Sunday 16 September 2012

Nhà thương và kỷ niệm


Nhà thương và kỷ niệm

Thương tật: TBI (Traumatic Brain Injury)

Ngày nhập viện: 12/12/2010.

Ngày xuất viện: 11/01/2011.

Bệnh viện Trillium Health Centre

100 Queensway West

Mississauga Ontario.
 

Trong đời tôi, nằm nhà thương cũng đã ba, bốn lần rồi, nhưng lần này là nặng hơn cả, tôi nằm nguyên một tháng trời. Gọi là nhà thương thật đúng nghĩa vì nơi đó, mọi người thương bệnh nhân như người nhà.

 
Chẳng biết có phải tại vì lỡ uống mấy ly rượu chát trong bữa tiệc mà tôi trở nên đi đứng lạng quạng trên nước đóng băng ở bãi đậu xe, tôi không kềm giữ và kiểm soát được đôi chân khẳng khiu như chân gà, tôi trượt té dập đầu sái vai và nằm bất tỉnh nhân sự. Đứa cháu nội cùng đi với tôi hôm đó, nó trông thấy tôi nằm đơ cán cuốc với đôi mắt trợn ngược, nó tưởng đâu tôi đã hồn lìa khỏi xác nên nó vô cùng sợ hãi và khóc òa lên. Có người trông thấy gọi xe cứu thương đưa tôi vô bệnh viện.

 
Sau khi khám nghiệm, bác sĩ bảo tôi bị vỡ các mạch máu sinh ra vết bầm sưng tụ trong đầu, còn vai mặt tôi thì bị tét gân. Kết quả các thử nghiệm cho biết tuy không phải giải phẫu nhưng tôi phải mất một thời gian dài cho tan máu bầm trong đầu; còn cái vai rách gân thì để đấy hạ hồi phân giải, hay nói khác đi là bị sao chịu vậy. Tôi buồn não ruột nhưng rồi tôi tự an ủi ít ra  tôi còn sống. Ở tuổi tôi, nhiều người té rồi đi luôn, hay là nằm luôn thì đúng hơn.

 
Nằm nhà thương ở xứ tân tiến không có gì phải phàn nàn. Nhà thương đúng nghĩa vì bệnh nhân được đối xử quá ư tốt. Nhân phẩm của người bịnh được tôn trọng hết mức. Nhân viên bệnh viện, từ y sĩ đến y tá, y công, (tôi định kể luôn cả Y Phương và Y Phụng) gì cũng tỏ ra rất lịch sự và tử tế với bệnh nhân khiến cho họ cảm thấy được an ủi vô cùng. Chính vì sự đối xử tốt đó mà có nhiều bệnh nhân giàu nhớ ơn, đã hiến tặng cho bệnh viện những món tiền lớn để sửa sang hoặc tân trang và nới rộng.

 
Trang bị và bảo trì của nhà thương thật hết chỗ chê, mọi thứ đều đầy đủ, mới mẻ và sạch sẽ. Nhân viên lau dọn thường trực, phòng bệnh nhân sáng bóng, muốn tìm ra một góc khuất đóng bụi cũng khó. Tôi không có điều gì than phiền về nhà thương cả, tôi chỉ buồn vì biết loại thương tật của tôi sẽ mất thời gian rất lâu mới có thể trở lại bình thường hoặc sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn hồi phục. Buồn là ở chỗ đó. Vì đi dự một bữa tiệc mà ra nông nổi này, hu hu.

 
Bảy giờ sáng, tôi ngồi dậy, bước xuống giường, lăn cái xe rollator để đi vào phòng tắm để làm các công việc vệ sinh cá nhân như đi tiểu, đánh răng, rửa mặt, chải tóc. Tóc và râu của tôi đều đã lâu không hớt cạo, nếu tôi không chải chuốt cho gọn ghẽ nữa thì e trông bệ rạc.

 
Thật ra tôi dậy trước đó đã lâu nhưng cứ nằm nướng trên giường vì chẳng có việc gì khác để làm. Nằm nhà thương thì có việc gì đâu mà làm chứ. Đôi mắt nhắm lại đấy nhưng cay sè vì có ngủ nghê gì được đâu. Đau bệnh mà. Tôi ngủ không được thì tai tôi bắt buộc phải nghe, nghe chỉ bằng một tai thôi vì tai kia đã bị ù, lúc nào cũng có sẵn tiếng ve sầu kêu vang miễn phí thường trực. Tuy tôi nghe chỉ bằng một tai nhưng sao tiếng rắm và tiếng đi tiểu tồ tồ trong bô của lão Ba Lan giường bên cứ rõ mồn một, thật chẳng khác sấm động nam bang và vũ sa bắc hải.

 
Có một đêm nọ, chẳng biết lão lóng cóng sao đó mà trong lúc vũ sa bắc hải, lão đá đụng cái bô làm nước tiểu đổ ra sàn. Lão đã bấm chuông mà còn sợ tiếng chuông không tới tai y tá trực, lão la “Help me!” chói lói như là Điệp gọi “Lan ơi mở cửa cho anh vào” vì Lan đã cắt đứt giây chuông. Y tá chạy vào lượng định tình hình, xong kêu cứu viện y công đến lau dọn. Tôi nghe lão xổ một tràng tiền nhỏ tiếng Ba Lan và vài tờ năm trăm tiếng Anh, giống như giây pháo tiểu lâu lâu có chêm pháo đại, nghe vui kể gì.

