Saturday 15 September 2012

Bước đi trên mặt nước

Bước đi trên mặt nước
 
Từ khi có loài người, mơ ước và cao vọng có được năng lực phi thường và siêu nhiên luôn luôn ám ảnh chúng ta. Bất cứ ai trong chúng ta, trong những giấc mộng dài mộng ngắn thật đẹp của đời, chắc cũng đều có lần thấy mình bước đi trên tầng mây bạc của bầu trời cao rộng hay bước đi trên mặt nước mênh mông của biển hồ lai láng. Khi ấy chúng ta thấy mình nhẹ hẫng như một hạt hoa cỏ hay một chiếc lá khô. Cánh hoa cỏ lượn bay trong gió và chiếc lá khô trôi lướt theo dòng nước. Trong một thoáng ngắn ngủi, chúng ta hân hoan khoan khoái cảm thấy mình hoàn toàn được thoát ly khỏi thần trí vốn thường chất chứa đầy những lo toan và thân xác trần tục nặng nề xương thịt. Ðể rồi sau đó, khi cựa mình tỉnh giấc, chúng ta trở về với thực tại phũ phàng và không khỏi luyến tiếc cơn mộng vừa trải qua trong giấc ngủ.
Cho đến ngày nay, con người bình thường nếu không mang trang cụ đặc biệt, vẫn chưa ai có thể đi trên mặt nước. Riêng một vài loài động vật mang cấu trúc cơ thể đặc biệt tạo cho chúng khả năng di chuyển trên mặt nước như:
- Kỳ đà Common Basilisk sống ở rừng nhiệt đới Trung và Nam Mỹ và chúng còn được gọi là Jesus Christ lizard. Khi bị săn đuổi, kỳ đà loại nầy lấy đủ xung lượng chạy băng qua sông suối trong một khoảng cách ngắn trung bình 20m với thân mình hầu như hoàn toàn giữ ở trên mặt nước. Chúng có hai bàn chân sau to rộng, các ngón chân có tua vảy có thể xếp lại khi di chuyển trên đất và xòe ra làm tăng diện tích bàn chân để dễ chạy trên mặt nước mà khỏi bị chìm.
- Con bơi ngửa: (Notonectidae) (backswimmer), là một loài bọ nước tương tự như con điên điển, dài khoảng 10cm, sống ở ao hồ, ăn nòng nọc, cá nhỏ, có chân như mái chèo, nổi trên mặt nước nhờ bụng chứa nhiều không khí, nằm ngửa khi bơi, bay cũng giỏi.
- Nhện nước: (Gerridae) (water strider, water skater, Jesus bug), có 2 chân trước nhỏ và 4 chân sau dài và dang rộng như cái vó có nhiều sức căng, thân và chân có lông nhỏ bọc sáp không thấm nước nên có thể đậu trên mặt nước thường trực, có thể lướt rất nhanh trên mặt nước, ăn vi sinh vật, đôi cánh kém phát triển nên không bay được.
Đi trên mặt nước bằng đôi chân thường mãi đến ngày nay vẫn còn được coi như là một phép lạ nhiệm mầu chỉ xảy ra trong truyện thần thoại hoặc kinh điển tôn giáo. Nó đã trở thành một từ ngữ mang tính ẩn dụ bình dân được dùng để chỉ về một việc làm không tưởng và hầu như không thể thực hiện được. Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, người thợ săn khổng lồ và là con trai của các vị thần là Orion có tài đi trên mặt nước. Tác phẩm trường thi ca Aeneid của Virgil kể Orion đã đi bộ trên đáy đại dương và nhiều truyền thuyết khác kể Orion nhờ tài chạy thật nhanh trên mặt nước nên đã có thể vượt qua biển.
Chuyện về những con người thật đi trên nước
Chiều ngày 22 tháng 1 năm 1907, một chiếc tàu chạy bằng máy hơi nước kéo còi rú vang lên một hồi hốt hoảng khiến cho các cư dân trên bờ của thành phố Memphis, Tennessee, nháo nhào chạy túa ra bờ sông Mississippi. "Một đám đông khá lớn túm tụ trên bờ sông, đinh ninh rằng một tai nạn nguy kịch nào đó đã xảy ra trên mặt nước," tờ báo Memphis News-Scimitar tường thuật.
Nhưng thay vì chứng kiến một tai nạn, đám người đông đảo kinh ngạc thưởng ngoạn thích thú cảnh một người đàn ông đang bình tĩnh ung dung đi bộ trên mặt nước. Điều này chẳng phải là một phép lạ thần thông gì. Người lướt đi trên mặt nước bằng đôi phao mang trong chân chính là giáo sư Charles W. Oldrieve, người đi bộ trên mặt nước ưu việt của thế giới.
Trước đó, Oldrieve liều mạng đánh cá US$5,000.00 nếu ông có thể đi trên mặt nước suốt một khoảng dài từ Cincinnati tới New Orleans. Tuy nhiên, ông giáo sư tự phong chức Charles W. Oldrieve độc đáo nầy đã khéo léo tránh né những đợt sóng dồn dập trỗi dậy khi chiếc tàu hơi nước chạy ngang qua, thế là coi như ông nắm phần chắc thắng món tiền đánh cá to tát đó.
