Sunday 16 September 2012

Bừng Con Mắt Dậy Thấy Mình Tay Không


 
 
 
Bừng Con Mắt Dậy Thấy Mình Tay Không
Phan Hạnh
 
 
Trong thời gian mấy tháng vừa qua, nếu chúng ta nhận được bản trình báo tổng kết trương mục đầu tư quỹ hổ tương của chúng ta từ các hãng đầu tư, không ai không khỏi thất vọng khi nhìn thấy tổng trị giá của các trương mục này sút giảm một cách thảm hại có khi chỉ còn phân nửa so với nửa năm trước. Chúng ta không khỏi phân vân tự hỏi làm cách nào để chận đứng cơn băng huyết tài chánh này. Ngay cả giá trị quỹ hưu bổng tư nhân từ hãng xưởng nơi chúng ta làm việc trước đây cũng bị mất giá vài chục phần trăm. Tiền hưu trí hãng tư lãnh hàng tháng ít đi, tiền tiết kiệm để dành dự định đến khi về hưu thì lấy ra xài dần cũng mất giá trị. Mọi người lo âu không biết tình trạng này còn kéo dài cho đến bao giờ.
 
Thời buổi kinh tế khó khăn ảnh hưởng không chừa một ai, từ cùng đinh khố rách áo ôm đến những tỉ phú tiền đếm mỏi tay. Người nghèo thì lo thiếu, người giàu thì lo mất; mất bạc tỉ chứ phải vừa sao.
 
Ngày Thứ Hai đầu tuần 11 Tháng Ba 2009, theo thông lệ hàng năm, tạp chí Forbes cho công bố danh sách Những Tỉ Phú Trên Thế Giới. (Tên của bạn và tôi không có trong đó đâu, đừng dò tìm mất công!)
 
Câu đầu tiên của bảng công bố là, "It's been a tough year for the richest people in the world. Last year there were 1,125 billionaires. This year there are just 793 people rich enough to make our list." Dịch: Quả là một năm gian nan cho dân giàu nhất trên thế giới. Năm ngoái có 1,125 tỉ phú. Năm nay chỉ có 793 đủ giàu để vô sổ của chúng tôi.
 
Một năm gian nan cho người giàu! Tội nghiệp ghê! Hay là chúng ta mở chiến dịch gây quỹ giúp cho họ nhé!

 

Số lượng tỉ phú trên thế giới năm nay sụt giảm 30% so với năm ngoái; 373 vị tỉ phú bị loại ra khỏi danh sách gồm có 355 vị bị giáng cấp từ tỉ phú xuống triệu phú, và 18 vị giã từ cõi thế. Có 38 vị tân hội viên gia nhập câu lạc bộ tỉ phú, cộng với ba vị trước đây có tên trong danh sách rồi, nhưng lâm vào cảnh nghèo bớt một thời gian, bây giờ lại kiếm đủ bạc tỉ rồi nên tái gia nhập hội nhà giàu. Ðây là lần đầu tiên kể từ năm 2003 thế giới bị sụt giảm số lượng tỉ phú.

 

Ðiều đáng nói là những người giàu nhất trên thế giới này bị nghèo đi nhiều. Tổng số tài sản ròng của họ chỉ còn có 2,400 tỉ, 2,000 tỉ ít hơn so với năm trước. Tài sản trung bình của mỗi tỉ phú chỉ còn có 3 tỉ, giảm 23%, xuống bằng với mức trung bình của năm 2003.

 

Bill Gates mất 18 tỉ, nhưng đoạt lại được danh hiệu người giàu nhất. Warren Buffett, người giàu nhất hồi năm ngoái, mất 25 tỉ, xuống hạng nhì. Tỉ phú Carlos Slim Helú của Mễ Tây Cơ cũng mất 25 tỉ, vẫn còn giữ ngôi vị hạng ba.

 

Không ai tránh né khỏi cơn tàn sát tài chánh dù họ đầu tư trong bất cứ các lãnh vực nào: chứng khoán, hàng tiêu dùng, địa ốc hay kỹ thuật. Ngay cả những người trong doanh nghiệp hái ra lời cũng lãnh cán búa do tình trạng thị trường tín dụng đóng băng, mức khách hàng chi tiêu sụt giảm hoặc tiền tệ mất giá.

