Sunday 16 September 2012

Tiếng Gọi Của Lương Tâm





Tiếng Gọi Của Lương Tâm

Lương tâm trong tình yêu của thi sĩ Lamartine

Lồng trong bối cảnh của bài thơ Le Lac của thi sĩ Pháp Lamartine, có một câu chuyện liên quan đến tình yêu và lương tâm. Câu chuyện kể rằng trong một lần đi nghỉ mát ở Aix-les-Bains thuộc vùng núi Savoir thơ mộng của nước Pháp, Lamartine gặp Julie Charles, một phụ nữ lớn tuổi hơn và đã có chồng. Julie đến đó, nơi có suối nước khoáng để dưỡng bệnh. Một hôm Julie dạo thuyền ở hồ Bourget nối liền với sông Rhône qua kênh đào Savière. Julie gặp nạn suýt chết đuối nhưng may nhờ Lamartine cứu kịp và tận tình chăm sóc. Sau đó hai người gặp nhau và yêu nhau trong ngang trái nên phải xa nhau. Chàng thi sĩ đành chấm dứt mối tình ngang trái để rồi đau khổ hơn nữa khi năm sau, chàng hay tin nàng đã chết. Và chàng đã viết lên bài thơ Le Lac bất hủ đưa chàng đi vào văn học.

Chúng ta hãy tưởng tượng ra màn kịch trái ngang này như sau:
Lamartine nói với Julie: “Không, anh không thể nào xa em được. Em là lẽ sống, là nguồn an ủi duy nhất của anh. Thiếu em, cuộc đời của anh sẽ hoàn toàn thiếu tất cả và không có nghĩa lý gì nữa. Em đừng bảo anh phải làm một điều mà nhất định là anh không thể nào nghe theo em được.”

Julie vẫn lắc đầu: “Nhưng chúng ta đã gặp nhau quá muộn rồi! Em đã có chồng; em lại lớn tuổi hơn và đang bệnh tật, làm sao chúng ta có thể sống yên mà không bị cắn rứt bởi ….”

“Lương tâm?”

“Đúng thế. Nếu anh nói một câu ‘không cần lương tâm’, em sẵn sàng theo anh đến tận cùng trái đất. Anh có thể nói được không?”

Câu hỏi ác nghiệt ấy khiến Lamartine ngồi chết lặng cả người đi. Thật vậy, chưa bao giờ chàng đương đầu với một vấn đề hết sức rắc rối như thế. Chàng có thể nào không cần đến lương tâm? Không, dầu sao trời cũng đã cho chàng có một khối óc biết nghĩ và một tấm lòng biết chuộng lẽ phải. Chàng đã yêu vợ của một kẻ khác và đó là một việc hết sức quấy, chàng không có quyền xúi giục Julie bỏ chồng để sống cùng chàng được.

Julie nói tiếp: “Anh hãy nghĩ kỹ lại đi, em là một kẻ nô lệ của anh. Anh bảo em điều gì em sẽ nghe theo điều ấy. Nhưng em chỉ khuyên anh một điều là đừng làm gì trái với lẽ phải, để sau này chúng ta khỏi phải hối hận và gánh lấy sự trừng phạt của lương tâm.”


 Lương tâm đối với xã hội
Trong chúng ta có lẽ bạn hay tôi từng gặp phải cảnh ngộ bị lương tâm chất vấn khiến cho trằn trọc thức giấc để dự một phiên tòa phát xuất từ nội tâm trong thinh lặng giữa đêm khuya. Ta làm bị cáo nằm lắng nghe lời thầm thì của dự thẩm trình bày cáo trạng và quan tòa luận tội. “Thiếu bằng chứng buộc tội. Toà tuyên bố bị can trắng án và tha bổng!” Phải chăng ta chỉ mong đợi nghe lời ấy từ lương tâm để có thể sống với niềm thanh thản.

Qua một số các vở kịch và truyện ngắn, bác sĩ kiêm nhà văn Nga Anton Chekhov đã cố gắng tìm cách mô tả các trạng thái cảm xúc các vị bác sĩ bị lương tâm hành hạ đau đớn như thế nào khi họ gặp thất bại không cứu được mạng sống của bệnh nhân. Chekhov cũng khám phá làm thế nào người ta đã hiểu lầm tiếng nói của một lương tâm bị dày vò tra tấn. Trong truyện ngắn “The Fit”, một sinh viên y khoa tắc trách đã mô tả rằng một lương tâm bị dày vò sẽ cảm thấy đau râm ran bất định mơ hồ giống như nỗi đau đớn, nỗi sợ hãi và nỗi tuyệt vọng cấp tính trong lồng ngực ngay bên dưới trái tim. Trong một truyện ngắn khác, Chekhov cho rằng sự dày vò của lương tâm giống như một sức mạnh kỳ bí luôn hiện diện và dòm ngó ngay bên cạnh. Chính vì lương tâm thôi thúc nên ông đã chấp nhận gian khổ đi đến đảo Sakhalin để trải nghiệm, giúp đỡ và ghi lại điều kiện khắc nghiệt của những tù nhân đang bị lưu đày nơi vùng  xa xôi ấy.

Chekhov nói riêng và văn học Nga nói chung có khuynh hướng đào sâu vấn đề lương tâm. Trong trường hợp Chekhov, ông vừa bàn về lương tâm chức nghiệp của một ysĩ và lương tâm của người cầm bút. Người cầm bút chân chính cần có lương tâm trong sạch biết tôn trọng sự thật có đạo đức để không gây nguy hại đến người khác. Nói rộng hơn, mọi phương tiện truyền thông cũng đều phải tuân hành theo một số khuôn phép đạo lý.