 
Xong cái màn vệ sinh buổi sáng, tôi lại lái chiếc rollator trở ra và đậu nó sát một bên giường. Tôi gọi cái xe lăn bốn bánh có thắng tay này là BMW vì nó tiện lợi và tối tân hơn loại khung bốn chân bọc cao su mà tôi đã dùng trước đó. Nhà thương cấp cho tôi cái này để được an toàn hơn.

 
Những tiện nghi và cách phục vụ của nhà thương đã khiến cho một người bạn vào thăm tôi phát biểu rằng thật chẳng khác nào tôi đang ở trong một khách sạn 5 sao. Căn phòng quả là rộng với chiếc giường điều chỉnh được nhiều vị thế nằm, nâng cao phần đầu hoặc chân, nâng lên xuống cao thấp cho vừa tầm. Đặt cạnh giường là chiếc bàn hai mặt có thể xếp lại hoặc kéo ra và xoay chiều để người bệnh có thể dùng bữa ăn ngay trong lúc nằm trên giường.

 
Phòng có nhiều tủ để chứa đựng quần áo và đồ dùng cá nhân của bệnh nhân, có cả màn ảnh TV và điện thoại. Hai chiếc ghế nệm loại salon cho khách thăm ngồi thoải mái. Một chiếc xe lăn luôn túc trực trong phòng để bệnh nhân dùng. Từ thang máy bước ra là gặp ngay tiền sảnh rộng có đặt ghế nệm salon và mấy cái bàn thấp với các nội san tạp chí y học và bản tin của nhà thương, một màn ảnh TV dẹp sát tường. Người bệnh có thể ra đó ngồi tiếp khách hay chuyện trò làm quen với các bệnh nhân khác.

 
Nếu đi dọc hành lang dài để đến đầu phía bên kia, người ta sẽ thấy một phòng ăn nhỏ có trang bị tủ hai tủ lạnh, lò vi ba và bàn ghế cho cỡ 8 người ngồi. Thân nhân của người bệnh mang thức ăn riêng có thể cùng nhau ngồi đó dùng bữa. Thức uống lạnh như nước táo từng lon nhỏ luôn được chứa sẵn khá nhiều trong tủ lạnh cho nhân viên và bệnh nhân tự động lấy dùng.

 
Sự phục vụ tối đa dành cho bệnh nhân thì khỏi nói, khách sạn 5 sao mà. Có mấy đêm bỗng nhiên người tôi lạnh run, không phải vì nhiệt độ trong phòng không đủ ấm mà tại vì hệ thống thần kinh của tôi bị trục trặc sao đó khiến tôi tự nghĩ phải chăng đây là hiện tượng của sự gần đất xa trời. Mỗi đêm vào khoảng 9 giờ, y tá mang thuốc đến cho tôi uống cử chót và chúc tôi ngủ ngon. Tôi đáp rằng tôi lạnh quá chắc khó mà ngủ ngon được. Y tá bảo đừng lo, thế rồi cô đi lấy vớ mang cho tôi, đi lấy chăn mới đã được sưởi ấm sẵn trước và đắp thêm cho tôi và còn hỏi như vậy tôi đã ấm đủ chưa.

 
Tôi lấy làm lạ khi nhận thấy rằng tất cả nhân viên bệnh viện làm việc mà chẳng lộ chút nét căng thẳng nào. Họ không bao giờ làm điều gì có thể khiến cho bệnh nhân phải lo lắng thêm một cách không cần thiết. Một bà bác sĩ về phục hồi thỉnh thoảng vào hỏi thăm. Bà hỏi bà ngồi xuống cạnh giường được không rồi bà cầm tay tôi để an ủi. Tôi lại nghi tầm bậy hay là người ta thấy mình không khá nỗi nên tỏ ra tử tế với mình đặc biệt hơn chăng.

 
Vừa leo lên giường nằm lại chưa nóng lưng, tôi đã nghe tiếng hai cô y tá vén bức màn đi vào phòng của tôi. À, thì ra đã bảy giờ rưỡi sáng rồi, giờ của y tá bàn giao ca trực.  Một cô xuống ca và một cô lên ca vào để bàn giao món nợ đời là tôi. Họ đứng lại ở gần cửa. Cô xuống ca nói một tràng dài, giọng thấp như muốn nói riêng giữa họ với nhau thôi. Tôi tự ý diễn dịch như sau:

 
“Này nhá, món hàng của tui bàn giao lại cho bồ còn sống nhăn và lành lặn y nguyên, vẫn còn trong tình trạng tốt đó nhá, nếu chút nữa có xảy ra chuyện gì thì đừng đỗ thừa tui nha bồ.” Thôi thế thì đúng rồi, điệu này mình đã hết thuốc chữa, thầy chạy.

 
Cô lên ca muốn cho chắc ăn, lên tiếng hỏi món hàng bàn giao là tôi:

 
“Good morning ông Nguyễn. Sáng nay ông cảm thấy như thế nào?”

