Sunday 9 February 2014

Gia sản là con đó


 


 Truyện ngắn Phan Hạnh

 


Hình minh họa

 

Sau sáu năm xa cách, tình cờ tôi gặp lại một người bạn lính ở Sài Gòn trong một lần tôi đi phép về thăm nhà vào năm 1970. Hôm đó là một ngày cuối tuần, tôi mượn đỡ chiếc xe Mobilette cũ của cha tôi để đi xem phim và đi ăn quà vặt, một thú vui tôi đã ghiền từ ngày còn đi học.

 

Con đường Nguyễn Văn Sâm của Quận Nhì thủ đô Sài Gòn có lề đường rộng rợp bóng hàng cây me già nên nhiều xe bò viên, bò bía, gỏi đu đủ bò khô cắm dùi ở đấy, sáng sớm xếp ghế bày hàng, đến tối khuya bán hết xong thì thu dẹp. Đối diện bên kia đường là một ngôi biệt thự bệ vệ sơn màu xanh nổi bật.

Tôi tự hỏi tại sao trước đây tôi lại không để ý đến ngôi biệt thự cho đến bây giờ, mặc dầu mười mấy năm trước đó, khi còn là một thằng nhóc, tôi hay đạp xe đạp rảo qua các đường trong khu vực này để bắn me và đổ xí ngầu lác ăn bò viên. Bây giờ, các xe bò viên vẫn còn cho khách chơi trò vừa ăn bò viên vừa hưởng thứ cảm giác hồi hộp của cờ bạc, nhưng tôi không tham dự nữa.

 

Tôi cũng muốn cầm ba hột xí ngầu bằng nhựa gọn trong lòng bàn tay, lắc cho chúng trộn lộn tùng phèo va chạm nhau phát ra tiếng lắc xắc rồi buông năm ngón tay cho chúng rớt xuống cái tô sứ, mong sao chúng ngừng yên với ba mặt sáu, số điểm tối đa, hiện ra. Dù gì bây giờ tôi cũng đã trở thành một sĩ quan, tôi cần giữ gìn tác phong quân đội.

 

Tôi hỏi ông Tàu người Triều Châu bán bò viên: “Cái nhà bên kia đường là của ai vậy chú?”

 

“Nhà của ông Dương Hồng Bá đó!”, ông Tiều (tôi gọi đại tên như vậy cho dễ) vừa dùng cái rây làm bằng sợi đồng vớt những viên bò viên ra khỏi thùng nước lèo và trút ra một hàng tô trẹt năm, sáu cái.

 

“À thì ra vậy!”, tôi chợt nhớ ra. Đọc qua một loạt bài phóng sự trên báo chí Sài Gòn, tôi có nghe danh ông nhà giàu này. Thật ra, tôi có gặp người con tên Dương Hồng Anh của ông nhà giàu đó nữa ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung năm 1964. “Hóa ra nhà của nó đây”, tôi nhủ thầm. Trong những ngày đầu bở ngỡ nơi quân trường, một lần cùng đi làm tạp dịch gặp nhau, hỏi thăm quê quán của nhau, chúng tôi mới biết là hai đứa cùng ở Quận Nhì Sài Gòn. Nó có vẻ mừng rỡ hỏi dồn “Nhà ở đường nào? Học trường nào?”, tôi đáp “Đường Đề Thám. Học trường Hưng Đạo”.

 

- “Biết nhà thờ Tin Lành hôn?”, nó hỏi tiếp.

 

- “Biết chớ! Ngay góc Đề Thám - Trần Hưng Đạo chớ đâu”, tôi rành rẽ sáu câu.

 

- “Mấy năm trước tao hát trong ca đoàn nhà thờ đó đó”, nó khoe.

 

- “Vậy hả? Vậy nhà mầy ở đường nào?”, tôi hỏi. Nhưng thằng Anh chưa kịp trả lời thì cán bộ Thới, trung đội trưởng khóa sinh của tôi, nạt lớn:

 

- “Ê! Hai anh điếc hả? Vào hàng tập họp!”

 

***

 

Thấm thoát ba tháng huấn luyện căn bản ở Quang Trung đã qua, tôi đáp xe lửa đi Nha Trang theo học Khóa 20 Hạ Sĩ Quan Trừ Bị ở Trường Đồng Đế, còn thằng Dương Hồng Anh đi đâu tôi chẳng biết. Mãi cho đến đầu năm nay, hình ảnh nó sống lại trong trí tôi.

 

Loạt phóng sự viết về hai cha con họ Dương Hồng cùng chia sẻ chung niềm đam mê sưu tầm đồ cổ và tranh nghệ thuật. Họ cùng nhau đi nhiều nơi khắp nước để tìm kiếm những bức tranh đẹp nhất cho bộ sưu tầm của họ. Ông Bá đi ra Huế nhiều lần. Con ông đi Nam Vang và Vọng Các đôi ba bận. Những người trung gian không ngớt mang món hàng đến ngôi biệt thự kín cổng cao tường canh chừng cẩn mật này để giới thiệu và thương lượng.

