Sunday 23 September 2012

Niagara Falls, Những vụ vượt thác (Sưu tầm)


Niagara Falls, Những vụ vượt thác

 
File:BobbyLeachNiagaraFalls.jpg

 Bobby Leach and his barrel after his perilous trip over Niagara Falls, July 25, 1911.

Bạn là cư dân Toronto? Vậy bạn hãy nói thật là bạn đã đi Niagara Falls bao nhiêu lần rồi? Ngoài thác Niagara, bạn đã từng viếng thăm thác nổi tiếng nào khác trên thế giới? Trên thế giới có khoảng 500 thác nước khác cao hơn hoặc rộng hơn thác Niagara. Angel Falls ở Venezuela cao nhất với độ cao 979 m (3.212 ft). Victoria Falls ở Zambia cao 108m và rộng đến 1.7km và được xem là thác đẹp đứng hàng thứ nhì của thế giới. Được xếp hạng nhất là Iguazu Falls của Argentina với bề rộng tổng cộng là 2km với 275 thác con. Và… nói để bạn mừng, thác Niagara của bạn được xếp hạng ba.

 

Niagara Falls cao chỉ khoảng 60 thước và rộng 633 thước nhưng lại được xếp hạng ba nhờ sự kết hợp của chiều cao, chiều rộng, khối lượng nước khổng lồ và nhất là vị trí đặc biệt dễ tiếp cận cho du khách. Theo con số thống kê, Niagara Falls tiếp nhận 28 triệu lượt viếng thăm trong năm 2009. Tại đây, vào mùa hè, du khách có thể chiêm ngưỡng vẽ đẹp của thác ban ngày lẫn ban đêm khi đèn màu chiếu thắp sáng thác đến khuya.

 

Niagara Falls còn được xem là thủ đô trăng mật của thế giới kể từ đầu thế kỷ thứ 20 cho đến nay, là nơi dừng chân viếng thăm ưa thích của nhiều danh nhân quốc tế. Hằng năm có hơn năm mươi ngàn cặp tân hôn chọn Niagara Falls làm nơi hưởng tuần trăng mật nhờ vẻ đẹp lãng mạn đi đôi với những tiện nghi giải trí tuyệt vời. Có những chuyến du ngoạn bằng tàu như Maid of the Mist, Journey Behind the Falls, bằng trực thăng như Niagara Air Tours và bằng đường bộ qua 25 cơ sở chế biến rượu nho, 8 sân cù hạng thế giới, phố cổ mua sắm và kịch nghệ Niagara-on-the-Lake, chưa kể nhiều khách sạn 5 sao và các sòng casino cao cấp.

 

Niagara Falls còn là nơi cho những người liều mạng muốn trỗ tài thực hiện những trò giỡn mặt với tử thần. Họ muốn chinh phục và chiến thắng những dòng nước chảy xiết, thác nước hùng dũng, vùng nước xoáy cuồng nộ hay bờ vực sâu thăm thẳm. Bài viết này đặc biệt nói về những người vượt qua thác. Họ là những người muốn nổi tiếng hoặc chỉ để thỏa ý thích vượt qua thách thức và có khi chỉ vì muốn tự vẫn.

 

Thật khó có thể tin được rằng một người không mang bất cứ món đồ vật bảo vệ nào rớt xuống Thác Canada Hình Móng Ngựa ở Niagara mà sống sót. Ấy vậy mà có xảy ra vài ba lần rồi, một vì tai nạn rủi ro và hai do cố ý muốn tự tử mà không chết.

 

Tai nạn rủi ro

 

Vào ngày 09 tháng Bảy năm 1960, Jim Honeycutt dắt theo hai đức con của một người bạn đồng nghiệp của ông ta, Deanne 17 tuổi và Roger Woodward 7 tuổi, để làm một chuyến đi thuyền dạo chơi trên phần thượng nguồn sông Niagara. Với ý định giúp cho hai đứa trẻ có thể nhìn ghềnh thác một cách rõ hơn, Jim lái ghe tới quá gần chỗ nước chảy mạnh nguy hiểm. Ông quay ghe lại, nhưng động cơ bị trục trặc kỷ thuật hết chạy được và chiếc ghe bị dòng nước mạnh cuốn trôi vùn vụt về hướng miệng thác.

 

Lúc bấy giờ thằng bé Roger đã mặc một áo phao và cô chị Deanne của nó mới vội vàng mặc áo phao vào. Chỉ mấy giây sau, chiếc xuồng nhôm nhẹ hều chở ba người bị nước chảy mạnh lật úp. Jim Honeycutt và cậu bé Roger bị cuốn về phía bờ vực của thác. Cô chị Deanne may mắn hơn được xô vào chỗ cạn gần bờ của Cồn Dê nằm giữa sông. Chỉ cách miệng thác vài thước, mấy người cấp cứu choàng vói tay ra khỏi rào cản an toàn về hướng Deanne trong khi cô bé cũng rướn người vói tay tới. Cô đã được lôi vào bờ an toàn kịp lúc trước bờ vực tử thần.

 

Honeycutt và Roger đã bị quét qua bờ vực. Cậu bé Roger nhẹ nên văng ra ngoài quỹ đạo của thác và đỡ phải bị khối nước khổng lồ nhận chìm sâu. Còn ông Honeycutt đã biến mất trong khối nước 3,000 tấn đổ xuống Horseshoe Falls mỗi giây.

 

Một lúc sau đó, thuyền trưởng của chiếc du thuyền Maid of the Mist khó có thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy một áo phao màu da cam xuất hiện trong đám nước trắng xóa tại chân tháp. Cố lèo lái đưa chiếc tàu chạy bằng hơi nước đến gần hơn, ông thấy rằng cậu bé vẫn còn sống. Một chiếc phao cấp cứu tức khắc được ném ra. Và chỉ trong vòng vài phút, Roger Woodward đã được đưa lên tàu một cách an toàn.