Ông bắt đầu khởi hành rời Cincinnati, Ohio, ngày Đầu Năm Dương Lịch 1907. Theo các điều khoản của cuộc cá độ giữa ông với tay cờ bạc Alfred Woods ở Boston, ông chỉ có thời hạn 40 ngày để đến New Orleans, một cuộc hành trình dài 2,600km dọc theo hai con sông Ohio và Mississippi. Trong lúc ông sải chân bươn bả trong đôi giày nước mà ông tự sáng chế, vợ ông và các ông bà trọng tài chèo theo trên một chiếc xuồng nhỏ. Dân chúng trên bờ lúc thúc chạy theo reo hò cổ võ cho ông lên tinh thần.
Oldrieve đã một tay sành sõi đi bộ trên mặt nước quen rồi. Là một nhà phát minh trẻ tuổi ở Massachusetts, ông ta bị lôi cuốn say mê bởi loại thuyền có mặt đáy phẳng kiểu ngày xưa của các tay buôn lông thú dùng. Loại thuyền nầy có mạn thuyền thấp để dễ luồn lách trong các con sông nhỏ và đáy phẳng để vững vàng khi chở đầy lông thú nặng nề. Lấy ý tưởng dựa theo kiểu thuyền nầy,, Oldrieve thiết kế "giày" đi bộ trên mặt nước bằng gỗ cây tuyết tùng. Dài gần 2 thước, đôi giày gỗ mỏng nầy có thể nâng đỡ cơ thể nặng chỉ có 60 kí của ông ta, mặc dù ông ta phải mất 5 năm mới có thể hoàn thiện cách làm thế nào để lái nó cho đúng cách.
Tuy trước đó ông đã thành công trong một chuyến đi bộ trên sông Hudson năm 1888, dòng nước chảy mạnh vẫn có thể vồ ông ngã bất ngờ: ông giáo sư nhà ta tạo tin chấn động cả nước vào năm 1897 khi ông suýt chết vì lạnh cóng trong một đêm đi trên mặt nước ở hải cảng Boston. Một cuộc đi bộ dạo chơi trên mặt nước vào năm 1898 của ông băng qua hải cảng New York tới doanh trại quân đội trên đảo Governor xảy ra thành công hơn. Theo tờ báo New York Journal mô tả, vị sĩ quan chỉ huy trưởng doanh trại đã "cảm phục cặp đùi đẹp tuyệt vời cuồn cuộn bắp thịt của người vừa thực hiện một chuyến đi tuyệt diệu".
Hứng khởi từ sự thành công này, Oldrieve công bố kế hoạch đi bộ băng qua thác Niagara Falls. Sau đó, ông tuyên bố rằng ông sẽ đi bộ băng qua Đại Tây Dương để tham dự Triển Lãm Paris 1900. Ý niệm đi bộ trên một đại dương đến với ông sau khi ông đột nhiên bị trôi ra biển trong một lần dạo trên nước ở bãi biển Palm Beach, Florida. Kinh nghiệm đó đối với ông, thay vì là một lần suýt chết đáng sợ tới già, nó đã trở thành tâm điểm của cuộc đời ông. "Tôi muốn tạo một kỷ lục thế giới mà nó sẽ không bao giờ bị đánh đổ," ông giải thích cho một phóng viên của tờ báo San Francisco Call. "Tôi đã nuôi dưỡng ý tưởng đó trong tâm trí từ nhiều năm qua."
Thế rồi sau đó Oldrieve bỗng dưng biến mất. Có người cho rằng ông đã chết đuối: vì dù sao, sự cấu tạo của cơ thể con người chứng tỏ rất dở để có thể đi dưới nước. Cho dù có mang phao nổi dưới chân đi chăng nữa, trọng tâm nằm ở một điểm khá cao trên thân thể của con người khiến cho chúng ta dễ bị bổ nhào. Nhưng, có lẽ vì bị thôi thúc bởi sự nổi lên của tay đối thủ đi bộ dưới nước Arthur Sadler, Oldrieve đột nhiên tái xuất hiện, lù lù đi bộ xuôi dòng sông Mississippi.
Sự mưu cầu phương cách đi trên mặt nước của Oldrieve, đáng ngạc nhiên thay, lại là một trò đã cũ. Khoảng năm 1480, Leonardo Da Vinci phác thảo một phương pháp "đi bộ trên mặt nước" bằng cách dùng ván trượt làm bằng vỏ cây bấc và hai gậy chống giống hình mái chèo. Kể từ đó cho đến nay, con người không ngừng tìm cách cải tiến dụng cụ đi nước. Nếu kể ra sẽ có đủ các loại giày thuyền, giày nước và xe đẩy nước, với vỏ bấc thay thế bằng thiếc và nhôm, nhựa xốp và băng keo.
Một số mẫu thiết kế sử dụng thanh ngang hoặc giây xích để giữ cho giày khỏi bị thình lình sút ra khỏi chân. Những người khác thì dùng gậy chèo để ngăn chặn nghiêng ngả. Hầu hết đều có gắn miếng vây bắt bản lề bên dưới để ép cho nước tuôn ra khỏi đôi giày khi chân tiến bước về phía trước, và mở xòe rộng ra để tạo sức bám khi chân bước về phía sau. Nhưng chính Leonardo Da Vinci đã cung cấp ý tưởng khuôn mẫu cho hầu như tất cả những người theo sau.