 

Theo báo đăng, vợ ông Bá mất vì bệnh ba năm trước. Người chồng góa bụa hài lòng với cuộc sống bên cạnh đứa con trai duy nhất của ông ngày nay đã trở thành một nhà sưu tầm tranh quí đầy kinh nghiệm. Năng khiếu kinh doanh và tài nhận xét bén nhạy tinh tế của đứa con khiến cho ông vững tin khi hai cha con đi giao thiệp và thương thảo với giới con buôn trong nước lẫn quốc tế. Đọc bài phóng sự, tôi nghĩ “Quái lạ thật! Thằng Dương Hồng Anh tôi gặp ở Quang Trung năm nào chẳng lẽ là người này? Hay chỉ là người khác trùng tên?

 

Họ là hai cha con nhà giàu chia sẻ chung niềm đam mê sưu tầm tranh nghệ thuật. Họ cùng nhau đi khắp các xưởng vẽ của các họa sĩ và tiệm bán tranh khắp nơi trên quê hương Việt Nam để tìm kiếm những bức tranh mà họ cho là giá trị nhất cho bộ sưu tầm của họ. Các bức tranh xưa của nhiều họa sĩ tài danh khác treo đầy trên tường ngôi nhà đồ sộ. Người cha già góa bụa lấy làm hài lòng với đứa con trai duy nhất của ông ngày nay đã trở thành một nhà sưu tập nghệ thuật đầy kinh nghiệm. Năng khiếu kinh doanh và tài nhận xét bén nhạy tinh tế của đứa con khiến cho ông vững tin khi hai cha con đi giao thiệp và thương thảo với giới con buôn tranh mỹ thuật ở các quốc gia lân cận ở Đông Nam Á.

 

Thế rồi năm 1972 ấy, đất nước đắm chìm trong chiến tranh, Bộ Quốc Phòng ban lệnh tổng động viên, nhiều thành phần dân sự chuyên môn được miễn hoãn dịch trước đó đều nhận được lệnh gọi nhập ngũ. Ông Bá đành lòng nhìn người con bị động viên từ giã cha để lên đường cầm súng bảo vệ quê hương. Một thời gian sau, ông nhận được một bức điện tín báo tin con trai yêu quí của ông đã mất tích trong một trận đánh kinh hoàng ở địa đầu giới tuyến. Ông ngồi đứng không yên nôn nóng ngóng chờ  thêm tin tức và lo sợ ông sẽ không bao giờ còn nhìn thấy con trai mình nữa. Nỗi lo sợ của ông đã thành sự thật. Ông được xác nhận là con ông đã chết trong lúc anh cố gắng cứu một đồng đội bị thương. Quẫn trí và cô đơn, ông thẫn thờ đón chờ ngày lễ Giáng sinh sắp tới với nỗi thống khổ buồn đau. Niềm háo hức của hai cha con dự tính trước đó rằng  sẽ vui hưởng một Giáng sinh êm đềm không còn nữa.

 

Vào buổi sáng Giáng sinh, tiếng gõ cửa đã đánh thức ông già đang trong cơn trầm cảm. Khi đi ngang qua những tấm tranh treo trên tường để bước ra cửa, những kiệt tác nghệ thuật đó nhắc nhở ông rằng con trai của ông không bao giờ trở về nữa. Ông mở cửa, một người lính chào ông và trao cho ông một gói lớn. Người lính tự giới thiệu và nói:

 

- "Thưa bác, cháu là một người bạn đồng đội con trai bác. Cháu chính là người mà anh ấy đã tiếp cứu khi anh bị trúng đạn tử trận. Cháu có thể vào nhà thưa chuyện với bác một lúc được không?” 

 

Khi hai người bắt đầu nói chuyện, người lính kể lại rằng con trai ông đã nói với tất cả bạn đồng đội về sự đam mê sưu tầm tranh mỹ thuật của cha con mình. Người lính nói:

 

- "Cháu là một họa sĩ và cháu xin kính tặng bác bức tranh này." 

 

Vốn là người mê tranh, ông nhận lấy và mở gói ngay để xem tranh gì. Giấy gói bóc hết ra để lộ một bức chân dung của con trai ông. Mặc dù không thể xem đó là một tuyệt tác bởi một thiên tài hội họa nhưng bức chân dung nổi bật khuôn mặt người thanh niên với từng chi tiết rất ấn tượng. Cố dằn nén cảm xúc, người đàn ông già nua run giọng tỏ lời cảm ơn người lính và hứa sẽ treo bức tranh trên lò sưởi.

 

 Hình minh họa

 

Sau khi người lính đã chào từ giã ra về, người cha già đơn độc bắt tay ngay vào việc treo tranh. Ông gỡ xuống bức tranh trị giá hàng nhiều chục ngàn trên lò sưởi và treo bức chân dung của con ông thế vào chỗ trống.  Nhiệm vụ hoàn thành, ông ngồi trong ghế bành quen thuộc của mình và trải qua ngày Giáng Sinh chỉ nhìn đi nhìn lại món quà ông vừa được ban cho.