 

Cậu bé Roger là người đầu tiên sống sót tại thác Horseshoe mà không có hộp bọc bảo vệ. Thật không may, người đồng nghiệp của cha cậu, Jim Honeycutt, đã chết trong dòng nước cuồng nộ.  Sông Niagara là một kẻ thù không nhân nhượng. Đối với những người chèo thuyền không thận trọng lẫn những kẻ liều mạng giỡn mặt tử thần, cơ may sống sót hầu như rất thấp hoặc vô vọng.

 

Chuyện chiếc sà lan rỉ sét

 

Tại một khúc sông không xa lắm bên trên miệng thác, du khách có thể nhìn thấy một chiếc sà lan đáy bằng rỉ sét cũ kỹ nằm mắc kẹt nghiêng ngả trong dòng nước siết bên ghềnh đá cạn đối diện với Nhà Kính trưng bày hoa kiểng. Chiếc tàu này đã trơ gan cùng tuế nguyệt ở đấy gần cả trăm năm, nói chính xác ra là kể từ ngày 06 tháng Tám năm 1918. Nó trở thành hình ảnh nhắc nhở già cỗi của một thảm kịch suýt xảy ra và cuộc giải cứu ngoạn mục.

 

Vào ngày xa xưa ấy, chiếc sà lan bằng thép đã được chất lên đầy những đá tảng với hai người đàn ông trên tàu - Gustav Lofberg và James Harris. Chiếc phà nặng nề đang được một chiếc tàu kéo đi ngược dòng nước để lên đoạn sông trên thì giây kéo đứt thình lình khiến cho chiếc sà lan trôi ngược lại. May mắn thay, hai người đàn ông trên phà đã kịp thời nghĩ đến giải pháp mở đáy tàu cho đá đổ xuống và chiếc sà lan đã mắc kẹt dừng lại cách miệng thác 767 m (838 yd) từ bờ vực của thác và hai người đàn ông chơ vơ giữa ghềnh với dòng nước chảy xiết cuồn cuộn.

 

Những nỗ lực cứu cấp tức khắc được thực hiện để giải cứu hai người đàn ông lâm nạn suốt đêm hôm đó và cho đến cuối ngày hôm sau. Cuối cùng một đường giây ròng rọc có phao túi đã được thiết lập. Sau nhiều lần cố gắng ném một đầu giây qua sà lan rốt cuộc giây bị kẹt rối nửa chừng làm cho chiếc phao túi không thể tới sà lan.

 

"Red" William Hill Sr, một người liều mạng nổi tiếng quen thuộc đối với dòng sông Niagara đã tình nguyện phăng người theo đường giây trên dòng nước cuồng nộ để đến chỗ phao bị kẹt và gỡ nó ra khỏi sự tắc nghẽn. Cuối cùng chiếc phao túi cũng đã được đưa tới hai người đàn ông trên sà lan và họ đã được cứu sống.

 

Ngày nay, chiếc sà lan thép rỉ sét trở thành một phần của huyền thoại Niagara và là một địa điểm nghỉ ngơi ưa thích, một giang sơn riêng cho bầy chim hải âu.

 

Niagara không phải là nơi làm trò xiếc

 

Ngày 5 Tháng Bảy năm 1887, Ủy Ban Công Viên Nữ Hoàng Victoria được trao cho thẩm quyền cai quản vùng đất dọc theo vực sông Niagara. Một quyết định đã được thực hiện để giải quyết rất nhiều những bi kịch đã xảy ra tại Thác do từ các trò biểu diễn nguy hiểm và các hành vi giỡn mặt với tử thần. Ủy Ban quyết định cấm những người đi giây thừng và giây cáp không được móc giây vào hai bên bờ vực.

 

Gần đây nhất là năm 1976, Ủy Ban đã cùng với Sở Công Viên và Cơ Quan Bảo Tồn Lịch Sử và Giải Trí Tiểu Bang Nữu Ước nghiên cứu về vấn đề có nên cho phép những người biểu diễn đi bộ trên giây qua Vực Niagara hay không.

 

Khuyến nghị của họ lưu ý rằng mục đích ban đầu để thành lập Công viên Ủy ban Niagara là để loại bỏ bộ mặt và dáng vẻ lễ hội ngày một tăng nơi vùng tiếp giáp với thác.  Sau khi xem xét các hạng mục như phân bổ các nguồn lực, tác động môi trường và an toàn công cộng, cả hai tổ chức đã đồng ý từ chối cho phép những sự kiện này.  Trong tháng 11 năm 1996, Uỷ ban Công viên Niagara đã từ chối đề nghị xây một Skywalk của Jay Cochrane. Gary Burroughs, Chủ tịch Ủy ban, công bố rằng dự án skywalk đó chỉ khuyến khích thêm các cá nhân liều lĩnh vốn không đủ khả năng để thực hiện các pha nguy hiểm hoặc những kỳ công thành tích. Không những họ tạo ra các nguy cơ không cần thiết cho chính họ mà còn cho cả những nhân viên cứu cấp.

 

Ủy ban Công viên Niagara cấm tất cả các loại hình biểu diễn nguy hiểm trên toàn vùng lãnh thổ thuộc quyền cai quản của Ủy ban do Đạo Luật Công viên Niagara quy định. Vi phạm sẽ bị phạt tiền tối đa là $10.000. Cấm hay không cấm, phạt hay không phạt, trước và sau cái lệnh đó, lâu lâu lại có người lao xuống thác.