Chắc chúng ta còn nhớ năm 1993 khi nạn đói xảy ra ở Sudan, nhiếp ảnh viên Kevin Carter chụp bức ảnh một con kên kên đậu sau lưng một đứa bé ốm đói trơ xương chực chờ cho đứa bé chết gục xuống để ăn thịt. Bức ảnh đã mang lại cho Carter giải thưởng Pulitzer cao quí nhưng đồng thời anh cũng bị dư luận kết án nặng nề vì lo chụp ảnh mà không lo cứu đứa bé. Người ta cho rằng cộng với những yếu tố cá nhân khác, qua năm sau Carter đã tìm đến cái chết vì không chịu nổi sự đày đọa của lương tâm qua bức ảnh lịch sử đó.

Lương tâm phải chống chọi với đối nghịch là cám dỗ của lợi lộc, lạc thú, quyền lực, danh vọng, tiền tài, lòng tham... Lương tâm yếu đuối sẽ bị các cám dỗ trên hất qua một bên hay đè bẹp. Họ biết làm điều trái với lương tâm là không tốt nhưng không cưỡng lại được cám dỗ lợi lộc. Có những người để cho lương tâm mờ tối nên sẵn sàng chấp nhận hành động gây hại và khổ đau cho người khác. Người cộng sản sắt máu theo con đường bạo lực cách mạng sẵn sàng dùng mọi phương tiện để đạt được cứu cánh. Họ là những con người mà lương tâm đã băng hoại. Họ không biết ăn năn. Họ là con người duy vật, thân xác còn sống nhưng tâm hồn đã chết. Họ là thú dữ chỉ biết sống và hành động theo lợi lộc ích kỷ của mình; họ gây đau khổ cho người khác hơn cả sự chết, bởi vì chết chỉ có một lần, nhưng đau khổ do người lu mờ lương tâm gây ra thì xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của họ.

Voltaire nói “Con đường an toàn nhất là không làm gì trái với lương tâm. Với bí mật này, chúng ta có thể hưởng thụ cuộc sống và không sợ chết.” (The safest course is to do nothing against one's conscience. With this secret, we can enjoy life and have no fear from death). Jean Jacques Rousseau thì cho rằng “Lương tâm là tiếng nói của tâm hồn; Dục vọng là tiếng nói của thể xác.” (Conscience is the voice of the soul; the passions are the voice of the body).


Lương tâm qua nhiều định nghĩa
Sách vở định nghĩa lương tâm là năng lực mang tính tự giác của con người tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân. Thánh Mahatma Gandhi tiêu biểu cho tiếng nói của lương tâm khi ông đề xướng nguyên lý bất bạo lực Chấp Trì Chân Lý tranh đấu bất bạo động cho quyền làm người. Nhạc sĩ Việt Khang cũng chỉ làm một việc tương tự như vậy để bị CSVN bắt giam và con số những tù nhân lương tâm VN lại tăng thêm một người nữa. Giống như Gandhi vì tổ chức cuộc hành trình tự đi lấy muối năm 1930 mà bị bắt cầm tù, Việt Khang chỉ vì sáng tác hai bài nhạc yêu nước mà bị CSVN cầm tù. Để bênh vực quyền lợi cho tù nhân lương tâm, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đã ra đời năm 1961, hoạt động nhằm giải thoát tất cả tù nhân lương tâm; nhằm bảo đảm các tù chính trị được xử công bằng và công khai; nhằm bãi bỏ án tử hình, tra tấn, và các hình thức đối xử khác với tù nhân mà họ cho là tàn bạo; nhằm chấm dứt các vụ ám sát chính trị và mất tích cưỡng bức; và chống lại mọi sự vi phạm nhân quyền, bất kể là do chính phủ hay tổ chức khác.

Thiên Chúa Giáo quan niệm “Sâu bên trong lương tâm của mình, con người phát hiện ra một quy luật không do tự mình đặt ra, nhưng vẫn phải tuân theo. Luôn kêu gọi con người hãy yêu thương, làm điều tốt và tránh điều ác, tiếng gọi của lương tâm sẽ vang lên trong tim đúng thời điểm....Vì con  người, Thiên Chúa khắc lên tim họ một qui luật... Đối với con người, lương tâm là cốt lõi bí mật nhất và là nơi trú ẩn an toàn nhất. Ở nơi đó, con người đối diện một mình với Thiên Chúa và giọng nói của ngài sẽ vọng vang trong sâu thẳm của con người”. (Giáo Lý Công Giáo 1776 trích dẫn Gaudium et Spes 16).

Lương tâm vượt qua mọi lãnh thổ quốc gia và chủng tộc để trở thành lương lâm của thế giới và lương tâm nhân loại. Biến cố hàng triệu thuyền nhân người Việt vượt biển tìm tự do đã khiến cho lương tâm thế giới không thể ngồi yên. Hội Y Sĩ Không Biên Giới (Médecins sans frontières) ở Pháp với Ủy Ban Một Con Tàu Cho Việt Nam, Hội Bác Sĩ Cứu Cấp Cap Anamur ở Đức, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển sau này ở Hoa Kỳ, v.v. lần lượt được tổ chức để xuôi về vùng Biển Đông hầu xoa dịu sự khắc khoải của lương tâm trước thảm cảnh của nhân loại.

