Wednesday 6 February 2013


Một nơi xứng đáng cho Tử Sĩ VNCH

Phan Hạnh

 
Họ chết trận nên sẽ còn trẻ mãi
Còn chúng ta sống sót tuổi già thêm
Lúc trời chiều hay buổi sáng nắng lên
Họ chẳng sợ thời gian làm mệt mỏi.

(Ý từ các câu “They shall grow not old, as we that are left grow old.

Age shall not weary them, nor the years condemn. At the going down of the sun and in the morning” trong bài thơ For the Fallen (Cho Người Nằm Xuống) của thi sĩ người Anh Laurence Binyon, 1869-1943).

 Hy sinh vì tổ quốc được xem là cái chết vinh dự cao cả nhất trong mọi thời đại. Hình ảnh người chiến binh chết trận trong tuổi thanh xuân sẽ giữ nguyên như vậy trong tâm trí người sống, nhất là đối với các bạn đồng ngũ. Tập thể người Việt hải ngoại, dù từng cầm súng dự phần trong cuộc chiến tự vệ chống cộng sản hay không, vẫn không quên tử sĩ VNCH mà thân xác còn nằm lại quê hương. Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa cũ mãi mãi là hình ảnh thiêng liêng trong tâm khảm người dân miền Nam tự do ngày trước và được xem như một thánh địa hành hương. Nhưng theo tin tức mới nhất, các chuyến thăm viếng tập thể ở nghĩa trang này vẫn còn bị nhân viên công an địa phương gây khó dễ. Điều đó cho thấy nhà cầm quyền CSVN vẫn còn dị ứng với tử sĩ VNCH.

 
Tử sĩ VNCH bị phân biệt đối xử tại quê nhà

 Theo thống kê, Việt Nam hiện nay có 342 nghĩa trang và đài tưởng niệm dành cho chiến binh cộng sản tử trận mà họ gọi là liệt sỹ để phân biệt với tử sĩ của phe VNCH. Chưa hết, CSVN đang có kế hoạch tạo lập một nghĩa trang tầm cỡ quốc gia rộng 100 mẫu dành riêng cho cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước. Ngoài ra, đâu đó trên đất nước Việt Nam cũng có những nghĩa trang và đài tưởng niệm tử sĩ ngoại nhân. Hài cốt tử sĩ thuộc quân đội Pháp chôn cất tại nghĩa trang cạnh Ngã Tư Bảy Hiền, gần phi trường Tân Sơn Nhứt mãi đến năm 1986 mới được chính phủ Pháp bốc mộ mang về nước. Còn lại là ba nghĩa trang liệt sỹ Trung Cộng do chính quyền Hà Nội tạo dựng để “đời đời nhớ ơn” các đồng chí lớn phương Bắc đã giúp CSBV xâm lăng thôn tính miền Nam.

 


Một trong 3 nghĩa trang liệt sỹ người Trung quốc đã chết lây khi giúp CSVN xây dựng các tuyến đường chiến lược trong chiến tranh VN. Các nghĩa trang này do CSVN quản trị và bảo trì, hàng năm đều được đặt vòng hoa tưởng niệm ghi hàng chữ “Đời đời nhớ ơn”.

 Tuy cùng là dân Việt con Hồng cháu Lạc như liệt sỹ CSVN, tử sĩ VNCH không được cái may mắn đó. Tất cả nghĩa trang quân đội của VNCH bị xóa vết tích, ngoại trừ Nghĩa Trang Biên Hòa tuy vẫn còn đó nhưng hoang phế, đài tưởng niệm bị phá bỏ. Nếu bảo tử sĩ VNCH là kẻ thù từng gây tổn thất nặng nề cho quân CSBV nơi chiến trận nên vẫn còn bị căm thù và không đáng được tưởng niệm, thế còn 74 chiến sĩ VNCH bỏ mình trong trận hải chiến bảo vệ biển đảo của tổ quốc chống quân Trung Cộng xâm lược đảo Hoàng Sa năm 1974 thì sao? Họ cũng là những anh hùng xả thân cho quê hương giống như 64 thủy binh CSVN đã thiệt mạng năm 1988 ở Trường Sa. Nhà nước CSVN chỉ lập đài tưởng niệm cho 64 chiến sĩ của họ. Vong hồn của 74 chiến sĩ VNCH vùi thây trong lòng biển sâu phải chăng còn tức tửi. Khi hận thù chưa xóa bỏ thì những kêu gọi hòa hợp hòa giải của CSVN vẫn còn là những lời chót lưỡi đầu môi.

 Sau khi chiếm được miền Nam, CSVN lập ra Nhà Trưng Bày Tội Ác Mỹ-Ngụy và theo thời thế đổi tên nó thành Nhà Trưng Bày Tội Ác Chiến Tranh Xâm Lược và sau cùng là Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh trên đường Võ Văn Tần, Quận 3 Sài Gòn. Đó là nơi thuần túy dùng cho mục đích tuyên truyền một chiều như tên gọi của nó. Nơi đây, nhà nước CSVN cho trưng bày triển lãm toàn những di vật chiến tranh cùng những hình ảnh bất lợi và bêu xấu Hoa Kỳ và VNCH. Nơi đây, khách thăm viếng sẽ không tìm thấy bất cứ chứng tích tội ác nào của CSBV và Việt Cộng, ví dụ như vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế, cuộc thảm sát Đắk Sơn và vụ thảm sát Châu Đốc, mẫu trưng bày các loại vũ khí phe cộng sản như mìn bẫy, hầm chông, súng AK47, B. 40, hỏa tiễn SAM-3, súng phòng không 37mm, tăng T54, các buồng giam cộng sản trước và sau 1975, v.v. Hận thù đã xóa bỏ chưa?

 Chiến cuộc đã tàn gần 40 năm qua nhưng vết sẹo chưa lành trong lòng người và trên bia mộ nghĩa trang. Người cùng chủng tộc miệng nói Nam Bắc một nhà nhưng sao còn phân biệt đối xử. Dù đứng ở bên nào chiến tuyến ngoài mặt trận, khi người chiến binh nằm xuống rồi, theo lẽ công bằng, đáng lẽ phải được đối xử như nhau vì thật ra bên nào cũng đều là hy sinh cho đất nước.

 Ngày nay, khi một nguyên thủ quốc gia công du nước cựu thù lần đầu, sự thăm viếng đài tưởng niệm tử sĩ quốc gia hầu như đã trở thành một nghi thức ngoại giao. Việc làm đó thể hiện không những sự xóa bỏ hận thù, lòng kính trọng không phân biệt đối với chiến binh mà còn chứng tỏ thái độ của người quân tử có tinh thần hào hiệp mã thượng. CSVN không có được tinh thần đó nên các nghĩa trang tử sĩ VNCH bị cố tình xóa tan dấu vết, hài cốt tử sĩ mất tích không được tìm kiếm, và thương phế binh bị phân biệt đối xử thiếu tình người. Vì thế, việc thực hiện đài tưởng niệm tử sĩ VNCH trên đất nước tạm dung càng trở nên cần thiết để làm nơi an vị anh linh.