 

Sau đây là những vụ lao xuống thác được ghi nhận theo thứ tự thời gian, vượt thác bằng thùng hoặc một số thiết bị khác, hoặc chỉ bằng tay không. Một số vụ liều lĩnh giỡn mặt với tử thần này thành công, và những người khác kém may mắn hơn đành bỏ mạng, có khi không tìm được xác.

 

 

1.   ANNIE TAYLOR,  24 tháng 10, 1901 (sống sót)

 

Bà Annie Taylor, một giáo viên quả phụ neo đơn người Mỹ, tuy không còn trẻ nhưng táo bạo nghĩ rằng nếu bà ta làm một chuyến vượt thác Niagara Falls thành công thì sẽ trở nên nổi tiếng và có tiền. Ngày 24 Tháng 10, 1901, đúng ngày sinh nhật 63 tuổi, bà được mấy người khác phụ giúp ràng rịt  vào một cái thùng tô nô. 

 

Một chiếc thuyền nhỏ kéo thùng ra giữa dòng chính của sông Niagara và thùng được thả lỏng để tự trôi đi. Chiếc thùng bị dòng nước cuốn trôi vùn vụt va vào đá hết bên này tới bên kia cho đến khi thùng rơi xuống thác va chạm đánh ầm dữ dội khiến bà Taylor chắc chắn nghĩ đã đập vào đá. 

 

Mười bảy phút sau khi rơi xuống thác, chiếc thùng đã trôi đủ gần bờ bên phía Canada và đã được toán tiếp cứu dùng sào dài có móc sắt kéo vào bờ.  Bà Taylor bị choáng váng nhưng đã chiến thắng và trở thành người đầu tiên chinh phục được sự hung hãn không tương nhượng của thác Niagara Falls. Bà đã đạt được sự nổi tiếng mà bà đã quyết tâm đi tìm một cách tuyệt vọng. 

 

Nhưng tiền bạc thì hơi khó nắm bắt hơn một chút. Tay quản lý Frank M. Russell của bà đã cuỗm cái thùng tô nô lịch sử trốn đi mất. Bà phải bỏ gần hết gia tài ra thuê các thám tử tư truy tìm hắn. Hai mươi năm sau khi đùa giỡn với cái chết tại Niagara, bà đã chết già trong thiếu thốn. Trong bức ảnh, bà Taylor chụp cùng với con mèo của bà mà trước đó bà đã dùng nó làm vật thí nghiệm thả nó trôi xuống thác trong một thùng nhỏ và không bị hề hấn gì.

 

2.   BOBBY LEACH,  25 tháng 7, 1911 (sống sót)

 

Bobby Leach là một diễn viên chuyên biểu diễn các pha nguy hiểm (stuntman) cho một đoàn xiếc ở Cornwall, Anh quốc. Làm cách nào ông tới Niagara Falls không ai biết. Ông dự tính thực hiện ba màn biểu diễn thách thức:

Một là ngồi thùng rơi xuống thác, hai là ngồi thùng trôi sông qua vùng nước xoáy Whirlpool, và ba là nhảy dù từ cầu treo xuống sông.

 

Vào mùa hè năm 1910, ông ra sức thực hiện màn biểu diễn đầu tiên của mình, nhưng đã bị mắc kẹt trong dòng xoáy Whirlpool và đã được giải cứu. Thế rồi ông đã thành công một chuyến rơi xuống thác trong một thùng thép vào ngày 25 Tháng Bảy, 1911, nhưng sau đó đã phải trải qua 23 tuần trong bệnh viện hồi phục do bị gãy xương hàm và hai xương bánh chè đầu gối và các chấn thương khác.

 

Chưa ngán, ông trở lại Niagara Falls trong thập niên 1920 cho màn diễn cuối cùng của ông: nhảy dù xuống cầu treo Thượng. Tin đồn rằng ông đã không nhảy dù từ cầu mà là từ máy bay và gió tạt buộc ông phải đáp xuống một ruộng bắp ở Canada. Mười lăm năm sau đó, trong một chuyến du hành diễn thuyết ở New Zealand, ông trượt chân trên một vỏ cam, bị gãy chân và chết ngày 26 Tháng Tư, 1926 vì biến chứng hoại tử do chấn thương gây ra.

 

 

3.   CHARLES STEPHENS,  11 tháng 7 năm 1920 (chết)

 

Người liều mạng kế tiếp thử vượt thác cũng là một người Anh, Charles Stephens, một người thợ cắt tóc 58 tuổi cư dân Bristol và là cha của 11 đứa con. Ông nổi tiếng với những trò mạo hiểm nhảy dù trên không lẫn lặn dưới nước ở Âu châu, nổi tiếng đến độ người ta gán cho ông nặc danh là Demon Barber of Bristol.

 

Ngày 11 tháng Bảy năm 1920, Bobby Leach, vốn đã có kinh nghiệm lao xuống thác và suýt bỏ mạng, khuyên Stephens không nên vội mạo hiểm khi chiếc thùng gỗ chưa được hoàn thiện. Stephens từ chối không nghe vì nghĩ rằng Leach không muốn ông cũng sẽ lao xuống thác thành công và nổi tiếng như Annie Taylor và Bobby Leach. William Hill "Red" Sr., nhân viên cứu nạn nổi tiếng nhất ở Niagara Falls, cũng đề nghị với Stephens là hãy thử thả cái thùng trống không trước đã xem nó có chịu nổi sức va chạm không, nhưng Stephens cũng không nghe.