 

Các tay hái ra tiền nhanh nhất năm trước thì lại mất nhiều nhất trong năm nay. Anil Ambani của Ấn Ðộ mất 32 tỉ, 76% tài sản do cổ phiếu các công ty của ông ta tuột giá.

 

Ambani là một trong 24 tỉ phú Ấn Ðộ; tất cả đều mất tiền, chỉ trừ có một vị không bị nghèo hơn. Hai mươi chín vị tỉ phú Ấn Ðộ khác kém may mắn hơn nên bị loại ra khỏi sổ vàng. Ấn Ðộ tụt xuống ngôi vị hạng nhì trong danh sách quốc gia châu Á có nhiều tỉ phú nhất. Trung Cộng lên hạng nhất với 28 vị.

 

Nga Sô bị thiệt hại nặng nhất, giảm mất 55 tỉ phú, hai phần ba của tổng số trong năm trước. 

 

Mạc Tư Khoa là thành phố có nhiều tỉ phú nhất trong năm ngoái với con số 74, trong khi Nữu Ước có 71. Năm nay Mạc Tư Khoa chỉ còn có 27 tỉ phú và Nữu Ước còn 55.

 

Ngoài ra, các tỉ phú Mỹ chiếm lại được vị trí hàng đầu với phân suất 44% tổng số trị giá tài sản và 45% tổng số trên danh sách tỉ phú. Mặc dù vậy, năm nay Mỹ có ít đi 110 tỉ phú so với năm ngoái.



Guy Laliberté
Những ai dính líu với trung tâm thị trường chứng khoán Wall Street đặc biệt bị thiệt hại nặng nhất. Maurice (Hank) Greenberg, cựu chủ tịch công ty bảo hiểm AIG (American International Group) với tài sản 1.9 tỉ Mỹ kim gần như mất sạch, chỉ còn lại sơ sơ có 100 triệu mà thôi, báo hại chính phủ phải nhảy vô cứu bồ.


Chủ tịch Sandy Weill của Citygroup cũng không khá gì.

 

Năm ngoái có 39 tỉ phú làm giàu nhờ điều hành quỹ đầu tư của thiên hạ. Năm nay còn 28. Stephen Schwarzman của Blackstone Group mất 4 tỉ, Henry Kravis của Kohlberg Kravis & Roberts mất 2.5 tỉ nhưng vẫn còn nằm trong danh sách vàng. Nói chung trên toàn cầu có 80 trong tổng số 355 vị lọt sổ năm nay là do mất của cải từ ngành tài chánh và đầu tư.

 

Trong khi 656 tỉ phú mất của năm ngoái, 44 vị may mắn giàu thêm. Các sư phụ này không biết nhờ khôn ngoan hay nhờ thần tài phò hộ mà đoán trước được sự suy sụp nên rút chân ra kịp lúc; trong số đó có Guy Laliberté của Cirque du Soleil, nhà đầu tư John Paulson và Tadashi Yanai của công ty bán lẻ Uniqlo.

 

Giữa tình hình kinh tế kiệt quệ như thế này, liệu còn có ai nghĩ ra được cách nào để kiếm được bạc tỉ hay không, hoặc ít ra khỏi bị mất thêm. 

 

Patrón Tequila
Câu hỏi đó cũng chẳng được 38 tỉ phú mới giải đáp thỏa đáng bằng lời khuyên vàng ngọc nào. Joaquín Guzmán Loera của Mễ trở thành tỉ phú nhờ cung cấp cocaine cho Hoa Kỳ thì cho dù ông ta có khuyên hảy noi gương ông ta, liệu có ai dám làm không. Tỉ phú Wang Chuanfu của công ty BYD, Trung quốc làm giàu nhờ bán xe hơi chạy bằng điện. Tỉ phú John Paul Dejoria của Mỹ, kiếm tiền nhờ sản phẩm kem gội đầu thiên nhiên hiệu Paul Mitchell và rượu Tequila hạng sang hiệu Patrón. (Sao chưa có tỉ phú kinh doanh phở nhỉ?)