Theo Khổng Tử định nghĩa, lương tâm là đạo đức. Khổng Tử nói: "Lập đạo của trời nói âm và dương, lập đạo của đất nói nhu và cương, lập đạo của người nói nhân và nghĩa." Tất cả các tính khác của con người đều do nhân và nghĩa mà nên, cũng như vạn vật, vạn việc trên trời dưới đất do âm dương, nhu cương tạo thành vậy, con người bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc, chính vì lẽ đó con người muốn được coi là "nhân" thì phải có nhân, nghĩa phải có lương tâm. Thế mà hậu duệ của bậc sư thế Trung Hoa ngày nay dường như đã vứt lương tâm và mọi giá trị đạo đức vào sọt rác. Trung Hoa ngày nay được thế giới biết đến như là một xứ sở của hàng giả, của những sản phẩm thiếu phẩm chất gây hiểm họa cho người tiêu thụ. Triết lý sống của người Hoa Lục ngày nay là làm giàu bằng mọi cách, kể cả thủ đoạn trái với lương tâm và đạo đức.


 Lương tâm riêng tôi
Ai đó cũng đã từng nói “Thấy việc phải mà không làm cũng chẳng khác nào đang làm điều sai.” Áp dụng câu nói này cho cuộc đời của riêng mình, tôi thấy tôi đã từng làm một số điều sai và từng thấy vô số điều phải mà không làm. Vì thế mỗi khi nhớ lại, tôi không khỏi cảm thấy lương tâm áy náy.

Đôi khi chúng ta làm điều sai lúc tuổi thơ vì còn non dại thiếu ý thức. Bắt một con còng dưới mương lên bẻ hết càng hết ngoe cho nó trụi lủi không còn bò được nằm một cục trên đường đi, tôi có hiểu đâu rằng làm như vậy là ác. Bây giờ khi đọc tin tức thấy những trường hợp con người không tay không chân mà vẫn vui sống hữu ích như Nick Vujicic, tôi nghe lòng trĩu nặng thương cảm.

Cũng có điều phải mà tôi không làm vì chỉ muốn bảo vệ sự an nguy của bản thân. Vào một đêm nọ đã lâu lắm, tôi rời xưởng làm tại một khu kỹ nghệ và lái xe về. Chạy một đoạn đường vắng, tôi trông thấy tại một bãi đậu xe nhỏ, ba người đàn ông đang có hành động bạo hành một phụ nữ. Tôi dừng xe lại thì một trong ba người đàn ông đó cầm cây xà beng tiến về phía tôi. Tôi sợ nguy hiểm đến bản thân nên vọt xe đi. Thuở đó chưa có điện thoại cầm tay, tìm báo cảnh sát thì tôi ngại mệt và mất thì giờ. Tôi chạy thẳng về nhà, tâm trí phân vân và ray rứt.

Có trường hợp khác tôi làm điều sai vì bổn phận bắt buộc. Trong một cuộc đụng trận, tôi không thể cãi lệnh của cấp chỉ huy, thấy địch quân mà không bắn. Đến khi nhìn mặt một cái xác Việt Cộng chừng 16, 17 tuổi, tôi ngẩn ngơ thờ thẫn như người mất hồn tuy không thể biết chiến sĩ thiếu niên đó chết là do đạn của ai bắn. Lương tâm tôi lại cắn rứt.

Văn hào Chateaubriand của Pháp thế kỷ 19 từng nói rằng ”Con sư tử sau khi giết và ăn thịt con mồi có thể nằm lăn ra ngủ, nhưng con người không thể ngủ yên sau khi giết hại đồng loại của mình”. Vậy mà những người cộng sản từng nhúng tay vào vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở cố đô Huế cũng như chủ mưu các vụ khủng bố giết hại dân lành vô tội ở miền Nam trước đây chẳng những không xấu hổ mà lại còn xem đó là thành tích để khoe khoang. Nhiều người khác vì lệ thuộc và bị cổ máy cộng sản tuồn tuột lôi theo cuốn hút cho đến gần cuối đời mới thức tỉnh lương tâm như trường hợp nhạc sĩ Tô Hải qua tác phẩm “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”.

Nhà bác học Albert Einstein, người gọi lương tâm là Tiếng Nói của Nội Tâm, khuyên “Đừng làm gì trái với lương tâm, ngay cả khi chính quyền yêu cầu.” (Never do anything against conscience even if the state demands it). Đã có biết bao nhiêu người cộng sản hành động trái với lương tâm chỉ vì được hay bị đảng yêu cầu như từng xảy ra trong cuộc cải cách ruộng đất đưa đến cảnh con cái chửi mắng, đặt điều tố cáo và lên án cha mẹ. Con người phải biết suy nghĩ độc lập chứ không nghe theo sự xúi giục tuyên truyền của kẻ khác.


Lương tâm nhân loại
Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc xác định rằng con người hoàn toàn có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Do đó, một người không thể viện lý do là đã phạm tội ác chiến tranh chỉ vì tuân theo lệnh của thượng cấp. Cơ quan lập pháp các nước Tây Phương cho phép đại diện dân cử có quyền dùng lá phiếu lương tâm, vượt lên trên mọi giới hạn và ràng buộc của đảng chính trị trực thuộc.