 
Nghĩa Trang và Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ VNCH ở hải ngoại

 Dự án thực hiện Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên tại Hoa Kỳ và thế giới được điêu khắc gia Phạm Thế Trung thai nghén từ nhiều năm qua. Sau khi đồ án và mô hình tượng năm vị tướng VNCH tuẫn tiết đã hoàn tất, ĐKG Phạm Thế Trung đã liên lạc và trình bày toàn bộ dự án với nhiều tổ chức hội đoàn trong cộng đồng người Việt để tìm sự chuẩn nhận đứng ra khởi công thực hiện.

 Đồng thời gian đó, bác sĩ Huỳnh văn Chỉnh, cựu Y Sĩ Thuỷ Quân Lục Chiến QLVNCH, cũng mang hoài bão thực hiện một nghĩa trang dành cho tập thể quân cán chính VNCH tại hải ngoại nên ra sức vận động và đã nhận được sự hưởng ứng thuận lợi của cộng đồng người Việt lẫn các vị đại diện dân cử chính quyền địa phương. Dự án qui mô trù liệu cần một món tiền nhiều trăm ngàn Mỹ kim. Qua các buổi trình diễn văn nghệ và tiệc gây quỹ, Ủy Ban Vận Động của bác sĩ Chỉnh cũng đã quyên đủ một số tiền đặt cọc và đã hoàn tất việc tậu mua mảnh đất rộng 55 mẫu, gần bằng phân nửa diện tích của Nghĩa Trang Quân Đội VNCH ở Biên Hòa ngày trước rộng 125 mẫu.

 Do duyên may, đến cuối năm 2012, dự án Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ VNCH đã được chấp thuận để trở thành một bộ phận của Nghĩa Trang Biên Hòa Hải Ngoại. Đây là một kết hợp thuận lý hoàn hảo vì nghĩa trang là nơi người chết an giấc ngàn thu và cũng là nơi người sống viếng thăm và tưởng niệm giống như nhiều nghĩa trang quốc gia trên thế giới.

 



Tượng đài Seabees trong nghĩa trang Arlington

 Nghĩa trang Quốc Gia Arlington của Hoa kỳ không chỉ có một mà nhiều tượng đài của nhiều đơn vị quân binh chủng. Bức ảnh trên là đài tưởng niệm tử sĩ thuộc đơn vị Tiểu Đoàn Công Binh Kiến Tạo Hải Quân Hoa Kỳ đã hy sinh vì công vụ qua nhiều cuộc chiến từ Đệ Nhị Thế Chiến đến Chiến Tranh Triều Tiên và Chiến Tranh Việt Nam. (Seabees là cách phát âm từ C.B., viết tắt của Construction Battalion).

 Hoa Kỳ có 131 nghĩa trang quân đội nằm rải rác trong 39 tiểu bang và Puerto Rico, một lãnh địa thuộc chủ quyền của Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có 24 nghĩa trang chôn cất 125,000 tử sĩ Mỹ tử trận trong hai cuộc thế chiến tại các nước khác, phần lớn là ở Âu châu.

 Với sự lớn mạnh của cộng đồng bốn triệu cư dân gốc Việt hải ngoại hiện nay, chúng ta có quyền kỳ vọng Nghĩa Trang Biên Hoà Hải Ngoại và Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ VNCH ở Cali sẽ trở thành một địa điểm hành hương của người Việt tự do.

 



Đồ họa tạm thời Nghĩa Trang Biên Hòa Hải Ngoại của kiến trúc sư Võ Trung

 



Đồ họa Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ VNCH của điêu khắc gia Phạm Thế Trung với 5 vị tướng tuẫn tiết theo thứ tự từ trái qua phải như sau

 



Chuẩn tướng Trần Văn Hai

 



Thiếu tướng Phạm Văn Phú

 



Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam

 



Chuẩn tướng Lê Văn Hưng

 



Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ

 
Khi viếng thăm một Viện Bảo Tàng Chiến Tranh của một nước, du khách có thể đánh giá trình độ văn hóa của họ như thế nào. Du khách sẽ không thấy một lời tuyên truyền nào hạ nhục hay chê bai đối phương tại các viện bảo tàng chiến tranh của các quốc gia tự do dân chủ và tiến bộ. Vị lãnh tụ hay quân đội của phe đối nghịch không bị rủa xả hạ cấp. Sự kiện lịch sử xẩy ra dù tốt hay xấu vẫn được ghi lại một cách rõ ràng trung thực để tùy người đi xem tự phán đoán. Nước chủ nhà không che dấu sự thật để lường gạt người đi xem hay tuyên truyền một chiều.

 
Tưởng niệm tử sĩ thuở xưa

 Từ khi có loài người, chiến tranh hầu như luôn xảy ra không nơi này thì nơi khác trên quả địa cầu. Dân tộc theo văn hóa phương Tây thường chỉ quen dựng đài tưởng niệm để đánh dấu chiến thắng vinh quang trong khi dân tộc theo văn hóa Đông phương quan niệm ghi nhớ công ơn người chết đã có từ xa xưa lắm. Các nước phương Tây dựng đài tưởng niệm để ghi nhớ công ơn tử sĩ thật ra chỉ bắt đầu trong ba thế kỷ trở lại đây mà thôi.

 Đài tưởng niệm chiến tranh có thể là một tòa nhà, một tượng đài, hay chỉ là một bức tượng, một kiến trúc để vinh danh một cuộc chiến tranh hoặc chiến thắng, hoặc, theo như quan niệm chiếm ưu thế trong thời hiện đại, để tưởng nhớ những người đã chết hoặc bị thương trong chiến tranh.

  Đối với hầu hết những thời kỳ trong lịch sử nhân loại, đài tưởng niệm chiến tranh được dựng lên để kỷ niệm những chiến thắng tuyệt vời. Ghi nhớ những người chết chỉ là mối quan tâm thứ yếu. Thật vậy, trong thời đại của Napoleon, thi hài của chiến binh tử trận thường được chôn vùi chung trong những ngôi mộ tập thể không mộ bia đánh dấu. Khải hoàn môn (L’ Arc de Triomphe) ở Paris hoặc Cột Tháp Nelson nơi công viên Trafalgar ở London đều không có ghi khắc tên của tử sĩ.
 

Hình: Đài tưởng niệm Cuộc Nổi Dậy của nhân dân Ba Lan ở thủ đô Warsaw

 Đến cuối thế kỷ 19, ý niệm này mới trở nên phổ biến tại các đơn vị trung đoàn bộ binh của quân đội Anh. Những người chiến binh sống sót nghĩ đến việc xây dựng tượng đài để tưởng nhớ những đồng đội của họ đã chết trong các cuộc chiến tranh lấn chiếm thuộc địa nho nhỏ. Và tên tuổi của tử sĩ đã được liệt kê nơi các đài tưởng niệm này.

