Tuesday 18 September 2012

Linh Hồn Việt Cộng (biên khảo)



Linh Hồn Việt Cộng
___________________________________


Do tình cờ, tôi vào YouTube (http://www.youtube.com/watch?v=7eO3D9cFn3E) và thấy có các đoạn phim video tựa đề Linh Hồn Việt Cộng (LHVC). Cái tựa lạ gợi tính tò mò, tôi nghĩ đây chắc là một video clip nào của cộng đồng người Việt hải ngoại thực hiện. Ðến khi xem mới biết đó là một phim phóng sự ngắn từ trong nước. Tôi vẫn thường nghĩ từ ngữ Việt Cộng là từ ngữ chỉ có những người thuộc bên này chiến tuyến dùng để gọi những người phía bên kia, cũng giống như những người bên kia chiến tuyến gọi người bên này là Mỹ ngụy. Bây giờ tôi mới biết người bên kia chiến tuyến cũng tự gọi họ là Việt Cộng, một từ ngữ gợi hình ảnh xấu xa hơn là tốt đẹp. Chính vì thế tôi mới tò mò xem phim cho biết, và khi xem xong, tôi thắc mắc khôn nguôi nên mới mò mẫm đi tìm sự thật. Ðang sống trong một quốc gia đã phát triển với đầy đủ quyền tự do của con người, tôi chẳng bị ai bắt buộc phải phát biểu khác đi những ý nghĩ chân thực của chính tôi. Tôi muốn tìm hiểu sự thật chỉ vì một mục đích duy nhất; đó là vạch trần những điều không thật. Mà phim LHVC, một phim tài liệu, lại chất chứa rất nhiều điều không thật.

Ảnh cán binh VC Hoàng Ngọc Đảm và ảnh Trung úy Homer Steedly Jr

Do đâu mà có phim này? 

 Thành thực mà nói, nếu cựu chiến binh Homer Steedly là người vô tâm vô cảm thì đã không có cuốn phim LHVC. Cái ngày định mệnh 18/3/1969, trên đỉnh đèo Mang Yang thuộc tỉnh Gia Lai, trung úy Steedly, 23 tuổi, dắt một trung đội thuộc tiểu đoàn 1/8, Sư Ðoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ đi hành quân tuần thám và bắn chết cán binh y tá Việt Cộng Hoàng Ngọc Ðảm, 25 tuổi, quê quán ở làng Thái Giang, tỉnh Thái Bình thuộc bộ đội cộng sản Bắc Việt và được gửi vào Nam chiến đấu, bổ sung cho đội giải phẫu tỉnh Gia Lai. Trung úy Steedly tịch thu một mớ tài liệu gồm giấy tờ tùy thân của Ðảm gồm 3 giấy khen, một quyển vở học trò ghi chép một số phương thức cấp cứu y học và phẫu thuật, một cuốn sổ cẩm nang toán học và vài giấy tờ khác, vài lá thư và một bằng lái xe của đồng đội tên Nguyễn Văn Hai. Trong cuốn sổ học là những hình vẽ chi tiết bên trong về cơ thể người. Trong một cuốn sổ khác, những trang cuối có cả những ván cờ carreaux chằng chịt đan xen chi chít vào nhau. 

Sau khi đã nộp mớ tài liệu này cho Ban 2 tiểu đoàn để lượng giá và khai thác, Homer Steedly xin lại để làm kỷ niệm và gửi về nhờ cha mẹ ở bang South Carolina cất giữ.

Sau khi giải ngũ, làm việc và về hưu năm 2004 và dọn về miền núi Tây Bắc Carolina, Homer rảnh rỗi mới nhớ lại mớ tài liệu đó và nảy ra ý định muốn trao trả lại cho thân nhân người quá cố. Homer “post” câu chuyện của mình lên trang mạng đơn vị cũ. Chuyện của Homer Steedly mang tính chất ly kỳ tương tự như chuyện Nhật Ký Ðặng Thùy Trâm. nên được nhiều đọc giả vào xem, nhất là bạn đồng ngũ khi xưa. Một trong những người này là Tom Lacombe, một nhà văn từng viết quyển tiểu thuyết Light Rucksack (Túi Quân Hành) kể về những người lính bộ binh Mỹ ở Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam. Tom Lacombe liên lạc với Wayne Karlin, cũng là một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam và hiện đang là giáo sư của một trường cao đẳng tiểu bang Maryland. Wayne thuộc phân khoa Văn Chương và Ngôn Ngữ, phụ trách một chương trình của trường nhằm cổ động và khuyến khích việc trao đổi văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam.

Wayne Karlin có vài người bạn trong giới cầm bút ở Việt Nam, nhất là Phan Thanh Hảo, nữ chủ nhân tờ báo Giáo Dục và Thời Ðại. Báo này đăng lên câu chuyện Homer Steedly tìm thân nhân của tử sĩ Hoàng Ngọc Ðảm. Người nhà của Ðảm hay tin và liên lạc với Hảo, Hảo điện thư cho Wayne, và thế là Homer bắt liên lạc được với thân nhân của  Ðảm ở tỉnh Thái Bình. Trong một chuyến đi Việt Nam tháng Chín năm 2005, Wayne tình nguyện thay mặt Homer mang di vật của Ðảm trả về cho gia đình Ðảm. Hai năm sau, ngày 15/6/2007, một người bạn cựu chiến binh khác là Doug Reeve đi Việt Nam và về quê của Ðảm giàn xếp trước cho cuộc gặp gỡ tận mặt của Homer với gia đình Ðảm.

Tháng Năm 2008, Homer đi Việt Nam giúp thân nhân Ðảm đi vào chiến trường xưa ở Gia Lai tìm mộ Ðảm và mang hài cốt của Ðảm về quê cải táng. Homer làm được một việc nghĩa vì lương tâm và vì lòng nhân. Và đạo diễn Minh Chuyên thuộc Trung Tâm Phim Tài Liệu và Phóng Sự của Ðài Truyền Hình Việt Nam thừa cơ hội tốt làm phim LHVC để tuyên truyền và lấy tiếng.

Linh Hồn Việt Cộng (LHVC): cái gọi là phim tài liệu

Theo nguyên tắc, nếu đã gọi là phim tài liệu thì lời dẫn giải cho phim phải mang tính trung thực khách quan. Cộng Sản Bắc Việt đã có chủ trương thống nhất đất nước bằng võ lực, quyết xua quân thôn tính miền Nam kể từ khi Hiệp Ðịnh Genève ký ngày 27 tháng Tư năm 1954 chia đôi đất nước còn chưa ráo mực, khi quân đội Mỹ chưa sang Việt Nam. Có sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam hay không, Việt Cộng vẫn đánh chiếm VNCH. Thế nhưng, trong phim LHVC, lời dẫn giải (thuyết minh) vẫn gọi đó là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi chiến trường Việt Nam ngày 29 tháng Ba theo Hiệp Ðịnh Paris ký kết hai tháng trước đó (ngày 27 tháng Giêng năm 1973) CSBV rảnh tay và dốc toàn lực dứt điểm miền Nam. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” chẳng qua chỉ là một chiêu bài che đậy thực chất xâm lăng của CSBV mà thôi.
Cảnh người nhà liệt sĩ HNĐảm đang hỏi ý kiến thầy bói mù trong phim LHVC

Ý tưởng thực hiện phim tài liệu LHVC được Minh Chuyên của Ðài Truyền Hình Việt Nam (nhà văn được quảng cáo là có gần 100 bài viết thuộc nhiều thể loại kiêm đạo diễn của 25 phim về đề tài thương binh, tử sĩ và hậu chiến) thai nghén và nắm bắt kể từ năm 2005 khi một cựu quân nhân Mỹ tìm cách liên lạc với gia đình của tử sĩ Hoàng Ngọc Ðảm để trao lại một số di vật của Ðảm. Ðây quả thực là một câu chuyện hấp dẫn thứ nhì sau vụ nhật ký Ðặng Thùy Trâm. Ðiều đó đã được minh chứng khi phim LHVC đã dành một đoạn chiếu lại cảnh Fred Whitehurst, một cựu quân nhân tình báo Mỹ, người đã tịch thu quyển nhật ký đó ngày 22/6/1970 ở Ba Tơ, Quảng Ngãi, ngồi khóc nức nở trước mộ Ðặng Thùy Trâm hồi tháng Bảy năm 2005. Chuyện của Homer về cái chết của Ðảm cũng sống động không kém mà nếu đưa lên màn hình chắc chắn sẽ khều được nước mắt của đa số người xem dễ tính, nhất là nếu câu chuyện đó được thêm thắt nhiều tình tiết kịch tính và bi thảm hóa. Chuyện đó, một đạo diễn dạn dày kinh nghiệm như Minh Chuyên có thừa khả năng để làm.

Nhưng phải chi công tâm nghề nghiệp trong sáng của một người làm nghệ thuật không bị tư tưởng chính trị chỉ đạo và chi phối; phải chi óc sáng tạo của nghệ sĩ không bị chính sách nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam gò bó theo qui luật kiểm duyệt; phải chi người làm phim trong nước được tự do phát huy tài năng không thiên kiến; và phải chi đừng gán gọi nó là một phim tài liệu. Phim LHVC đã không được như thế; nó vẫn mang một mẫu số chung là sặc mùi tuyên truyền cố hữu, bóp méo sự thật và cường điệu. Hóa ra nó cũng chỉ là một phim phóng sự hời hợt lợi dụng một câu chuyện cảm động và những tấm lòng chân thật từ cả hai phương trời Mỹ Việt để lồng vào đó mục đích tối hậu duy nhất là tuyên truyền đổ hết mọi lỗi lầm cho Mỹ, thần thánh hóa tất cả mọi cái chết của chiến binh Việt Cộng là anh hùng, coi mọi chiến binh Mỹ là hèn nhát và sự hi sinh của họ trên chiến trường Việt Nam là vô nghĩa.

Chúng ta hãy nghe phim mở đầu bằng lời dẫn giải như sau: “Cuộc chiến tranh Việt Nam do quân đội Mỹ gây ra đã để lại hậu quả rất nặng nề. Hơn chín triệu người chết là người trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoạt động kháng chiến, và vì chất độc hóa học.”

Lời dẫn giải của người làm phim tiếp tục tuôn ra những “quân dân Việt Nam anh dũng vùng lên đánh đuổi đạo quân xâm lược”, “tội ác chiến tranh do quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam”, “lính Mỹ sang đây để chết một cách vô nghĩa”, “cuộc chiến giữa quân đội Giải Phóng Miền Nam Việt Nam với quân đội Mỹ” và để rồi kết luận, “Trong giờ phút cuối cùng, chúng tôi xin được gọi anh Hoàng Ngọc Ðảm ơi, anh là người anh hùng. Người lính Mỹ bắn anh năm xưa đã phải vượt nửa vòng trái đất về đây cầu xin anh tạ tội. Ðiều đó càng khẳng định cái chết của anh, cái chết làm quân thù phải run sợ.”

Phim chỉ dài 30 phút được trình chiếu lần đầu tiên trên Ðài Truyền Hình VTV1 lúc 22g15 ngày 23-7-2008 và chiếu lại ngày 27-7-2008, thế mà nhiều cơ quan truyền thông trong nước và báo Sàigon Giải Phóng Online  gọi đó là “bộ phim” và chạy một cái tít kêu hết mức là “Phim tài liệu Linh hồn Việt cộng đẫm nước mắt nhân văn”.

Bài báo đó tóm lược chuyện phim như sau:

“Linh hồn Việt cộng” là một câu chuyện thấm đẫm nước mắt. Tranh thủ về phép, người lính Hoàng Ngọc Đảm làm đám cưới với cô Phan Thị Minh. Hai ngày sau, anh chia tay vợ trở lại với đơn vị. Trên ngọn đồi ở Ayunpa, người lính Việt cộng – Hoàng Ngọc Đảm đã giáp mặt với người lính Mỹ  Homer (Steedly Jr.)

Khi thấy Homer đưa tay đầu hàng, Hoàng Ngọc Đảm tiến lại gần định tước vũ khí. Không ngờ vì quá sợ hãi, Homer đã nổ súng. Viên đạn oan nghiệt kết thúc cuộc đời của người lính trẻ. Hối hận tột cùng, Homer mang theo tất cả giấy tờ, vật dụng của Hoàng Ngọc Đảm và cẩn thận cất giữ bên mình cho đến ngày từ giã quân đội Mỹ.

Giải ngũ, Homer trở thành một nông dân ở Carolina. Và khi lục hành trang của con trai, mẹ của Homer nhìn thấy di vật của Hoàng Ngọc Đảm, bà đã khóc và thành kính đặt lên bàn thờ nhà mình. Còn Homer cứ ray rứt và dằn vặt đến mức bị tâm thần nhẹ.

Nhiều lần Homer muốn sang Việt Nam để tìm đến gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm cầu mong tha thứ, nhưng người cựu binh Mỹ cũng nghèo, đành bấm bụng ăn năn. Homer làm sao biết được, phía bên kia bán cầu ngớt tiếng súng đã lâu mà bà mẹ của người lính Việt cộng – Hoàng Ngọc Đảm vẫn chưa thấy con trai trở về. Buồn thương, bà mẹ bất hạnh ấy đã đi… xem bói.

Vốn nghề “bói ra ma”, thầy bói phán “Con bà đang sống sung sướng ở bên Mỹ!”. Mẹ của Hoàng Ngọc Đảm không tin con mình phản bội tổ quốc, cứ chiều chiều bà lại ra ngõ ngóng trông.

Những giọt nước mắt nhân văn

Trước khi qua đời, mẹ của Homer đã trao cho con trai tất cả số tiền bà dành dụm với lời trăng trối: “Một nửa dùng chữa bệnh tâm thần nhẹ của con, còn một nửa dùng làm lộ phí sang Việt Nam tạ lỗi cùng gia đình người lính Việt Cộng”.

Năm 2005, Homer nhờ một người bạn đưa di vật liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm trao tận tay thân nhân ở Thái Bình, đồng thời anh nhắn gửi: Nếu gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm cho phép, anh sẽ cùng đi tìm hài cốt liệt sĩ. Giữa tháng 5-2008, đặt chân đến căn nhà có mẹ và vợ của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm vẫn sống trong mỏi mòn, cựu binh Mỹ - Homer nghẹn ngào khóc: “39 năm qua, linh hồn anh Đảm vẫn ở bên cạnh tôi, khiến tôi không phút nào yên!”.

Lần theo trí nhớ của Homer, cuối tháng 5-2008, hài cốt liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã được tìm thấy ở ngay ngọn đồi mà ngày nào họ đã giáp mặt. Vậy là sau bao nhiêu năm tháng lạnh lẽo, liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã được đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thái Giang, linh hồn người lính Việt cộng đã được thanh thản nơi quê nhà. Và tâm can cựu binh Mỹ - Homer cũng bớt giày vò vì tội ác do mình gây ra.

Sự thật của 40 năm về trước. Tiếng nói của người trong cuộc.

