Monday 17 September 2012

Làm gì với cái thây (Sưu tầm)


 
Làm gì với cái thây

Chôn, thiêu, ướp xác, hay... ninh nhừ?

 
Người ta thường nói chết là hết chuyện. Nhưng đó là đối với người đã chết rồi kìa, chứ còn đối với gia đình thân nhân còn sống thì còn nhiều việc phải làm lắm, rắc rối chứ không đơn giản đâu, nếu không thì đã không có thành ngữ “tang gia bối rối” rất thông dụng trong đời thường.

Một người thân qua đời là một mất mát vô cùng lớn lao, thân nhân còn sống vừa phải khắc phục nỗi đau tâm hồn vừa phải đương đầu với thực tế là lo tổ chức tang lễ sao cho suông sẻ vuông tròn; nếu nói theo khuôn sáo, là để khỏi tủi hổ vong linh người chết. Tang gia liên lạc với nhà quàn, họ sẽ sốt sắng giúp đỡ tang gia lo mọi thủ tục, góp ý bàn tính phải làm gì với thân xác của người quá cố. Ngoại trừ các cách đặc biệt mà chúng ta sẽ bàn sau, thường thì có hai sự lựa chọn chính. Đó là chôn hay thiêu.

Thật ra đối với các cụ người Việt chúng ta, chôn hay thiêu gì cũng đáng sợ cả. Chôn thì các cụ bảo nằm ngoài nghĩa địa mùa đông lạnh quá, lạc lõng cô đơn quá, những người nằm cạnh nói tiếng “Tây” tiếng “U” các cụ không hiểu (?), lại bất tiện cho con cháu đến thăm viếng. Có cụ đòi về Việt Nam để chết; có cụ chưa kịp về thì đã chết ở đây nên đòi đem xác về Việt Nam chôn, báo hại con cháu rút tiền trong trương mục tiết kiệm ra để trang trải phí tổn hàng chục ngàn đô cho tròn chữ hiếu.

Đối với giải pháp thiêu thì các cụ sợ... nóng. Cả ngàn độ bách phân không nóng sao được! Nhưng không còn cách nào khác. Dù sao thiêu cũng tiện hơn. Sau khi thiêu, tro cốt có thể mang vào chùa vừa ấm cúng với nhang khói thường xuyên vừa được nghe chuông mõ tụng niệm giúp hồn mau siêu thoát, con cháu đến cúng lạy cũng tiện. Nhỡ con cháu không siêng năng đi chùa thì sao?

Một cụ bà đi chùa tâm sự và khuyên một bà bạn:

Khi nào mình chết cứ hỏa thiêu rồi để tro cốt trong chùa là tốt nhất. Chôn ngoài nghĩa địa vừa lạnh lẽo vừa xa lạ lại gây khó khăn cho con cháu viếng thăm. Để tro cốt ở chùa vừa được nghe kinh kệ vừa dễ cho con cháu thăm viếng.”

Bà bạn góp ý kiến:

Tôi mà chết thì sẽ bảo con cháu mang tro cốt tôi rắc trong bãi đậu xe Yorkdale.”

Sao kỳ lạ vậy?”

Thì con gái tôi cuối tuần nào mà chẳng xách xe đi shopping ở Yorkdale!”

Dân Canada chúng ta có mức sống trù phú, bị mang tiếng là xài nhiều nhiên liệu, xài nhiều cho tới sau khi chết. Nói thế là vì ngày nay có hơn 50% dân Canada muốn được hỏa thiêu sau khi chết, một sự gia tăng rất lớn lao. Năm mươi năm trước, con số này chỉ có ba phần trăm. Tưởng cũng nên biết rằng số lượng điện năng và khí đốt thiên nhiên dùng để hỏa thiêu một xác người cũng gần bằng số lượng nhiên liệu một chiếc xe hơi chạy suốt chiều ngang Canada hơn 7,200 cây số.

Lò thiêu xác người không những nhả ra hơi khói thán khí không thôi mà còn cả những chất ô nhiễm độc hại khác như hơi thủy ngân từ chất chì trám răng, dioxin từ các bộ phận bằng kim loại ghép trong cơ thể.