 
Bệnh của tôi gọi là TBI, viết tắt của Traumatic Brain Injury, chấn thương não. Tôi muốn kể lể đủ các món ăn chơi mà tôi đang hứng chịu là nhức đầu, đau vai, chóng mặt, ù tai, muốn ói, không ngủ được, vân vân và vân vân, nhưng tôi sợ các cô tưởng tôi mắc bệnh than hoặc sinh ra gần mỏ than. Vả lại tôi đang mệt và bi quan thì làm sao mà đủ sức đâu để trả lời dài dòng. Vì vậy tôi đáp gọn kiểu huề vốn:

 
“Cũng giống như hôm qua.”

 
Cô y tá xuống ca trấn an với người đồng sự:

 
“Ông Nguyễn rất tốt. Ông có thể tự lập. Ông là một bệnh nhân gương mẫu đó.”

 
Chữ cô ta dùng là “Ace patient”, nhưng chẳng lẽ tôi dịch là “bệnh nhân thằng ách”? Tôi bỏ chơi bài lâu rồi, thằng ách, thằng già, con đầm, thằng bồi gì tôi cũng quên hết rồi.

 
Mới được khen một phát xong là tôi đã thấy một cô y tá đẩy cái bàn nhỏ vào cạnh bên giường của tôi để xin tôi tí huyết. Lại thử máu. Tôi nhìn thấy máu của tôi chảy ra bốn cái ống mà tiếc rẻ. Tôi luôn thắc mắc tại sao người ta lại cần nhiều máu như vậy. Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi thì người ta chỉ cần quệt một tí máu và đặt dưới kính hiển vi là có thể biết ngay mọi kết quả cơ mà.

 
Tôi thuộc tạng người bạch diện thư sinh chứ không phải vai u thịt bắp, gân tay của tôi lặn dưới da rất khó thấy. Vậy mà y tá nhà nghề phóng kim một phát là trúng phóc, tôi phục lăn tay nghề của cô. Chẳng bù với cô y tá tại văn phòng bác sĩ gia đình của tôi cứ lụi tới lụi lui, ngoái kim qua ngoái kim lại như một tay say rượu lái xe, hậu quả là đã để lại trên cánh tay tôi vết máu tụ bầm cả tuần mới tan hết. Mỗi lần như vậy tôi cứ phải cầu trời khấn Phật. Tìm gân khác với tìm chim/Chim bay dễ thấy, gân chìm khó châm.

 
Chỉ mất năm phút là cô y tá làm xong công tác lấy mẫu thử máu cho tôi và đi qua bệnh nhân phòng bên. Hai bệnh nhân nằm chung trong một căn phòng rộng ngăn đôi bằng một tấm màn dầy. Tôi nghe tiếng tôi lão bệnh nhân bên kia ồm ồm to giọng, “You want my blood again, vampire?”

 
Cô y tá đáp rằng nếu cô là ma dơi hút máu thật thì cô cô cũng chẳng thèm rớ tới ông. Lão bệnh nhân bên cạnh cũng tếu. Lão là người di dân Ba Lan. Sở dĩ tôi biết được là vì có một hôm tôi nghe y tá hỏi lão đang đọc báo ngôn ngữ gì đó. Lão đáp “Polish”, xong lão còn tiếu lâm, “Cô không thấy tôi luôn luôn bóng nhoáng đây hay sao?” Thì ra lão chơi chữ. Polish vừa có nghĩa là thuộc về nước Ba Lan và cũng có nghĩa là đánh bóng.

 
Lão Ba Lan kể cũng lạ. Lão nói chuyện qua điện thoại với ai đó bằng tiếng Ba Lan nhưng lại dùng những tiếng chửi thề Anh ngữ. Trong cuộc điện đàm, thỉnh thoảng lão cứ chêm vào nào là “lỗ lừa”, nào là “phân bò” , nào là “chữ f”, tôi nằm bên này nghe mà nhột cái lỗ tai, mặc dù ngày xưa trong quân đội, mỗi khi xếp lớn tới, tôi nghe có người hô “phắc” lia chia để mọi người đứng nghiêm chào xếp. Quen thói hay xài giấy năm trăm, một hôm lão Ba Lan xài luôn trước sự hiện diện của cô y tá liền bị cô dạy cho một bài học phải nín khe. Kể ra nhân viên bệnh viện khá vất vả với lão vì hầu như lão làm tất cả mọi chuyện đều tại chỗ. Chắc lão cũng chẳng muốn như vậy đâu mà chẳng qua vì lão đi đứng không được.

 
Xong màn lấy mẫu máu thì tới màn uống thuốc. Y tá đưa thuốc gì thì tôi cứ uống chứ hơi đâu mà nhớ cho hết vì nhiều thứ và nhiều lần quá nhớ không hết. Nếu tôi cố gắng dùng trí óc để nhớ e rằng tôi sẽ mau mệt thêm.

 
Nếu xét theo tiêu chuẩn làm phiền nhiều hay ít thì tôi đúng là một bệnh nhân gương mẫu vì tôi tránh tối đa sự làm phiền các nhân viên nhà thương. Nằm nhà thương suốt một tháng trời, tôi chỉ nhờ nhân viên nhà thương phụ tắm cho tôi chỉ có ba lần. Không phải tôi ở dơ nhưng những lần tắm kia tôi tự biên tự diễn. Những lần khác kia đó, tôi loay quay một cách khổ sở để tự rửa ráy cho mình mà không dám phiền họ. Cứ cách hôm, tức là bữa tắm bữa nghỉ, khoảng sau bữa ăn sáng, họ hỏi tôi:

 
“Ông Nguyễn ơi, ông có cần giúp để tắm rửa không? Do you need help to wash yourself?”