 

Thùng gỗ sồi rất nặng. Stephens vào nằm trong thùng, hai cánh tay ràng chặt vào vách thùng, hai cổ chân cũng xỏ vào neo sắt như một thứ nịt an toàn. Leach và Hill Sr đứng nhìn trong sự ngạc nhiên và kinh hoàng. Charles Stephens là một người đàn ông cứng đầu, ăn mặc không đủ dầy và không có khả năng chống thấm nước, cũng không chịu mang theo một bình dưỡng khí nhỏ người ta đưa cho.

 

Stephens rơi xuống vực lúc 8:55 am. Khi chiếc thùng làm bằng gỗ sồi nặng của ông ta chạm đập mạnh xuống mặt nước, sức va chạm dữ dội khiến nó bị vỡ tan. Stephens bị rơi ra ngoài và chìm lĩm xuống đáy nước sâu cả 50 thước. Ông đã chết mất xác và sau đó người ta chỉ vớt được có mỗi một cánh tay có xâm hàng chữ "Forget Me Not Annie" của ông. Annie chính là tên vợ ông.

 

Cánh tay của Stephens được chôn cất trong một ngôi mộ không đánh dấu tại Nghĩa trang Drummond Hill ở Niagara Falls, Ontario. Charles Stephens trở nên nổi tiếng là người làm trò liều (stunter) đi thùng xuống thác đầu tiên bị thiệt mạng.

 

Vào năm 1991, người con duy nhất còn sống sót của Stephens là Viola Cogan, 81 tuổi, đến thăm lại Horseshoe Falls. Lúc 10 tuổi, bà Cogan cũng có mặt vào năm 1920 khi cha bà lao mình xuống thác tìm cái chết.

 

 

4.   JEAN LUSSIER,  04 tháng 7 năm 1928 (sống sót)

 

Jean Lussier, 36 tuổi, nguyên quán Quebec, trú quán New Hampshire nghe tin Charles Stephens vượt thác bằng thùng gỗ và chết, cho nên muốn thử một phen.

 

Với sự trợ giúp của công ty Akron Rubber Company, ông dùng số tiền dành dụm 1.500 Mỹ kim để thiết kế một thiết bị hình cầu bằng cao su 6 ft. kết hợp bởi 32 ruột bánh xe hơi và một khung thép hai lớp. Bên trong có bình dưỡng khí đủ dùng cho 40 giờ đề phòng trường hợp bị chìm. Quả cầu có đáy bằng cao su cứng nặng 68 kí.

 

Một đám người xem, được ghi nhận là một trong số đông nhất từ trước đến giờ, tụ lại để chứng kiến cú biểu diễn này ngày Độc Lập Hoa Kỳ 04 Tháng Bảy 1928.

 

Quả bóng gặp phải một số va chạm vào đá ghềnh làm cho đáy cao su dầy bị tét và một số ruột bánh xe nổ, nhưng sự vượt qua thác kết thúc một cách hoàn hảo. Khoảng một giờ sau khi chui giam mình vào quả bóng, Lussier bước lên bờ nguyên vẹn an lành không có điều gì tệ hại xảy ra. Trong nhiều năm, ông trưng bày quả bóng đó tại Niagara Falls và bán những mảnh ruột cao su nhỏ cắt ra từ quả bóng cho du khách giữ làm kỷ vật lưu niệm với giá 50 xu một mảnh.

 

 

5.   GEORGE STATHAKIS, 04 tháng bảy năm 1931 (chết)

 

Ngày 4 tháng 7 1931, George Stathakis, một đầu bếp Hy Lạp độc thân, 46 tuổi ở thành phố Buffalo, bang New York, đã đi qua thác trong một thiết bị phối hợp bằng gỗ và thép nặng 2.000 pound.  Ông đã sống sót cú rơi xuống thác nhưng rồi chết khi mắc kẹt sau bức màn nước trong suốt 22 giờ.  Ông chỉ có đủ dưỡng khí cho ba giờ đồng hồ.

 

Ông hy vọng rằng doanh thu mang lại sau chuyến vượt thác sẽ có thể đủ cho ông trang trải chi phí  xuất bản một cuốn sách ông viết dựa trên những kinh nghiệm siêu hình.

 

Với sự giúp đỡ của một số người bạn, George chế tạo một thùng lớn làm bằng gỗ và thép dài 10 ft. và hơn 5 ft. đường kính. Trước đó Red Hill Sr đã cảnh cáo George là chiếc thùng quá lớn và quá nặng, nặng gần một tấn. Vào ngày 4 tháng Bảy năm 1930, George Stathakis cùng với con rùa anh nuôi và đặt tên Sonny cùng lao qua thác. Thùng to nặng cồng kềnh tương đối còn nguyên vẹn, nhưng thay vì trôi ra khỏi thác như dự tính, nó đã bị nhốt phía sau thác trong hơn hai mươi tiếng đồng hồ. Khi cuối cùng thùng đã được toán cứu cấp vớt lên bờ,  George Stathakis đã chết, dường như vì ngạt thở. Con rùa Sonny, con vật cưng của ông, được cho là có tuổi thọ 150 tuổi, đã sống sót một cách thần kỳ.

 

Trong tất cả các thùng đã đi qua thác, thùng của George Stathakis là thùng duy nhất bị kẹt sau bức màn nước. Có lẽ chiếc thùng đồ sộ mà ông Stathakis nghĩ rằng nó sẽ bảo vệ ông khỏi bị tổn hại, hóa ra nó đã góp phần gây ra cái chết của ông.

 

 

6.   RED HILL JR.  Ngày 06 tháng 8 năm 1951 (chết)

 

Trong suốt một khoảng thời gian 20 năm dài, không có ai lao xuống thác. Thế rồi vào ngày 5 tháng 8, năm 1951, William Hill, Jr, đã quyết định làm một cuộc thử thách. Ông đã sống trong cái bóng của cha ông, William Hill, Sr, một người có vận mệnh gắn liền với dòng sông và thác Niagara nổi tiếng, người đã máy lần vượt qua ghềnh Niagara trong thùng có nắp kín và từng cứu sống rất nhiều người gặp nạn trên sông này.

