Tuesday 18 September 2012

Lịch sử Toronto qua những tên đường (Biên khảo)


Lịch sử Toronto qua những tên đường
____________________________________


Lịch sử phong phú của thành phố Toronto đan kết vào với tên của những đường phố. Từ kế hoạch khởi sự  ban đầu, thị trấn York (tức Toronto ngày nay) chỉ gồm có mười lốc đường gần bờ hồ do Phó Toàn Quyền John Simcoe hoạch định năm 1793. Hơn hai trăm năm qua Toronto phát triển không ngừng để trở thành siêu đô thị rực rỡ sắc màu như ngày nay, nuốt dần các vùng đất nông thôn bao quanh, san lấp nhiều lạch suối thành những con đường tráng nhựa. Mỗi bước phát triển đó được phản ảnh qua tên đặt của những con đường.

Là cư dân Toronto, qua nhiều năm tháng chôn chân mọc rễ ở đây, chúng ta cảm thấy gần gũi với những con đường quen thuộc hàng ngày đi qua đến sở làm hoặc đi mua sắm hay chỉ cùng bạn bè, gia đình dạo chơi dịp cuối tuần: Bloor, Yonge, Dundas, Spadina, Bathurst, Roncesvalles, Trethewey, Runnymede, Queen’s Quay… Những bảng tên đường mang những cái tên lạ lẫm ngộ nghĩnh chưa nghe, chưa thấy, chưa biết bao giờ nên dễ phát âm sai, không phải chỉ riêng chúng ta sai, không phải chỉ người mới đến sai, mà ngay cả những người có tiếng mẹ đẻ là Anh ngữ sống lâu đời ở đây cũng phát âm sai như thường. 

Mặc dù không phải cứ mỗi cái tên đường phố nào cũng là cửa ngõ dẫn dắt chúng ta đến một điều bí ẩn hay một câu chuyện kỳ thú, nhưng thà tìm tòi khám phá xem đàng sau cái tên ấy có những gì còn hơn là cứ thắc mắc không nguôi. Như Bay Street thật ra ngày xưa trước năm 1800 có tên là Bear Street vì một con gấu đen bị săn đuổi đã chạy trên con đường đó. Như Christie Street và công viên Christie Pits Park ở gần Phố Đại Hàn đường Bloor được đặt tên để vinh danh ông William Mellis Christie chủ lò bánh buiscuit lớn nhất nước mà thương hiệu Mr. Christie vẫn còn thấy trong các siêu thị và chúng ta vẫn mua. Như Warden Avenue thật ra trước kia tên của nó là Wardin Avenue, nhưng có lẽ vì Wardin nghe “không giống ai” nên được đổi thành Warden nghe vừa có nghĩa rõ ràng vừa xuôi tai hơn.

Gần đường College ở khoảng giữa Bathurst và Ossington có Clinton Street và Gore Street, mới nghe qua chúng ta bắt lên tưởng nghĩ đến tên cựu tổng thống Bill Clinton và cựu phó tổng thống Al Gore của Mỹ, nhưng thật ra chúng được đặt tên để tưởng niệm Henry Clinton, Bộ Trưởng Thuộc Địa Anh Quốc (1852-1854) và Sir Francis Gore, Phó Toàn Quyền Upper Canada (1806-1817). Clinton Street được đặt tên vào năm 1853, và Gore Street được đặt tên vào năm 1881. Toronto còn có Hillary Avenue, một con đường ngắn nằm ở phía nam của Rogers giữa Keele Street và Old Weston Road và đây cũng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ chẳng phải nó vinh danh bà đương kim ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton.

Những cách thức đặt tên đường

Thành phố Toronto được phân chia trước trên họa đồ theo một số phân lộ (concession road) ngang và dọc với khoảng cách là hai cây số. Trục nam bắc gồm các đường ngang tính từ bờ hồ Ontario. Trục đông tây gồm những đường dọc tính từ đường trung tâm là Yonge Street. Các phân lộ ngang lần lượt là Queen Street, Bloor Street, St. Clair Avenue, Eglington Avenue, Lawrence Avenue, Wilson Avenue, Sheppard Avenue, Finch Avenue và Steele Avenue. Các phân lộ dọc về phía đông gồm có Bayview Avenue, Leslie Street, Don Valley Parkway, Victoria Park Avenue, Birchmount Road, Midland Avenue, McCowan Road và Markham Road. Các phân lộ dọc vế phía tây gồm có Bathurst Street, Dufferin Street, Keele Street, Weston Road, Royal York  Road  và Kipling Avenue. 

Từ những ô vuông mắt cáo với diện tích bốn cây số vuông ngăn chia bởi các phân lộ đó, các khu xóm được hoạch định và thành hình sinh ra vô số những con đường phụ khác theo nhu cầu phát triển. Một điều chúng ta không ngờ là trong khoảng thời gian từ năm 1827 đến năm 1895, để có đủ ngân sách xây cất đường mới, chính phủ đã dựng những trạm thu lệ phí lưu hành bắt xa ngựa (vì thuở  ấy xe hơi chưa ra đời) chạy qua phải nạp tiền mãi lộ. Một trong các trạm thu lộ phí đó vẫn còn được bảo trì gìn giữ và phục hồi nguyên trạng để trưng bày như bảo tàng cho đến ngày nay.

Mỗi tên đường mở ra một cửa sổ nhìn vào quá khứ của thành phố. Những cư dân đầu tiên của Toronto  đặt tên đường phố để tưởng nhớ thân bằng quyến thuộc hoặc thị trấn và làng mạc nguyên là chốn quê xưa mà họ đã bỏ lại bên kia bờ đại dương xa thẳm để tìm cuộc sống mới: Willcocks, St George, Cottingham. Người chiến binh đại tá Walter O'Hara giã từ trận mạc về hưu đặt tên đường theo tên của chiến trường xưa để nhớ lại những ngày vinh quang lừng lẫy: Sorauren, Roncesvalles. Ảnh hưởng mạnh mẽ của người Anh tạo nên những tên đường phố mang tên của các quan chức chính phủ hoặc hoàng gia: Gladstone, Clarendon, Alberta, George, Adelaide, Melbourne, Pembroke, Winston Churchill. Và những dinh cơ bất động sản mỹ miều từng được xây dựng ngoài thành phố giờ đây âm vang qua những tên đường: Bellevue, Dupont, Chestnut Park, Rose Hill, Rathnelly, Glen Edyth, Rusholme, Dovercourt.