 

Trở lại số tiền khổng lồ hai ngàn tỉ mà mấy ông mấy bà tỉ phú mất trong một năm qua, người ta tự hỏi số tiền đó đi đâu. Theo luật kế toán đơn giản tá phương và thải phương phải quân bình như chúng ta nghĩ, một bên mất thì phải có một bên được chứ.

Khi nền tài chánh thế giới tan chảy, tiền bạc đi đâu? Túi ông A vơi thì túi bà B phải đầy, quả thực có đúng như vậy không? Nhiều người gãi tai gãi đầu, rái tai và gầu đầu rụng xuống trắng cả hai vai thế mà vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thích đáng.

 

May quá, nhà báo Ngô Nhân Dụng của báo Người Việt giải thích rõ ràng rằng tiền đó không mất đi đâu cả. Ông viết như sau:

 

"Quý vị mua một số, thí dụ 100 cổ phần của công ty A, khi giá cổ phần đang từ 100 đồng tụt xuống chỉ còn 70 đồng, quý vị đã mất tổng cộng 3,000 đồng. Tất cả các chủ nhân cổ phần công ty A đều mất 30% giá trị trong cùng giờ phút đó. Nếu công ty A đã phát hành 10 triệu cổ phần thì khi cổ phần đang từ 100 xuống 70 đồng, giá trị cả công ty đã mất 30% tức là mất 300 triệu đồng. Những món tiền mất đó không chạy sang Tây hay sang Tầu, nó biến mất ngay tại chỗ, không đi đâu cả. Những người nào đang giữ các cổ phần đó thì vẫn là chủ nhân các cổ phần như cũ, với giá trị thấp hơn. Họ có thể chờ một ngày thị trường nó lên lại, từ 70 lên 100. Lúc đó cũng không thể nói là có đồng những tiền nào nó mới chạy vào túi mình được! Bởi vì giá trị cổ phần một công ty là do cách nhìn của hàng triệu người mua và bán cổ phần, họ đều ước tính, thẩm lượng và quyết định mua hay bán. Người ta mua hoặc bán vì tính toán khác nhau, có nhu cầu khác nhau. Trước hết, họ tính giá cổ phần cao thấp tùy theo khả năng sinh lợi của công ty trong tương lai. Có những công ty chưa làm ra đồng lợi nhuận nào nhưng giá cổ phần vẫn lên vùn vụt, vì người ta thấy trong tương lai nó sẽ lời rất lớn. Ngược lại, khi người ta thấy tương lai công ty sẽ khó kiếm lời hoặc sẽ lỗ thì họ không muốn giữ cổ phần, đem bán đi, thế là giá xuống.

 

Như vậy thì đối với các nhà đầu tư giá trị các cổ phần trong tay chỉ là những con số, những giá trị “biểu kiến,” ghi trên giấy. Chỉ khi nào quý vị bán các cổ phần đó rồi, đồng tiền giữ trong túi hay gửi trong ngân hàng, đó mới là tiền thật. Nhưng khi đó thì quý vị không làm chủ các cổ phần nữa. Người mua cổ phần của quý vị có thể sẽ thấy giá trị cổ phần lên hoặc xuống, như tất cả các cổ đông khác. Nếu giá lên, người mua đó sẽ được lợi (có thêm tiền, nếu đem bán ngay) và quý vị sẽ cảm thấy mình bị mất tiền (đúng ra là mất cơ hội có thêm tiền). Nếu cổ phần xuống giá, người đó sẽ thấy mình mất tiền; nhưng nếu cứ giữ các cổ phần đó không bán thì chưa chắc sẽ mất.

 

Tình trạng này cũng không khác gì chuyện giá trị một ngôi nhà. Ví dụ quý vị đã trả hết nợ ngôi nhà của mình; khi thấy hàng xóm có ngôi nhà giống hệt bán được giá một triệu, quý vị có thể nghĩ rằng mình đang là triệu phú, với cái nhà giá một triệu trong tay. Nhưng gặp lúc thị trường nhà cửa xuống như bây giờ, nếu đem bán người mua chỉ trả giá 800 ngàn thôi, thì quý vị thấy mình không còn là triệu phú nữa! Ngôi nhà mình làm chủ mới bị “mất giá” 200 ngàn! Có phải là mình bị mất 200 ngàn thật hay không? Nhìn quanh, vẫn thấy mình ở ngôi nhà như cũ, không có gì thay đổi cả. Con số tiền mất 200 ngàn chỉ có thật nếu trước đây quý vị định bán mà không bán, rồi bây giờ bắt buộc phải bán đành chịu thiệt thòi vì không thể đợi ngày giá nhà lên trở lại.