Một nhóm các nhà đầu tư ở Toronto nhìn thấy cơ hội làm ăn trong lãnh vực này nên đã thành lập công ty Transition Science Inc. Công ty được cấp giấy phép sử dụng kỹ thuật có thể làm tan tử thi ra thành một chất lỏng sệt không độc hại. Chất lỏng sệt này theo luật định được thải vào hệ thống ống cống trong thành phố mà không gây ô nhiễm cho môi trường. Kỹ thuật này được phát triển bởi công ty Resomation Ltd. ở thành phố Glasgow, Tô Cách Lan.

Park Lawn Income Trust, một công ty làm chủ sáu nghĩa trang và bốn lò thiêu trong đại đô thị Toronto, đã ký hợp đồng và trở thành công ty đầu tiên áp dụng phương thức tiêu hủy tử thi mới này. Đơn vị đầu tiên của hệ thống mới này được lấp đặt và sử dụng ở Mỹ tháng Tám vừa qua.

Khỏi cần phải nói, những công dân Canada có ý thức về môi sinh khi nghe tin này đã tỏ ra rất háo hức gần chết (?) muốn thử hệ thống mới này. Chủ tịch công ty là Allen Bessel gọi kỹ thuật mới này là thiêu xác sinh học (bio-cremation), mặc dù chẳng có cái gì bị đốt cháy ở đây cả. Ông cũng là một trong 30 người bỏ vốn ra đầu tư trong công ty, với gần hai mươi năm kinh nghiệm giám đốc điều hành ngành tài chánh TD Financial Group.

Kỹ nghệ mai táng ở Canada trị giá một tỉ rưỡi Gia kim mỗi năm; do đó Bessel kỳ vọng công ty Transition Science nhảy vào trước sẽ có cơ may thành công chắc chắn.

Một lò thiêu xác kiểu thường phải đốt nóng trên một ngàn độ C trong vòng từ hai đến bốn tiếng đồng hồ. Phần xương tử thi chưa cháy hết sau đó sẽ được nghiền nát thành tro và được trao cho thân nhân của người chết.

Theo dữ kiện ghi nhận được từ kỹ nghệ mai táng, Bessel cho biết việc thiêu một tử thi tốn 92 thước khối khí đốt và 29 kilowatt-giờ điện năng, và thải vào bầu khí quyển 400 kí lô thán khí carbon dioxide.

Ngược lại, phương thức thiêu xác sinh học với việc dùng hóa chất để phân hủy tử thi là chính, sử dụng rất ít năng lượng: khí đốt chưa tới 10% và điện năng chỉ bằng một phần ba. Với phương thức thiêu xác sinh học, tử thi được thả vào một thùng kim loại rồi đổ đầy nước. Chất potassium hydroxide được pha vào, xong bồn nước được đun nóng ở 180 độ bách phân.

Bessel giải thích: “Hợp chất lỏng xoay chuyển chậm chạp quanh xác chết làm tan các mô tế bào mềm. Khi xong và để cho nguội lại, phần chất lỏng sền sệt được thải xuống cống. Phần còn lại là bộ xương trắng bóc và sạch sẽ.” Sau đó xương sẽ được nghiền nát thành bụi trắng mịn. Không một chút khói độc hại nào bị thải vào trong không khí. Và các chất kim loại nếu có từ các bộ phận ghép của tử thi, chẳng hạn như thủy ngân trám răng, bánh chè đầu gối bằng titanium, xương hông ghép kim loại, máy nhịp tim, v.v. sẽ được lấy ra và nếu có thể, sẽ được tái chế  biến.

Park Lawn Income Trust hi vọng hệ thống mới có thể bắt đầu hoạt động vào mùa Xuân sang năm, giả định rằng mọi thiết bị sẽ được các cơ quan hữu trách liên hệ cấp thành phố và cấp tỉnh bang duyệt xét thông qua.

Park Lawn thực hiện bốn ngàn vụ hỏa thiêu mỗi năm, mỗi vụ thu vào lệ phí CAN$450. Với phương thức phân hủy sinh học mới, giá phí sẽ vẫn giữ nguyên không thay đổi. Điều đó chứng tỏ công ty nghĩa trang và lò thiêu xác chẳng bao lâu sẽ lấy lại vốn và thu lợi nhiều về sau. Dù sao, một khi công chúng chấp nhận và quen với phương thức phân hủy sinh học, các công ty mai táng vui vẻ đã đành mà mọi người cùng hưởng lợi được sống trong một môi trường trong lành hơn.