 

Trong những ngày kế tiếp sau đó, tuy biết rằng con trai mình không còn thực sự sống trên cõi đời này nữa nhưng ông được biết con ông sẽ sống mãi trong tim của nhiều đồng đội. Lần lượt ông được kể cho nghe về sự can trường của đứa con thân yêu ngoài mặt trận đã cứu được nhiều mạng người khác trước khi anh bị một viên đạn bắn trúng ngay tim và cướp đi mạng sống của chính anh.

 

Những câu chuyện về lòng dũng cảm của đứa con trai tiếp tục được nhiều người khác kể cho ông nghe; niềm tự hào và sự hài lòng của người cha bắt đầu có thể làm giảm bớt nỗi đau buồn. Bức tranh của con trai sớm trở thành vật sở hữu được ông trân quí nhất và ông không còn thiết tha quan tâm đến các bức tranh khác trong nhà mà các lái buôn tranh quý thèm muốn. Ông tâm sự với hàng xóm rằng đó là món quà lớn nhất mà ông từng nhận được.

 

Mùa xuân sau, ông già lâm bệnh qua đời. Giới nghệ thuật dự đoán rằng vì người con trai duy nhất của ông đã chết, những bức tranh sẽ được bán đấu giá. Đặc biệt là theo di chúc của ông già, tất cả các tác phẩm nghệ thuật sẽ được bán đấu giá vào ngày Giáng Sinh, ngày mà ông đã nhận được món quà lớn nhất. Ngày ấy đã đến và giới sưu tầm nghệ thuật và các lái buôn tranh quý tụ tập để hầu mua được những bức tranh ngoạn mục nhất của ông. Ước nguyện sẽ được hoàn thành trong ngày này khi có người nào đó sẽ tuyên bố "Tôi là người làm chủ những bức tranh quý nhất trong bộ sưu tầm tranh của Dương Hồng Anh."

 

Cuộc bán đấu giá được bắt đầu với một bức tranh không nằm trong bất kỳ bản danh mục nào của viện bảo tàng. Đó là bức chân dung của người con trai của ông già. Người bán đấu giá tuyên bố mở thầu nhưng cả căn phòng đều im lặng. Ông ta hỏi:

 

- "Ai sẽ mở thầu giá 1000$?" 

 

Mấy phút trôi qua, không ai lên tiếng. Từ phía sau của căn phòng, một tiếng nói vang lên:

 

- "Ai thèm quan tâm đến bức tranh đó mà làm gì. Nó chỉ là bức ảnh của con trai lão ta."

 

Một giọng khác gào:

 

- "Hãy dẹp nó đi và hãy chuyển sang những bức tranh đáng quí!"

 

Nhiều người khác đồng tình reo lên:

 

- “Đúng rồi! Dẹp nó qua một bên đi!”

 

Người chủ trì cuộc bán đấu giá nói:

 

- "Không, chúng tôi phải bán bức này trước đã."

 

Xong ông ta hỏi tiếp:

 

- "Bây giờ ai là người sẽ mua bức chân dung này?”

 

Cuối cùng, một người hàng xóm của ông già nói:

 

- "Tôi muốn mua nhưng tôi chỉ có tất cả chưa đủ một ngàn đồng. Ông bán nó cho tôi được không? Tôi quen biết cậu ta, vì vậy tôi muốn mua bức tranh đó.”

 

Người phụ trách cuộc bán đấu giá nói:

 

- “Dưới một ngàn đồng! Có ai trả cao hơn không?”

 

Sau một lúc chờ đợi trong sự im lặng của gian phòng, người bán đấu giá nói:

 

- "Một lần! Hai lần! Xong!"

 

Ông gõ mạnh búa gỗ xuống bàn. Một người háo hức hối:

 

- “Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu đấu giá tranh quí thứ thiệt rồi đó.”

 

Người bán đấu giá nhìn vào khán giả và thông báo rằng việc bán đấu giá đã kết thúc. Sự bàng hoàng vì hoài nghi bao trùm cả phòng.  Một người nào đó lên tiếng hỏi:

 

- "Ông nói kết thúc như vậy là nghĩa gì? Chúng tôi không phải đến đây chỉ vì một bức tranh của con trai ông già mà là vì những bức tranh nghệ thuật trị giá hàng mấy chục ngàn đồng kia kìa! Tôi yêu cầu ông giải thích.” 

 

Người bán đấu giá trả lời:

 

- "Đơn giản thôi. Di chúc của người cha nói là ai mua bức tranh của người con trai ông ta thì nhận được tất cả những bức tranh còn lại."

 

Qua câu chuyện này, chúng ta hãy nghĩ kỹ lại mà xem. Tại sao tác giả lại chọn nó xảy ra vào ngày Giáng Sinh, phải chăng nó mang thông điệp rằng tình thương yêu của người cha (hay Chúa Cha) luôn dành cho người con và niềm vui cao cả hơn hết là khi thấy người con hy sinh mạng sống của chính mình để cứu rỗi được nhiều sinh mạng khác. Và vì tình yêu của người cha (Chúa Cha), kẻ nào chọn người con (Chúa Con) thì sẽ có được tất cả.

 

Phan Hạnh.

Phóng tác theo một câu chuyện Anh ngữ không đề tên tác giả.

 

No comments:

Post a Comment