 Đến đầu thế kỷ hai mươi, một số thị trấn và thành phố ở Vương quốc Anh đã gây quỹ để làm lễ tưởng nhớ những người đồng hương đã chiến đấu và chết trong cuộc chiến tranh lần thứ hai (Second Anglo-Boer War, 1899-1902) giữa Đế quốc Anh và cư dân Hòa Lan ở Nam Phi. Tuy nhiên, chỉ sau khi sự thiệt hại về nhân mạng to lớn từ Đệ Nhất Thế Chiến gây ra, việc tưởng niệm tử sĩ mới được đặc biệt chú trọng. Hầu hết các nơi đều xây dựng một đài tưởng niệm chiến tranh có ghi khắc đầy đủ tên tuổi của những đứa con của địa phương đã đi vào cuộc chiến và không bao giờ trả lại.

 Theo quan niệm của cả thế giới ngày nay, mục đích chính của việc dựng lên đài tưởng niệm chiến tranh (war memorials) không phải là để tôn vinh chiến tranh, nhưng là để tôn vinh những người đã chết. Đôi khi, như trong trường hợp thủ tướng Tây Đức Willy Brandt quì gối trước Đài tưởng niệm Warsaw ngày 07 tháng 12 năm 1970 để bày tỏ một cử chỉ khiêm tốn và sám hối đối với các nạn nhân của cuộc nổi dậy Warsaw Ghetto, đài tưởng niệm cũng có thể được dùng như là biểu tượng của sự cảm thông ngày càng tăng giữa hai kẻ cựu thù.

 Với sự trợ giúp của kỹ thuật hiện đại, một dự án có tầm vóc quốc tế hiện đang  tìm kiếm, kiểm định để lập thành hồ sơ lưu trữ tất cả mộ phần tử sĩ của các cuộc chiến có sự tham dự của khối Thịnh Vượng Chung kể từ năm 1914 trở về sau.

 Những đài tưởng niệm tử sĩ Thế Chiến Thứ Nhất

 

 

 

 

 


 

Hình: Đền Tử Sĩ Vô Danh Menin Gate ở Ypres Bỉ quốc

 Sau Đệ Nhất Thế Chiến, nhiều quốc gia đã nhìn thấy sự tàn phá khủng khiếp khắp mọi nơi về vật chất và sự tổn thất sinh mạng đến mức độ kinh hoàng với tổng số 15 triệu người chết và 20 triệu người bị thương cho cả hai bên. Tuy các quốc gia phương Tây gánh chịu thiệt hại nhân mạng thấp hơn nhưng hậu quả lại khác hẳn: đó là số lượng đài tưởng niệm được xây dựng nhiều hơn. Tại các quốc gia phương Tây, đi đôi với những ghi nhận thành quả chiến thắng về quyền lợi vật chất thu tóm được, hầu hết các thành phố ở các quốc gia này đều xây dựng đài tưởng niệm. Các đài tưởng niệm tại các thị trấn và những ngôi làng nhỏ hơn thường ghi tên của từng tử sĩ nguyên là cư dân của địa phương mình.

 

 


Nghĩa trang tử sĩ của cả hai bên Pháp và Đức chết trong trận đánh ở Verdun năm 1916

Các đài tử sĩ qui mô to lớn hơn của vương quốc Anh tưởng niệm hàng ngàn người chết thì lại không có tên vì bia mộ không được xác định, chẳng hạn như hai đài tưởng niệm tử sĩ vô danh Menin tại Ypres, Bỉ quốc và Thiepval ở Picardie, Pháp quốc, cũng đã được xây dựng. Đài tưởng niệm Memorial Liberty, nằm ở thành phố Kansas, Missouri, là một đài tưởng niệm chung cho tất cả 116,516 tử sĩ Hoa Kỳ hy sinh trong Đệ Nhất Thế Chiến, còn được gọi là Cuộc Chiến Tranh Vĩ Đại.

 Ngoài các đài tưởng niệm tử sĩ bỏ mình nơi chiến trận mà chúng ta thường biết đến còn có những đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân của chiến tranh vốn là những thường dân vô tội mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Sau khi cuộc đại chiến chấm dứt năm 1918, những người yêu chuộng hòa bình tại Pháp đã lập một số đài tưởng niệm cho nạn nhân của chiến tranh vói các hình tượng đàn bà và trẻ con với nét mặt đau buồn khốn khổ. Các đài tưởng niệm loại này đã gây ra sự giận dữ trong số các cựu chiến binh và quân đội nói chung.

 


 

 

 

 

 

 

Liberty Memorial, Kansas City, Missouri

 
Đài tưởng niệm dành cho nạn nhân chiến tranh nổi tiếng nhất được dựng lên ở Gentioux-Pigerolles vùng Creuse. Dưới cột liệt kê tên của những người chết là tượng đồng của một đứa trẻ mồ côi đang chỉ tay vào hàng chữ  “Maudite soit la guerre” (Nguyền rủa chiến tranh). Làn sóng chống đối dâng quá cao đến nỗi ngày khánh thành chính thức của tượng đài đã phải đình hoãn cho đến năm 1990 và quân nhân đồn trú tại một căn cứ quân sự  gần đó được lệnh khi đi ngang qua đó phải quay đầu đi chỗ khác.

 
Một đài tưởng niệm khác tương tự như vậy nằm tại thị trấn nhỏ là Équeurdreville-Hainneville trong vùng Manche với bức tượng của một góa phụ đau buồn với hai con nhỏ. Hai đài tưởng niệm hòa bình này có vẻ như là không thích hợp với hình thức tưởng niệm trong phạm vi Vương quốc Anh.

 
Vì vậy, mặc dù điều này có vẻ không bao giờ được công nhận một cách tổng quát, trên khắp Vương quốc Anh đã xây dựng nhiều đài tưởng niệm chiến tranh nhưng đề cập khái niệm về hòa bình. Ví dụ như  đài tưởng niệm chiến tranh ở Hartlepool ( trước đây là West Hartlepool) với dòng chữ khắc 'Thine O Lord is the Victory' (Ôi! Chúa tôi là chiến thắng).

 
Những đài tưởng niệm tử sĩ Thế Chiến Thứ Hai trở về sau

 
Có một số đài tưởng niệm Thế Chiến Thứ Nhất sau đó đã được mở rộng thêm để cho đủ chỗ ghi tên của những con dân địa phương đã hi sinh trong Thế Chiến Thứ II.

 
Kể từ đó trở đi, nhiều đài tưởng niệm đều khắc ghi tên tử sĩ trong các cuộc xung đột khác như chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, nhất là tại các quốc gia phương Tây, chẳng hạn như Bức Tường Đen (Black Wall) tại thủ đô Washington D.C., tên gọi thân mật của Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam, trên đó có chạm khắc tên của hơn 58.000 chiến binh Hoa Kỳ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Bức tường đen nằm trong Khu Tưởng niệm các Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam và được khánh thành ngày 13 tháng 9 năm 1982 với diện tích 8.100 m². Đây là nơi đón tiếp hơn 3 triệu người tới thăm viếng mỗi năm. Bức tường có hình chữ V được làm từ hai tấm đá hoa cương đen mang về từ thành phố Bangalore ở Ấn Độ. Trên thế giới chỉ có ba nơi có nhiều loại đá hoa cương đen và lớn như vậy là Ấn Độ, Thụy Điển và Nam Phi. Chiều dài bức tường là 75 m, cao 3 m. Với sự thêm tên mới đây nhất của 10 người nữa trong năm 2004, bức tường này có tất cả 58.245 tên của các quân nhân nam nữ, trong số đó có khoảng 1.200 người nằm trong danh sách quân nhân Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam.