 
Trong những ngày đầu, vì còn quá đau yếu, tôi miễn cưỡng đáp “Yes”. Họ bảo tôi nếu có y phục riêng và sạch để thay thì hãy lấy ra trước đi, mặc áo choàng của nhà thương mãi cũng nản. Họ bảo để họ vào phòng tắm dọn sẵn, đặt ghế ngồi, chỉnh vòi nước. Xong họ gọi tôi vào, bảo tôi cởi áo khoác của nhà thương, ra lệnh cởi luôn cái quần lót. Họ nói xin lỗi là trong nhà thương không có sự riêng tư. Tôi ngại và ngượng, tuy vẫn biết là vì quen với công việc của nghề nghiệp, họ không nghĩ như tôi.

 
“I will wash your head and your back. Can you do your front side and your under side?”  Cô nói cô sẽ gội đầu tôi, tắm rửa lưng tôi, và hỏi tôi lo phần ngực bụng và hạ bộ có được không. Dĩ nhiên là tôi làm được. Nhỡ tôi làm không được thì sao? Chắc là họ cũng giúp tôi lau rửa bộ phận chiến lược chứ? Súng đạn cũ từ thời đệ nhị thế chiến (tôi ra đời từ đầu năm 1944 lận mà) biết có còn nên gọi là vũ khí chiến lược nữa hay không.

 
Tôi từng nghe kể có nhiều bệnh nhân già dịch thích chọc ghẹo y tá bằng lời nói và bằng cả hành động. Tôi thích nhất câu chuyện cười kể về một lão bệnh nhân cắc cớ nọ một hôm báo cho cô y tá biết rằng thằng nhỏ của ổng mới chết rồi. Cô y tá cũng đáp phụ họa, “Vậy thì tôi xin có lời chia buồn với ông.” Qua ngày hôm sau, cô vào phòng thì thấy ông nằm trên giường và để ló thằng nhỏ ra ngoài. Cô hỏi ông làm gì kỳ cục thế; ông đáp, “Hôm qua chết, hôm nay là ngày thăm viếng ở nhà quàn. Hòm mở nắp mà.” Ông già này ngon hơn tôi nhiều. Đời nào tôi dám cả gan làm như vậy. Nội cái việc người khác giúp tắm mà tôi cũng đã cảm thấy kỳ kỳ.

 
Hơn sáu mươi năm trong đời, bây giờ tôi mới lại được người khác tắm cho. Người tắm cho tôi sáu mươi năm trước chẳng ai khác hơn là mẹ của tôi. Bây giờ già cả đau yếu lại phải nhờ người khác tắm cho, tôi cảm động. Tôi nói với y tá là cô làm cho tôi nghĩ đến mẹ tôi. Tuy họ chỉ làm việc theo bổn phận nhưng tôi vẫn cảm thấy như trong đó có một chút ân nghĩa tình thân.

 
Người ta tắm xong người ta khỏe còn tôi tắm xong là tôi cảm thấy mệt. Đang đau bệnh mà, ráng đi tắm đã là một sự cố gắng vượt qua mức chịu đựng của tôi, một phần khác cũng vì tôi có một tâm hồn yếu đuối dễ cảm động. Tôi mau mệt lắm, làm gì cũng mệt, ngay cả không làm gì một hồi cũng mệt.

 
Nhân viên phục vụ rất nhiều, người thì lo ghi cập nhật ngày tháng và tên y tá trực thay đổi mỗi ngày, người thì thay nước uống, thu dọn các thùng rác nhỏ, thu khay đựng thức ăn, thay khăn trải giường. Mỗi ngày đều có nhân viên nhà bếp đi hỏi bệnh nhân chọn thức ăn gì cho ngày hôm sau. Mỗi tuần có chuyên viên dinh dưỡng và chuyên viên về kiêng khem đến tìm hiểu và tham khảo ý kiến của bệnh nhân để họ sửa đổi thực đơn cho thích ứng với nhu cầu của bệnh nhân.

 
Tôi lại leo lên giường nằm thở ra. Thở ra không sao được! Thở ra không là đi luôn đó. Tôi phải hít hơi vào nữa chứ. Nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi bâng quơ một lúc là đã 10 giờ, giờ tôi phải lết qua phòng gym tập vật lý trị liệu. Có ba cô chuyên viên vật lý trị liệu tất cả và do sự trùng hợp ngẫu nhiên, cả ba người đều có tên bắt đầu bằng mẫu tự “L”: Lynn, Linda và Laura mà tới ngày rời nhà thương, tôi vẫn không thể nào nhớ tên nào gắn cho mặt nào. Để tránh gọi tên họ nhầm lẫn, tôi cứ chào trống không khơi khơi kèm theo một nụ cười cầu tài.

 
Buổi tập chỉ có nửa giờ mà có hôm tôi cảm thấy sao nó dài quá. Buổi tập bắt đầu bằng màn hâm nóng là đi bộ một vòng Khu Phục Hồi nguyên tầng lầu 4. Tôi lái chiếc BMW (rollator đó mà) của tôi; cô chuyên viên VLTL đi kèm một bên, vừa đi vừa nói chuyện, nhưng thường là cô ta nói hoặc đặt câu hỏi, còn tôi chỉ trả lời nhát gừng. Thỉnh thoảng cô ta tươi cười ban cho tôi một tiếng khen, có khác nào chủ dắt chó đi ị khen cho nó một tiếng.

