Wednesday 6 February 2013

Từ cháu lên ông (Tùy bút)


Từ cháu lên ông

Cuộc đời qua nhanh như câu chuyện Ống Chỉ Thần, sợi chỉ thời gian qua rồi không quấn lại được. Nhớ mới hồi nào tôi còn là thằng bé nhà quê luôn luôn sẵn sàng khoanh tay cúi đầu thưa gởi mỗi khi chạm mặt ông bà. Bây giờ mon men tuổi bảy chục, tôi đã là ông của một đám cháu, vừa cháu nội lẫn cháu ngoại. Đứa lớn nhất mới mừng sinh nhật 17 tuổi. Tôi nói “Mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, nó chẳng hiểu, hỏi tại sao. Đứa cháu nhỏ nhất cũng đã bắt đầu đi học và biết mắc cỡ với bạn gái, tôi khỏi cần hỏi, nó cũng biết tại sao rồi. Cháu tôi bây giờ không khờ như ông nó hơn 60 năm về trước. Khờ một phần cũng vì bị ông nội ông ngoại tôi đối xử nghiêm khắc nên tôi đâm ra nhút nhát.

Để tôi nhớ lại cái coi nào. Ông nội tôi rất xa cách với con cháu. Nói chung, dường như ông chẳng hề biểu lộ tình thương với đám nhóc. Tuy tôi là cháu đích tôn của ông, ông cũng chẳng dành cho tôi chút ưu tiên nào. Lúc bấy giờ mới năm hay sáu tuổi, tôi không thắc mắc tìm hiểu. Khi lớn khôn hơn, tôi hiểu ra. Ông nội tôi buồn rầu vì thảm cảnh gia đình, tuyệt vọng, tự cô lập và tự hủy diệt bằng men rượu. Để tôi kể cho nghe.

Vào một ngày cuối năm 1945, Má tôi dắt tôi, đứa con đầu lòng mới hai tuổi, về thăm cha mẹ ở ấp Bình Hạnh xã Long Bình Điền quận Chợ Gạo, quê ngoại tôi. Nào ngờ trong thời gian đó, quê nội Bình Phan, Chợ Gạo ngập tràn trong khói lửa chiến tranh. Hai làng chỉ cách nhau chừng năm cây số và một con sông. Quân đội Việt Pháp hành quân càn quét vùng có du kích Việt Minh hoạt động khuấy phá. Hậu quả là một số nhà bị cháy và hàng mấy chục dân làng vô tội bị chết oan giữa hai lằn đạn. Chỉ riêng nhà ông nội tôi có bảy người chết tất cả gồm ông bà cố, bà nội, em bà nội và ba người cô còn nhỏ tuổi. Họ chính là cha mẹ, vợ, em vợ và ba đứa con gái còn nhỏ dại của ông nội tôi.

Nhìn sản nghiệp tiêu tan, bảy người thân chết chôn không hòm mà chỉ quấn chiếu manh, ông nội tôi sống như cái xác không hồn. Bốn năm sau, hòa bình tạm trở về, ông tôi vẫn không nguôi buồn, luôn sống trong nỗi u uất đắng cay. Tiếng cười đùa của trẻ thơ không giúp ông khuây khỏa mà chỉ khiến ông khó chịu. Chúng tôi nhận sự la rầy gay gắt thay vì lời dịu ngọt thương yêu.

Năm 1950, cha tôi đón gia đình lên Sài Gòn sinh sống trong khu nhà sàn ở Bàn Cờ. Đối với Sài Gòn, tôi cũng là dân di cư đó chớ. Trời mưa nước dâng lên gần sát sàn nhà. Gió lay sóng nước hất đám rêu lên hàng ba. Sáng một ngày thức dậy, tôi khoái chí mừng rỡ bắt gặp một con rùa nhỏ bò vô nhà. Có mấy món đồ chơi, tôi lấy ra xếp thành vòng cho con rùa bò ở giữa. Đám nhóc chúng tôi say mê đùa giỡn gây náo động ồn ào. Ông nội tôi từ trong nhà bước ra, nét mặt hầm hầm, lớn tiếng la mắng một chập xong vung chân đá tất cả đồ chơi và cả con rùa xuống nước. Con rùa thì bơi đi; chiếc xe Huê Kỳ bằng sắt mới của tôi thì trở thành tàu lặn chìm nghĩm. Ba năm sau (1953), ông nội tôi lâm bệnh nặng và qua đời khi chưa đầy 60 tuổi, xong một kiếp người và một cuộc đời nhiều đau khổ.

Trước khi di cư lên Sài Gòn, tôi cũng được sống nơi vườn tượt quê ngoại mấy năm, tha hồ ăn trái cây, vậy mà bịnh thì cứ bịnh. Tôi đã là một đứa  khẳng khiu ốm yếu hay đau vặt từ nhỏ. Bịnh nhức đầu ói mửa đeo đẳng suốt đời tôi, xảy ra bất cứ lúc nào. Một lần tôi bịnh ngay trong mấy ngày Tết ở quê ngoại. Tôi nằm bẹp trong buồng trong khi các anh chị họ của tôi đang vui Tết. Bà ngoại khuấy bột mì tinh nấu với đường phèn rồi đút từng muỗng cho tôi ăn và xức dầu lên trán tôi. Bà nói “Con giỏi ăn cho hết bịnh đi. Bà ngoại có cất tiền lì xì cho con rồi, đừng lo. Ông ngoại con cũng có để dành phần kẹo sô-cô-la cho con nữa.”