Ðể kiểm chứng xem mức độ trung thực và khả tín của phim LHVC tới mức nào, chúng tôi đã liên lạc bằng điện thư với Homer Steedly xin phép ông dịch ra Việt ngữ và xử dụng hình ảnh trong các bài viết trên trang mạng và đã được ông chấp thuận. Sau đây là đoạn tường thuật lại cuộc chạm trán của Homer Steedly với cán binh y tá cộng sản Bắc Việt Hoàng Ngọc Ðảm:

Hai đại đội A và C của tiểu đoàn 1/8 di chuyển lên đồi 467 (tọa độ YB803034) họp thành Lực Lượng Ðặc Nhiệm Alpha. Ðịa thế là loại rừng rậm ba tầng táng lá với tầng táng lá cao nhất là những cây cổ thụ cao 150 bộ Anh (feet) với nhiều dốc sâu và đồi thẳng. Thời tiết hầu hết quang đãng ngoại trừ làn sương mỏng là đà sát mặt đất.

17/3/1969.

 Hai đại đội B và D đang đóng quân trên Căn Cứ Yểm Trợ Hỏa Lực 20 (CCYTHL 20) với nhiệm vụ giữ an ninh và tung ra các cuộc tuần thám có trang bị hỏa lực mạnh để sẵn sàng chạm địch.
Tr/úy Homer Steedly Jr 1969
Lúc bấy giờ tôi là sĩ quan thường vụ của đại đội B và hầu hết thì giờ tôi chỉ huy và điều hành toán tiếp vận của đại đội ở hậu cứ và lo công việc giấy tờ cho ông đại đội trưởng. Tôi cũng lo phát lương cho toàn thể quân nhân trong đại đội tôi ở trong hậu cứ lẫn đang hành quân ngoài mặt trận. Hầu hết lương binh sĩ đã được trích ra một phần gửi về cho gia đình họ nhưng phần còn lại tôi cũng phải đích thân phát cho họ. Ít có ai gửi toàn phần lương về cho gia đình. Tôi phát phiếu lương và tiền mặt quân đội cho từng người trong đơn vị. (MPC, viết tắt của Military Payment Certificates, chỉ có thể tiêu xài hoặc mua sắm ở các siêu thị quân đội PX = Post Exchange, câu lạc bộ và hợp tác xã trong phạm vi các căn cứ quân đội Mỹ. Phần chú thích của PH). Ngoài ra tôi cũng phát cho họ những văn thư điều chỉnh lương bổng, quyết định thăng cấp, công khố phiếu, v.v. Tôi phát lương cho nhân viên ở hậu cứ trước, xong tôi đáp chuyến bay nào sớm nhất để ra mặt trận và phát lương cho binh sĩ đang hành quân.

Lần này tôi quá giang theo trực thăng tiếp tế cho CCYTHL 20 để tới đại đội B đang tuần tiểu an ninh và phục kích quanh vùng. Tôi dự tính phát lương xong xuôi nội trong ngày rồi đón kịp chuyến bay cuối ngày để trở về hậu cứ, cho nên tôi chỉ mang theo chiếc cặp đựng tiền và giấy tờ, và khầu súng lục Colt.45. Tôi không có trang bị đầy đủ để tác chiến.

Khi tới đơn vị, tôi mới biết rằng ông đại đội trưởng trước đó đã phái hai toán cấp tiểu đội đi tuần tiểu phục kích và hai toán đó tới sáng hôm sau mới trở về; vì thế tôi phải ở lại qua đêm tại CCYTHL 20.

Một trong hai toán phục kích của đại đội tôi phát hiện một đơn vị địch quân khá đông đang di chuyển dọc theo con đường mòn, nhưng toán phục kích không dám nổ súng vì e ngại không đủ hỏa lực để cầm cự. Toán phục kích kia trở về và tôi đã phát lương cho họ, nhưng tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho đại úy DeRoos (đại đội trưởng đại đội B) đưa các tiểu đội còn lại của trung đội ra tăng phái cho toán phục kích, đồng thời đưa một trung đội khác phục kích ngăn chận đơn vị địch quân kia.

Ðược biết đại đội có kế hoạch sẽ đưa một trung đội ra bãi đáp trực thăng để được bốc đi tuần thám một địa điểm khác, tôi quyết định đi theo các tiểu đội tăng phái để phát lương cho toán đang phục kích cho xong việc để rồi còn theo trực thăng về hậu cứ. Sau cùng tôi cũng gặp toán quân nhân đó khi họ lùi lại từ vị trí phục kích ban đầu và tôi đã phát lương cho họ đầy đủ khi chúng tôi dừng chân để ăn trưa chờ chiều đến. Dự định của chúng tôi là sẽ di chuyển đến vị trí phục kích trước khi trời tối để giảm bớt nguy cơ bị lộ diện. Ðịa điểm phục kích cách CCYTHL 20 khoảng 6 km. Chúng tôi bắt đầu di chuyển hai giờ đồng hồ trước khi trời tối, mất khoảng một giờ để đi đến đó. Chúng tôi bắt đầu đào hố cá nhân và cắt cử một nhóm tiền thám ba người đi canh chừng địch quân. Họ vừa đi khoảng 50 m thì đụng phải một đơn vị địch. Có tiếng súng nổ. Hai binh sĩ bị thương. Trung đội trưởng dẫn trung đội chạy lên cấp cứu hai thương binh và không có đụng độ thêm. Ðịch quân đã biến mất. Một toán quân ta đuổi theo khoảng 200 m và báo cáo thấy có vết máu nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng địch quân đâu cả.

Tôi nhớ một thương binh bị bắn thủng một lỗ lớn ở ngực và máu ra nhiều lắm. Tôi không nhớ binh sĩ kia bị thương ở chỗ nào trên thân thể, nhưng cả hai phải được khiêng bằng cáng tự chế. Sương mù giăng cao bao phủ nên việc tản thương bằng trực thăng xem như không thể thực hiện được. Ðường trở về căn cứ cũng quá xa và cũng chẳng thấy đâu vì mây che phủ; do đó chúng tôi phải đóng quân tại chỗ qua đêm. Chúng tôi cảnh giác canh gác suốt đêm chực chờ bị tấn công, nhưng điều đó đã không xảy ra.

18/3/1969

Trời sáng, chúng tôi quyết định di chuyển đến bãi đáp trực thăng vì nơi đó tương đối gần hơn so với CCYTHL 20. Tôi lên phi cơ cùng với hai thương binh và đáp xuống CCYTHL Mary Lou vì phi cơ cần đổ thêm xăng để đi An Khê trong khi tôi phải về lại Pleiku để tháp tùng trung đội đã được giao công tác tuần thám ở Ðèo Mang Yang. Trong lúc chuẩn bị lên phi cơ, suýt nữa tôi bị lãnh đạn bởi một binh sĩ Mỹ trẻ đang nổi điên bắn tứ tung một loạt về hướng tôi. Lúc bấy giờ tôi đâu có biết là trước đó, hắn đã bắn chết vị sĩ quan phát lương của đơn vị hắn và làm bị thương một hạ sĩ quan khác. Hắn càu nhàu la lối là tiền lương của hắn bị tính sai. Tôi với hắn vừa chĩa súng vào nhau vừa đối đáp, tưởng đâu một hoặc cả hai đứa chúng tôi sẽ trở thành một cái xác không hồn trước khi cuộc cãi vả chấm dứt. Sau cùng tôi thuyết phục được hắn, bảo chuyện đâu còn có đó, hắn hãy hạ súng xuống để cho quân cảnh dẫn đi rồi mọi chuyện sẽ được giải quyết thỏa đáng. Tôi bảo hắn hãy nhìn chung quanh mọi người đang chĩa súng vào hắn và hắn hãy bình tĩnh. Tôi bắt đầu tiến lại gần hắn. Khi tôi còn cách hắn chừng 10 ft. thì hắn bỏ súng xuống và đưa hai tay lên đầu hàng. Quân cảnh nhào đến ôm chặt hắn, còng tay hắn lại và dẫn hắn đi. Tôi bảo quân cảnh hãy nhẹ tay cho hắn vì hắn bị khủng hoảng do mục kích đụng trận và chết chóc đã nhiều. Quân cảnh đẩy hắn lên xe Jeep và lái đi. Tôi lên phi cơ trực thăng về lại Pleiku. Xong vụ phát lương, tôi theo trung đội đang chờ đi tuần thám Ðèo Mang Yang, vì trung đội hiện chẳng có một sĩ quan nào.

19/3/1969

Chúng tôi leo lên trực thăng bay vào thung lũng thuộc phía Pleiku (phía Tây) của ngọn đèo và được bỏ xuống ở đấy với lệnh trên giao phải tuần thám phía bên trái của con đường đèo. Khi chúng tôi tiến gần đến mé mới thấy rằng dốc cao và thẳng quá để có thể leo giữa thời tiết nóng bức, cho nên chúng tôi đi lên xa hơn trên đường lộ để tìm xem có chỗ nào dễ leo hơn. Chúng tôi đến một khúc cua gắt có chắn những tảng bê tông để ngăn chận đất lở và xoi mòn và có bậc thang ở giữa. Mọi người đều mệt lả và nóng nực vì cuộc di hành, do đó tôi cho trung đội tấp vào bên đường để nghỉ ngơi một lát trong lúc tôi leo lên các bậc thang để quan sát xem nếu leo từ đó có dễ hơn hay không. Tôi thấy ở điểm đó vẫn còn dốc lắm cho nên chúng tôi tiếp tục đi thêm lên nữa. Ði thêm được khoảng 2 km nữa, chúng tôi quyết định chẳng có chỗ nào tốt hơn nên bắt đầu leo dốc từ chỗ đó vậy. Tôi thấy trên đỉnh đèo có một cây cao gần 50 ft. hơn những cây khác. Lấy cây cao đó làm chuẩn, dự định sẽ rẻ trái để kiểm soát dãy dốc rồi sẽ noi theo dấu chân mà đi tiếp về phía bên An Khê (phía Ðông) của con đèo.

Dọc theo triền dốc có một con đường mòn nhẵn nhụi, do đó chúng tôi biết rằng có sự di chuyển thường xuyên trên con đường này. Khi chúng tôi đến một điểm có thể nhìn thấy lại đáy thung lũng, chúng tôi bèn quay trở lại qua con đường mòn. Ðến gần cây cao nọ, chúng tôi dừng lại nghỉ chân uống nước. Chúng tôi chỉ tạt qua cách vài thước hai bên vệ đường để trút bỏ túi đeo vai và ngã người nghỉ lưng. Phía sau lưng coi như đã an toàn, nhưng phía trước thì chưa cắt đặt lính canh gì ngoại trừ một binh sĩ đang đứng. Tôi liền bước tiến lên đầu đoàn quân để kiểm soát trung đội, tôi dừng lại hỏi chuyện với binh sĩ đứng canh đang nhìn về phía trước khiến anh phải quay lại để nhìn tôi. Ngay lúc ấy Ðảm từ vòng cua khuất trên con đường mòn thình lình hiện ra và bước thẳng đến trước mặt chúng tôi.

Ðảm còn rất, rất trẻ. Anh ta đội trên đầu một cái nón cối sạch sẽ và mặc đồng phục khaki còn mới tinh của bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt; điều đó thật khó hiểu khi so với chúng tôi mình mẫy phủ đầy bụi đất sét đỏ. Khẩu súng tiểu liên SKS mà Ðảm đang mang vẫn còn dầu mỡ quanh chuôi gắn lưỡi lê. Anh ta chỉ vừa quẹo một cua gắt của con đường mòn với khẩu súng còn đeo trên vai khi anh ta trông thấy tôi và toan đưa súng lên bắn tôi. Tôi hét lớn “Chiêu hồi!”, từ ngữ duy nhất mà tôi biết để bảo anh ta đầu hàng, nhưng anh ta vẫn tiếp tục móc súng. Tôi kịp nổ súng trước khi anh ta vừa chĩa súng lên. Nều tôi không quá sợ hãi thì tôi đã có thể giữ bình tĩnh để chỉ bắn cho anh ta bị thương thôi. Nhưng trong cơn căng thẳng hoảng hốt, tôi đả giết chết anh ta với một viên đạn xuyên tim.
 
Chúng tôi không muốn khiêng thây Ðảm xuống đường lộ, và chúng tôi cũng không biết khoảng cách bao xa chúng tôi phải đi từ đó xuống bờ vực để có thể tìm được một chỗ cho trực thăng đáp. Vì thế, chúng tôi chỉ lấy theo giấy tờ cá nhân và vũ khí mang về trao lại cho Ban 2 (Tình Báo) của tiểu đoàn để lượng giá khi chúng tôi đến bãi đáp kế tiếp.

Sau một ngày di hành, từ một bãi trống nhỏ, chúng tôi được trực thăng đến bốc ra khỏi khu vực vào buổi chiều và trung đội thứ nhì cùng họp lại với phần còn lại của đại đội B để nhận sứ mạng tuần thám và chận đường địch. Tôi đón trực thăng về hậu cứ và trao tài liệu cá nhân và vũ khí tịch thu được của Ðảm cho Ban 2. Sứ mạng ngăn chận đường chuyển quân của địch sau đó đã đưa đến vụ mất tích đầu tiên của một binh sĩ của chúng tôi. Chẳng bao lâu, chúng tôi trở về Ðồi 647, nơi đó tôi đảm nhận chức vụ chỉ huy đại đội (thay thế cho đại úy DeRoos bị thương) là một thành phần của Lực Lượng Ðặc Nhiệm Alpha. Lần sau đó khi trở về hậu cứ, tôi liên lạc với sĩ quan Ban 2 của tiểu đoàn và ngõ ý xin lại tài liệu cá nhân và vũ khí của Ðảm để giữ làm kỷ vật chiến tranh. Khẩu AK-47 được tiểu đoàn giữ lại, nhưng tài liệu cá nhân được trao lại cho tôi và tôi gửi nó về cho mẹ tôi nhờ giữ hộ cho đến khi tôi mãn nhiệm kỳ phục vụ và hồi hương.
Tập ghi chú Giải phẫu Ngoại khoa của cán binh HNĐảm

Ngoài các diễn tiến ghi chép lại dưới dạng thức của một nhật ký kể trên, Homer Steedly còn thường xuyên biên thư về cho cha mẹ. Bức thư đề ngày 18/3/1969 có đề cập đến việc bắn hạ Hoàng Ngọc Ðảm như sau:

Ngày 18 tháng Ba năm 1969.

Ba Mẹ kính mến,

Như ba mẹ đã đoán, nhiều việc đang thực sự xảy ra ở đây. Một đại đội của tiểu đoàn 3/8 hầu như bị quét sạch vài tuần trước. Ðơn vị con cũng có chạm địch năm ba lần nhưng chỉ lẻ tẻ thôi. Con phải bắn chết một thiếu tá CSBV. Con có tịch thu giấy tờ tùy thân của hắn và con sẽ gửi nó về nhà sau. Ba Mẹ vui lòng cất giữ nó cẩn thận giùm cho con. Hắn ta quá trẻ để mang lon thiếu tá.

Ngày phát lương hôm nọ con suýt bị một gã lính nhóc con bắn chết; nó nổi điên và bắn tứ tung. Con đang đi trên đường thì nó khai hỏa. Sau cùng quân cảnh cũng chụp được nó, nhưng lúc đó nó cũng đã bắn chết sĩ quan quân lương của nó và bắn bị thương một ông trung sĩ nhất. Hai ngày vừa qua của con xảy ra thật là tồi tệ. 

Con vẫn còn là sĩ quan thường vụ nhưng con hi vọng sớm có cơ hội được nắm chức đại đội trưởng. Nếu con nắm đại đội, có thể con sẽ gia hạn phục vụ lâu hơn để có được thời gian chỉ huy càng nhiều càng tốt. Con cũng đã ghi danh theo học một khóa hàm thụ môn Vật Lý để chuẩn bị trở lại trường cao đẳng. Quân đội tuyển chọn những người tốt nghiệp trường sĩ quan mà chưa hoàn tất trường cao đẳng để đi học lại toàn thời gian có lãnh đủ lương quân đội cho đến khi lấy bằng, và con hi vọng con sẽ được chọn. Con nghĩ con có nhiều cơ may để được chọn.