 
Vào phòng gym, cô chuyên viên VLTL chỉ cho tôi tiến đến lối đi dài khoảng mười thước và có thanh vịn hai bên, bảo tôi bước đi, thoạt đầu vịn cả hai tay, dần dần một tay và tập bỏ tay ra. Tôi suýt quỵ mấy lần vì hai cái chân còn yếu. Sau một lúc chừng năm, bảy phút, tôi được ngồi nghỉ lấy sức rồi qua màn đạp pédal như kiểu đi xe đạp nhưng là ngồi ghế thấp và duỗi hai chân thẳng ra phía trước. Trò này dễ ăn. Cô ta vặn đồng hồ 5 phút, bảo tôi ngồi đó tập một mình trong lúc cô đi lo chuyện khác.

 
Đến cái màn tập giữ thăng bằng cơ thể thì hơi gay go đối với tôi. Tôi phải đứng lên một miếng ván kê hổng hai bên và giữ không cho cạnh miếng ván chạm sàn. Tôi không ưa cái trò xiếc này chút nào. Ngoài ra còn có một mớ trò tập luyện khác, thật chẳng khác nào cảnh một vườn trẻ, chỉ khác một điều là trẻ con thì vui thích trong khi những người già yếu bệnh hoạn như tôi thì như chết rồi.

 
Để chuẩn bị cho bệnh nhân tái thích nghi với công việc thường làm khi về nhà, một occupational therapist (mà tôi xin gọi đại là trị liệu viên về phục hồi sinh hoạt thường nhật) cho tôi làm các bài tập trắc nghiệm về trí nhớ, sự định hướng, cách phản ứng, cách suy luận và cách giải quyết vấn đề. Các bài trắc nghiệm này được làm bằng cách chạm ngón tay vào màn hình của máy điện toán.

 
Tôi mệt rồi đó nha. Đủ nửa tiếng rồi đó nha. Trước khi được tha cho về phòng, tôi còn phải lái chiếc BMW của tôi đi một vòng Khu Phục Hồi, lần trước là làm cho nóng máy, lần này là làm cho nguội xuống.

 
Về đến phòng mình, tôi lại leo lên giường nằm nghỉ tiếp. Buổi ăn điểm tâm chỉ có một trái chuối, một bát ngũ cốc với sữa và một ly trà, thế mà sau mấy tiếng tôi vẫn chưa thấy đói. Tôi nằm đó nghĩ không biết những người thân của tôi đang làm gì, nghĩ không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, tôi có trở lại bình thường được hay không, nản hết sức.

 
Xế hôm đó có người bạn Mỹ từ New York nghe tin tôi nằm nhà thương nên lái xe qua thăm. Tôi cảm động nhưng buồn. Tôi hỏi anh ta có mang vũ khí theo không thì cho tôi mượn để tôi kê súng vào đầu bắn một phát chết cho rồi. Anh ta đáp súng thì không có nhưng có cái máy khoan cầm tay chạy pin đang để dưới xe, nếu tôi có can đảm kê mũi khoan vô màng tang mà bóp cò cho mũi khoan xuyên qua sọ vào óc tôi thì anh ta xuống xe mang nó lên. Anh ta biết tôi chẳng bao giờ có can đảm làm như vậy cả.

 
Nhiều lúc tôi xuống tinh thần đến mức tuyệt vọng vì cảnh nhà đơn chiếc chỉ có hai vợ chồng và đứa cháu nội. Tôi nằm nhà thương, tất cả mọi chuyện lo toan ở nhà giờ đây vợ tôi phải một mình gánh vác. Vậy mà nàng luôn luôn cố gắng thu xếp để có thể vào nhà thương an ủi tôi. Nhà thương cách nhà vợ chồng tôi cũng hơn hai chục cây số, ở hai thành phố khác nhau. Khi tai nạn xảy ra, xe cứu thương không cần biết bệnh nhân cư ngụ ở đâu; họ chỉ đưa đến bệnh viện gần nhất. Vợ tôi không biết lái xe, phải trông cậy vào lòng hảo tâm của hàng xóm hoặc bạn bè, điều đó làm cho tôi thật là ái ngại. Tôi biết nàng còn có bao nhiêu công việc phải làm ở nhà, kể cả xúc tuyết lối đi và kéo thùng rác nặng ra ven đường vào ngày đổ rác. Mỗi khi chiều tối nàng ra về, tôi nhìn theo dáng người vợ nhỏ con yếu đuối mà nghe lòng buồn bã.

 
Nàng vào thăm tôi vì lo lắng cho tôi trong tình chồng vợ, muốn tận mắt biết xem tình trạng sức khỏe của tôi ra sao và không nở để tôi lẻ loi. Nàng ngồi bên tôi, mở hộp đựng trái cây đã gọt sẵn đút cho tôi ăn, một cử chỉ săn sóc đáng yêu biết chừng nào. Mỗi người vợ là y tá riêng của chồng, và nàng là y tá trọn đời của tôi.
 