So với ông nội, ông ngoại tôi hiền từ hơn, dễ chịu hơn và gần gũi với con cháu hơn. Ông sai cháu làm vài công chuyện lặt vặt như đấm lưng, bóp chân, đưa võng, xong ông thưởng kẹp đậu phọng, kẹo bạc hà. Tôi thích được ông sai ra vườn hái trái cây ngon để cúng để sẵn dịp tôi bỏ bụng lai rai vài trái mận, ổi, quít. Mãng cầu, xoài, bưởi bự trái quá, tôi khó lòng thanh toán một mình ngoài vườn nên chỉ còn cách chờ lịnh ông ngoại hạ mâm trái cây cúng xong từ bàn thờ xuống để hưởng xái của ông bà. Có lúc đi ngang qua bàn thờ thơm mùi trái cây chín, tôi lên tiếng nhắc “Trái cây trên bàn thờ chín quá rồi ngoại ơi”, để rồi thất vọng nghe ông đáp “Chín kệ nó! Còn cúng!” Tôi đâu có biết ông chỉ ăn trái cây chín mềm vì một mớ răng ông đã rụng mất rồi. Tôi thì chỉ thích trái cây còn tươi giòn nhai rôm rốp mới đã.

Ông ngoại còn để tóc búi và hay nói chữ nho. Một lần trời mưa đến lúc gần tạnh, hai ông cháu đứng trước hiên nhà nhìn từng hạt mưa từ mái nhà lợp lá rơi xuống nền đất đọng nước nghe tí tách, từng giọt từng giọt trước sau rơi đúng cùng một điểm không suy suyển. Ông nói “Điểm điểm đích đích bất suy vi”. Do cách phát âm miền Nam của ông, tôi nghĩ thầm “Sao ông ngoại nói cái gì có đít ở trỏng cà?”

Ông còn hay nói “Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư. Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư”. Nuôi con trai mà không dạy thì cũng như nuôi con lừa. Nuôi con gái mà không dạy thì cũng như nuôi con heo. Dạy dỗ ông muốn nói ở đây là dạy lễ nghĩa và cách cư xử ở đời. Tuy ông ngoại không giỏi chữ quốc ngữ nhưng với một cái bàn tính bằng gỗ mun, ông rất thành thạo với những con số và những bài toán. Những ngón tay để móng dài của ông búng các hạt của bàn tính cứ thoăn thắt thật rành nghề. Vào buổi tối ông hay bắt các cháu đọc cửu chương. Thật uổng công ông, toán là môn học dở nhất của tôi.

Ông ngoại tôi rất ưa quà bánh kẹo Pháp do Ba tôi biếu tặng mỗi khi từ Sài Gòn về thăm nhà. Khi tôi đã rời quê di cư lên Sài Gòn được vài năm và đã khá rành đường sá, mỗi lần ông ngoại từ quê lên chơi, tôi được dịp làm hướng dẫn viên dắt ông ngoại dạo phố phường, tha hồ đía với ông về những gì tôi biết về chốn kinh thành hoa lệ. Ông thích ăn fromage La Vache Qui Rit và chocolat Nestlé, tôi bèn dẫn ông ra tiệm Chà ở đường Catinat cho ông tha hồ lựa mua bánh kẹo Pháp. Không lâu sau, ông ngoại tôi cũng mất vì bệnh khi tôi vừa lên đường nhập ngũ khoác áo lính. Ông chưa kịp nhìn thấy thằng cháu ngoại thân hình gầy gò ốm yếu chỉ cân nặng 42 kí-lô của ông trong bộ đồ trận xộc xệnh vác cây súng trường Garant M1 trong quân trường hát bài Lục Quân Việt Nam Hành Khúc “Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn…”

Đường trường xa nhưng thời gian qua mau như bóng câu qua cửa sổ, thoắt một cái thật nhanh. Các ông bà và tứ thân phụ mẫu đều đã qua đời. Ngày xưa tôi là cháu, bây giờ tôi đã làm ông. Nhưng trong “ông” dường như chất “cháu” thơ ngây hay đùa hay nghịch vẫn còn. Tôi vẫn nhớ những ngày làm cháu, đầu năm xênh xang áo mới mừng tuổi ông bà rồi cha mẹ. Bây giờ mỗi lần tình cờ nghe bài nhạc Mừng Tuổi Mẹ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, tôi lại nghe tim mình rưng rức. Để cho phù hợp với trường hợp của tôi, câu “Mỗi mùa xuân sang… ngày tôi xa Mẹ càng gần” của bài nhạc được tôi hiểu ngược là mỗi tuổi đời qua, ngày tôi về với ông bà càng gần.