Ba thế kỷ trôi qua trước khi có những nhà phát minh khác thử nhúng ngón chân của họ xuống nước. Năm 1785, phấn khích bởi sự thành công vừa xảy ra của các chuyến bay đầu tiên bằng khinh khí cầu có người lái, người dân Paris hùn tiền góp vốn mời một nhà phát minh từ phương xa đến để biểu diễn "một màn đi bộ trên mặt nước mà chân không bị ướt". Đến đúng ngày giờ ấn định, đám đông đứng dọc hai bên bờ sông Seine chực chờ ngóng đợi, nhưng nhà phát minh trời thần đất địa của họ không bao giờ xuất hiện.
Thay vào đó, cuộc đi bộ đầu tiên trên mặt nước được chính thức ghi nhận lại bằng tài liệu rõ ràng xảy ra vào năm 1844, khi Robert Kjellberg và Tonnes Balcken lướt qua cảng Hanover, Đức quốc, trên giày phao làm bằng kim loại cán mỏng. Họ đã chứng minh cho thấy rằng họ có thể mang theo một túi đeo lưng nặng và một khẩu súng trường mà không bị chìm. Họ đã dạy cho các binh sĩ đồn trú ở địa phương cách thức sử dụng sáng chế của họ. Mặc dù sau đó một đội thủy binh vừa đi dưới nước vừa bắn súng không hề trở thành hiện thực, nhưng Kjellberg đã lưu diễn sang Anh quốc và được xem như là một vị"Thủy Thần". Các cuộc phô diễn của ông chiếm được trí tưởng tượng của dân Anh trong thời kỳ trị vì của nữ hoàng Victoria, và những kẻ bắt chước trên khắp thế giới đã noi theo bước chân bì bõm của ông.
"Ai cũng có thể làm được điều đó. Rồi đây chẳng bao lâu nữa, biết đâu vào những đêm thanh, dưới ánh trăng bàng bạc sẽ lấp lánh những vệt nước dài tạo ra bởi những bước đi bằng đôi giày nước của những người đi dạo trên mặt sông hồ", một phóng viên của tờ báo Toronto Globe viết, sau khi chứng kiến một cư dân Toronto lướt đôi giày nước trên sông Don vào năm 1854.
Chàng phóng viên giàu tưởng tượng nầy phóng bút viết tiếp, "Rồi sẽ không còn hòn đá nào trên dòng sông đó nữa để cản trở những đôi chân mềm, không còn vết bầm tím nào xảy ra do té ngã trên lộ đá, không còn mối nguy hiểm nào cần phải e dè lo sợ vì một chiếc xe lái bất cẩn trên đường phố, hay từ một con chó dữ cắn càn nào đó."
Tuy nhiên, ý tưởng binh sĩ sáp trận đánh nhau trên mặt nước cũng không phải là quá xa vời. Các nhà binh pháp hẳn mơ ước viễn cảnh binh lính phe mình chạy băng băng vượt sông qua tấn công bất ngờ địch quân ở phía bên kia. Năm 1910, nhà sáng chế người Ý tên Luigi Rissi thử dạy một người lính Ý vừa trượt ván nước vừa bắn súng trường. Nhưng coi bộ điều này cũng khó thực hành.
Tương tự như thế, sự đóng góp của Oldrieve có lẽ hảo huyền hơn là thực dụng: trong lúc đi bộ trên nước tại hải cảng New York, ông bình tĩnh dùng điếu xì gà châm ngòi một thỏi mìn và ném xuống dòng sông East river. Mìn nổ tạo nên một cột nước cao 20 thước tung lên ngoạn mục trên không.
Đánh nhau trên mặt đất rắn đã đủ khó khăn rồi, nhưng những nhà phát minh mang cao vọng vẫn chưa chịu khuất phục: chỉ riêng tại nước Mỹ không thôi đã có hàng tá bằng sáng chế được cầu chứng và công nhận. Người đăng bộ đầu tiên là Henry Rowlands vào năm 1858. Bằng sáng chế năm 1918 của Martin Jelalian ở Cranston, Rhode Island, thậm chí còn dùng một quả khinh khí cầu buộc vào người đi bộ trên mặt nước. Nhưng hầu như đôi giày đi nước của các nhà phát minh đó cũng đều tương tự. Một phóng viên của tờ báo The New York Times, sau khi chứng kiến một người đi dạo trên sông Delaware đã mô tả, "Đôi giày nước sơn màu đen và trông giống như hai cái quan tài dành chôn xác hài nhi."
Đã xảy ra trường hợp giày nước suýt biến thành quan tài thật. Có nhiều chuyện kể vì đôi giày nước mà nhiều người mang nó lộn đầu xuống nước. Năm 1935, một nhà phát minh đã được cứu thoát trên hồ St Clair, trên đường đến Detroit. Sau đó người ta mới khám phá ra rằng ông nọ không biết bơi. Chưa hết, vào năm 1966 ở Ấn Độ, có lẽ định bắt chước ông Xá Lợi Phất là đệ tử thông thái nhất của Đức Phật Thích Ca, một hành giả tên L.S. Rao đã cố thực hiện một việc không tưởng là đi bộ trên mặt nước bằng chân trần, có nghĩa là không mang bất cứ một thứ giày nào cả. Tâm trí ông ta có lẽ đã siêu thoát đến cõi Niết Bàn, nhưng khổ nỗi, thân xác ông vẫn là thân xác phàm; nó chìm lĩm như một hòn đá. Báo hại đám khán giả bỏ ra mỗi người một trăm đồng để xem màn trình diễn đặc biệt nầy tiu ngỉu ra về.