 
Y tá thật của bệnh viện làm việc quả là quá cần mẫn, cứ thăm hỏi bệnh nhân thường trực. Có điều đôi khi họ dùng từ ngữ nhà thương tôi không hiểu. Chẳng hạn như thay vì hỏi “Ngày hôm qua ông có đi toi-lét không?”  thì họ lại hỏi “Ngày hôm qua ông có cử động  ruột của ông không. “Did you move your bowel yesterday?” Có y tá còn làm khó tôi bằng cách dùng từ ngữ một cách chuyên khoa hơn: “Did you have a BM yesterday?” BM là chữ viết tắt của bowel movement thường dùng trong ngành y, y tá nhè tôi là người dốt y học mà đem ra dùng khiến cho tôi ú ớ và thộn mặt ra.

 
Nói đến chuyện nghe lầm, năm trước đó, nó đã xảy ra với tôi một lần ở phòng mạch bác sĩ chuyên khoa gan ruột. Ông bác sĩ đặt những câu hỏi về tiểu sử bệnh trạng của tôi, chẳng hạn như tôi đang dùng những loại thuốc gì, đã từng nhập viện chưa, từng bị giải phẫu chưa, thói quen trong đời sống hàng ngày, có uống rượu, hút thuốc không, có ai trong gia đình bị ung thư không. Tôi đoán ông người gốc Đông Ấn, vì nước da nâu của ông và một phần cũng cái tên lạ họ lạ mà tôi chưa gặp bao giờ.

 
Ông nói tiếng Anh có âm điệu lạ nên đôi khi tôi nghe không rõ trong khi cái tai bên mặt của tôi hơi bị điếc. Vì tôi bị nghi nhiễm vi khuẩn gan nên ông hỏi kỹ vể những dữ kiện liên hệ. Ông hỏi tôi về những sinh hoạt và quan hệ tình dục. Khi ông hỏi, “Are you active sexually?” thì tôi lại nghe là, “Are you active socially?”

 
Bình thường, tôi quen nghe người ta hỏi câu sau chứ chưa ai hỏi tôi câu trước. Tôi đinh ninh ông cũng giống như mọi người, muốn biết tôi có tích cực giao du với bạn bè, cộng đồng xã hội không. Chính vì đinh ninh như vậy nên tôi đáp: “Oh yes, I hang out with friends every weekend and we have lots of fun together!”

 
Nghe tôi trả lời như vậy, ông ta gật gù rồi hỏi tiếp: “With more than one partner?”

 
Tôi đoán có cái gì không ổn trong câu hỏi này: “What do you mean partner?”

Ông nói: “Sex partner.”

Tôi sửng sốt: “What sex partner?”

Ông nói: “I thought you were active sexually and you said you went out every weekend and you had a good time with your partners?”

Tôi cực lực cải chính: “No! I never said that!” I did say I hang out with friends and have fun, like going shopping, going to the movies, walking in the park and having dinner together. Socially, that's all.”

Ông vỡ lẽ ra và cười cười nói: “Oh... I'm sorry. I asked you if you were active sexually...” Tôi cũng đáp xuôi theo: “And I thought you asked if I were active socially.” rồi cả hai chúng tôi cùng cười cho chuyện hiểu lầm tai hại ấy. Không chừng ông ta tưởng tôi là một lão già gân. Sự thật là cả đời tôi có thấy mặt mũi một viên Viagra hoặc Levitra hoặc Cialis, hay Soma, Propecia, Acomplia, Xenical ra làm sao đâu.

 
Trở lại tình trạng hiện tại, may là sự bài tiết và tiêu hóa của tôi bình thường, nhân viên nhà thương đỡ cực. Họ quan tâm hỏi han là phải để họ còn cho thuốc trị sớm. Lão Ba Lan giường bên đã một lần bị táo bón, y tá phải bắt lão nằm nghiêng và cong người lên để cạy phân ra như cạy đất sét. Người ta cực với lão như thế mà lão lại hay ăn nói kém êm thắm và lại còn xài giấy năm trăm nữa chứ.

 
Trong lúc tôi đi qua phòng gym để tập vật lý trị liệu, nhân viên quét dọn vào phòng của tôi để dọn dẹp. Tôi trở lại phòng thì đã thấy mọi thứ ngăn nắp gọn gàng. Tôi nằm nhìn ra cửa sổ. Trời bên ngoài đang có nắng. Tuyết rơi đêm qua còn bám đầy trên mái nhà và nhánh cây. Cửa sổ phòng tôi nằm nhìn về hướng tây, bên ngoài vòng rào của bãi đậu xe là một vài ngôi nhà nhỏ kiểu cổ trên các lô đất rộng có nhiều cây cối. Cảnh tượng đó gợi liên tưởng đến một thời xa xưa của thế hệ trước; nó toát lên một nét gì thanh bình xoa dịu tâm hồn tôi. Nhìn những căn nhà nhỏ đó tôi không khỏi nhớ một thời ấu thơ êm đềm xa lắc ở một làng quê.

 
Nằm nhà thương trong một thành phố tân tiến như thế này, tôi nghĩ tôi đang được hưởng những may mắn và ưu đãi hay được cưng chìu. Có lẽ tôi nên tạm quên đi sự đau bệnh của tôi để đón nhận và vui hưởng những gì tôi được mọi người ban cho.