Làm một việc ác trái với lương tâm cho dù vì chính quyền yêu cầu hay cấp trên ra lệnh chắc cũng không thể nào mang lại sự bình an cho tâm hồn. Vì hoàn cảnh đưa đẩy mà phạm tội ác trái với lương tâm càng đáng chê trách hơn. Năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao vì đang lâm vào tình cảnh túng quẩn ngặt nghèo mà bị cộng sản mua chuộc và phải nhận vai trò của một kẻ ám sát do cộng sản giao phó, thật đáng buồn. Những người khác bị cộng sản mua chuộc lợi dụng sa vào cảnh ngộ tương tự như nhạc sĩ Văn Cao rất nhiều để rồi phải hối tiếc ân hận lúc cuối đời. Cũng có những đảng viên cộng sản thà trả thẻ đảng hơn là theo lệnh đảng làm điều trái với lương tâm.

Người ta bảo lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Nó là tiếng nói sâu thẳm trong lòng mỗi người, nó nói nhỏ nhẹ nhưng rất mãnh liệt: nó khen thưởng ta khi làm điều lành và nó khiển trách ta khi làm điều dữ. Nó có thể làm cho chúng ta vui sướng thoải mái, nó cũng có thể cắn rứt ta, dày vò hành hạ ta, tra tấn làm cho ta ăn ngủ không yên, đau đớn đến mức có thể làm cho nhiều người phát điên lên được.

Con người có phẩm giá cao cả vì con người có lương tâm. Lương tâm là phán quyết của lý trí thực dụng về tính chất tốt xấu của một việc làm. Lương tâm là tiêu chuẩn trực tiếp của tác hành luân lý trong việc áp dụng lề luật vào các trường hợp cụ thể. Bởi vậy “thánh sống” Mahatma Gandhi nói “There is a higher court than courts of justice and that is the court of conscience. It supercedes all other courts.” (Có tòa án còn cao hơn tòa án công lý, và đó là tòa án của lương tâm. Nó vượt lên trên mọi tòa án khác.)

Tôi lại nghĩ lương tâm không đóng vai tác nhân trong vụ này. Nó không cắn rứt tôi mà chính nó bị mặc cảm tội lỗi cắn rứt nó. Nó bị cắn và nó chịu đau đớn. Sự đau đớn do rắn rết cắn có thể chỉ nhất thời và chữa khỏi được nhưng nếu lương tâm bị cắn thì thật khó mà diễn tả hay đo lường cho đúng nỗi dằn vật đau đớn. Lương tâm càng lớn càng đau, người không có lương tâm dĩ nhiên sẽ không bị cắn nên chẳng thấy đau gì cả.

Lương tâm là ánh mắt vô hình tạo ra ám ảnh tội lỗi theo suốt đời ta, là kim chỉ nam soi đường dẫn lối. Đã khi nào chúng ta cảm thấy dằn vặt, day dứt trong tâm hồn chưa? Có bao giờ chúng ta cảm thấy sức nặng của một quá khứ đầy hành vi bất chính ám ảnh không?  Có bao giờ chúng ta trăn trở vì đã đánh mất một cơ hội để làm việc thiện, để thi hành một nghĩa cử tốt đẹp không?

Rút kinh nghiệm trong cuộc sống, nếu đi sâu vào trong tâm hồn, có lẽ không ai trong chúng ta thoát khỏi cái ánh mắt vô hình đang nhìn xem, đang theo dõi những hành vi trong cuộc sống của chúng ta. Tự đáy thẳm tâm hồn mỗi người luôn có một ánh mắt theo dõi từng hành vi của chúng ta. Đó là tiếng nói sâu kín thôi thúc chúng ta làm điều thiện và tránh điều ác, và cũng chính tiếng nói ấy là quan tòa xét xử mọi hành động của chúng ta.    

Chắc bạn còn nhớ câu châm ngôn Pháp mà chúng ta học ngày xưa ở trường là ”Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học mà không có lương tâm thì chỉ là sự đồi bại của linh hồn). Nhưng có lương tâm mà không có học, nhất là khi làm nghề thuốc, cũng bằng thừa, nguy hiểm nữa là khác. “Tài năng và lương tâm chức nghiệp đều có liên hệ mật thiết với nhau, và giá trị nghề nghiệp phải đi đôi với giá trị đạo đức. Dốt nát và lừa bịp đều như nhau cả”.


 Món nợ lương tâm của Hoa Kỳ đối với VNCH
Một trong những câu của Publilius Syrus, bậc thầy chuyên môn sáng tác châm ngôn trong thế kỷ dương lịch đầu tiên dưới thời Caesar của La Mã, là “Một lương tâm tội lỗi không bao giờ cảm thấy yên ổn.” (A guilty conscience never feels secure). Thật vậy, chính vì Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Nixon và ngoại trưởng Kissinger đã bỏ rơi đồng minh VNCH trong chiến tranh Việt Nam cho nên nhìn lại biến cố 30-4-1975, càng ngày càng có nhiều người Mỹ cảm thấy ăn năn hối lỗi và bứt rứt lương tâm. Qua cuốn hồi ký “No More Vietnams” xuất bản năm 1985, Tổng Thống Richard Nixon thú nhận rằng trong cuộc chiến đấu này Hoa Kỳ đã thất bại và phản bội đồng minh. Ông nói “Chúng ta đã thắng trong chiến tranh, nhưng đã thua trong hòa bình”. Cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, trong cuộc hội thảo tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 29-9-2010 cũng  nhìn nhận “Sự thảm bại tại VN vào ngày 30-4-1975 là do Hoa Kỳ gây nên, chứ không phải VNCH”. Lời phát biểu đó của Kissinger tuy muộn màng nhưng ít ra ông còn đủ lương tri để trả lại sự công bằng và danh dự cho QLVNCH.