 

Theo vết chân của “Red” Hill cha, "Red" Hill con cũng có máu phiêu lưu gan dạ liều lĩnh, cũng đã từng thực hiện ba chuyến đi thông qua các ghềnh giống như cha, nhưng không bao giờ làm ra tiền và cũng không nhận được sự nổi tiếng mà ông nghĩ rằng ông xứng đáng nhận. Cuối cùng, ông quyết định lao xuống thác để tạo tên tuổi cho chính mình.

 

Khoản tiền giới hạn không đủ để cho ông làm một thùng thật tốt như ý ông mong muốn. Thay vào đó, ông dùng 13 ruột bánh xe hơi cột dính lại với nhau bằng giây và bọc gói tất cả lại bằng lưới đánh cá làm thành một món xệu xạo coi bộ chẳng chắc chắn tí nào. Ông gọi nó là "The Thing". Ngày 5 tháng 8, năm 1951, ông bước vào con sông thượng nguồn. Sau hai tiếng đồng hồ, cuối cùng ông đã đi qua thác. Tuy nhiên, "The Thing" của ông không đủ mạnh để chịu đựng nổi tính hung hãn cuồng nộ của thác Niagara. Nó vỡ  ngay dưới sức mạnh của khối nước khổng lồ đập xuống ầm ĩ. Phải mất hai phút các mảnh bể của nó mới trồi cả lên mặt nước, trừ cái xác của ông. Mãi tới sáng hôm sau, nhân viên cấp cứu mới tìm thấy.

 

Cái chết của “Red” Hill con khiến cho công chúng phẫn nộ. Họ phản đối kịch liệt những vụ vượt thác và đòi hỏi nhà chức trách phải ngăn cấm triệt để và phải xem các trò liều mạng đó là bất hợp pháp.

 

 

7.   NATHAN BOYA, 15 tháng Bảy năm 1961 (sống sót)

 

 William Fitzgerald, bí danh Nathan Boya, 30 tuổi, cư dân New York, trở thành người Mỹ gốc Phi châu đầu tiên vượt qua thác Horseshoe Falls vào ngày 15 tháng Bảy, năm 1961. Boya lao xuống thác trong một quả cầu lớn bằng cao su 6 ft đường kính. Ông ta chỉ bị xây xướt và vết bầm nhẹ và ngoan ngoãn nộp món tiền phạt 113 Gia kim.

 

Nathan Boya vượt thác mà không nhằm mục đích theo đuổi danh tiếng và tài sản. Lý do duy nhất: thấy người ta làm, anh cũng muốn thử chơi vậy thôi. Thùng vượt thác của anh cũng hình quả cầu - tương tự như quả bóng cao su Jean Lussier đã dùng vượt thác thành công vào năm 1928.

 

Tuy nhiên, quả bóng của Nathan Boya là một quả cầu thép bọc trong cao su sáu lớp, trên đó là một tấm kim loại và sau đó một lớp cao su. Thừa hiểu rằng quả bóng kín sẽ giữ không đủ không khí để thở, Nathan mang theo một bình chứa dưỡng khí  cung cấp đủ oxy cho 30 giờ.

 

Thậm chí anh cũng đã gặp gỡ Jean Lussier và được Lussier đề nghị nên bổ sung nguồn dưỡng khí bằng một thiết bị gọi là rebreather giúp loại bỏ carbon dioxide độc hại. Chuyến vượt thác của Nathan tưởng đâu trở thành tồi tệ bởi vì, khi trôi trên dòng sông, quả bóng lúc đầu bị luồng nước lôi về hướng thác American Falls chứ không phải là Horseshoe Falls Canada. Như chúng ta biết, dưới chân thác American toàn là đá tảng, rơi xuống đó chỉ có chết nát xương.

 

Sau khi được kéo về Horseshoe Falls, chiếc thùng quả bóng của Nathan, đặt tên là Plunge-O-Sphere (với một biểu ngữ ghi “Step from your Pit of Darkness, into the Light-Dell” (bước từ hố tối vào lỗ sáng) lao xuống mí thác. Ngoại trừ một vài va chạm vào đá làm quả bóng móp méo chút đỉnh, Nathan và chiếc thuyền của anh hầu như không bị một tổn thương nào đáng kể. Anh bị bị phạt $ 100 và phải trả $ 13 chi phí tòa án vì vi phạm Đạo luật của Niagara Parks cấm làm trò vượt thác bất hợp pháp mà không có giấy phép. (Thật ra kể từ sau cái chết của William Hill Jr. và luật cấm đã trở thành có hiệu lực, chính quyền sở tại có cho phép ai dở trò biểu diễn giỡn mặt với tử thần đâu).

 

Bí danh William Fitzgerald của Nathan Boya một phần nào đã làm cho anh ta trở thành một người đàn ông bí ẩn. Trong khi anh tuyên bố anh sống bằng nghề tự làm chủ, có báo cáo cho biết anh làm việc một nhân viên bảo trì tại trụ sở chính của IBM ở New York. Sau đó ông trở thành một tiến sĩ xã hội học và lấy bằng hậu tiến sĩ y sinh học.

 

8     KAREL SOUCEK, 2 tháng Bảy, 1984 (sống sót)

 

 Phải mất thêm 23 năm mới có một kẻ liều mạng khác muốn can đảm khuất phục thác Niagara, và đó là một người Canada tên Karel Soucek năm 1984. Giống như người vượt thác thành công 23 năm trước, Karel đã cưỡi sóng dữ ghềnh thác Niagara và sống sót để nói về nó, nhưng sự hồi hộp tối thượng vẫn là nhào xuống thác.