Đường phố Toronto cũng mang tên của những cư dân góp nhiều công lao phát triển nơi họ sinh sống, làm việc, phục vụ và để lại lợi ích cho xã hội: Bloore, Copeland, Severn, D' Arcy Magee, Borden, Laurier, Sheard, Howard, Massey, Ryerson, Shepard, McCowan, Bellamy, Steeles, Gardiner và nhiều nữa. Chắc chúng ta không khỏi muốn tìm hiểu một ít lịch sử nằm phía sau những con đường ấy. Không biết về khoảng không gian chung quanh nơi đang sinh sống, chúng ta mơ hồ cảm thấy một điều gì đó chưa được giải đáp để thỏa mãn sự tò mò. Trước đây chúng tôi đã viết khá chi tiết về con đường Yonge với tựa đề là “Yonge Street: Con đường trẻ mãi” đã đăng trên Thời Báo Niên Giám năm trước, chỉ xin nhắc lại là tên đường Yonge đặt theo tên của George Yonge, một chuyên gia người Anh uy tín về hệ thống đường sá mà đế quốc La Mã đã xây dựng ở châu Âu. Nay chúng ta hãy nói về một số những con đường khác theo thứ tự từ nam lên bắc và từ đông sang tây.

 

 

NHỮNG CON ĐƯỜNG NGANG (THEO THỨ TỰ TỪ NAM LÊN BẮC)

Queen’s Quay

Queen Quay là một con đường nổi bật trong khu phố Harbourfront của Toronto. Đường phố ban đầu được qui hoạch làm khu thương mại theo lẽ tự nhiên vì có nhiều cầu tàu dọc theo bờ hồ. Nó  được xây dựng lại trong hai thập niên qua với những tòa cao ốc chung cư sang trọng, dịch vụ và hiệu buôn lẻ thu hút du khách. Con đường này thay thế cả hai đường Front Street và Lake Shore Boulevard như là hành lang Đông-Tây ở phía cực nam của thành phố khi nó được tạo ra trên vùng đất hoang sát bên trên bến cảng. Trong khoảng thời gian sau năm 1919 đến những năm đầu của thập niên 1920, vùng cảng phía trong gần bờ đã được lấp đầy tạo ra những mảng đất mới.

Lake Shore Boulevard

Đại lộ Lake Shore Boulevard (thường được viết nhầm lẫn là Lakeshore Boulevard) là một con đường động mạch chính chạy dọc theo bờ hồ. Trước năm 1998, hai phân đoạn của đại lộ Lake Shore (từ ranh giới Etobicoke-Mississauga sông Humber và từ ga cuối phía đông của đường cao tốc Gardiner Expressway đến Woodbine Avenue) được chỉ định là một phần của Quốc Lộ 2. Lake Shore Boulevard bắt đầu ở phía tây Etobicoke Creek, tiếp nối trực tiếp với đường Lakeshore Road của Mississauga chạy mãi về phía tây đến Hamilton. Con đường dọc theo bờ hồ này được mở rộng phình ra thêm khi chạy ngang qua khu vực dẫn vào các đường phố chính của Toronto để đóng vai trò đường phụ bị cho đường cao tốc Gardiner Expressway. Do có mặt đường rộng, Lake Shore Boulevard hàng năm được chọm làm địa diểm tổ chức Giải Vô Địch Đua Xe Thế Giới Molson Indi và (nay được đổi tên là Honda Indi) và lễ hội Caribana Carnival của cộng đồng công dân Canada gốc 46 quốc gia Tây Ấn như Bahamas, Barbados, Jamaica, Trinidad and Tobago, Haiti, US Virgin Islands, Puerto Rico, ...

Kingston Road

Kingston Road là con đường lớn nằm về phía cực nam dọc theo phần hướng đông của Toronto, nhất là khu East York và Scarborough. Cho đến năm 1998, Kingston Road hình thành một phần quan trọng của Quốc lộ 2. Tên của đường phố bắt nguồn gốc từ Kingston, Ontario vì đây từng là con đường huyết mạch chính được sử dụng để đi từ Toronto đến các khu định cư phía đông nằm dọc theo bờ hồ Ontario. Kỹ sư Asa Danforth Jr thuộc gốc người thổ dân châu Mỹ đã được ký hợp đồng để xây dựng một con đường làm tuyến đường kết nối Toronto (sau đó được gọi là York) với cửa sông Trent năm 1799 với chi phí $90.00 cho mỗi dặm. Đường được hoàn thành vào ngày 18 tháng 12 năm 1800, nhưng sau đó không được bảo trì đúng mức. Năm 1815, Kingston Road được tái hoạch định, một phần dựa theo đường cũ do Asa Danforth xây trước đó và hoàn thành năm 1817.

King Street

King Street là con đường được đặt theo tên vua George III, vị vua trị vì đế quốc Anh đương thời khi con đường này được thành hình. Một điểm thú vị là đường King St. tuy song song với Queen St. nhưng ngắn hơn và nhập vào đường Queen ở hai đầu như thể tình cờ nói lên sự kiện vua không quan trọng bằng nữ hoàng. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nằm trên đường King St. là một lô những cơ sở mang tên liên quan đến vua chúa hoàng gia: ga tàu điện ngầm King subway Station, khách sạn King Edward Hotel, rạp trình diễn ca nhạc kịch Princess of Wales Theatre và Royal Alexandra Theatre 

Tuyến đường xe điện streetcar 504 chạy suốt chiều dài King Street là tuyến đường bận rộn nhất của toàn hệ thống những tuyến đường streetcar của thành phố với lượng hành khách trung bình hàng ngày là 50,000 người vì nó đưa đến các địa điểm giải trí đại chúng và sân thể thao như Rogers Centre (tên cũ là Skydome), Air Canada Centre, Hockey Hall of Fame, Roy Thomson Hall, Hummingbird Centre, chợ cuối tuần St. Lawrence Market. Ngoài ra nằm trên đường này còn có những tòa cao ốc là trụ sở trung ương các ngân hàng lớn và trung tâm thị trường chứng khoán tài chánh: Toronto Stock Exchange, Toronto-Dominion Centre, First Canadian Place và Scotia Plaza.

Tương tự như Queen St., King Street cũng hiện diện ở các thành phố như Kitchener/Waterloo, St. Catharines, v.v.

Queen Street 

 

Queen Street là tên đường mà có thể nói hầu như phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới từng chịu sự thống trị của đế quốc Anh. Do đó chúng ta không lạ gì khi đi đến nhiều thành phố ở Canada đều thấy đường Queen St. Toronto, Brampton, Hamilton, Ottawa. Ngay cả ở Hồng Kông và Tân Gia Ba cũng có Queen Street. Queen Street Toronto là con đường làm chuẩn mốc trong việc hoạch định vị trí khởi thuỷ của thị trấn York. Lằn vẽ trên bản đồ của con đường này có tên là Concession line #1 tức Phân Lộ 1.