Bẵng đi một thời gian, trò háo hức đi trên mặt nước có mòi lắng dịu, chỉ trừ sinh viên ngành kỹ sư trường đại học San Diego mở cuộc thi tài đi trên mặt nước hàng năm, nhờ đó duy trì được một số những người trì chí nghiên cứu bộ môn chuyên đề này. Đáng chú ý nhất trong số này là trung sĩ về hưu Walter Robinson của Quân Lực Hoa Kỳ. Trong thời gian khi còn phục vụ ở Việt Nam, có lần Robinson nhìn thấy một đám trẻ Việt nổi trôi trên một cánh máy bay bị rơi ra. Hứng khởi từ đó, Robinson chế ra giày nước và đi trên kinh đào Panama năm 1975, và băng qua eo biển Manche (English Channel) năm 1978. "Bắc Hải là một kẻ thù ghê gớm", ông cảnh báo trong cuốn sách "The Water Shoe: A Serious Work."Eo biển Manche không phải là nơi cho người mới tập sự hay người yếu bóng vía."
Ước mơ băng qua Đại Tây Dương của Oldrieve cuối cùng đã được hoàn thành bởi một người Pháp tên Remy Bricka năm 1988. Ông này phải mất 40 ngày để đi bộ từ đảo Canary bên bờ Đông đến Trinidad bên bờ Tây. Nhà phát minh người Do Thái tên Yoav Rosen cũng đã lập lại cuộc đi trên mặt nước của Oldrieve trong cảng Boston, và bằng sáng chế mới nhất của Robinson năm 2001 được giám định bởi một viên chức tên Jesus, thật quả là thích đáng và là một sự trùng hợp ly kỳ.
Không cần phải nói, ông Jesus nầy đã chuẩn phê và chấp thuận bằng sáng chế dụng cụ dùng để đi trên mặt nước đó.
Những người đi trên mặt nước ngày nay có thể không bao giờ nhận được sự thán phục giống như Oldrieve đã được hưởng. Ngày 10 tháng Hai năm 1907, chỉ 45 phút trước thời hạn, Oldrieve tới mức đến New Orleans và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của dân chúng như một anh hùng. Sau khi thoát chết đuối vì những cơn sóng trỗi dậy khi một chiếc tàu chạy máy hơi nước đi qua, vị giáo sư mình mẩy lấm bẩn vượt qua lằn mức điểm đến. Ông sụt mất hơn 10 kí lô. Nhưng bù lại, túi ông nặng hơn: ông giàu thêm với món tiền cược năm ngàn đồng vừa thắng.
Sau đó ông tuyên bố, "Bây giờ có trả tôi gấp đôi số tiền đó, tôi cũng không làm." Thế là người đi trên mặt nước nổi tiếng thứ nhì trên thế giới đó đã đi vào lịch sử của nhân loại.
Người nổi tiếng thứ nhất dĩ nhiên chúng ta ai cũng biết là chúa Jesus.

Chúa Giê Su bước đi qua biển
Đi bộ trên mặt nước là một trong những phép lạ của Chúa Giêsu trong Phúc Âm. Theo Thánh kinh, chuyện ấy được kể như sau:
Đức Giê-su liền truyền cho các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước. Trong khi đó, Ngài giải tán đám đông. Sau khi giải tán đám đông, Ngài lên núi một mình để cầu nguyện. Tối đến, chỉ còn một mình Ngài ở đó. Lúc ấy, thuyền đã ra cách bờ khá xa và đang bị sóng đánh vì gió ngược.
Đến canh tư, Ngài đi trên mặt biển đến với các môn đệ. Thấy người đi trên mặt biển các môn đệ sợ hãi, hốt hoảng la: “Ma kìa!”
Tức thì Đức Giê-su bảo: “Hãy an tâm! Chính Ta đây. Đừng sợ!”
Phê-rơ thưa với Ngài: “Lạy Chúa, nếu thật là Ngài, xin truyền cho con đi trên mặt nước đến cùng Ngài.”
Chúa đáp: “Hãy đến đây.” Phê-rơ liền bước ra khỏi thuyền, đi trên mặt nước đến với Đức Giê-su. Nhưng khi thấy gió thổi, ông sợ hãi, nên bắt đầu chìm xuống nước. Ông la lên: “Chúa ơi, cứu con!”
Lập tức Đức Giê-su đưa tay nắm lấy Phê-rơ, rồi bảo: “Sao ít đức tin thế! Sao con nghi ngờ?”
Khi họ lên thuyền, gió ngừng thổi. Các môn đệ ở trên thuyền quỳ lạy Chúa và thưa: “Thầy thật là Con Đức Chúa Trời.”