Tôi nào có bị bỏ quên trong cô đơn lẻ loi. Hàng ngày ngoài những ân cần chào hỏi của mọi người trong nhà thương, tôi còn được người thân và bạn bè thường xuyên vào thăm và săn sóc. Họ mang vào cho tôi nhiều quà bánh thức ăn và lòng yêu thương trìu mến. Những cái nắm tay vuốt ve, những lời an ủi làm cho tôi cảm động. Họ phải lặn lội xa xôi đến thăm tôi, phải bỏ ngang những công việc và sinh hoạt hàng ngày của họ, tốn thì giờ và công của để đến với tôi và cầu mong cho tôi mau chóng bình phục. Tôi cảm thấy tôi nằm đấy thì đã yên, phần chịu vất vả là họ. Tôi nghĩ nhỡ vì đi thăm tôi mà họ bị xảy ra chuyện gì, chắc tôi sẽ ân hận vô cùng.

 
Nhưng khi màn đêm buông xuống, khi từ hệ thống loa vang lên lời báo đã đến giờ bệnh viện cần sự yên lặng, khi người khách thăm viếng cuối cùng từ giã ra về, tôi cũng không khỏi có cảm giác lẻ loi. Tôi nhớ nhà. Nhà thương có là cung vàng điện ngọc thì cũng là chỗ công cộng. Căn nhà nhỏ nhắn của vợ chồng tôi vẫn là mái ấm của riêng mình. Ai cũng muốn được trút hơi thở cuối cùng trên giường ngủ ở nhà trước sự hiện diện đông đủ của người thân. Ước nguyện bình thường nhưng có khi khó thực hiện.

 
Buổi trưa trước lễ Giáng Sinh, không khí Khu Phục Hồi Tầng Lầu Bốn nhộn nhịp hẳn lên. Tôi nghe tiếng mọi người chào nhau câu Merry Christmas. Một nhóm người thiện nguyện đi từng phòng bệnh nhân để chúc mừng giáng sinh và cùng hát một bài hát ngắn. Bữa ăn chiều hôm ấy có món gà tây với nước sốt dâu cranberry cùng với bánh bông lan có nhân mứt trái cây.

 
Trưa hôm sau, khi tôi vừa dùng bữa xong thì cô y tá bảo tôi rằng ở tiền sảnh gần thang máy hôm nay có một buổi văn nghệ bỏ túi mừng giáng sinh do nhân viên tầng lầu này tổ chức để cho bệnh nhân giải khuây. Cô nài nỉ vợ tôi hãy đẩy tôi trên xe lăn ra đấy tham dự và chung vui. Nơi ấy có đặt sẵn một cây đàn dương cầm. Một nam nhân viên đang đàn một bài nhạc thánh ca quen thuộc. Ban hợp ca gồm có sáu cô nhân viên bệnh viện mặc đồng phục mấy màu khác nhau mà tôi đoán là để phân biệt cương vị.

 
Đám khán giả được phát lời của các bản nhạc để hát theo nếu thích. Những người thuộc thành phần nhân viên bệnh viện thì sốt sắng tham gia cùng hát, còn đám bệnh nhân phần lớn là các cụ già phái nam ngồi xe lăn thì đa số chỉ ngồi đó làm cục nhưn lấy lệ. Vợ chồng tôi hát lí nhí cho phải phép lịch sự bài Silent Night ai mà chả biết.

 
Ngày Thứ Bảy cuối tuần kế tiếp, vợ, cháu nội và cả gia đình đứa con gái tôi mang thức ăn và một băng rôn có chữ Happy New Year vào gắn lên tường và mấy đứa cháu cùng hô lên chúc mừng ông. Chúng còn lấy phấn vẽ lên tấm bảng một bức tranh hí họa.

 
Nằm nhà thương ở một nước tân tiến, bệnh nhân được chăm sóc tận tình, chuyện tiền bạc tính sau. Nhà thương không hề kiếm chuyện đuổi khéo bệnh nhân nghèo, từ chối việc chữa trị hoặc đối xử tệ bạc thiếu nhân cách. Tôi nghĩ mình quá may mắn khi so sánh với tình trạng mẹ tôi nằm bệnh viện ở quê nhà. Bà vừa mất ở quê nhà năm trước vì bịnh tiểu đường khi bệnh viện bó tay và cho bà về nhà để họ đỡ gánh lo trách nhiệm. Tuy nằm bệnh viện, mẹ tôi được chăm nuôi bởi thân nhân con cháu túc trực ngày đêm vì nhân viên nhà thương hầu như chẳng lo được việc gì ngoài sự chẩn bệnh và thử nghiệm có tính tiền. Tệ hại nhất phải nói đến thái độ đối xử của nhiều nhân viên đối với bệnh nhân. Vì lẽ đó, bà cũng chẳng màn nằm lại bệnh viện làm gì, thà về nhà nằm chết trong căn nhà thân yêu quen thuộc.

 
Đúng là tôi may mắn. Mấy ngày cuối tuần, thân nhân của tôi gồm vợ, con gái, con rể và hai đứa cháu ngoại vào thăm. Ngày thường thì có mấy người bạn của tôi. Họ về hưu non, làm việc tự do hoặc làm việc tại gia nên vào thăm cho tôi vui. Có những người thân hoặc bạn bè bận đi làm ban ngày thì vào thăm tôi sau giờ làm việc. Thường thì ai vào thăm cũng mang cho tôi một ít thức ăn, sách báo đọc giải trí, món quà nho nhỏ.