 

Một năm trước ngày hành động, Soucek soạn kế hoạch kỹ lưỡng và tuyên bố trước cho mọi người biết. Chiếc thùng của Soucek  được chế tác từ gỗ nhẹ và nhựa với trọng lượng dằn ở đáy thùng để bảo đảm chắc chắn là chân anh sẽ đi xuống trước. Anh mang theo một máy liên lạc hai chiều để có thể nói chuyện với người trên bờ  trong lúc vượt thác là phần nguy hiểm nhất có thể mất mạng như chơi và đặc biệt là trong cơn nguy cấp lỡ khi anh bị kẹt sau khi đã rơi xuống độ sâu sau màn nước.

 

Theo như báo cáo, báo cáo anh đã đi qua thác ở vận tốc 75 mph (120 kph) và sau đó bị nhồi xốc lình bình trong vùng nước và đá dưới chân thác trong 45 phút. Chấn thương duy nhất anh nhận lãnh chỉ là những vết cắt nhỏ trên  mặt gây ra do sự cọ xát từ chiếc đồng hồ đeo tay của chính anh - cánh tay anh đã vung dữ dội khi chiếc thùng chạm mặt nước.

 

Một khi đã được kéo vào bờ, thùng của anh đã bị cảnh sát tịch thu, và anh bị buộc tội chơi trò nguy hiểm không có giấy phép. Soucek bị phạt tiền 500 $. Năm sau đó, Karel đã bị tử nạn trong lúc thực hiện một màn biểu diễn rơi tự do bằng một chiếc thùng từ vòm mái cầu trường Astrodome ở Houston xuống một thùng nước 10 feet (3 mét) đường kính.

 

9     STEVE TROTTER và LORI MARTIN, 1985 và 1995 (sống sót)

Steve Trotter là một người phục vụ bar rược bán thời gian 22 tuổi khi anh vượt thác trong một cái thùng. Đó là ngày 18 tháng 8 năm 1985. Anh làm chiếc thùng vượt thác của anh bằng cách ghép hai thùng đựng dưa muối Hy Lạp với nhau. Nó được gia cố bằng sợi thủy tinh và gỗ và được đệm bằng các ruột bánh xe . Anh đệm bên trong bằng các vật liệu mà quân đội sử dụng để đóng gói các đầu đạn hạt nhân. Chứa trong thùng, anh có một máy liên lạc hai chiều và một bình dưỡng khí của thợ lặn.

 

Sau khi được bạn hỗ trợ thả cách thác 400m phía thượng nguồn, Steve đã trôi qua thác và sống sót. Anh là người trẻ nhất đi qua thác từ trước đến bấy giờ. Mười năm sau, vào Ngày Từ Phụ (Father’s Day) 1995, Steve đã đi qua thác một lần nữa, trở thành người thứ nhì đi qua thác hai lần và sống sót.

 

Tuy nhiên, trong lần sau anh chở thêm một người khác. Lori Martin là người đi thay thế cho một người bạn khác rút lui trong phút cuối. Lần này, chiếc thùng được làm bằng hai thùng nấu nước hàn lại với nhau và tráng vách bên trong với chất sợi nhựa nhân tạo Kevlar rất chắc chắn, và họ được trang bị một bình dưỡng khí đủ cho hai người dùng trong vòng một giờ 20 phút.

 

 Theo báo cáo, một chủ ngân hàng đầu tư ở Florida đã bỏ tiền ra tài trợ phí tổn chiếc thùng trị giá 19.000 $. Ngoại trừ một lúc ngắn chiếc thùng của họ bị mắc kẹt trong một khe đá gần vị trí của tour du lịch mang tên “Journey Behind the Falls”, chuyến đổ thác của họ hoàn toàn yên ổn. Họ đã được giúp đỡ đưa lên bờ và chiếc thùng của họ đã được lấy lên chín ngày sau đó. Steve bị phạt tù hai tuần lễ và phạt tiền $5.000. Đối tác của Steve trong vai hành khách của chuyến đi kỳ thú, Lori Martin, chỉ bị phạt tiền $2.000.

 

10 DAVID MUNDAY, 1985 và 1993 (sống sót)

 

Dave Munday quyết định thử vượt thác Niagara một chuyến năm 1985. Ông là một thợ máy 48 tuổi và đã đi qua thác trong một thùng thép, trở thành người thứ mười vượt thác thành công còn sống.
 

Thùng tròn Munday dùng đi qua các Horseshoe Falls vào năm 1985. Hình của Niagara Falls Public Library và George Bailey.

 
Năm 1990, ông đã cố gắng một lần nữa. Thùng của ông bị mắc kẹt ở bờ vực của thác và đã được gỡ  bằng cần cẩu của cảnh sát khu Niagara. Không bao giờ bỏ cuộc một cách dễ dàng, Dave đã cố gắng đi qua thác một lần nữa vào năm 1993. Lần này ông đi trong một thùng thép đỏ và trắng với hàng chữ "Dave Munday thách thức Niagara Falls cho lần cuối cùng" được vẽ trên mặt thùng. Ông cũng mang theo máy liên lạc hai chiều nhưng không dùng bình dưỡng khí.

 

Ông được đưa ra dòng sông ở cùng một vị trí mà ông đã làm trong năm 1985 và đã đi qua thác trong vòng hơn sáu phút. Tuy nhiên toán cứu cấp phải mất 45 phút mới tháo được bốn cái bù lon  và mở thùng để đưa ông ra ngoài. Thế là ông đã sống sót một lần nữa và trở thành người đầu tiên đi qua thác hai lần mà vẫn sống sót.