Con đã nhận được đủ mấy món cần dùng của Ba Mẹ gửi. Cám ơn Ba Mẹ. Con cũng nhận được băng thâu tiếng nói của mọi người. Nghe lại được những giọng nói quen thuộc dĩ nhiên là con thích lắm.

Bây giờ con có việc phải làm. Vậy con xin chào tạm biệt Ba Mẹ ở đây.

Con,

Homer.

Tái bút: Con mới vừa biết ra là anh chàng bộ đội bị con bắn chết thật ra là một y tá cứu thương. Không biết từ đâu con có ý nghĩ hắn là thiếu tá, chắc là tại con trông nhầm huy hiệu của hắn mang.

Con bắt đầu viết thư này ngày 18, nhưng mãi sau vụ bắn đó con mới gửi thư đi, chắc ngày 20 thì được khi con trở lại hậu cứ. Ðiều này xảy ra là thường: bắt đầu viết vài dòng chữ, phải ngưng để đi ra ngoài, rồi sau đó lại viết tiếp.

Một Linh Hồn Phiêu Lạc Trở Về Nhà, “A Wandering Soul Returns Home”: bài tường thuật của Homer Steedly về chuyến đi trở lại Việt Nam để hàn gắn một vết thương lòng.

  Gần 40 năm, tôi từng cảm thấy một nỗi ăn năn vô bờ xâu xé lòng tôi khi nghĩ đến sự hoang phí của bao nhiêu sinh mạng trên cả hai bờ cuộc chiến trong khoảng thời gian hai chuyến phục vụ ở Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam. Tôi giã từ cuộc đời làm việc cho Trường Ðại Học Nam Carolina để về hưu vào mùa Xuân năm 2004 và dời nhà về sống nơi miền núi non Tây Bắc Carolina. Tôi chợt nhận ra những dãy núi này quá giống với Cao Nguyên Trung Phần của miền Nam Việt Nam. Khi nghiên cứu về lịch sử của vùng núi Carolina này, tôi khám phá ra rằng một số chủng loại thực vật và sinh vật ở đây chỉ có thể được tìm thấy ở một nơi duy nhất khác của hành tinh; đó là vùng Ðông Nam Á Châu. Dường như là các sinh thực vật đó là phần còn sót lại của vòng đai sinh thực viền quanh rìa phiến băng trong thời kỳ băng hà cổ đại của quả đất này. Thật là một sự trùng hợp thích thú khi tôi bị lôi cuốn về nơi đây để nghỉ hưu, một nơi mà sao giống thế với nơi tôi đã từng chiến đấu khi còn tại ngũ.

Với sự thanh thản mới vừa tìm thấy, tôi bắt đầu dò dẫm trên liên mạng toàn cầu và bắt đầu khảo cứu tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam cùng với những đơn vị cũ của tôi. Khi càng đọc nhiều và càng thấy những gì đã được viết và được đưa lên các trang mạng, tôi cảm thấy có nhu cầu cần phải kể câu chuyện của những người lính bộ binh mà tôi chỉ huy thuộc Sư Ðoàn 4 Bộ Binh. Sự can đảm hàng ngày và lòng kiêu hùng vô biên của họ cần có một tiếng nói. Trong thời gian tôi làm việc cho trang mạng, tôi mới hỏi mẹ tôi là mẹ tôi có còn cất giữ  những bức thư của tôi gửi về từ chiến trường Việt Nam hay không. Bà tìm ra những bức thư đó cùng với một mớ tài liệu mà từ lâu tôi hoàn toàn quên không nghĩ đến.

Vào tháng Ba năm 1969, tôi có bắn chết một cán binh y tá trẻ của quân đội Bắc Việt trên triền dốc nhìn xuống Ðèo Mang Yang. Anh ta có mang theo một mớ tài liệu đáng quí mà tôi đã giao nộp cho sĩ quan tình báo để lượng giá. Tài liệu đó gồm có một số hình vẽ bằng bút và mực thật khéo léo đẹp đẽ về y học trong một quyển vở học trò; do đó tôi đã xin lại để giữ làm kỷ niệm. Tôi gửi những kỷ vật đó về cho mẹ tôi nhờ bà giữ hộ vì nó rất quan trọng. Ðến khi tôi hoàn tất hai nhiệm kỳ phục vụ ở hải ngoại, tôi trở nên quá mệt mỏi chán chường nên tôi tìm đủ mọi cách mà tôi có thể để quên thời gian hai năm kinh hoàng đó đi. Khi tôi nhận lại từ mẹ tôi những bức thư và mớ tài liệu cá nhân của Ðảm, tất cả mọi ký ức ồ ạt xô về cùng lúc với tất cả bao nỗi ăn năn và cảm xúc chôn chặt sâu thẫm từ bấy lâu.

Tôi cảm thấy tôi cần phải trao trả những kỷ vật này lại cho gia đình của người tử sĩ, nhưng tôi hoàn toàn mù tịt không biết làm cách nào để thực hiện ý định đó. Tôi dán lên trang mạng một số các tài liệu đó, và Wayne Karlin, một cựu xạ thủ đại liên phi cơ trực thăng thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và cũng từng phục vụ chiến trường Việt Nam, liên lạc với tôi và nói rằng ông ta biết cách tiếp xúc với Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam. Trong khi ấy, một người bạn phóng viên của Wayne ở Việt Nam là Phan Thanh Hảo, nữ chủ nhân một trung tâm phục hồi sức khỏe và xuất bản nhật báo “Giáo Dục Thời Ðại” đăng tải câu chuyện về tài liệu đó trên báo của bà ấy. Sau đó chẳng bao lâu, người nhà của Hoàng Ngọc Ðảm liên lạc với Hảo. Người nhà của Ðảm muốn tôi trao trả tài liệu cho họ. Lúc bấy giờ tôi vẫn còn xốn xang băn khoăn ray rứt với kinh nghiệm chiến tranh trong quá khứ  nên không dám nghĩ đến chuyện đi trở qua thăm lại Việt Nam.

Tháng Năm 2005, Wayne có dịp đi Việt Nam để khảo cứu và thu thập tài liệu cho một cuốn sách mà Wayne đang viết; và Wayne ngỏ ý tình nguyện thay tôi mang tài liệu đó trao lại cho thân nhân của Ðảm.

Sau khi Wayne đã chuyển giao tài liệu lại cho gia đình của Ðảm, tôi có viết cho họ một bức thư như sau.

Ông Hoàng Ðăng Cát thân mến,

Ðịa chỉ của tôi:
Homer R. Steedly Jr.

16 Pisgah Shadows Rd.
Hendersonville, NC 28739  USA.


 Tôi không nói được tiếng Việt, nhưng tôi muốn liên lạc thư từ với ai bên đó biết đọc và viết Anh ngữ.

Thật tình tôi rất muốn tự tay trao lại tài liệu cho gia đình anh Ðảm, nhưng tôi không đủ khả năng tài chánh để thực hiện chuyến đi Việt Nam. Tôi đã nghỉ hưu và sống nhờ vào lợi tức cố định. Và với vấn đề sức khỏe không được khả quan gần đây, tôi thật tình không đủ tiền. Ngay cả nếu như tôi có đủ, tôi lo ngại rằng do bản tính quá nhút nhát, chắc tôi không dám gặp người lạ mà ngôn ngữ của họ tôi không nói được. Tôi sinh ra và lớn lên tại một nông trại nhỏ ở vùng quê và tôi luôn luôn nhút nhát. Ngay đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao tôi có thể làm một trung đội trưởng và đại đội trưởng trong quân ngũ.

 Tôi rất xúc động khi được biết ông có lập bàn thờ để giữ mối hoài niệm về anh Ðảm sống mãi. Nó làm cho tôi cảm thấy an tâm được biết rằng linh hồn quả cảm của anh vẫn được tưởng nhớ đến một cách trang trọng. Thật buồn khi nghĩ đến có hàng trăm ngàn người của cả hai bên cuộc chiến bi thảm vẫn còn đang tiếc thương sự mất mát những người thân yêu của họ.

 Mặc cảm tội lỗi còn sống đôi khi quá choáng ngợp để có thể chịu đựng. Tôi sẽ nói sao đây khi tôi đi vào cõi vĩnh hằng? Một câu nhắc nhở điều răn “Ngươi Không Ðược Giết Người” có đủ tha thứ tội giết nhau ở mặt trận không? Hồi tưởng lại sự dại dột thời trai trẻ của tôi, tôi nghĩ là tôi đã làm tròn bổn phận của một công dân yêu nước, nhưng tại sao điều đó không mang lại cho tôi niềm an lạc ở tuổi 59 này?

 Ðảm và tôi chạm mặt nhau trên một con đường mòn do sự tình cờ. Anh ấy và tôi nhìn nhau và cả hai chúng tôi đều toan bắn nhau. Tôi sống. Anh ấy chết tức khắc. Hơn một phần tư thế kỷ tôi mang trong tâm tưởng hình ảnh thi thể còn trẻ của anh nằm bất động ở đấy. Ðó là lần đầu tiên tôi giết người. Tôi ước tôi có thể nói đó cũng là lần cuối. Tại sao một nhân viên trợ y chết và tôi sống? Tôi không biết.

Biết đâu một ngày nào đó nhân loại khôn ngoan ra để có thể giải quyết mọi tranh chấp mà không cần phải đưa thanh niên ra chiến trường giết người không quen biết.

 Tôi lập ra trang nhà www.swampfox.info với ước mong giáo hóa những ai chưa hề biết những nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Mọi người cần nên biết cấp lãnh đạo của chúng ta đang làm gì khi họ nương dựa vào tranh chấp võ lực để giải quyết vấn để chính trị.

 Rồi đây trong lúc tôi lâm chung, Ðảm và nhiều bạn đồng đội của anh chắc chắn sẽ đến thăm tôi. Tôi không sợ mà chỉ cảm thấy buồn. Có lẽ chúng tôi sẽ gặp lại nhau như là bạn.

Chào trân trọng,
Homer

Lẽ ra tôi đã đi gặp thân nhân của Ðảm vì tôi cũng muốn làm điều đó nhưng đơn giản là tôi không thể kham nổi phí tổn cho chuyến đi. Tôi cũng không biết chắc là mình đã chuẩn bị sẵn sàng chưa cho cuộc đối đầu đau đớn đó. Tôi chỉ mới đủ can đảm quay lại với quá khứ đó trong đời tôi. Nó vẫn còn ám ảnh tôi ghê gớm lắm. Tôi thành thật tin rằng tên của Ðảm sẽ hiện ra trong tâm khảm tôi khi tôi nhắm mắt lìa trần. Tôi cầu nguyện chúng tôi sẽ là bạn của nhau bên kia thế giới. Tôi nói với thân nhân của Ðảm, “Hãy sống hết mình mỗi ngày của cuộc đời bạn. Sống cho Ðảm và để nhớ đến Ðảm.”

Xin nguyện cầu cho một thế giới mà sự cuồng điên không còn nữa. Chúng ta hãy cùng nhau chung sức làm việc cho mục tiêu đó.

 Một lời tri ân xin được gửi đến Wayne Karlin, mớ tài liệu sau cùng đã được mang trả lại cho gia đình của Ðảm. Sự mô tả sau đây được ghi lại qua điện thư Wayne gửi cho tôi sau khi Wayne tham dự buổi lễ giao trả di vật. Hình ảnh do đôi vợ chồng George Evans và Daisy Zamora chụp và cho phép xử dụng. George là một người bạn của Wayne và cũng từng là một trợ y ở Việt Nam năm 1969. Việc có một trợ y đi theo mang di vật trao trả dường như cũng thích đáng hơn.

Phần mô tả hầu hết là lời của Wayne. Bạn có thể sẽ nhận ra ngay Wayne là một cây bút lão luyện và tất cả những gì liên quan đến buổi trao trả đều rất cảm động.

(Trích lời của Wayne viết cho Homer):

“Thật khó mô tả để cho thấy hậu quả việc trao trả tài liệu cá nhân của Ðảm đối với gia đình anh ấy mạnh mẽ như thế nào. Nhưng tôi biết chắc một điều là nó đã khiến cho lòng tôi rung động và thay đổi một cách sâu xa. Tôi sẽ cố gắng mô tả tất cả những gì tôi trông thấy và nghe được, bởi vì tôi đã cố gắng thay mặt bạn làm điều cần thiết đó.

“Gia đình Ðảm được tìm thấy và liên lạc nhờ qua một người bạn tôi, một phụ nữ tên Phan Thanh Hảo. Hảo làm chủ một trung tâm phục hồi sức khỏe và chủ một tờ báo tên Giáo Dục và Thời Ðại. Chính bài viết trên báo này được gia đình Ðảm đọc và họ gọi điện thoại cho Hảo hàng trăm lần để xin gặp Hảo và thu xếp cuộc gặp gỡ với chúng tôi. Chúng tôi rời Hà Nội đi Thái Bình vào khoảng 6:30 sáng ngày Thứ Bảy 28/5/2005. Hảo, một nhà văn khác tên Y Ban, tôi, và cặp vợ chồng George Evans/ Daisy Zamora, là đôi bạn cũ của tôi cùng làm việc cho một dự án chương trình phát thanh. George cũng là một cựu chiến binh, là một trợ y ở Việt Nam năm 1969, do đó tôi thấy thích đáng mời anh ta theo. Trong đoàn chúng tôi ngoài ra còn có hai cô phóng viên báo chí trẻ nữa.

“Làng của Ðảm ở sâu trong vùng quê về phía Nam của Hải Phòng và chúng tôi phải mất hơn ba tiếng đồng hồ mới đến nơi, mặc dù chỉ cách Hà Nội khoảng 50 cây số theo đường chim bay.

“Một số thành viên của gia đình Ðảm thu xếp hẹn đón chúng tôi bên cầu cạnh con đường chính để từ đó họ hướng dẫn chúng tôi vào làng. Chúng tôi dừng xe trên cầu và dùng điện thoại cầm tay để liên lạc, một chốc sau gặp họ: một người em trai và hai em gái. Khi họ bước xuống xe, trên đầu họ có quấn khăn tang và đều khóc. Tôi lấy làm sững sốt trước nỗi đau buồn của họ. Thật chẳng khác nào như thể Ðảm chỉ vừa mới mất hôm qua thay vì hằng nhiều năm trước. Họ bảo chúng tôi chạy theo xe họ trong lúc tôi vẫn còn giữ mớ tài liệu. Trên đường đi qua những cánh đồng mạ non xanh mướt, thỉnh thoảng từ cửa sổ xe đang chạy, họ rải xuống đường những tờ giấy tiền vàng bạc màu lục và màu cam, màu của đạo Phật, mà theo như Hảo giải thích, là để dẫn dắt linh hồn của Ðảm trở về làng xưa.

“Khi xe bắt đầu vào làng, tôi thật sững sốt thấy người đứng đầy dọc hai bên đường, hằng trăm người, cả làng, hầu hết quấn khăn tang trắng trên đầu, và rất nhiều người khóc than ai oán. Nhiều thân nhân khác của Ðảm đang đứng sẵn chờ đón khi chúng tôi dừng xe lại, toàn thể một đại gia đình gồm có dì, cô, chú, bác, cháu trai cháu gái. Các em trai, em gái của Ðảm đều khóc, sờ nắn các di vật, sau đó tôi mới biết một người là vợ của Ðảm, họ cưới nhau chỉ mới mươi ngày khi Ðảm phải lên đường chiến đấu.” (Ngưng trích).