Queen Street khởi sắc hơn về phía tây của đường Yonge tức Queen Street West là nơi tập trung sinh hoạt trong các ngành truyền thông, âm nhạc, thời trang, diễn xuất và mỹ thuật. Kể từ hai mươi năm qua, khu vực này đã trở thành trung tâm mỹ thuật quốc tế và điểm thu hút du khách. Một đoạn đường này giữa University Ave. và Bathurst St. đã được tuyên xưng công nhận là Vùng Bảo Tồn Di Sản vì có nhiều tòa nhà mang tính chất cột mốc di tích lịch sử của thành phố với kiến trúc từ cuối thế kỷ 19 vẫn còn tồn tại nên cần được tiếp tục bảo trì gìn giữ.

Ngay trong lần đo đạc địa hình đầu tiên do Alexander Aitkin thực hiện theo lệnh của John Graves Simcoe để chọn nơi xây dựng thị trấn York vào năm 1793, Queen St. có khá nhiều tên gọi khác nhau. Trong 60 năm đầu, nhiều đoạn của con đường này được biết qua tên Lot St. cho đến năm 1837 mới đổi thành Queen St. để vinh danh Nữ hoàng Victoria. Qua thời gian, nhiều nhóm di dân đáng kể tụ tập trên con đường này, ban đầu là người Ái Nhĩ Lan nơi góc Queen với Bathurst gọi là Claretown. Tiếp đến là di dân Do Thái đến lập nghiệp gọi là The Ward. Trong thập niên 1930 nhóm di dân Trung Hoa ở khu đường Queen và Bay gọi là Phố Tàu, đồng thời di dân gốc Ba Lan và Ukrainia đến tập trung ở khu Parkdale Queen St. với Roncesvalles , di dân Bồ Đào Nha đến trong các thập niên 1950 đến 1970. Vì giá cả địa ốc khu trung tâm thành phố tiếp tục tăng vọt, phần lớn những di dân này đã dọn đi nơi khác xa hơn và rẻ hơn, nhường chỗ cho những cơ sở thương mại.

Dundas Street

Dundas Street được ông Simcoe đặt theo tên của Henry Dundas, Bộ Trưởng Gia Cư Anh từ năm 1791 đến năm 1801đồng thời với lúc thị trấn York ra đời. Dundas Street còn có tên là quốc lộ 5 về phía tây của Toronto, là một con đường động mạch chính kết nối trung tâm của thành phố với các vùng ngoại ô phía tây và tây nam Ontario.  Ban đầu dự định là một tuyến đường quân sự kết nối thủ đô với cuối bờ phía Tây của hồ Ontario tại Dundas Valley, con đường ngày nay kết nối điểm mốc của thành phố là Quảng trường Yonge-Dundas và khu phố Tàu chính của thành phố đến tận những làng mạc nông thôn và vùng trung tâm của London, Ontario. Những con đường xuyên suốt đông tây không gián đoạn khác của Toronto là Eglinton Avenue, Steeles Avenue, Highway 7, Castlemore Road/Rutherford Road/Carrville Road/16th Avenue, The Queensway, Bloor Street, và Lake Shore Boulevard. 

College Street 

College Street có tên của nó do sự liên quan đến Trường Đại học Toronto mà trường này nguyên có tên lúc ban đầu là King’s College. Năm 1842, College Street được hoạch định vẽ sơ đồ giữa đường Spadina Avenue và Yonge Street để đánh dấu ranh giới phía Nam của khoảnh đất được phân định năm 1827 cho ngôi trường đại học đầu tiên đó của Toronto. Con đường College này phải đi ngang qua các miếng đất tư của các đại gia Robert Baldwin, John Denison và George Crookshank làm chủ. Tên của hai đại gia này cũng được dùng để đặt tên đường nhỏ hơn trong khu vực đó là đường Baldwin Street đâm ra Phố Tàu Tây đường Spadina Avenue; Denison Avenue trong khu chợ Do Thái (Kensington Market) và Crookshank’s Lane (về sau này trở thành một phần của Bathurst Street).

Sau khi viên thanh tra điền địa John Howard hiến đất của ông cho thành phố năm1873 để làm công viên, con đường College Street từng được dự định nối vào công viên High Park để tạo phương tiện di chuyển dễ dàng cho dân cư trung tâm thành phố đến đây nghỉ ngơi giải trí cuối tuần nhưng tuyến đường sắt phía tây của Lansdowne Avenue đã tạo ra một rào cản ngăn chận lại. College Street đành phải chấm dứt để nhập vào Dundas Street West.

Danforth Avenue

Danforth Avenue, còn được gọi là The Danforth, là mạch giao thông chính trục Đông-Tây của thành phố Toronto, là phần nối tiếp về phía đông của đường Bloor bên kia Don Valley. Danforth Ave. bắt đầu từ cầu cạn Prince Edward  chạy về hướng đông cho đến khi giao nhau với đường Kingston ở Scarborough. Khi qua khỏi Warden Avenue, Danforth Avenue giao cắt với Danforth Road chạy theo đường chéo chiều đông bắc đến phía nam của Lawrence Avenue, nơi nó tiếp tục trở thành McCowan Road. 

Danforth Ave. được đặt theo tên của nhà thầu Asa Danforth Jr, người đã bắt đầu công trình xây dựng Queen Street và Kingston Road kể từ năm 1799. Danforth Ave. chính thức được xây dựng bởi Công ty Don and Danforth Plank Road vào năm 1851 đến khúc Broadview Avenue, xong cũng tiếp tục xây đường này kết nối với Queen Street East và Kingston Road. 

Vào đêm Giáng sinh năm 2001, một đám cháy lớn xảy ra tại Hãng Cung cấp Vật liệu Xây cất Woodbine. Cửa hàng này nằm tại giao lộ của Danforth và Woodbine. Đó là một trong những vụ hỏa hoạn lớn nhất trong lịch sử của thành phố Toronto phải huy động 170 nhân viên cứu hỏa để dập tắt đám cháy ở cấp độ báo động 6 này. Cửa hàng này cách khu dân cư không đầy năm mươi thước khiến cho hơn năm mươi gia đình đã phải di tản vào buổi sáng Giáng sinh. Đám cháy làm cho một người thiệt mạng và một người bị phỏng trầm trọng làm biến dạng cơ thể. Cảnh sát và hãng bảo hiểm nhanh chóng nghi ngờ đây là một vụ cố ý đốt nhà và sau cuộc điều tra, nhiều người đã bị kết án. 