 
 

11 PETER DEBERNARDI và JEFFREY (CLYDE) PETKOVICH, 1989 (sống sót)

 

Năm 1989, Peter Debernardi, 42 tuổi, và Jeffrey (Clyde) Petkovich, 25 tuổi, trở thành đội đầu tiên đi qua thác chung trong một thùng xi lanh. (Nên nhớ rằng, Steve Trotter và Lori Martin mãi đến năm 1995 mới đi chung với nhau).

 

Năm trước đó một cặp khác, Michael Viscosi và Harry Kallet đã thử, nhưng thùng của họ bị vô nước và họ đã phải được giải cứu trước khi lao xuống thác nên không kể. (Dù vậy, họ vẫn phải trả 20.000 USD tiền phạt và chi phí pháp lý.)

 

Nằm trong thùng mặt đối mặt và đội mũ bảo hiểm khúc côn cầu, hai người Canada đã đi qua thác trong một chiếc thùng rộng 5 ft (1.5x3m) dài 10-foot.

 

Họ hoàn tất chuyến thử thách tương đối không bị tổn thương gì. Chuyến vượt thác của họ nhằm mục đích gì? Họ muốn đưa ra một tuyên bố chống ma túy - để cho giới trẻ thấy rằng trên đời còn có những điều tốt hơn để làm thay vì đi vào con đường nghiện ngập.

 

12 JESSE W. SHARP, 05 tháng Sáu năm 1990 (chết)

 

 Năm 1990, Jesse Sharp, một cư dân Ocoee, Tennessee 28 tuổi, đang thất nghiệp, nguyên là một tay chèo thuyền độc mộc giàu kinh nghiệm. Để chuẩn bị cho chuyến vượt thác Niagara, Jesse thực tập đổ thác trong dãy núi Smokey gần quê nhà.

 

Jesse muốn thử thời vận để trở thành một tay diễn các trò nguy hiểm chuyên nghiệp nên quyết định sẽ đi qua Niagara Falls bằng chiếc xuồng kayak 3,6 m của anh. (Niagara được coi là loại ghềnh cấp 6.)

 

Mười năm trước đó, anh đã định thực hiện chuyện đó, nhưng cha mẹ anh không chấp nhận nên họ đã báo cảnh sát và thế là anh bị cảnh sát ngăn chận. Lần này, điều đó đã không xảy ra. Jesse có ba người khác hợp tác quay video màn biểu diễn này, và anh không đội nón an toàn bởi vì nó sẽ che khuất khuôn mặt của anh trong video. Anh cũng không đeo phao cứu sinh vì nghĩ nó có thể gây vướng víu khó khăn cho anh thoát ra khỏi thuyền kayak trong trường hợp anh bị mắc kẹt dưới thác. Anh rất tự tin nên đã đặt giữchỗ trước cho bữa ăn tối ở hạ nguồn vì anh dự định sẽ tiếp tục cưỡi ghềnh Niagara sau khi qua thác thành công. Nhưng anh đã chết và thi thể của anh mất tích chưa hề được tìm thấy.

 

 

13 ROBERT OVERACKER năm 1995 (chết)

 

Có lẽ người ta không chịu theo dõi lắng nghe tin tức, hoặc nếu có, họ không tin những gì họ nghe. Trong năm 1995, năm năm sau khi Jesse Sharp chết mất xác khi đi qua thác trong một chiếc xuồng kayak, Robert Overacker quyết định thử vượt qua thác bằng một xe trượt tuyết.

Overacker 39 tuổi, đã tốt nghiệp một trường dạy diễn trò nguy hiểm ở California, từng tham dự những cuộc đua xe ô tô tại Ventura Raceway. Ông cũng bán xe Ăng lê kiểu xưa.

Bạn bè cho biết ông đã dự tính màn diễn này từ bảy năm trước. Lý do? Thu hút sự chú ý của công chúng cho những người vô gia cư. Chiếc ski jet của ông có dán hàng chữ  "Save the homeless”, Cứu người vô gia cư.

Kế hoạch của ông tương đối đơn giản. Ông mang trên lưng một thiết bị điều khiển tự động mà khi tới mé thác ông bấm nút kích hoạt cho chiếc dù bung ra giúp ông đáp xuống mặt nước tránh được sức va chạm mạnh. Ông sẽ rời khỏi chiếc xe trượt tuyết nặng nề và nổi trôi một cách an toàn xuống khoảnh chân thác Maid of the Mist mù mịt hơi nước. Tuy nhiên, dù đã triển khai, Robert đã rơi 180 feet (55 mét) xuống dưới chân thác. Cảnh sát tại hiện trường cho biết sự chạm xuống mặt nước như thế cũng giống như chạm xuống nền xi măng. Thi thể của ông được nhân viên trên chiếc du thuyền Maid of the Mist vớt lên.

 

14 KIRK RAYMOND JONES, 03 tháng Mười năm 2003 (sống sót)

 

Vào ngày 03 tháng Mười năm 2003, Kirk Jones cố ý tung mình rơi xuống thác  mà không có mặc vào người một trang bị bảo vệ dưới bất kỳ hình thức nào và cũng chẳng cần phải chuẩn bị gì cả. Ông chỉ việc leo qua rào cản rồi cứ để nguyên quần áo đang mặc trên người phóng tòm xuống nước đã khá lạnh vào mùa thu. Ông cứ thả ngửa mặc cho dòng nước cuốn đi.