Qua bên kia biển rồi, Đức Giê-su và môn đệ lên bờ ở vùng Ghê-nê-sa-rết. Dân vùng đó nhận ra Ngài thì sai người loan báo khắp cả miền xung quanh và họ đem tất cả người bệnh đến với Ngài. Họ xin Ngài cho phép chỉ sờ đến gấu áo Ngài mà thôi; và ai sờ đến Ngài đều được lành bệnh hoàn toàn. (Ma-thi-ơ 14:22-36)
Xá Lợi Phất bước qua sông
Trong kinh điển Phật Giáo cũng có câu chuyện ông Xá Lợi Phất (Sariputta), môn đệ có trí tuệ bậc nhất của Đức Phật, đi trên mặt nước:
Phía Nam của Savatthi là một con sông lớn, trên bờ có một ngôi làng gồm năm trăm gốc gia. Muốn cứu rỗi dân làng, Đấng Chí Tôn quyết định vào làng để giảng thuyết. Đến bờ sông, ngài ngồi dưới một gốc cây. Dân làng thấy ngài bèn tụ đến đảnh lễ, nhưng khi ngài bắt đầu giảng thuyết, họ không tin.
Khi Đức Phật rời làng ra đi, ông Xá Lợi Phất từ bên kia sông cảm thấy ước muốn được nhìn thấy Phật để được nghe ngài giảng đạo. Đến bờ sông nhìn dòng nước sâu chảy xiết, ông tự nhủ thầm, "Con sông nầy không ngăn cản được ta. Ta quyết đi tìm ngài." Khi ông bước xuống nước, tự dưng mặt nước dưới bước chân ông dường như cứng lại như một tảng đá hoa cương. Đến giữa dòng, Xá Lợi Phất động tâm, tức thì ông bắt đầu chìm xuống. Vực dậy niềm tin và ý chí, ông tiến bước như trước cho tới bờ phía bên kia.
Dân làng rất đỗi ngạc nhiên khi thấy Xá Lợi Phất từ dưới sông đi lên mà thân hình khô ráo; họ hỏi làm thế nào ông có thể qua sông, trong khi trên sông chẳng có cầu, dưới sông thì chẳng có phà gì hết. Xá Lợi Phất trả lời: "Tôi sống trong vô minh cho đến khi tôi nghe danh tiếng của Ðức Phật. Vì quá đỗi mong muốn nghe học thuyết về sự cứu rỗi của ngài, tôi đã bước lên dòng nước bất trắc và vượt được qua sông nhờ có niềm tin. Chính niềm tin chứ không gì khác đã khiến tôi làm như vậy; và giờ đây tôi đang ở trong ân phước của Đấng Chí Tôn." (http://www.sacred-texts.com/bud/btg/btg86.htm)
Một câu chuyện nhỏ: Chỉ là một cơ may
Sau đây là một câu chuyện nhỏ hàm chứa bài học đáng cho chúng ta suy gẫm.
Một ngày cuối tuần nọ, tôi đang ngồi gần mé nước thảnh thơi tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi nơi bãi biển gần nhà. Một cậu bé từ trên bờ lấy trớn chạy ngang qua chỗ tôi và lao nhanh xuống nước. Cậu ưỡn ngực vung tay; hai chân cố bước thật nhanh để giữ cho cơ thể ở trên mặt nước, nhưng rồi cậu té xấp úp mặt xuống nước. Cậu lại trở lên bờ, lại làm y như trước cả bảy, tám lần, càng về sau càng quyết tâm hơn. Rõ ràng là cậu ta đang cố gắng chạy trên mặt nước.
Tôi không thể nhịn cười. Mức độ quyết tâm và nỗ lực của em cộng lại thật vô giá.
Sau nhiều lần thử chạy trên mặt nước mãi mà vẫn không được lại còn thấy tôi cười như có vẻ chế nhạo, cậu bé đi lại hỏi tôi, "Anh cười em chăng?"
"Em làm cho tôi nhớ về tuổi ấu thơ của tôi cho nên tôi cười", tôi nói.
"Anh có biết cách đi bộ trên mặt nước không?", Cậu bé hỏi. "Giống như một siêu anh hùng vậy đó?"
"Vâng, tôi nghĩ rằng tôi có thể giúp em hiểu", tôi nói. "Để tôi kể ra đây một vài gợi ý nhé."
Tò mò, cậu bé ngồi xuống trên cát bên cạnh tôi. Mẹ em có e ngại. Nhưng tôi trấn an bà rằng con trai của bà không làm phiền tôi gì cả. Bà yên tâm thấy con trai của bà thà ngồi một cách an toàn trên cát còn hơn là cứ đâm đầu chạy xuống nước một cách điên khùng. Bà đi trở lại ghế dựa trên bãi biển của bà cách chỗ tôi ngồi khoảng mươi thước để tiếp tục trò chuyện với một phụ nữ khác.
"Bộ em muốn đi bộ trên mặt nước hả?", tôi hỏi. Cậu bé chăm chú gật đầu.
Rồi sau đó, đại khái đây là những gì tôi nói với em:
1- Phải biết chắc chắn rằng mình được sinh ra là để đi bộ trên mặt nước. Em phải theo lý lẽ của con tim, và luôn luôn sống với chính con người thật của em. Em sinh ra như thế nào thì em sẽ sống hết lòng như thế đó. Có những người trong chúng ta sinh ra để làm nghệ sĩ, để truyền đạt đến người thưởng thức những ý tưởng tinh tế, những cảm xúc sôi nổi qua giọng hát, tiếng đàn, lời ca, nét vẽ, ý thơ, bài viết, v.v. của mình. Có những người trong chúng ta sinh ra để trở thành nhà thám hiểm, phát minh, khoa học, kỹ thuật, kinh doanh để phát triển và cống hiến cho đời những sáng chế, sản phẩm, áp dụng mới mẻ mà những người khác không thể nghĩ ra. Và hơn nữa, có những người trong chúng ta sinh ra để đi trên mặt nước. Nếu quả thực em muốn đi trên mặt nước, tốt hơn em nên cảm nhận nó qua mỗi tế bào trong cơ thể em. Em phải được sinh ra để làm chuyện đó theo số phận .