 
Transition Science có kế hoạch sẽ phát triển áp dụng kỹ thuật mới này khắp toàn quốc trong tương lai.

Trước khi dông dài thêm, người viết xin phép bạn đọc được chép lại đây một chuyện khôi hài, không biết của ai, mà người viết lượm được trên mạng lưới toàn cầu.

...

Hồ chủ tịch từ trần, các đồng chí lãnh đạo hỏi Phạm thủ tướng:

Hồ chủ tịch trăn trối muốn được chôn. Cố vấn Trung Quốc muốn hỏa thiêu. Cố vấn Liên Sô muốn ướp xác. Bây giờ đồng chí thủ tướng tính sao đây?”

Phạm thủ tướng trầm ngâm suy nghĩ một lúc, xong cười duyên đáp:

Để khỏi phải làm mất lòng ai, ta nên nhờ cố vấn Liên Xô lột da bác, đắp lên một cái xác vô thừa nhận, đi ướp rồi lộng kiếng để đó làm bùa hộ mạng cho đảng ta. Phần còn lại đem đi thiêu cho vừa lòng cố vấn Trung Quốc; thiêu xong rồi chôn tro cốt... cho vừa lòng bác.”

...

Trở lại chuyện “xử lý tử thi”, những nhà môi trường học bên xứ Cờ Hoa cũng không ngừng tìm đủ mọi phương thức để giảm thiểu sự ô nhiễm hầu bảo vệ trái đất xanh. Và họ không khỏi xét lại việc chôn cất và hỏa thiêu người chết. Nghĩa trang chiếm mất diện tích đất đai hữu ích cho canh nông. Hỏa thiêu làm tốn hao nhiều nhiệt lượng và gây ô nhiễm môi trường. Gỗ đóng quan tài làm phí phạm cây rừng. Quan tài kim loại đốt đi phun ra khói có hóa chất độc hại.

Kỹ nghệ chôn cất ở Hoa Kỳ, trị giá 12 tỉ Mỹ kim mội năm, cần tìm cách sửa đổi phương cách thông thường từ trước tới nay. Chẳng hạn như dùng chất lỏng phân hủy được để làm cho xác chết tan rã, dùng hòm làm bằng giấy ép.

Quan niệm tôn giáo hay đạo đức xã hội đối với việc chôn cất người chết ngày nay đã thay đổi nhiều. Con người nhìn vấn đề một cách thực tế và khoa học hơn; đó là làm thế nào để cho thân xác trở về với cát bụi càng sớm càng tốt và càng ít gây xáo trộn cho môi trường càng tốt. Thay vì dùng hòm gỗ hoặc hòm kim loại, thây người chết chỉ cần quấn kín chặt bằng vải thô là đủ. Nhưng có mấy ai trong chúng ta quen với ý tưởng rằng mình sẽ bị chôn trần trụi sau khi chết để làm mồi cho giun dế. Chúng ta suy nghĩ theo cảm tính lúc còn sống mà không chịu nhận thức rằng sau khi chết, con người chỉ còn là một cái xác vô hồn vô cảm.

Lỗ huyệt xây bằng xi măng cũng không cần thiết. Chất formaldehyde độc hại cũng sẽ được thay thế bằng một chất vô hại và phân hủy được là Enigma bơm vào xác chết đủ sức giữ cho xác khỏi bị thối rửa trong một thời lượng vừa phải hợp lý.


Hàng nhiều triệu tấn xi măng được chôn trong những nghĩa địa khắp nước để làm gì hay chỉ là một sự bày vẻ hình thức.

Xác đem hỏa thiêu trong tương lai thay vì đựng trong hòm kẽm sẽ đựng trong hộp cạc-tông. Hãng chế tạo hòm Matthews International Corp. ở Pittsburgh đang thí nghiệm làm hòm các-tông để thăm dò thị trường và phản ứng của khách hàng tiêu thụ. Trọng lượng của hòm cạc-tông giảm xuống chỉ bằng phân nửa hòm gỗ thường và giá thành chỉ bằng một phần tư. Ở Mỹ, tỉ lệ các vụ hỏa thiêu là 37%, trong khi ở Canada gần 50%. Tỉ lệ này ngày càng gia tăng và tỉ lệ các vụ chôn ngày càng giảm. Với kỹ thuật hiện đại, hòm gỗ giả bằng cạc-tông trông chẳng khác gì hòm gỗ thật với nhiều mẫu loại vân gỗ khác nhau. Lò thiêu ngày nay cũng được trang bị bằng máy điện toán kiểm soát nhiệt độ chính xác và tiết kiệm nhiên liệu đạt được 40%. Cuối năm nay, công ty Matthews bắt đầu trang bị hệ thống thủy thiêu dùng nước nóng, sức ép và hóa chất muối khoáng kim loại alkali thay thế cho lò thiêu dùng sức lửa để đốt cháy.

Một công ty khác ở cảng Antwerp của Bỉ quốc là Maximal Design trong năm 2004 đã tạo kiểu hòm và đặt tên là Soul Ash Solace bằng cạc-tông cháy nhanh trong lò thiêu giúp tiết kiệm năng lượng.

Nhắc đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, có lẽ chúng ta nên ban giấy khen cho một số thị xã ở Đan Mạch và Thụy Điển đang dùng cách giữ lại hơi nóng thoát ra từ các ống khói của lò thiêu xác để sưởi ấm cho nhà dân. Hội Sưởi Nhiệt Đan Mạch phỏng đoán rằng số lượng hơi nóng tỏa ra từ các lò thiêu xác ở Đan Mạch đủ để sưởi ấm cho sáu trăm căn nhà.

Tôi thắc mắc không biết là hơi nóng từ các lò hỏa táng đó khi được chuyển qua hệ thống sưởi trong nhà thì nó có còn mùi khét hay không. Chắc là không, vì nếu mùi khét còn, không khỏi có người khi bật sưởi trong nhà lên mà cứ tưởng bên nhà hàng xóm đang nướng thịt Bar-B-Q vào giữa mùa đông, báo hại mất công thèm chảy nước miếng.

Một công ty mai táng có tên Neptune Memorial Reef ở Fort Lauderdale, bang Florida còn có sáng kiến độc đáo hơn. Với giá từ US$2,699 đến US$3,999 cho mỗi người, công ty này sẽ đặt tro cốt người chết trong các ngăn một nghĩa trang dưới đáy biển qua hình thức một bãi san hô nhân tạo sâu 40 feet ngoài khơi Miami. Sự khác biệt của giá cả là do tùy vị trí nhìn ra đâu của hòm đựng tro cốt, “ocean view”, “beach view”, cũng giống như trong ngành địa ốc, vị trí định đoạt giá nhà cao hay thấp.

Bãi san hô nhân tại này được kiến tạo rất kiên cố, đủ sức chịu đựng cơn bão cấp 5 và có 120,000 ngăn đựng hài cốt, như thể một khu condominium hạng sang cao cấp. Nghĩa trang dưới đáy biển này vừa giúp tiết kiệm được diện tích đất đai trên bờ, vừa giúp cho sự tăng trưởng của san hô và đời sống sinh thực vật hải dương.

Còn ở Texas, Cơ quan Lâm viên của nhà nước đang hoàn tất một khế ước với Hiệp Hội Mai Táng Xanh, theo đó, các nhà quàn được phép tính một khoản tiền cho phép tro cốt người chết được rải rắc trong các lâm viên của tiểu bang. Tiền đó sẽ giúp cho tiểu bang có thêm ngân khoản để tậu thêm đất đai để bảo tồn thiên nhiên.

Phát ngôn nhân của Hội Nhà Quàn Quốc Gia ở Washington là Jessica Koth cho biết rằng theo một cuộc thăm dò năm 2007 cho những người trên 50 tuổi, có 21% ngỏ ý muốn được chôn theo cách thức mai táng xanh. Kết quả cuộc thăm dò năm sau cho thấy tỉ lệ này tăng lên thành 43%.

Năm ngoái có 2.4 triệu người Mỹ qua đời. Con số tính chung cả thế giới là 57 triệu người chết trong năm 2008, theo như Văn Phòng Tham Chiếu Dân Số cho biết.

Một đám tang ở Mỹ trung bình tốn kém từ năm đến sáu ngàn Mỹ kim, và có thể lên đến mười ngàn Mỹ kim nếu thêm thắt các chọn lựa khác, Genevieve Keeney, giám đốc Viện Bảo Tàng Quốc Gia và Lịch Sử Mai Táng ở thành phố Houston cho biết.

i chuyện khôi hài nữa nhé

...

Một cặp vợ chồng già tuy vẫn ở chung với nhau nhưng thù ghét nhau và cãi lộn suốt ngày. Một câu mà hàng xóm thường nghe ông chồng nói là: “Tôi mà chết đi rồi tôi cũng sẽ đào mồ sống dậy để theo ám bà cho tới bà chết thì thôi.” Hàng xóm nghi chắc ông này luyện được phù phép và càng nghi ông là thủ phạm làm cho mấy con mèo trong xóm lăn ra chết một cách bí mật.

Thế rồi một ngày kia bỗng dưng chính ông lăn đùng ra chết. Tang lễ được cử hành với chiếc hòm đóng kín. Sau đó bà vợ hí hửng vui vẻ đi mua sắm và rất lạc quan yêu đời hơn. Hàng xóm thắc mắc sao bà chẳng tỏ vẻ lo sợ lời nguyền của chồng bà hăm he sẽ đào mồ sống dậy sao. Họ hỏi mãi, bà mới đáp: “Cứ để cho ông ấy đào bằng thích. Tôi dặn nhà đòn chôn ông ấy ngượcc đầu mà!”

...

Một luật sư chết, luật sư đoàn gây quỹ để giúp cho vợ con ông ta, kêu gọi mỗi người đóng góp một ngàn đô. Hỏi đến ông chánh án, ngài ký cái cheque cho mười một ngàn. Người có bổn phận đi quyên tiền ngạc nhiên hỏi:

Sao ngài cho nhiều thế?”

Ngài chánh án đáp:

Chôn thêm mười đứa nữa cho tôi!”

...

Hai người bạn đi đường tình cờ gặp nhau. A hỏi:

Anh đi đâu về đây?”

B đáp:

Mới đi chôn bà già vợ về.”

Nhưng sao anh bị trầy trụa khắp mặt mày thế kia?”

Thì tại bà ta chống cự dữ quá!”

...

Hàng xóm nghe tiếng khóc thút thít, nhìn qua hàng rào và thấy thằng Tí đang đào lỗ trong vườn sau, hỏi:

"Sao cháu khóc vậy?”

Con cá vàng của cháu đã chết. Cháu đang đào huyệt để chôn nó.”

Nhưng sao cháu đào cái lỗ to thế?”

Tại vì con cá vàng của cháu nằm trong bụng con mèo của bác.”

...

Tại các quốc gia tân tiến như Hoa Kỳ và Canada, xác người chết được đối xử một cách nghiêm trang kính cẩn để tôn trọng nhân phẩm theo đúng luật lệ qui định, đồng đều và không phân biệt, bất luận địa vị xã hội của người quá cố.

Chúng ta thấy mỗi khi có người chết nơi công cộng, dù do nguyên nhân tai nạn hay án mạng, nhà chức trách tức thời cô lập hiện trường, đôi khi còn phải dựng lều che kín tử thi để tránh sự tò mò của công chúng nếu cảnh tượng quá rùng rợn. Để bảo đảm vệ sinh và sức khỏa công chúng, hiện trường được dọn sạch, khử trùng, nếu cần thiết. Mô tế bào mềm của tử thi rất dễ phân hủy một cách nhanh chóng, bốc mùi hôi thối và quyến rũ giòi bọ cũng như các loài thú ăn xác chết. Do đó, nhà chức trách hành động đúng thủ tục tức thời và hiệu quả để bảo quản xác chết càng sớm càng tốt cho đến khi được chôn cất hoặc phân hủy.

Tùy văn hóa, tín ngưỡng và phong tục của mỗi dân tộc, có nhiều phương cách và nghi thức thanh toán xác chết, nhưng chôn và hỏa thiêu hiện nay vẫn là hai cách phổ thông nhất. Chôn thường là dưới lòng đất, mặc dù cũng có trường hợp chôn trên mặt đất trong nhà mồ.

Sau đây là một số cách thanh toán tử thi đầy sáng tạo mà người ta có thể nghĩ ra, có thể được áp dụng từ thuở xa xưa hoặc trong tương lai, hợp pháp hay không hợp pháp, thực tế hay tưởng tượng.

Ướp muối (mummification). Cách này là nghề của người cổ Ai Cập đó bạn. Họ mổ hông trái của xác chết, lấy ruột, dạ dày, gan, phổi, đựng riêng mỗi món trong một cái lọ rồi độn rơm hoặc vải thô vào. Óc thì bị coi là phần không quan trọng, được móc lấy ra bằng cọng sắt thọc xuyên qua mũi. Tim được coi là trung tâm của cơ thể nên được để yên không đụng đến. Xong xác được ướp muối, phơi khô, quấn vải. Để đó chơi.

Lột da nhồi trấu (taxidermy). Cách này thường dùng cho thú vật có bộ lông hoặc bộ da đẹp. Da được lột nguyên bộ, xong độn trấu. Ngày nay chất độn tốt nhất là polyurethane vừa bền vừa làm cho hình dáng trông thật hơn. Người đầu tiên viết di chúc muốn thân xác mình được lột da nhồi trấu là Jeremy Bentham (1748-1832), một bồi thẩm, một triết gia và một nhà cải cách xã hội người Anh. Xác ông được bảo tồn bằng cách này và đựng trong một buồng gỗ dựng đứng gọi là “Auto-icon” trông giống như cái chòi canh của lính và được trưng bày cho công chúng xem. Vì thợ làm không khéo và vì bị học trò nghịch ngợm phá phách, lấy trộm nên cái đầu đã bị biến dạng; ngày nay nó đã được thay bằng một cái đầu bằng sáp và đã được khóa kỹ.

Nhét thây vô họng súng cà nông rồi giật cò kích hỏa. Thấy trong Hội Chợ CNE hàng năm, người làm đạn để cà nông bắn ra vẫn sống nhăn đứng dậy chào khán giả.

Dùng hỏa tiễn đưa tro cốt vào quĩ đạo của trái đất. Tính đến nay đã có bảy chuyến chôn kiểu này, mang một ít tro cốt của tổng cộng 343 nhân vật danh tiếng, trong đó duy nhất chỉ có mẫu tro cốt của tiến sĩ Eugene Merle Shoemaker là được đưa lên tận mặt trăng. Ông này nguyên là một trong những người sáng lập ra môn khoa học hành tinh và đồng tìm ra sao chổi Shoemaker-Levy 9.

Đem thây đi ướp kho đông lạnh, để dành đó có gì sau này đem đi làm bản sao. Khổng tượng vùi thây dưới băng tuyết ở Tây Bá Lợi Á cả mấy triệu năm đào lên vẫn còn nguyên đó sao.

Sau khi đã thiêu xác, bỏ ra thêm 2,500 đô trả cho một công ty có tên là LifeGem (Đá Quý Sống) ở Thụy Điển để họ ép tro thành kim cương đeo chơi. Vậy nếu bạn ghét ai, biến tro của họ thành kim cương đeo nhẫn chơi...cho bõ ghét.

Bắt chước nhân vật Bates trong phim “Psycho”, đặt xác chết ngồi ghế xích đu ngày ngày bưng cơm dọn nước như khi còn sống. Chờ tới ngày Halloween đem ra để trước cửa nhát con nít chơi.

Thay đồ tắm cho thây ma, đem thây ma ra bãi biển Santa Monica, đặt thây ma nằm trên phao cao su, kéo ra càng xa ngoài khơi càng tốt, thả cho thây ma trôi, may ra về tới quê nhà Việt Nam. Nhớ mang theo CD player và mở cho hát bài “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển.”, thơ của Du Tử Lê, nhạc của Phạm Đình Chương, do Đinh Ngọc trình bày. Nhớ phải nghe Đinh Ngọc hát mới phê.

Thả bè trôi sông. Người Viking ngày xưa đi biển quanh năm thường hay thủy táng kiểu này, cứ bỏ thây chết lên một chiếc thuyền ma, cho nó muốn trôi đi đâu cũng được. Những người dân sống vùng sông nước Biển Hồ và Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày xưa cũng thủy táng kiểu này vì chẳng tìm đâu ra đất mà chôn.

Các bộ lạc ăn thịt người ở Phi Châu chẳng cần phải mất công chôn cất gì hết; cứ mỗi khi trong xóm có ai chết thì họ đem xác ra làm tiệc xơi tái ngay tại chỗ, xong quăng xương cho chó gặm.

Hiến xác cho bệnh viện để: a) lấy cơ phận rời nào (như mắt, tim, gan, thận, v,v,) còn xài được ghép cho bệnh nhân đang cần; b) cho sinh viên y khoa thực tập. Khỏi phải tốn tiền cho nhà quàn.

Hiến xác cho các trung tâm nghiên cứu khoa học (body farm) để họ dùng thân xác của bạn trong các cuộc thí nghiệm; hay nếu họ muốn biến bạn thành lưỡng tính nửa người nửa máy (bionic) hay người hành tinh cũng được.

Nếu quá túng tiền thì bạn có thể liên lạc với đường giây buôn cơ phận bên Hoa Lục để bán cho họ. Riêng cá nhân tôi chẳng có cơ phận nào trong người còn tốt cả, có cho không cũng chẳng ma (?) nào thèm lấy.

Bỏ vô thùng “compost” đàng sau vườn nhà để năm sau lấy ra làm phân bón trồng cà chua, bầu, bí tha hồ. Bảo đảm tốt hơn đầu tôm xương cá. Để khỏi bị nhà nước rầy rà, bên Thụy Điển có một công ty tên là Promessa Organic dùng nitrogen lỏng để làm lạnh tử thi cho nó trở nên dễ vỡ vụn, xong rung cho nó thành bột organic, xong làm cho nước bốc hơi hết, còn lại bột khô, bỏ vào một chiếc hòm làm bằng bột ngô, chôn cạn xuống đất. Sau thời gian từ sáu tháng đến một năm, cả hòm lẫn bột đều hòa quyện vào với đất thành phân bón rất tốt cho cây cối. Cứ cái đà này thì trong tương lai, nghĩa trang sẽ biến mất hết; thay vào đó là công viên mà dưới mỗi gốc cây sẽ có một tấm bảng nho nhỏ đề tên người chết.

Kẻ sát nhân thủ tiêu xác người bằng cách bỏ xác vào thùng xe cũ, xong đem vào nghĩa địa xe cho máy đập dẹp lép, hoặc ném thây xuống hố rồi đổ xi măng lấp mất, hoặc băm thây trộn vào thức ăn cho gia súc, phân thây ra nhiều mảnh để quăng mỗi mảnh một nơi để phi tang.

Bán cho võ sĩ quyền Anh làm bị thịt treo lên tha hồ đấm đá thoi thụi cho mềm xương, cứ coi như một màn đấm bóp đã đời luôn.

Lấy tro cốt, vẫn là chất than, làm bút chì, tặng cho thân nhân bạn bè xài chơi để tưởng nhớ đến mình.

Lấy tro cốt trộn với thuốc súng làm pháo, tới ngày giỗ lấy ra đốt để tưởng niệm thay vì đốt nhang.

Chở tới quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương ném xuống biển cho cá mập ăn theo như phong tục xưa của thổ dân.

Chở qua Ấn Độ để hỏa thiêu sơ sơ đại khái rồi quăng xuống sông Hằng cho con gì muốn ăn thì ăn.

Chở lên Tây Tạng để khơi khơi trên mặt đất cho kên kên tới ăn buffet sushi.

Nếu thân nhân muốn giữ xác người chết lại trong nhà thì có thể chở qua Viện Nhựa Hóa (Institute of Plastination) ở Heidelberg, Đức quốc để họ rút nước và mỡ ra, bơm silicone, epoxy, polyester (các chất nhựa polymers) vào để biến thành tượng trưng bày cũng được đấy.

Nếu bạn nghĩ ra được cách nào độc đáo thì xin liên lạc với Thời Báo.

Riêng phần tôi, tôi muốn thân xác tôi được ninh nhừ nhu súp bò, và muốn tro cốt của tôi sau đó được rắt bên gốc những cây anh đào trong công viên High Park. Cho dù người thân hoặc bạn bè của tôi ít còn có dịp vào công viên đó nữa vì sức khỏe yếu kém không cho phép, nhưng linh hồn tôi, nếu hiện hữu, sẽ an vui biết bao vì đó chính là nơi tôi đã cùng với người thân và bạn hữu thường có những buổi đi dạo đầy kỷ niệm êm đềm.

Nguồn tham khảo: Tự điển bách khoa mở wikipedia, các bài báo trên hai trang mạng

http://www.thestar.com/business/article/727159--dearly-departed-rest-in-green-peace

http://www.bloomberg.com/apps/news?pid=20601130&sid=aWnJYGf1FyRo&refer=environment

Phan Hạnh, Toronto.

 

 

No comments:

Post a Comment