 

Vậy mà kỳ diệu thay, ông ta vẫn sống sót mà không bị thương tích gì, chỉ rơi rêm ba sườn. Nhưng ngay lập tức, ông ta đã bị cảnh sát của Khu Công Viên Niagara bắt giữ và buộc tội dở trò liều mạng.  Jones đã phải trả một khoản tiền phạt lớn khi bị kết tội tại tòa án về tội có hành vi nghịch ngợm ngông cuồng vi phạm Đạo Luật Công Viên Niagara.

 

Jones thừa nhận rằng cú nhảy xuống thác của ông là một ý định muốn tự tử, và xác nhận ông dùng sự chú ý rầm rộ của phương tiện truyền thông như là cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời. Trong trường hợp này coi như thác Niagara đã tha mạng cho một người, vì với sức mạnh mãnh liệt của thác, người nào rơi xuống đó thường bị cuốn hút bởi lượng nước khổng lồ xuống độ sâu cả 50m bằng chiều cao của phần thác trên mặt đất.

 

Hồi tưởng lại kinh nghiệm nhớ đời, ông nói rằng nó giống như trôi trong một đường cống khổng lồ đi thẳng xuống với nước mát sạch bao quanh. Có những người tin rằng Jones đã chán nản và ông nhảy vào với ý định tự tử. Các báo cáo khác nói rằng Kirk đã bàn tính chuyện vượt thác trong nhiều năm qua. Ông nói rằng ông nghĩ nếu ở vào một vị trí thuận lợi, người ta có thể nhào xuống thác và vẫn sống sót. Jones chưa bao giờ hoàn toàn bác bỏ tin đồn anh muốn tự tử. Các nhân chứng nói rằng sau khi rớt xuống thác, ông bơi đến một tảng đá và từ chối đề nghị giúp đỡ của một chiếc tàu chở du khách. Sau đó ông tự mình tìm cách lên bờ.

 

Trong khi Kirk không phải là người đầu tiên rơi xuống thác không có biện pháp bảo vệ an toàn mà vẫn sống sót, ông là người đầu tiên làm như vậy do sự cố tình. Sau cú sống sót ngoạn mục này, Kirk Jones đã được mời làm việc với một rạp xiếc ở Texas như một "diễn viên đóng thế lớn nhất của thế giới", kiếm được khá nhiều tiền qua các cuộc nói chuyện về chuyến vượt thác thành công của mình mà không cần thiết bị an toàn nào cả.

 

15 Mr. Y, 11 tháng Ba 2009 (sống sót)

 

Vụ nhảy xuống thác gần đây nhất xảy ra vào ngày 11 tháng Ba năm 2009. Một người đàn ông khoảng tuổi 30 không rõ tên đã nhảy xuống Niagara Falls và sống sót. Anh ta còn từ chối sự giúp đỡ của nhân viên cứu cấp mặc dù lúc đó đã gần như bất tỉnh nhưng sau cùng đã được đưa đến bệnh viện.

Cảnh sát trưởng Niagara Doug Kane cho biết nạn nhân bị giảm thân nhiệt và bị chấn thương đầu. Nên nhớ nước thác trong tháng Ba còn rất lạnh vì nước gần như đóng băng. Trước đó, một nhân chứng gọi cảnh sát báo cáo có một người đàn ông đã trèo qua rào ngăn và nhảy xuống ghềnh phía trên Horseshoe Falls.

 

Toán cứu hộ dược huấn luyện đặc biệt cố gắng giúp người đàn ông, nhưng anh ta cố bơi xa họ về phía giữa sông. Một phi cơ trực thăng tư nhân được gọi đến và nhân viên cấp cứu phải mất 45 phút mới đưa anh ta được vào bờ và chở đi bệnh viện. Rõ ràng đây là một vụ tự tử nhưng thất bại. Tên người tự tử chỉ được biết một cách vắn tắt là Mr. Y.

 

Niagara Falls bị gán cho biệt danh là kinh đô tự tử của Hoa Kỳ, chỉ đứng kế sau cây cầu Golden Gate ở San Francisco. Các chuyên gia ước tính có khoảng từ 20 đến 25 vụ tự tử tại Niagara Falls mỗi năm. Năm 1996, nhà sử học Paul Gromosiak biên soạn một danh sách của 2.780 vụ tự tử được biết đến từ năm 1856 đến năm 1995. Năm 1991, Tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ đưa một báo cáo đầy đủ 60 người thiệt mạng tại thác từ năm 1978 đến năm 1988. Trong số đó, 59% là nam giới và 41% là phụ nữ. Độ tuổi trung bình của phụ nữ là 38, và đối với nam giới là 39. Theo tờ báo địa phương The Niagara Falls Reporter, ngày lễ Memorial Day hàng năm theo truyền thống đánh dấu sự khởi đầu của mùa tự tử.

 

Nhưng bạn đừng lo, chẳng có ai trong số những người nhảy thác tự tử vì thua bạc cháy túi cả và hầu hết đều là người Mỹ. Dân Canada hiền khô và yêu đời mà.

Lần tới có đi Niagara Falls, bạn chịu khó qua Cầu Mống (Rainbow Bridge) qua bên phía Mỹ xem Viện Bảo Tàng, không phải về Thuyền Nhân VN với một chiếc ghe vượt biển, mà là về những người liều mạng vượt thác Niagara. Địa chỉ của Viện Bảo Tàng này là

Daredevil Museum of Niagara Falls

303 Rainbow Blvd

Niagara Falls, NY

 

Nơi đây trưng bày một cách biên niên sử khá đầy đủ hình ảnh, bản tin báo chí tường thuật và một số thùng phuy hơặc các dụng cụ khác mà các tay liều mạng dùng để thực hiện những cú nhào xuống thác ngoạn mục có khi chết người như đã kể trên.

 

 
Phan Hạnh.

 
Nguồn tham khảo:







 

 

No comments:

Post a Comment