Tháng 5, 2008, sau cùng tôi cảm thấy thời gian đã trở nên thuận tiện cho tôi đích thân đi gặp gia đình Ðảm. Trong khoảng thời gian qua gần đây, tôi có liên lạc bằng điện thư với họ và chúng tôi đã trở nên khá gần gũi. Họ cũng đã tìm được rồi vị trí của nghĩa trang nơi mà họ tin rằng hài cốt của Ðảm được chôn cùng với hài cốt của một số người khác. Tôi sẽ cùng đi với họ để trợ giúp họ trong nỗ lực xác định địa điểm, nhận dạng, và đưa hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ làng quê của Ðảm. Những gì xảy ra kế tiếp là câu chuyện của kinh nghiệm hàn gắn vết thương lòng lạ lùng đó.

Chủ Nhật 18/5/2008.

1:09 PM: Cất cánh từ phi trường địa phương Ashville, North Carolina.

1:59 PM: Ðáp xuống phi trường quốc tế Charlotte/Douglas International Airport, North Carolina.

Trong lúc tôi ngồi chờ đổi chuyến bay, tất cả những gì tôi sắp làm bắt đầu lắng đọng lại trong tôi. Tôi đang đi nửa vòng thế giới để đến một quốc gia cộng sản để gặp gia đình của người mà tôi đã giết chết. Tôi đang trở lại quê hương của kẻ cựu thù. Gần bốn mươi năm qua tôi đã không cho phép mình thể hiện bất cứ thứ cảm xúc nào. Không mến thương, thù ghét, sợ hãi, vui mừng, không gì cả. Gia đình tôi kể với tôi rằng hầu như tôi không bao giờ mỉm cười. Bây giờ tôi đã tới giai đoạn phục hồi, khi xúc cảm dâng trào và bộc phát ra bất chợt và không báo trước. Rồi tôi sẽ phản ứng ra sao đây khi chạm mặt? Tôi sẽ cư xử đúng cách không? Họ sẽ nghĩ về tôi như thế nào? Tôi nghĩ tôi đã bắt đầu lo sợ, nhưng rồi giờ bay đã đến, và tôi bận lo cho cuộc hành trình.

 Từ Ashville đến Charlotte - Khoảng thời gian: 50 phút.

3:16 PM: Cất cánh từ Charlotte/Douglas International Airport, North Carolina

4:37 PM: Ðáp xuống Dulles International Airport, Washington, D.C.

Từ Charlotte đến Dulles – Khoảng thời gian: 1 giờ 21 phút.

Trải qua đêm Chủ Nhật chung với Wayne Karlin.

Thứ Hai 19/5/2008

9:00 AM: Wayne và tôi gặp gỡ  Jessica Phillips làm việc cho Trung Tâm Phối Hợp Truyền Thông (CEM = Center for Emerging Media), người sẽ tháp tùng cùng chúng tôi trong chuyến đi để thu âm cho một chương trình sau này cho CEM. Jessica trước đây có sản xuất loạt chương trình được giải Peabody Award 2007 “Chỉ Có Ngôn Từ” (Just Words) cho Marc Steiner. Chúng tôi cũng gặp gỡ  Doug Reese, hướng dẫn viên cho cuộc hành trình này của chúng tôi.

 12:20 PM: Cất cánh từ Dulles International Airport, Washington, D.C. Bay ở độ cao

từ 30 tới 40 ngàn feet và ở vận tốc vào khoảng 600 dậm/giờ. Khoảng cách 6,800 dặm đến Narita, Nhật Bản mất chỉ hơn 14 giờ đồng hồ.

 Thứ Ba, 20/5/2008.

3:25 PM: Ðáp xuống phi trường Narita, Ðông Kinh, Nhật Bản. Từ Dulles đến Narita: 14 giờ 5 phút.

6:35 PM: Cất cánh từ phi trường Narita. Chuyến bay từ Ðông Kinh đi Saigon, bây giờ được gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, mất sáu tiếng rưỡi. Chúng tôi đến nơi lúc khoảng 11 giờ đêm, và sau hơn một giờ đi xe, sau cùng chúng tôi về đến khách sạn khi vừa quá nửa đêm.

11:00 PM: Ðến Ho Chi Minh City (Saigon), Vietnam. Từ Narita đến Ho Chi Minh City: 6 giờ 25 phút.

Thứ Tư, 21/5/2008.

12:30 AM: Về đến khách sạn, mệt đừ, nhưng không ngủ được, mặc dù chỉ chợp mắt chút ít trên chuyến bay. Tôi dậy đi tắm lúc 5 giờ sáng và ra ngoài đi bách bộ trên đường phố và nhìn ngắm các cửa hàng.

Chuối cau rất ngon ngọt, chôm chôm bao phủ bằng những cọng gai mềm mại cũng thế. Ăn chôm chôm bằng cách cắt vỏ và đẩy phần thịt ngọt của quả ra, vứt hột đắng. Nếu không có dao, bạn chỉ cần dùng miệng cắn mở vỏ vì gai của nó rất mềm và vô hại. (Chú thích: đĩa trái cây để sẵn trong phòng ngủ khách sạn; có lẽ Homer Steedly mới ăn chôm chôm lần đầu).

Sau đó tôi dạo quanh công viên bên kia đường của khách sạn Spring House Hotel, nơi chúng tôi trú ngụ. Bức ảnh này chụp (hoa súng) trong một cái ao nhỏ của công viên.

 Thời tiết hơi nóng nhưng còn chịu được khi chúng tôi đến lúc nửa đêm. Nhưng vào giữa trưa, trời nóng bức và ẩm rít, rất dễ đổ mồ hôi ngoài nắng. Cơn gió thoảng nhẹ làm dễ chịu đôi chút nếu đứng trong bóng mát.

Jessica và Wayne dậy kịp lúc để cùng tôi và Doug ăn sáng trễ. Tôi ăn bún chả, một món có bún và thịt heo nướng và rau. Ðến trưa trời nóng và ẩm quá làm dưới hai cánh tay ướt nhẹp, mồ hôi chảy ròng ròng từ trên trán vào mắt. Chỉ một lúc là tấm lưng ướt đẫm. Xế chiều còn tệ hơn vì mọi thứ đều bị hun nóng dưới ánh mặt trời. Ðấy đúng là Việt Nam mà tôi còn nhớ.

Doug, Jessica và tôi đi dạo khu chợ gần đó trong khi Wayne ở lại khách sạn để gặp một người bạn. Chợ có bày bán hầu như đủ thứ hàng hoá mà bạn có thể nghĩ ra chất đầy trên những kệ hàng chật hẹp: đồ trang sức, đồ gốm, vải vóc, rau cải, thịt cá, nón, ví, v.v. Người bán hàng chì chèo, níu kéo, nắm tay lôi bạn vào trong gian hàng của họ, nịnh hót bốc thơm bạn để bắt bạn mua.

Sau đó, Doug (hướng dẫn viên) gọi taxi đưa chúng tôi đến một khách sạn ở trung tâm Saigon, nơi đó chúng tôi lên nóc lầu thứ 18 để chụp ảnh toàn cảnh thành phố. Chúng tôi trở về khách sạn làm thủ tục đi ra, ghé một nhà hàng ăn trong một khách sạn khác để ăn trưa trên đường ra phi trường để kịp chuyến bay đi Hà Nội lúc 3 giờ chiều. Chuyến bay bị đình hoãn mãi đến 7:30 tối vì thời tiết xấu. Chúng tôi đến Hà Nội sau 2 giờ bay lúc 9:30 tối.

Sau một giờ đồng hồ liều mạng đi xe trên đường phố với dòng xe cộ lưu thông loạn xạ, chúng tôi làm thủ tục vào ở khách sạn Hồng Ngọc khoảng 10:30 đêm. Mọi người trong bọn ra ngoài đi ăn tối, riêng tôi mệt nhoài nằm lại trong phòng hòng ngủ một giấc cho khoẻ sau khi đã gọi về cho Tibby (tên của vợ) và để lời nhắn lại trong máy trả lời tự động, cho nàng biết số phòng, số điện thoại của tôi. Tiếng động trên đường phố cả Hà Nội lẫn Saigon đều kinh hồn là vì xe hơi, xe gắn máy đều liên tục bóp còi inh ỏi để tranh giành nhau lối đi.

 Tiếng động xe cộ cùng với thói quen nói chuyện hai đầu một lúc của người Việt làm cho tôi vô cùng vất vả để hiểu xem họ nói gì. Ðôi lúc tôi hoàn toàn mù tịt chẳng hiểu một tí gì cả. Wayne hay một người nào khác phải kê đầu gần lại và hét lớn vào tai tôi cho tôi hiểu. Thật là mệt khi tôi phải tập trung trông vào môi của họ để đoán xem họ nói cái gì. Cái trợ thính cụ mà tôi mang ở tai tôi xem ra chẳng giúp được gì vì nó khuyếch âm tiếng người nói mà tôi cố gắng lắng nghe luôn cả tiếng ồn nền phía sau.

Một trong những đặc tính của hội chứng hậu chấn thương rối loạn căng thẳng mà tôi mắc phải là khó có thể giao tiếp nói chuyện thân mật với người khác. Nhưng tôi cảm thấy trong thời gian ba ngày vừa qua, tôi nói nhiều hơn cả nhiều tháng trước.

Thành thật mà nói, tôi cảm thấy nói chuyện ở đây (Việt Nam) sao dễ quá. Tibby gọi lại sau đó không lâu và chúng tôi nói chuyện với nhau một đỗi. Tôi nghe có vẻ nàng vui. Tôi cũng vui nghe giọng nói của nàng. Ðây là lần đầu tiên chúng tôi xa nhau lâu nhất kể từ ngày chúng tôi cưới nhau.

Thứ Năm 22/5/2008.

Cái vụ hoán đổi tiền Mỹ tính ra tiền Việt Nam là bao nhiêu và ngược lại làm cho tôi muốn khùng luôn. Giá biểu hối suất hoán đổi là 1,600 đồng VN bằng 1 Mỹ kim, từ đó làm toán thật nhức đầu.

Hôm nay Tibby gọi nữa và chúng tôi nói chuyện với nhau khá lâu. Dĩ nhiên là tôi nhớ nàng. Tôi hơi bị tiêu chảy, không được ăn rau trộn nữa vì đôi khi rau đó rửa bằng nước không sạch. Tôi cũng dùng nước đóng chai để đánh răng và tránh không để cho nước chảy vào miệng khi tắm vòi hoa sen.

Suốt buổi sáng, chúng tôi đi bộ quanh hồ nước nơi John McCain từng bị bắn rơi.

Jessica bị một người bán hàng rong này theo mãi và nằng nặc hỏi Jessica có muốn quảy quang gánh trên vai và đội nón lá giả làm người bán hàng rong để chụp ảnh kỷ niệm hay không. Họ luôn luôn nài nỉ dai dẳng mãi cho đến khi họ bán được một cú hàng mới chịu tha, và thường thường là họ thành công.

Chúng tôi cũng trông thấy một đài tưởng niệm bên bờ hồ nơi John McCain được họ vớt lên. Chúng tôi hoang mang không hiểu mãi đến khi thông dịch viên bảo cho chúng tôi biết rằng đó là đài tưởng niệm dành cho chiến sĩ xạ thủ đã bắn rớt John McCain.

Chúng tôi dừng chân nơi chùa Trấn Quốc, ngôi chùa cổ xưa nhất của Việt Nam được xây trên Hồ Tây.

Sau đó chúng tôi kêu xe taxi đi đến nhà của một người bạn của Wayne tên Phan Thanh Hảo. Hảo làm chủ một trung tâm phục hồi sức khỏe và một tờ báo có tên là Giáo Dục và Thời Ðại. Chính một bài viết đăng trên báo này mà gia đình của Ðảm đọc được và do đó chúng tôi đã có thể bắt được mối liên lạc với nhau. Và sau đó Wayne đã trao lại cho gia đình Ðảm tài liệu mà tôi tịch thu.

 Sau cuộc gặp gỡ với nhà báo, chúng tôi đi bộ đến nhà tù Hỏa Lò, nơi được biết qua tên gọi Hanoi Hilton và là nơi John McCain từng bị giam giữ.

Chúng tôi trở về khách sạn lúc xế trưa. Jessica bị một cơn dật dờ vì đi máy bay nên ngủ một giấc dài suốt đến đêm. Tôi đi dạo quanh quẩn khu đó và thu video một ít cảnh đường phố trước khi tôi tôi đi ngủ sớm vài tiếng đồng hồ.

 Khoảng 11 giờ đêm, Wayne và tôi đi xem một cuộc triển lãm độc diễn của một người bạn nghệ sĩ của Wayne. Tựa của buổi diễn là “ Mọi Người”. Giữa một gian phòng trống trải có dựng một bức tượng bằng gỗ sơn màu hình một quan chức Việt Nam với dáng điệu mệt mỏi. Tượng người được đặt đứng trên vòng tròn 10 ft. có phủ lên đến đầu gối bằng một đống giấy tờ văn thư đã được vò nhăn nhúm. Khắp ba bên tường trái, phải và phía sau là một hàng những tấm ảnh nghiêm chỉnh cỡ 8x10 của vị quan chức được treo ngang tầm vai người xem. Khi tôi nhìn cảnh đó, tôi liên tưởng đến những ngày tháng tôi làm việc ở văn phòng, những ngày tháng nhàm chán dài đăng đẳng tưởng chừng như tôi khó có thể chịu đựng được.

 Bức tượng “Mọi Người” có lẽ truyền đạt một thông điệp là đến một lúc nào đó của cuộc đời mà chúng ta cảm thấy như công việc làm đã nhốt lấy chúng ta. Nó gợi lên một nỗi buồn sâu xa và đồng cảm với bức tượng. Người nghệ sĩ đó thực hiện một chuyến đi dọc suốt đường mòn Hồ Chí Minh bằng xe gắn máy. Tôi cũng có gặp một phóng viên làm việc cho hãng thông tấn AP tên Ðức, một thi sĩ bạn của Wayne và người bạn gái của anh ta. Chúng tôi cùng leo lên băng sau xe gắn máy của họ và đi đến  quán Café Cộng do bạn gái của Ðức làm chủ, cái tên quán hợp với lối trang trí trên tường. Chúng tôi ở đấy mấy tiếng đồng hồ, nói chuyện vui vẻ và thưởng thức các món ăn Việt Nam hấp dẫn.

 Ngồi sau xe gắn máy chạy trên đường phố ở Việt Nam là một kinh nghiệm hồi hộp cao độ. Ði một lúc như vậy là bạn sẽ quen theo nhịp đập của dòng xe và rồi bạn sẽ cảm thấy họ đi như vậy là có lý. Sau nửa đêm, chúng tôi đón taxi về khách sạn. Tibby trước đó có gọi, để lại một lời nhắn trong máy, bảo nàng sẽ gọi lại sáng hôm sau. Tôi không thể tưởng sao tôi cảm thấy nói chuyện với người ở đây quá thoải mái và cới mở. Thật tuyệt vời tìm được người có đầu óc phóng khoáng và có lòng mong ước sâu xa muốn biến cõi đời này thành một nơi tốt đẹp hơn ngay cả ở đây, cách nửa vòng quanh thế giới.