2- Phải cương quyết rằng không có gì có thể ngăn cản mình. Sinh ra để đi trên mặt nước tự nó chưa đủ. Em phải tự mình quyết định con đường mà mình đã chọn. Chẳng may, trên đời nầy, hầu hết chúng ta đều viện cớ nầy cớ nọ để bỏ cuộc, nào là phải lo cho gia đình, hay do dự, không tin ở sức mình. Khi làm một việc gì mà từ trước đến nay chưa có ai làm, như đi trên mặt nước chẳng hạn, chúng ta đòi hỏi phải quyết tâm tuyệt đối vô điều kiện. Người duy nhất có thể kiểm soát mực độ quyết tâm chính là em chứ không ai khác. Nếu em đã quyết tâm muốn đi trên mặt nước, em phải nhất định là không có kẻ bàn ra nào, không có bất cứ điều gì, kể cả sức hút của quả đất, có thể lung lạc được em, làm cho em đổi ý.
3- Dồn hết nổ lực cho tới cùng. Trong khi hầu hết chúng ta vì cao hứng chỉ nghĩ đến chuyện thử đi trên mặt nước để mà chơi thôi, chỉ có một số rất ít người tinh nhuệ thực sự theo đuổi chuyện đó cho tới cùng, dâng hiến trọn đời tới chừng nào đạt được kết quả mong muốn mới thôi. Nếu quả thực muốn đi trên mặt nước, em phải nghiên cứu về vật lý, phép lưu biến, các vật thể và chất kháng thủy, v.v. và rồi em còn phải thử nghiệm, cải biến liên tục, xác định và tái xác định các lý thuyết và giả thuyết phức tạp nữa, cho tới khi nào tuyệt đối hoàn hảo mới thôi. Làm việc như vậy mới có thể biến cái không thể thành cái có thể.
4- Thông báo cho mọi người biết diễn tiến việc làm của mình. Khi em theo đuổi dự tính đi bộ trên mặt nước, hoặc làm bất cứ điều gì mà không ai khác đã làm trước đó, có thể em sẽ cảm thấy rất cô đơn khá nhanh chóng trong cuộc sống. Để giữ cho động lực của em phát triển mạnh, điều quan trọng là em hãy thông báo cho người khác biết rằng em đang cố gắng thực hiện điều mà trước đây bị xem là không thể thực hiện được. Đừng e ngại! Hãy cho cả thế giới biết rằng em đang cố gắng đi bộ trên mặt nước. Dĩ nhiên, nó sẽ tạo ra thêm một phần áp lực trên vai em, và gần như chắc chắn em sẽ nghe một số những tiếng cười dè bĩu của đám đông. Tuy nhiên, loại áp lực nầy rất hữu ích: nó tiếp tế nhiên liệu cho động lực thúc đẩy của em. Đó đúng là điều mà em cần để hoàn tất một công trình vĩ đại cỡ như vậy. Và khi cuối cùng em đã thành công rồi, người cười cuối cùng đó chính là em.
5- Hãy quí trọng những người biết giá trị tham vọng của mình. Hầu hết mọi người, khi nghe đến việc làm không tưởng của em, có lẽ do phản ứng tự nhiên họ sẽ trợn tròn đôi mắt cho là em điên và khuyên em nên chấm dứt trò khùng điên đó. Nhưng may mắn thay, thế giới cũng là nơi sinh sống của những người có đầu óc tiên phong và những người vững niềm tin. Họ nhìn thấy rõ giá trị của giấc mơ của em. Những người này hiểu rằng, nếu đạt được điều mà trước đây bị coi là bất khả, thì đó chính là một trong những món quà lớn nhất của con người. Họ sẽ ban cho em lời khuyên, sự giúp đỡ, thêm sức đẩy mà em cần để thành công. Đây là những con người phi thường, và em sẽ muốn có họ vây bọc quanh em, vì chung cuộc, họ sẽ giúp em vượt qua chướng ngại để em bước đi trên mặt nước. Hãy nghĩ đến họ như là một đội ngũ yểm trợ đắc lực của riêng em. Nếu không có họ, đi bộ trên mặt nước sẽ là một chiến công khó khăn hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể đạt.
6- Bỏ ngoài tai những lời chê bai tiêu cực. Cho dù em có đạt được tiến bộ bao nhiêu đi chăng nữa trong công việc của em, luôn luôn có người ngoan cố cho rằng đi bộ trên mặt nước là điều không thể, đơn giản chỉ vì nó đã không hề được thực hiện trước đây. Hoặc họ có thể đề nghị không cần thiết rằng ý tưởng đi bộ trên mặt nước nói chung là một điều thậm vô lý bởi vì thực sự ra chẳng ai cần quan tâm đến việc đó làm gì. Nếu lỡ em có đi ngang qua những người này, em không nên cố gắng cãi lý đối chất với họ mà làm gì. Thay vào đó, hãy quên đi sự hiện hữu của họ. Họ chỉ làm lãng phí thì giờ và năng lực của em mà thôi.