Danforth Road vùng Scarborough là một con đường riêng kết nối Danforth Avenue với McCowan Road. Do đó, thật lạ lùng là chúng ta có thể đứng ở một ngã tư giao lộ của hai con đường cùng tên Danforth Avenue và Danforth Road. Các tham khảo địa phương cần phải cẩn thận lưu ý, nếu không rất dễ xảy ra sự nhầm lẫn. Trước đây, Danforth Road chạy dọc theo đường xe hỏa tiếp đến vùng Highland Creek , với các con đường Painted Post Drive (vì nơi đó có một cây cột được sơn), Military Trail (vì là nơi quân lính tập phòng thủ), Colonel Danforth Trail và Highland Creek Drive.

Bloor Street

Nếu bạn có bao giờ ngồi ở hiên lộ thiên của một cái quán nào đó trên đường Bloor nhâm nhi thưởng thức một ly bia vào một ngày hè nắng ấm, có khi hồn của ông Joseph Bloore đang theo dõi bạn một cách thích thú. Vâng, thưa bạn, Bloor Street đúng là mang tên của một trong những nhà sản xuất bia đầu tiên của thành phố Toronto. Ông xây dựng nhà máy bia của mình trong năm 1830 và khi ông bán nó cho người khác vào năm 1843 để cùng với ông William Botsford Jarvis hùn vốn đầu tư vào ngành địa ốc mua khu đất trở thành khu Yorkville và Rosedalle sang trọng như bây giờ. Năm 1855, khi người ta lấy tên ông để đặt thay cho Tollgate Road, chẳng hiểu sao mẫu tự “e” ở cuối tên ông bị xén mất khiến cho Bloore trở thành Bloor. Tên ông Javis cũng được dùng để đặt tên cho Javis Street để vinh danh một người nữa có công lao trong việc phát triển mở mang thành phố.

Davenport Road

Davenport Road là một trong những con đường xưa nhất của Toronto, nguyên là con đường mòn của thổ dân da đỏ di chuyển giữa hai con sông Don và Humber. Nằm bên dưới mặt đường nhựa là cả một lịch sử qua nhiều thế kỷ của thổ dân. Lối mòn ngoằn ngoèo chạy dọc theo chân vách đá vốn là bờ của hồ Iroquois hơn 13,500 năm trước. Khi những nhà thám hiểm người Âu đầu tiên đến đây vào thế kỷ thứ 17 thì đã thấy có con đường này rồi. Nó được đặt tên Davenport là tên ngôi nhà bề thế đồ sộ nhất của thiếu úy hải quân John McGill xây đầu tiên trên bờ dốc cao nhìn xuống con đường này năm 1797. Chắc chúng ta cũng biết là người xưa thường đặt tên cho dinh cơ bất động sản của họ. Davenport nguyên là gốc Pháp ngữ vùng Normandy và là tên của một vị thiếu tá chỉ huy của Fort York cuối thế kỷ 18. John McGill dùng tên đó đặt cho nông trại và ngôi nhà của ông ta để vinh danh thượng cấp mà ông ngưỡng mộ, và thành phố lấy đặt tên đường chạy qua ngôi nhà nổi bậc đó.

Năm 1861 tuyến đường xe lửa Northern Railway Bắc chạy qua phía nam của đường Davenport và xây một ga trạm ở đó đặt tên ga Davenport. Thế là một ngôi làng nhỏ cũng mọc lên quanh nhà ga và cũng mang tên Davenport. Năm 1889 làng sáp nhập với hai làng lân cận là Carleton và Junction để hình thành thị trấn Junction để rồi mười năm sau lại một lần nữa sáp nhập vào thành phố Toronto. Năm 1821, người chủ thứ nhì mua lại dinh cơ Davenport là đại tá Joseph Wells, thanh tra lực lượng dân quân, dân biểu và bộ trưởng, quản trị viên ngân hàng của Upper Canada. Wells Street mang tên ông. Ngôi nhà Davenport và mảnh vườn bị phá sập năm 1913 để phân lô lại và xây nhiều nhà khác nhỏ hơn.

 

St. Clair Avenue

St Clair Avenue có tên của nó do sự tình cờ và sai lầm chính tả. Gia đình Grainger sở hữu một cửa hàng bán hoa, cây cảnh và dụng cụ làm vườn trên đường Yonge St gần St Clair trong hậu bán thế kỷ 19. Họ sống tại một trang trại gần Avenue Rd. và St Clair. Cậu con Albert trong gia đình Grainger vì không có tên lót nên quyết định đặt cho mình một tên lấy từ tên của một nhân vật trong quyển sách ưa thích của cậu là quyển UncleTom's Cabin của tác giả Harriet Beecher Stowe.

Tên cậu chọn là "St. Clare," người anh hùng đã mua và trả tự do cho Uncle Tom. UncleTom's Cabin được dựng thành kịch lưu diễn khắp Bắc Mỹ và tờ chương trình thường đánh vần sai chữ St Clare thành St. Clair. Vì vậy, Albert chộp lấy cái tên qua phiên bản đó và lấy làm thích thú dùng sơn viết nó lên một miếng bảng gỗ xong đóng đinh nó lên một thân cây to trong trang trại.

Albert là một người lính kèn trong lữ đoàn khinh binh hoàng gia Queen's Own Rifles và thường cùng với ban quân nhạc trình diễn tại Nhà hát Lớn, nơi chàng nhận thấy cái tên lót St. Clair rất hữu ích qua những lần hò hẹn với các cô gái. Albert qua đời ở tuổi 20 vào năm 1872 vì biến chứng hiển nhiên của cảm lạnh mà anh bị nhiễm trong khi thao diễn ngoài trời thời tiết giá lạnh với lữ đoàn đơn vị anh. Nhưng tấm bảng gỗ của anh vẫn còn đóng đinh vào thân cây nơi cũ, và khi các nhân viên đo đạc sở công chánh đến để phóng đường, họ xem nó như là một tấm bảng tên đường đã có sẵn nên chính thức hóa gọi Phân Lộ số 2 là St Clair Avenue.

St. Clare là danh hiệu của vị nữ thánh người Ý, Augustine St. Clare, một tông đồ nồng nhiệt thuần thành của Thánh Phanxicô trong thế kỷ 13. Bà sáng lập ra dòng nữ tu  Phanxicô gọi là "Clares Nghèo Khó". Các vị nữ tu này từ bỏ hết mọi sở hữu tài sản, đi xin của bố thí, sống với nhau như một dòng tu chiêm niệm để dành nhiều thì giờ cho đạo hạnh tĩnh lặng thánh linh. Dòng tu bền bỉ sống còn và tồn tại qua thời Trung cổ và cuộc cách mạng kỹ nghệ. Năm 1989 có 700 chi nhánh Clares Nghèo Khó trên toàn thế giới. 