Còn Tướng William Westmoreland Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định: “Chúng ta không thất trận tại Việt Nam, nhưng chúng ta đã không giữ lới cam kết với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thay mặt Quân Đội Hoa Kỳ, tôi xin lỗi các bạn cựu chiến binh Quân Lực Miền Nam Việt Nam vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn” (On behalf of the United States Armed Forces, I would like to apologize to the veterans of the South Vietnamese Armed Forces for abandoning you guys).

Món nợ lương tâm mà người Mỹ thiếu người chiến hữu VNCH lớn lắm, là cả một quốc gia dân chủ tự do bị khai tử, là hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, là hàng trăm ngàn người bỏ thây trên biển, và là cả một dân tộc bị đọa đày. Đau đớn hơn cả là những người bị bỏ lại hay không có điều kiện để vượt thoát, trong số đó là hàng triệu quân nhân cấp thấp và thành phần thương phế binh bị hất hủi bỏ mặc.
…………….

Có những món nợ chưa hề trả được
Ta đã quên hay còn giả vờ quên
Bởi người chết không bao giờ thức dậy
Kẻ sống còn không dại cũng thành điên

Ta nợ những người chết sông chết biển
Nợ những người ở lại để ta đi
Suốt đời ta luôn khôn lanh láu cá
Vẫn nợ biết bao kẻ chẳng được gì

Nợ những người phế binh lê la kiếm sống
Nợ lũ cháu ta liếm lá đầu đường
Nợ những người em thất thân làm đĩ
Nợ nỗi nhục nhằn dày xéo quê hương
…..

Ôi những món nợ chẳng hề nhắc đến
Không có người sao ta có hôm nay
Lương tâm ngủ hay lương tâm còn thức
Người đang đêm sao ta lại có ngày

Lúc ta chết vẫn không hề nhắm mắt
Vì nợ nần chưa thức được lương tri
Bao người sống ở dương gian réo gọi
Bao vong hồn đứng đợi ở âm ty?

(Món Nợ Lương Tâm - Huy Phương)


 Chúng ta thường biết đến Huy Phương qua những bài tạp ghi ngắn gọn súc tích của ông nên không khỏi ngạc nhiên trước bài thơ gây xúc động này. Bài thơ xoáy mạnh vào tâm thức của những sĩ quan và những viên chức chính phủ cao cấp, những người có phương tiện di tản khi làn sóng đỏ cộng sản tràn vào thủ đô Sài Gòn của miền Nam ngày đau thương ấy. Bài thơ khắc một dấu hỏi lớn trên lương tâm kẻ may mắn bắt họ tự hỏi phải làm gì để đền đáp một món nợ với đồng đội kém may mắn kẹt lại ở quê nhà. Bài thơ cũng đã gây được sự chú ý của cựu quân nhân Mỹ và đã xuất hiện trên trang mạng www.vnafmamn.com
Tôi xin ghi lại đây tâm tình của một cựu chiến binh Hoa Kỳ cảm thấy người Mỹ còn mang một món nợ lương tâm đối với thương phế binh Việt Nam đang sống lầm than và không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào của nhà cầm quyền CSVN.

Tiếng gọi của lương tâm: cựu chiến binh Mỹ giúp thương phế binh Việt

Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ từng phục vụ chiến trường Việt Nam và nhiều người Việt hải ngoại đã trở lại thăm Việt Nam. Mỗi người đều có lý do riêng cho những chuyến đi đầy cảm xúc đó. Tuy nhiên, có một cựu chiến binh Hoa Kỳ trở lại Việt Nam với mục địch tìm ráp lại các mảnh vỡ của lương tâm người Mỹ đã từng bị bỏ lại phía sau và đã từng bị lãng quên. Sau đây là sự giải bày tâm tư của người cựu chiến binh ẩn danh mà chúng tôi xin tạm gọi là Tom, một cư dân thành phố thủ đô Raleigh của tiểu bang North Carolina.

Tom rời khỏi chiến trường Việt Nam năm 1972 sau hai nhiệm kỳ phục vụ. Ba mươi tám năm sau, vào một ngày cuối Tháng Hai mưa lất phất, tôi từ phi cơ bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất để đặt chân trở lại lần đầu tiên trên đất nước Việt Nam. Suốt hơn hai mươi năm qua, trước tôi đã có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ khác quay trở lại đây để cố gắng chữa lành vết thương tâm tưởng của chính mình, để đặt bóng ma  quá khứ vào nơi yên nghỉ, để cùng chia sẻ hồi tưởng với các cựu chiến binh đồng hành khác trong một chuyến du lịch, hoặc để chỉ cho thân nhân trong gia đình họ những nơi mà họ đã trải qua thời gian căng thẳng nhất của cuộc đời của họ, hoặc để thưởng thức vẻ đẹp của một xứ sở có rất nhiều điều hấp dẫn.

Nhưng không, Tom đi nửa vòng trái đất không phải vì bất cứ lý do nào như vừa kể. Ông nói: “Tôi sống sót sau cuộc chiến và có lẽ tôi làm lại cuộc đời tốt hơn so với nhiều cựu chiến binh khác. Khi vào lính, tôi đã khá trưởng thành và đã tìm hiểu về đất nước xa lạ này và về cuộc xung đột ý thức hệ này trong nhiều năm. Nói một cách rõ hơn là tôi đã chuẩn bị tinh thần khá kỹ càng cho kinh nghiệm phục vụ chiến trường Việt Nam. Và tôi đã rất may mắn còn sống trở về sau những trận đánh, sau khi đã chứng kiến cảnh chết chóc, mất đi những người bạn tốt gục ngã bởi đạn thù, và chính bản thân tôi cũng bị thương. Nhưng tôi không phải chịu đựng những nỗi đau quá lớn như nhiều người khác, và từ cuộc chiến mang trở về nhà ít đau thương hơn so với một số người khác.”