 


 Đài tưởng niệm tử sĩ Hoa Kỳ bỏ mình trong Chiến Tranh Việt Nam, quen được gọi là Bức tường đen

 
Một đài tưởng niệm chiến tranh cũng có thể là toàn bộ một tòa nhà, thường bao gồm một viện bảo tàng, hoặc chỉ đơn thuần một tấm bảng phẳng. Nhiều đài tưởng niệm chiến tranh mang hình thức của một tượng đài hoặc bức tượng, và phục vụ như là một nơi gặp gỡ cho các nghi thức hành lễ trong Ngày Chiến Sĩ Trận Vong hay Ngày Cựu Chiến Binh (Memorial Day). Vì lẽ đó, những đài này thường được tìm thấy gần trung tâm thành phố, hoặc được đặt trong một công viên hay quảng trường để tạo sự tham dự dễ dàng cho công chúng.

 
Nhiều đài tưởng niệm chiến tranh liệt kê tên của những người chết trong trận chiến. Đôi khi các danh sách này có thể rất dài đến cả hàng trăm ngàn như trường hợp Đài Tưởng Niệm Okinawa có khắc ghi hơn 240,000 tên dân quân tử sĩ của cả hai bên tham chiến và gồm nhiều quốc tịch khác nhau: Nhật, Triều Tiên, Đài Loan, Hoa Kỳ, Anh quốc. Một số đài tưởng niệm chiến tranh được dành riêng cho một trận chiến cụ thể, trong khi những đài khác tổng quát hơn chỉ ghi khắc những giai đoạn khác nhau của cuộc chiến tranh.

 



Cornerstone of Peace - Nền tảng Hòa Bình ở Okinawa.

Nhiều đài tưởng niệm chiến tranh có văn bia nêu tên các đơn vị chiến đấu, tên chiến dịch hay cuộc hành quân tham dự.

 



 Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Úc Đại Lợi tại thủ đô Canberra

 



 Đài tưởng niệm Biệt động quân ở Tô Cách Lan

 
Văn bia Kohima trên Đài tưởng niệm dành cho các chiến sĩ phe Đồng Minh bỏ mình trong trận Kohima trong Thế Chiến Thứ II ghi: “When You Go Home, Tell Them Of Us And Say, For Their Tomorrow, We Gave Our Today” với ý đại khái rằng nếu bạn sống sót trở về, bạn hãy kể cho họ biết về chúng tôi. Và bạn hãy nói với họ rằng vì tương lai của họ, chúng tôi đã hy sinh những tháng ngày hiện tại của đời mình.

 
Nhiều nghĩa trang chiến tranh do Ủy Ban Phần Mộ Khối Thịnh Vượng Chung quản trị đều có một mẫu chung đài tưởng niệm chiến tranh giống hệt nhau được gọi là Thánh Giá của Hy Sinh do Sir Reginald Blomfield thiết kế có chiều cao thay đổi từ 18 ft đến 32 ft, tùy thuộc vào kích thước của nghĩa trang. Nếu số lượng mộ phần từ 1000 trở lên, nghĩa trang Commonwealth đó sẽ chứa một Tảng đá Tưởng niệm do Sir Edwin Lutyens thiết kế có khắc hàng chữ "Their name liveth for evermore ", tương tự như câu “Tổ quốc ghi ơn” của Việt Nam ta. Tất cả các tảng đá tưởng niệm đều có kích thước dài 11ft6 in và cao 5ft với ba bậc buớc lên.

 
Đài Tưởng Niệm và quan điểm đối nghịch

 
Chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi đài tưởng niệm chiến tranh gây tranh cãi về mặt chính trị vì quan điểm khác biệt giữa các nước cựu thù.

 
Một ví dụ đáng chú ý là những tranh cãi xung quanh Đền Yasukuni Shrine ở Nhật Bản, nơi có thờ tro cốt của một số quân nhân Nhật đã bị kết án gây tội ác trong Đệ Nhị Thế Chiến. Đại diện người Trung Hoa và Đại Hàn thường biểu tình phản đối các chính trị gia Nhật Bản đến lễ bái ở đền thờ này. Những lần viếng Đền trong quá khứ đã dẫn đến cuộc xung đột ngoại giao nghiêm trọng giữa các quốc gia liên hệ, và các doanh nghiệp Nhật Bản bị tấn công ở Trung Hoa sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi tới viếng đền thờ. Sự kiện này đã được loan truyền rộng rãi và nhận được những công luận chỉ trích trên các phương tiện truyền thông Trung và Hàn Quốc.

 
Trong một trường hợp tương tự, cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã bị hai nhà văn Günter Grass và Elie Wiesel chỉ trích vì ông đã đi cùng với tổng thống Mỹ Ronald Reagan đến thăm nghĩa trang chiến tranh ở Bitburg, nơi có cả những ngôi mộ của tử sĩ Đức Quốc Xã. Điều này không giống như trường hợp ngôi đền tử sĩ Yasukuni của Nhật vốn thường dính líu đến yếu tố cố ý bất chấp dư luận quốc tế.

 

Cổng đài tưởng niệm Trung Đoàn Khinh Binh Hoàng gia Dublin

 
Do chính quyền thay đổi, các câu trích dẫn của Joseph Stalin trên Đài Tưởng niệm Chiến tranh Thế giới Thứ II của Liên Xô thường xuyên bị thay thế sau khi ông chết. Các đài tưởng niệm đó thường được xây dựng trong trung tâm thành phố và bây giờ đôi khi bị coi là biểu tượng cho thời kỳ chiếm đóng của Liên Xô và bị loại bỏ, chính vì vậy lại có thể châm ngòi cho các cuộc phản đối.

 
Một trường hợp đối nghịch khác nữa là Kiến ​​trúc vòng cung tưởng niệm Trung Đoàn Khinh Binh Hoàng gia Dublin gồm toàn lính Ái Nhĩ Lan tham dự cuộc Chiến Tranh Boer ở Nam Phi được xây dựng vào năm 1907 nơi công viên St. Stephen’s Green tại trung tâm thủ đô Dublin. Cổng đài này thường bị người Ái Nhĩ Lan quá khích chống Đế quốc Anh gọi là "Cổng của Những Kẻ Phản Bội Tổ Quốc". Độ sắc nét của tranh cãi đã bị mờ dần, và trong khi thuật ngữ "Cổng của Những Kẻ Phản Bội Tổ Quốc" vẫn còn được dùng thường xuyên trong câu chuyện mạn đàm của cuộc sống hàng ngày ở Dublin, nó gần như là mất đi ý nghĩa xấu xa ban đầu.