Năm 1913, một cộng đồng Công Giáo La Mã ở Toronto quyên tiền để xây dựng nhà thờ riêng của họ ở địa điểm gần Dufferin St và Clair Ave. West. Họ đặt tên nhà thờ của họ theo tên vị nữ thánh, và đánh vần nó một cách chính xác: nhà thờ St. Clare Church.

Eglinton Avenue

Eglinton Avenue, ban đầu được biết đến qua tên Richview Sideroad trong địa phận của Etobicoke, là trục lộ huyết mạch đông tây dài xuyên suốt khắp từ Toronto qua Mississauga. Trong địa phận Toronto, Eglinton Avenue là con đường duy nhất vượt qua tất cả sáu quận cũ là Scaborough, East York, Toronto, York, North York và Etobicoke. Tên đường bắt nguồn từ Eglinton Castle ở Tô Cách Lan. Giống như hầu hết các con đường ở Toronto, Eglinton được tái xây dựng từ một con đường quận hạt thành một lộ động mạch vào giữa những năm của thập niên1950. 

Lawrence Avenue

Lawrence Avenue được đặt tên theo Jacob Lawrence, một thợ thuộc da và nông dân trong khu vực của đường Yonge và Lawrence Avenue. Lúc mới đầu, Lawrence Avenue chỉ chạy về phía đông của Yonge Street, còn đoạn chạy về hướng tây đến Weston Road thì có tên là McDougall Avenue. Trong trận bão Hazel xảy ra vào năm 1954, cây cầu trên đường Lawrence Avenue bắt qua sông Humber đã bị cuốn trôi vì mực nước sông dâng cao dữ dội do lượng nước mưa lớn đột ngột.  

Sheppard Avenue, Finch Avenue và Steele Avenue

Sheppard được đặt tên theo Joseph Sheppard I, sở hữu chủ của hơn 400 mẫu Anh (160 ha) đất ở góc phía tây bắc của Sheppard và Yonge Street. Tại đây, Sheppard II, con trai ông đã mở một cửa hàng tạp hóa bán đồ gia dụng năm 1860. Khúc đường Sheppard chạy qua khu Scarborough từng có tên cũ là Lansing Sideroad.

Finch Avenue được đặt theo tên của John Finch, chủ nhân khách sạn mang cùng tên nằm trên con đường này nơi góc đông bắc của Finch Avenue và Yonge Street. Trong những năm 1950, Sở Điện Lực Ontario Hydro đã xây dựng một loạt các đường dây truyền điện cao thế song song với Finch từ Quốc lộ 400 về phía đông vào Pickering. Định tuyến này cũng là một đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên. 

Steeles Avenue là ranh giới về hướng bắc của thánh phố Toronto, được đặt theo tên của JC Steele, chủ nhân một quán rượu nằm trên đường phố này gần ngã tư giao cắt với đường Yonge. 

 

NHỮNG CON ĐƯỜNG DỌC (THEO THỨ TỰ TỪ ĐÔNG SANG TÂY)

Markham Road 

Markham Road là phân lộ thứ tám về phía đông của trục trung tâm là đường Yong Street. Khi ra khỏi ngoài phạm vi thành phố Toronto, Markam Road được gọi là Quốc lộ 48, là một tỉnh lộ trục nam bắc nối Toronto với những thị trấn phía bắc như Markham, Whitchurch-Stouffville và lên tận bờ phía đông nam của hồ Simcoe. Nhưng tên của thị trấn và vùng Markham thì do chính phó toàn quyền John Graves Simcoe đặt cho theo tên của một người bạn thân là William Markham, tổng giám mục giáo phận York lúc bấy giờ.

Kennedy Road

Kennedy Road được đặt tên theo tên của gia đình Kennedy, một trong những họ người định cư nông nghiệp sớm nhất trong thế kỷ 18 và 19 dọc theo con đường nhà nước hoạch định. Có thể việc đặt tên đường có liên quan đến binh nhất John Kennedy thuộc Trung Đoàn 3 của Lực lượng Dân quân York ( nay là The Queen's York Rangers ), người được cấp cho 200 mẫu Anh (0,81 km2) đất gần Kennedy Road và Ellesmere Road. Phần đường Kennedy Road chạy qua Toronto chủ yếu là vùng dân cư với các tòa nhà chung cư nhiều tầng. Tuy nhiên, có một phần giữa Lawrence Ave. East và phía bắc của Sheppard Avenue East bị chi phối bởi các trung tâm thương mại malls hoặc plazas, gồm có Kennedy Commons quen thuộc. Qua khỏi Steeles Avenue về hướng bắc, Kennedy Road tiếp tục thành York Regional Road 3 York chạy lên hồ Simcoe.

Broadview Avenue và những con đường mang nghĩa đen

Nếu ai trong chúng ta từng đi Phố Tàu Đông ắt biết đến con đường Broadview Avenue và công viên Riverdale Park. Đứng trên lề đường cao phóng tầm mắt nhìn về hướng tây, chúng ta có thể đoán biết lý do tại sao con đường lại được đặt cho cái tên đó. Thật vậy, như hầu hết trường hợp tên đường sá đều được đặt tên theo nghĩa đen,  Broadview Avenue cho ta một cái nhìn trải rộng bao quát cảnh quang của trung tâm thành phố Toronto qua thung lũng sông Don. Cắt với Broadview Avenue là Riverdale Avenue với nghĩa đen là thung lũng bên sông. Con đường chạy dọc bên  bờ phía tây sông Don là Bayview Avenue cũng mang nghĩa đen là con đường cho tầm nhìn ra bãi vịnh cửa sông Don chảy ra hồ Ontario. Tương tự như vậy, Humberview Road là con đường nhìn xuống sông Humber, Birchmount Road là con đường có gò cây bạch dương, Victoria Park Avenue là con đường công viên Victoria, công viên mang tên nữ hoàng Victoria, Pharmacy Avenue vì trên đường đó có vài công ty bào chế thuốc tây. 

Front Street có cái tên của nó là vì khi thành phố khởi đầu thành hình, nó là con đường mặt tiền nhìn ra hồ, là tiền tuyến phòng thủ nếu địch quân đổ bộ tấn công từ hồ vào. Lake Shore Blvd (đôi khi bị đánh vần nhầm lẫn là Lakeshore) quá hiển nhiên là đường mé hồ không trật đi đâu. Harbour Street là đường bến cảng, River Street dẫn xuống sông Don River, Bay Street dẫn xuống vịnh, University Ave. và College St. dẫn đến trường đại học Toronto. 