Thứ Sáu 23/5/2008.

Tôi gặp Bill Deeter thuộc Phòng Tùy Viên Quân Lực Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ đặc trách sự vụ tìm quân nhân mất tích. Tôi có hỏi Bill về tin tức mới nhất của quân nhân mất tích thuộc đơn vị tôi khi xưa và hứa sẽ cung cấp cho ông ta tin tức về một trong các hạ sĩ quan phục vụ dưới quyền tôi mà ông muốn liên lạc. Chúng tôi thăm viếng Văn Miếu được thành lập năm 1070 bởi vua Lê Thánh Tông để vinh danh các bậc hiền tài thành đạt trong đường học vấn. Sáu năm sau đó, Văn Miếu trở thành trường đại học đầu tiên của Hà Nội (chắc ý ông muốn nói Việt Nam).

 Học trò ngày nay vẫn thích vuốt đầu rùa đá đội bia tiến sĩ.

Tiếp đó chúng tôi đi chợ mua một ít thức ăn để mang theo chuyến đi xa bằng tàu hỏa. Tôi quay thêm một ít phong cảnh phố phường. Trời hôm nay thật nóng nực, nắng gắt, không có gió. Về khách sạn, tôi và Wayne trả lời một cuộc phỏng vấn cho Jessica thâu âm. Ăn tối với gia đình của Phan Thanh Hảo, nhà báo. Tôi được bảo phải ăn ít nhất ba chén cơm mới đúng phép lịch sự. Tôi mới giải thích rằng tôi chưa hề có thể ăn nhiều như vậy trong một ngày và nhất định giữ lịch sự chỉ ăn một bát cơm thôi bất chấp phải giữ lễ theo phong tục. Tôi tập dùng đũa và cảm thấy cũng dễ thôi. Vì đây là lần đầu, tôi nghĩ tôi học cũng nhanh đấy, chắc tại vì đang đói bụng và vì mọi người chăm chú nhìn khiến tôi phải cố gắng.

Thứ Bảy 24/5/2008.

 Rời Hà Nội khoảng 8:30 sáng và đi Thái Bình để gặp gia đình Hoàng Ngọc Ðảm ở Thái Giang. Cách khoảng 50 dặm, 3 giờ đi bằng xe.

Chúng tôi đi tiếp vào làng trên con đường tráng nhựa sơ sài chỉ có một làn (lane) cho xe chạy với ruộng lúa hai bên đường có nhà rải rác và một khu phố thị nhỏ. Chúng tôi xài chung đường với xe gắn máy, xe đạp, người đi bộ, trâu, và một chiếc xe tải (xe chở hàng) dềnh dàng mà tôi tưởng đâu không thể vượt qua được, nhưng rồi cũng qua, vách hai xe chỉ cách nhau trong gang tấc. Chúng tôi dừng lại ở văn phòng chính ủy để họ cẩn thận và tỉ mỉ ghi lại tên họ, tuổi tác, số thẻ thông hành của tất cả bọn chúng tôi.

Khi chúng tôi vào làng chúng tôi được hộ tống đến sân trước nhà nơi đã có mặt đông đủ mọi người trong gia đình tề tựu đang làm lễ gì đó. Một người cháu gái được đặt tên Ðảm theo tên của bác mình đang vật vã la khóc như bị hương hồn của bác mình nhập vào để nói chuyện với gia đình. Chúng tôi đứng giữa trời trưa nắng gắt chờ khoảng 15 phút mới được mời vào nhà. Trước hết, tôi mang một mâm lễ vật trái cây tới bàn thờ, xong mỗi người chúng tôi lần lượt dâng hương lên bàn thờ.

Người cháu gái vẫn tiếp tục nhăn mặt gào khóc. Trên bàn thờ có ảnh của Ðảm và một người anh của Ðảm cũng chết trong chiến tranh. Tôi thấy mắt mình như bị lôi kéo phải nhìn mắt Ðảm trong tấm ảnh. Suốt buổi tôi có mặt ở đấy và cả những lần sau này khi có sự hiện diện của hình Ðảm, tôi cảm thấy như có một sự thôi thúc tôi phải nhìn vào cặp mắt ấy. Trong suốt buổi ở đấy, năm bảy lần tôi bị cảm xúc ngập hồn làm tôi nghẹn giọng và trào nước mắt. Ðiều đó quá xa lạ đối với tôi. Suốt 39 năm qua, có bao giờ tôi khóc đâu.

Thế rồi chúng tôi cùng ngồi xuống những chiếc ghế nhỏ bằng nhựa quanh chiếc bàn thấp, nhưng chật quá, vì thế chúng tôi trải chiếu và ngồi trên nền nhà cùng nhau chia sớt một vài thức ăn. Người con trai lớn nhất còn sống trong gia đình bắt đầu thảo luận lịch trình phải làm gì trong vài ngày sắp tới. Họ cho thêm một ngày vào chương trình mà trước đó đã thông qua với chúng tôi. Ðiều này khiến chúng tôi chưng hửng. Cuộc thảo luận kéo dài một giờ đồng hồ. Chúng tôi ra ngoài sân chụp ảnh chung và dàn cảnh cho đoàn quay phim của đài truyền hình Việt Nam thu hình. Rồi chúng tôi thắp nhang lần cuối trước khi nói lời chia tay.

Chúng tôi rời làng lúc 3:30 chiều cùng với hai em trai của Ðảm là Hoàng Ðăng Cát và Hoàng Huy Lãng, em gái Hoàng Thị Tươi và em rể Hoàng Minh Diệu để đi đến nhà ga xe hỏa. Chúng tôi dừng lại trước đài tử sĩ trên đường rời làng để đặt một vòng hoa mà chúng tôi mang theo. Tôi thấy có tên của Ðảm ghi trên đó.

Chúng tôi đi bằng xe khoảng độ 5 giờ đồng hồ rồi dừng lại ăn trưa tại một khách sạn ở Nam Ðịnh. Tôi gửi cho Tibby một điện thư ngắn trước khi lên tàu hỏa lúc 8:00 giờ tối. Ðến thành phố Vinh độ 1:00 giờ khuya. Thời gian đi xe hỏa: 5 giờ. Trên xe hỏa, tôi ngồi thẳng, không ngủ được, mắt dõi theo mấy con chuột nhắt chạy tới chạy lui dọc theo lối đi giữa hai dãy ghế ngồi. Mọi chuyện êm xuôi cho đến khi có một con chuột leo qua chân trần của Jessica. Tôi không nghĩ là cô ta ngủ được nhiều trong phần còn lại của cuộc hành trình.

Chủ Nhật 25/5/2008.

 Xuống ga, chúng tôi đến thẳng khách sạn và lăn ra ngủ. 6:30 sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng loa phóng thanh phát đi bản tin của đài phát thanh địa phương. Chúng tôi ăn sáng với các thành viên trong gia đình Ðảm. Chúng tôi thăm trung tá Nguyễn Thị Tiên, đã về hưu, người từng trong nhiều năm qua lo việc tìm hài cốt của hơn 250,000 tử sĩ mất tích. Bà xây một đài tưởng niệm tại Viện Bảo Tàng Quân Khu 4 để tưởng nhớ tử sĩ vô danh.

 Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Hai, tài xế công binh mà bằng lái của ông ta được tôi tìm thấy trên thi hài của Ðảm. Ông Hai trong lứa tuổi 70 (ghi chú của PH: thật ra năm 2008 Hai 65 tuổi vì năm sinh ghi trong bằng lái là năm 1943) đã lái xe gắn máy đi 40 km mặc dù đầu gối yếu và đường xấu để gặp chúng tôi và nhận lại bằng lái. Chúng tôi cùng gia đình họ Hoàng đi một vòng xem viện bảo tàng.

Nhiếp ảnh viên người Pháp của Viet Nam TV cố nài chúng tôi xếp hàng và đóng diển cho phim tài liệu của anh ta. Sau cùng tôi phải bảo anh ta là tôi sẽ không bao giờ hành động trái với tự nhiên kiểu đó  . Trên đường trở về nhà trung tá Tiên để giải lao, đầu gối của Hai nhô ra và chúng tôi phải dìu ông đi. Chúng tôi về lại khách sạn lúc 2:00 chiều để nghỉ ngơi. 6:30 chiều chúng tôi rời Nam Ðịnh để đi Qui Nhơn bằng xe hỏa chạy chuyến đêm.

 Thứ Hai 26/5/2008.

 Ðến Qui Nhơn khoảng 10:30 sáng. Trông thấy vài phong cảnh đẹp dọc theo đường tàu hỏa. Ði xe khoảng 3 tiếng rưỡi đồng hồ đến Pleiku qua đèo Mang Yang, gần nơi định mệnh chết người giữa Ðảm và tôi. Gia đình Ðảm đi riêng trên một xe khác để thu xếp với chính quyền địa phương về việc bốc hài cốt của Ðảm. Trời nóng quá khiến chân chúng tôi đổ mồ hôi khi chạm mặt sàn xe bằng sắt. Tại nơi trạm thu lệ phí lưu hành, chúng tôi phải dừng lại mua vé từ một người rồi đi thêm 150 ft. nữa để nộp vé cho một người khác. Tôi hỏi tại sao phí phạm nhân lực như vậy thì được trả lời rằng đó là một phương cách tạo thêm công ăn việc làm.

Khi đến Pleiku, chúng tôi thuê khách sạn rồi đi gặp ngay gia đình người giữ mộ. Vừa đi được 5 phút thì gia đình đó gọi cho biết công an nghi ngờ sự có mặt và ý đồ của người Mỹ (chúng tôi). Họ nghĩ chúng tôi có thể là gián điệp. Gia đình người đó bảo chúng tôi trở về khách sạn trong khi họ lo giải quyết trở ngại này. Tôi khám phá ra rằng Pleiku là nơi cung cấp chính trà và quế cho thế giới.

 Thứ Ba 27/5/2008.

Chúng tôi rời khách sạn lúc 7:30 sáng dự trù đi 3 tiếng rưỡi đồng hồ để gặp gia đình người trông nom bãi chôn được tin là có hài cốt của Ðảm. Khoảng 1 giờ sau, gia đình đó gọi báo cho chúng tôi biết là việc xin phép bốc mộ có thể kéo dài cả ngày. Họ đề nghị chúng tôi trở về lại Pleiku chờ.


 Trên đường trở về, chúng tôi đi đường cũ đến doanh trại Enari ngày xưa, (chú thích: là nơi Homer đầu tiên đặt chân đến đáo nhậm đơn vị năm 1968) nay chỉ còn có thể nhận ra bởi nền bê tông của trạm gác nơi cổng vào còn sót lại nằm trơ giữa trời. Chúng tôi nhận ra núi Rồng ở xa xa nơi chân trời. Tôi nhặt một ít đất đỏ Pleiku mà tôi nhớ quá rõ; tôi bỏ nắm đất vào túi ni lông mang về làm kỷ niệm. Chúng tôi trở về khách sạn, ăn trưa, leo lên nóc chụp ảnh thành phố Pleiku.

 Vài giờ sau, gia đình họ Hoàng trở lại Pleiku gặp chúng tôi và có mang theo hài cốt cẩn thận được giấu trong một chiếc hộp đựng đầu vòi nước tắm hoa sen, lý do là việc di dời hài cốt ở Việt Nam rất tế nhị. Hài cốt người chết không được di chuyển bằng phương tiện chuyên chở công cộng hoặc xe thuê; chúng phải được chở bằng xe nhà của tư nhân.

Chúng tôi rời khỏi Pleiku với thân nhân của Ðảm đi trên một chiếc xe khác. Chúng tôi băng qua đèo Mang Yang và trực chỉ về hướng Qui Nhơn để đáp tàu hỏa về Bắc. Chúng tôi dự tính làm một lễ cúng vong nhỏ cho linh hồn Ðảm gần nơi Ðảm mất cho nên chúng tôi ngó hai bên đường tìm chỗ thích hợp để dừng xe lại.
 
Tìm được chỗ rồi, chúng tôi tấp vào đỗ lại. Các trục trặc liên quan tới điện tiếp tục xảy ra. Khi còn ở Hà Nội trước cuộc hành trình bốc mộ này, pin nạp điện tự động của Jessica bị cạn điện một cách bí mật. đo đó Jessica và tôi phải mua pin khác ở dọc đường. Jessica mua 2 lố, tôi mua 1 lố pin mới nguyên. Thế rồi bốn cục pin tôi lấy xài đầu tiên chỉ mới mấy phút sau thì hết điện. Bốn cục pin tôi dùng tiếp sau đó lại tốt như thường. Ðến khi dừng lại bên đường để làm lễ cầu siêu cho Ðảm, Jessica khám phá ra rằng tất cả pin mới nguyên của nàng đều không có điện, đo đó tôi phải đưa pin của tôi cho nàng dùng. Chuyện kỳ lạ kế tiếp xảy ra là khi đoàn quay phim dựng máy quay trên chân ba càng vững chắc rồi, một cơn gió mạnh thình lình từ đâu thổi tới làm cho máy quay bổ nhào và hư hại. Ðoàn quay bèn phải mượn tạm máy nhỏ của Jessica để thu hình buổi lễ.

Trong lúc họ bận rộn lo giải quyết trục trặc kỹ thuật đó, tôi nhìn qua quang cảnh chung quanh và dần dần nhận ra rằng cảnh trí vùng này rất quen thuộc đối với tôi. Ðịa thế trông có vẻ chênh vênh hơn, nhưng tôi đoán đó có thể là vì ngày xưa tôi còn là một quân nhân 23 tuổi trẻ trung khoẻ mạnh thì cũng địa thế đó không mấy khó trèo. Buổi cúng vong diễn ra đầy xúc động. Mọi người khóc thút thít sục sùi, chính tôi nhiều lần cũng cảm thấy nghẹn ngào. Tôi cảm thấy buồn lắm nhưng đồng thời cũng thấy nhẹ nhõm trong lòng vì sau cùng rồi Ðảm cũng sẽ được trở về quê cũ.

 Sau buổi lễ, trong giây phút im lặng tôi nhìn quanh và dần dần tôi hồi tưởng lại cái ngày định mệnh 39 năm về trước. Tôi nhớ toán phi cơ trực thăng thả chúng tôi xuống thung lũng dưới chân đèo. Trung đội tôi được lệnh tiến lên tuần thám bên kia con đường đèo. Lúc chúng tôi tới cuối dãy đồi, chúng tôi thấy rằng dốc triền đồi thẳng đứng quá khó mà leo lên được giữa trời nóng bức. Tôi quyết định di hành lên đường lộ để tìm xem có chỗ nào dễ leo hơn. Ðến một cua quẹo bẻ góc, chúng tôi gặp một bờ dốc có đắp bê tông để ngăn đất lở và xoi mòn, ở giữa có các nấc thang. Trong khi trung đội đứng lại nghỉ chân, tôi leo lên. Tuy nhiên dốc ở khoảng này vẫn còn thẳng đứng khó leo quá, chúng tôi tiếp tục di hành khoảng độ 2 km nữa đến một chỗ tương đối dễ leo hơn. Tôi nhìn thấy một cây thật cao vượt hẳn hơn táng lá đám rừng cây còn lại cỡ 50 ft.