 

Ðó là nói chuyện “được” và “mất” đối với những người mua bán cổ phần trong thị trường chứng khoán. Nhưng còn đối với một công ty, với tất cả thị trường, tất cả nền kinh tế thì sao?

Thí dụ một cổ phần công ty General Motors có lúc giá lên tới hơn 39 đô la. Vào Tháng Hai năm 2008 đã xuống chỉ còn 28 đô la. Ngày hôm qua giá cổ phần GM chỉ còn 2.79 đô la, so với đầu năm nay đã mất 90% giá trị! Nếu tính số 593 triệu cổ phần GM được mua bán trong thị trường, mỗi cổ phần giảm 90% giá trị, thì công ty này đã mất hơn 15 tỷ đô la!

 

Số tiền đó mất đi đâu? Không đi đâu cả. Cũng giống như giá một ngôi nhà xuống khi dân cư trong vùng bỏ đi ở nơi khác ở, giá trị của công ty GM xuống vì thị trường nhận thấy nó không còn triển vọng sinh lời như trước nữa. Công ty vẫn còn những cơ xưởng, những máy móc, và hầu hết lực lượng nhân viên như cũ, nhưng giá trị xuống vì số tiền lời trong tương lai sẽ xuống. Người mua cổ phần tính giá theo kỳ vọng về lợi nhuận so với rủi ro. Các yếu tố như nhu cầu người tiêu thụ, triển vọng kinh tế ở nước Mỹ và thế giới xuống, tình trạng cạnh tranh gay gắt, vân vân, ảnh hưởng tới dự đoán lời lỗ và khiến giá trị của công ty xuống. Một bản tin cho biết quốc hội và chính phủ có chịu giúp công ty hay không cũng làm thay đổi giá trị cổ phần. GM mất 15 tỷ đô la vì thị trường thấy nó không đáng giá như cũ, 15 tỷ đô la tan ra mây khói mà không có đồng tiền nào chạy đi đâu cả!

 

Ðiều đó cũng đúng với cả thị trường chứng khoán. Từ tổng số giá trị 28 ngàn tỷ vào lúc cao nhất xuống chỉ còn 16 ngàn tỷ bây giờ, cả thị trường New York đã mất giá 12 tỷ. Số tiền đó mất vì hầu hết các công ty ghi danh trong thị trường đã xuống giá. Các công ty đó xuống giá vì triển vọng kiếm lời của họ xuống; mà đó là do tương lai cả nền kinh tế Mỹ và thế giới đang xuống.

 

Giá trị các cổ phần trên thị trường sẽ lên khi nào kinh tế có triển vọng lên. Chắc phải hàng năm nữa mới hy vọng lên trở lại, vì cơn suy thoái năm nay có vẻ sẽ trầm trọng hơn mấy lần gần đây nhất. Cho nên, khi thị trường nghe tin ông tổng thống tân cử Obama định mời ông Geithner làm bộ trưởng Tài Chánh, một người đã từng cộng tác với ông bộ trưởng đương nhiệm, người ta cảm thấy hy vọng là hai người sắp làm việc với nhau rồi. Chính sách kinh tế của chính phủ có triển vọng sẽ rõ ràng hơn, không ở trong trạng thái chờ đợi và lúng túng của một chính phủ đang chờ giải nhiệm nữa. Chính phủ và quốc hội cũng sẽ hợp tác với nhau dễ dàng hơn, không bị nhiều nỗi tị hiềm ngăn cản nữa. Ðó là lý do khiến thị trường hưng phấn trở lại trong ngày Thứ Sáu. Ít nhất cũng được một ngày. Còn tuần sau, sẽ có những tin tức kinh tế mới, thị trường sẽ lên hay xuống tùy theo các tin tức xấu nhẹ hoặc xấu nặng hơn! Người ta lại có cảm tưởng thị trường đang được thêm tiền hay đang bị mất tiền, mặc dù không có đồng tiền nào chạy đi đâu cả!"