Biết thời gian sống chung với con cháu một ngày kia sẽ chấm dứt và tiếc nhớ ngày tháng làm cháu, tôi sống gần gũi với các cháu hơn. Một lần khi được nghe đứa cháu bảo “ông nội là bạn con”, tôi mĩm cười sung sướng. Trong những dịp họp mặt gia đình đông đủ, tôi thường tham dự các trò chơi như đố chữ, Sudoku, Monopoly, Dominoes… với cháu. Thắng được tôi, chúng nó khoái lắm. Thua chúng nó, tôi cũng vui vì được chúng xem như bạn. Tôi muốn sự thân mật ông cháu bây giờ đền bù lại những tình cảm tôi thiếu thốn thuở xưa.

Tôi may mắn có đứa cháu nội ở chung nhà. Trong cái rủi có cái may. Cha mẹ nó sau mấy năm chung sống mới khám phá ra không hợp tánh tình nên hát bài “Thôi nhé mình chia tay” và lập gia đình khác. Cháu tôi không muốn sống với cha mẹ ghẻ nên chọn sống với ông bà. Con nhỏ coi vậy mà khôn. Ông bà đã về hưu nên có thì giờ chiều chuộng cưng lo cho nó như cục vàng. Một mình nó đã sắm hai cây đàn guitar thùng, một guitar điện có ampli, và một cây keyboard. Những hôm cháu đi học về hơi trễ, ông bà ngong ngóng lo, nhìn ra đường trông chờ từng chuyến streetcar ngừng nơi trạm xem cháu có xuống chuyến này không.

Mấy hôm bị cúm hành nằm rệu rạo nơi ghế nệm ở phòng khách, tôi nghĩ dù sao đời mình cũng sắp qua, chỉ thương cho cháu với đường đời trước mặt còn dài, biết có được bằng phẳng không, nhất là với cái tính tơ lơ mơ, không lanh lợi của nó. Hôm nào cháu đi học về biết lên tiếng hỏi “Ông nội bữa nay bớt bịnh chưa” là hôm đó ông nội cảm động rưng rưng thương cho cháu, biết ngày sau đời nó sẽ ra sao. Lần cảm động nhất là dịp lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư hai năm trước đây, cháu đã lên sân khấu đàn và hát một bản nhạc do cháu sáng tác nói về người ông phải xa quê hương để lánh nạn cộng sản.


Cháu nội giống tôi nhiều thứ, chẳng biết như vậy là tốt hay xấu nữa. Nó thích viết lách văn chương, thích vẽ, thích đàn ca… mọi món đều hơn ông nội. Một người là mầm non đầy triển vọng và một người mờ dần trong bóng chiều. Có người đồng điệu sở thích trong nhà để san sẻ chuyện trò cũng vui. Trong bữa cơm chiều, ông cháu hay kể chuyện nhắng nhít rồi cười lên hô hố. Cháu hay kể vài mẫu chuyện xảy ra trong lớp học, một chuyện tiếu lâm; ông thì hay đem những cái ngô nghê của chính mình và của thiên hạ ra đùa. Chẳng hạn như khi nghe chương trình phát thanh dạy nấu món ăn Việt nhắc đến con mẻ (là một thứ gia vị làm bằng cơm nguội ủ kín cho lên men ngấu chua dùng để nấu bún riêu hay giả cầy), cháu hỏi con mẻ là con gì, ông phang luôn: “Con mẻ là vợ của thằng chả!” Vợ tôi vốn không đồng ý việc hai ông cháu cười nói trong bữa ăn, nghe tôi phang nhắng cũng phải cười.

Cháu không nuôi mộng giàu sang phú quý, không coi trọng đời sống vật chất vì cháu có máu tơ lơ mơ giống ông. Cháu cũng biết nói ăn để mà sống chớ không phải sống để mà ăn. Cháu sống bình dị và không ganh đua với người khác nên học hành cho xong bổn phận chứ không cố đứng đầu lớp. Cháu đang học năm cuối bậc trung học, năm tới lên đại học biết nó còn ở với ông bà không. Ông bà thì ngày một già thêm, càng sợ cô độc hơn và càng cần sự có mặt của con cháu hơn. Nhưng cháu có toàn quyền quyết định cuộc đời và tương lai của cháu. Ngày xưa tôi cũng như con chim vừa đủ lông đủ cánh đã tung bay xa gia đình và lo chạy theo cuộc sống riêng cho bản thân. Bây giờ con cháu làm y như vậy cũng là chuyện dĩ nhiên thôi.

Dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, chúng tôi gom về Dallas họp mặt gia đình đủ mặt cặp vợ chồng già, ba người con và sáu đứa cháu. Nhìn chúng quây quần vui đùa với nhau là niềm vui của người ông. Chúng nó biết cách đối xử, ngoan ngoãn và ăn nói lễ phép. Tre già măng mọc, người ông chỉ mong cho các cháu khi lớn lên sẽ có một đời sống an lành sung sướng hơn ông của chúng, cũng như tôi cảm thấy đời mình may mắn hơn đời ông tôi ngày xưa.

HCA.

 

 

 

No comments:

Post a Comment