 
Ở Úc Đại Lợi, vào năm 1981, nhà sử học Henry Reynolds nêu lên vấn đề liệu có nên xây đài tưởng niệm chiến tranh để vinh danh thổ dân bản địa Úc đã bỏ mình vì chiến đấu chống lại quân xâm lược đế quốc Anh trên quê hương của họ hay không. Ông Henry Reynolds nói: "Thế thì chúng ta phải giải quyết bằng cách nào đây về sự hy sinh của thổ dân Úc? Người Úc da trắng thường xuyên nói rằng hãy cho chuyện đó đi luôn vào quên lãng. Nhưng nó sẽ không bị quên không thể quên. Những kỷ niệm đen tối đó quá đậm sâu và vết sẹo còn ràng ràng vì nó xảy ra cách đây chưa lâu. Và từ ngữ quên lãng quả là một mô tả lạ lùng khó hiểu đối với một cộng đồng quốc gia luôn tôn thờ tử sĩ và luôn ghi khắc câu "Chúng Tôi Không Bao Giờ Quên” trên mọi đài tưởng niệm khắp nước.”

 
Năm 1988, để  đánh dấu kỷ niệm 200 năm lập quốc, chính phủ Úc chính thức cho trưng bày trước công chúng tại Nhà Triển Lãm Quốc Gia ở thủ đô Canberra một tác phẩm điêu khắc gồm 200 thân gỗ rỗng ruột tượng trưng cho 200 cổ quan tài tử sĩ thổ dân bỏ mình trong công cuộc chiến đấu chống lại sự xâm nhập của người da trắng. Xem ra người Úc da trắng còn có lương tri đã trả lại công bằng cho lịch sử. Còn nhà nước CSVN thì biết đến bao giờ.

 
Kết luận

 
316.000 tử sĩ VNCH chưa có một đài tưởng niệm tầm cỡ quốc gia nào dành riêng cho họ. Bốn chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn” được nhắc nhở trong sách vở và trong tâm trí của tập thể cựu chiến sĩ VNCH và cộng đồng người Việt quốc gia ở hải ngoại nhưng chưa được khắc ghi trên một đài tưởng niệm tử sĩ quốc gia.

 
Hy vọng một ngày các sự kiện của lịch sử giữ nước sẽ được tái thẩm định để trả lại sự công bằng và sự thật trên quê hương.

 
Hy vọng một ngày không xa, dự án Nghĩa Trang Biên Hòa Hải Ngoại với Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ VNCH sớm hoàn thành. Chừng đó, chúng ta có được một địa điểm thường trực cố định trang nghiêm xứng đáng để cử hành các buổi lễ quan trọng. Chừng đó, du khách người Việt mỗi khi đến Cali sẽ có dịp hành hương thăm viếng nghĩa trang đầu tiên ở hải ngoại dành cho tập thể quân cán chính VNCH. Đến để dâng một bó hoa hay thắp một nén nhang, để nghe trong lòng dâng tràn một niềm cảm xúc hãnh diện. Đến để cảm thấy ấm lòng như đang đứng giữa một phần đất thân quen của quê hương.

 
Ta không thể sống ở quê hương nhưng quê hương luôn sống mãi trong ta.

 
Phan Hạnh.

 

 

Vì sao chủ nhật lại buồn


Vì sao chủ nhật lại buồn

Chắc bạn già gần bảy bó còn nhớ ca sĩ Connie Francis hát bài Never On Sunday trong thập niên 1960 khi bạn còn đi học, khi bạn mới vừa biết yêu. Bài hát “Hôn em ngày nào cũng được trừ ngày Chủ Nhật” thịnh hành thời ấy, tôi chỉ nghe và cảm thấy nó vui vui hay hay, cũng bắt chước bạn bè hát theo sẵn dịp luyện giọng phát âm Anh ngữ. Nghe và tưởng tượng đó là lời của người yêu nói với mình.

Oh, you can kiss me on a Monday a Monday a Monday is very very good

Or you can kiss me on a Tuesday a Tuesday a Tuesday in fact I wish you would

Or you can kiss me on a Wednesday a Thursday a Friday and Saturday is best

But never ever on a Sunday a Sunday a Sunday cause that's my day of rest…

  Nửa thế kỷ sau, những thiếu nữ mộng mơ thời ấy giờ đây dường như chẳng còn bà nào hát câu đó với chồng nữa. Và ngày nào trong tuần đối với những ông già bà già đã nghỉ hưu đều là ngày Chủ Nhật không có nụ hôn nên hay nhớ dĩ vãng và hơi “bị” buồn.

Nhưng dù còn trẻ, có khi ngày Chủ Nhật cũng buồn như thường khi mà “Bạn bè rời xa chăn chiếu… Bơ vơ còn đến bao giờ…” như trong bài nhạc “Lời buồn thánh” của TCS. Lại cũng một bài nghe hay hay và buồn buồn, mặc dù tôi chẳng hiểu rõ lắm ý nghĩa quá bóng bẫy của ông nhạc sĩ này muốn nói cái gì: “Chiều chủ nhật buồn… Nằm trong căn gác đìu hiu… Tôi xin em năm ngón tay thiên thần… Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi… Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn…” Nghe “Trong vùng ăn năn” tôi lại nghĩ đến “Trong vùng địch” mang hơi hướm chiến tranh. Còn câu “Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn” thì tôi chịu thua “hổng hiểu!”

Nhưng thà “hổng hiểu” những “Lời buồn thánh” cũng “hổng sao”, “hổng hại” và “hổng chết thằng Tây nào”. Còn cái bài Gloomy Sunday sau đây mới ghê.

Nhạc sĩ Nam Lộc dịch Gloomy Sunday sang Việt ngữ và đặt tựa là Chủ Nhật Xám và hai ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung và Thùy Hương đã trình bày xuất sắc trong ASIA DVD 56 chủ đề Mùa Hè Rực Rỡ 2007 - Yêu Đời, Yêu Người. Khi xem DVD này, nghe một MC mới rất duyên dáng là Thùy Dương giới thiệu và kể sơ lai lịch của bài hát, tôi khá hồi hộp nôn nao chờ nghe cho biết xem bài hát có ma lực gì ghê gớm thế.

Lời Việt (Chủ nhật xám) của Nam Lộc

Từng đêm buồn thao thức… cô đơn và nhớ thương anh…

Nhớ anh từng phút trong cuộc sống mơ hồ giữa dòng đời…

Những bông hồng trắng kia… mộ vắng, khóc thương khi mất anh.

Cỗ xe buồn bã đưa người …đến đây cũng khuất mờ…

Chờ em người yêu ơi… chờ em, ta cùng chết bên nhau.

Dưới chân tượng đá… thiên thần khóc… cho tình yêu chúng ta…

Ô ồ ô ố… với... bao nỗi sầu… Ô ồ ô ố… với... bao nỗi sầu…

Hoàng hôn dần buông… một mình ta… uống từng chén men say…

Cớ chi mình kéo… lê cuộc sống… bao ngày chủ nhật buồn…

Tiếng kinh từ giã… không buồn bã… tiễn em ra nghĩa trang…

Những bông hồng thắm… tươi rực rỡ… vui mừng bên mộ phần…

Giờ không còn mơ… bên mộ đá… em được sống bên anh…

Đến hơi thở cuối… em cầu chúc… cho tình yêu chúng ta... ớ…. đừng xót xa…

Trong mơ… dường như bóng anh trở về…

Em mơ… ta gặp nhau… anh ngủ yên… trong lòng em… và mãi mãi... mãi…

Và em thầm mong, giấc mộng hoang, dù là những cơn mơ.