 
Ngoài ra, tôi nhận được rất nhiều cú điện thoại gọi vào hỏi thăm, từ gần đến xa cả đại dương. Chiếc điện thoại cầm tay tôi luôn để sát bên mình, vừa nghe chuông reo là tôi bắt lên nghe ngay. Đang lúc cô đơn nên tôi không ngại đối đáp, chịu khó lắng nghe và cũng thều thào nói lên vài điều tâm sự, tuy đang cảm thấy mệt.

 
Tôi là thành viên của một diễn đàn nọ mà tôi nhờ đó có cơ hội làm quen thêm nhiều người bạn tốt mặc dù tôi và họ chưa hề gặp mặt nhau bao giờ. Ấy vậy mà họ từ Đức, Pháp, Mỹ gọi điện thoại thăm hỏi khiến tôi xúc động và khóc, nước mắt chảy ròng ròng làm tôi nghẹn lời làm cho bạn phương xa cũng đâm ra ái ngại. Tôi tự hỏi tại sao người ta lại có thể thân nhau như thể đã quen nhau tự bao giờ mặc dù chưa hề gặp nhau.

 
Tôi có ngờ đâu mỗi phút điện đàm đều bị tính tiền dù là gọi ra hay gọi vào. Đến khi tôi đã về nhà và nhận hóa đơn hàng tháng, thấy số tiền bốn trăm mấy chục đô, tôi suýt bật ngửa và cảm thấy bệnh thêm.

 
Cả tháng trời không mở hộp điện thư, đến khi về nhà rồi tôi cũng chưa đủ sức để ngồi trước máy điện toán. Tôi nhờ vợ và đứa cháu nội mở máy lên để thanh toán một mớ hóa đơn chi tiêu, sẵn dịp tôi nhờ họ xem hộp điện thư đã có bao nhiêu bức thư chưa đọc, họ bảo đã hơn một ngàn bảy trăm cái, tôi nghe xong lại mệt thêm. Đến khi tôi đủ sức để ngồi trước máy, tôi gõ bàn phím một cách vất vả vì những ngón tay của tôi dường như giờ đây không còn theo đúng sự điều khiển của tôi nữa. Sự tổn thương hệ thống thần kinh đã làm cho tứ chi của tôi trở nên lóng cóng lọng cọng. Tay thì cầm nắm vật gì cũng không đúng vị trí chính xác; chân thì có lúc như lỏng lẻo không còn dính vào châu thân.

 
Trước lúc rời nhà thương để về nhà, tôi có lo âu hỏi bác sĩ là bao lâu thì tôi hoàn toàn hồi phục, bác sĩ nói không thể biết chắc, có thể là vài tháng hoặc lâu hơn. Hôm tôi rời nhà thương, mọi việc được chuẩn bị sẵn sàng chu đáo. Vợ tôi vào phụ gom góp các thứ đồ dùng của cá nhân tôi. Một người bạn tốt tình nguyện đón tôi vì vợ tôi không lái xe. Phần nhà thương thì đã lo xong các giấy tờ xuất viện, các tài liệu hướng dẫn và những điều cảnh báo an toàn cần thiết và các bài tập vận dụng trí óc cho tôi thực hành ở nhà.

 
Giây phút từ giã đến, bác sĩ, y tá, chuyên viên vật lý trị liệu, vài nhân viên có mặt khác ân cần dặn dò rồi bắt tay tôi và chúc tôi về nhà mau bình phục. Một bà làm việc thiện nguyện đẩy xe lăn đến đón tôi và đẩy xe đưa tôi xuống tận nơi dành riêng cho các xe đến đón bệnh nhân ngay cổng. Bà trông lớn tuổi hơn tôi nhưng còn khỏe mạnh nhanh nhẹn. Bà vồn vã hỏi thăm hoàn cảnh của tôi. Bà cũng cho biết gia cảnh quá bụa của bà và ý thích được làm việc thiện nguyện để giúp đời, thật đáng kính phục.

 
Đã hơn hai tháng qua rồi kể từ ngày về nhà, tôi vẫn còn phải nương tựa vào chiếc xe lăn rollator để đi lại trong nhà. Chiếc BMW màu đen mới toanh này do chuyên viên phục hồi đến nhà tôi hướng dẫn các biện pháp an toàn và giúp tôi mua với sự tài trợ của chính phủ. Có lúc tôi chợt nhớ đến tiếng cười giòn tan một cách hết sức hồn nhiên của một cô y tá có nét mặt và điệu bộ rất trẻ con. Nhiều khi nghe tiếng cô cười, tôi bắt cười theo vì tiếng cười của cô nghe thật lạ thật vui chứ không phải vì tôi cười theo câu chuyện. Tôi không biết cô đang nói chuyện gì và với những ai ở ngoài bàn việc phòng trực của cô, có thể là đang tán gẫu với các đồng nghiệp. Tôi chỉ nghe giọng cười như nắc nẻ của cô, thế là tôi cười. Cô này cười nghe mắc cười quá à. Tôi thà nghe tiếng cười của cô còn hơn là nghe tiếng vọng rừng khuya của lão Ba Lan kỳ lạ.

 
Nhà thương ơi, biết đâu sẽ có ngày tôi trở lại.

 

Phan Hạnh.

 

 

No comments:

Post a Comment