Tom kể tiếp: “Có một nỗi đau mà nó chỉ bắt đầu dấy lên trong tôi sau khi tôi rời Việt Nam, và đó là sự xấu hổ cứ lớn dần trong những năm đầu của thập niên 1970. Đó là lúc mà tôi nhận ra Hoa Kỳ, quê hương tôi, manh nha ý tưởng chầm chậm bỏ rơi người bạn đồng minh là nước Việt Nam Cộng Hòa trước sức mạnh của một đội quân Bắc Việt hùng hậu được trang bị bởi Liên Xô với hàng núi quân dụng vũ khí, trong khi nguồn cung cấp cho Quân Lực VNCH cứ bị cắt giảm dần khi Quốc hội Hoa Kỳ bóp nghẹn dòng chảy năm này qua năm khác.”

Theo Tom thì cũng có nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ cho rằng QLVNCH không phải là một đồng minh tốt và một phần nào sự thực, những chính phủ liên tục và quân đội miền Nam Việt Nam có nhiều vấn đề. Một số đơn vị không được huấn luyện chu đáo và cấp chỉ huy lãnh đạo kém, dính líu đến tham nhũng, thậm chí còn bị cảm tình viên VC xâm nhập trong mọi tầng lớp, cùng với những người miễn cưỡng bị gọi nhập ngũ nên thiếu động lực thúc đẩy và thiếu tinh thần chiến đấu. Nhưng cũng có một số đơn vị thực sự thiện chiến. Họ đã chiến đấu hăng say và quyết liệt, như trường hợp một tiểu đoàn Biệt Động Quân Việt Nam dự phần trên tuyến phòng thủ Căn Cứ Khe Sanh bên cạnh các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Nhưng chỉ có một ít cựu chiến binh Mỹ nhận thức được rằng kể từ sau cái gọi là cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968, tình trạng đó đã hoàn toàn thay đổi. Sự vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngừng bắn và sự  tấn công tàn bạo của các lực lượng cộng sản đã phơi bày rõ ràng chính nghĩa của những người lính VNCH phải chiến đấu để tự vệ mảnh đất tự do quê hương của họ. Những cảm tình dành cho VC giảm xuống như một hòn đá rơi. Lúc bấy giờ, hầu hết người miền Nam mới quyết định rằng họ thực sự không muốn bị rơi vào tay của miền Bắc. Những tu sĩ Phật Giáo không còn tự thiêu để phản đối chiến tranh nữa. Số lượng thanh niên gia nhập quân đội Việt Nam đã tăng gấp ba lần, sự huấn luyện đào tạo tốt hơn, vũ khí mà nước Mỹ cung cấp viện trợ cũng tối tân hơn, tình trạng tham nhũng và tình trạng khả năng yếu kém cũng được cải thiện. Tuy mất thời gian, nhưng tới năm 1970 khi kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh bắt đầu, thực tế đã chứng minh QLVNCH tân trang có thể tự đứng ra đảm nhiệm cuộc chiến đấu trong lúc các đơn vị Hoa Kỳ lần lượt rút về nước.

Và như chúng ta thấy đó, họ đã chiến đấu một cách dũng mãnh chống trả cuộc xâm lược khốc liệt của đại quân miền Bắc trong năm 1972. 200.000 quân đội Bắc Việt chính quy với các xe tăng hiện đại, pháo binh Nga tuyệt vời, và hỏa tiễn phòng không. Trận chiến khủng khiếp kéo dài trong nhiều tháng, gồm cả cuộc bao vây An Lộc tương tự như Alamo, ngoại trừ mặc dù phần lớn thành phố đã bị tàn phá, những người lính miền Nam Việt Nam vẫn kiên trì cố thủ, bám giữ từng tấc đất và cuối cùng giành chiến thắng.

Các sư đoàn chủ lực quân đội Bắc Việt rút lui trở về bên kia vùng phi quân sự và biên giới Lào sau khi đã gánh chịu thiệt hại 40% thương vong đáng sửng sốt.

Nhưng những nhà chính trị tại Mỹ đã cắt xén viện trợ cho chiến tranh, ngay cả sự cung cấp vật dụng mà chúng tôi đã hứa với miền Nam. Quân Lực VNCH đã bắt đầu thiếu hụt phụ tùng, nhiên liệu, dụng cụ y tế và đạn dược. Họ đã chiến đấu qua hai năm 1973 và 1974 một cách chật vật mỗi tháng mỗi tệ hại hơn. Cuối cùng, vì thái độ yếu mềm và do dự của Mỹ đã dẫn đến điều không thể tránh khỏi xảy ra là Sài Gòn sụp đổ.