 

Như vậy là khi kinh tế trì trệ, mãi lực kém, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng giây chuyền sút giảm theo. Vì ít kẻ bán người mua (ế ẩm), giá cổ phiếu, bất động sản phải giảm bớt. Vậy mà bấy lâu nay tôi cứ nghi ngờ và đổ thừa cho mấy tay điều hành và quản trị đầu tư ở Bay Street Toronto và Wall Street ở New York âm mưu với nhau quịt tiền của thiên hạ, trong đó có tiền để dành dưỡng già của tôi nữa. Có người còn đa nghi hơn tôi, nói đó là âm mưu của mấy anh Trung Cộng ở Bắc Kinh, hay mấy anh Ả Rập đội bàn căng chúa tể dầu hỏa ở Trung Ðông. Thì cũng phải tìm ai đó để đổ thừa chứ!

 

Tiếc của thì đặt nghi vấn vậy thôi chứ sự thực tôi cũng chẳng biết là tiền đó thất thoát đi đâu, vào túi ai. Có người nói với tôi rằng nó chẳng vào túi ai cả vì nó là thứ tiền không có thật, cũng giống như tiền âm phủ mà thôi. Mà tiền âm phủ thì muốn cho nó mang mệnh giá bao nhiêu mà chả được. Một giáo sư kinh tế học cho biết rằng giá trị của chứng khoán không giống như giá trị tiền mặt mà chỉ là một phỏng đoán gần đúng nhất. Chữ gọi thông dụng ngày nay trong thời đại thông tin này là giá trị ảo, không có thật.

 

Nhưng tôi nghĩ phải có người hưởng lợi trong vụ này chứ, nếu không thì tại sao có những ông gộc bị lôi cổ ra tòa và đi ở tù như trường hợp của lão Bernard Madoff đó. Lão Bernard Lawrence "Bernie" Madoff  người Mỹ gốc Do Thái năm nay tuổi đã trên bảy bó (sinh ngày 29 Tháng Tư, 1938, ở New York) là cựu chủ tịch của thị trường chứng khoán NASDAQ. Ngày 12 Tháng Ba, 2009 vừa qua, lão ta thú nhận một vụ lường gạt đầu tư lớn nhất trong lịch sử bởi một người duy nhất. Số tiền lường gạt lên đến 65 tỉ Mỹ kim. Lão Madoff tức khắc bị tống giam và có thể bị kết án 150 năm tù. Ðối với một ông già chỉ còn hơn tháng nữa là mừng sinh nhật thứ 71, chắc chắn là trong nhà giam, thì cái bản án 150 năm có nhằm nhò gì; nó cũng giống như một bản án vài chục năm thôi, nếu ông thọ tới 100 tuổi để mà ở tù. Có điều tòa có thể đòi lão phải trả 170 tỉ tiền phạt. Tôi tự hỏi nếu lão không đóng tiền phạt thì chẳng lẽ tòa tăng án tù lên gấp đôi thành 300 năm sao.

 

Lão Madoff lập ra công ty đầu tư Bernard L. Madoff Investment Securities LLC ở Wall Street năm 1960 và là chủ tịch của công ty này cho đến khi bị bắt ngày 11 tháng Chạp năm vừa qua. Madoff nói số tiền lường gạt chỉ có 50 tỉ, nhưng căn cứ theo danh sách trương mục 4,800 khách hàng của lão, công tố viên tăng lên thành 64.8 tỉ.

 

Trường hợp Madoff bị bắt về tội lừa đảo cũng lạ. Ngày 10 tháng 12 năm 2008, lão thố lộ với hai người con trai của lão rằng bộ phận quản trị tài sản của công ty của lão thật ra chỉ là một mưu đồ lường gạt theo kiểu Kim Tự Tháp mà Mỹ thường gọi là "Ponzi scheme" (theo tên của một anh chàng di dân Ý tên Charles Ponzi nổi tiếng là đại bịp lường gạt ở Boston vào đầu thế kỷ 1900). Các con trai lão đi báo nhà chức trách. Ngay ngày hôm sau đó, nhân viên FBI dẫn lão về bót nhốt luôn. Năm ngày sau, toàn bộ tài sản của lão bị tịch biên.