7- Chuẩn bị sẵn sàng bản thân để hứng chịu cơn đau. Mặc dù em không còn chạy bất kể đâm đầu đập mặt vào những đợt sóng ào tới của đại dương, mà thay vào đó, em hình thành các lý thuyết phức tạp dựa trên các nghiên cứu của phép lưu biến và độ trơn của chất lỏng, nó không có nghĩa là em sẽ khỏi trải qua một phần kinh nghiệm đau thương của em. Em đang can dự trong công việc đi bộ trên mặt nước, một công việc chưa hề được thực hiện trước đây. Em sẽ gặp thường xuyên nguy cơ bị nước hít vô phổi làm sặc sụa. Nhưng những đau đớn đó có vẻ như một cái giá tiền nhỏ mà em phải trả khi em trở thành người đầu tiên chạy bộ băng qua những ghềnh thác của dòng sông Mississippi.
8- Thưởng thức nỗi đau của thách thức lớn nhất đời mình. Siêu anh hùng không hề có thật ngoài đời, cũng chưa bao giờ có ai đi trên mặt nước bằng đôi chân trần của mình. Nhưng rất nhiều người đã đạt được những thành tích không thể đạt trước đó, và họ vẫn vui vẻ tiếp tục dấn thân với những thách thức mới. Những người này sẽ cho em biết rằng không có gì mãn nguyện hơn là nỗi rộn ràng trước thử thách lớn nhất trong đời. Những đau đớn cố hữu trên đường đi đơn thuần chỉ là những dấu ghi nhắc nhớ về chuyến đi của em đến lằn vạch kết thúc. Sau cùng khi xong việc, em thực sự có thể thấy mình thiếu vắng công việc đều đặn hàng ngày. Em sẽ nhận ra rằng niềm vui và nỗi đau có thể chỉ là một và như nhau.
9- Không bỏ cuộc! Không đầu hàng! Lý do không có ai đã từng thành công đi trên nước không phải là vì không có ai thử. Nên nhớ, em mới thử chỉ có bảy, tám lần liền, và tôi dám rằng có rất nhiều người khác cũng đã làm như em. Lý do chưa ai thành công đơn giản là vì trong vòng phạm trù của khoa học và vật lý hiện thời, nó chưa có thể thực hiện được. Nhưng điều này không có nghĩa là với sự giúp đỡ của em nó sẽ không trở thành hiện thực trong tương lai. Nếu em đã được sinh ra để làm điều đó và thật sự dấn thân cho đến kết quả cuối cùng thì bất cứ điều gì, bao gồm cả đi bộ trên mặt nước, cũng đều hoàn toàn có thể!
Khi chúng tôi nói chuyện xong, cậu bé đứng dậy và chạy trở lại với mẹ em. Em chỉ về hướng tôi; tôi cười và vẫy lại. Sau đó em nói với mẹ em, "Mẹ à! Ông đó vừa chỉ dạy cho con làm thế nào để đi bộ trên mặt nước! "
Một vài phút sau đó, mẹ cậu bé hậm hực đi qua chỗ tôi và la mắng tôi đã đưa ra lời khuyên liều lĩnh xúi dại trẻ con. Bà bảo tôi rằng tôi đã đem lại cho con trai bà một ý tưởng sai lầm của hy vọng. Tôi cho bà hay rằng tất cả những gì tôi nói với con bà chỉ là vì tôi muốn vạch ra cho em một cơ may mà thôi.
Bước đi trên mặt nước trong tưởng tượng
Trong lúc chưa tìm ra phương cách để có thể ung dung bước đi trên mặt nước một cách thoải mái như một cuộc dạo chơi trên mặt đất, con người chỉ còn cách để cho trí tưởng tượng của mình phơi trải qua các tác phẩm ca nhạc kịch và điện ảnh.
- Trong phim The Truman Show (1998) rất ăn khách với vai chính Truman Burbank do nam diễn viên hài Jim Carrey đóng, Truman chế ngự được nỗi sợ nước và bước ra khỏi thế giới tù túng mà người ta đã tạo ra cho anh để trốn đi trên một chiếc thuyền buồm tên Santa Maria.
- Trong một phim hốt bạc khác là Bruce Almighty (2003) cũng do danh hài Jim Carrey đóng vai anh chàng phóng viên lở vận Bruce Nolan than trời trách đất và được Đấng Toàn Năng ban cho quyền lực siêu nhiên; trong phim có cảnh chàng Bruce đi trên mặt nước. Cảnh này được thực hiện bằng tiểu xảo thị ảnh bởi hai chuyên gia Bill Taylor và David Williams II của Hollywood.
- Trong phim Ever After, nam diễn viên Patrick Godfrey trong vai Leonado da Vinci mang đôi guốc gỗ bước đi trên mặt nước và làm cho nhân vật nữ Danielle De Barbarac (do Drew Barrymore thủ diễn) đang bơi phải giật mình sững sốt.
- Trong phim Remo Williams (1985), vị tôn sư già dạy môn võ thuật Sinanju người Đại Hàn tên Chiun dạy Remo cách né đạn và chạy trên mặt nước. Ở đoạn kết, khi Remo đã hoàn thành sứ mạng, tôn sư Chiun từ biệt bằng cách bước xuống nước chạy đi thoăn thoắt và biến mất.