Sự sụp đổ đó đã khiến cho miền Nam bị bao trùm trong bóng đêm của đàn áp, bức hại, đày đọa và sự trả thù hèn hạ khi những người cộng sản đã nuốt hết mọi lời hứa "giải phóng" miền Nam và cung cấp "hòa giải" cho những người đã từng chiến đấu chống lại họ. Hàng ngàn người chết, hàng trăm ngàn người bị lùa vào các trại "cải tạo", hàng trăm ngàn người bị đưa đi "vùng kinh tế mới", và mức sống giảm xuống một mức thấp nhất trong tất cả các nước Đông Nam Á. Đói kém lan tràn, nỗi tuyệt vọng phủ trùm, và hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi bằng mọi cách mà họ có thể kiếm được, mặc dù những rủi ro trong cố gắng tìm đường thoát đã cao, các rủi ro của cuộc hành trình tìm tự do là sự đánh đổi giữa mạng sống và cái chết.

Đây là lỗi lầm của đất nước tôi đã không giữ lời hứa đối với Việt Nam Cộng Hòa. Và chính vì lỗi lầm đó mà rất nhiều con người tốt đã phải trả một giá đắt cho sự không làm tròn bổn phận cam kết của chúng tôi. Vì không thể làm gì được để tránh chuyện đó xảy ra, tôi đã cố gắng hết sức để không nghĩ về quá nhiều về nó.

Nhưng năm ngoái, tôi nghe những câu chuyện về những người lính VNCH không thể rời khỏi Việt Nam, hay nói khác đi là bị bỏ lại, trong khi một số người khác đủ điều kiện và may mắn hơn đến được bến bờ tự do. Họ bị chính quyền mới đánh dấu vào sổ đen chỉ vì lòng yêu nước phục vụ xứ sở của họ trong quá khứ, và bị phân biệt đối xử khiến cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn. Và trong số này, tồi tệ nhất là những thương phế binh, những cựu chiến binh bị thương nặng, tàn tật, bị mất tay, mất chân, mù mắt, điếc tai, và bệnh hoạn. Họ không nhận được bất cứ khoản tiền hưu bỗng nào, hầu như không thể kiếm được công ăn việc làm nào xứng hợp cho họ, cuộc sống của họ quả là khủng khiếp. Tưởng nghĩ về sự đau khổ này, kéo dài từ thập niên này đến thập niên khác dưới chính quyền đầy thù hận của Hà Nội, tôi cảm thấy lương tâm bứt rứt rất nhiều và tôi không còn có thể nào tránh suy nghĩ về điều đó.

Vì vậy, tôi đã đến Sài Gòn. Qua sự giới thiệu của một vài người bạn Việt của tôi ở Mỹ, tôi bắt liên lạc được với người hướng dẫn ở Sài Gòn và họ đã giúp tôi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ về các cựu chiến binh VNCH tàn tật.

Chỉ trong vòng vài ngày, tôi đã gặp được 21 người trong số thương phế binh bất hạnh đó. Tôi đã xem giấy tờ quân sự của họ, nhìn thấy cơ thể tàn phế của họ, nhìn các căn nhà nhỏ xác xơ tồi tàn mà họ đang cư ngụ, nghe những câu chuyện của họ qua người thông dịch. Người tôi gặp đầu tiên là một thương phế binh bị mù, bị cụt một chânvà bị điếc một tai. Anh sống một mình trong một căn phòng bê tông trống trơn, lớn chỉ bằng một cái tủ quần áo của một căn nhà rộng đẹpnào đó ở Raleigh quê tôi. Anh ấy phải trông nhờ lệ thuộc vào sự giúp đỡ của bạn bè để khỏi đói.

Một người khác sống với một người vợ và một đứa con trong căn chòi tăm tối  được dựng tạm bợ trong một con hẻm, nơi mà công an sở tại có thể trục xuất tống khứ họ bất cứ lúc nào. Anh ấy chật vật kiếm tiền nuôi gia đình bằng nghề vá vỏ xe gắn máy trên đường phố.

Một người khác bị mất cả hai chân sát tới hông, một cánh tay bị liệt, lưỡi bị líu nên không thể phát âm nói chuyện một cách rõ lời. Anh sống trong một căn chòi lụp xụp mái lợp bằng kim loại phế thải bên cạnh bờ sông, được vợ con chăm nuôi bằng nghề bán rau trên sông.

Tôi đã cho họ tất cả số tiền mà tôi mang theo khi vào Việt Nam, tôi còn nhắn gia đình tôi và bạn bè tôi, kể cả một số người bạn Việt Nam, gởi thêm tiền và tôi cũng đã phân phát hết. Tôi tặng một chiếc xe lăn cho một người cụt hai chân, tặng một xe đẩy cho một anh khác để anh có thể đi bán vé số, tìm cách sửa chữa nhà cho một gia đình có nhà luôn bị ngập lụt. Tôi đã tặng mỗi người một số tiền ít nhất là 500.000 đồng (tương đương với 32 USD) để họ có thể mua thức ăn, thuốc men và có thể đóng một phần tiền thuê nhà.

Vẫn biết món quà tặng đó không thấm vào đâu nhưng đó là tất cả những gì tôi có thể làm, ít ra nó cũng sẽ giúp cho họ qua một thời gian. Họ đã cảm ơn tôi, có khi với những giọt nước mắt lưng tròng, không phải chỉ vì tiền, nhưng theo như một anh thương phế binh cụt chân cho biết: "Chúng tôi đã bị lãng quên và bị hất hủi ngay trên đất nước của chúng tôi trong hơn 30 năm qua, và bây giờ một người ngoại quốc xa lạ lại đi tìm giúp đỡ chúng tôi. Đồng tiền đối với chúng tôi quan trọng thật, chúng tôi cần nó vô cùng, nhưng với tôi điều quan trọng hơn mà tôi còn nhớ là đâu đó tôi vẫn còn có danh dự”.