 

Vụ lường gạt này coi bộ còn có nhiều bí ẩn. Nhiều người không tin rằng chỉ có một mình Madoff có tội mà còn có nhiều người khác dính líu. Người ta cũng thắc mắc tại sao lão Madoff có thể qua mặt mọi người dễ dàng từ lâu mà không bị phát giác sớm hơn. Mặt khác, có những thân chủ bỗng dưng rút hết tiền đầu tư ra trong thời gian ngắn trước khi Madoff bị bắt; những người này bị nghi ngờ là đã được bật mí mách nước nên nhà chức trách ra lệnh phải giao lại số tiền đã rút.

 

Nạn nhân bị Madoff lừa toàn có cả nhiều ngân hàng từ nhiều quốc gia trên thế giới như Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Ðức, Nhật, những chính trị gia giàu có trong chính giới Mỹ và những hội từ thiện. Madoff dùng phương pháp lừa đảo rất khôn ngoan và khéo léo, cho mức thu lợi về vừa phải nhưng đều đặn để tránh nghi ngờ.

 

Ngày xưa ở Saigon vào những năm 1969, 1970 có phong trào nuôi chim cút, giá cả chim cút cứ tăng lên vùn vụt, đến một lúc nào đó thì chẳng ai mua nữa, người nuôi chim cút đành lôi chúng ra làm thịt rô ti nước dừa xiêm ăn cho đỡ tức. Kiểu lường gạt này tuy đã có từ xưa nhưng vẫn cứ tái diễn và vẫn có người mắc lỡm, trong đó có cả tôi. Tôi biết là quỹ hổ tương có mức độ rủi ro cao nhưng vì nó có khuynh hướng sinh ra lời nhiều, tôi ham, tôi đầu tư vào đó, nên bây giờ mất thì phải ráng chịu vậy.

 

Vào những năm cuối của thập niên 1980, giá nhà ở Toronto tăng vọt ào ào và thay đổi từng ngày; nay giá này mai giá khác, thị trường địa ốc bộc phát, lãi xuất nợ mua nhà trên mười phần trăm, thế mà kẻ bán người mua tấp nập. Tình trạng đó kéo dài chỉ được mấy năm rồi cũng sụp. Giá trị đích thực của căn nhà đó bao nhiêu mới là đúng, không ai có thể nói được. Cho dù nó là bao nhiêu, cho dù nó có vẻ vô lý, nhưng miễn có người ưng thuận mua thì giá đăng bán chính là giá đích thực của thời điểm đó.

 

Xét cho cùng, tình trạng khủng hoảng hiện nay xảy ra một phần lớn cũng vì lòng tham lợi của mọi người và định chế tài chính, đầu tư và tín dụng của chính phủ đặt ra còn có kẻ hở và kém minh bạch. Chính ông Alan Greenspan, Cựu Chủ Tịch Ngân Khố Dự Trữ Liên Bang Mỹ từ 1987 đến 2006, cũng công nhận như thế. Vì chúng ta tham lợi nên mới mang tiền đưa cho những tay quản trị quỹ đầu tư như Madoff đầu tư giùm để kiếm lời và vì định chế tài chánh lỏng lẻo nên những tay quản trị quỹ đầu tư mới lọt qua được các khe hở. Người gánh lấy thua thiệt là khách hàng đầu tư; kẻ trục lợi là những tay quản trị quỹ đầu tư. Trong lúc khách hàng khốn đốn có khi tan gia bại sản vì đầu tư hết vốn liếng vào một chỗ thì những tay quản trị đầu tư mỗi cuối năm đều tự thưởng cho mình những món tiền "bonus" hậu hĩ bất kể đến quyền lợi của khách hàng. Từ năm 2005, ông Alan Greenspan đã lên tiếng cảnh cáo về tính chất phức tạp khó theo dõi và kiểm soát của hệ thống chứng khoán ở Nữu Ước với các giới chức trách nhiệm. Vậy mà nhà nước có nghe đâu để cho dân đen phải khổ, có người tối đi ngủ sáng "bừng con mắt dậy thấy mình tay không".

 

 

Phan Hạnh, Toronto.

No comments:

Post a Comment