Chúng tôi lên đến đỉnh dãy đồi, lấy cây cao làm chuẩn, quẹo trái và quan sát phần đồi đó. Khi đi trở lại điểm khởi đầu dưới cây to, chúng tôi dừng chân nghỉ giây lát, không quan tâm lắm về vấn đề an ninh vì chúng tôi vừa qua chỗ ấy chỉ một giờ trước. Ðó là lúc Ðảm và tôi chạm mặt trên con đường mòn. Cả hai chúng tôi nhìn nhau. Lúc bấy giờ tôi đã sẵn sàng chỉa súng vào Ðảm. Anh ta đang định lấy súng ra khỏi vai đeo để bắn. Tôi hét lớn,”Chiêu hồi!”, câu duy nhất mà tôi biết có nghĩa là đầu hàng, nhưng anh ta tiếp tục đưa súng lên. Hốt hoảng, tôi bóp cò khẩu AR-15 ria ba viên đạn vào ngực Ðảm. Anh chết tức thì. (Bạn đọc có thể xem lại phần nhật ký ngày 19/3/1969 ở đoạn đầu của bài viết).

Tôi phải mất một hồi lâu mới dám tin rằng hoàn cảnh lạ thường vừa mới xảy ra đây là có thật. Số là mặc dù tôi chẳng hề nói gì và họ cũng chẳng hề biết gì về địa điểm nơi Ðảm chết, thế mà gia đình Ðảm cho xe dừng lại để làm lễ cầu siêu cho vong hồn Ðảm đúng cái nơi mà tôi dẫn trung đội đi qua 39 năm trước, leo lên dốc, đụng đầu với Ðảm và bắn Ðảm chết. Tất cả sự kiện đó làm cho tôi rùn mình khiếp sợ, sợ đến nỗi qua đến ngày hôm sau tôi mới dám nói ra cho mọi người biết. Tôi muốn có đủ thì giờ để ôn lại trong tâm trí tôi và đoan chắc rằng tôi nhớ đúng. Tôi đã quên chi tiết về cuộc đổ bộ trực thăng và di chuyển lên mặt đường mãi cho đến khi tôi trông thấy bờ kè bê tông của mặt đồi, và nhìn thấy đúng thân cây to vươn cao trên nền trời mà ngày xưa chúng tôi đã dùng làm điểm hướng dẫn. Chắc phải có hồn ma của Ðảm dẫn dắt ý nghĩ của chúng tôi vì ngoài điều đó ra không còn điều gì khác đưa đến sự trùng hợp lạ thường như thế này.

 Chúng tôi tiếp tục lên đường đi Qui Nhơn, dùng bữa cơm chiều trên bờ biển và đón chuyến xe hỏa trước nửa đêm.

Thứ Tư 28/5/2008

 Vào khoảng 6:00 sáng, chúng tôi qua đèo Hải Vân, giữa núi và biển, một phong cảnh quả là đẹp thật.

 Khi qua khỏi thành phố Vinh, trung tá Tiên tháp tùng nhập bọn với chúng tôi; bà mang theo một kết bia như bà đã hứa. Chúng tôi có nhiều thì giờ để trò chuyện với trung tá Tiên và gia đình họ Hoàng trong chuyến đi Nam Ðịnh, và Jessica mở một cuộc phỏng vấn nữa với Wayne, tôi, và gia đình họ Hoàng trên xe hỏa. Tôi bỏ nhiều thì giờ chụp ảnh phong cảnh vùng quê hai bên đường.

Chúng tôi đến Nam Ðịnh lúc 7:00 chiều. Chuyến đi kéo dài 19 giờ đồng hồ.

Chúng tôi xuống xe và làm một lễ nhỏ bên ngoài nhà ga rồi chúng tôi chia tay gia đình họ Hoàng. Họ sẽ mang hài cốt về nhà trước bằng xe riêng để chuẩn bị tang lễ. Chúng tôi trở về khách sạn bằng xe; Wayne và tôi trả lời cuộc phỏng vấn cho Jessica thu âm.

 Thứ Năm 29/5/2008.

 Chúng tôi rời Nam Ðịnh lúc 5:00 sáng để đi đến làng Thái Giang để dự tang lễ của Hoàng Ngọc Ðảm. Chúng tôi đến đấy khoảng 6:00 giờ. Hoàng Ðăng Cát, em trai Ðảm đưa chúng tôi đi gặp Ủy Ban Nhân Dân (mà Cát là bí thư) của làng.

Ngoài sân căng một lều vải lớn; hàng trăm người tham dự tang lễ. Một ban quân nhạc trỗi lễ nhạc truyền thống Việt Nam. Sau khi hội kiến với Ủy ban Nhân dân, chúng tôi được hướng dẫn vào lều và ngồi ngay phía bên phải bàn thờ. Chúng tôi ngồi đấy khoảng một tiếng rưỡi nhìn hết người này đến người khác lần lượt bước lên dâng nhang tỏ lòng thành kính với người chết.

Một nhóm gồm 6 cựu chiến binh nhập ngũ cùng ngày với Ðảm cũng lên thắp hương. Sau cùng chúng tôi được mời lên trước bàn thờ và tôi giúp đặt một vòng hoa lớn mà chúng tôi mua. Chúng tôi cũng lần lượt thắp hương cúi đầu trước bàn thờ.
 
Tôi không biết những người khác thì phản ứng như thế nào chứ riêng tôi ròng ròng nước mắt.
 Homer Ste edly Jr trước bàn thờ liệt sỹ HNĐảm

Xong chúng tôi ngồi nghe một số người lên đọc diễn văn phúng điếu. Sau cùng tôi được mời tiếp tay toán dàn chào danh dự khiêng quan tài bằng xi măng đặt lên xe tang.

Wayne và tôi đi hai bên trước xe tang. Nhìn lại phía sau, tôi thấy hàng mấy trăm người tiễn đưa một đoàn dài cả cây số. Chúng tôi đi thật chậm và sức nóng trên 90 độ F. khiến cho cơ thể chúng tôi mất nước nhanh chóng. Ban quân nhạc trỗi nhạc rất lớn suốt dọc đường. Cả mấy tiếng đồng hồ không uống nước nên khi đi theo xe tang, tôi cảm thấy muốn xỉu. Khi tôi vừa định bước ra khỏi hàng để tìm nước uống thì một cựu chiến binh đến gần đưa cho tôi chiếc mũ của ông ta để đội tránh nắng. Thông dịch viên của chúng tôi cũng cùng lúc ấy xuất hiện đưa cho một chai nước. Jessica đi cùng bàn thờ ngay phía trước chúng tôi và tôi thấy một bà cụ người Việt cầm dù tiến đến che nắng cho cô ta. Họ có vẻ quan tâm đến chúng tôi và đáp ứng nhu cầu nào chúng tôi cần.

Nghĩa trang nằm giữa những cánh đồng lúa. Trong khu mộ liệt sĩ nơi có mộ Ðảm, chỉ có khoảng 15 trên tổng số 180 mộ là có danh tánh. Quan tài được hạ xuống lỗ huyệt; tôi được mời ném nắm đất đầu tiên. Thật là một vinh dự khiến cho tôi ngạc nhiên bất ngờ. Nước mắt tự nhiên chảy ra.

Tiếp đến là Wayne, sau đó mới đến lượt các em của Ðảm.

 Sau khi tang lễ đã xong, đoàn làm phim của đài truyền hình Việt Nam phỏng vấn nhanh chúng tôi, xong tất cả chúng tôi trở lại nhà họ Hoàng để cùng với cả làng dự tiệc. Không khí đau buồn nhanh chóng biến thành vui vẻ và nhẹ nhõm thảnh thơi. Mọi người trò chuyện huyên thuyên, nhất là cô cháu mang tên của Ðảm, người sầu thảm nhất cho đến giờ phút đó. Cô ta có vẻ cố gắng tìm hiểu tôi. Cô ta thất vọng vô cùng khi biết ra tôi không có mang ảnh của mẹ tôi theo. Cô ta bắt tôi hứa sẽ gửi cho cô ta một tấm ảnh của bà mẹ người Mỹ, người đã gìn giữ tài liệu của Ðảm trong bấy nhiêu năm.

Sau bữa ăn, tôi gặp đám bạn cùng nhập ngũ với Ðảm và chúng tôi vui cười cùng nhau uống rượu nói chuyện về cuộc chiến. Hóa ra có 3 người trong số họ cũng từng chiến đấu trong vùng đó với tôi. Chúng tôi đều chắc rằng chúng tôi đã cùng đi qua chung những con đường mòn và những lưng đồi.

Ðã đến lúc chúng tôi phải chia tay với gia đình họ Hoàng; họ khẩn thiết mời tôi sớm trở qua nữa và ngỏ lời cảm ơn tôi đã mang hương hồn Ðảm trở về nhà. Cô cháu của Ðảm cứ cám ơn tôi mãi và nắm lấy tay tôi. Nước mắt làm tôi nghẹn lời. Tôi cảm thấy quá gần gũi với những người nông dân Việt Nam này. Tuổi thơ sống nơi nông trại của tôi  giúp cho tôi cảm thấy dễ khắng khít với họ.

Chúng tôi về khách sạn ở Nam Ðịnh rồi lái xe đi Hà Nội.

Tại khách sạn, Wayne, Jessica, một người bạn nhà văn của Wayne, Quân, thông dịch viên, dùng chung bữa ăn tối. Tôi không thể bày tỏ đủ lòng biết ơn của tôi đối với Quân về công lao thông dịch thật hữu hiệu tuyệt vời của anh cho chúng tôi. Không những anh biết lắng nghe và không ngắt lời và dòng suy tưởng của người nói, anh còn có tài khéo léo thông dịch bằng câu cú thích hợp với ngữ cảnh của tiếng Anh, do đó ý tưởng được truyền đạt suông sẻ đến chúng tôi. Anh ta quả thật là người có trí óc bén nhạy và rất lịch thiệp. Tôi nghĩ việc được gặp anh và hiểu biết anh là một trong những điểm sáng đáng nhớ của chuyến đi.

Thứ Sáu 30/5/2008.

Dùng bữa điểm tâm xong, chúng tôi được tài xế của Phan Thanh Hảo tới chở chúng tôi đến thăm viếng trung tâm phục hồi sức khoẻ do Hảo làm chủ.

Sau đó chúng tôi đến nhà của Nguyễn Quí Ðức, nhà văn, bạn của Wayne tọa lạc trên vùng núi non Tam Ðảo. Ðược nghỉ ngơi ở đây thật đúng là một điều sung sướng sau hai tuần lễ bị xáo trộn tình cảm và thể chất. Rượu mật ong còn cả xác ong uống ngon tuyệt.

 Tôi suýt té ngửa vì giật mình khi chợt nhìn thấy một tượng đồ chơi hình người lính khinh binh đặt trên mặt một chiếc bàn thấp trong nhà của Ðức. Nó cũng tương tự như tượng người lính Mỹ trong Thế Chiến Thứ Hai, cũng đang trong tư thế quì gối y hệch, tay cầm khẩu súng trường và đang nhắm bắn. Tôi nhặt được tượng đó trong một lần dắt chó đi dạo trên một cánh đồng nông trại vùng quê xa, ngay sau khi tôi đã đăng bài viết về Ðảm trên trang mạng của tôi. Ðây đúng là một trong số những sự trùng hợp lạ lùng và thú vị nhất mà tôi để ý trong suốt chuyến thăm viếng Việt Nam này của tôi.

 Thứ Bảy 31/5/2008.

Sáng sớm ngày thứ nhì, Wayne, Ðức và tôi đi bách bộ đến các thác nước trên con đường mòn phía trên Khách sạn Nghỉ mát Ðồi Tam Ðảo.

Ðã đến lúc phải ra về. Ước gì tôi có thể thăm gia đình của Ðảm nữa. Có lẽ tôi sẽ trở lại trong tương lai gần đây. Tôi thích họ thật sự. Sau tang lễ, tôi ngồi ăn uống và nói chuyện với họ tự nhiên như ở nhà mình. Tôi nghĩ là tôi có một gia đình thứ hai. Người Việt Nam thật thú vị. Nếu đấy là cách người theo đạo Phật sống cuộc đời của họ, có lẽ tôi nên để ý học hỏi nó kỹ hơn.

 Sau 2 giờ bay, chúng tôi đã có mặt ở Saigon. 11:55 đêm, phi cơ chúng tôi rời khỏ Việt Nam để trở về Mỹ.

 Tổng cộng giờ bay bận đi: 23 giờ 51 phút. Bận về: 22 giờ 33 phút.

Các khoảng cách:

Hà Nội - Thái Giang: 50 dặm

An Khê - Pleiku: 43 dặm

Saigon - Hà Nội: 700 dặm

Hà Nội - Qui Nhơn: 548 dặm

Qui Nhơn - Pleiku: 83 dặm

 Chân thành cảm ơn Wayne Karlin, Jessica Phillips, và Doug Reese là những người đã giúp thực hiện chuyến đi này. Nếu không có sự yểm trợ của họ về mặt tình cảm, tôi không thể nào có đủ can đảm để trực diện với quá khứ.

Tôi cũng muốn ngợi ca gia đình họ Hoàng về sự bao dung tha thứ và tấm lòng nhân từ của họ. Họ đúng là những con người đáng ngưỡng mộ. Lòng yêu thương của họ đã vươn ra đến cả kẻ cựu thù.

 Một lời nhắn nhủ sau cùng...Tôi sẽ không bao giờ quên đôi mắt của Ðảm. Khi nằm trên giường chờ chết, tôi nghi ngờ là những ý tưởng sau cùng của tôi sẽ dành cho Ðảm. Tôi trông chờ gặp lại anh bên kia cõi chết. Chúng tôi có quá nhiều chuyện cần nói với nhau...

 Những dữ kiện sai lệch phản trung thực trong phim LHVC.

Sau khi được trình chiếu trong nước, phim LHVC được phần đông khán giả dễ tính đón nhận và tán thưởng. Phim nói lên được tính nhân bản của cả hai phía cựu thù. Họ từng đối nghịch chạm mặt và sát hại nhau nơi chiến trận vì nhiệm vụ của người chiến sĩ. Giờ đây qua rồi một cuộc đao binh, hai bên tìm đến nhau để tạo sự cảm thông tha thứ.

Homer Steedly chứng tỏ là một con người giàu lòng nhân ái. Anh hối hận sâu xa là đã cướp đi sinh mạng của một con người, dù chuyện đó chỉ là chuyện đương nhiên và thường tình nơi trận mạc. Giết hay bị giết. Dù vậy, anh vẫn tự đổ lỗi mình, và anh mang mặc cảm tội lỗi giết người đó suốt đời anh. Cái chết của Ðảm ám ảnh tâm trí anh, và anh muốn trao trả di vật cho gia đình kẻ đã bị anh giết chết. Anh muốn tìm một sự thanh thản cho tâm hồn.

Thân nhân của Ðảm cũng thế. Họ sẵn lòng tha thứ cho kẻ đã giết chết người thân của mình. Họ không nuôi hận thù, lại còn tỏ lòng biết ơn người đã giúp họ tìm được tin tức và dấu tích của người anh tử trận bị mất xác.

Nhưng đàng sau câu chuyện thương tâm đó, những người chủ trương làm phim LHVC đã phạm quá nhiều sự sai trái lỗi lầm, bịa đặt và ngụy tạo nhiều sự kiện vô lý, không xứng đáng được gọi là những người làm truyền thông có lương tâm chân thực.