Hai mươi mốt người mà tôi gặp và giúp đỡ chỉ là một phần rất nhỏ của tất cả cựu chiến binh tàn tật ở miền Nam. Hơn hai triệu quân nhân phục vụ trong các đơn vị của QLVNCH, và hàng nhiều ngàn người đã trở thành tàn phế. Chắc chắn rằng bất kỳ một cuộc tìm kiếm nào cũng sẽ thấy có rất nhiều cựu chiến binh tàn tật, bắt đầu từ khoảng Sài Gòn và sau đó đi vào các vùng nông thôn, và vào tất cả các thành phố khác ở miền Nam. Họ là những nạn nhân đáng buồn nhất của chiến tranh, họ và gia đình của họ đã chịu đựng và đau khổ, thậm chí sức khỏe của họ suy giảm nhanh hơn với tuổi già.

Tôi ước gì tôi có thể lôi cổ những kẻ phản chiến, những kẻ trước đây đã vênh vang hỗ trợ miền Bắc và coi thường các chiến binh Hoa Kỳ và VNCH. Tôi muốn lôi họ đến đây cho họ thấy thành quả của những gì mà họ thực sự đã đạt được.

Tôi là người Mỹ và những thương phế binh này là người Việt Nam, nhưng chúng tôi cùng chia sẻ qua cuộc đấu tranh cho tự do, và tôi cảm thấy bằng cách nào đó chúng tôi cũng liên đới chịu trách nhiệm.

Họ là những đồng minh cũ của tôi, những người đang đói khổ bệnh tật phải lo toan đương đầu với những khó khăn của cuộc sống mỗi ngày, luôn suy tính làm thế nào để qua hết cuộc đời. Tôi muốn giúp đỡ họ, và một tổ chức từ thiện nhỏ đã được khởi sự có tên là Vietnam Healing Foundation, Lập Hội Hàn Gắn Vết Thương Việt Nam nhằm mục đích quyên góp tiền để giúp đỡ thương phế binh Việt Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng sức mình. Tôi sẽ trở lại Việt Nam một lần nữa để tìm thêm những người cần giúp đỡ nhiều hơn nữa. Tuy không thể nói như thế nào mới đủ, nhưng tôi tin rằng đó là một nhiệm vụ quan trọng để cung cấp một cái gì đó để đền bù những người đồng minh từng bị phản bội, bị xao lãng và bị bỏ quên. Phải làm cho họ cảm thấy được nhớ đến, được công nhận về sự hy sinh của họ. Cung cấp cho họ đủ thức ăn cho một ngày nữa là điều rất đáng giá mà tôi cảm ơn trời đã cho tôi cơ hội để làm điều đó.

Có người bảo tôi rằng tại sao tôi không để tâm sức lo cho những anh em cựu chiến binh Mỹ đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Xin có trời biết là tôi có hỗ trợ họ và muốn cho tất cả thương phế binh Mỹ được chăm lo càng nhiều càng tốt. Nhưng cho dù thiếu sự hỗ trợ của chúng tôi, bất cứ thương phế binh Mỹ nào sống trên đất nước này cũng hưởng được điều kiện sống một ngàn lần tốt hơn so với những thương phế binh tôi thấy ở Việt Nam. Gửi một vài đô la để giúp những người cựu chiến binh tàn phế bị lãng quên này cũng chẳng làm cho các cựu chiến binh Mỹ ở đây chịu thiệt thòi gì, nhưng chắc chắn nó sẽ tạo nên một sự khác biệt rất lớn cho họ. Các chính trị gia của chúng ta đã phản bội lời hứa đối với miền Nam Việt Nam, và chúng ta không thể khắc phục điều đó. Nhưng tôi có thể cố gắng tạo một sự khác biệt tuy nhỏ cho những chiến hữu đồng minh đã bị đối xử tệ bạc quá lâu….
(Một cựu chiến binh Hoa Kỳ).

Tom, người cựu chiến binh Hoa Kỳ đó đi Sài Gòn chỉ với mục đích duy nhất là xoa dịu nỗi đau khổ của những thương phế binh VNCH bất hạnh. Tom xem đó như là trả một món nợ lương tâm, thật đáng khâm phục. Trong khi đó trái ngược lại, một số người may mắn di tản từ những ngày đầu trước đây, sau khi đã có điều kiện vật chất phủ phê lại trở về Việt Nam để tìm lạc thú hưởng thụ hay bắt tay hợp tác làm ăn với kẻ cựu thù. Chính thành phần này đã làm cho những thuộc cấp hay bạn đồng ngũ đang sống lây lất ở quê nhà thêm tủi hỗ.


Lời kết
Chúng ta là những cựu con dân VNCH may mắn đang hưởng cuộc sống an bình no ấm tự do, nếu không thức tỉnh lương tâm như người cựu chiến binh Mỹ kia thì cũng đừng về nước ăn chơi trên sự đau khổ của đồng đội xưa. Đừng để họ oán ghét hay khinh bỉ. Biết đâu trong lúc chúng ta tung tiền tiêu pha nơi khách sạn, nhà hàng sang trọng, biết đâu người thợ tàn tật ngồi vá vỏ xe gắn máy bên vệ đường lại là một người lính trong cùng đơn vị ngày xưa.

Đừng để họ tủi nhục thêm và xem đó như là một sự phản bội. Hãy dành một phút để nghe tiếng nói của lương tâm.

Toronto, Tháng Tư 2012.

 

 

 

No comments:

Post a Comment