Cũng xin được nói cho người biết em yêu anh thiết tha...

Chủ nhật u sầu ... Chủ nhật xám ....

 Vì Nam Lộc dịch lời cho Nguyễn Hồng Nhung hát nên người sống là con gái buồn thương than khóc người yêu đã chết và hẹn sẽ tái ngộ chàng bên kia thế giới. Thật ra thì lời của bài Gloomy Sunday nguyên thủy bằng chữ Hung Gia Lợi do thi sĩ Ladislas Javor viết sau cái chết đột ngột của vị hôn thê.

Nếu bạn quỡn thì vào link này nghe thử đi nhé. Riêng tôi vốn là người vui tánh và đang có người đồng cảm như bạn, tôi nghe Gloomy Sunday bao nhiêu lần xong cũng chỉ đập đầu xuống gối ngủ luôn………………. tới sáng! Tự tử làm quái gì cho phí cuộc đời. Đôi chân dù có yếu nhưng tâm hồn vẫn còn ấm áp những yêu thương mà.

http://mp3.zing.vn/bai-hat/Chu-Nhat-Xam-Nguyen-Hong-Nhung/IW67ZBCO.html

Lời Anh bài nhạc Gloomy Sunday

Sunday is gloomy… My hours are slumberless…  Dearest the shadows…

I live with are numberless… Little white flowers… Will never awaken you… Not where the black coach… Of sorrow has taken you…  Angels have no thoughts…  Of ever returning you…  Would they be angry…  If I thought of joining you? Gloomy Sunday… Gloomy is Sunday…  

With shadows I spend it all…  My heart and I… Have decided to end it all… Soon there’ll be candles… And prayers that are said I know…

But let them not weep… Let them know that I'm glad to go… Death is no dream… For in death I’m caressing you… With the last breath of my soul… I’ll be blessing you… Gloomy Sunday… Dreaming, I was only dreaming… I wake and I find you asleep… In the deep of my heart… here…

Darling I hope… that my dream never haunted you… My heart is telling you… How much I wanted you… Gloomy Sunday… Gloomy Sunday…

Gloomy Sunday

Một phiên bản khác

Sadly one Sunday, I waited and waited

 With flowers in my arms, for the grief I'd created

 I waited 'til dreams like my heart were all broken

 The flowers were all dead and the words were unspoken

 The grief that I knew was beyond all consoling

 The beat of my heart was a bell that was tolling

 Saddest of Sundays

 Then came the Sunday when you came to find me

 They brought me to church and I left you behind me

 My eyes would not see what I wanted to love me

 The earth and the flowers are forever above me

 The bell tolled for me and the wind whispered 'never'

 But you I have loved and I bless you forever

 Last of all Sundays

 

 Một bản dịch Việt ngữ:

Một chủ nhật thật ảm đạm. Tôi vẫn mãi đợi và đợi...

Với những bông hoa trên tay cho những ảo tưởng mà tôi đã tạo ra.

Tôi chờ cho đến giấc mơ, giống như trái tim tôi, tất cả đã vỡ tan.

Những bông hoa đã chết và thế giới đều lặng thinh.

Ngày buồn nhất trong tất cả những ngày Chủ Nhật...

Và một ngày Chủ Nhật đến khi em tìm tôi.

Họ đưa tôi đến nhà thờ và tôi đã bỏ em lại đằng sau.

Đôi mắt tôi không thể nhìn thấy một điều nào đó để tôi tự yêu bản thân mình.

Đất và hoa sẽ mãi mãi ở trên xác tôi...

Tiếng chuông nguyện hồn tôi và cơn gió khẽ thầm "Không bao giờ!"

Nhưng tôi vẫn yêu và vẫn sẽ mãi cầu phúc cho em.

Ngày cuối cùng của tất cả những ngày chủ nhật...

Lời Việt bài Chủ nhật buồn của Phạm Duy

Chủ nhật buồn đi lê thê, cầm một vòng hoa đê mê, bước chân về với gian nhà với trái tim cùng nặng nề xót xa gì? Oán thương gì?

Đã biết nuôi hương chia ly trót say mê đã yêu thì dẫu vô duyên còn nặng thề.

Ngồi một mình nghe mưa rơi, mặc lệ tràn câu thiên thu, gió hiên ngoài nhắc một loài dế giun hoài, ru thương ru ơi ru... hời.

Chủ nhật nào tôi im hơi, vì đợi chờ không nguôi ngoai, bước chân người nhớ thương tôi, đến với tôi thì muộn rồi, trước quan tài khói hương mờ, bốc lên như vạn ngàn lời, dẫu qua đời.

Mắt tôi cười vẫn đăm đăm nhìn về người hồn lìa rồi, nhưng anh ơi tình còn nồng, đôi con ngươi nhắc cho ai biết cuối đời, có một người yêu không thôi ơi hỡi ơi... người.

Nếu chỉ đọc lời không thôi, chắc chắn một điều là chẳng ai thấy bài hát ghê rợn buồn thảm đến nỗi phải tự tử. Chúng ta có nghe ai đọc truyện tình cảm bi thảm của Quỳnh Dao mà chết đâu. Thế thì điệu nhạc buồn thảm mới tác động người nghe một cách mãnh liệt như vậy.

Bài hát định mệnh

Sau khi bản nhạc gốc được phổ biến vào năm 19 băm mấy khi chúng mình chưa ra đời, chỉ trong vòng vài năm đầu, đã có hàng trăm người tình quẩn trí nhẩy lầu tự tử khi nghe xong bài hát này, khiến quần chúng đặt cho nó cái biệt danh là “Hungarian Suicide Song”. Và đó cũng chính là lý do mà nhạc phẩm này đã từng bị cấm phổ biến ở một vài quốc gia cũng như một số cơ sở truyền thanh lớn.

Bản nhạc có sức mạnh chết người của Rezso Seress được giới thiệu đến giới thưởng ngoạn ở Hoa Kỳ năm 1936 khi hai nhạc sĩ Sam Lewis và Desmond Carter dịch nó qua Anh ngữ. Từ đó đến nay, bản nhạc không ngừng được hàng bao nhiêu ca sĩ trên khắp thế giới thu thanh và phát hành nhạc trong các đĩa nhạc của họ. Gloomy Sunday cũng được chọn làm nhạc nền cho nhạc kịch và phim ảnh.