Kiểm chứng và so sánh với hồi ký và với những bức thư Homer Steedly thường xuyên viết từ chiến trường và gửi về cho cha mẹ, chúng ta nhận ra ngay một số sai lạc (vì vô tình) hay bịa đặt (do cố ý).

(1) Trước hết, trong ngày 19/3/1969 khi xảy ra cuộc chạm súng, Homer Steedly là Trung úy (chứ không phải là một binh sĩ quèn) giữ chức vụ sĩ quan thường vụ đại đội đang tạm thời dắt một trung đội đi hành quân tuần thám. Homer ra lệnh cho Ðảm hãy buông súng đầu hàng chứ không phải ngược lại. Trong phim LHVC, một người em của Ðảm là Hoàng Ngọc Lượng nói,”Homer Steedly đã bắn anh tôi và anh tôi đã nhường sự sống cho Homer vì Homer đã giơ tay chiêu hồi cho nên anh tôi thấy là đầu hàng nên không nỡ bắn người đã đầu hàng rồi; cho nên là chính cái điều đó Homer đã ăn năn hối lỗi và đồng thời là Homer đã phải chấp nhận ray rứt cái tình cảm và đồng thời ám ảnh cho đến 36 năm cho nên Homer đã tìm mọi cách để mà đưa các kỷ vật đó về cho gia đình chúng tôi.”

(2) Homer sinh ra và lớn lên nơi một nông trại, trải qua tuổi thơ ở nông trại, nhưng không phải là một nông dân như phim LHVC nói.

(3) Homer làm theo đúng nguyên tắc, giao tài liệu cá nhân và vũ khí tịch thu được của địch cho Ban 2  đơn vị để khai thác; sau đó mới xin lại và gửi về Mỹ nhờ bà mẹ cất giữ giùm năm 1969 (chứ không phải tự tiện lấy và tự tay mang về nước). Lời dẫn giải trong phim:”Homer đả mang tất cả về nước Mỹ. Mẹ của Homer khi giở ra, bà đã khóc và đặt lên bàn thờ nhà mình. Từ đó, Homer cùng với người mẹ đã thờ các di vật này suốt hơn 30 năm.” Homer mãn hạn phục vụ ở chiến trường Việt Nam và trở về Mỹ năm 1970.

(4) Phim nhắc đến bốn lần chi tiết di vật của Ðảm được “thờ” trên bàn thờ trong nhà của mẹ con Homer. Chi tiết đó chẳng hề được thấy ở đâu cả trong những bài viết trên trang mạng của Homer Steedly. Hơn nữa, theo phong tục tập quán của người Mỹ, không có bàn thờ người chết hoặc tổ tiên đặt trong nhà nơi gia đình họ sinh sống. Lời dẫn giải trong phim:”Homer cho biết 36 năm qua người mẹ của Homer đã cất giữ và thờ các di vật. Dường như có một phần linh hồn Hoàng Ngọc Ðảm hiện hữu trong gia đình Homer và ông ấy luôn cầu nguyện xin được xá tội.”

(5) Lời dẫn giải cho phim rõ ràng mang nặng tính cách tuyên truyền. Mặc dù sự thật đã phơi bày cho thấy cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến do quân đội cộng sản miền Bắc xâm lược miền Nam, nhưng phía Việt Cộng luôn luôn trắng trợn bịp bợm dư luận khi trâng tráo cho rằng dân quân miền Nam nổi dậy chống đế quốc xâm lược Mỹ. Lời thuyết minh dẫn đọc trong phim nói trận đánh ở Pleiku, Gia Lai xảy ra giữa quân đội Mỹ và quân đội của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Thế thì anh chiến binh Hoàng Ngọc Ðảm quê ở Thái Bình ngoài Bắc bỗng dưng làm gì ở miền Nam để bị giết chết? Rõ ràng trong phim, một người em của Ðảm nói Ðảm “vào Nam chiến đấu”. Lý lịch quân bạ của Ðảm cũng ghi thời gian nhập ngũ năm 1962 và “đi B” (tức vào chiến trường miền Nam) năm 1964.

(6) Lời dẫn giải phim cho rằng Homer giết Ðảm “vì hèn nhát và sợ hãi”; thế thì nếu Homer cứ đứng yên cho Ðảm bắn chết thì hành động đó là anh hùng chăng? Homer chỉ nói rằng giá như anh ta không hốt hoảng và đủ bình tĩnh thì anh ta sẽ chỉ bắn cho Ðảm bị thương mà thôi.

(7) Trong lúc Homer Steedly mang theo tấm lòng từ bi ra trận mạc như vậy thì ông đạo diễn Minh Chuyên phát biểu với giọng điệu sắt máu nặc mùi tuyên truyền:” Tôi nói với họ, hơn ba mươi năm trước gặp nhau chắc tôi đã nhanh tay bắn chết các ông rồi; bởi khi đó các ông là kẻ đi xâm lược và tôi là người lính đi cứu nước. Người lính phải có trách nhiệm bắn chết kẻ xâm lược. Còn giờ đây tôi và các ông vì một nghĩa cử cao đẹp cùng đi tìm linh hồn một người Việt Cộng, người đồng đội của tôi mà các ông đã sát hại. Nhưng cũng xin nhắc lại với ông rằng trong sâu thẳm ý thức thế hệ người Việt, lịch sử Việt Nam mãi có một cuộc kháng chiến đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Người Mỹ các ông vẫn còn phải có trách nhiệm về những hậu quả nặng nề do Mỹ gây ra.”

(8) Sự thật ngoài đời, người mẹ của Hoàng Ngọc Ðảm đã chết vì bệnh tim chỉ vài năm sau khi nhận được tin con tử trận trong miền Nam. Nhưng trong phim LHVC, đạo diễn Minh Chuyên hư cấu cho vào phim hình ảnh một người mẹ già còng lưng chống gậy mỏi mòn tựa cửa trông con để khều nước mắt khán giả. Thế mà gọi là phim tài liệu ư?

(9) Lại sự thật ngoài đời, bà Phạm Thị Minh, người vợ 9 ngày của Ðảm, sau khi hay tin Ðảm mất, bà đã lấy chồng khác và sinh mấy người con. Ðạo diễn Minh Chuyên đưa hình ảnh chị vào phim khiến cho người xem có cảm tưởng đó là một người vợ trọn đạo thủy chung thủ tiết chờ chồng và vẫn còn chung sống với gia đình nhà chồng. Lại một sự lập lờ có chủ tâm khác của đạo diễn Minh Chuyên.

(10) Trong phim LHVC, chuyện xem bói đã được bịa ra để thi vị hóa câu chuyện. Trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, con người trong xã hội miền Bắc không thể tự do mê tín dị đoan như bây giờ. Phim kể rằng sau khi nhận được giấy báo tử của con, mẹ của Ðảm nhận được giấy báo tử gửi về, và bà đã đi xem bói. Thầy bói nói Ðảm đã theo địch, đi qua Mỹ “và nó sẽ trở về vô cùng vẻ vang”. Phải chăng những người làm phim đã dùng tư duy và tâm cảnh của năm 2008 để gán vào nếp nghĩ suy của con người 39 năm trước sống trong một bối cảnh xã hội khác. Thầy bói dưới chế độ cộng sản miền Bắc thuở đó liệu có dám nói công khai như vậy về một liệt sĩ hay không? Người em tên Hoàng Ngọc Cát của Ðảm là bí thư đảng ủy xã Thái Giang, một đảng viên cộng sản hóa ra cũng tin ở tà ma.

(11) Sau cùng là nghi vấn về danh tính người chết. Theo sự hiểu biết và phân tích của các cựu chiến binh Việt Cộng, người bị trung úy Homer Steedly bắn chết có khi không phải là Ðảm mà là một chiến sĩ bộ binh trẻ nào khác. Năm 1969, Ðảm 25 tuổi, lớn hơn Homer 2 tuổi. Theo sự mô tả của Homer, “Ðảm rất, rất trẻ” (nhật ký Homer ngày 19/3/1969 đã dẫn). Hơn nữa, nếu bảo người đó là y tá Ðảm thuộc đội phẫu thuật tỉnh Gia Lai thì Ðảm có mặt một mình trên đồi 467 lúc đó để làm gì, và tại sao trong người không có y cụ cứu cấp nào; thay vào đó lại là một khẩu AK-47 còn nguyên vết dầu mỡ. Giấy báo tử của Ðảm ghi Ðảm hi sinh ngày 9 tháng 4 năm 1970, trong khi Homer bắn chết người được coi là Ðảm ngày 18/3/1969.

Những mờ ám, ngụy tạo việc tìm thấy hài cốt.

Phim LHVC đã gây ra một làn sóng tai tiếng sôi nổi trong nước vì những điều mờ ám. Ðã có nhiều bằng chứng cho thấy đạo diễn Minh Chuyên đã ngụy tạo danh tính hài cốt, gia đình của tử sĩ Hoàng Ngọc Ðảm đã đào trộm mộ, và nơi chôn hài cốt (được cho là của Ðảm) nằm cách xa nơi Ðảm bị bắn chết hằng trăm cây số. Do sự thiếu kém và phí tổn mắc mỏ của phương tiện kiểm nghiệm DNA, việc các gia đình và thân nhân tử sĩ  nhận nhầm hoặc tranh giành hài cốt đã từng xảy ra. Những điều sai trái này vẫn còn đang tái diễn mà nhà cầm quyền trong nước không có biện pháp ngăn chận và giữ một thái độ im lặng khó hiểu. Một bài báo phải lên tiếng than:

“Nói ra chi tiết này, chúng tôi cũng khẳng định ngay rằng, không thể cổ súy cho việc làm vi phạm pháp luật là đào trộm mộ! Nhưng thực tế nhiều năm nay, thể theo nguyện vọng cũng có thể nói là chính đáng của không ít gia đình và địa phương các liệt sĩ muốn phần mộ con em mình được an nghỉ trong nghĩa trang của gia đình và địa phương, việc chuyển mộ cùng những chuyến cất bốc hợp pháp và bất hợp pháp, có sự đồng thuận và không đồng thuận giữa chính quyền địa phương trông giữ phần mộ và thân nhân liệt sĩ vẫn âm thầm được diễn ra!”

1- Ngụy tạo danh tính hài cốt. Người lính VNCH ra trận mang theo thẻ bài kim khí. Nhờ tấm thẻ bài đó mà khi chết, người lính được xác định danh tính. Cán binh Việt Cộng không dùng thể bài; họ dùng một mảnh giấy ghi tin tức tên họ, mật mã đơn vị phục vụ, quê quán đựng trong một lọ Péniciline và mang nó theo trong người. Khi chiến binh đó tử trận, nếu có thể, đồng đội anh ta chỉ việc lấy lọ Péniciline đó bỏ vào miệng tử thi để được xác định danh tính sau này. Nhưng lọ Péniciline không phải lúc nào cũng có sẵn, cho nên việc xác định danh tính tử thi Việt Cộng phần lớn khó thực hiện hoặc tùy thuộc nhiều vào ở sự rủi may.

Hài cốt được cho là của Ðảm có lọ Péniciline chứa mảnh giấy ghi tin tức về danh tính Ðảm, nhưng lại là mảnh giấy do đạo diễn Minh Chuyên ghi: “Họ và tên Hoàng Ngọc Đảm, đơn vị C2-D67, quê quán: làng Nha, xã Thái Giang huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.” Vì kém kiến thức chuyên môn, vì không phải là dân nhà binh chính thống, Minh Chuyên đã ghi mảnh giấy sai nguyên tắc bảo mật và sai cả địa danh. Thời điểm năm 1969 trở về trước, tên huyện Thái Thụy chưa có. Thời bấy giờ huyện Thái Thụy còn mang tên cũ là huyện Thái Ninh.

Một điểm then chốt nữa: nếu lọ Péniciline đó quả thật là của Ðảm thì hoặc đã bị Homer tịch thu hoặc đã được dùng để ghi bia để mộ Ðảm không bị coi là vô danh suốt từ bấy lâu nay.

Ông đạo diễn Minh Chuyên nhét đại lọ Péniciline vào một cái hài cốt vô danh nào đó rồi hô hoán lên đó là hài cốt của Ðảm. Nhưng giấu đầu lòi đuôi, sự ngụy tạo đó được phanh phui. Phim LHVC không có cảnh đoạn nào cho thấy hình ảnh lọ Peniciline, cũng không có cảnh đào mộ. Nếu thi hài của Ðảm đã được xác định lúc chôn cất trong nghĩa trang Ayunpa với lọ Péniciline thì tại sao bia mộ ghi là vô danh? Tại sao Minh Chuyên tránh né trả lời về vấn đề này? Nếu quả thực Minh Chuyên là người đầu tiên khám phá ra lọ Péniciline chôn chung với hài cốt của Ðảm, tại sao Chuyên không báo cáo cho nhà chức trách và giới thẩm quyền? Khi bị nhà báo chất vấn chiếc lọ hiện ở đâu, Chuyên bảo chắc nó đã được chôn theo hài cốt, trong khi Hoàng Ngọc (Ðăng) Cát, em của Ðảm không thể xác nhận chuyện đó. Minh Chuyên nói, “Chuyện tế nhị, đau lòng; nói ra không có lợi cho ai.”

2- Ðào trộm mộ. Phim LHVC cho biết việc bốc mộ xảy ra ngày 28/5/2008, nhưng Bà Ngô Thị Ngọc Phú – Trưởng phòng Lao động Thương binh Xã Hội thị xã Ayunpa - Gia Lai cho biết rằng trong khoảng thời gian cuối tháng 5/2008  không hề có trường hợp cất bốc hài cốt liệt sĩ nào trong thị xã của bà. Phim không cho thấy cảnh phần mộ liệt sĩ Đảm được bốc như thế nào, ở đâu, công việc bốc mộ ra sao, v.v. nhưng lại cho thấy hình ảnh một bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn để cạnh một tiểu sành. Sau đó, chiếc tiểu sành lại biến mất, thay vào đó là hộp các tông nguyên để đựng đầu vòi tắm hoa sen.

3- Nơi chết và nơi tìm thấy hài cốt cách xa 30km. Ðảm bị Homer bắn chết trên đỉnh đèo Mang Yang  nằm ven quốc lộ 25, cách tâm đường 30 m thuộc xã H’ Bông huyện Chư Sê, cách thị trấn Chư Sê khoảng 10 km. Địa điểm này cách xa nơi bốc mộ (thị trấn Ayunpa) hơn 30 km chứ không phải là 1000 m như Minh Chuyên nói trong phim LHVC. Ðạo diễn Minh Chuyên cho rằng nhờ vào trí nhớ của cựu binh Homer và sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã tìm thấy hài cốt của anh ở điểm cao "467". Nhưng theo lời kể của Homer trong đoạn trên, hài cốt của Ðảm đã được bốc trước ở đâu rồi (mà ông không biết), xong mới mang đến gần đồi 467 để cúng vong. Homer không hề mách bảo nơi chôn cất hài cốt Ðảm như Minh Chuyên nói.  Ở thị xã Ayun Pa không có một cao điểm nào là 467. Giấy báo tử của Ðảm và hồ sơ lưu ở Tỉnh đội Gia Lai đều ghi rằng Hoàng Ngọc Đảm hy sinh ngày 18.3.1969 tại ấp Plei Ngol, núi Coong Woong chứ không phải là cao điểm (đồi) 467.