Theo công thức đặt tên đường theo nghĩa đen này, chúng ta có Parkside Drive chạy cặp bên hông công viên High Park, “công viên cao” vì đó là nơi có thế đất cao nhất của cả thành phố, và High Park Boulevard là con đường dẫn vào công viên High Park. North York có đường Oakdale, chạy dọc theo xa lộ 400, dẫn vào sân chơi đánh golf chắc chắn là có nhiều cây sồi. Scarborough có Oakridge Drive vốn là con đường dốc cao có mấy cây sồi. Nếu tất cả đường phố đều đặt tên theo kiểu này thì cũng chẳng cần có bài viết này để làm mất thì giờ của đọc giả.

Parliament Street

Parliament Street là con đường dẫn đến trụ sở Quốc Hội đầu tiên, không phải trụ sở hiện tại mà là trụ sở ngày trước nơi ngã tư cắt với đường Front Street. Trụ sở cũ xây năm 1794 này không cón nữa vì đã hai lần bị cháy rụi. Lần đầu, quân Mỹ tấn công và chiếm đóng Toronto trong năm ngày, đốt cháy và phá hủy năm 1813 sau khi đã lục lạo lấy cướp các vật dụng và tài liệu quan trọng và quí giá. Trụ sở Quốc Hội được xây dựng lại trên đống tro tàn năm 1820 nhưng chỉ bốn năm sau lại bị cháy rụi vì tai nạn hỏa hoạn cho nên đã xây trụ sở mới ở địa điểm hiện tại ở Queen’s Park nhìn xuống đại lộ University Avenue.

Avenue Road

Chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao đã Avenue mà lại còn Road; hai chữ đồng nghĩa đó nhập lại với nhau để thành tên của một con đường, nghĩ ngợi về nó mãi để thấy nó hơi là lạ. Thật ra lý do chẳng qua là vì theo lệ thường, cứ đường dẫn đến địa danh nào thì lấy địa danh ấy để đặt tên. Thí dụ Kingston Road là con đường được làm để đi đến thành phố Kingston, Dundas Street là con đường làm ra để đi đến thị trấn Dundas trong vùng Hamilton, Albion Road là con đường đi đến vùng Albion Hills và Avenue Road là con đường làm ra để tiếp nối với University Avenue.

Nhưng cũng có một câu chuyện truyền tụng khá thú vị kể rằng khi toán đo đạc công chánh của thành phố gồm những người di dân đến từ Tô Cách Lan đang làm việc để chọn nơi phóng đường mới nối vào với đường Bloor, người trưởng toán lên tiếng nói “Let’s ‘ave a new road here” (Hãy làm một con đường mới ở đây). Cách phát âm của câu đó nghe y như “Let’s avenue road here” vậy. 

Avenue Road không phải là con đường duy nhất ở Toronto gồm có hai chữ đồng nghĩa. Vâng, còn có một con đường khác là Rosedale Valley Road nằm ngay phía trên đường Bloor Street East và cắt với đường Mount Pleasant Road. Như chúng ta biết, “dale” trong Anh ngữ đã có nghĩa là thung lũng tương tự như chữ “valley”; vậy mà con đường ấy có tên là con đường thung lũng của thung lũng hoa hồng, kể ra cũng vui đấy chứ.

Spadina Avenue và Spadina Road

Spadina Avenue là một trong những con đường nổi bật đáng chú ý nhất của thành phố Toronto vì nó chạy ngang qua Phố Tàu chính của thành phố. Cách phát âm của chữ Spadina có một điều khá thú vị. Spadina Avenue và Spadina Road thì đọc là Spa-đai-na với vần “ai”; còn Spadina của nhà bảo tàng Spadina House nằm chắn giữa Spadina Avenue thì có cách phát âm là Spa-đi-na với vần “i”. Chính vì thế cho nên sự phát âm nhầm lẫn trở nên rất phổ biến và dễ chấp nhận.

Tên này bắt nguồn từ chữ “ishpadinaa” trong thổ ngữ Ojibwa có nghĩa là "ngọn đồi cao hoặc dốc ngược". Ishpatina Ridge, một ngọn núi ở miền Bắc Ontario cao nhất trong tỉnh bang, có nguồn gốc tên của nó cũng từ chữ này.

Spadina là tên khởi thủy của đường phố này chạy từ Bloor Street xuống tới Queen Street West và do bác sĩ William Baldwin xây đắp từ năm 1815 trở đi. Phần phía nam của con đường này (từ đường Queen trở xuống bờ hồ) được đặt tên là Brock Street cho đến năm 1884. Baldwin thiết kế đường phố, ấn định chiều rộng phình lớn thêm để tạo đường vòng tròn bùng binh bao quanh tòa nhà cổ thuộc Phân Khoa Mỹ Thuật của Trường Đại Học Toronto có địa chỉ số 1 Spadina Crescent như ngày hôm nay. Trong số những con đường nhỏ dẫn vào Spadina Avenue khu Phố Tàu có đường Baldwin Street (nằm phía bắc Dundas St W.) do ông bác sĩ William Baldwin (tự đặt theo tên của chính ông) và Phoebe Street (ở phía nam Dundas St.W.) được đặt theo tên bà vợ Phoebe Baldwin của ông. 

Bathurst Street

Bathurst Street được đặt theo tên Tử Tước Henry Bathurst, người đứng ra tổ chức cuộc di cư từ quần đảo Anh quốc đến Canada sau khi cuộc Chiến Tranh 1812 giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc nhưng chính ông chưa bao giờ đặt chân đến Canada. 

Bathurst Street lúc ban đầu chỉ là một con đường ngắn từ bờ hồ đến Queen Street. Phần tiếp nối phía bắc là con đường tư nhân nhỏ hẹp hơn có tên Crookshank Lane đặt theo tên gia chủ George Crookshank, một chính trị gia, doanh gia tài chính và đầu tư có dinh cơ bề thế trên con đường đó. Năm 1870, Crookshank Lane được mở rộng, sáp nhập mang tên chung Bathurst Street. Thời gian đó, Bathurst Street phía bắc của đường Bloor vẫn còn là một con đường mòn lầy lội. 

Theo kết quả của một cuộc thăm dò thực hiện bởi CAA Ontario, Bathurst Street  là một trong những con đường tồi tệ nhất liên tục từ năm 2004 đến 2007. 