Vài nét về nhạc sĩ Rezso Seres

Rezso Seres (1899-1968) là nhạc sĩ dương cầm người Hung Gia Lợi gốc Do Thái. Ông sống hầu như suốt cuộc đời trong nghèo khổ ở thủ đô Budapest và từng bị bắt đi trại lao động dưới thời Đức Quốc Xã chiếm đóng trong Thế Chiến Thứ Hai. Sống sót trở về, ông làm việc trong sân khấu kịch nghệ và làm người biểu diễn đu giây nhào lộn trong gánh xiệc. Sau một tai nạn nghề nghiệp, ông tự học dương cầm và chỉ đàn với một tay lành lặn. Ông cũng tập hát và viết một số các bản nhạc, trong đó bài Szomorú Vasárnap (Chủ Nhật Buồn), phiên bản gốc tiếng Hung Gia Lợi, tiếng Pháp là Sombre Dimanche và tiếng Anh là Gloomy Sunday. Bản nhạc buồn thảm này nổi tiếng vì nó liên hệ đến nhiều người tự tìm cái chết sau khi đã nghe nó và được mệnh danh là bài hát của tử thần hay bài ca tự sát Hung gia lợi.  

Bản nhạc rời được phát hành cuối năm 1933. Có nguồn tin cho rằng bản nhạc mãi đến sau Đệ Nhị Thế Chiến mới thêm vào và đến năm 1946 tác quyền mới được thành lập.

Gloomy Sunday là một bài hát kể lể về một tình yêu đã mất. Chàng nghệ sĩ nghèo Rezso Seress vừa bị người con gái mà chàng yêu tha thiết cự tuyệt. Luôn tôn thờ tình yêu của mình, Rezso đã đau khổ thật nhiều. Trong nỗi thất vọng, chàng đã sáng tác ra bài hát sầu thảm nhất trong đời vào ngày Chủ Nhật thật ảm đạm của tháng 12 năm 1932 lúc chàng đang cư ngụ tại kinh thành hoa lệ Paris tìm cách mưu sinh như nhiều nghệ sĩ từ các nước khác.

Soạn xong nhạc khúc, Reszo cảm thấy như được giải tỏa, ưng ý và bớt bi quan dù tình yêu không bao giờ trở lại. Reszo mang bản nhạc vừa soạn đi giới thiệu với các hãng sản xuất đĩa nhạc nhưng chàng chỉ nhận được những ý kiến phê bình không mấy hứa hẹn. Người ta ngầm bảo chàng rằng theo các tiêu chuẩn âm nhạc thời bấy giờ, nhạc khúc của chàng “chưa đạt” để thu thanh. Các nhà sản xuất đĩa nhạc cho rằng bài nhạc đó nghe rất lạ và quá buồn thảm để trở thành một đĩa nhạc ăn khách.

Một nhà sản xuất trả lời rằng “Bài nhạc chất chứa trong đó một nỗi tuyệt vọng thôi thúc khá kinh khủng. Tôi nghĩ rằng sẽ chẳng lợi ích gì cho bất cứ ai nghe một bản nhạc như vậy.” (There's a sort of terrible compelling despair about it. I don't think it would do anyone any good to hear a song like that.)

Nhưng điều đó không làm cho chàng nhạc sĩ nghèo Reszo ngừng cố gắng để tìm mối tiêu thụ. Cuối cùng rồi chàng cũng đã tìm được một nhà sản xuất chịu phát hành nhạc của chàng. Và khi bài hát được tung ra thị trường thì cũng là lúc nhiều sự việc lạ lùng bắt đầu xảy ra.

Ảnh hưởng của Gloomy Sunday

Khi bài hát được tung ra thị trường, bắt đầu xuất hiện những chuyện kỳ lạ. Một người đàn ông đang ngồi trong một quán café đông đúc tại Budapest đòi ban nhạc trình tấu bản "Gloomy Sundaỵ" Người đàn ông ngồi tại bàn ông ta vừa nhấp rượu champagne vừa lắng nghe bài nhạc. Khi bản nhạc chấm dứt, người đàn ông trả tiền, rời khỏi quán, và vẫy một chiếc xe taxi. Vừa ngồi vào trong xe, ông ta liền lôi ra một khẩu súng và tự kết liễu đời mình.

Tại Berlin, một thanh niên sau khi nghe bài hát đã phàn nàn với bạn bè rằng anh ta bị ám ảnh bởi giai điệu và ca từ của nó. Anh ta rơi vào trạng thái trầm cảm mà không sao thoát ra được. Cuối cùng anh ta dùng súng bắn vào đầu tự vẫn. Vài ngày sau, cũng tại Berlin, người ta phát hiện một cô gái treo cổ tự tử và dưới chân cô là bài Szomorú Vasárnap. Báo chí bắt đầu loan tin về hiện tượng này, và liên tiếp các vụ án tương tự xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới như Hungary, Pháp, Mỹ. Bản thân Seress cũng rất kinh ngạc và không tin vào điều này.

Một cô thư ký xinh đẹp tại New York tự tử trong căn chung cư bằng hơi ga đã để lại một mẩu thư tuyệt mệnh yêu cầu bản nhạc "Gloomy Sunday" được phát thanh trong tang lễ cô.

Nhiều nơi khác trên thế giới cũng có tin tường thuật về những cái chết được cho là có liên quan đến bài nhạc ấy: ca sĩ chết trong lúc hát, người ta chết trong lúc nghe.

Cuối cùng thì cơ quan truyền thông BBC của Anh Quốc phải cấm hẳn bài "Gloomy Sunday" vào những buổi phát thanh thường lệ trên làn sóng. Ban giám đốc của BBC không thể làm ngơ trước những nhiều sự than phiền của thính giả về bài hát ấy.

Nhiều hệ thống viễn thông Hoa Kỳ cũng nhanh chóng làm giống vậy. Có người còn đi xa hơn khi họ đã đâm đơn kiện bài hát. Luật sư của người kiện lập luận rằng tác giả của bản nhạc cũng có chịu trách nhiệm đối với hàng loạt cái chết đó. Nhưng điều này lại mang đến tác dụng ngược. Các đài phát thanh càng cấm hát thì Gloomy Sunday càng trở nên phổ biến hơn.

Bản nhạc Chủ Nhật Buồn dường như ảnh hưởng mọi người không phân biệt tuổi tác hay tầng lớp xã hội. Một cụ ông 80 tuổi tự tử bằng cách nhảy từ cánh cửa sổ lầu bảy xuống trong khi bài nhạc đang được phát thanh. Một cô gái 14 tuổi chết đuối khi trong tay còn cầm một bản copy của bài "Gloomy Sunday".

Một nạn nhân trẻ tuổi khác, một cậu bồi người Ý, đi ngang một người ăn xin trên lề đường đang hát bản nhạc "Gloomy Sunday" đột nhiên dừng lại, để chiếc xe đạp của cậu sang một bên, tiến dần đến chỗ người ăn xin và cho ông ta hết số tiền mà cậu đang có. Sau đó chẳng một lời nào, cậu đi đến một cây cầu gần đấy và tự nhảy xuống tìm lấy cái chết.

Báo chí lượm lặt hết tất cả những câu chuyện và gửi phóng viên đến phỏng vấn Rezso và hỏi người nhạc sĩ này nghĩ gì về điều ấy. Nhưng Rezso cũng bàng hoàng như bao người khác. Chàng cũng chẳng hiểu vì sao bài hát của mình đã gây ra nhiều điều bất thường đến vậy.