4- Vị trí hài cốt được xác định qua nhà ngoại cảm. Phim LHVC nhắc đến tên nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng là người đã dùng điện thoại di động từ ngoài Bắc hướng dẫn việc đi tìm hài cốt của Ðảm trong Nam (Gia Lai). Nhà văn kiêm đạo diễn Minh Chuyên và phụ tá đạo diễn Khánh tỏ ra tích cực cộng tác và hỗ trợ cho nhà ngoại cảm. Nếu một đạo diễn đi làm một cuốn phim tài liệu mà lại mê tín dị đoan thì thử hỏi phim tài liệu đó có xác thực và đáng tin hay không. Trong bài viết ký sự “Gió dữ gió lành” trên báo Văn Nghệ, Minh Chuyên kể rằng sau khi nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã dùng thần lực siêu nhiên từ xa xác định được ngôi mộ, người nhà của liệt sĩ Ðảm vẫn chưa chắc chắn tin, sợ đào nhầm mộ người khác. Có lẽ quá sốt ruột, phụ tá đạo diễn Khánh thình lình như bị hồn ma của Ðảm nhập, nằm lăn ra đất, sùi bọt mép kêu gào, “Anh nằm ở dưới đây này! Sao không đào nhanh đi! Ba mươi chín năm qua sao các em không vào đón anh về?”

Khán giả có đầu óc sáng suốt xem phim LHVC sẽ nhận ra chủ ý quảng cáo cho nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng của Minh Chuyên qua lời thuyết minh do Minh Chuyên viết và qua giọng đọc của “nghệ sĩ ưu tú” Kim Tiến: “Theo trí nhớ của Homer và chỉ dẫn qua điện thoại di động của nhà ngoại cảm Phan thị Bích Hằng, ngày 28/5 chúng tôi đã tìm được mộ LS Hoàng Ngọc Đảm”. Báo chí phỏng vấn, đạo diễn Minh Chuyên khẳng định mộ mà Bích Hằng đã chỉ trong nghĩa trang Ayun Pa chính là mộ của Đảm. Thế nhưng, trong đơn xin thăm viếng mộ liệt sĩ đề ngày 14/5, em trai của Đảm là ông Hoàng Đăng (ghi chú của PH: tên lót không đồng nhất, có khi là Ðăng,  Ngọc, hoặc Ðình) Cát đã ghi “an táng tại nghĩa trang huyện Ayunpa, Gia Lai, vị trí hàng số 5 ở lô 1 mộ số 2”. Như vậy, Phan Thị Bích Hằng tìm ra mộ thật không, tìm ra ngày nào, hay đây chỉ là một màn quảng cáo đánh bóng tên tuổi? Theo tài liệu, thân nhân Ðảm đã có thông tin khá rõ về vị trí nơi chôn cất của Ðảm từ trước năm 2002.

Ðiều kỳ lạ là đoàn làm phim không đến viếng mộ ngay, mà còn đi lòng vòng nhiều nơi để có cớ dựng đứng khả năng ngoại cảm của Phan Thị Bích Hằng. Người hiểu chuyện có cảm tưởng đoàn làm phim đã lợi dụng Homer với toán bạn người Mỹ cũng như gia đình tử sĩ Hoàng Ngọc Đảm để làm một cuốn phim có nhiều tình tiết cảm động ly kỳ và hấp dẫn. Thoạt đầu, nhà ngoại cảm cho biết ngôi mộ của Ðảm thuộc lô 2, hàng 1, ngôi số 5 bên trái đài tưởng niệm nghĩa trang Ayun Pa. Tuy nhiên khi được người quản trang cho biết ngôi mộ này đã được xác định là mộ liệt sĩ Nguyễn Đình Châu và đã được gia đình bốc từ năm 2001...Biết thế, ông Minh quản lý nghĩa trang đã gợi ý cho thân nhân của Ðảm gọi điện lại cho nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng để “xin chuyển vị trí mộ”. Thân nhân Ðảm làm y lời và nhận được lệnh mới của nhà ngoại cảm ở tận Hà Nội bảo chuyển sang phía bên phải đài tưởng niệm để nhận một ngôi mộ khác mới hơn chôn những người tử trận đầu năm 1975. 

Nhiều người thắc mắc và nghi ngờ đặt câu hỏi rằng tại sao các nhà ngoại cảm trong nước chỉ giỏi tìm mộ các liệt sĩ Việt Cộng mà thôi. Nếu như quả thật họ có khả năng siêu nhiên nói chuyện được với cõi âm, thế thì tại sao họ chưa giúp tìm được một hài cốt người Mỹ mất tích nào. Thực tế đã cho thấy hầu hết những "nhà ngoại cảm" chỉ lợi dụng sự mê tín và tính dễ dãi của con người để lừa gạt.

Ðạo diễn Minh Chuyên chống chế

Ðạo diễn Minh Chuyên lên tiếng giải thích những sai trái của phim LHVC:”Tôi rất đau lòng vì để xảy ra chuyện như thế này. 30 năm nay tôi làm việc vì hương hồn các liệt sĩ. Tôi không thể làm một việc "biến không thành có” mà qua mắt được gia đình liệt sĩ và hương hồn liệt sĩ. Gia đình đã đi cùng chúng tôi suốt cuộc hành trình và chắc chắn họ không bao giờ chấp nhận việc làm gian dối.

Trong quá trình tìm kiếm ngôi mộ cũng như quá trình làm phim, có những việc rất đau lòng, rất tế nhị, mà nếu công khai hết ra thì không có lợi cho ai cả, chỉ làm những người có liên quan thêm đau đớn. Tôi cũng đã cố gắng giữ bí mật không hay này, nhưng để tránh sự hiểu lầm không cần thiết, tôi xin được nói thẳng: ngôi mộ trong nghĩa trang Ayun Pa ấy chính là mộ liệt sĩ Đảm, chúng tôi đã phải bí mật thuê người đào lên, bí mật mang hài cốt về.

Còn cảnh khai quật ngôi mộ trong phim không phải cảnh thật. Nhưng nó cũng không xa ngôi mộ thật là mấy, chỉ 1.000m thôi. Lý do rất đau lòng: chúng tôi đã vào Phòng Thương binh - xã hội huyện Ayun Pa gặp bà Phú trưởng phòng, được bà giới thiệu xuống anh quản trang tên Minh. Xuống đến nơi mới được biết, theo quy định, mộ liệt sĩ vô danh không được phép khai quật và di chuyển. Chúng tôi đã phải thuyết phục anh Minh từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau mới được đồng ý, vì tình cảm, anh Minh cho phép gia đình thuê người đào nhưng không được quay phim chụp ảnh. Cảnh dàn dựng lại trên phim chúng tôi phải nói là ngôi mộ đào được cách xa nghĩa trang để tránh phiền hà cho anh Minh.

Bà Phú nói trong tháng năm không có ngôi mộ nào được khai quật, vì lúc đó chúng tôi không thể để lộ chuyện này, nhưng nếu bây giờ khai quật ngôi mộ mà nhà ngoại cảm Bích Hằng đã chỉ, sẽ thấy hài cốt đã được chuyển đi rồi. Gia đình đã mang về quê. Về hài cốt, lúc đầu trong phim là chiếc tiểu sành to, sau đó là gói nhỏ hơn, có phủ cờ là do gia đình chuyển hài cốt liệt sĩ sang một hộp cactông cho nhẹ hơn, nên hộp cactông bé hơn chiếc tiểu sành.

Tôi thừa nhận trong phim có những chi tiết dàn dựng, nhưng không có chi tiết nào sai bản chất sự việc. Điều cơ bản nhất là cùng với gia đình, chúng tôi đã đưa được hài cốt của liệt sĩ về quê hương.”

 Qua lời tuyên bố trên, Minh Chuyên đỗ lỗi cho chính quyền địa phương Gia Lai đã gây khó dễ cho đoàn làm phim và cho việc bốc mộ. Minh Chuyên cũng cho rằng giới phê bình đã vạch lá tìm sâu, quá chú trọng đến những tiểu tiết sai quấy của phim mà bỏ qua điểm chính là tính chất nhân văn của câu chuyện.

Vì đào trộm mộ nên không thể quay phim, nên phải tạo dựng cảnh giả quay ở một nơi khác; vậy thì lương tâm của người làm nghệ thuật chân chính để ở đâu, và việc làm phạm pháp đó tại sao được nhà cầm quyền Việt Cộng làm lơ bỏ qua và im lặng một cách khó hiểu? Phải chăng Minh Chuyên đã nhận được lệnh trên làm cuốn phim tuyên truyền đó nên không bị nhà chức trách hỏi tội. Ðã có nhiều người làm văn học và truyền thông khác bày tỏ sự bất bình và phẫn nộ; họ làm phim và viết bài cực lực phản đối, phê phán, chỉ trích, lên án Minh Chuyên và phim LHVC. Có người còn làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan có trách nhiệm liên hệ. Họ báo động rằng việc làm phạm pháp, bất chính, phi đạo lý của Minh Chuyên qua phim LHVC có thể đưa đến những hậu quả nghiêm trọng phương hại cho chủ trương và chính sách của nhà nước Việt Cộng. Việc đó còn có thể tạo thành một tiền lệ tệ hại xấu xa và có thể biến công cuộc tìm mộ tử sĩ thành một trò hề.

Theo tài liệu của nhà cầm quyền Việt Cộng, trong nước vẫn còn có 300,000 tử sĩ Việt Cộng mất tích. Ðây có thể là một con số phóng đại theo như thói quen hoặc chủ trương của họ. Con số này có thể gồm cả những cán binh Việt Cộng đã chiêu hồi, dùng danh tính mới và biệt dạng. Số còn lại bị vùi thây đâu đó khắp nẻo đường miền Nam, nhất là vùng hỏa tuyến và Tây Nguyên nơi từng xảy ra nhiều trận chiến ác liệt.

Nhưng không như người Mỹ, việc tìm người mất tích đối với nhà cầm quyền Việt Cộng không hề là một mối bận tâm ưu tiên. Nói chung, mạng người sống hay chết đối với họ không đáng kể. Cũng giống như nhiều vấn đề khác, việc tìm kiếm tử sĩ mất tích được nhà nước Việt Cộng bán cái cho dân. Vì nặng tình gia đình ruột thịt, nhiều người thân của tử sĩ phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của cho bổn phận thiêng liêng này. Và hầu như họ không còn phương cách nào khác là trông cậy vào khả năng tâm linh của các nhà ngoại cảm. Ðiều đáng nói mà cũng đáng buồn nữa là nhà nước Việt Cộng làm lơ trước hiện tượng phản khoa học đó, có khi còn tìm cách khuyến khích nữa, như trường hợp phim LHVC của nhà văn kiêm đạo diễn Minh Chuyên làm việc cho đài truyền hình Việt Nam, cơ quan truyền thông chính thức của Việt Cộng.

Kết luận

Phim LHVC của Minh Chuyên và Ðài Truyền Hình Việt Nam trong nước được thực hiện dựa theo một câu chuyện hay nói lên tình người, lòng nhân hậu nồng nàn của Homer Steedly và thân nhân gia đình Hoàng Ngọc Ðảm. Họ thay mặt cho những con người thật của hai bên bờ cuộc chiến, những con người thiện tâm bình thường xuất thân từ  những nông trại êm ả ở miền quê bị đưa đẩy ra chiến trận nhân danh một lý tưởng cao xa nào đó. Cuộc đao binh đã lùi về dĩ vãng, giờ đây họ tìm đến nhau bằng tình yêu thương chân thật để mong hàn gắn những vết thương âm ỉ trong lòng và để giải tỏa những ray rứt khắc khoải của sự ăn năn.

 Homer đã làm được một nghĩa cử cao đẹp là đã giao trả lại di vật cho chủ nhân đích thực của nó là thân nhân gia đình của Ðảm. Ðổi lại, anh đã được gia đình Ðảm thành tâm đón tiếp và tha thứ cho anh. Giết kẻ địch ngoài chiến trận tự nó nên được xem là bổn phận vì nghĩa vụ hơn là một tội lỗi. Homer, với tâm thức và bản chất hiền hòa, bị ám ảnh và thương xót cho số phận của người mình đã bắn chết. Sau chuyến trở qua Việt Nam để đi đón hài cốt và dự lễ cải táng cho Ðảm, anh mong chờ ngày từ giã cõi đời để được kết tình bạn hữu với người anh đã miễn cưỡng sát hại. Anh không có lỗi gì cả. Phần lớn những thân nhân gia đình Ðảm không có lỗi gì cả. Lỗi là ở người làm phim đã biến một câu chuyện đẹp thành một công cụ cho quảng cáo và tuyên truyền đúng như nhà nước mong muốn.

Lời dẫn giải do đạo diễn Minh Chuyên viết chất chứa đầy những ngôn từ tuyên truyền sáo mòn rỗng tuếch nhàm tai. Nội dung có quá nhiều tình tiết sai lạc, ngụy tạo dối gian. Cuốn phim tài liệu LHVC do vô tình hay cố ý đã cho thấy hành vi xâm phạm mồ mả tử sĩ ở trong nước là một chuyện có thể bỏ qua được, không quan trọng để có thể bị truy tố trước pháp luật. Người làm công tác truyền thông mà thiếu tinh thần độc lập nghiêm túc, không có đạo đức nghề nghiệp thì tác phẩm của họ không thể có giá trị đích thực. Làm công tác văn học và nghệ thuật mà gian trá thì đó là phương cách tốt nhất để đào huyệt chôn chính tên tuổi mình.

Những người làm phim của cơ quan truyền thông nhà nước Việt Cộng đều biết rõ những điều khuất tất sai trái trong phim LHVC này. Nhưng đó là chủ trương của họ. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Tuyên truyền: mọi liệt sĩ Việt Cộng đều là anh hùng, chiến đấu anh hùng và hi sinh anh hùng trong công cuộc chống Mỹ cứu nước! Quảng cáo và cổ võ: phương cách tìm mộ, hài cốt thân nhân qua những nhà ngoại cảm nói chung và Phan thị Bích Hằng nói riêng là thượng sách.

Theo sự nhận xét của một người dân có ý thức trong nước thì ...”đây quả là một vết nhơ khó rửa của giới truyền thông Việt Nam. Sứ mạng của truyền thông lẽ ra là  hướng về văn minh, phát huy văn hóa cải thiện xã hội; thế nhưng THVN và không ít các tờ báo cột trụ của nhà nước, vì vô tình hay cố ý, đã đi ngược lại nguyên lý ấy. Do dốt nát hoặc gian tà, họ đi cổ vũ cho cái u mê, lạc hậu, phản khoa học, đưa con người trở về thời mông muội, cản trở sự phát triển của xã hội. Dĩ nhiên, bánh xe thực tiễn của lịch sử sẽ nghiền nát những thứ xấu xa ấy.”

Homer Steedly, Wayne Karlin, Jessica Phillips, Doug Reese, cũng đều biết rõ những điều khuất tất sai trái trong phim LHVC này. Nhưng họ, ít ra cũng đã thu thập được ít nhiều kinh nghiệm về cách sống và làm việc ở Việt Nam, cho nên họ không còn lạ gì lề lối đó. Họ chẳng lấy làm ngạc nhiên và cũng chẳng thất vọng. Ðiều quan trọng là nếu họ không làm điều gì sai quấy, nếu họ làm được một nghĩa cử tốt đẹp như hoàn trả di vật, như tiếp tục trở qua Việt Nam làm công tác từ thiện cải thiện xã hội và giúp đỡ những người dân nghèo có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, họ sẽ tìm được sự bình an cho tâm hồn./.

 Phan Hạnh, Toronto.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment