riêng cho học sinh các lớp sinh ngữ dành cho người di dân mới và tua dành cho trẻ em.

Niagara Parks’ Botanical Gardens

Ðịa chỉ: 2565 Niagara Parkway, cách Thác Móng Ngựa 9 km về phía Bắc, gần cầu biên giới Lewiston-Queenston.

Nếu bạn có đi thăm viếng thắng cảnh Thác Niagara vang danh thế giới, thôi thì một công đôi việc sẵn dịp ghé vào Vườn Thảo Mộc Công Viên Niagara chơi cho biết. Vào cửa tự do mà! Ðây cũng là nơi có Nhà Kính Nuôi Bướm: đã xem hoa thì xem bướm luôn cho đủ bộ. Vườn nầy thành lập năm 1936, rộng 40 mẫu Tây (99 mẫu Anh) trồng đầy các loài hoa, khu vườn hoa trồng trong bồn, rau thơm, rau cải, nhà chim (có nhiều chim ruồi hummingbird) và nhất là vườn hoa hồng 2,400 cây.

Nhà Bướm khánh thành năm 1996, là một nhà vòm bằng kính rộng hơn một ngàn thước vuông trị giá 15 triệu Gia-kim, chứa hơn hai ngàn con bươm bướm thuộc hơn 60 chủng loại khác nhau. Vào Nhà Bướm phải mua vé, người lớn là CAN$7.50, trẻ em nửa giá.

Chúc quí vị một chuyến đi chơi vui vẻ!

 Phan Hạnh NTH. Toronto 2010.

No comments:

Post a Comment