Từ đó, dường như chính chàng nhạc sĩ nghèo Rezso cũng bị lây nhiễm bởi những điều bất hạnh theo sau bài nhạc bất cứ khi nào và nơi đâu khi bản nhạc được tấu lên. Khi bài "Gloomy Sunday" trở thành một trong những bản nhạc phổ biến nhất, Rezso đã viết một lá thư gửi cho người yêu cũ của chàng và xin thêm một cơ hội nữa để nối lại mối duyên xưa. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy thi hài của cô gái trẻ đã chết vì uống thuốc quá liều lượng. Bên cạnh cô ta là một tờ giấy với nét chữ nghệch ngoạc trên ấy nhưng còn có thể đọc được. Đó là tên của bài nhạc "Gloomy Sunday". Sau này, chính người nhạc sĩ Rezso Seress cũng tự tử vào năm 1968. Rezso Seress nhảy lầu tự tử mà không để lại một lời di chúc nào cả. Người ta suy đoán rằng Reszo Seress tự tử vì tuyệt vọng bởi ông đã không thể sáng tác thêm được một tác phẩm hay “chết người” để đời nào khác như “Gloomy Sunday”!

Cơn sốt Chủ Nhật Buồn lên đến đỉnh điểm vào năm 1936. Bất chấp lệnh cấm, các bản nhạc in rời được bày bán khắp nơi trên đường phố Paris. Những lời đồn đại làm cho nhiều ban nhạc và ca sĩ không dám trình diễn bài hát "chết chóc" này.

Nhạc sĩ Seress sau đó đã cố gắng thu hồi bài hát của mình nhưng không thành công. Đến lúc này thì Rezso chẳng còn nghi ngờ gì về bài nhạc định mệnh mang đầy tính nguyền rủa của chính mình. Lần đầu tiên trong đời, Rezso cố gắng thu hồi lại bài nhạc để nó khỏi bị lan ra nhiều thêm. Nhưng tất cả mọi nỗ lực của anh đều không thành. Bài hát càng bị cấm, nó lại càng trở nên phổ biến hơn. Những bản copy lậu được bày bán trên đường phố như một loại trái cấm.

Trong mỗi quốc gia, số người chết lại càng gia tăng. Bài hát đã đem lại nhiều lời đồn đại chết người đến nỗi các nhạc sĩ không dám đàn bài ấy hay thậm chí các ca sĩ cũng sợ không dám hát.

Đệ Nhị Thế Chiến xảy ra, người ta cũng bắt đầu quên dần bài hát ấy. Cơn sốt Chủ Nhật Buồn đã lắng dịu. Vào thời điểm này, Đài BBC quyết định nới lỏng lệnh cấm bài hát và cho phát thanh lại "Gloomy Sunday" trên làn sóng điện nhưng bấy giờ bài nhạc chỉ còn là một hợp tấu khúc (orchestral piece). Từ ấy bài hát được sửa lại theo lối hoà âm hợp khúc này.

Chuyện kể rằng có một người cảnh sát đi tuần ngang qua một căn chung cư nhỏ và cứ phải nghe mãi tấu khúc Chủ Nhật Buồn phiên bản mới này được phát ra lập đi lập lại liên tục hàng giờ. Tiếng nhạc phát ra từ cửa sổ của một căn chung cư trên con phố mà người cảnh sát tuần tiễu. Tò mò muốn biết ai đó lại có thể nghe mãi một bài hát lập đi lập lại mãi thật nhiều lần không ngừng nghỉ, người cảnh sát cuối cùng quyết định điều tra.

Khi bước vào căn nhà, viên cảnh sát  thấy "Gloomy Sunday" đang được hát trên dàn máy hát xoay tròn tự động. Thân thể của một thiếu phụ đang nằm cạnh chiếc bàn nơi để chiếc máy hát đang chạy.Người thiếu phụ đã chết với một liều thuốc ngủ cực mạnh. Đây mới chỉ là một bắt đầu của hàng loạt cuộc tự tử khác nối tiếp. Một lần nữa, BBC phải ra cấm lệnh đối với bài hát.

Theo tổng kết, có hơn một trăm vụ tự tử tại "Gloomy Sunday". Tuy không còn ma lực gây tự tử nữa nhưng bài hát vẫn được giới ca sĩ khắp nơi thích hát.

Giải thích hiện tượng

Các nhà nghiên cứu cho biết âm nhạc, điện ảnh, trò chơi... có thể tác động đến tâm lý của con người, nhưng không phải là quyết định. Thời kỳ đó, Mỹ và châu Âu đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp. Bối cảnh xã hội bị khủng hoảng kinh tế sau Đệ nhất thế chiến, nạn thất nghiệp gia tăng, hậu quả của chiến tranh gây ra sự chết chóc, thương vong... Sự khủng hoảng xã hội sâu rộng này được thể hiện rõ nét với sự lên ngôi của học thuyết hiện sinh. Điều này tác động mạnh lên tâm lý của dân chúng và đẩy nhiều người trong số họ rơi vào trạng thái mất phương hướng, trầm cảm, thất vọng trong cuộc sống.

Trong bối cảnh đó chỉ cần thêm một tác động nhỏ từ bên ngoài như âm nhạc, phim ảnh... có nội dung buồn thảm là có thể đẩy họ đến một quyết định tiêu cực.

 Bài hát rất ảm đạm này chính là "giọt nước làm tràn ly". Thêm nữa là sự cộng hưởng thêu dệt của dư luận đã tạo nên cái "mốt tự tử" vào thời kỳ đó.

 Các nhà tâm lý học cho rằng hiện tượng tự tử thời kỳ đó là do bối cảnh xã hội khủng hoảng tác động mạnh lên tâm lý con người và bản thân bài hát này, cũng như cái chết của tác giả chỉ là một biểu hiện bề mặt của cuộc khủng hoảng đó.

Thật ra, theo như sự phân tích của Trang web Snopes (chuyên điều tra tìm hiểu để hóa giải các tin thất thiệt hoặc đáng nghi ngờ) thì số lượng các vụ tự tử vì ảnh hưởng của bản nhạc này bị thổi phồng và bản nhạc này không hề bị cấm ở Hoa Kỳ. Mọi dữ kiện liên quan đến bản nhạc này có thể không hoàn toàn chính xác hoặc sai lạc.

Dĩ nhiên trong thời buổi bây giờ khi nghe tấu khúc Gloomy Sunday của Rezso Seres trỗi lên hay nghe Nguyễn Hồng Nhung hát bài Chủ Nhật Buồn, cho dù trong một ngày Chủ Nhật thật sự ảm đạm như ngày hôm nay chăng nữa, chẳng còn ai bị tiếng nhạc lời ca đó ám vận vào người đến nỗi phải tự tử nữa. Trùm chăn ngủ sướng hơn.

Nguồn tham khảo:

 http://en.wikipedia.org/wiki/Gloomy_Sunday

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_nh%E1%BA%ADt_bu%E1%BB%93n

 http://www.mentalfloss.com/blogs/archives/97270

http://www.qsl.net/w5www/gloomy.html

http://www.snopes.com/music/songs/gloomy.asp