- Trong môn võ thuật Thiếu Lâm của Trung Hoa, truyền thuyết cho rằng có những cao thủ võ thuật đạt đến trình độ có thể phóng mình bay lên mái nhà hoặc nhẩy khỏi mặt nước. Phim Ngọa Hổ Tàng Long (năm 2000) của đạo diễn Ang Lee khai thác những món võ thuật siêu đẳng này.
- Trong thập niên 1980, nhà ảo thuật sáng tạo Andre Kole đi lưu diễn thay mặt cho tổ chức Campus Crusade for Christ, đã dựng màn trình diễn sống trên sân khấu đi (thật ra là đứng) trên mặt nước. Màn này gồm có một bồn nước lớn trong suốt với mực nước lưng. Thỉnh thoảng dùng que quậy nước cho khán giả thấy là nước thật, Kole bước vào bồn và rõ ràng là ông ta đứng trên mặt nước và đồng thời tiếp tục dùng que quậy nước. Nước được đổ thêm vào bồn đến đâu thì Kole cũng dâng lên theo đến đó.
- Trong một chương trình truyền hình A&E có tên Criss Angel Mindfreak, nhà tạo ảo giác Criss Angel biểu diễn một màn đi trên mặt nước của một bồ bơi thật có nhiều người đang bơi quanh trước sự chứng kiến tận mắt của khán giả. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ, người ta vẫn có thể thấy, Criss bước trên những thanh đà bằng nhựa trong suốt.
- Trên YouTube có đăng vài bài ca liên quan đến đề tài Bước Đi Trên Nước; chúng tôi có vào nghe thử và phải công nhận bài Walk On The Water của Britt Nicole hát là hay nhất với lời ca phong phú ý nghĩa và nhạc điệu trầm bổng du dương.
- Cũng trên YouTube, chúng ta có thể tìm thấy màn đi trên nước hồ Lewisville ở Little Elm, Texas, của ảo thuật gia Anthony Bass nhằm tạo sự chú ý của công chúng và tự quảng cáo tài năng của mình.
Và sau cùng, để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích lại một đoạn ngắn trong Chương 7 của quyển sách Á Châu Huyền Bí của Nguyễn Hữu Kiệt dịch từ tác phẩm bút ký "Life and Teaching of the Masters of the Far East" xuất bản năm 1924 của Tiến sĩ Blair T. Spalding (1872-1953), người Mỹ, vì nó có liên quan đến sự kiện bước đi trên mặt nước. Ông ghi lại những kinh nghiệm trải qua trong chuyến du hành khảo sát kéo dài ba năm ở Tây Tạng và Ấn Độ vào cuối thế kỷ 19. Trong suốt 86 năm nay, tuy quyển sách thuộc loại bút ký nhưng tính chất xác thực của nó còn mơ hồ. Hư cấu hay không, quyển sách này vẫn còn được liên tục tái bản; phần lớn người đọc ưa thích nghiên cứu và tìm hiểu vấn đề tâm linh và sự bất tử.
"Sau bữa ăn điểm tâm, tất cả chúng tôi đều tựu họp trên bờ sông. Chúng tôi nhận thấy rằng đức Tuệ Minh, Dật Sĩ, Nê Bưu và bốn người trong nhóm chúng tôi đang nói chuyện với năm người khách lạ. Dật Sĩ bước đến gần chúng tôi và nói rằng tất cả bọn họ đều muốn qua sông cùng với năm người khách lạ để ở lại chơi giây lát trong trại ở bên kia sông.
Họ còn nhiều thời giờ vì họ đã quyết định ở lại đến ngày hôm sau để đợi cho mực nước sông hạ xuống thấp. Lẽ tự nhiên, sự tò mò của chúng tôi bị kích thích. Chúng tôi cho rằng thật là một việc táo bạo mà muốn lội qua sông giữa giòng nước cuốn mau như vậy chỉ vì mục đích thăm viếng xã giao một trại láng giềng! Chúng tôi không nghĩ rằng chuyến đi qua sông lại có thể thực hiện một cách khác hẳn."
"Khi Dật Sĩ đã trở lại nhóm bạn của y, mười hai người trong nhóm có mặc áo quần đầy đủ, liền đi ngay xuống sông, và bước chân lên trên mặt nước (tôi không nói xuống nước). Tôi không bao giờ quên những cảm giác của tôi khi tôi thấy mười hai người ấy nối tiếp nhau đi hàng một từ đất liền xuống sông và đi trên mặt nước một cách tự nhiên! Tôi nín hơi thở, vì tôi lo ngại rằng họ sẽ chìm đắm và bị giòng nước cuốn trôi đi mất. Về sau tôi được biết rằng tất cả các bạn tôi cũng đều cảm nghĩ giống như tôi lúc ấy.
Nhưng khi đó, mỗi người trong chúng tôi đều lặng người nín thở cho đến khi tất cả mười hai người kia đã đi qua khỏi giữa sông, vì chúng tôi ngạc nhiên xiết bao mà thấy họ đi bình yên trên mặt nước, không hề sợ sệt, vì nước không ngập quá gót giầy của họ. Khi họ đã qua sông và lên đến bờ bên kia, tôi có cảm giác như trút được một gánh nặng nghìn cân. Tôi tin rằng các bạn gái của tôi cũng có những cảm giác như vậy, cứ xét về nụ cười thoải mái của họ khi tất cả mười hai người kia đều đã qua sông. Đó hẳn là một kinh nghiệm chưa từng có đối với chúng tôi."
 

No comments:

Post a Comment