Poplar Plains Road

Poplar Plains Road cũng là một đường mòn xưa nữa của thổ dân trong khu Forest Hill từng là rừng nhiều cây này. Vì thế có phần chắc nó là con đường dẫn qua cánh đồng có mọc nhiều cây bạch dương (poplar), tương tự như Cedar Road là con đường có cây tuyết tùng, Oak Street là đường có cây sồi. Khu vực Forest Hill xưa kia hẳn là rừng vì ngày nay có nhiều đường mang những tên liên quan đến rừng và các loại địa thế như đồi, sườn dốc, trũng, thung lũng: Robinwood Avenue, Elderwood Drive, Silverwood Avenue, Fernwood Road, Inglewood Drive, Chiltern Hill Road, Ridge Hill Drive, Glencairn Avenue, Briar Hill Avenue, v.v.

Poplar Plains Road dài chỉ khoảng 800m có hai đầu nối với Davenport Road ở phía nam và St. Clair Ave. W. ở phía bắc gần lâu đài Casa Loma. Trên nó là hai con đường Forest Hill Road và Old Forest Hill Road cũng là những lối mòn ngoằn ngoèo của thổ dân xưa hàng nhiều ngàn năm sống bằng nghề săn bắn và bắt cá.  Poplar Plains Road trong thế kỷ 18 còn được gọi là “lối tắt đi ra đường Yonge”. Hầu hết những con đường xưa này đều ngoằn ngoèo và khúc khuỷu do địa thế gần nhiều rạch suối và đồi dốc. Đường Old Forest Hill Road uốn éo như thân rắn nên từng có tên là Serpentine Road. 

Vaughan Road

Vaughan Road là một đường phố Toronto cũng nguyên là một đường mòn của thổ dân khi xưa. Vaughan Road được xây đắp năm 1850 để dẫn lên thành phố Vaughan  được đặt theo tên của Benjamin Vaughan, một ủy viên ngoại giao người Anh đã ký hòa ước với Hoa Kỳ năm 1783 tại Paris chấm dứt chiến tranh giữa Anh và Mỹ thường được gọi là Cuộc Chiến Cách Mạng Hoa Kỳ. 

Con đường này trong thập niên 1950 là nơi được các tay đua xe lén trong thành phố ưa chuộng vì có nhiều khúc cong nương theo bờ một con rạch. Con rạch này sau đó đã được chôn lấp giống như số phận của nhiều con rạch khác trong thành phố. Kể từ năm 2000, con đường Vaughan Road đã chuyển mình thay đổi từ những ngôi nhà cũ sập xệ trở thành khang trang hơn, nhất là tại góc Oakwood và Vaughan.

Ossington Avenue

Ossington Avenue được đặt theo tên nhà từ đường thờ tổ phụ Nottingham của gia tộc Denison, sở hữu chủ bất động sản bề thế khu vực Ossington. Gia trang mang tên Brookfield House của John Denison từng nằm ở góc tây bắc của ngã tư Ossington Ave và Queen Street. Những con đường Brookfield Street, Denison Avenue, Dovercourt Road, Heydon Park Road và Rusholme Road  đều có liên quan đến gia tộc Denison.

Phần đoạn đường đầu tiên của Ossington từ Queen Street đến Dundas Street được khảo sát không lâu sau khi thị trấn York được thành lập vào năm 1793.  Nó là một phần của con đường Dundas ban đầu, dẫn tới London, Ontario.  Mãi đến khi cuộc chiến tranh năm 1812 xảy ra, con đường mới được xây dựng sau trận tấn công của quân Mỹ. Trong thế kỷ 19, phần con đường này được phát triển thành một con đường thương mại. Nhà thương điên (Lunatic Asylum) của tỉnh bang Ontario được xây cất ở cuối đường Ossington cắt với Queen Street vào năm 1850. 

Đến năm 1906, Ossington Avenue được xây dựng đoạn phía bắc từ Dundas St đến Davenport Rd sau khi phải lấp con lạch nước Garrison Creek mà dấu vết vẫn còn nhìn thấy chỗ thấp giữa Dundas với College. Trong thế kỷ 20, Dundas Street được mở rộng về phía đông tới trung tâm thành phố Toronto, và phần trên của nó được đổi tên thành Ossington trong khi đoạn phía trên Davenport được đổi tên thành Oakwood Avenue và Ossington hiện nay kết thúc tại Davenport.

Lansdowne Avenue

Lansdowne Avenue được xây dựng bởi làng Parkdale và được đặt theo tên của hầu tước Lansdowne, quan Toàn quyền Canada vào năm 1883. Phần phía bắc Dupont của Lansdowne Avenue được xây năm 1888 và được đặt tên là Mackenzie Avenue, theo tên của William Innes Mackenzie, thư ký Hiệp hội Xây dựng Gia Cư Toronto. Phần phía nam của Davenport ban đầu được đặt tên là Jubilee, tiếp sau đó là Malvern, theo như bản đồ năm 1890 của Toronto.  Nhiều đoạn đường khác nhau đã được đổi tên thành Lansdowne vào năm 1910 khi khu vực này đã được sáp nhập vào thành phố Toronto. Phần phía bắc của Davenport được xây dựng sau những năm của thập niên 1890 và được xây dựng trên bất động sản của Allan Royce. Bất động sản này sau đó cũng đã được phá đi để trở thành Earlscourt Park như ngày hôm nay.

Roncesvalles Avenue

Roncesvalles Avenue là một con đường ngắn trục bắc nam nối Dundas Street West xuống với King Street West. Roncesvalles Avenue được đặt tên theo trận đánh lớn diễn ra ở thung lũng Roncesvalles Tây Ban Nha năm 1813. Roncesvalles có nghĩa là thung lũng gai. Trong trận đánh đó, đại tá Walter O'Hara, một di dân người gốc Ái Nhĩ Lan có đóng góp nhiều công sức thành lập khu xóm này của Toronto, đã chỉ huy một lữ đoàn đánh với đạo quân Pháp rút lui của Nã Phá Luân.

Runnymede Road,  Scarlett Road và Keele Street

Scarlett Road được đặt tên theo John Scarlett, người từ Anh sang đây lập nghiệp năm 1808 và sở hữu hàng chục cây số vuông đất đai nằm ở góc tây bắc ngã tư Bloor Street và Keele Street. Scarlett Road ngày xưa nguyên cũng là một con đường mòn của thổ dân bản địa vì vị trí nằm dọc theo bờ sông Humber. Scarlett Road bắt đầu từ đường St. Clair West ở hướng nam chạy lên qua khỏi Lawrence Avenue về hướng bắc thì nối vào với Dixon Road theo trục đông tây.

Runnymede Road được đặt theo tên của gia trang của John Scarlett tọa lạc nơi góc Dundas Street West và Keele Street. Ông này đặt tên gia trang của mình theo tên cánh đồng Runnymede ở tây nam thủ đô London Anh quốc, là nơi Bản Hiến Chương Magna Carta được ký kết năm 1215 qui định quyền hạn của vua và quyền tự do căn bản của người dân Anh.

Keele Street được đặt theo tên của luật sư William Conroy Keele, cũng là một đại điền chủ láng giềng của John Scarlett.  Bất động sản của ông luật sư này chính là khu vực West Toronto Junction ngày nay. Năm 1857, William Keele mở ra Sân Đua Ngựa Carleton (Carleton Race Course) in 1857 để tổ chức giải đua mang tên Queen's Plate đầu tiên vào năm 1860. 

Islington Avenue

Islington Avenue được đặt tên theo ngôi làng mà con đường Dundas Street West đi ngang qua. Làng Islington trước đây được biết đến qua tên Mimico nằm về phía nam của Gardiner Expressway. Islington Avenue bắt đầu từ Lakeshore Boulevard ở phía nam và tiến về phía bắc Steeles Avenue West, nơi nó đi tiếp vào địa phận của thành phố Vaughan trong vùng lãnh thổ địa hạt York. 

Kipling Avenue

Theo lời đồn đại, Kipling Avenue được đặt theo tên của văn thi sĩ Rudyard Kipling, tác giả tập truyện The Jungle Book. Ông được mời tham dự hội chợ Woodbridge năm 1907 với tư cách là khách danh dự  để đọc thơ ông, nhưng đã buộc phải hủy bỏ vào phút cuối vì lý do sức khỏe. Người ta nói rằng con đường vốn đã có tên cũ là Mimico Avenue đó được thay tên Kipling Avenue  năm 1908 để vinh danh ông, nhưng cũng có thể để vinh danh một nông dân địa phương trùng tên. Điều này mãi cho đến ngày nay vẫn còn là một nghi vấn chưa hề được chứng minh.

The Bridle Path 

Thật là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua con đường Bridle Path này vì đó chính là con đường của những nhà triệu phú giàu có nhất thành phố với những ngôi nhà đồ sộ kín cổng cao tường xây trên những mảnh đất rộng từ 8,000 m2 đến 16,000 m2  .

Con đường khiêm nhường chỉ là “path” chứ không phải bề thế như “avenue” hay “boulevard” nhưng lại không phải là một con đường mòn mà là con đường hầu như dành riêng cho giới nhà giàu. Vì vậy người ta đặt cho nó danh hiệu là Dãy Triệu Phú (Millionaires' Row). 

Mặc dù "The Bridle Path" là tên của một con đường thật, nhưng thường thường cái tên này được dùng để gọi chung cho cả một khu bao bọc bởi các đường The Bridle Path phía bắc, Trung Tâm Y Khoa Sunnybrook phía nam, Bayview Avenue phía tây và Wilket Creek phía đông. Đây là một khu vực hẻo lánh được bao quanh bởi sông Don Valley và địa thế công viên với cỏ cây rậm rạp tươi tốt.

Trước năm 1929, khu vực này còn là đất nông nghiệp. Nhưng sau khi cầu Bayview bắt qua sông Don River được xây xong ở gần ngã tư Bayview Avenue với Lawrence Ave East thì kiến trúc sư danh tiếng (kiêm cựu chiến binh, nhà phát triển địa ốc và giáo sư đại học) Forsey Page (1885-1970) thấy đây là khu vực riêng biệt lý tưởng để xây nhà đắt tiền. Ông vẽ đồ họa kiến trúc và xây ngôi nhà đồ sộ đầu tiên ở địa chỉ số 2 đường The Bridle Path theo phong cách nhà nghỉ mát thuộc địa Cape Cod bên Mỹ. Ngôi nhà này được ghi nhận là chất xúc tác cho sự phát triển của khu phố.

Năm 1937, nhà phát triển địa ốc E.P. Taylor mua một lô đất rộng phía bắc của đường The Bridle Path và xây một dinh cơ đặt tên là Windfields mà ngày nay là Trung tâm Phim Ảnh Canada với công viên Windfields Park phía sau. Sau đó, đồng nghiệp kinh doanh của Taylor là George Montegu Black, Jr (cha của Conrad Black) dọn về khu vực này và xây một lâu đài lớn trên đường Park Lane Circle. Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát những người hàng xóm tương lai của ông ta sau này, Black mua lại công ty sở hữu toàn thể khu đất nông nghiệp ở đấy và thiết lập đặt ra các hạn chế tại chỗ thông qua qui luật phân định vùng thành phố. Luật qui định rằng chỉ được phép xây dựng nhà biệt lập với kích thước tối thiểu là 2 mẫu Anh (0,81 mẫu tây). Khu vực được chia thành vào khoảng 50 lô đất, mỗi lô bán với giá $25,000 vào thời điểm đó, và những ngôi nhà dinh thự bắt đầu hình thành trong suốt thập niên 1950.

Tên con đường này thường bị viết sai chính tả là "The Bridal Path" đối với những người không quen thuộc với lịch sử của khu vực. Trên thực tế, tên "Bridle Path" với nghĩa đen là lối đi những người cưỡi ngựa (“bridle” có nghĩa là bộ giây cương ngựa) đã được suy tính và chọn theo dự tính từ lúc khởi đầu cho khu vực này bao gồm một hệ thống tỉ mỉ các lối dành riêng cho môn thể thao cưỡi ngựa vì hầu hết các sở hữu chủ bất động sản trước đều có nuôi ngựa để cưỡi. Trong khi những con đường đã được mở rộng hơn và tráng nhựa cho những chiếc xe hơi sang trọng lưu thông, di sản của nó vẫn còn qua cái tên The Bridle Path của nhóm đại gia quí tộc, trong số đó có cả nữ ca sĩ Celine Dion.

Phan Hạnh – Nguyễn Thanh Hoàng. Toronto 2011.

Viết theo các nguồn tài liệu tại các nối kết sau:

http://www.allangould.com/books/biohistory/torontostreetnames/books_biohistory_torontostreetnames.html

http://www.muddyyorktours.com/index.html

http://spacingtoronto.ca/2011/01/09/literal-street-names/

http://www.thestar.com/news/article/1022746--toronto-by-the-names

http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_east%E2%80%93west_roads_in_Toronto

http://spacingtoronto.ca/2011/01/09/literal-street-names/

http://www.lostrivers.ca/points/pin.html#ice



 

 

No comments:

Post a Comment